Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 4: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa

17/09/201508:00(Xem: 4065)
Bài 4: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa

KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 7:

NGUYỆN LỚN THỨ TƯ:

 

Nguyện đời sau này, khi ta[U1]  đắc đạo Bồ Đề, nếu có những hữu tình tu hành tà đạo (1) thì ta sẽ khiến họ an trú trong đạo Bồ Đề (2) (3), còn nếu tu hành hạnh Thanh Văn, Duyên Giác thì đều an lập nơi pháp Như Lai (4).

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1)Tu hành tà đạo:

      Chúng sanh, kẻ có chính kiến rất ít, mà kẻ có tà kiến thì lại rất nhiều; nói đến chính pháp ít người thông hiểu, ít người chịu học hỏi và thực hành; ngược lại, nói tới tà pháp, bàng môn tà đạo, hoặc thứ gì có vẻ huyền bí, có vẻ dễ dàng thì người ta tìm tới để theo. Như bùa ếm, đầu độc, đồng bóng, cầu xin được cái này cái kia, chỗ nào nghe nói linh thiêng thì đổ xô tìm tới, v.v…, tin tưởng vu vơ; tất cả những thứ đó chẳng thể giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, đều là những việc làm phỉnh gạt người của ngoại đạo, tà đạo và người không hiểu đạo.

 

(2) An trú trong đạo Bồ Đề:

     An trú ở đây có nghĩa là bỏ tà quy chính, phát tâm Bồ Đề rộng lớn, không còn trở lại đường tà để an ổn trú nơi đường giác và trí tuệ của Phật pháp hầu dứt đường sinh tử luân hồi.

 

(3) Nếu có những hữu tình tu hành tà đạo thì ta sẽ khiến họ an trú trong đạo Bồ Đề:

     Nghĩa là sẽ khiến người tin theo tà đạo gặp được những lời dạy của Phật, khiến họ hiểu được đường ngay lẽ phải, bỏ đường mê để quay về lối chính, bỏ tà theo chính. Khi đọc hay nghe giáo lý của Phật rồi thì sẽ hiểu biết đâu là chánh để hành theo, đâu là tà phải xa lià, không còn si mê nữa, mà tin tưởng nơi đạo Bồ Đề giải thoát của Phật, nên nói “khiến họ an trú trong đạo Bồ đề”.

 

(4) Còn nếu tu hành hạnh Thanh Văn, Duyên Giác thì đều an lập nơi pháp Như Lai: Nghĩa là:

 

1) - Hạnh Thanh Văn:

     Người tu hạnh Thanh Văn là tu hành Thiền định và Bốn Diệu Đế, gồm:

  1. Khổ,
  2. Tập (nguyên nhân gây ra khổ),
  3. Diệt (cách diệt khổ),
  4. Đạo (con đường đưa đến đạo qủa),

 

     Muốn thoát khổ phải áp dụng Bát Chính Đạo để đạt giải thoát; đó là:

1. Chính Kiến: thấy và biết như thật, đúng đắn chính xác.

2. Chính Tư Duy: Là suy nghĩ chín chắn đúng với lẽ phải, suy gẫm cái đúng cái sai, cái phải cái quấy.

3. Chính Ngữ: Là lời nói chân thật, thật thà, ngay thẳng công bình, nói không sai sự thật.

4. Chính Nghiệp: Là hành động chân chính đúng với chân lý và lẽ phải.

5. Chính Mệnh: Là sống bằng nghề chân chính lương thiện, không làm cho người và vật đau khổ về nghề của mình.

6. Chính Tinh Tấn: Là siêng năng chuyên cần, không buông lung lười biếng, tinh cần chuyên chú, không suy thoái.

7. Chính Niệm: Niêm nghĩa là nhớ nghĩ những điều hay lẽ phải, ghi nhớ những điều lợi mình lợi người lợi cả hai.

8. Chính Định: Là tập trung tư tưởng về một vấn đề để nhận định rõ ràng, như tập trung tâm ý quán về Thân, Thọ, Tâm, Pháp của Bốn Niệm Xứ để đạt tâm tịch tĩnh hầu tiến tới giải thoát.

 

2) - Hạnh Duyên Giác:

     Người tu hành hạnh Duyên Giác chuyên tu Thiền định và 12 nhân duyên gồm:

 

01. Vô Minh:  Là tối tăm, mê mờ, ngu si, không biết nghiệp báo lành ác, nên khởi tham lam, sân hận, do đó phiền não khổ đau sinh ra; vô minh là không biết Khổ, không biết nguyên nhân gây ra khổ, không biết diệt khổ, không biết Đạo.

 

02. Hành: Là làm, tạo tác, vì vô minh, con người suy nghĩ, nói năng, hành động lành dữ gọi là “hành”, hành động thiện ác là đã tạo ra cái nghiệp tương ưng tốt xấu huân tập vào A Lại Đa Thức của mỗi người thành “nghiệp thức” phải mang.

 

03. Thức: Là Tám Thức: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức, Mạt Na Thức, và A Lại Đa Thức. Năm thức đầu tiếp nhận sự kiện khi Căn tiếp xúc Trần. Ý Thức phân biệt rõ ràng muôn sự muôn vật, biết suy nghĩ, biết mình biết người v.v… Mạt Na là thức mang các sự kiện thu thập bởi 6 thức trên vào và truyền tải ra từ A Lại Đa Thức. A Lại Đa ghi nhận cất giữ tất cả các dữ kiện lành ác, Thức thiện ác gọi là Nghiệp Thức hay Thần Thức. Khi chết, Thần Thức đi lãnh qủa báo khổ hay vui ở đời sau, nghĩa là sẽ đi huân tập nhập vào nguồn sống mới, tức là vào trong bụng mẹ để bắt đầu một cuộc sống khác gọi là Tâm Thức.

 

04. Danh Sắc: Tại môi trường sống mới, Tâm Thức (không có hình tướng) cùng tinh huyết nhục thể gọi là “Sắc” (vật chất) hòa hợp nên có “Danh Sắc”. Danh là tên gọi của Tâm Thức gồm “Thụ, Tưởng, Hành, Thức”, Sắc là nhục thể mới gồm bốn đại “Đất, Nước, Gió, Lửa”, hai thứ tinh thần và thể chất hòa hợp với nhau là Danh Sắc.

                                                                                                                     05. Lục Nhập (Lục Xứ): Gọi là sáu chỗ vào. Từ Danh Sắc dần dần thành thân thể có sáu nội nhập xứ “Sáu Căn” (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), là chỗ đến của “Sáu Trần” (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nên gọi là chỗ “sáu nhập”; ở trong bụng mẹ phát triển đầy đủ tất cả bộ phận.

 

06. Xúc: Là tiếp xúc. Khi đủ ngày tháng ra khỏi bụng mẹ, lớn dần lên, sáu căn tiếp xúc sáu trần, như mắt thấy cảnh, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc bên ngoài, ý tiếp xúc pháp trần ( pháp trần là các sự kiện đã được năm căn trên tiếp nhận).

 

07. Thụ: Là lãnh thọ, có ba loại thụ là thụ khổ, thụ vui, thụ không khổ không vui. Khi lớn dần lên tiếp xúc sáu trần sinh ra phân biệt, đó là “cảm thọ” mắt thấy cảnh đẹp xấu, tai nghe tiếng thấy hay dở, mũi ngửi mùi thấy thơm thối tanh hôi, lưỡi nếm vị thấy mặn nhạt, ngọt bùi, đắng cay, thân tiếp xúc thấy nóng lạnh, êm nhám cứng mềm, ý nghĩ muôn vật khác biệt; khi tiếp xúc rồi sẽ lãnh thọ những cảnh vui buồn, sướng khổ hay bình thường không vui buồn không sướng khổ.                                                                                                                                                                                                                            

 

08. Ái: Là yêu thích, có dục ái, sắc ái, và vô sắc ái; lúc cảm thọ, sinh ra ưa thích hay không thích, đó là “ái ố”, yêu ghét. Khi thọ vui sướng ưa thích, thì sinh tham muốn làm sao cho được; khi thọ buồn khổ ghét chê sinh giận hờn, thì tìm cách gạt bỏ, đây là động cơ thúc đẩy “ý khẩu thân” tạo nghiệp.

 

09. Thủ: Là giữ lấy. Vì tham ái nên tìm cầu nắm lấy giữ lấy cái ưa thích, chấp đắm ghi nhớ mãi không quên gọi là “thủ”, và ghét bỏ nhớ mãi cái không ưa cũng gọi là thủ. Mục đích của thủ là cố tìm phương này kế nọ để thỏa mãn cho bản ngã yêu ghét của mình, do đó mà tạo ra nghiệp; có bốn loại thủ là dục thủ, kiến (thấy) thủ, giới (6 căn dính mắc 6 trần,) thủ, và ngã (chấp ta) thủ.

 

10. Hữu: Là có. Nghiệp sẽ chiêu cảm qủa báo sau này nên gọi là “hữu”, tức là “có” cái nhân lành dữ cho kiếp sau, gồm có ba loại hữu là dục hữu sắc hữụ vô sắc hữu.

 

11. Sinh: Là sinh ra, đã Có “Hữu” là cái hạt mầm, hết đời này thế nào cũng “Sinh” ra ở kiếp sau, tùy theo nghiệp lành ác mà được sinh đến một trong sáu cõi: Trời, Thần, Người, Ngạ Qủy, Súc Sinh, Địa Ngục để lãnh qủa báo lành hay dữ. Như vậy nếu mỗi chúng sanh có một thân, các loài trải qua sự hòa hợp sinh ra được Âm (Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức), được Giới (Đất, Nước, Gió, Lửa, Không, Thấy, Thức), được Nhập Xứ (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý), được Mệnh (có sự sống).

 

12. Già Chết: Mọi người khi già tóc bạc, răng rụng, khí lực hao mòn, các căn rã rời, tay chân yếu kém, lẩm cẩm, lú lẫn, làm việc gì cũng khó khăn mệt mỏi, đó là già. Khi một hơi thở ra không thở vào nữa, thì mạng sống chấm dứt, hơi ấm không còn, thân hư hoại, đó là chết; khi đã Sinh thì phải “Già Chết”, dù ở cõi nào cũng vậy.

 

Tóm lại, có cái này thì có cái kia. Không có cái này thì không có cái kia, nếu Vô Minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thụ diệt, Thụ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sinh diệt, Sinh diệt thì Già Chết diệt. Hết thẩy các chúng sanh đều do mười hai nhân duyên mà sinh, do mười hai nhân duyên mà diệt. Những người ngộ lý nhân duyên này, họ thấy các nhân duyên nối kết với nhau thành một vòng xích, không có đầu mối, không có chỗ đứt đoạn, do đó họ tu để bẻ gãy một mắt xích thì ra khỏi vòng sinh tử, thoát cảnh luân hồi, chứng ngộ được pháp tu mười hai nhân duyên.

 

     Tuy vậy, hàng Thanh Văn và Duyên Giác là hai thừa thực ra chưa phải là chỗ cứu cánh cùng tột, ai tu và chứng được một trong hai thừa này thì giải quyết xong vấn đề “Phần Đoạn Sinh Tử (1)”, nhưng vẫn chưa dứt được “Biến Dịch Sinh Tử (2)”. Bởi vậy trong Kinh, Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang đã từng phát nguyện câu: “Thì đều an lập nơi pháp Như Lai”, nghĩa là Ngài nguyện độ khiến cho họ sẽ gặp được những lời dạy về Phật Thừa, sẽ bỏ giới hạn, tức là khi đọc hay nghe giáo lý của Phật rồi thì sẽ hiểu biết rộng lớn hơn. Từ Thanh Văn Duyên Giác mà tiến tu lên, khiến họ phát tâm tu thành Phật đạo, tiến tới bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tức là Phật.

Cước chú:

(1) Phần Đoạn Sinh Tử: Gọi là “Hữu Vi Sinh Tử”, chỉ cho sự sống chết (sinh tử) của chúng sinh trong 3 cõi Dục, Sắc và Vô Sắc. Do tạo nghiệp khác nhau nên chúng sinh chiêu cảm quả báo sinh tử trong 3 cõi có thân tướng đẹp xấu, tuổi thọ dài ngắn không giống nhau, vì thế gọi là Phần Đoạn Sinh Tử.

(2) Biến Dịch Sinh Tử: Gọi là “Vô Vi Sinh Tử”, cũng gọi là “Bất Tư Nghị Biến Dịch Sinh Tử” (không thể bàn luận về biến đổi nhỏ nhiệm trong sống chết), tức là các bậc A La Hán, Bích Chi Phật và Bồ Tát Đại Lực, lấy Có (hữu) phân biệt nghiệp vô lậu làm nhân, lấy Vô Minh Trụ Địa làm duyên mà cảm nhận được thân quả báo nhiệm mầu vượt ngoài ba cõi. Thân quả báo này là do sức Bi Nguyện Vô Lậu chuyển đổi thân Phần Đoạn Sinh Tử thô nặng vốn có trước kia biến thành thân nhỏ nhiệm, không sắc không hình, không hạn định tuổi thọ... nên gọi là Thân Biến Dịch.

    Vì các bậc A La Hán, Bích Chi Phật và Bồ Tát đã dứt bỏ hết phiền não, nghĩa là dựa vào những niềm tin nơi chân lý của giáo pháp chứng đạt, không còn thụ sinh Thân Phần Đoạn trong ba cõi nữa, mà thụ sinh Thân Biến Dịch ở ngoài ba cõi. Tuy nhiên, khi muốn đạt qủa Phật thì các vị ấy lại dùng Thân Biến Dịch trở lại trong ba cõi để tu các hạnh Bồ Tát trong thời gian lâu dài, hầu mong đạt đến Vô Thượng Bồ Đề, tức là tu để thành Phật vậy.

 (Còn Tiếp)

 


 [U1]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com