BẢY GIÁC CHI
Toàn Không
1 )- Bảy Giác Chi là gì?
Giác chữ Phạn là Boddhi (Bồ Đề) là giác ngộ; Chi là nhánh, loại, phần. Bảy Giác Chi là bảy loại tu tuần tự sẽ đạt đến đạo qủa. Bảy Giác Chi còn gọi là “Bảy Giác Phần”, hay còn gọi là “Thất Bồ Đề”, bảy phương tiện thực hành sẽ đi đến giải thoát.
2 )- Phân tích Bảy Giác Chi.
Bảy Giác Chi gồm có:
1- Niệm Giác Chi:
Thế nào gọi là Niệm Giác Chi?
Niệm Giác Chi là luôn luôn tỉnh thức nhớ pháp tu để hành trì, không có ý nghĩ, tư tưởng, tạp niệm nào khác xen vào làm rối tâm. Là nội pháp tâm niệm trụ, là trí, là đẳng giác (biết cùng tận).
2- Trạch Pháp Giác Chi
Thế nào là Trạch Pháp Giác Chi?
Trạch là phân biệt lựa chọn, pháp là sự việc, pháp môn. Lựa chọn điều tốt thiện, loại bỏ điều xấu ác. Loại bỏ pháp không thích hợp, chọn pháp môn tu thích hợp với mình. Trạch Pháp Giác Chi là dùng trí tuệ để phân biệt lựa chọn kỹ càng không nhầm lẫn.
3- Tinh Tấn Giác Chi
Thế nào là Tinh Tấn Giác Chi?
Tinh Tấn Giác Chi là luôn luôn đoạn trừ điều xấu ác, luôn luôn nuôi dưỡng các điều tốt lành. Kiên trì, bền bỉ, không bỏ cuộc, không thỏa mãn khi chưa tới đích.
4- Hỷ Giác Chi.
Thế nào là Hỷ Giác Chi?
Hỷ Giác Chi là hân hoan vui vẻ, tiêu diệt hết các sự lo lắng buồn phiền, được thích thú thoải mái, được tâm hân hoan tràn đầy.
5- Khinh An Giác Chi
Thế nào là Khinh An Giác Chi?
Khinh An Giác Chi là khi đã loại bỏ việc xấu ác, lựa chọn được pháp tốt lành. Mọi khó khăn buồn phiền đã loại đã dứt rồi, tâm thể được nhẹ nhàng thư thái, thân khỏe khoắn tâm dễ chịu nên gọi là Khinh An.
6- Định Giác Chi
Thế nào là Định Giác chi?
Định Giác Chi là khi thân tâm đã an lạc rồi, hành giả sẽ dễ dàng được thanh tịnh và đi vào định tâm.
7- Xả Giác Chi
Thế nào là Xả Giác Chi?
Ở trong định tiến tới chính định, nên lúc đó không còn bận rộn vướng mắc một điều nào. Tất cả các điều tốt đẹp lẫn xấu xa đều không còn một tý gì trong tâm. Đây là xả bỏ, gọi là trí, đẳng giác (biết cùng tận).
Như vậy, thực hành Bảy Giác Chi một cách đầy đủ có thể chuyển đến đạt Niết Bàn. Đây gọi là Bẩy Giác Chi.
3 )- Tu Bảy Giác Chi cần biết:
1-Nếu trong lúc tu tâm yếu kém, nghi ngờ, do dự, hành giả không nên tu Khinh An Giác Chi, không nên tu Định Giác chi, không nên tu Xả Giác Chi. Nếu thấy tâm yếu kém, do dự sinh khởi, lúc ấy hành giả nên tu Trạch Pháp Giác Chi, nên tu Tinh Tấn Giác Chi, Nên tu Hỷ Giác Chi.
2-Nếu trong khi tu tâm dao động dấy khởi, Hành giả không nên tu Trạch Pháp Giác Chi, không nên tu Tinh Tấn Giác chi, không nên tu Hỷ Giác Chi. Nếu tâm dao động sinh khởi, Hành giả nên tu Khinh An Giác Chi, nên tu Định Giác Chi, nên tu Hỷ Giác Chi.
Nhờ những phương pháp này có thể khiến cho trụ nhất tâm nhiếp trì. Còn Niệm Giác chi trợ giúp tất cả các giác chi.
4 )- Phật dạytuBảy Giác Chi:
“Nếu người nào có một niệm cao đẹp quyết thành tựu những điều đã nghĩ và nói từ lâu, có thể nhớ lại, ngay lúc ấy tập Niệm Giác Chi. Đã tu tập miệm giác chi rồi, tu niệm giác chi đầy đủ. Tu niệm giác chi đầy đủ kiên cố rồi, người ấy phân biệt, chọn lựa, tư duy. Bấy giờ tu Trạch Pháp Giác Chi, đã tu trạch pháp giác chi một cách đầy đủ rồi. Đã lựa chọn phân biệt suy xét pháp rồi, thời người ấy sẽ Tinh Tấn Giác Chi, nỗ lực hành trì. Nơi đây tinh tấn tu tập, đã tinh tấn giác chi tu tập rồi, thời tinh tấn giác chi đầy đủ. Người ấy đã nỗ lực tinh tấn giác chi, thời hoan hỷ sinh, lià các tưởng điên đảo, tu Hỷ Giác Chi. Đã tu hỷ giác chi, thời hỷ giác chi đầy đủ. Hỷ giác chi đầy đủ rồi, thời thân tâm khinh an, tu Khinh An Giác Chi. Đã đủ khinh an giác chi rồi, thời khinh an giác chi đầy đũ. Khinh an giác chi đầy đủ rồi, thời được an vui. Đã an vui rồi, thời được tâm định, tu Định Giác Chi, đã tu định giác chi rồi, thời định giác chi đầy đủ. Định giác chi đầy đủ rồi, thời tham ưu buồn phiền diệt. Tham ưu diệt, thời Xả Giác Chi đầy đủ, tu xả giác chi đầy đủ, thời được tâm giải thoát , tuệ giải thoát.
Đây gọi là Bảy Giác Chi, là tối thắng giác phần, hãy tu tập, tu tập nhiều Bảy Giác Chi”.
5 )- Làm sao tu Bảy Giác Chi?
Tu Bảy Giác chi cũng giống như thân người nhờ ăn mới được nuôi lớn lên. Bảy Giác Chi cũng nhờ thức ăn mới tồn tại, tăng trưởng.
Thế nào là Niệm Giác Chi không ăn?
Đó là chẳng tư duy Bốn Niệm Xứ (Thân, Thọ, Tâm, Pháp), nên niệm giác chi chưa khởi không khởi. Niệm giác chi đã khởi làm cho giảm sút.
Thế nào là Niệm Giác Chi có ăn?
Đó là có tư duy Bốn Niệm Xứ, Nên niệm giác chi chưa khởi làm cho khởi. Niệm giác chi đã khởi làm cho thêm rộng lớn.
Thế nào là Trạch Pháp Giác Chi không ăn?
Đối với sự lựa chọn thiện pháp bất thiện pháp chẳng tư duy, nên Trạch Pháp Giác Chi chưa khởi khiến chẳng khởi. Trạch pháp giác chi đã khởi khiến cho giảm sút.
Thế nào là Trạch Pháp Giác Chi có ăn?
Là có sự tư duy trong việc chọn lựa thiện pháp bất thiện pháp, nên trạch pháp giác chi chưa khởi khiến cho khởi. Trạch pháp giác chi đã khởi khiến cho tăng thêm rộng lớn.
Thế nào là Tinh Tấn Giác chi không ăn?
Đối với Bốn Chính Đoạn (Bốn Chính Cần: Điều ác đã có làm cho tiêu diệt, điều ác chưa có làm cho không sinh khởi, điều lành đã có làm cho tăng trưởng, điều lành chưa có làm cho sinh khởi) chẳng tư duy, nên tinh tấn giác chi chưa khởi làm cho không khởi. Tinh tấn giác chi đã khởi làm cho giảm sút.
Thế nào là Tinh Tấn Giác Chi có ăn?
Là có sự tư duy về Bốn Chính Đoạn, nên khiến cho tinh tấn giác chi chưa sinh khiến chi sinh. Tinh tấn giác chi đã sinh khiến cho càng thêm rộng lớn.
Thế nào là Hỷ Giác Chi không ăn?
Là có hỷ, có pháp hỷ xứ (nơi chỗ vui vẻ), nhưng chẳng tư duy, nên hỷ giác chi chưa khởi không khởi. Hỷ giác chi đã khởi làm cho giảm sút.
Thế nào là Hỷ Giác Chi có ăn?
Có sự tư duy đối với hỷ, hỷ xứ, nên khiến cho hỷ giác chi chưa sinh khiến cho sinh. Hỷ giác chi đã sinh khiến càng thêm rộng lớn.
Thế nào là Khinh An Giác Chi không ăn?
Là có thân khinh an, có tâm khinh an. Đối với nơi ấy chẳng chính tư duy, nên khinh an giác chi chưa khởi không khởi. Khinh an giác chi đã khởi làm cho giảm sút.
Thế nào là Khinh An Giác Chi có ăn?
Là tư duy có thân khinh an, tư duy có tâm khinh an, nên khiến cho khinh an giác chi chưa sinh khiến cho sinh. Khinh an giác chi đã sinh khiến cho càng thêm rộng lớn.
Thế nào là Định Giác Chi không ăn?
Là có Tứ Thiền, đối với “Bốn thiền” chẳng chính tư duy, nên định giác chi chưa khởi khiến cho không khởi. Định giác chi đã khởi khiến cho giảm sút.
Thế nào là Định Giác Chi có ăn?
Là Tư duy có “Tứ Thiền”, từ thiền thứ nhất đến thiền thứ tư, nên khiến cho định giác chi chưa sinh khiến cho sinh khởi. Định giác chi đã sinh khiến cho càng thêm rộng lớn.
Thế nào là Xả Giác Chi không ăn?
Là có Ba Giới (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới) cần vô dục, đoạn, diệt. Đối với ba giới này chẳng tư duy, nên xả giác chi này chưa sinh khởi không khởi. Xả giác chi đã khởi làm cho giảm sút.
Thế nào là Xả Giác Chi có ăn?
Là tư duy Ba Giới, nên xả giác chi chưa khởi được làm cho khởi. Xả giác chi đã khởi khiến làm cho càng thêm rộng lớn.
Tóm Lại, tu Bảy Giác Chi cần nương nơi viễn ly, nương nơi vô dục, nương nơi diệt, hướng đến xả. Tu tập, tu tập nhiều, sẽ đắc vô thượng Chính Đẳng Chính Giác.
6 )- Kết luận về Bảy Giác Chi:
Để kết luận về Bảy Giác Chi, hành giả nên biết và ghi nhớ lời đức Phật dạy trong Trung A Hàm quyển 4, Kinh Đa Giới, trang 130 như sau:
“Nếu ai không đoạn trừ Năm Triền Cái [Hay Năm Cái là Tham dục, Sân hận, Ngủ nghỉ (Thụy miên), Dao động (Trạo cử), Nghi], những thứ làm cho tối tăm, làm cho không mắt, tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trú vững vàng trên Bốn Niệm Xứ. Không tu Bảy Giác Chi, không chứng đắc Vô Thượng Chính Đẳng Giác, mà đoạn tận diệt khổ, trường hợp này hoàn toàn không có.
Nếu ai đoạn trừ Năm Triền Cái, những thứ làm tâm ô uế, làm tuệ yếu kém, an vui vững vàng trên Bốn Niệm Xứ, tu Bảy Giác Chi, chứng đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, đoạn tận diệt khổ, trường hợp này tất có.”.
Toàn Không
---o0o---
Trình bày: Phổ Trí