Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngược dòng sinh tử

10/06/201519:35(Xem: 6439)
Ngược dòng sinh tử

lotus_50
NGƯỢC DÒNG SINH TỬ

 

Lê Khắc Thanh Hoài

Dòng sinh tử, tử sinh được gọi là Luân Hồi. Cái bánh xe quay vòng vòng chẳng tìm ra đâu là khởi điểm, đâu là dứt điểm. Bao nhiêu kiếp sống đã trôi qua và bao nhiêu kiếp sống sẽ nối tiếp ? Không thể tính, không thể đếm. Làm thế nào để cái bánh xe sinh tử ngừng quay ? Ai là người có quyền năng như vậy ? Và tại sao lại phải ngừng quay ? Chết ở đây, sống lại chỗ kia cũng thú vị đấy chứ ! Tại sao lại sợ tái sinh ? Tại sao phải nhàm chán luân hồi ?!

Phàm phu chúng ta đã trôi lăn luân hồi sinh tử vô số kiếp nhưng không hề nhớ, không hề hay biết do đó mà không hề tin có tái sinh luân hồi, vậy thì nói chi đến chuyện xa vời, viễn vông là giải thoát luân hồi. Thêm vào đó, cái lòng đắm đuối với những gì được hưởng thụ ở đời quá mãnh liệt đến nỗi chẳng còn sợ luân hồi mà sẵn sàng tiếp tục tái sinh, mãi mãi được tái sinh ! Cho dù cũng đã từng nếm khổ đau nhưng rồi khổ đau cũng qua đi, cũng quên đi, nên vẫn còn lưu luyến cõi trần gian, và nuôi ảo tưởng rằng tái sinh còn hơn là để biến mất trong hư vô cái Tôi mà mình nâng niu trìu mến, những gì mà mình đã nhọc công tạo dựng, gom góp, tích lũy, sở hữu. Vâng ! Tôi sẵn sàng tái sinh để tìm lại những gì đã mất mát, bị cướp đi, bị chiếm đoạt. Vâng ! Tôi sẵn sàng tái sinh để đòi nợ kẻ đã quỵt tôi ! Vâng ! Tôi sẵn sàng tái sinh để tìm lại thủ phạm đã giết tôi chết ! Vâng ! Tôi sẵn sàng tái sinh để giải oan cho tôi, để vạch mặt kẻ phản bội tôi, để tiếp tục công trình chưa hoàn tất, để trả ơn người đã cứu mạng tôi, để giúp đỡ kẻ cần tôi, để được gần gũi kẻ tôi yêu và yêu tôi … !

Thôi thì hằng hà sa số lý do để tôi bám víu vào luân hồi, không hề sợ, không hề chán !

Hãy thử tìm hiểu cái tâm bám vào luân hồi này, chắc cũng có cái lý của nó !

Con người sinh ra đời thì có một cái thân. Cấu tạo của cái thân vừa có phần vật chất là tứ đại, bốn yếu tố đất, nước, lửa và gió ( hay khí ) cùng với cái phần được gọi là tinh thần hay tâm lý. Điều này, từ đông sang tây ai cũng công nhận. Và cái thân gồm hai phần tâm sinh lý này được xem là Tôi. Điều này không ai phủ nhận. Dù chỉ là tạm thời công nhận, như Phật giáo, xem cái Tôi này là giả, là huyễn, không thật có nhưng vẫn có. Cái tôi này hiện hữu trên cõi đời là do cha mẹ sinh ra. Không ai phủ nhận. Cái tôi này lớn dần theo ngày tháng, rồi già đi, bệnh hoạn và chết. Chết là mất đi sự sống. Nhưng chỉ là mất đi sự sống của cái thân xác vật chất, cái phần tinh thần vẫn còn sống, sống ngoài cái thân xác đã tàn rụi, đã trở nên vô dụng, chỉ có vứt bỏ, chôn đi. Điều này cũng không ai phủ nhận. Chỉ có điều khác biệt nơi sự tồn tại của cái phần tinh thần này. Nó sẽ lưu lạc, trú ngụ chốn nào ? Về với Thượng Đế, lên thiên đường để tiếp tục sống đời đời, nếu nó từng sống tốt và đặt hết lòng tin nơi Thượng Đế. Xuống địa ngục nếu nó từng sống ác, không biết ăn năn và van xin Thượng Đế ân xá tội lỗi. Tuy nhiên cũng sẽ có một ngày Thượng Đế sẽ xét lại và cứu vớt nó. Một đặc ân của Thượng Đế ban cho vào cái ngày " Phán Xét Cuối Cùng " như lời dạy trong Kinh Thánh.(1) Một số người tin chắc như thế. Một số người không tin chắc như thế. Chết là hết. Chấm hết. Không còn gì để bàn luận. Chẳng thưởng, chẳng phạt ai. Tội lỗi, thiện ác gì cũng tan biến, mất hút, mất hoàn toàn. Cát bụi mịt mờ. Hư vô trống rỗng.

Còn lại một số người không tin vào Thượng Đế nhưng cũng không tin chết là hết. Nghe nói có tái sinh thì cũng tin có tái sinh và bằng lòng như vậy còn hơn chết là hết ! Con người rất sợ điều này. Hay nói chính xác là cái Tôi rất sợ phải tan biến vào hư vô, không còn gì nữa hết. Cho dù có phải khổ cách mấy nơi cõi trần thế, cái Tôi này cũng sẽ cam chịu và sẵn sàng dấn thân, lòng dặn lòng là sẽ dùng kinh nghiệm từng trải qua bao đời để làm cho kiếp sống tốt hơn, để đạt được hạnh phúc hơn, để được hưởng thụ nhiều hơn, được sống sung túc hơn, được công bình hơn, được nhiều cơ hội hơn, được thăng hoa hơn, người thiện thì nghĩ chuyện thiện, người ác thì nghĩ chuyện ác, thí dụ vị bác học đang tìm tòi nghiên cứu một liều thuốc trị bá bịnh hay trường sinh bất tử chẳng hạn, thì cứ thao thức muốn tìm cho ra, cứ muốn tiếp tục suy nghĩ tìm tòi mà chỉ một kiếp người thì quá ngắn ngủi, không thể thực hiện được, như thế thì sẽ không từ chối cái chuyện tái sinh, trở lại tiếp tục đeo đuổi công trình dang dỡ ! Cũng hay, chẳng có gì chê trách ! Hoặc kẻ xấu ác, chuyên mưu mô xảo quyệt mà trong hiện đời vẫn thoát được lưới pháp luật thì cũng chỉ cầu mong tái sinh để sẽ mưu thần chước quỷ hơn nữa, trở thành đệ nhất, số một trong hàng tướng cướp, ai cũng khiếp, ai cũng hàng phục ! Chuyện này thì không hay rồi và phải đáng chê trách ! Lại nữa, tái sinh là hi vọng thực hiện được tất cả những gì mình mong muốn, ước ao, ví như chưa trả được thù, chưa rửa được hận, chưa báo được oán cũng như chưa đền được ân, như thế là cũng không từ chối tái sinh. Còn biết bao lý do riêng tư, thầm kín ấp ủ trong lòng mỗi cái Tôi để sẵn sàng tái sinh ? Không thể nghĩ bàn !

Như vậy là những cái Tôi này nghiễm nhiên đi vào luân hồi. Tự nhiên như cá bơi lội trong nước. Như chim vỗ cánh bay lên bầu trời xanh. Chắc chắn như một mũi tên bắn trúng đích. Như một chiếc thuyền đã tới bờ. Như một chiếc máy bay đã an toàn đáp xuống phi trường.

Chỉ có một điều duy nhất mà những cái Tôi này không thể biết chắc chắn, như một người hành khách được đổ xuống bến mà không được biết bến đó là đâu và không thể làm chủ cuộc hành trình mới này ! Như cá xuống nước thì lội nhưng biển cả thì mênh mông chẳng biết lội về chốn nào, như chim phóng lên bầu trời mà bầu trời thì bao la, mũi tên bắn ra nhưng cũng không biết là bắn trúng vào đâu, con thuyền tới bờ nhưng cũng chẳng biết bến bờ nào, máy bay có đáp xuống đất nhưng cũng chẳng biết là đông là tây ! Chẳng biết là xa là gần mà cái hành lý mang trên vai thì vô cùng nặng ! Nặng trĩu một nỗi lòng, một tâm tư, một khát khao, một mong ước, một hi vọng, một đợi chờ. Cái khổ là ở đây. Không biết đi về chốn nào và có đạt được mong cầu, có được toại nguyện những điều mình ôm ấp, thầm kín, sâu xa ? Có thể là đã mong cầu, đã ngong ngóng, đợi chờ từ đời này sang đời khác rồi ! Những cái Tôi này đã phải lang thang, phiêu lưu biết bao thế kỷ, bao kiếp sống rồi ? Chắc là nhiều lắm không thể đếm và có đạt được hết những mong cầu chưa ? Chắc là chưa đâu !

Vì sao ? Vì luân hồi thì dễ lắm nhưng đạt được những gì mong muốn thì khó lắm !

Những cái Tôi này không hề biết điều này, chỉ biết lao đầu vào và cắm cúi đi. Đi để trả thù, để báo oán, để báo ân, để tiếp tục công trình dỡ dang, để tìm lại người thương, người yêu…Hoặc chỉ để tiếp tục sống chứ không chết, không tan biến như hạt bụi nhỏ bé, vô nghĩa.

Những cái Tôi này không hề biết rằng :

Sinh làm người là khó 
Được sống còn là khó 
Nghe Chánh Pháp là khó 
Được gặp Phật là khó. (2)

Luân hồi thì dễ. Bởi vì nó là một định luật tự nhiên. Cũng như vô thường. Muốn hay không ta cũng phải chịu. Muốn thì quá dễ, ta sẽ luân hồi thoải mái như cá lội trong nước. Không muốn thì cứ chống cự với sức đẩy của nghiệp lực mà đức Phật từng dạy là không gì mạnh hơn, không gì có thể so sánh.

Hoặc trên trời dưới biển 
Hay trốn vào động núi 
Không chỗ nào trên đời 
Trốn được quả ác nghiệp.(3)

Ở đây, chúng ta thấy luân hồi liên hệ chặt chẽ với nhân quả. Nhân quả là do nghiệp tạo ra. Như vậy nghiệp, nhân quả và luân hồi dính chùm với nhau. Có tạo nghiệp là nhân, mới chịu quả báo. Quả báo trả được là nhờ có luân hồi dẫn dắt, tạo điều kiện.

Những cái Tôi hứng thú lao đầu vào sinh tử hay muốn cưỡng lại cũng không xong. Có nhân thì có quả. Có nghiệp thì có nghiệp báo. Có vay thì có trả. Một định luật nghìn thu. Vào luân hồi thì dễ, ra mới là khó !

Đức Phật Thích Ca đã từng khuyên nhủ:

Trôi lăn luân hồi khổ 
Vậy chớ sống luân hồi 
Chớ chạy theo đau khổ. (4)

Nếu cứ còn tạo nghiệp, nhất là nghiệp ác thì chắc chắn phải luân hồi để lãnh quả báo ác, những nạn nhân của kẻ đã tạo ác, chưa chắc đã tha cho thủ phạm. Nếu tạo nghiệp thiện thì luân hồi để lãnh quả báo thiện. Cho dù là như vậy, được quả báo thiện hay lãnh quả báo ác, cả hai đều nằm trong cái khổ của sinh tử và vô thường. Hai yếu tố sinh tử và vô thường đều gây sự chia lìa, ly biệt, đổi thay, chuyển dời, gây đau khổ. Trong cái hành trình luân hồi đó, không có gì chắc chắn, bất di bất dịch mà chỉ là bất trắc, bất đắc, bất như ý, bất toại nguyện, bất thành, bất đạt và hằng hà sa số…bất ngờ mà thôi ! Nghĩa là những điều chẳng chờ chẳng đợi bỗng dưng đến trong khi những gì có mong có đợi có chờ thì lại không đến. Điều này cho thấy những cái Tôi này không hề làm chủ luân hồi gì cả. Bởi vì cái gì cũng phải đủ nhân đủ duyên mới thành, do đó mà lao vào luân hồi không có nghĩa là sẽ thực hiện được tức thì tất cả những gì mình ao ước.

Một điều khác mà những cái Tôi này không biết là luân hồi không chỉ có nơi kiếp người mà có đến sáu cõi khác nhau, đó là cõi trời, thần, người, súc sinh, ngạ quỉ và địa ngục. Tất cả đều do nghiệp thiện hay ác của mình đã tạo, sẽ quyết định nơi mình tái sinh. Không dễ dầu gì mà muốn tái sinh chỗ này thì lập tức được tái sinh chỗ đó. Như vậy thì không có gì bảo đảm rằng sẽ thực hiện được cái điều mong cầu ao ước.

Muốn gặp lại người mình yêu thương thì cũng phải sanh cùng nơi, cùng lúc cùng thời chớ đâu có dễ. Chỉ chừng này thôi đã thấy khổ rồi.

Thật ra thì những cái Tôi này đều thấy cái khổ của luân hồi sinh tử, đều công nhận là có khổ thật nhưng không biết làm sao thoát khỏi khổ, chỉ biết hi vọng bên cạnh cái khổ đó vẫn còn cái sướng cho nên vẫn kiên trì bám víu vào sinh tử, tử sinh.

Đức Phật ra đời cũng là để chỉ dạy cho con người con đường thoát khổ luân hồi này. Con đường đi ngược dòng sinh tử. Không lao vào khổ đau nữa.

Từng bước, từng bước hãy cùng đi trên con đường ngược dòng sinh tử này, nghĩa là con đường chấm dứt luân hồi, chấm dứt khổ đau.

Bát Chánh, đường thù thắng 
Bốn đế, lý thù thắng 
Ly dục, pháp thù thắng 
Giác nhân, người thù thắng. (5 )

Nơi bài pháp đầu tiên, Kinh Chuyển Pháp Luân, đức Phật đã thuyết về con đường Trung Đạo và Tứ Thánh Đế tức là Bốn Chân Lý mà chân lý đầu tiên là Khổ, bởi vì mọi người đều có kinh nghiệm của khổ, đều nếm mùi của Tám cái khổ, khổ vì sự ly biệt, xa lìa người mình thương yêu, khổ phải sống chung với người mình không ưa, khổ vì cầu mà không được, khổ vì sanh già bệnh chết, khổ vì mang cái thân cấu tạo bởi năm thành phần : sắc, thọ, tưởng, hành và thức.(6)

Khổ này chồng chất lên khổ kia. Đứng trước sự hoại diệt, mất mát, đứng trước sự đổi thay, chuyển dịch, không dừng một chỗ làm cho khổ tâm. Không có gì cầm chắc trong tay. Đau khổ qua đi thì mừng nhưng hạnh phúc muốn giữ nó lại thì chẳng được. Bé bỏng trông mau lớn để tự do, sống như mình muốn, hưởng thụ tuổi thanh xuân, sắc đẹp và sức khoẻ nhưng rồi cái già nua cũng phải đến với thân xác, như thế là buồn bã, tiếc nuối, khổ đau. Bệnh hoạn, đau đớn quá chỉ cầu cho chết đi. Ở đây, vô thường là bạn tốt, đến đem mình đi cho hết cái khổ của thân xác, hãy cám ơn nó ! Cũng thế, nhờ Vô Thường mà có đêm có ngày, có sáng trưa chiều tối, nếu không thì con người cứ đứng một chỗ, làm việc gì cũng chẳng biết khi nào xong, ăn xong một bữa cơm trưa, đói bụng lại rồi mà cũng chưa thấy tới buổi cơm chiều ! Kẻ đi làm thì ngong ngóng giờ tan sở nhưng cái đồng hồ mãi vẫn không quay tới giờ tan sở ! Kẻ ở tù thì bốc mãi một tờ lịch, vẫn không hề thấy cái ngày được ra tù ! Nếu không có bốn mùa vận chuyển, chỉ có một mùa hè nóng bức, khô cằn, không mưa, cây cối sẽ chết mà con người cũng chết. Hoặc giả chỉ có một mùa đông tuyết giá lạnh lùng thì cũng chẳng có sinh vật nào tồn tại. Vậy thì ai cũng phải cám ơn vô thường đã làm cho có sự đổi thay, xuân hạ thu đông vận chuyển để vạn vật chuyển động đầy sinh khí, sinh lực. Về phần tinh thần cũng thế, không có vô thường nơi tâm thì cũng không mong thay đổi người ác, xấu ! Nhưng ngược lại, người có tâm thiện cũng có thể chuyển thành ác !

Thế rồi ta cũng oán trách vô thường đã đem lại sinh lão bệnh tử, cướp đi những gì ta muốn ghì chặt trong vòng tay, muôn giữ mãi bên ta. Vô thường quét sạch hạnh phúc lẫn khổ đau. Vô thường cũng là cái bấp bênh của luân hồi sinh tử, không ai biết chắc sẽ rơi vào nẻo nào, làm sao mà vui đây ?

Thực sự nhận ra khổ rồi, biết khổ rồi và chán khổ rồi bấy giờ mới mong thoát khổ và cũng đồng nghĩa với mong thoát luân hồi. Bằng không thì vẫn còn hi vọng, bám víu vào một cái thân, chết ở đây thì sẽ tìm một cái thân khác thế vào.

Con đường Phật dạy để giải thoát lần lần mở ra. Sau khi đã nhận thức được khổ rồi thì phải tìm đến nguồn gốc, nguyên nhân của khổ. Đó là chân lý thứ hai mà đức Phật đã dạy : Tập đế. Hãy đọc đoạn kinh sau đây trong bản Kinh Chuyển Pháp Luân:

" Chính Ái là nguyên nhân của sự tái sanh. Ái hợp với tâm thiết tha khao khát, bám víu cái này hay cái kia. Chính là Ái đeo níu theo nhục dục ngũ trần, Ái đeo níu theo sự sinh tồn (vĩnh cữu, thường hằng), và Ái đeo níu theo ý tưởng không sinh tồn (hoại diệt, hư vô) ".(7)

Gốc của khổ là Ái, mà trong Ái có tánh Tham hay Dục vì Tham hay Dục là cái lòng muốn, khát khao, muốn được, muốn là, muốn có. Có Ái tất có Tham, có Dục. Tính chất của Ái là dính mắc, nên yêu thương hay ghét bỏ cũng là Ái. Tham, Dục hay Ái đều qui về một điểm, một trung tâm là cái Tôi. Cái Tôi muốn được, muốn là, muốn có, cái Tôi yêu người này, ghét bỏ người kia, thích thiện thì ghét ác, thích sướng thì ghét khổ. Không thể tính đếm cho hết các đối tượng của Ái, Tham hay Dục. Khởi đầu từ năm giác quan hay sáu giác quan theo quan điểm Phật Giáo, từ nơi hình ảnh, nơi âm thanh, nơi cảm xúc, nơi nghĩ tưởng, nơi hành động, nơi ý thức mà khởi lòng Ái, lòng Tham, lòng Dục, kéo theo Sân, Si và vô lượng phiền não. Như vậy gốc của khổ là tâm Ái, bám níu, nương tựa vào một trung tâm điểm là cái Tôi, được tô bồi, nuôi dưỡng bởi Tham Sân Si. Chính cái tâm tham ái này dẫn đến sinh tử, tử sinh. Cái Tôi bám vào sự sống, muốn trường tồn mãi, là vì có Tham có Ái. Dứt Ái, hết Tham, buông bỏ cái Tôi, không nuôi dưỡng nó nữa, không để cho Sân khuấy động, và Si làm sai đường lạc lối thì sẽ không còn chạy lòng vòng nơi luân hồi nữa.

Ở đây không thấy gì khó hiểu, khi cái tâm còn Ái, còn bám víu vào sự trường tồn thì còn luân hồi nhưng cái điều khó hiểu là cho dù có bám vào cái sự không sinh tồn, sự hoại diệt cũng vẫn là Ái và vẫn chịu luân hồi, tái sinh. Bởi vì cái Ái nầy xuất phát từ sự không hiểu biết, từ vô minh, chấp đoạn, nhưng không thể có sự hoại diệt như vậy, những nghiệp đã tạo thì vẫn còn và chủ nhân của nghiệp phải chịu lãnh quả báo, không thể trốn tránh. Cái Ái, lòng muốn tất cả là hư vô này không đúng với chân lý và vẫn chịu tái sinh dù muốn dù không.

Thế thì ai là người có quyền năng chấm dứt luân hồi ? Chẳng ai khác ngoài cái Tâm không nhiễm Ái và không chấp vào cái Tôi. Cái Tâm này buông bỏ, không đeo đuổi ân oán, trả vay, không chạy theo thú vui của nhục trần, không khát khao hạnh phúc mong manh, không làm nô lệ cho cái Tôi nữa.

Chấm dứt Tham Ái là đạt Niết Bàn. Là chân lý thứ ba về sự diệt khổ, là Diệt Đế mà đức Phật đã thuyết. Niết Bàn là sự chấm dứt toàn vẹn các khổ đau. Sự chấm dứt khổ đau được đức Phật định nghĩa trong bản kinh Chuyển Pháp Luân như sau :

" Đó là sự xa lánh trọn vẹn và sự tận diệt chính cái Ái ấy. Đó là sự rời bỏ, sự khước từ, sự thoát ly, và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục ".

Làm cách nào để từ bỏ, để thoát ly, diệt tận Ái ? Đức Phật dạy tiếp về con đường giải thoát, Đạo Đế, như sau :

" Đó là Bát Chánh Đạo. Chánh Kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm và Chánh Định ".(8)

Tám điều chân chánh này dựa trên ba nền tảng căn bản là Giới Định Tuệ, đồng thời tóm gọn trong ba hoạt động của Thân, Khẩu và Ý. Và khi ba cơ quan này hoạt động mà loại trừ được cái Tôi, Tham và Ái thì được xem là chân chính. Chân chính mới là con đường đưa đến sự Diệt Khổ. Sự Diệt Khổ thì hoàn toàn vắng bóng của cái Tôi, của Tham và Ái.

Chấp cái Tôi, hay chấp Ngã, là do có một cái thân, tấm thân Ngũ Uẫn hợp thành. Muốn phá cái chấp này cũng phải dày công tu tập và quán chiếu.

Theo bản " Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh " chúng ta đọc được câu như sau :

" Bồ Tát Quán Tự Tại khi tu chứng đại trí tuệ siêu việt, thấy rõ Ngũ Uẫn đều Không, vượt qua hết khổ ách "(9)

Như vậy là Bồ Tát nhờ ngộ ra tánh Không, không chấp vào cái thân này là thật có, là Ngã nữa mà thoát mọi thứ khổ. Khổ không chỉ nơi thân, nơi tâm mà bao gồm cả sự luân chuyển trong sáu đường.

Nơi một đoạn khác, chúng ta đọc thấy :

" Bồ Tát nương trí tuệ siêu việt nên tâm không chướng ngại, xa lìa hết thảy điên đảo mộng tưởng, cứu cánh đạt đến Niết Bàn. Chư Phật ba đời nương trí tuệ siêu việt nên được giác ngộ hoàn toàn, đứng đắn và cao nhất ".(10)

Bồ Tát hay chư Phật ba đời đều nương trí tuệ siêu việt mà đạt Niết Bàn, được giác ngộ. Trí tuệ siêu việt này là trí Bát Nhã Ba La Mật Đa có khả năng đưa người từ bờ mê sang bờ giác, từ biển luân hồi sang miền cực lạc, Niết Bàn. Là trí tuệ " đứng đắng và cao nhất " phá vỡ mọi chấp trước. Không còn ngôn từ để diễn tả. Bất khả tư nghị. Bất khả thuyết.

Nơi bản kinh Chuyển Pháp Luân, chúng ta đọc được đoạn kinh mô tả đức Phật, sau khi đã thực hành và chứng ngộ Bốn Chân Lý, ngài mới tuyên bố rằng :

" Và lúc ấy, Tri kiến và Tuệ Giác phát sanh đến như Lai. Tâm của Như Lai hoàn toàn giải thoát một cách vững chắc, không còn lay chuyển, và đây là kiếp sống cuối cùng, không còn kiếp sinh tồn nào nữa ".

Tri kiến và Tuệ Giác của Như Lai chắc chắn được phát sinh do thực hành Bát Chánh Đạo. Tri kiến và Tuệ Giác này chắc chắn là không khác trí tuệ siêu việt Bát Nhã Ba La Mật Đa. Không còn nghi ngờ gì nữa, thực hành theo Bát Chánh Đạo là con đường đi ngược dòng sinh tử, là thoát luân hồi, thoát khổ.

Nơi bài thuyết pháp đầu tiên, đức Phật đã chỉ rõ ràng, có thứ tự, con đường giải thoát và sự tu tập thiết thực. Qua bài pháp thứ hai, thuyết về Vô Thường, Vô Ngã, đức Phật khai mở trí tuệ, làm vững thêm ý chí thoát trần.

Phải về lâu về sau, nơi kinh điển Đại Thừa chúng ta mới được gặp bàn tay tiếp độ của đức Phật A Di Đà. Phàm phu chúng ta, không phải là hàng thượng căn, nghe Pháp bao nhiêu cũng chẳng ngộ, trôi lăn bao nhiêu tỷ kiếp cũng chẳng học được điều gì, Ái vẫn hoàn Ái, Tham vẫn hoàn Tham, Ngã vẫn hoàn Ngã. Tri kiến và Tuệ giác không phát sanh như Phật, Bồ Tát, A la hán nên phải trôi lăn mãi trong luân hồi. Như vậy, với hàng hạ căn như chúng ta, nương nhờ Tha Lực hay Phật Lực, là một điều lợi lạc không thể nghĩ bàn. Nơi Tịnh Độ mà chim chóc một ngày sáu thời đều phát ra tiếng Pháp, nơi các hàng cây mà khi gió thổi đến làm lay động thì phát ra âm thanh tuyệt vời, vi diệu, nghe qua tự nhiên trong lòng chỉ biết nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng.

Pháp gì được nghe thấy từ tiếng của chim muông ? Chính là Pháp mà đức Thích Ca đã từng thuyết nơi Đạo Đế : Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phận, Bát chánh đạo. Nhờ được nhắc nhở tu tập, dần dà, phàm phu thanh tịnh hóa được tâm mình, không còn tham đắm luân hồi, rủ bỏ nghiệp cũ.

Chỉ một lần thật sự, chân thành tận tâm can ước ao Tịnh Độ cũng là một lần biết chán ngán luân hồi. Chưa chán ngán luân hồi thì chẳng ao ước Tịnh Độ.

Tâm hướng về cõi Tịnh cũng là cái Tâm đang bước vào con đường đi ngược dòng sanh tử. Cõi Tịnh không nằm trong luân hồi. Bước vào cõi Tịnh là bước ra khỏi luân hồi. Vào cõi Tịnh không phải với cái Tâm hưởng lạc thú cho dù đó là cõi Cực Lạc, mà chỉ vì cái Tâm mong cầu nghe Pháp, luôn luôn được sống trong Pháp. Nhờ vậy, Tâm rủ sạch nhiễm ô của Ái và Tham.

Trở về với câu định nghĩa của đức Thích Ca về Diệt Đế :

" Đó là sự xa lánh trọn vẹn và sự tận diệt chính cái Ái ấy. Đó là sự rời bỏ, sự khước từ, sự thoát ly, và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục " 

Từ đó suy luận rằng Tịnh độ, tuy không phải là Niết Bàn nhưng phàm phu nhờ Tha Lực, nương náu Tịnh độ mà tu tập, đạt được sự tận diệt của Ái, sự rời bỏ, sự khước từ, sự thoát ly và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục để rồi, bằng Tự Lực của mình, tiến đến Niết Bàn. Mầu nhiệm thay ! Quý hoá thay Tha Lực!

Lại một câu hỏi được đặt ra : đạt Niết Bàn hay thành Phật ? Thiết nghĩ 
rằng bản thể, bản tánh của Niết Bàn hay Phật đều thanh tịnh như nhau.

Câu hỏi này thực sự không là một câu hỏi.

Lê khắc Thanh Hoài 

Paris, Mùa Phật Đản, 2015


Chú Thích :

  1. Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo. Sự Phán Xét Cuối Cùng. Khải Huyền 20.11-15
  2. Kinh Pháp Cú, Phẩm Phật Đà. HT Thích Minh Châu dịch.
  3. Kinh Pháp Cú, Phẩm Ác. HT Thích Minh Châu dịch.
  4. Kinh Pháp Cú, Phẩm Tạp. HT Thích Minh Châu dịch.
  5. Kinh Pháp Cú. Phẩm Đạo. HT Thích Minh Châu dịch
  6. Thân vật chất, cảm xúc, sự ghi nhớ ( nghĩ tưởng), sự tác ý (hành động), sự nhận biết.
  7. Đức Phật và Phật Pháp. Kinh Chuyển Pháp Luân. Dhammacakkapavattana. Tác giả Narada. Dịch giả Phạm Kim Khánh.
  8. Con đường chân chính gồm Tám Nhánh hay Tám Phần : Sự thấy biết chân chính, sư suy nghĩ chân chính, lời nói chân chính, hành động chân chính, sự sinh sống chân chính, sự chuyên cần chân chính, sự ghi nhớ chân chính và sự tập trung tư tưởng chân chính.
  9. 10. Tâm Kinh Đại Trí Tuệ Siêu Việt. Nghi thức tụng niệm chùa Trúc Lâm. Paris. Bản dịch của cố HT Thích Thiện Châu. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/11/2024(Xem: 466)
Quý Phật tử (bất bộ phái: theo Nam Tông, Phật Giáo Nguyên Thủy, theo Bắc Tông, hay Tịnh Độ Tông, Mật Tông vv) với lòng tin chân thành, nhất tâm hướng về Như Lai và Pháp của Như Lai, không một chút phân vân, không một chút nghi ngờ về Như Lai và Pháp của Như Lai, thời sẽ vui như hội trăng rằm quanh năm vì Chân Pháp của Thế Tôn là Pháp Quang, vượt xa ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tỏa rạng khắp nơi, làm cho khai ngộ, mang lại niềm hỷ lạc cho bất kể hữu tình nào với tâm hân hoan tín thọ, và pháp thọ. Trong kho tàng Pháp Bảo đồ sộ của bậc Thiện Thệ, Bát Trai Giới thanh tịnh dù chỉ trong một ngày một đêm, sẽ mang lại công đức không thể luận bàn cho bất kể Quý Pháp hữu nào hân hoan tín thọ, vì với công đức chân thật này, sẽ tái sanh lên cõi trời, một trong sáu tầng trời dục giới, hoặc sẽ tái sanh về Tây Phương Cực Lạc tùy theo tâm nguyện của họ.
22/08/2024(Xem: 1228)
Khi thấy Đức A Di Đà Phật xuất hiện, Cụ Ông 80 tuổi, vào hai đêm trước ngày ra đi, mặc dù bị bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối, vẫn mỉm cười niệm Nam Mô A Di Đà Phật; ngay trước giờ xả bỏ báo thân, Cụ Ông, lại một lần nữa, thấy Đức A Di Đà Phật hiện ra; và sau đó tỉnh táo, sáng suốt ra đi an lành. Tâm Tịnh và Hoa Chí cùng con cháu của Cụ có duyên lành hỗ trợ Cụ Niệm Phật suốt tám ngày và tám đêm, khai thị, khuyến khích, làm cho Cụ phấn chấn, đặc biệt, Tâm Tịnh đã tận mắt chứng kiến sự ra đi nhẹ nhàng của Cụ vào lúc 9.40 sáng ngày 11 tháng 07 Quý Mão (2023). Để kỷ niệm một năm giỗ đầu của Cụ, và như một lời hứa khả với quý đạo hữu Tịnh Độ, Tâm Tịnh xin hân hoan tường thuật lại những gì mắt thấy, tai nghe trong suốt thời gian trợ duyên Niệm Phật cùng với Cụ cho đến thời khắc ra đi, kể cả thời gian ban đầu khi nhập viện và thời gian hộ niệm sau khi tắt thở. Từ những gì diễn ra trong những ngày cùng Cụ Niệm Phật, có thể đúc kết thành 14 chỉ dấu sau đây, làm cơ sở cho niềm tin rằng Th
21/01/2024(Xem: 1895)
Tỉnh Thức Đối Diện với Bệnh tật và Cái Chết_Tỳ Kheo Analayo_Bình Anson dịch
06/06/2023(Xem: 7145)
Bất cứ trong một tôn giáo, một triết học nào, phần nhân sinh quan vẫn là quan trọng. Chúng ta theo một tôn giáo mà không biết quan niệm nhân sinh trong tôn giáo ấy như thế nào, thực là một khuyết điểm lớn lao. Ở đây, chúng ta chỉ riêng bàn về phần nhân sinh quan Phật giáo để tìm hiểu Phật giáo quan niệm về đời sống con người như thế nào ?
21/05/2023(Xem: 2042)
Con người thường sợ cái chết nên làm mọi cách để níu kéo sự sống, níu kéo bằng tiền bạc, bằng thuốc men, thức ăn, bằng các hoạt động thể chất. Việc giữ gìn, duy trì sự sống là một điều cơ bản mà bất cứ ai sống trên đời này cũng phải làm để mong mình sống lâu, sống thọ chứ không ai mong mình chết sớm, hay nói đúng hơn là ai cũng sợ cái chết bởi không có một loài động vật có máu huyết nào lại không sợ chết, nhưng sợ chết, không muốn chết thì con người vẫn không thể thoát được cái chết, cho nên thay vì sợ hãi thì chúng ta hãy tập đối diện với quy luật sinh tử như thế nào để vừa giữ được tinh thần lạc quan, vừa duy trì được sự sống của mình một cách trọn vẹn nhất.
22/03/2022(Xem: 3687)
Tôi không ngạc nhiên lắm khi biết dù tác phẩm Chết và Tái sinh ( Death & Rebirth ) đó TT Thích Nguyên Tạng soạn dịch ấn bản lần đầu tiên vào năm 2001 và được tái bản đến 9 lần rồi mà vẫn không đủ cung cấp, cho nên sắp tới Tu Viện Quảng Đức cho tái bản lần thứ 10 để cống hiến bạn đọc gần xa. May mắn thay trong thư viện tí hon của tôi có tác phẩm này được tái bản lần thứ bảy vào mùa Vu Lan báo Hiếu 2007 mà lời ngỏ của tác giả đã đánh động đến con tim của người đọc …qua câu chuyện Luật Sư Brendan Keilar sinh sống tại Melbourne / Australia đã bị bắn chết thật kinh hoàng khi tuổi mới 43 để trả giá cho hành động rất ngưỡng phục ( vì đã can thiệp cứu người).
02/12/2021(Xem: 20176)
Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, Kính thưa quý đồng hương Phật tử thân mến, Kể từ ngày 12/04/2020, nước Úc của chúng ta cũng như các nước khác trên toàn thế giới đã bắt đầu bị đại dịch Covid hoành hành và lây lan một cách nhanh chóng. Hai năm qua toàn thế giới đã phải chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, thương trường. Ngay cả đời sống tinh thần của mọi người dân cũng bị ảnh hưởng không ít, nhất là đối với những gia đình đã phải nhìn thấy người thân ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo, không người đưa tiễn. Biết bao hoàn cảnh đau thương... Tính đến hôm nay nước Úc của chúng ta đã được ổn định phần nào, trên 80% người dân đã được tiêm ngừa theo quy định của chính phủ, cũng như việc không còn phải lockdown, người dân được đi lại tự do giữa các tiểu bang cũng như được hội họp, sinh hoạt hội đoàn và tôn giáo. Trong đại dịch, 2 năm qua nước Úc số người bị nhiễm Covid lên đến 113,411 người và số người không may mắn đã ra đi vĩnh viễn là 1,346 người.
01/08/2021(Xem: 12851)
Chuông mõ gia trì là 2 pháp khí rất quan trọng trong nghi thức hành trì và tu tập mỗi ngày đối với người đệ tử Phật. Tiếng chuông, tiếng mõ rất là quen thuộc gần gũi trong sự hành trì tu tập hằng ngày của người Phật tử, nhất là Phật tử theo truyền thống Bắc tông. Phật tử theo truyền thống Nam tông trước kia thì không có gõ mõ, thỉnh chuông khi tụng kinh, nhưng bây giờ đã có chuông rồi, còn bên Bắc tông thì chuông mõ đã có từ ngàn xưa.
26/06/2021(Xem: 15727)
LỜI GIỚI THIỆU “Chết đi về đâu” là tuyển tập các bài pháp thoại của thầy Nhật Từ tại Hoa Kỳ, Úc châu và Việt Nam. Dựa vào kinh điển Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau, thầy Nhật Từ đã phân tích những trở ngại về tâm lí trước cái chết thường làm cho cái chết diễn ra sớm hơn và đau đớn hơn. Nếu chết được hiểu là tiến trình tự nhiên mà mỗi hữu thể đều phải trải qua thì nỗi sợ hãi về cái chết sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trước nhất là từ hữu thức sau đó là từ vô thức, làm cho cuộc sống con người trở nên tẻ nhạt và đáng sợ.
01/11/2020(Xem: 20108)
1/Đệ nhất đại nguyện: quốc vô ác đạo. Đại nguyện thứ nhất: Cõi Cực-lạc không có các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy) 2/Đệ nhị đại nguyện: bất đọa ác đạo. Đại nguyện thứ hai: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc không đọa vào các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 3/ Đệ tam đại nguyện: thân chơn kim sắc. Đại nguyện thứ ba: Thân của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có sắc vàng. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 4/ Đệ tứ đại nguyện: hình sắc tương đồng. Đại nguyện thứ tư: Hình sắc của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều bình đẳng, không đẹp xấu khác nhau. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 5/Đệ ngũ đại nguyện: túc mạng trí thông. Đại nguyện thứ năm: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có túc mạng thông, biết rõ các kiếp quá khứ. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]