Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

KẾT LUẬN..

26/04/201318:30(Xem: 3755)
KẾT LUẬN..

PHÁP MÔN
Trì Danh Niệm Phật, Vãng Sanh Cực Lạc

Tác giả:Huỳnh Lão cư sĩ

Hải Huyền Viên Giáodịch

PL. 2545

---o0o---

KẾT LUẬN

(Lời cung kính của TÁC GIẢ)

Mọi người! Có tiền cũng được, không tiền cũng được! Cần sống vui vui vẻ vẻ, tự tại thong dong, tâm cảnh vui vẻ, tiếp nhận tất cả, thì ở nơi địa ngục cũng như thiên đường!

Chư Phật là người tu thành, Chư Phật thành Phật đã rất là lâu, mà chúng ta còn trong luân hồi sinh tử ở thế giới khổ đau nầy, chẳng cảm thấy hổ thẹn sao? Ðó là chúng ta mê luyến thế giới khổ nầy, chẳng biết tu hành, hoặc phương pháp tu hành không đúng, hoặc tu hành bất lực, cho nên đến nay còn ở trong luân hồi sinh tử thế giới khổ nầy, nay có may mắn được nghe pháp Phật, nếu lại chẳng biết tu hành, thì đành phải ở trong luân hồi sinh tử thế giới khổ nầy. Nên biết rằng lần hồi “da già tóc hạt”, nhìn thấy bước chân lẩm cẩm, thì dẫu cho vàng bạc đầy nhà, lại còn phong quang hiển hách, cũng khó tránh khỏi suy già bệnh tật, dẫu anh có ngàn điều vui vẻ, vô thường rốt cuộc cũng tới, một khi mất thân người, khổ ơi là khổ!

Học Phật tu hành trước hết cần phải làm cho rõ ràng, tin Phật là tin Phật, học Phật tu hành là học Phật tu hành. Tin Phật, là hưởng “hồng phúc” (Trọng vọng nơi cuộc sống vật chất, cái vui năm dục), lúc mệnh chung sinh lên cõi Trời hoặc trở lại sinh vào nhà giàu có. Học Phật tu hành, là hưởng “thanh phúc” (quí trọng cuộc sống tinh thần), lúc mệnh chung ra khỏi ba cõi, vãng sanh về thế giới Cực Lạc - thành Phật, lìa khổ được vui - chơn lạc. Cầu sinh thế giới Cực Lạc mà muốn hưởng được hồng phúc, như thế! Vãng sanh thế giới Cực Lạc sẽ không có được chỗ chắc chắn! Vì sao? Vì “tâm” của anh, chỉ dừng lại ở nơi việc đời, trên dục lạc, mà chẳng phải là để nơi việc học Phật tu hành.

Nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc, thì chẳng nên nói là quá bận rộn, không có thời gian để niệm Phật, chẳng niệm Phật nhiều, trong tâm không có Phật; lúc mệnh chung, bệnh khổ nung nấu, nghiệp trước chiêu cảm, thần chí hôn mê, tà niệm hiện tiền, điên điên đảo đảo, anh làm sao có thể khởi tưởng niệm Phật? Có thể tĩnh được tâm để niệm Phật? Có thể chí thành chuyên nhất niệm Phật? Có người trợ niệm cho anh cũng uổng vậy! Vì anh chẳng biết trước lúc mệnh chung đến, nên khi có người trợ niệm thì chẳng qua đời, mà lúc không người trợ niệm thì đã qua đời rồi! Vì sao? Vì anh chẳng được “chánh niệm” hiện tiền, mà là “tà niệm” hiện tiền vậy.

Học Phật tu hành - Trì danh niệm Phật - vãng sanh Cực Lạc, cần phải làm cho được việc nắm chắc, không nên làm mà không nắm chắc, nếu không nắm chắc thì chẳng bằng như việc tin Phật để được an tâm.

Học Phật tu hành, nếu dùng trạng thái của tâm tin Phật để tu, thì chỉ có thể trồng lấy cái chân thiện, được phước báo trời người; còn việc vãng sanh Cực Lạc thì nên xô dẹp những cái kia đi!

Học Phật tu hành, nương theo lời dạy của Phật như Pháp tin thọ phụng hành, có chánh tri kiến chánh xác, nhân sinh quan chánh hạnh, chẳng mất đi ý nghĩa của lời dạy, chẳng phạm đường cấm, thiểu dục tri túc, có chỗ gởi gắm trên tinh thần là TIN PHẬT! Có mục tiêu (hy vọng) là THÀNH PHẬT! Tự nhiên tâm tình thư thả thoải mái, hài hoà, vui vẻ, cuộc sống được tự tại hơn, sung sướng tinh thần hơn, lúc mệnh chung vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Ðã rõ ràng được là vì sao cần phải học Phật? Vì sao cần tu hành? Học Phật trì danh niệm Phật tu hành có chỗ tốt đẹp gì? Như vậy thì sẽ tu hành được và tu tốt.

Học Phật tu hành ban đầu cần phát tâm bồ đề, tin sâu (rõ ràng) lý nhân quả, hiểu rõ “thiện có báo thiện, ác có báo ác”, mới chẳng dám làm các việc ác, chỉ có làm thiện nhiều hơn. Biết rõ thế nào là ác? Vì sao không nên làm ác! Việc ác tâm không nên tưởng, thân không nên làm, miệng không nên nói, tức là “Chư ác mạc tác”. Biết rõ thế nào là thiện? Giữ tâm thiện, làm việc thiện, nói lời thiện, làm người thiện, tức là “Chúng thiện phụng hành”. Biết rõ thế nào là tự tâm thanh tịnh? Vì sao cần tâm thanh tịnh! Không vọng tưởng tạp niệm, không phiền não, chẳng chấp trước, việc quá khứ không truy tìm, việc hiện tại chẳng vịn duyên, việc tương lai chẳng nghĩ tính, tình đời thì nhìn được rõ, việc đời thì buông bỏ muôn duyên. Biết thế nào đáng làm, thế nào chẳng nên làm, rõ rõ ràng ràng tức là “tự tịnh kỳ ý”.

Một câu “Nam Mô A Di Ðà Phật”, chắc thật chí thành khẩn thiết nhất tâm mà chuyên niệm, niệm nhiều, nuôi thành thói quen niệm Phật, niệm cho được thành thục (trong tâm có Phật), có thể được nhất tâm bất loạn càng tốt, chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, lúc mạng chung mới có thể biết trước giờ chết, thân không bệnh khổ, chánh niệm hiện tiền, tâm chẳng điên đảo, mà niệm Phật vãng sanh.

Trì danh niệm Phật chẳng phải là được hay không được “nhất tâm bất loạn” mới có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc; mà chủ yếu là anh “trong tâm có Phật”, lúc mạng chung thần trí trong sáng, tưởng khởi được câu niệm Phật, biết niệm Phật, biết đến được nơi nào, chánh niệm hiện tiền, tâm chẳng điên đảo, tức có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc; chỉ sợ anh trong tâm không có Phật! Lúc mệnh chung thần chí hôn mê, chẳng tưởng được câu niệm Phật, chẳng biết niệm Phật, tà niệm hiện tiền, điên điên đảo đảo, như thế mới không thể vãng sanh được thế giới Cực Lạc.

Trì niệm danh hiệu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT làm “chánh hạnh”, là tu huệ. Chẳng làm các việc ác, vưng làm các việc lành, tự tịnh ở nơi ý là “trợ hạnh”, là tu phước. Học Phật tu hành thì cần phải tu cả hai là Phước và Huệ; nếu chỉ tu huệ mà không tu phước, hoặc chỉ tu phước mà không tu huệ, là không vãng sanh được về thế giới Cực Lạc, nên cần phải tu cả hai là phước và huệ mới có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Phước và Huệ như hai chiếc cánh đều nhau của con chim, thiếu một thì không bay lên được. Chỉ có niềm tin, dù là tin Phật hoặc tin ngoại đạo đi nữa, cũng chỉ có thể sinh cõi trời hoặc thành tiên, thành thần, mà ra chẳng khỏi ba cõi, hưởng hết phước rồi, trở lại thọ khổ.

Trì danh niệm Phật cần đầy đủ TÍN-NGUYỆN-HÀNH, thiếu một chẳng được. Cần có lòng tin chân chánh. Nguyện chân chánh vãng sanh thế giới Cực Lạc, nếu còn tham luyến thế giới nầy, nói là cuộc sống hiện tại tốt, thì nguyện đó sẽ không thật thiết tha. Ra sức hành trì chí thành khẩn thiết, tinh tấn không lười mỏi, chỉ lo cày cấy, chẳng lo thu hoạch, không gấp gáp cầu lợi, chẳng vọng cầu cảm ứng hoặc quả báo, công phu đến lúc chín mùi cảm ứng tự nhiên hiện hữu; công phu chưa tới lúc, cầu cũng chẳng thể được, người lại nhiều thêm một việc chướng ở nơi tâm. Lúc mệnh chung biết trước giờ chết tức là cảm ứng.

Trì danh niệm Phật mà lúc lâm chung được nhất niệm là quan trọng nhất. Nhất niệm mà chánh niệm thì vãng sanh Cực Lạc, nhất niệm mà tà niệm, thì rơi vào luân hồi. Chúng ta chỉ một câu danh hiệu Phật, sớm niệm tối niệm, đi niệm ngồi niệm, cho đến trọn ngày trọn năm niệm niệm chẳng dứt, không lúc nào chẳng nung nấu nhất niệm đến tận cùng mà thôi. Do nhất niệm nầy, chỗ quan hệ rất là sâu nặng, nó dắt hồn dẫn phách, tạo mạng sinh thân, chẳng có việc gì chẳng là do đây, niệm thiện thì lên thiên đàng, niệm ác thì xuống địa ngục, niệm ma lại thành ma, niệm Phật bèn thành Phật. Nếu chẳng phải là lúc bình thường niệm chuyên niệm nhiều, huân tập nhuần nhuyễn, nuôi thành thói quen niệm Phật, trong tâm có Phật, thì đến lúc lâm chung sớm quên mất chánh niệm niệm Phật, bèn theo các niệm thiện ác thói quen chín mùi của nhiều đời mà đi, luân hồi trong sáu đường, đều là một niệm nầy làm chủ, chỉ một niệm nầy, lại không niệm nào khác, nếu một niệm chuyên chú ở Phật, thì thân tuy tử vong mà thần thức chẳng phân tán, tức theo một niệm vãng sanh Cực Lạc vậy.

Trì danh niệm Phật cần dùng tâm cảm ơn, cảm tạ, vui tươi, tâm cam tình nguyện để tu hành, càng tu càng mạnh mẽ, thì hành trì mới có thể tâm tình nhẹ nhàng thoải mái, tự tại, vui tươi; mới chẳng vì hoàn cảnh bất lợi gặp gỡ, hoặc ma oán nghiệp xưa, lúc ép ngặt, mà vừa nghĩ lại vừa oán giận, tâm chẳng cam, tình chẳng nguyện, lui mất tâm đạo. Nếu dùng tâm nôn nóng cầu lợi để tu thì giữa đường gãy gánh, dùng tâm nửa tin nửa nghi để tu thì không thể dùng được. Hoàn toàn nhìn vào trạng thái tâm tình của anh như thế nào để mà tu.

Một câu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT, chỉ một niệm cho thuần thục (trong tâm có Phật), thành Phật hãy còn dư sức! Chẳng học pháp khác, lại có gì tiếc.

Trì danh niệm Phật nếu tín tâm chẳng đủ, lại còn muốn học những pháp môn khác, hứng thú đối với việc đời còn rất nồng nàn, dẫu trải qua ngàn đời vạn kiếp cũng chỉ là sanh tử luân hồi thế nầy thôi.

Việc ác một chút xíu cũng đều chẳng nên làm, việc thiện thì nên làm nhiều hơn, tâm chẳng nghĩ tưởng lung tung, chỉ có niệm chánh, làm chánh, ý niệm và việc làm không tà vạy; như ăn cơm thì ăn cơm, ăn xong thì thôi, làm việc thì làm việc, làm xong thì thôi, không trở lại nghĩ tưởng nó, không đình trệ ở trên ý niệm, chẳng dừng ở trên quan niệm, như chim bay qua bầu trời không để lại dấu vết.

Có tiền cũng được, không tiền cũng được, nhìn, nghe, gặp được việc tốt cũng được, việc xấu cũng được, đều không quan tâm so tính, tức là nhìn rõ. Giàu có, sự nghiệp, vợ con... có chúng cũng bằng với không có chúng, chẳng mong nghĩ, không để trong tâm, tức là buông rời. Nhìn rõ, buông rời tức là tu hành rồi vậy.

Cuộc sống qua được thì tốt, nếu hằng ngày cứ mãi bận rộn vì việc đời: Công tác, kết hôn, sinh con, nuôi gia đình, mua xe, mua nhà, kiếm nhiều tiền, nhiều tiền rồi thì tiếp đến sinh ra nhiều việc đời bận rộn! Chỉ trọng nơi tiền bạc, vui năm dục hưởng thụ của cảm giác, gát câu niệm Phật sang bên một cách thoải mái, trong tâm không có Phật, lúc mạng chung ngay cả một cái chết nhẹ nhàng cũng chẳng được, trở lại oán giận rằng niệm Phật không linh nghiệm, trách ai vậy!? Cần phải bận rộn vì vấn đề học Phật tu hành, dùng ánh mắt đạm bạc mà xem tình đời, dùng tâm “tri túc” để lấy và bỏ muôn vật, chẳng bị trói buộc bởi vật bên ngoài, tâm địa tự mình bình ổn. Tốt, xấu, được, mất chẳng so tính; khổ, vui, vinh, nhục chẳng để tâm, chịu đựng sự cô độc vắng lặng, kiên nhẫn sự nóng lạnh gió mưa, thọ nhận cuộc sống bình thường lạc lẽo. Nếu học Phật tu hành mà quan niệm có chút ít còn hơn không, lề mề cẩu thả, là lầm đắm một đời, thế thì không biết đời nào kiếp nào mới lại có thể được nghe Phật Pháp!

Chư vị bạn lành! Nay có may mắn được nghe Phật Pháp, lại biết phương pháp trì danh niệm Phật vãng sanh thế giới Cực Lạc tu hành hữu hiệu (chắc chắn), nếu còn bận rộn vì vấn đề truy cầu phú quý vinh hoa! Tham lam mưu đồ vui năm dục, thì nên biết rằng lần hồi tóc trắng da nhăn, trông thấy bước đi lẩm cẩm, dẫu như vàng ngọc đầy nhà, lại còn gia thế hiển hách, cũng khó tránh khỏi già, bệnh tàn suy, mặc cho ngàn điều khoái lạc, vô thường cuối cùng cũng đến, một khi mất thân người, khổ ơi là khổ! Xem thử người xưa có mấy ai thể đến lúc chết an lành! Ðành phải luân hồi trong sáu đường đời đời kiếp kiếp, trọn không có thời kỳ ra khỏi.

Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ - năm cái rễ của luân hồi, người đời tham yêu, người tu hành cần xả bỏ, nhìn nó càng lạc lẽo càng tốt, nếu buông không rời, còn dính mắc tham yêu, đành phải luân hồi trong sáu đường đời đời kiếp kiếp!.

Gìn giữ một câu danh hiệu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT thì chẳng được xen lộn những cái khác (như các pháp môn: tham thiền, học mật...). Muốn học thêm nhiều một chút (các pháp khác) để vãng sanh Cực lạc mới có sự đảm bảo; thế là anh đã sai lầm lớn, đặc biệt sai lầm rồi, tức là anh không có niệm tin chắc chắn đối với Phật A Di Ðà, nên chẳng thể tín thọ.

Tu hành là công phu từng chút một, sửa soạn tốt cho tự mình trong cuộc sống bình thường, chẳng nhờ mượn ở bên ngoài, tất cả đều nương nơi sự tinh tấn của mình, nương lời dạy như pháp mà tin thọ phụng hành, thì vãng sanh thế giới Cực Lạc mới có được sự chắc chắn.

Tu hành, chẳng tu thì thôi, nếu tu thì cần phải tu cho tốt, cho chuyên nhất, chí thành, khẩn thiết, tu cho chắc thật. Nếu lơ là biếng nhác, phô bày, nôn nóng, tâm tùy tiện ở việc mà tu, như thế không phải là phô bày Phật, mà là phô bày chính anh, chẳng thể vãng sanh thế giới Cực Lạc, không thể không biết.

Vãng sanh thế giới Cực Lạc không có bí quyết sao? Xin thưa là: Có. Tức là hai chữ: THÀNH KÍNH. Thành là chân thành, không có một mảy may hư giả. Kính là cung kính, cung kính là tác dụng khởi lên của sự chân thành, nội tâm chân thành biểu hiện ra bên ngoài tức là cung kính.

Phép tu hành không ra ngoài bốn chữ: CHUYÊN, CẦN, NĂNG, HÀNH. Chuyên là tinh nhất chẳng hai, ngoài ra không có một việc nào. Cần, là tinh tấn không lười biếng, không luống bỏ một thời gian nào. Năng, là phát tâm, chịu làm, làm một cách cam tâm tình nguyện, chỉ lo ra sức, không nghĩ thu hoạch, không gấp gáp cầu lợi. Hành, là chí thành khẩn thiết, ra sức mà làm.

Học Phật tu hành có khó chăng? Hãy xem cách nghĩ, cách nhìn của anh như thế nào? Anh chân tâm tu hành thì không khó; anh dùng tâm tin Phật để tu, như thế là khó đấy.

Cổ đức nói rằng: “Học Phật không khó, mà khó ở sự phát tâm; phát tâm chẳng khó, mà khó ở sự dõng mãnh; dõng mãnh không khó, mà khó ở sự duy trì lâu”. Lại nói rằng: “Không luận làm bất cứ công việc gì, lúc ban đầu chưa có gì thì chẳng chịu ra sức siêng năng, cho đến lâu ngày, tình thế dời đổi, sinh tâm mệt mỏi, hoặc được chút ít lấy làm đủ, hoặc sợ khó mà dính nơi yên ổn, việc đời như thế, học Phật cũng vậy”.

Niệm Phật tu hành, nó liên hệ với cuộc sống ngày thường, tu huệ tu phước, anh đã dụng công được bao nhiêu, Ðức Phật A Di Ðà đều thấy biết hết, Ngài có thể quyết định đến hay không để tiếp dẫn anh! Anh chẳng cần ôm giữ tâm gặp may.

Vì cầu kế sống, trong cuộc sống không cách nào buông rời muôn duyên, đây là hiện tượng chẳng chơn của tâm niệm Phật. Công việc đầu tiên của tôn giáo còn phải hiểu biết tỉnh táo ở nơi tự ngã, cần phải khiến cho tâm linh của mình từ sự thị phi, so đo, được mất và trong tham - sân - si phải được tỉnh giác, dùng một câu hiệu Phật thường buộc ở tâm đầu, tâm linh sẽ dễ dàng tỉnh giác; đạo lý nầy rất là đơn giản, vì tâm linh của con người lý do là mê hoặc chẳng hiểu biết, tức là vì vọng niệm đã quá nhiều, ngày ngày nghĩ tưởng lung tung, tâm chẳng tịnh được, hiện tại chúng ta niệm Phật bằng tâm vọng niệm, không thể lý giải được những ân oán kia; nên bên ngoài giữ giới Phật, trong thì trì hiệu Phật, lấy “nhiếp hết sáu căn, tịnh niệm kế tục”, trước tịnh (hay yên tĩnh) cái tâm lại, thì có thể tìm được tự ngã chân chánh (chân tâm niệm Phật).

Niệm Phật tu hành mà chân tâm thành ý, thì dẫu có cảm ứng cũng được, không cảm ứng cũng được, chỉ cần đầy đủ: Tín, nguyện, hành; tuỳ duyên qua ngày, chỉ lo ra sức không nghĩ thu hoạch, sống được yên ổn tốt đẹp, tự tại, vui vẻ, lúc mệnh chung dự biết được giờ chết, thần chí trong sáng, chánh niệm hiện tiền, tâm chẳng điên đảo, đang ngồi hoặc đang đứng mà vãng sanh, tức là có cảm ứng rồi. Chỉ e rằng tín - nguyện - hành của anh không đầy đủ, ôm lấy duyên qua ngày tháng, lúc mệnh chung chẳng biết thời gian đến lúc nào, đau khổ vô cùng, thần chí hôn mê, tà niệm hiện tiền, tâm sinh điên đảo, Ðức Phật A Di Ðà thì không thể đến tiếp dẫn anh được.

Trì danh niệm Phật thì chẳng phân nam nữ già trẻ, giàu có hay nghèo khó, kẻ trí người ngu, mọi người đều có thể tu, nhà nông hay buôn bán, từ người dạy học cho đến công nhân, viên chức, mỗi việc làm mỗi nghề nghiệp, đều chẳng làm cho lỡ đi công việc tu trì.

Niệm Phật tu hành, càng ngày nhẹ nhàng càng tốt, thói quen tâm bệnh dễ sửa đổi, công phu niệm Phật càng sâu, đơn thân hoặc không tính toán việc nhà, ngân hàng thì có chút đỉnh tồn khoảng, ăn mặc chẳng rầu lo, tốt nhất là chuyên tu cho được niệm Phật tam muội (chánh định), trở lại độ chúng sinh, có được trí tuệ thì mới có thể nói động được người đời tâm phục khẩu phục, học Phật tu hành phải khởi tu ra sức hành trì.

Trước lúc chưa được trí tuệ(khai ngộ) chẳng cần biểu hiện thành thạo quá, “đại trí như ngu”, giảm được rất nhiều phiền não.

Việc tu hành thì người người đều có thể tu, việc niệm Phật thì người người đều có thể niệm, vãng sanh thế giới Cực Lạc, phẩm vị cao thấp chẳng đồng, tư chất thiên phú, sự sâu cạn của thiện căn, cố nhiên là có sự liên quan, chỉ cần mỗi người dụng tâm thể hội và chỗ cạn sâu của công phu bỏ ra, bèn quyết định sự cao thấp của phẩm vị; cũng vậy người niệm Phật tu hành vãng sanh thế giới Cực Lạc, chín phẩm hoa sen, vì sao chẳng muốn thượng phẩm ư? Người thượng phẩm thượng sanh, đến thế giới Cực Lạc, thấy Phật nghe Pháp; người trung phẩm trung sanh, trải qua nửa tiểu kiếp mới được quả vị A La Hán; người hạ phẩm hạ sanh, ở trong hoa sen mãn mười hai kiếp, hoa sen mới nở.

Nếu chơn tâm niệm Phật tu hành, thì nên đọc kỹ sách này; nếu đọc qua rồi mà không đọc lại, thời gian bao nhiêu thì quên mất, thói quen tâm bệnh lại hiện ra, Phật - cũng chẳng niệm nhiều, như thế việc vãng sanh thế giới Cực Lạc sẽ dẹp bỏ thôi.

- Chỗ nói trong sách này không phải là lý luận Phật học, mà là học Phật tu hành, phương pháp pháp môn trì danh niệm Phật. Anh nếu ở trên vấn đề niệm Phật tu hành, tìm lấy một thiện tri thức lớn, thì chẳng thấy đâu có được lợi ích nhiều bằng quyển sách này, lại cũng khó tìm cho được một quyển sách đơn giản dễ dàng như quyển này. Sách đã được nhiều ích lợi, nguyện hành giả có thể đọc kỹ quyển này, chí thành cung kính, nổ lực tu hành chắc thật, tinh tấn không lười mỏi, việc vãng sanh thế giới Cực Lạc tức có cơ sở chắc chắn rồi!

- Phật tử là chúng tại gia hạ căn, Phật Pháp là từ kinh sách Phật xoay chuyển tập trung chép ra, chỗ sai lầm không đúng sẽ khó mà tránh khỏi, xin thỉnh chư Phật, Bồ Tát, cao tăng, đại đức thấy và lượng thứ cho!

- Xưng niệm NAM MÔ DA DI ÐÀ PHẬT vãng sanh thế giới Cực Lạc.

- Xưng niệm NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT tiêu tai nạn, được phước báo.

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]