SỐNG THIỀN
Nguyên Minh
Và quay lại với chính mình
Để hiểu được chính mình, chúng ta cần đến sự thực nghiệm nhiều hơn là sự suy diễn, lý luận. Mặc dù vậy, có những điểm chung mà hầu hết mọi người đều trải qua trong cuộc sống và có thể chia sẻ cùng nhau như những kinh nghiệm thật sự.
Nếu bạn dành ra khoảng mười hay mười lăm phút để ngồi yên, không làm gì cả, và nhìn lại chính mình, có thể bạn sẽ tự thấy ra được những điều mà rất nhiều người đi trước chúng ta đã từng chỉ rõ.
Dòng suy tưởng của chúng ta không bao giờ dừng nghỉ. Điều rất lạ là ít khi chúng ta quan tâm đến sự sôi động liên tục của nó, nhưng chính sự sôi động ấy là nguyên nhân làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng mệt mỏi và chìm đắm trong bao nỗi khổ sở, đau đớn. Hãy thử quan sát những tư tưởng đến và đi trong tâm tưởng bạn một thời gian ngắn, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chúng sôi động biết bao nhiêu! Hãy thử dẹp bỏ đi những tư tưởng ấy, thử “đừng nghĩ gì cả” xem sao. Mỗi khi một ý tưởng đến với bạn, hãy tự nói với mình: “Tôi đang nghỉ ngơi, việc này hãy để vào lúc khác.” Cứ như thế, bạn hãy thử dẹp yên các ý tưởng đến với mình, cho đến khi không còn ý tưởng nào đến làm phiền bạn nữa.
Bạn có làm được như thế không? Nếu có, đó sẽ là chuyện rất lạ. Vì thật ra vấn đề hoàn toàn không đơn giản như thế. Thường thì bạn không thể “dẹp yên” các ý tưởng của mình một cách dễ dàng như thế đâu, bởi vì điều này chính là mục tiêu nhắm đến của cả một quá trình công phu thực hành thiền quán, mà chúng ta sẽ trở lại để tìm hiểu về sau.
Trở lại vấn đề mà chúng ta vừa đề cập – sự sôi động liên tục của dòng tư tưởng. Khi chúng ta nghĩ đến quá nhiều việc, thường là chúng ta chẳng nghĩ được điều gì sáng suốt cả. Từ xa xưa, người ta đã biết đến năng lực kỳ diệu của việc tập trung tư tưởng. Hơn thế nữa, chúng ta có thể tự nhận thấy qua kinh nghiệm bản thân của mình: những lúc đầu óc thanh thản, ít suy nghĩ mông lung nhất, chính là những lúc chúng ta sáng suốt nhất, có thể làm việc đầu óc một cách hiệu quả nhất.
Có thể nào tự rèn luyện để luôn sống trong trạng thái thanh thản, sáng suốt hay không? Vâng, đó là điều hoàn toàn có thể làm được. Và đây chính là mục tiêu nhắm đến của một cuộc sống thiền, và cũng là những gì mà chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi. Tuy nhiên, vấn đề đơn giản nhưng quan trọng nhất cần đề cập đến trước tiên là chúng ta phải tự nhận ra được tính sôi động liên tục trong dòng tư tưởng của mình. Từ điểm xuất phát đó, chúng ta mới có thể bàn đến những phương thức thực hành mà trong nhà thiền gọi là để “đối trị”.
Dòng tư tưởng của chúng ta trong thực tế không bao giờ ngưng biến động. Khi ta chợt nghĩ đến điều gì, một tư tưởng phát sinh ra. Thuật ngữ nhà thiền gọi đó là một “niệm”. Kể từ niệm phát sinh này, sẽ lôi kéo theo những tư tưởng khác có liên quan. Chúng nối tiếp nhau theo một lô-gic nhất định nào đó mà chúng ta vẫn quen suy tưởng. Sự nối tiếp này kéo dài cho đến một thời điểm nào đó thì có một sự việc khác mạnh mẽ hơn, lôi kéo sự chú ý của chúng ta nhiều hơn và sinh khởi một niệm khác. Khi niệm này sinh ra, thì niệm trước mất đi. Tuy có sinh ra, có mất đi, nhưng không lúc nào là dứt đoạn. Nhà thiền gọi quá trình này là “niệm niệm tương tục”. Bình thường, dòng tư tưởng của chúng ta chịu tác động của những sự kiện xảy ra hàng ngày, và do đó nó cũng sôi động mạnh mẽ như chính cuộc sống quanh ta. Khi chúng ta thực hành thiền quán để làm lắng đọng tư tưởng, sự sinh khởi của chúng sẽ dần dần được chúng ta biết đến, hạn chế đi và lâu ngày có thể trở nên thuần thục, êm dịu.
Nguyên Minh
CHƯƠNG I: CUỘC SỐNG NHIỆM MẦU
Và quay lại với chính mình
Để hiểu được chính mình, chúng ta cần đến sự thực nghiệm nhiều hơn là sự suy diễn, lý luận. Mặc dù vậy, có những điểm chung mà hầu hết mọi người đều trải qua trong cuộc sống và có thể chia sẻ cùng nhau như những kinh nghiệm thật sự.Nếu bạn dành ra khoảng mười hay mười lăm phút để ngồi yên, không làm gì cả, và nhìn lại chính mình, có thể bạn sẽ tự thấy ra được những điều mà rất nhiều người đi trước chúng ta đã từng chỉ rõ.
Dòng suy tưởng của chúng ta không bao giờ dừng nghỉ. Điều rất lạ là ít khi chúng ta quan tâm đến sự sôi động liên tục của nó, nhưng chính sự sôi động ấy là nguyên nhân làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng mệt mỏi và chìm đắm trong bao nỗi khổ sở, đau đớn. Hãy thử quan sát những tư tưởng đến và đi trong tâm tưởng bạn một thời gian ngắn, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chúng sôi động biết bao nhiêu! Hãy thử dẹp bỏ đi những tư tưởng ấy, thử “đừng nghĩ gì cả” xem sao. Mỗi khi một ý tưởng đến với bạn, hãy tự nói với mình: “Tôi đang nghỉ ngơi, việc này hãy để vào lúc khác.” Cứ như thế, bạn hãy thử dẹp yên các ý tưởng đến với mình, cho đến khi không còn ý tưởng nào đến làm phiền bạn nữa.
Bạn có làm được như thế không? Nếu có, đó sẽ là chuyện rất lạ. Vì thật ra vấn đề hoàn toàn không đơn giản như thế. Thường thì bạn không thể “dẹp yên” các ý tưởng của mình một cách dễ dàng như thế đâu, bởi vì điều này chính là mục tiêu nhắm đến của cả một quá trình công phu thực hành thiền quán, mà chúng ta sẽ trở lại để tìm hiểu về sau.
Trở lại vấn đề mà chúng ta vừa đề cập – sự sôi động liên tục của dòng tư tưởng. Khi chúng ta nghĩ đến quá nhiều việc, thường là chúng ta chẳng nghĩ được điều gì sáng suốt cả. Từ xa xưa, người ta đã biết đến năng lực kỳ diệu của việc tập trung tư tưởng. Hơn thế nữa, chúng ta có thể tự nhận thấy qua kinh nghiệm bản thân của mình: những lúc đầu óc thanh thản, ít suy nghĩ mông lung nhất, chính là những lúc chúng ta sáng suốt nhất, có thể làm việc đầu óc một cách hiệu quả nhất.
Có thể nào tự rèn luyện để luôn sống trong trạng thái thanh thản, sáng suốt hay không? Vâng, đó là điều hoàn toàn có thể làm được. Và đây chính là mục tiêu nhắm đến của một cuộc sống thiền, và cũng là những gì mà chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi. Tuy nhiên, vấn đề đơn giản nhưng quan trọng nhất cần đề cập đến trước tiên là chúng ta phải tự nhận ra được tính sôi động liên tục trong dòng tư tưởng của mình. Từ điểm xuất phát đó, chúng ta mới có thể bàn đến những phương thức thực hành mà trong nhà thiền gọi là để “đối trị”.
Dòng tư tưởng của chúng ta trong thực tế không bao giờ ngưng biến động. Khi ta chợt nghĩ đến điều gì, một tư tưởng phát sinh ra. Thuật ngữ nhà thiền gọi đó là một “niệm”. Kể từ niệm phát sinh này, sẽ lôi kéo theo những tư tưởng khác có liên quan. Chúng nối tiếp nhau theo một lô-gic nhất định nào đó mà chúng ta vẫn quen suy tưởng. Sự nối tiếp này kéo dài cho đến một thời điểm nào đó thì có một sự việc khác mạnh mẽ hơn, lôi kéo sự chú ý của chúng ta nhiều hơn và sinh khởi một niệm khác. Khi niệm này sinh ra, thì niệm trước mất đi. Tuy có sinh ra, có mất đi, nhưng không lúc nào là dứt đoạn. Nhà thiền gọi quá trình này là “niệm niệm tương tục”. Bình thường, dòng tư tưởng của chúng ta chịu tác động của những sự kiện xảy ra hàng ngày, và do đó nó cũng sôi động mạnh mẽ như chính cuộc sống quanh ta. Khi chúng ta thực hành thiền quán để làm lắng đọng tư tưởng, sự sinh khởi của chúng sẽ dần dần được chúng ta biết đến, hạn chế đi và lâu ngày có thể trở nên thuần thục, êm dịu.
Gửi ý kiến của bạn