Chó bột ơi...
Ngô Minh
Mỗi lần Tết đến, tôi lại ngồi bần thần nhớ mạ. Tuổi thơ tôi nơi làng cát nghèo khuất lấp góc biển xưa, một năm ròng bao giờ cũng đau đáu mong đến Tết để có quần áo mới, để được ăn bánh chưng, cốm nổ, đi coi người lớn đánh đu và nhất là để được theo mạ đi chợ Tết thổi chó bột, gà đất. Mạ tôi xưa ngày hai buổi làm nghề chạy chợ. Suốt đời gánh biển trên vai. Mạ gánh cá nắm từ làng biển, chạy bộ trên cát hai chục cây số đến chợ Tréo, chợ Trạm bán, chiều lại mua gạo, thịt, rượu, bánh trái, nhang đèn về nhà. Chỉ có phiên chợ Tết, sau khi mua đủ các thứ gạo nếp, lá dong, chuối thờ, gà giò để cúng v.v... mạ mới mua sắm cho năm chị em tôi áo mới, và mỗi đứa vài thứ đồ chơi mà mình thích. Chị Vượng tôi thì mê tò he xanh đỏ nặn bằng bột như con nai, con hươu và con heo đất để đựng tiền mừng tuổi ba mạ và chú bác cho. Còn bốn anh em trai chúng tôi đứa nào cũng thích chó bột, gà đất và những xâu pháo tép. Ôi, những chú chó bột bé bằng ngón chân cái, có cái lưỡi gà để thổi. Tiếng là chó nhưng chó bột không sủa gâu gâu, mà hót như chim, có khi “ò ó... o”. Thổi xong đứa trẻ nào cũng xanh đỏ miệng môi.
Mỗi lần mạ cho sáng mai theo đi chợ Tết là đêm đó tôi không thể nào ngủ được. Từ mờ sáng, tôi lẽo đẽo theo mạ lội bộ vượt bảy cây số Động Cao, Động Thấp. Toàn động cát cao leo lên tuột xuống, tới chợ mồ hôi ròng ròng, mệt tưởng khuỵu chân, nhưng khi thấy mấy đứa trẻ ở chợ đứa thì cầm con chó bột xanh đỏ tím vàng, đứa thì thổi gà đất, tôi bỗng thấy người khỏe hẳn ra, huýt sáo tươi tỉnh! Tôi nhìn chúng nó với vẻ mặt thèm thuồng, rồi níu áo mạ kéo đến hàng tò he ở góc chợ. Mạ dặn: “Con phải đi đứng cẩn thận, dẫm vào hàng nồi đất, vỡ nồi của người ta là không có tiền mà đền mô!”. Mạ dặn thế, nhưng tôi cứ chạy băng băng đến hàng đồ chơi, sợ bọn nhỏ khác giành hết.
Ông bán tò he, chó bột, lợn đất..., đựng đầy đồ chơi trong hai cái bị cói lớn. Mặt ông sần sùi sẹo, tóc xoăn tít rễ tre, nhưng nụ cười lại luôn nở trên môi hiền hậu. Ông trải một mảnh nylon xuống đất rồi bày ra hàng trăm thứ con vật xanh đỏ tím vàng lung linh trong nắng xuân. Những chú chó bột đầu nhuộm đen, thân vàng, chân hồng mắt long lanh. Những con gà đất to bằng nắm tay, được làm bằng đất sét, bụng rỗng. Chó bột người ta nặn bằng bột gạo chín, tô màu sặc sỡ. Thân chó màu vàng, cái đuôi đen nhánh, cái cổ có vòng cườm đen đỏ lẫn lộn. Chó bột giá rẻ hơn các loại như gà đất, trâu đất, nên khi nào mạ cũng mua cho tôi đến năm bảy con... Bộ phận quan trọng nhất của chó bột là lưỡi gà. Đó là chỗ để thổi. “Lưỡi gà” làm bằng ống hóp nhỏ mỏng, vạt chéo. Ở giữa có gắn một miếng lá nón để tạo âm thanh. Trước khi “giao hàng”, ông chủ bao giờ cũng thổi thử cho mình nghe. Mạ chưa kịp trả tiền cho ông bán đồ chơi, tôi đã ngước lên trời, lấy hơi phùng má thổi. Trẻ con hơi không bao lăm, nhưng hình như tôi thổi vang lắm. Đang say sưa hứng chí, tôi bỗng va vào người gánh củi, thế là chú chó bột rơi lăn long lóc xuống sông! Tôi khóc hu hu, chạy đi tìm mạ, thì mạ đã biến vào giữa chợ đông nghẹt. Ông bán đồ chơi vẫy tôi lại, bảo: “Tội nghiệp, cháu đến đây ông đổi cho con chó khác, cháu chớ đi mô mà lạc mạ đó nghe, chợ Tết đông lắm. Trông mặt mũi sáng sủa thế ni là học hành thông minh lắm đấy!”. Tôi run run nhận chú chó mới từ tay ông, mà cứ lo ngay ngáy mạ không có tiền để trả! Như hiểu rõ lo lắng của tôi, ông già tò he xoa đầu tôi bảo: “Chú cún này ông mừng tuổi cháu”. Tôi ngạc nhiên nhìn ông, như nhìn một ông Bụt hiện ra từ trong truyện cổ tích!
Từ đó năm nào tôi cũng vòi mạ để được đi chợ Tết. Tôi cứ đinh ninh rằng, chỉ có chợ Tết quê tôi mới có những chú chó bột xinh xắn đến vậy. Mỗi cái Tết, tôi nhét đầy túi quần mới những chú chó bột. Chơi hết Tết thì ra góc biển, xé vở học đốt lửa nướng chó bột ăn. Chó bột nướng thơm như mùi bánh khảo. Lớn lên tôi mới hay rằng, không chỉ chợ quê tôi, mà rất nhiều chợ Tết ở nước ta đều có người bán tò he.
Chó bột ơi. Mạ đã khuất lâu rồi trong cát. Tuổi thơ của tôi cũng đã đi qua từ lâu, nhưng những phiên chợ Tết và chú chó bột vẫn còn mãi mãi. Mỗi lần Tết đến, tôi lại nhớ về những chú chó bột xinh xắn của tôi xưa.
Nguồn: Giác Ngộ
Trình bày: Nhị Tường