- Phẩm 01: Song Yếu (Kinh Pháp Cú)
- Phẩm 02: Không Phóng Dật
- Phẩm 03: Tâm
- Phẩm 04: Hoa
- Phẩm 05: Ngu
- Phẩm 06: Hiền Trí
- Phẩm 07: A La Hán
- Phẩm 08: Ngàn
- Phẩm 09: Ác
- Phẩm 10: Hình Phạt
- Phẩm 11: Già
- Phẩm 12: Tự Ngã
- Phẩm 13: Thế Gian
- Phẩm 14: Phật Đà
- Phẩm 15: An Lạc
- Phẩm 16: Hỷ Ái
- Phẩm 17: Phẫn Nộ
- Phẩm 18: Cấu Uế
- Phẩm 19: Pháp Trụ
- Phẩm 20: Đạo
- Phẩm 21: Tạp Lục
- Phẩm 22: Địa Ngục
- Phẩm 23: Voi
- Phẩm 24: Tham Ái
- Phẩm 25: Tỳ Khưu
- Phẩm 26: Bà La Môn
Lưu ý:
Kinh bên dưới bản gốc Việt dịch: HT Thích Minh Châu (câu đầu),
Câu theo sau là phần Thi Hóa của HT Thích Minh Hiếu (chữ nghiêng)
PHẨM A LA HÁN 7
90/ Đích đã đến, không sầu,
Giải thoát ngoài tất cả,
Đoạn trừ mọi buộc ràng,
Vị ấy không nhiệt não.
90/ Vung gươm trí tuệ đoạn phăng
Phiền não chấp thủ lăng nhăng dục tình,
Dứt luân hồi, hết tái sinh
Thế gian còn mãi bài kinh nhiệm mầu.
91/ Tự sách tấn, chánh niệm,
Không thích cư xá nào,
Như ngỗng trời rời ao,
Bỏ sau mọi trú ẩn.
91/ Biết trong huyễn cảnh chiêm bao
Như thiên nga đã bay vào không gian,
Bỏ sau sông núi bạt ngàn
Thiên thanh một cõi, thênh thang hải hồ.
92/ Tài sản không chất chứa,
Ăn uống biết liễu tri,
Tự tại trong hành xứ,
“Không, vô tướng, giải thoát.”
Như chim giữa hư không,
Hướng chúng đi khó tìm.
92/ Liễu tri tứ đại ra vô
Vật chất tham chấp nấm mồ kẻ ngu,
Thong dong khất hoá vân du
Không, vô tướng ấy phép tu vẹn toàn.
Giải thoát, hành xứ lạc an
Như chim tung cánh mây ngàn về đâu?
93/ Ai đoạn sạch lậu hoặc,
Ăn uống không tham đắm,
Tự tại trong hành xứ,
“Không, vô tướng, giải thoát”
Như chim giữa hư không,
Dấu chân thật khó tìm.
93/ Cần chi ăn uống tham cầu
Lậu hoặc đã sạch, nhiệm màu thậm thâm.
Xa lìa huyễn tướng mê lầm
Tự tại hành xứ Phật tâm hiển bày
Chim kia vào giữa trời mây
Khó mà thấy được dấu hài từng không.
94/ Ai nhiếp phục các căn,
Như đánh xe điều ngự,
Mạn trừ, lậu hoặc dứt,
Người vậy chư Thiên mến.
94/Người nào dứt sạch ước mong
Sáu căn lậu hoặc, như đồng ruộng khô.
Chư Thiên dâng cúng đề hồ
Oai nghi nhiếp phục, tế thô viên thành.
95/ Như đất, không hiềm hận,
Như cột trụ, kiên trì,
Như hồ, không bùn nhơ,
Không luân hồi, vị ấy.
95/ Khéo tu như đất không sân
Tín tâm vững trụ ngàn cân không dời,
Luân hồi thôi dứt cuộc chơi
Hồ tâm trong lắng, xa rời thế gian.
96/ Người tâm ý an tịnh,
Lời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy.
96/ Ba nghiệp giữ được lạc an
Chánh trí vận dụng, thường ban pháp mầu,
Con đường giải thoát truyền trao
Sống trong trần tục, một màu tịnh thanh.
97/ Không tin, hiểu vô vi,
Người cắt mọi hệ luỵ
Cơ hội tâm, xả ly,
Vị ấy thật tối thượng.
97/ Bậc giác ngộ sống trọn lành
Xả ly trần cấu lợi danh hững hờ,
Như sen giữa chốn bùn nhơ
Vươn lên toả ngát bến bờ nhuần hương.
98/ Làng mạc hay núi rừng,
Thung lũng hay đồi cao,
La hán trú chỗ nào,
Đất ấy thật khả ái.
98/ Núi rừng hay chốn cô thôn
Thung lũng đồi dốc chẳng còn ngại chi.
A La hán không có nghi
Trú trong thánh địa vô vi nhiệm mầu.
99/ Khả ái thay núi rừng,
Chỗ người phàm không ưa,
Vị ly tham ưa thích
Vì không tìm dục lạc.
99/ Phàm phu phân biệt sắc màu
Sợ nơi hoang vắng, núi cao non ngàn.
Bậc trí hạnh phúc ly tham
Tịnh thanh khả ái, chán nhàm lợi danh.