VỀ BÀI KỆ MỞ ĐẦU TRUNG LUẬN
( MÙLAMADHYAMAKAKÀRIKÀ)
Thích Tâm Thiện
Email: [email protected]
LỜI DẪN
Chúng ta biết rằng Trung Luận là một tác phẩm triết học -biện chứng nổi tiếng của Ngài Nàgàrjuna (Long Thọ) . Thể cách phê bình lý luận của nó được đánh giá là có một không hai trong lịch sử triết học Ấn Độ thời cổ đại. Người ta đam mê phong cách lý luận triết học của Ngài phân lớn là vì đấy là một loại triết học XÃ LY, một loại triết học hướng tâm thức của con người vào thế giới thực tại, xa rời mọi cuồng si vọng tưởng. Và bài kệ mở đầu của Trung Luận đã được nhắc đến như là tên tuổi của triết học Tánh Không (sunyàtà), cũng như người ta thuộc nằm lòng nó như một công án thiền. Tuy nhiên, một vài điểm trong bài kệ mở đầu của Trung Luận thường rất dễbị hiểu nhầm khi dịch từ Hán sang Việt, trong đó kể cả bản dịch của tôi.
Mùa thu năm nay(1999), tôi hân hạnh nhận được một bức thư của HT. Thích Thiện Siêu, một vị trưởng lão uyên thâm về Hán học. Trong thư, Ngài đã chỉ rõ một số điểm lầm lẫn khi chuyển ngữ từ Hán sang Việt ở bài kệ mở đầu của Trung Luận, và Ngãi cũng đã đích thân hiệu chỉnh lại bảy chương đầu trong bản dịch Trung Luận của tôi . Hy vọng tác phẩm này sẽ được tái bản trong một ngày gần đây.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được một tác phẩm Trung Luận hoàn chỉnh bằng tiếng Phạn và bản dịch, chú tiếng Anh của David J. Kalupahana do Ven .Tuệ Hạnh gửi cho. Do đó, tôi khởi sự làm một đối chiếu nhỏ về bài kệ mở đầu của Trung Luận , đồng thời, góp nhặt ý kiến của chư tôn đức ở đây và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
BÀI KỆ MỞ ĐẦU TRUNG LUẬN
Bản Devanagari (nguyên bản)
Anirodham anutpàdam anucchedam asàsvatam, anekàrtham anànàrtham anàganam anirganam, yah pratìtyasamutpàdam prapancopasamam sivam, desàyamàsà sambuddhah tam vande vandatam varam.
Bản dịch tiếng Anh (của David J. Kalupahana)
I salute him, the fully enlightened, the best of speaker, who preached the non- ceasing and the non-arising, the non-annihilation and the non-permanence, the non-identity and the non-difference, the non-appearance and the non-disappearance, the dependent arising, the appeasement of obsessions and the auspicious.
Bản dịch chữ Hán (của Cưu Ma La thập)
Bất sinh diệc bất diệt, bất thường diệt bất đọan, bất nhất diệc bất dị, bất lai diệc bất xuất, năng thuyết thị nhân duyên, thiện diệt chư hý luận, ngã khể thủ lễ Phật, chư thuyết trung đệ nhất.
Bản dịch tiếng Việt (theo bản Hán)
Không sinh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, không giống cũng không khác, không đến cũng không đi; khéo nói pháp nhân duyên, diệt trừ mọi hí luận, con nay kính lễ Phật, bậc thuyết pháp đệ nhất.
Bản dịch tiếng Anh (của Stcherbatsky)
"The perfect Buddha,
The foremost of all teachers I salute,
He has proclaimed
The principle of (universal) relativity.
Is like Blissful (Nirvana),
Quiescence of plurality
There nothing appears,
Nothing has an end,
Nor is there anything eternal
Nothing is identical (with itself)
Nor is there anything differentiated,
Nothing moves,
Neither hither no thither".
Tạm dịch (theo bản tiếng Anh)
Kính lễ Đấng toàn giác vô thượng,
Ngài đã tuyên thuyết
Nguyên lý tương đối của vũ trụ
Như Niết bàn
Vắng lặng mọi sai biệt,
Không có gì biến mất
Cũng không có gì xuất hiện
Không có gì đọan diệt
Cũng không có gì thường hằng
Không có gì đồng nhất( với chính nó)
Cũng không có gì sai biệt
Không có gì di chuyển đến chỗ này hay chỗ kia.
Phần chú thích
Bản dịch đối chiếu ( Sanskrit ? Anh ) này về phân đoạn có nhiều sai khác so với bản Hán dịch của Ngài Cưu Ma La Thập trong Đại chính tân tu đại tạng kinh, ví dụ : bài kệ số một mở đầu Trung Luận được tách ra thành một kệ độc lập; bài kệ thứ ba ( nếu tính bốn câu một bài ) được sắp xếp thành bài kệ thứ nhất của chương một; bài kệ thứ năm trở thành bà thứ hai?..
I. Căn cứ theo chữ Hán
Bốn câu đầu của bài kệ này rất rõ ràng, không có gì để bàn thêm. Vấn đề nằm ở bốn câu sau . Cố nhiên là do bản Hán dịch quá cô đọng , lại khá mơ hồ, nên phần lớn các bản dịch Việt ngữ trước đây, đều dịch nhầm câu: " Năng thuyết thị nhân duyên, thiện diệt chư hý luận, ngã khể thủ lễ Phật, chư thuyết trung đệ nhất ". (theo bản Hán). Câu này, nếu dịch là : " Nếu nêu được nhân duyên này, sẽ diệt trừ mọi hý luận, con nay đảnh lễ Phật, xiển dương Trung đạo đế" (phần lớn các bản dịch cũ đều theo cách này), dịch như thế là không đúng với bản Phạn lẫn bản Hán. Ở điểm này, HT. Thích Thiện Siêu có hiệu chỉnh lại như sau:
Hòa Thượng khẳng định, để dịch đúng bài kệ trên, cần phải nắm rõ ba điểm cơ bản sau:
a/ Về mặt đối từ và ngữ (cụm từ) trong thể kệ chữ Hán, thì năng thuyết (nói một cách khéo léo) đối với thiện diệt (diệt trừ một cách thiện xăo), do đó, câu này phải dịch là: "Khéo nói pháp nhân duyên (pratìtyasamutpàda) , diệt trừ mọi hý luận (prapancopasáma).
b/ Trong chữ Chư thuyết, thì chữ Chư là một đại từ chỉ cho Đức Phật mà không phải là một trạng từ hay danh từ.
c/ Chữ Trung đệ nhất ở đây không hề liên quan gì đến ý nghĩa của Trung Đạo đế hay Trung đạo là đệ nhất nghĩa đế. Do đó, câu Chư thuyết trung đệ nhất phải dịch là Đức Phật là bậc thuyết pháp đệ nhất (trong hàng thuyết giáo). Vì thế , bài kệ này nếu dịch đúng, phải dịch là:" ? khéo nói pháp nhân duyên, diệt trừ mọi hí luận, con nay kính lễ Phật, bậc thuyết pháp đệ nhất ".
II. Một cách luận giải khác
Một cách lý giải khác, vừa dựa trên bản Hán dịch lại vừa dựa trên bản Phạn, cho rằng các ngữ trong văn bản không mang tính đối xứng , hay đối từ gì hết, trái lại mỗi từ và ngữ đều xác lập một giá trị riêng. Ơ273;ây, bốn câu kệ này, có ba ý chính:
a/ Năng thuyết thị nhân duyên có thể hiểu là [Nêu được] nhân duyên này (yah pratìtyasamutpàdam) , dĩ nhiên, duyên là giáo lý Duyên khởi, như trong câu: " Yo, bhiksavah, pratityasamutpàdam pasyati, sa buddham pasyati; yo buddham pasyati, sa dharma pasyati " (Ai thấy được Duyên khởi thì người đó thấy Phật, ai thấy được Phật thì người đó thấy pháp) ( xem BCAP,tr.368, hoặc trong MKV,tr. 6,116) .
b/ Thiện diệt chư hý luận , ở đây prapancopasama có thể hiểu là phiền não tưởng do luận lý hay các hình thể của ngôn từ đem lại. Do đó, thấy được Duyên khởi cũng có nghĩa là diệt trừ phiền não tưởng , sự diệt trừ phiền não tưởng mang tính cách tốt đẹp ( thiện , siva = prapancopasamam sivam) đó là Niết bàn, nên chữ Thiện trong bản Hán dịch có thể hiểu là Niết bàn. c/ Vì, hý luận , theo văn học A- tỳ- đàm, là phiền não. Cho nên, phiền não diệt là Niết bàn. Hoặc Niết bàn là đã diệt trừ phiền não.
Từ ba cơ sở qui chiếu trên, cách giảy thích này dường như hướng đến xây dựng một ý nghĩa Niết bàn nằm phảng phất đâu đó ngay nơi bốn câu kệ này.
III. Căn cứ theo chữ Phạn
Nếu căn cứ trên bản Phạn (bản gốc) thì nội dung của bốn câu kệ trên được viết rất rõ ràng:" yah pratìtyasamutpàdam prapancopasamam sivam, desàyamàsà sambuddhah tam vande vandatam varam //" - rằng (Đấng toàn giác vô thượng[Đức Phật] đã thuyết giảng nguyên lý Duyên khởi này diệt trừ mọi hý luận một cách tốt đẹp ?). Ở đây, siva được hiểu như một trạng từ, có nghĩa là một cách tử tế (kindly), một cách độ lượng, một cách thương xót? Trong đoạn kệ trên , hoàn toàn không có từ hay ý nào đề cập đến Niết bàn. Tuy nhiên, qua luận giải như vừa đề cập, thì từ Niết bàn thường được nhắc đến như một yếu tố quan trọng và nghe có vẽ rất hợp lý. Ngay như trong bản dịch của Stcherbatsky, vẫn xuất hiện chữ Niết bàn (Is like Blissful [ Nirvana ]?) .Có lẽ, đây là một sự ảnh hưởng chung cho những ai khi dịch dựa trên sự giải minh theo dòng triết học Trung quán của Nguyệt Xứng (Candrakìti) ?
Từ đó, chúng ta thấy rằng, do tính chất cô đọng của bản Hán dịch, nên rất dễ nhầm lẫn nếu dịch thoát ý, nhất là khi suy luận xen vào. Còn vấn đề luận giải quả thực là bất khả thuyết .
Trên đây là một số điểm quan trọng và cần thiết thường tạo nên sự ngộ nhận khi đi vào nghiên cứu Trung Luận mà chúng tôi đã được chư tôn đức chỉ dạy , xin chia sẻ cùng bạn đọc .
---o0o---
Trình bày: Linh Thoại