Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 43: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

26/07/201715:25(Xem: 6162)
Bài 43: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

KINH

THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

11). NGHI NHÂN DUYÊN VÀ TỰ NHIÊN

     Tức thời, A Nan ở trong chúng đảnh lễ chân Phật, bạch Phật rằng:
- Nay Thế Tôn, nói ba nghiệp Sát, Đạo, Dâm diệt rồi thì ba nhân chẳng sanh, và tánh điên của Diễn Nhã Đạt Đa trong tâm tự dứt, dứt tức là Bồ Đề, chẳng từ người khác mà được. Thế thì rõ ràng là nhân duyên rồi, làm sao Như Lai bác bỏ nghĩa nhân duyên? Chính con do nhân duyên mà tâm được khai ngộ.
- Thế Tôn, nghĩa này chẳng những hàng Thanh Văn hữu học trẻ tuổi như chúng con, cả Đại Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất và Tu Bồ Đề trong hội này, đều từ nơi ông lão Phạn Chí nghe cái thuyết nhân duyên của Phật, tâm được khai ngộ, thành quả vô lậu. Nay Phật nói Bồ Đề chẳng do nhân duyên, vậy thì cái thuyết tự nhiên của bọn ngoại đạo Câu Xá Ly lại thành đệ nhất nghĩa sao? Xin Phật đại bi, khai phá chỗ mê muội cho chúng con.
     Phật bảo A Nan:
- Như Diễn Nhã Đạt Đa, nếu diệt trừ được cái nhân duyên phát điên, thì tánh chẳng điên tự nhiên hiện ra, lý cùng tột của nhân duyên và tự nhiên là vậy.
- A Nan! Nếu đầu của Diễn Nhã Đạt Đa vốn tự nhiên, đã là tự nhiên, thì tại sao sợ đầu bỏ chạy? Ấy là do nhân duyên nào?
- Nếu đầu tự nhiên do nhân duyên nên phát điên, tại sao chẳng tự nhiên do nhân duyên mà mất đi? Đầu vốn chẳng mất, tại sao vẫn còn vọng sanh điên sợ? Thế thì đâu phải nhờ nhân duyên?
- Nếu bản tánh vốn tự nhiên có điên sợ, vậy khi chưa điên, cái điên ẩn núp ở chỗ nào? Nếu tánh chẳng điên là tự nhiên, đầu vốn chẳng vọng, sao lại bỏ chạy?
- Nếu ngộ được cái đầu vốn chẳng mất, tánh điên cuồng vốn vọng sanh, thì nhân duyên và tự nhiên đều là hý luận.
- Cho nên ta nói ba duyên diệt rồi tức là tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề sanh, thì tâm sanh diệt được diệt, ấy cũng là sanh diệt; khi sanh và diệt đều sạch, mới gọi là vô công dụng đạo.
- Nếu có sự chẳng sanh, chẳng diệt gọi là tự nhiên, thì tâm tự nhiên này là do sanh diệt đã sạch mà hiện, ấy cũng là pháp sanh diệt, chẳng phải Bồ Đề. Cái lý chẳng sanh diệt kia gọi là tự nhiên, cũng như các tướng lẫn lộn thành một thể của thế gian, gọi là tánh hòa hợp; cái chẳng hòa hợp thì gọi là tự nhiên. Tự nhiên chẳng phải tự nhiên, hòa hợp chẳng phải hòa hợp, tự nhiên và hòa hợp đều lìa, có lìa có hợp đều sai, đến chỗ này mới được gọi là pháp chẳng hý luận.
- Nếu dựa vào chỗ này để thủ chứng Vô Thượng Bồ Đề và Niết Bàn thì quả Phật vẫn còn cách xa lắm. Tại sao? Vì chấp do dụng công tu chứng mà có sở đắc vậy. Kỳ thật, Bồ Đề Niết Bàn vốn sẵn sàng đầy đủ, chỉ có thể sát na ngộ nhập, chẳng do nhiều kiếp siêng năng tu chứng mà được, dẫu cho nhớ hết diệu lý thanh tịnh như cát sông Hằng trong mười hai bộ Kinh của mười phương Như Lai, chỉ càng thêm hý luận.
- Ông dù nói lý nhân duyên, tự nhiên chắc chắn rõ ràng, người đời khen ông đa văn (1) bậc nhất, với cái huân tập đa văn nhiều kiếp này, chẳng thể tránh khỏi nạn Ma Đăng Già, phải nhờ thần chú của ta, làm cho Ma Đăng Già dập tắt lửa dâm, sông ái khô cạn, chứng quả A Na Hàm (2), nơi pháp ta thành tựu tinh tấn, khiến ông giải thoát. A Nan, ông dù nhiều kiếp ghi nhớ những lời bí mật nhiệm mầu của Như Lai, chẳng bằng một ngày tu nghiệp vô lậu (3), xa lìa hai khổ yêu, ghét của thế gian. Như Ma Đăng Già xưa kia là dâm nữ, do sức thần chú, tiêu diệt lòng ái dục, nay trong pháp ta gọi là Tỳ Kheo Ni Tánh với Gia Du Đà La (mẹ của La Hầu La), cùng ngộ nhân xưa, biết được nhân duyên nhiều kiếp, đều do tham ái làm khổ, chỉ một niệm huân tu pháp vô lậu thiện, nay người thì ra khỏi ràng buộc, người thì được Phật thọ ký, sao ông còn tự dối, kẹt nơi thấy nghe?

GIẢI NGHĨA

(1) Đa văn: Nghe nhiều học rộng, kiến thức uyên thâm v.v…

(2) Qủa A Na Hàm: Là chứng qủa thứ ba của hàng Thanh Văn

(3) Tu nghiệp vô lậu: Lậu là nước rỉ ra, là thói hư tật xấu của ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc; tu nghiệp vô lậu là để sáu căn không còn bị dính mắc bởi sáu trần, như mắt không để bị yêu ghét lôi kéo bởi hình dáng đẹp xấu, tai không bị dẫn dắt bởi lời nói ngọt ngào hay ác độc, mũi không để bị lôi đẩy bởi mùi hương thơm hôi, miệng không để bị thèm chán bởi vị ngon ngọt hay dở tệ, thân thể khi tiếp xúc không để bị cảm giác điều khiển v.v…; nghĩa là tu để trừ sạch mọi thói quen.

     Mục 11 “Nghi Nhân Duyên Và Tự Nhiên”, Kinh Văn 7 “Các Đại Dung Thông” này, Tôn giả A Nan Đà nêu thắc mắc rằng: “Nói ba nghiệp Sát, Đạo, Dâm diệt rồi thì ba nhân chẳng sanh, và tánh điên của Diễn Nhã Đạt Đa trong tâm tự dứt, dứt tức là Bồ Đề, chẳng từ người khác mà được. Thế thì rõ ràng là nhân duyên rồi, làm sao Như Lai bác bỏ nghĩa nhân duyên? Chính con do nhân duyên mà tâm được khai ngộ. Nghĩa này chẳng những hàng Thanh Văn hữu học trẻ tuổi như chúng con, cả Đại Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất và Tu Bồ Đề trong hội này, đều từ nơi ông lão Phạn Chí nghe cái thuyết nhân duyên của Phật, tâm được khai ngộ, thành quả vô lậu”. Ở đây, Tôn giả A Nan thưa Phật rằng do nhân duyên mà tâm của Tôn giả và nhiều vị vô học được khai ngộ.

     Tôn giả thưa tiếp: “Nay Phật nói Bồ Đề chẳng do nhân duyên, vậy thì cái thuyết tự nhiên của bọn ngoại đạo Câu Xá Ly lại thành đệ nhất nghĩa sao?”  Đến đây, Tôn giả lại cho rằng nếu không do nhân duyên, vậy chính là thuyết tự nhiên của ngoại đạo Câu Xá Ly rồi.

     Đức Phật giảng rằng: “- Như Diễn Nhã Đạt Đa, nếu diệt trừ được cái nhân duyên phát điên, thì tánh chẳng điên tự nhiên hiện ra, lý cùng tột của nhân duyên và tự nhiên là vậy”.

     Ngài hỏi và bác nhân duyên như sau: “Nếu đầu của Diễn Nhã Đạt Đa vốn đã là tự nhiên thì tại sao sợ đầu bỏ chạy (?), đó là do nhân duyên nào? - Nếu đầu tự nhiên do nhân duyên nên phát điên, tại sao chẳng tự nhiên do nhân duyên mà mất đi? Đầu vốn chẳng mất, tại sao vẫn còn vọng sanh điên sợ? Thế thì đâu phải nhờ nhân duyên?” Nghĩa là nếu đầu tự nhiên do nhân duyên nên phát điên, tại sao chẳng tự nhiên do nhân duyên mà mất đi? Đầu vốn chẳng mất, tại sao vẫn còn vọng sinh điên sợ (?), do đó chẳng phải do nhân duyên.

     Ngài hỏi và bác tự nhiên như sau: “- Nếu bản tánh vốn tự nhiên có điên sợ, vậy khi chưa điên, cái điên ẩn núp ở chỗ nào? Nếu tánh chẳng điên là tự nhiên, đầu vốn chẳng vọng, sao lại bỏ chạy?” Đây là lý lẽ bác bỏ chẳng phải do “tự nhiên” mà điên sợ hay bỏ chạy.

     Ngài bác bỏ cả nhân duyên và tự nhiên: “Nếu ngộ được cái đầu vốn chẳng mất, tánh điên cuồng vốn vọng sinh, thì nhân duyên và tự nhiên đều là hý luận”. Nghĩa là nếu hiểu được tính diên cuồng là trông mong ảo huyển (vọng sinh), thì chẳng tưởng lầm rằng mất đầu, thì nói đến nhân duyên và tự nhiên chỉ là để nói diễu cợt thôi (hí luận).

     Vì vậy cho nên Đức Phật nói: “Ba duyên diệt rồi tức là tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề sinh, thì tâm sinh diệt được diệt, tâm sinh diệt cũng là sinh diệt; khi sinh và diệt đều lià sạch, mới gọi là vô công dụng đạo”. Nghĩa là ba duyên thế gian, nghiệp qủa được diệt sạch sẽ, tức là tâm sinh diệt được trừ dứt, thì tâm giác ngộ (Bồ Đề); lúc đó không cần phải tu hành làm gì cả (Vô công dụng đạo) mà được thong dong tự tại.

     Đức Phật giảng: “- Nếu có sự chẳng sanh, chẳng diệt gọi là tự nhiên, thì tâm tự nhiên này là do sanh diệt đã sạch mà hiện, ấy cũng là pháp sanh diệt, chẳng phải Bồ Đề. Cái lý chẳng sanh diệt kia gọi là tự nhiên, cũng như các tướng lẫn lộn thành một thể của thế gian, gọi là tánh hòa hợp; cái chẳng hòa hợp thì gọi là tự nhiên. Tự nhiên chẳng phải tự nhiên, hòa hợp chẳng phải hòa hợp, tự nhiên và hòa hợp đều lìa, có lìa có hợp đều sai, đến chỗ này mới được gọi là pháp chẳng hý luận”. Ở đây, Ngài giảng đã rõ ràng rồi, xin miễn giải nghĩa.

     Ngài giảng tiếp: “- Nếu dựa vào chỗ này để thủ chứng Vô Thượng Bồ Đề và Niết Bàn thì quả Phật vẫn còn cách xa lắm. Tại sao? Vì chấp do dụng công tu chứng mà có sở đắc vậy. Kỳ thật, Bồ Đề Niết Bàn vốn sẵn sàng đầy đủ, chỉ có thể sát na (trong chớp nhoáng) ngộ nhập (đốn ngộ), chẳng do nhiều kiếp siêng năng tu chứng mà được, dẫu cho nhớ hết diệu lý thanh tịnh như cát sông Hằng trong mười hai bộ Kinh của mười phương Như Lai, chỉ càng thêm hý luận”. Ở đây cũng vậy, Đức Phật giảng rõ ràng, xin miễn giải nghĩa.

     Đức Phật dạy: “- Ông dù nói lý nhân duyên, tự nhiên chắc chắn rõ ràng, người đời khen ông đa văn bậc nhất, với cái huân tập đa văn nhiều kiếp này, chẳng thể tránh khỏi nạn Ma Đăng Già, phải nhờ thần chú của ta, làm cho Ma Đăng Già dập tắt lửa dâm, sông ái khô cạn, chứng quả A Na Hàm, nơi pháp ta thành tựu tinh tấn, khiến ông giải thoát. A Nan, ông dù nhiều kiếp ghi nhớ những lời bí mật nhiệm mầu của Như Lai, chẳng bằng một ngày tu nghiệp vô lậu, xa lìa hai khổ yêu, ghét của thế gian. Như Ma Đăng Già xưa kia là dâm nữ, do sức thần chú, tiêu diệt lòng ái dục, nay trong pháp ta gọi là Tỳ Kheo Ni Tánh với Gia Du Đà La (mẹ của La Hầu La), cùng ngộ nhân xưa, biết được nhân duyên nhiều kiếp, đều do tham ái làm khổ, chỉ một niệm huân tu pháp vô lậu thiện, nay người thì ra khỏi ràng buộc (Ma Đăng Già), người thì được Phật thọ ký (Gia Du Đà La), sao ông còn tự dối, kẹt nơi thấy nghe?” Ở đây Ngài dạy cũng khá rõ ràng, xin miễn giải nghĩa.

     Như chúng ta đã biết, vạn hữu không có một sự vật nào tự nhiên mà có, tất cả các pháp từ xưa đến nay rời ngôn thuyết văn tự, rốt ráo bình đẳng; Diệu Tâm là Bản thể chân như, do đó, đem ngôn ngữ luận bàn, lấy văn tự miêu tả nhân duyên và tự nhiên… thì chẳng thể tìm được căn nguyên của sự vật.

      Đức Phật ví dụ điển hình về cái điên của Diễn Nhã Đạt Đa để cho chúng ta suy nghĩ kỹ về cái "Nhân duyên" và "Tự nhiên"; nếu đã là tự nhiên không điên thì vì nhân duyên gì phát điên ôm đầu hoảng chạy? Vì thế cho nên biết tự nhiên là sai lầm, biết nhân duyên chỉ là hý luận; sự thật của vạn pháp phát nguồn từ bản thể chân như mầu nhiệm vậy.

KINH VĂN 9:

CÁC CẢN TRỞ CHO PHÁP GIẢI THOÁT

 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com