Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 12: Kinh Dược Sư giải nghĩa

12/11/201506:06(Xem: 3819)
Bài 12: Kinh Dược Sư giải nghĩa

Kinh Duoc Su Giai NghiaKINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 26:

KẺ TỊNH TÍN, TRÌ TỤNG, CUNG

KÍNH, PHỔ BIẾN ĐƯỢC LỢI ÍCH.

 

Lại nữa, nếu có những kẻ tịnh tín (1) nam nữ nào nghe rồi tụng trì danh hiệu Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, ứng Cúng Chính đẳng Chính giác (2). Mỗi sớm mai, súc miệng, đánh răng, tắm rửa sạch sẽ, xong lại thắp hương, rãi dầu thơm, các món kỹ nhạc để cúng dường hình tượng. Còn đối với kinh điển này thì tự mình hay dạy người khác chép ra, rồi giữ một lòng thọ trì (3) và suy nghĩ nghĩa lý (4). Đối với vị pháp sư giảng nói kinh pháp thì phải nên cúng dường tất cả những vật cần dùng đừng để thiếu thốn; hễ hết lòng như vậy thì nhờ Chư Phật hộ niệm được mãn nguyện mọi sự mong cầu cho đến chứng đặng đạo quả Bồ Đề nữa.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1)Tịnh Tín: Là Tín tâm thanh tịnh hay gọi là Nhất Nệm Tịnh Tín; tức là niềm tin trong sạch, niềm tin tuyệt đối không thay đổi.

(2) Chính Đẳng Chính Giác: Chữ Sanskrit: anuttara-samyaksaṃbo-dhi; dịch âm là A-Nậu- Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ- Đề; là giác ngộ cùng tột, chỉ một vị Phật; cũng gọi là Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

(3) Giữ một lòng thọ trì: Thọ là thụ nhận, vâng làm, trì là trì tụng, cũng có nghĩa là hành trì tu hành; giữ một lòng thọ trì là luôn nhớ không quên tu hành.

(4) Suy nghĩ nghĩa lý: Chúng ta thấy các câu kinh đều dễ hiểu, thấy đơn giản, thế mà Đức Phật bảo phải suy nghĩ nghĩa lý, là bởi vì nhiều người không hiểu đúng nghĩa Phật muốn nói, thành ra hiểu sai ý của Phật; vậy ở đây Phật muốn nói gì? Phật muốn nói rằng chúng ta phải tu hành phải sám hối giữ giới, làm lành tránh làm ác, giữ tâm trong sạch v.v…. Chứ không phải chúng ta chỉ lễ bái tụng niệm mà cho là đủ, không thể đơn giản như vậy được nên đức Phật mới nhắc đi nhắc lại “suy nghĩ nghĩa lý” là vậy.

 

     Đoạn Kinh Văn 26 này, Đức Phật nói rằng những người có lòng tin kiên cố mỗi sáng làm vệ sinh thân thể răng miệng sạch sẽ, xong thắp hương rải dầu thơm. Ở đây không những chỉ dốt hương nhang, mà còn ám chỉ thắp hương lòng, đốt tâm hương, nghĩa là phải trau giồi tâm mình, tức là tu hành. Tâm hương có năm loại hương qúy giá gồm:

- Thứ nhất là Giới Hương: Là giữ giới đầy đủ.

- Thứ hai là Định Hương: Sáu căn không dính mắc sáu trần, không nhớ tưởng để tâm được định tĩnh.

- Thứ ba là Huệ Hương: Tìm đọc hay nghe giảng Phật pháp (Văn), suy tư điều đúng sai (), làm điều phải, tránh làm điều sai, thiền định (Tu).

- Thứ tư là Giải Thoát Hương: Bỏ chấp cái ta (ngã), để diệt trừ buồn phiền và thoát khỏi sinh tử luân hồi.

- Thứ năm là Giải Thoát Tri Kiến Hương: Bỏ chấp cái của ta (pháp) để được tự tại vô ngại,

 

     Các món hương hoa, kỹ nhạc như chuông mõ để cúng dường hình tượng, còn có nghĩa là có tâm vui vẻ vì kỹ nhạc tượng trưng cho sự vui vẻ, xong cúng dàng, lễ lạy, niệm Phật, trì Chú trước hình tượng Dược Sư Lưu Ly Như Lai.

     Đối với kinh điển thì phải quán sát nghĩa lý thật của Kinh mà Phật muốn nói, rồi thọ trì cho đúng và biên chép in ấn Kinh ra phổ biến. Còn đối với các vị Pháp Sư giảng kinh cho nghe, chúng ta cũng phải nhớ cúng dường, không để cho các vị phải thiếu thốn; đây là nói về nghe Pháp, được hưởng Pháp thí thì chúng ta cũng phải nghĩ đến sự cúng dàng Tam Bảo, đó là Phật Pháp Tăng, mà Pháp Sư thuộc về Tăng vậy.

     Nhưng khi cúng dường như thế, chúng ta phải dùng ý nghiệp thân nghiệp và khẩu nghiệp thanh tịnh mà cúng dường là: Ý không tham sân tà kiến mạn, không nghĩ những điều ác, không nghĩ đến danh lợi hơn thua, được mất, vinh nhục. Thân không sát sinh trộm cướp tà dâm, miệng không nói dối nói thêu dệt nói hai chiều nói ác, mà cúng dường thì phúc đức vô lượng. Hễ hành trì được thân tâm như vậy và thực hành thiền định thì chắc chắn được Chư Phật gia trì, sẽ được mãn nguyện mọi sự mong cầu; như vậy tu hành dần dần cho đến chứng đạt đạo quả Bồ Đề.

 

KINH VĂN 27:

BÔ TÁT VĂN THÙ HỨA GIÚP KẺ TIN

TỤNG ĐỌC PHỔ BIẾN ĐƯỢC LỢI ÍCH

 

Lúc bấy giờ Mạn Thù Sư Lợi đồng tử bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, con thề qua thời kỳ Tượng Pháp Tướng, con sẽ dùng đủ mọi phương tiện khiến cho những thiện nam tín nữ có lòng tin trong sạch (1) được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cả đến trong giấc ngủ, con cũng dùng danh hiệu của Đức Phật này, thức tỉnh nơi tai cho họ rõ biết.

Bạch Đức Thế Tôn, nếu ai thọ trì đọc tụng kinh này, hoặc đem giảng nói, bày tỏ cho người khác, hoặc tự mình hay dạy người biên chép kinh này, hết lòng cung kính tôn trọng. Dùng những dầu thơm, bông thơm, các thứ hương đốt, tràng hoa, anh lạc, phướn lọng cùng âm nhạc hát múa mà cúng dường, hoặc dùng hàng ngũ sắc (2) làm đãy (3) đựng kinh này. Rồi quét dọn một nơi sạch sẽ, thiết lập một cái tòa cao mà để lên, thì lúc ấy có bốn vị Thiên Vương (4) quyến thuộc và cùng vô lượng trăm ngàn Thiên Chúng ở các cõi Trời khác đều đến đó mà cúng dường và thủ hộ (5).

Bạch Đức Thế Tôn, nếu kinh này lưu hành đến chỗ nào có người thọ trì (6) và nghe được danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Thì nhờ công đức bản nguyện của Ngài mà chỗ ấy không bị nạn hoạnh tử, cũng không bị những ác quỉ, ác thần đoạt lấy tinh khí, và dẫu có bị đoạt lấy đi nữa, cũng được hoàn lại, thân tâm yên ổn khỏe mạnh như thường".

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Lòng tin trong sạch: Là không có một chút nghi ngờ nào, là lòng tin tuyệt đối không có gì làm cho thay đổi.

(2) Ngũ Sắc: Chữ Phạn Sanskrit: Paĩca varịa, Pàli: Paĩca vaịịà, cũng gọi Ngũ Chính Sắc, Ngũ Đại Sắc. Tức chỉ cho năm màu căn bản: Xanh (Nìla), vàng (Pìta), đỏ (Lohita), trắng (Avadàta) và đen (Kfwịa). (Theo Từ điển Phật Quang); nhưng cờ của Phật giáo biểu trưng hào quang của Phật lại có màu thứ 5 là cam thay vì đen như sau:

1. Màu xanh (nước biển) tượng trưng niềm tin là Tín.

2. Màu vàng tượng trưng cho Tinh tấn.

3. Màu đỏ tượng trưng cho sự nhớ nghĩ tức là Niệm.

4. Màu trắng tượng trưng cho thanh tịnh là Định.

5. Màu cam tượng trưng cho trí Tuệ.

 

(3) Đãy: Là túi bằng vải để đựng Kinh sách.

 

(4) Bốn vị Thiên Vương: Gồm:

- Đề Đầu Lại Tra Thiên Vương (Trì Quán Thiên Vương) ở phương Đông là chúa tể của Càn Đạp Hòa Thần.

- Tỳ Lâu Nặc Thiên Vương (Tăng Trưởng Thiên Vương), ở phương Nam, là chúa tể thống lĩnh các Long Vương và các Ma Hầu La Già,

- Tỳ Lâu Bác Xoa Thiên Vương (Quảng Mục Thiên Vương), ở phương Tây, thống lĩnh Cưu Bàn Tra (Ca Lâu La),

- Tỳ Sa Môn Thiên Vương (Đa Văn Thiên Vương), ở phương Bắc, thống lãnh Thiên Thần, Quỷ Thần.

     Tất cả bốn vị Thiên Vương trên đều hộ trì thế gian, đều là bậc đại oai đức, có đại thần lực biến hóa.

 

(5) Thủ hộ: Là trông coi bảo vệ

 

(6) Thọ trì: Vâng giữ giới luật, thuận theo sự chế định của Phật, làm thanh tịnh ba nghiệp ý khẩu thân, trong ngoài đều tương xứng, thọ trì giới hạnh đúng đắn trong Mười Điều Thiện.

 

     Đoạn Kinh Văn 27 trên, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi phát nguyện trước Phật Thích Ca rằng: Đến thời Tượng Pháp tức là từ 1000 năm đến 2000 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn. Ngài sẽ dùng mọi phương tiện khiến cho người nam có tâm lành người nữ có tín tâm trong sạch, tức là lòng tin đúng đắn sau khi suy gẫm kỹ lưỡng, được nghe tới danh hiệu của Phật Dược Sư Lưu Ly ngay cả trong giấc ngủ cũng vậy.

      Rồi Bồ Tát nhấn mạnh rằng: Nếu ai đọc tụng thụ trì, in ấn biên chép phổ biến, thuyết giảng nói cho người khác, hoặc dùng túi vải năm màu đựng Kinh, rồi cung kính cúng dàng Kinh Bản Nguyện Công Đức Dược Sư Lưu Ly Quang này ở nơi trang nghiêm với hương hoa phướn lọng, chuông mõ v.v…. Thời sẽ có Bốn Thiên Vương và vô lượng Thiên Thần, cùng vô lượng Chư Thiên ở các tầng Trời sẽ đến cúng dàng và bảo hộ Kinh này.

 

     Nếu Kinh này lưu hành và thọ trì đọc tụng ở nơi nào thì người nơi đó sẽ không bị các tai nạn chết đột ngột, vì thọ trì rồi tu các pháp lành nên các nghiệp dữ bị đẩy lui. Cũng nhờ công đức bản nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà không bị các loại ác qủy ác thần quấy phá làm hại mà luôn luôn yên ổn mạnh khỏe; vì khi nghe danh hiệu Ngài thì tìm hiểu Phật pháp khiến chuyển tâm tu hành, khi đó các qủy thần không những không quấy phá mà còn theo hộ vệ, nên thân tâm được an ổn khỏe mạnh.

 

 (Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]