- Bài 1: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa
- Bài 2: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa
- Bài 3: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa
- Bài 4: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa
- Bài 5: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 6: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 7: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 8: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 9: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 10: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 11: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 12: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 13: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 14: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 15: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 16: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 17: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 18: Kinh Dược Sư giải nghĩa
KINH DƯỢC SƯ
GIẢI NGHĨA
(Tiếp theo)
Toàn Không
--- o ---
KINH VĂN 4:
NGUYỆN LỚN THỨ NHẤT:
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề (1) thì tự thân ta sáng chưng rực rỡ, chiếu soi tất cả vô lượng vô số vô biên thế giới, có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ (2) tùy hình, trang nghiêm thân ta, khiến cho các loài hữu tình đều được như ta không khác (3).
GIẢI NGHĨA:
(1) A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề: Phiên âm từ Phạn ngữ là Anuttar-Saṃyak-Saṃbodhi, Hán dịch là Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, Giác Ngộ cùng tột, chỉ sự Giác Ngộ viên mãn của quả vị Phật, có nghĩa là “Giác Ngộ một cách chân chính”, tự mình tu hành mà thành Chính Giác.
(2) Ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ: Gọi chung là 32 tướng tốt, Phạn ngữ là: Dvtriṃśan mah-puruṣa-lakṣaṇni; Chư Phật thị hiện hóa thân đều có đủ ba mươi hai tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà chúng sanh không ai có được, trừ các vị Chuyển Luân Thánh Vương (Vua Nhân Đức thống trị cả thế giới).
Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang nói khi còn đang tu Bồ Tát Đạo, Ngài hy vọng rằng trong đời sau khi Ngài chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tức là khi thành quả vị Phật, lúc đó thân Ngài sẽ sáng chói, rực rỡ, chiếu soi tới tận vô lượng, vô số, vô biên thế giới, thân Ngài có đủ cả ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp.
(3) Khiến cho loài hữu tình được như ta không khác: Chữ khiến có 2 nghĩa là:
- Nghĩa tiêu cực: Các loài đều được đầy đủ các đức tính như Ngài không khác mà không phải tu hành gì cả, ví như học sinh dốt lười biếng không cần học mà đi thi tự nhiên đậu. Ở đây coi như sự ban ơn của thần quyền, mà sự thực thì không có một thần quyền nào có thể làm được như vậy, nếu có được chỉ là sự ngẫu nhiên trùng hợp mà thôi, chứ không phải là luôn luôn được như vậy đâu mà lầm to.
- Nghĩa tích cực: Nghĩa là các loài hữu tình biết được sự thù thắng của Ngài, thấy được bản nguyện, công đức và phát tâm của Ngài nên tìm hiểu học hỏi rồi thực hành tu tập thì cũng sẽ được như Ngài. Khi đã tu tập tới nơi tới chốn rồi thì thân hành giả cũng sẽ sáng chưng rực rỡ, chiếu soi tất cả vô lượng vô số vô biên thế giới, có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp của một vị Phật. Thí dụ một học sinh thông minh lại chăm chỉ học hành, khi đi thi tất phải đậu là chuyên bình thường vậy.
Thử tự hỏi và suy gẫm mà xem: nếu không thành Phật thì làm sao có được 32 tướng tốt (?), có thể làm được một số điểm tướng tốt khi đi Bác Sĩ giải phẫu chắp vá. Chuyển Luân Thánh Vương cũng có 32 tướng tốt, nhưng không phải tự nhiên có được, mà thực sự người làm Chuyển Luân Thánh Vương là người đã từng tu từng khuyên bảo dạy dỗ người làm lành tránh làm ác trong nhiều đời rồi mới được vậy. Còn nếu không tu hành thì làm sao có thể thành Phật được (?), nên chữ “khiến” phải hiểu là trợ duyên thôi, Ngài sẽ khiến chúng ta thấy Ngài là gương mẫu tốt đẹp nên chúng ta trở thành ham thích bắt chước Ngài tu hành để cũng được y như Ngài vậy.
Nếu nghĩ rằng có thể xưng tán danh hiệu cầu xin đức Phật Dược Sư để thành Phật thì hết sức vô lý, vì trái với lời Phật Thích Ca dạy là “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi” trong việc tu hành. Không ai có thể tu giùm cho người khác được, chẳng ai có thể ban phép cho người không tu mà thành Phật được, không có cái gì tự nhiên hay ngẫu nhiên mà thành được cả; đó là nghĩa “Khiến cho loài hữu tình được như ta không khác”, nếu hiểu khác cách giảng giải này là hiểu sai ý Phật, là đi vào thần quyền tà giáo lầm lẫn mê tín nhảm nhí vô ích.
*
* *
KINH VĂN 5:
NGUYỆN LỚN THỨ HAI:
Nguyện đời sau này khi ta đắc đạo Bồ Đề (1), thân ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, sạch không vết nhơ, sáng sủa rộng lớn (2), công đức cao vời, thân khéo an trú, lưới sáng trang nghiêm, sáng hơn cả mặt trời và mặt trăng (3). Chúng sanh ở nơi tối tăm, đều được sáng bừng, đâu cũng làm được, mọi sự như ý (4).
GIẢI NGHĨA:
(1) Nguyện đời sau này khi ta đắc đạo Bồ Đề: Là lời nguyện khi Ngài còn đang tu hành hạnh Bồ Tát, nguyện đời về sau khi Ngài thành Phật, đây là lời nguyện vô số kiếp về trước, vì Ngài đã thành Phật từ lâu rồi.
(2) Thân ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, sạch không vết nhơ, sáng sủa rộng lớn: Là thân Ngài sẽ giống như lưu ly, trong ngoài sáng suốt, sạch sẽ không một vết nhơ từ trong ra ngoài, hoàn toàn trong sạch. Ý nói khi đã là một vị Phật rồi thì không còn tham sân si nữa, sạch hết các dính mắc ái dục đắm nhiễm mê lầm, 6 căn không còn bị 6 trần lôi kéo nữa, nên trong ngoài không tỳ vết mà sáng suốt rộng lớn trang nghiêm. Nghĩa là khi Ngài sạch hết các lậu hoặc rồi thì đắc đạo và Phật Tánh hiển lộ trí tuệ sáng suốt rộng lớn bao trùm khắp cả Pháp giới.
(3) Công đức cao vời, thân khéo an trú, lưới sáng trang nghiêm, sáng hơn cả mặt trời và mặt trăng: Công đức của Chư Phật thì vô lượng vô biên nên nói cao vời, thân thể các Ngài luôn luôn an ổn và không có bệnh tật như các chúng sinh thiếu công đức, nên nói Chư Phật thân khéo an trú. Các Ngài còn phóng hào quang từ mỗi lỗ chân lông ra, các hào quang ấy phóng ra đan cài với nhau làm thành như màng lưới báu trang nghiêm đẹp đẽ vô cùng; hào quang này sáng hơn mặt trời, tại sao nói sáng hơn mặt trời? Vì ánh sáng của hào quang không bị chướng ngại bởi vật cản mà ánh sáng của mặt trời thì bị vật cản không chiếu qua được. Mặt khác chúng sanh sống trên quả địa cầu này nhờ ánh sáng sức nóng của mặt trời để sống còn mà xây dựng sự nghiệp; còn hào quang hướng dẫn chúng sanh tu hành để ra khỏi màn đen tối của vô minh phiền não.
(4) Chúng sanh ở nơi tối tăm, đều được sáng bừng, đâu cũng làm được, mọi sự như ý: Hào quang soi thấu khắp hang hốc nơi kín đáo khiến mọi chúng sinh đều được hưởng lợi lạc ngày càng phát triển trí tuệ thêm lên. Khi biết được sự tu hành của Ngài rồi thì ai cũng có thể noi theo thực hành ở bất cứ nơi đâu, rồi đều được kết qủa vẻ vang nên nói là đều được sáng bừng và mọi sự được như ý, tức là khi thực hành rồi thì mọi sự sẽ được toại nguyện.
Nguyện lớn thứ hai này nói lên rằng khi đắc đạo Bồ Đề tức thành Phật rồi thì thân không còn làm các việc sát sinh trộm cướp dâm dục, miệng không còn nói dối, nói đâm thọc, nói thêu dệt, nói ác, ý không còn một tí nào tham sân si tà kiến mạn nghi tật đố v.v…. Nghĩa là sạch hết các lậu hoặc và thói hư tật xấu, lúc ấy công đức tràn đầy, trí huệ sáng lạng trùm khắp Pháp giới, nên nói ánh sáng hơn cả mặt trời là vậy.
*
* *
KINH VĂN 6:
NGUYỆN LỚN THỨ BA:
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Bồ Đề, ta dùng vô lượng vô biên phương tiện trí tuệ (1), khiến cho chư hữu tình đều được mọi vật thọ dụng vô cùng, chẳng để chúng sanh có chỗ thiếu sót (2).
GIẢI NGHĨA:
(1) Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Bồ Đề, ta dùng vô lượng vô biên phương tiện trí tuệ: Nghĩa là khi thành Phật rồi, Ngài nói ra vô lượng giáo pháp, phương tiện trí tuệ là những pháp có lợi ích cho chúng sinh, mà giáo pháp của Phật thì toàn là lời dạy cao qúy tốt đẹp khiến người học làm lành tránh làm ác, bỏ tham sân si mạn, diệt trừ ngu si, diệt trừ phiền não, mở mang hiểu biết, phát triển trí tuệ rộng lớn.
(2) Khiến cho chư hữu tình đều được mọi vật thọ dụng vô cùng, chẳng để chúng sanh có chỗ thiếu sót: Nghĩa là khi chúng sinh thấy biết Ngài đạt được những thù thắng thì noi theo học hỏi Phật pháp và tu hành. Khi chúng sinh tu hành cho tới đạt được trí tuệ siêu việt rộng lớn rồi, tức là đạt giải thoát thì chúng sanh ấy sẽ thấy được đầy đủ mọi mặt từ tinh thần trí tuệ đến thọ dụng vật chất và như vậy sẽ không còn gì gọi là thiếu sót nữa, nên nói “không để chúng sanh có chỗ thiếu sót”.
Nếu người niệm danh hiệu của Ngài hay tụng Kinh Công Đức Bản Nguyện Của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai để cầu được toại nguyện mọi vật thọ dụng vô cùng mà không tu hành thì đó là để thỏa mãn lòng tham lam của kẻ không có trí tuệ và người đó đã đi ngược lại ý của Phật muốn dạy. Người niệm danh hiệu của Ngài hay tụng Kinh Công Đức Bản Nguyện Của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai chỉ để cầu trợ duyên cho việc hiểu nghĩa Kinh, trợ duyên cho việc thay đổi lối sống. Cầu gia trì cho việc sám hối tội lỗi, thường nhớ giữ giới đầy đủ, có tâm bỏ ác làm lành, xa lià cấu uế; luôn luôn giữ tâm trong sạch thanh tịnh để tu hành, gạn lọc thân tâm cho sạch hết tham sân si mạn nghi kiến trược v.v… cho tới đạt giải thoát, thì đây chính là ý Phật muốn dạy.
(Còn Tiếp)