Hai ngày vừa qua, chuyện về bức ảnh chụp cậu bé Aylan 3 tuổi người Syria trôi dạt vào bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ, do nhà báo Nilufer Demir chụp, đã có tốc độ lan tỏa nhanh chóng trên toàn cầu (ảnh 2). Người nữ phóng viên này nói ngay khi ấy cô đã thẩn thờ như chôn chân tại chỗ và với bản năng nghề nghiệp cô cầm máy ảnh giơ lên, để chỉ một vài động tác đơn giản cô đã đưa nó đi xa, làm xao động trái tim hàng triệu con người. “Chẳng biết làm gì, ngoài việc chụp ảnh thằng bé. Tôi nghĩ đấy là cách duy nhất tôi có thể biểu lộ tiếng thét từ thi thể bất động của Aylan”- Cô đã trả lời phỏng vấn ngày 4-9 như thế.
Chính cái tư thế nằm úp mặt xuống cát, hai tay buông thẳng ngửa ra đằng sau của Aylan, dễ khiến mọi người thốt lên trong thổn thức rằng dường như cậu bé vừa ngủ vùi sau khi chạy rong chơi cùng các bạn trên bờ biển mệt nhoài! Vì thế có ai đó đã tạo ra bức ảnh sau lưng bé là một sô đồ chơi với cát. (ảnh 3) Người ta vẫn chưa tin cậu bé chết và chết trong hoàn cảnh không đáng có, không thể có của lứa tuổi thơ trong trắng, đang nhìn cuộc đời bằng nhiều ánh mắt sáng đẹp vô cùng. Nhưng sự thật thì bé đã chết, chết một cách tức tưởi giữa lòng đại dương hung hãn, nhưng gió cũng kịp đưa thi thể em vào bờ để làm một tượng đài nhắc nhở với nguời lớn, với những định kiến hẹp hòi và sơ cứng nhịp đập con tim của chính mình. (ảnh 5).
Bỏ qua một bên những xung đột tôn giáo, xung đột lý thuyết chiến tranh hay chuyện kình chống nhau triền miên của các dòng Hồi Giáo lâu nay, để chúng ta chỉ thấy rằng: Cuộc chiến tranh nào cũng vậy thôi, cái hậu quả ghê gớm của nó vẫn chỉ là mất mát đau thương. Người ở lại thì lây lất tìm sống trên đống tro tàn và thây người gục ngã, người thì quay gót ra đi mang thân phận lưu vong cay đắng để tìm đất mới, hẹn ngày về bình yên xây dựng lại quê hương mà chưa biết ngày về ấy còn xa lắc xa lơ đến bao giờ. Người đi ngậm ngùi, kẻ ở lại thương nhớ vò võ ngóng trông! Cái “ái biệt ly khổ” mà đức Phật hằng dạy trong trường hợp này mới thấm thía làm sao! Tấm ảnh chụp em bé Aylan khi còn sống đứng dang hai tay làm nhiều người xúc động. Có lẽ em muốn bảo với con người rằng hãy dừng chém giết lại, hãy làm nhiều điều tốt lành cho cuộc sống và trả lại tuổi thơ yên lành cho các em v.v… và nhiều ước vọng khác nữa mà chiến tranh đã cướp mất đi.
Bé Aylan khi còn sống
Đất nước mình từng trải qua những biến động như thế, cho nên rất hiểu hơn ai hết và quý trọng hai chữ bình yên đến dường nào. Từ đó, nhìn sang các quốc gia có chiến tranh, có nghèo khó hoành hành, sao mà không thương cảm bằng chính cái nỗi đau ấy ngày trước của chính mình. Thấy người ta đau mình cũng xót dạ gan bào, thấy người ta khổ mình cũng không thể làm ngơ. Cái sự khổ đau thì muôn hình muôn vẻ nhưng cái sự đồng cảm, chia sẻ ngọt bùi đắng cay thì rất giống nhau. Bồ Tát Quán Thế Âm phải vận dụng ngàn mắt ngàn tay mới chia sớt và ban bố lòng Từ Bi ấy đến với khắp mọi nơi. Trái tim và lòng Từ Bi ấy chỉ có một ở trong mỗi chúng ta.
Người viết mấy ngày qua không muốn nhắc đến chuyện em bé người Syria này vì nó quá đau lòng. Từng có con cháu ngần tuổi ấy, cái sự đau lòng trong liên tưởng càng da diết biết chừng nào. Nhưng càng làm thinh thì dường như có tiếng ai đó nói rằng tại sao mình để căn bệnh vô cảm lấn sâu đến trái tim như vậy? Một nhà báo không thể làm gì hơn bằng cách chụp một tấm ảnh gởi vào trái tim mọi người như thế, kẻ khác thì đắp tượng cát nhắc nhở thế nhân nên mở lượng hải hà thương lấy tha nhân, và có kẻ thì tiếp sức đưa sự việc này bằng nhiều hình thức khác nhau để không khỏi bị đánh dạt sang bên lề một cách đáng xấu hổ. Thì tại sao một bài viết nhỏ, dù văn chưa hay, trình bày chưa sáng, nhưng trái tim Từ Bi con nhà Phật của mình cũng đủ sức chuyên chở những ước nguyện lớn của thế nhân, mình lại tự nguyện ca bài “trái tim bên lề” một cách đáng chê trách? Không phải chuyện Phật sự ư? Chuyện mỗi cá nhân bây giờ cũng trở thành chuyện Phật sự quá dễ dàng huống gì đây lại là chuyện đáng để làm…Phật sự.
Có lẽ chúng ta vội quên câu tuyên ngôn lừng danh của đức Phật từ ngàn xưa “Không có gai cấp trong dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt mặn như nhau”, Lấy nỗi khổ đau của người làm nỗi đau của chính mình, mình mới vở lẽ nhiều bài học quý giá trong cuộc sống. Website Phật giáo chúng ta rất nhiều nhưng chưa đủ công năng thấm đỏ dòng máu và làm cho người khác được biết vị mặn của từng giọt nước mắt chốn nhân gian, dù đó là người Âu Mỹ hay châu Á. Nếu được như vậy thì có lẽ chúng ta không ra đời để gặp chuyện em bé Syria đau lòng này rồi.
Vâng! Câu chuyện em bé Syria cũng có dòng máu đỏ, nước mắt cùng mặn như tất cả chúng ta. Biển đã lấy đi sự sống của em nhưng rồi cũng trả về cho thế nhân một bài học về lòng Từ Bi quảng đại.
Bức ảnh có sức bật tung cánh cửa Châu Âu vô cảm, cố chấp và lấy đi rất nhiều giọt nước mắt chúng ta hòa chung vị mặn mòi của tình người khắp chốn.
Chúc em ngủ ngon,
trong trái tim con người!
Dương Như Tâm
Hình ảnh người cha khóc ngất
trong đám tang bé trai Syria chết đuối
Những bức ảnh ghi lại cảnh thi thể bé Aylan nằm úp mặt trên bãi biển gần Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) đã khiến cả thế giới chấn động và xót thương những ngày qua. Hôm 4/9, người cha đáng thương là anh Abdullah Kurdi đã làm lễ chôn cất thi thể vợ cùng hai con trai nhỏ tại quê nhà.
Bi kịch kinh hoàng này xảy ra khi cậu bé cùng anh trai 5 tuổi và mẹ trốn chạy khỏi thị trấn Kobani, Syria. Gia đình cậu bé tìm cách đến Canada – nơi họ có người thân.
Hình ảnh được chụp vào sáng 2/9 cho thấy một cậu bé tóc đen, mặc một chiếc áo phông màu đỏ tươi, bị trôi dạt vào bãi biển trong tư thế úp mặt vào sóng biển. Phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ xác định danh tính cậu bé là Aylan Kurdi, và cho biết thêm rằng anh trai 5 tuổi Galip, người mẹ Rehan Kurdi của cậu bé cũng bị chết đuối.
Sáng 4/9, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa anh Abdullah Kurdi, cha của Aylan cùng thi thể ba người thân về miền nam nước này trước khi chuyển họ qua biên giới Syria để về thị trấn Kobane làm lễ an táng. Anh người duy nhất trong gia đình sống sót.
Theo baomoi.com
Nỗi đau vỡ òa phút tiễn đưa bé trai Syria chết đuối
Người thân khóc ngất trong lễ tang chung của bé trai Syria, Aylan Kurdi cùng mẹ và anh trai bị chết đuối khi cố vượt biển vào đảo Kos của Hy Lạp. Các nạn nhân được chôn cất tại quê nhà ở Kobane, Syria.
Thi thể của bé Aylan Kurdi và mẹ cùng anh trai bé Galip, 5 tuổi được đưa về Kobane chôn cất từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4.9. Cha bé Aylan, ông Abdullah Kurdi là người duy nhất trong gia đình sống sót đã hộ tống quan tài của vợ và hai con trai về quê nhà. Ông cũng tự tay chôn cất những người thân yêu nhất.
Những bức ảnh ghi lại cảnh thi thể bé Aylan nằm úp mặt trên bãi biển gần Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) đã khiến cả thế giới chấn động và xót thương những ngày qua. Trong ảnh, người thân đưa thi thể của người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng.
Những người tới tham dự tang lễ đứng thành vòng tròn quanh 3 cỗ quan tài của bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, anh trai bé Galip, 5 tuổi và mẹ của các bé khi họ được đưa về quê nhà ở Kobane.
Ảnh bé trai Syria chết đuối sẽ giúp thay đổi cục diện giống ‘em bé napalm’?
Hình ảnh mang tính biểu tượng đầy sức mạnh của nạn nhân bom napalm trong Chiến tranh Việt Nam, Phan Kim Phúc, đã giúp thay đổi ý kiến công luận năm 1973 và kết thúc cuộc xung đột.
40 năm sau, bức ảnh gợi nhiều liên tưởng và được cho là bi kịch hơn của một em bé 3 tuổi người Syria, Aylan Kurdi, bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc hành trình đến đảo Kos, Hy Lạp, có thể gây ra những tác động tương tự đối với cuộc khủng hoảng hoàn toàn khác với Chiến tranh Việt Nam.
Cậu bé Aylan chỉ là một trong số 2.500 di dân đã chết vì tìm cách vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền quá tải và không an toàn.
Hình ảnh đau lòng của cậu bé đã gây tác động mạnh đến toàn thế giới, bất kể quan điểm về vấn đề di cư như thế nào.
Aylan chết đuối cùng anh trai 5 tuổi và mẹ khi trốn chạy khỏi thị trấn Kobane, Syria. Gia đình của Aylan tìm cách đến Canada, nơi họ có người thân.
Cậu bé được tìm thấy nằm sấp trên một bãi biển gần khu nghỉ dưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thật trùng hợp, Canada là nơi bà Phúc, hiện nay khoảng 50 tuổi đang sinh sống, sau khi đã hồi phục từ vụ bỏng bom napalm khủng khiếp hàng chục năm trước
Không khó để so sánh giữa bức ảnh của cậu bé Aylan và Kim Phúc, một nạn nhân bom napalm trong chiến tranh Việt Nam.
Sức mạnh của hình ảnh cô bé la hét sau khi bị bỏng trong cuộc tấn công bằng bom napalm khiến công chúng Mỹ thấy được nỗi kinh hoàng của chiến tranh trong lúc biểu tình gia tăng đòi chấm dứt 20 năm xung đột.
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ vài giờ sau khi xuất hiện bức ảnh thương tâm về cậu bé Syria, nhiều người ủng hộ Đảng Bảo thủ của Anh đã bắt đầu thúc giục Thủ tướng David Cameron rằng đã đến lúc chấp nhận thêm người tị nạn.
Ông Nadhim Zahawi, một dân biểu Đảng Bảo thủ, đồng minh thân cận của ông Cameron, đã lên tiếng về những tác động của bức ảnh.
Ông viết trên Twitter: “Chúng ta không là gì cả nếu không có lòng từ bi. Bức ảnh khiến tất cả chúng ta cảm thấy xấu hổ. Chúng ta đã thất bại ở Syria. Tôi xin lỗi thiên thần nhỏ. RIP”.
Bà Laura Padoan thuộc Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn UNHCR, nơi cung cấp thức ăn, nước uống, giúp đỡ những người tị nạn từ Syria và những nơi khác cho biết, tổ chức đã chứng kiến sự đóng góp lớn trong tuần qua.
Cuộc khủng hoảng di cư đang leo thang với làn sóng người tị nạn tràn vào các thành phố ở Châu Âu để tìm kiếm nơi trú thân.
Theo The Guardian, Express
http://www.voatiengviet.com/content/anh-be-trai-chet-duoi-se-lam-thay-doi-cuc-dien-giong-em-be-napalm/2944207.html