Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 87: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

31/05/201821:11(Xem: 4879)
Bài 87: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

QUYỂN 10

KINH VĂN 17:

CÁC MA ẤM (Tiếp theo)

 

4). MA HÀNH ẤM:


- A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được Tưởng Ấm, những mộng tưởng bình thường tiêu sạch, thức, ngủ thường như một, chẳng còn đuổi theo cảnh trần, cái giác minh vắng lặng như hư không, thấy các núi sông, đất đai của thế gian như bóng hiện trong gương, tùy duyên chiếu soi, ở đi đều chẳng dính mắc, biết hết các tập khí xưa, cái nguồn gốc của sanh diệt từ đây được hiển lộ, thấy khắp 12 loại chúng sanh (1) trong mười phương, dù chưa thông suốt manh mối của từng loại, nhưng đều từ một nguồn gốc phát sanh ra, giống như bụi trần lăng xăng, ấy là chỗ căn cứ địa của ngũ căn, đây gọi là phạm vi của Hành Ấm (2). Nhưng tánh của Hành Ấm vốn chẳng lăng xăng, sở dĩ lưu chuyển chẳng ngừng là do tập khí của nhiều kiếp, nếu tánh ấy trở về vắng lặng, tập khí dứt sạch, tướng lưu chuyển hết, như làn sóng lặng trở về nước yên, gọi là Hành Ấm hết, thì lúc ấy được siêu việt Chúng Sanh Trược (3). Nhưng quán xét nguyên nhân là do bởi U-Ẩn Vọng Tưởng (4) làm gốc.

1. LẬP VÔ NHÂN LUẬN:

 A Nan nên biết! Trong lúc thiền định, khi được chánh tri (trí của bậc Thánh), chánh tâm sáng suốt, mười loại thiên ma chẳng còn được dịp quấy phá, mới được truy cứu cùng tột cội gốc sanh diệt của các loài. Quán xét cái cội gốc đó mà khởi tâm so đo, thì người ấy bị đọa vào hai loại Vô Nhân Luận:


1- THẤY SỰ BẮT ĐẦU VÔ NHÂN:

Thấy sự bắt đầu vô nhân. Tại sao vậy? Người ấy đã dứt được tưởng sanh diệt, nhờ 800 công đức của Nhãn căn, thấy được tất cả chúng sanh từ 8 vạn kiếp, theo nghiệp xoay vòng, chết đây sống đó, luân chuyển không ngừng, còn ngoài 8 vạn kiếp thì mịt mù chẳng thể thấy được, bèn cho là từ 8 vạn kiếp đến nay, mười phương chúng sanh trên thế giới vô nhân mà tự có. Do so đo này, tự làm mất chánh biến tri (trí Bát Nhã, biết cùng khắp không gian và thời gian), lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề (Giác ngộ).


2- THẤY SỰ CUỐI CÙNG VÔ NHÂN:

Thấy sự cuối cùng vô nhân. Tại sao vậy? Người ấy đã biết được căn bản của sự sanh, như người sanh người, chim sanh chim, xưa nay con quạ vẫn đen, con cò vẫn trắng, trời người vẫn đứng thẳng, thú vật vẫn đứng ngang, trắng chẳng do tẩy mà thành, đen chẳng do nhuộm mà nên, từ 8 vạn kiếp nay vẫn không dời đổi, nay đến tận hết hình thể này cũng vẫn như thế. Bổn lai của ta chẳng thấy Bồ Đề thì làm sao lại có sự tu thành Bồ Đề! Vì mê lầm cho tất cả sự vật đều vốn vô nhân, do so đo này, tự làm mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.
- Ấy gọi là ngoại đạo thứ nhất lập Vô Nhân Luận.

2. LẬP VIÊN THƯỜNG LUẬN:

Trong lúc thiền định, chánh tâm sáng suốt, ma chẳng được dịp quấy phá, quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, thấy luôn luôn như vậy chẳng biến đổi, ngay nơi đó khởi tâm so đo, chấp đó là thường, thì người ấy bị đọa vào bốn thứ Chấp Thường Luận:


1- TÂM VÀ CẢNH THƯỜNG TRỤ:

Người ấy xét thấy cùng tột bản tánh của tâm và cảnh, hai nơi đều không có nhân, do tu tập biết được tất cả sự sanh diệt của mười phương chúng sanh, từ hai vạn kiếp đến nay vẫn lưu chuyển không hề tan mất, bèn chấp cho là thường.


2- TỨ ĐẠI THƯỜNG TRỤ:

Người ấy xét cùng tột cội gốc của tứ đại (Đất, nước, gió, lửa), bốn thứ tánh ấy thường trụ, do tu tập biết được tất cả; sự sanh diệt của mười phương chúng sanh, từ bốn vạn kiếp đến nay cái thể vẫn thường còn, không hề tan mất, bèn chấp cho là thường.

 

3- LỤC CĂN THƯỜNG TRỤ:

Người ấy xét cùng tột cội gốc của lục căn (mắt, tai, nũi, lưỡi, thân, ý), theo tánh chấp thụ của thức thứ bẩy, trong tâm-ý-thức, chỗ nguồn gốc căn bản, tánh thường như vậy. Do tu tập biết được tất cả chúng sanh từ tám vạn kiếp này, dù có luân hồi, vốn là thường trụ, cuối cùng chẳng mất bản tánh, nên chấp cho là thường.


4- TƯỞNG ẤM THƯỜNG TRỤ:

Người ấy đã dứt được tưởng ấm chẳng còn cái tưởng sanh diệt cho là tâm sanh diệt, nay đã vĩnh diệt, tự nhiên thành chẳng sanh diệt, vì tâm so đo nên chấp cho là thường.
- Do so đo này, tự làm mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ hai lập Viên Thường Luận.

3. LẬP MỘT PHẦN THƯỜNG LUẬN:

Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá, quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, khởi tâm so đo giữa ta và người, người ấy bị đọa vào bốn thứ kiến chấp điên đảo, một phần vô thường, một phần chấp thường luận:

1- TÂM TA LÀ THƯỜNG,

CHÚNG SINH LÀ VÔ THƯỜNG

Người ấy quán tâm diệu minh khắp cõi mười phương cho là thần ngã chân thật, từ đó sanh chấp, cho ta cùng khắp mười phương, trạm nhiên sáng suốt chẳng động, tất cả chúng sanh ở nơi tâm ta tự sanh tự diệt, vậy thì tâm tánh ta là thường, còn sự sanh diệt ấy là chơn vô thường.

2- KIẾP HOẠI LÀ VÔ THƯỜNG,

KIẾP CHẲNG HOẠI LÀ THƯỜNG:

Người ấy chẳng quán tự tâm mà quán khắp mười phương hằng sa quốc độ, thấy chỗ kiếp hoại (từ cõi tam thiền trở xuống) thì gọi là chủng tánh chân vô thường, còn chỗ kiếp chẳng hoại được (từ cõi tứ thiền trở lên, kiếp hoại chẳng đến được) thì gọi là chân thường.

3- TÁNH TA THƯỜNG, CHÚNG

     SINH TÁNH VÔ THƯỜNG:

Người ấy chỉ quán riêng tâm mình, thấy tinh mật vi tế như vi trần, lưu chuyển mười phương, khiến thân này liền sanh liền diệt mà tâm tánh chẳng dời đổi, ngã tánh chẳng hoại, gọi ta là tánh thường, sanh tử của tất cả chúng sanh từ ta mà ra thì gọi là tánh vô thường.

 4- HÀNH ẤM THƯỜNG, SẮC

THỌ TƯỞNG VÔ THƯỜNG:

Người ấy đã dứt được Tưởng Ấm, thấy hành ấm lưu chuyển thường xuyên, gọi là tánh thường: sắc, thọ, tưởng ba ấm nay đã diệt hết thì gọi là vô thường.
- Do so đo này, một phần vô thường, một phần là thường, nên bị lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ ba lập Một Phần Thường Luận.

4. LẬP HỮU BIÊN LUẬN:

Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá, quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, trong phân vị (5) khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào bốn thứ Hữu Biên Luận:


1- CHẤP THỜI GIAN HỮU BIÊN,

CHẤP TƯƠNG TỤC VÔ BIÊN:

Người ấy trong tâm so đo cái gốc sanh lưu chuyển chẳng ngừng, chấp quá khứ vị lai gọi là hữu biên, chấp tâm tương tục gọi là vô biên.


2- CHẤP CHỖ CÓ CHÚNG SANH

     LÀ HỮU BIÊN, CHỖ KHÔNG

     THẤY LÀ VÔ BIÊN:

Người ấy quán từ tám vạn kiếp đến nay thì thấy có chúng sanh, từ tám vạn kiếp trở về trước thì chẳng thấy chẳng nghe, bèn cho chỗ chẳng thể thấy nghe ấy gọi là vô biên, chỗ có chúng sanh gọi là hữu biên.


3- CHẤP TA BIẾT CÙNG KHẮP

     LÀ VÔ BIÊN, MỌI NGƯỜI

     CHỈ CÓ TÁNH HỮU BIÊN:

Người ấy chấp rằng ta biết cùng khắp, được tánh vô biên; tất cả mọi người đang trong cái hay biết của ta, mà ta chẳng từng biết cái tánh biết của họ, ấy gọi là họ chẳng được cái tâm vô biên, chỉ được tánh hữu biên thôi.


4- CHẤP PHÂN NỬA HỮU

BIÊN, PHÂN NỬA VÔ BIÊN:

Người ấy quán đến cùng tột Hành Ấm rỗng không, so đo trong tâm cái sở thấy của mình, cho là ở trong một thân của tất cả chúng sanh đều là phân nửa sanh phân nửa diệt, cho đến tất cả hiện hữu trong thế giới này cũng đều phân nửa hữu biên, phân nửa vô biên.
- Do so đo này, hữu biên vô biên, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ tư lập Hữu Biên Luận.

5. ĐỌA BỐN THỨ HƯ LUẬN:

Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá, quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, ở nơi tri kiến khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào bốn thứ: điên đảo, bất tử, càn loạn, biến kế hư luận:


1- ĐIÊN ĐẢO HƯ LUẬN:

 Người ấy quán xét cội gốc của sự biến hóa thấy chỗ lưu chuyển thì gọi là biến, thấy chỗ nối nhau thì gọi là thường, thấy chỗ thấy được thì gọi là sanh, thấy chỗ chẳng thấy được thì gọi là diệt, cái nhân nối nhau chẳng gián đoạn thì gọi là thêm, khi đang nối nhau, ở giữa có chỗ gián đoạn thì gọi là bớt, chỗ sanh của mọi vật thì gọi là hữu, chỗ diệt của mọi vật thì gọi là vô; dùng lý quán xét thì thấy đồng (giống), dùng tâm thì thấy khác. Có người đến cầu pháp hỏi nghĩa thì đáp: "ta nay cũng sanh cũng diệt, cũng có cũng không, cũng thêm cũng bớt", bất cứ lúc nào đều nói đảo loạn như thế, khiến người nghe rồi cũng như không nghe.


2- BẤT TỬ HƯ LUẬN:

Người ấy quán xét tâm họ đến chỗ Vô (không), vì vậy nên chẳng có chứng đắc, hễ có người đến hỏi chỉ đáp một chữ "Vô", ngoài ra không nói gì cả.


3- CÀN LOẠN HƯ LUẬN:

 Người ấy quán xét tâm họ đến chỗ Hữu (), vì vậy mà có sự chứng đắc, hễ có người đến hỏi thì chỉ đáp một chữ "Hữu", ngoài ra không nói gì cả.

4- BIẾN KẾ HƯ LUẬN:

Người ấy hữu vô cùng thấy, do cảnh rời rạc nên tâm cũng bị rối loạn, hễ có người đến hỏi thì đáp: "Cũng có tức là cũng không, ở trong cũng không, chẳng phải cũng có". Tất cả càn loạn, chẳng thể hỏi ra kết quả.
- Do so đo này, hư vô càn loạn, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề, đây gọi là ngoại đạo thứ năm chấp bốn thứ Điên Đảo, Bất Tử, Càn Loạn, Biến Kế Hư Luận.

6. KHI CHẾT LẬP TÂM

    ĐIÊN ĐẢO LUẬN:

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com