Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 72: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

21/02/201821:16(Xem: 5134)
Bài 72: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

2). CÁC ĐỊA VỊ TRONG

TIẾN TRÌNH TU CHỨNG:

- A Nan! Thiện nam tử ấy, dục ái khô cạn, căn và cảnh chẳng duyên nhau, cái báo thân hiện tiền này chẳng còn tiếp tục sanh nữa, giữ tâm rỗng sáng, thuần là trí huệ; tánh trí huệ sáng suốt chiếu mười phương cõi, chỉ có cái huệ khô cạn ấy, gọi là Càn Huệ Địa.

 

GIẢI NGHĨA:

 

      Càn Huệ Địa là nói đến việc tu hành để chuyển mê thành ngộ, muốn vậy, người tu hành phải dứt trừ hết Sáu Căn dính mắc Sáu Trần, tức làm khô cạn tình cảm của mình đối với thế gian. Phải chiến thắng được những dục lạc luyến ái thường tình của thế gian, nghĩa là phải sống và hành xử theo lý trí trong sáng.

 

       Người sống bình thường trong thế gian thường có tình cảm ái dục rạt rào và dâm dục nam nữ; người tu hành muốn được qủa giải thoát, mà hành xử như người thế gian chẳng khác nào muốn tìm ngọc qúy trong hồ đầy bùn nước mà không chịu làm cạn hồ vậy; đây chính là việc làm khó khăn để có ái dục khô cạn đạt đến “Càn Huệ Địa” mà Đức Phật nói vậy.

 

1. THẬP TÍN:

 

l. Tập khí tham dục mới cạn, chưa nối được dòng pháp của Như Lai, tức dùng tâm này chảy vào trung đạo, tánh viên diệu được mở mang, từ chỗ chân diệu viên lại phát ra chân diệu, diệu tín thường trụ, tất cả vọng tưởng đều dứt sạch, trung đạo thuần chân, gọi là Tín Tâm Trụ.

2. Chân tín sáng tỏ, tất cả viên thông, ba thứ: ấm, xứ, giới, chẳng thể ngăn ngại, như thế cho đến trong vô số kiếp quá khứ, vị lai, tất cả tập khí xả thân, thọ thân, thảy đều hiện ra trước mắt và ghi nhớ chẳng quên, gọi là Niệm Tâm Trụ.
3. Thuần chân diệu viên, tinh vi phát dụng, những tập khí từ vô thỉ đều hóa thành một tâm tinh minh (tinh vi sáng tỏ), từ tinh minh tiến lên chân tịnh, gọi là Tinh Tấn Tâm.
4. Tâm tinh tấn hiện tiền, thuần dùng trí huệ, gọi là Huệ Tâm Trụ.
5. Trí huệ sáng tỏ, tịch lặng cùng khắp, tịch diệu thường định, gọi là Định Tâm Trụ.
6. Từ định tâm phát ra ánh sáng, tánh sáng sâu vào, tiến tới chẳng lui gọi là Bất Thối Tâm.
7. Tâm an nhiên tiến tới, duy trì chẳng mất, giao tiếp với tinh thần của mười phương Như Lai gọi là Hộ Pháp Tâm.
8. Tánh sáng của Bổn giác được duy trì, hay dùng diệu lực xoay Từ Quang của Phật về tự tánh, cũng như ánh sáng của hai gương đối nhau, trong đó, các bóng nhiệm mầu trùng trùng vô tận, gọi là Hồi Hướng Tâm.
9. Với từ Quang của Bản Tâm miên mật, an trụ nơi vô vi, vô thượng trong sạch, thường trụ của Phật, chẳng thể lạc mất, gọi là Giới Tâm Trụ.
l0. Trụ giới tự tại, hay dạo khắp mười phương, ở đi tùy nguyện, gọi là Nguyện Tâm Trụ.

 

GIẢI NGHĨA:

 

1- TÍN TÂM TRỤ:    

 

     Kinh nói: “Tập khí tham dục mới cạn, chưa nối được dòng pháp của Như Lai, tức dùng tâm này chảy vào trung đạo”. Nghĩa là khi thói quen tham dục mới được dứt bỏ hết, thì chưa được chân; nếu chẳng nghiêng bên Không, chẳng nghiêng bên Giả, cũng chẳng ở nơi Trung đạo, từ đây khởi quán: Không, Giả, Trung, ở đây tâm thức có thể đến. Khi quán giác đã thành, tức được viên dung thì từ chân phát trong sáng (Diệu), khế hợp lý tròn đầy thì gọi là trong sáng tròn đầy (Diệu Viên), chỗ này tâm thức chẳng thể đến.

 

     “Tánh viên diệu được mở mang, từ chỗ chân diệu viên lại phát ra chân diệu, diệu tín thường trụ, tất cả vọng tưởng đều dứt sạch, trung đạo thuần chân, gọi là Tín Tâm Trụ”. Nghĩa là nếu trung đạo nương theo chân, thì sự diệu chưa phải chân, từ chân phát diệu, diệu ấy mới là Chân Diệu; Diệu chưa phải chân nên chẳng thể thường trụ, trung đạo thuần chân nên diệu được thường trụ. Diệu đã thường trụ thì tất cả vọng tưởng chẳng có chỗ dựa, nói "Diệu" là tự cảm thấy không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì), chẳng thể dùng ngôn ngữ tỏ bày, lòng tin tự tâm rất chân thật, nên gọi là Tín Tâm Trụ.

 

2- NIỆM TÂM TRỤ:

 

     Là khi có tín tâm chân chính thì Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức của Năm Ấm (ấm); Sáu Căn, Sáu Trần của 12 Xứ (xứ); Sáu Căn, Sáu Trần, Sáu Thức của 18 Giới (giới) phát sinh trong sáng tịch tịnh gọi là Chính Trí (hằng tri hằng giác); tất cả không còn là những chướng ngại ngăn che, mà còn có thể biết những việc xa xưa các đời của mình trong vô số kiếp.

 

3- TINH TẤN TÂM:

 

     Là Chính Trí ngày càng hiển hiện rõ ràng, các thói quen xấu (tập khí bất thiện) từ vô thủy bị xóa, hòa theo tính sáng suốt thanh tịnh và kiên cố giữ vững tính sáng suốt thanh tịnh tiến dần đến chỗ chân tịnh.

 

4- HUỆ TÂM TRỤ:

 

     Là tâm tính sáng suốt thanh tịnh được giữ liên tục hiện tiền, và thường tư duy trong trí huệ.

 

5- ĐỊNH TÂM TRỤ:

 

     Là duy trì và phát huy trí huệ đang có. Tâm ý an trụ trong cảnh thanh tịnh sẽ sinh ra một định lực trong sáng tịch tĩnh.

 

6- BẤT THỐI TÂM:

 

     Là do định lực trong sáng tịch tĩnh phát sinh trí huệ ngày một tăng tiến mà không bị lui sụt.

 

7- HỘ PHÁP TÂM:

 

     Là định huệ tự nhiên tăng trưởng theo đà tiến tới phát triển, giao tiếp từng phần phúc trí của mười phương Chư Phật.

 

 8- HỒI HƯỚNG TÂM:

      Là thường tỉnh biết trong tính giác minh. Xoay tánh giác minh an trú nơi trí quang Phật, như hai tấm gương đối chiếu, những hình ảnh trong gương trùng trùng y hệt nhau.

 

9- GIỚI TÂM TRỤ:  

 

     Là xoay về an trú nơi trí quang Phật. Nhờ vậy, tâm càng thêm thanh tịnh an trụ trong tịch tĩnh không dính mắc (vô vi), xa rời tất cả những dính mắc (hữu vi).

 

10- NGUYỆN TÂM TRỤ:

 

      Là Giới tâm đã tự tại cho nên hành giả có thể du hành khắp cõi nước mười phương tùy nguyện của ḿình.

 

2. THẬP TRỤ:

 

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]