Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 10: Kinh Dược Sư giải nghĩa

28/10/201515:24(Xem: 4246)
Bài 10: Kinh Dược Sư giải nghĩa

Kinh Duoc Su Giai Nghia
KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 22:

NGƯỜI TRÌ QUAN TRAI NGUYỆN SINH

CỰC LẠC NẾU NGHE DANH HIỆU PHẬT.

 

Lại nữa, Mạn Thù Sư Lợi, nếu trong hàng tứ chúng (1): Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và những kẻ thiện nam, tín nữ đều có thọ trì tám phần trai giới (2)( 3), hoặc trong một năm, hoặc mỗi năm ba tháng, vâng giữ giới pháp, làm nơi y chỉ tu học rồi đem căn lành này nguyện sanh về chỗ Phật Vô lượng thọ ở thế giới Cực Lạc Tây Phương đặng nghe chánh pháp. Nhưng nếu chưa quyết định, mà nghe được danh hiệu Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì khi mạng chung sẽ có tám vị Đại Bồ tát như: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đắc Đại Thế Chí Bồ Tát, Bảo Đàn Hoa Bồ Tát, Vô Tận Ý Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát từ trên không trung đi đến đưa đường chỉ lối cho thì liền được vãng sanh trong những hoa báu đủ màu.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Tứ Chúng: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà tắc, Ưu Bà Di: Là Bốn Chúng gồm: Tăng, Ni, Cư Sĩ Nam, Cư Sĩ Nữ.
(2) Trai Giới:
Trai là không ăn quá ngọ (bất thời phi thực), Giới là giữ giới không ăn sau 1 giờ trưa.

(3) Tám Phần Trai Giới: Là Tám Giới Chay Tịnh, gọi là Bát Quan Trai Giới, Tám Phần Trai Giới gồm:
Thứ Nhất: Không sát sanh
Thứ Hai: Không trộm cướp
Thứ Ba: Không dâm dục (khác tà dâm)
Thứ Tư: Không nói dối

Thứ Năm: Không uống rượu
Thứ Sáu: Không đeo đồ trang điểm, như vòng hoa, vàng bạc, không múa hát hoặc không xem nghe múa hát.
Thứ Bảy: Không nằm ngồi giường cao rộng lộng lẫy
Thứ Tám: Ăn chay, không ăn sau một giờ trưa.


     Đoạn Kinh Văn 22 trên Đức Phật bảo đại ý: Nếu trong hàng Bốn Chúng giữ giới đầy đủ, nếu có ai phát tâm thanh tịnh thọ trì Tám Phần Trai Giới trong một năm, hoặc mỗi năm ba tháng, vâng giữ giới pháp, làm nơi y chỉ tu học. Rồi đem căn lành công đức đó nguyện sinh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, nghĩa là trong khi tu Tám Phần Trai Giới người ấy thường nguyện sinh về Tây phương Cực Lạc, nhưng người ấy chưa quyết định dứt khoát.

 

     Đến khi nghe được danh hiệu Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tức là người ấy khi được nghe giảng hay đọc Kinh Dược Sư, lại ưa thích trì Chú Đà La Ni và niệm Phật Dược Sư. Thì về sau, khi chết sẽ có tám vị Đại Bồ Tát gồm: Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Bảo Đàn Hoa, Vô Tận Ý, Dược Vương, Dược Thượng và Di Lặc từ trên không trung đến đưa đường chỉ lối cho, thì liền được vãng sinh trong hoa sen báu về nơi Tây phương Cực Lạc của cõi Phật A Di Đà.

 

 

KINH VĂN 23:

KẺ NHÂN NGUYỆN LỰC CỦA ĐỨC

DƯỢC SƯ MÀ ĐƯỢC LỢI LẠC

 

Hoặc nếu có kẻ, nhân nguyện lực của Đức Dược Sư mà được thác sanh lên cõi Trời nhưng nhờ cái căn lành sẵn có ấy chưa hết thì không còn sanh lại những đường ác nữa. Khi tuổi thọ ở cõi Trời đã mãn, sinh lại trong cõi người thì, hoặc làm đến bậc Luân vương (1), thống nhiếp cả bốn châu thiên hạ, oai đức tự tại, giáo hóa cho vô lượng trăm ngàn chúng hữu tình theo con đường thập thiện (2). Hoặc sanh vào giòng Sát đế lỵ (3), Bà la môn (4) hay cư sĩ (5) đại cô (6), của tiền dư dật, kho đụn tràn đầy, tướng mạo đoan trang, quyến thuộc sum vầy. Lại được thông minh trí huệ, dõng mãnh oai hùng như người đại lực sĩ (7); còn nếu có người phụ nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà hết lòng thọ trì danh hiệu ấy thì đời sau sẽ không làm thân gái nữa.


GIẢI NGHĨA:

 

(1) Luân Vương: Chữ Phạn Sanskrit: Cakra-varti-ràjan, chữ Pàli: Raja cakkavattin: dịch ý là Chuyển Luân Vương, Phi Hành Hoàng Đế, Chuyển Luân Thánh Vương. Nghĩa là ông vua quay chuyển bánh Xe Báu. Vua nhân đức có bảy thứ quí Báu (Xe, Voi, Ngựa, Ngọc, Nữ, Cư Sĩ, Chủ Binh), khi vị vua này ra đời thì tự nhiên xuất hiện các báu ấy để vua sử dụng mà không vua nào khác có được, giúp vua chinh phạt mọi nơi và cai trị trong thiên hạ.

 

     Chuyển Luân Thánh Vương là vị vua có phước đức và sức mạnh khuất phục được tất cả các vua khác, có đầy đủ bốn đức là: sống lâu, không đau ốm, dung mạo 32 tướng tốt và kho báu phong phú. Chuyển Luân Thánh Vương dùng chính pháp trị đời, đất nước giàu có, oai đức tự tại, giáo hóa cho vô lượng chúng hữu tình theo đường lành khiến nhân dân hòa vui. Danh hiệu Chuyển Luân Thánh Vương cũng được để chỉ một vị Phật, Ngài chuyển Pháp Luân bằng giáo pháp toàn chân, toàn thiện, tuyệt đối để dẫn dắt chúng sinh giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

 

(2) Thập Thiện: Chữ Sanskrit: daśakuśalakarmāṇi: Là mười điều lành, cũng gọi là Mười pháp lành, Thập thiện đạo, Thập thiện Chánh pháp, bao gồm các pháp là:

1. Không sát sanh, thường làm việc tha thứ và phóng sanh.

2. Không trộm cắp, thường tu hạnh bố thí giúp đỡ, san sẻ với mọi người.

3. Không tà dâm, là luôn luôn giữ lòng chung thủy với vợ chồng chính thức.

4. Không nói dối, luôn luôn nói lời đúng đắn chân thật.

5. Không nói lời thêu dệt thêm bớt, thường nói những lời ngay thật và có ý nghĩa lợi ích.

6. Không nói đâm thọc gây chia rẽ, thường nói những lời tạo ra sự đoàn kết hòa thuận thương yêu nhau.

7. Không nói lời thô tục độc ác gây tổn hại, thường nói những lời ôn hòa nhu thuận.

8. Không tham lam, luôn quán xét rằng mọi thứ của cải vật chất đều chỉ là giả tạm không thường tồn.

9. Không sân giận, thường tu tập hạnh từ bi, nhẫn nhục.

10. Không si mê tà kiến, thường sáng suốt tu tập theo chính kiến.

 

(3) Sát Đế Lỵ: Là dòng Vua Chúa, người cầm quyền cai trị đất nước.

 

(4) Bà La Môn: Là hàng Đạo Sĩ, họ cũng tu hành hạnh thanh tịnh cầu sinh cõi Trời, không hành dâm dục.

 

(5) Cư Sĩ: Là người quy y Tam Bảo Phật Pháp Tăng, giữ gìn năm giới, tu hành tại gia.

(6) Đại Cô: Là chủ nhân của gia tộc lớn quyền thế giàu có về vật chất, vang danh về gia phong, lại có thân hình trang nghiêm uy nghi và thông minh trí tuệ hơn người.

 

(7) Đại Lực Sĩ: Là chỉ người không bệnh tật, biết cách đối trị nguy tai hoạn nạn.

 

     Đoạn Kinh Văn 23 này nói: “nhân nguyện lực của Đức Dược Sư mà được thác sanh lên cõi Trời nhưng nhờ cái căn lành sẵn có ấy chưa hết thì không còn sanh lại những đường ác nữa. Khi tuổi thọ ở cõi Trời đã mãn, sinh lại trong cõi người thì, hoặc làm đến bậc Luân vương…”. Nghĩa là được nghe hay được đọc Phật pháp nên hiểu nghĩa lý sống, do đó cố gắng làm điều lành tránh làm ác, tập xa lià rời bỏ tham, sân, tà kiến, ngã mạn, v.v… trong việc tu hành. Nếu chưa giải thoát sẽ được sinh cõi Trời, nhưng nhờ cái căn lành sẵn có ấy chưa hết; khi mãn hạn qua đời ở cõi Trời được sinh lại cõi Người làm bậc Đại Vương thống lãnh thiên hạ, có quyền uy oai đức giáo hóa muôn dân theo con đường  làm 10 điều lành. Hoặc sinh làm con của Vua nhân đức, con dòng Đạo Sĩ hay con của Cư Sĩ giàu có quyền thế, đẹp đẽ trang nghiêm, mạnh mẽ vô song, trí tuệ vượt trội hơn người.

 

     Kinh Phật nói tiếp: “Phụ nữ nhàm chán thân nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà hết lòng thọ trì danh hiệu Ngài thì đời sau sẽ không làm thân gái nữa”, nghĩa là hết lòng sám hối tội xưa đã tạo ra, chuyên làm điều lành, tránh xa việc ác, chí tâm tu hành như Lục Độ (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ). Nếu tu hành như trên mà chưa giải thoát hay sinh sang cõi Lưu Ly Tịnh, thì sẽ sinh cõi Trời Sắc Giới, hoặc vãng sinh Tây phương Cực Lạc nếu có lời nguyện từ trước xin vãng sinh về cõi A Di Đà; ở những nơi ấy không còn phân biệt thân nam hay nữ nữa vì không còn tham dục, như vậy nói kiếp sau không còn làm thân nữ nữa là ý nghĩa như vậy.

 

     Hoặc nếu không sinh cõi Lưu Ly, không vãng sinh Tây phương Cực Lạc, cũng không sinh cõi Trời, mà tái sinh cõi người thì được chuyển thành thân trai theo ý nguyện trong khi tu hành và đã đạt được một tầng chứng nào đó rồi. Chẳng phải như có người với ý nghĩ hời hợt cho rằng nếu có người phụ nữ nào không ưa thân nữ khi nghe đến danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà hết lòng cầu xin niệm tên Ngài (thọ trì danh hiệu), thì đời sau sẽ không còn phải làm thân gái nữa. Không thể nào được như vậy, vì đây là ý nghĩ của kẻ mê tín thiếu trí tuệ dựa vào thần quyền, lười biếng không muốn cực nhọc tốn công sức tu hành mà muốn có kết qủa tốt, cũng ví như người không siêng năng tắm rửa mà lại muốn thân thể sạch sẽ vậy.

 

(Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com