Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mưa Qua Kiếp Người

14/09/201905:02(Xem: 5682)
Mưa Qua Kiếp Người

mua qua kiep nguoi-thich huyen lan
Mưa Qua Kiếp Người

THÍCH HUYỀN LAN

          Mưa … Mưa cho đời thêm những màu xanh. Mưa … Mưa ly hương nức nở, da diết gợi lòng người day dứt nỗi nhớ quê nao nao. Mưa… Mưa quê hương nơi miền Hà Nội từng hạt phất phơ như sương sa vướng trên mái tóc cô gái Hà Thành thật mộng mơ, diễm kiều. Mưa trên đất Cố Đô dai dẳng buồn tê tái như dáng đứng Tử Cấm Thành trầm mặc mà chỉ có Huế mới có. Mưa Đà Lạt lất phất, lành lạnh quấn quýt lấy bước chân đôi tình nhân dạo quanh hồ Xuân Hương, đã đi vào nhạc: “ Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ…” Bấy nhiêu mưa vừa kể cũng đủ làm suốt cuộc đời ta nhớ mãi không quên, chứ đừng nói tới những cơn mưa đầy ấp kỷ niệm vui buồn như Minh Kỳ mỗi lần nhớ đến là mềm cả lòng hoài niệm: “ Chiều nay mưa trên phố Huế - Biết ai đã quên ai rồi – Hạt mưa rơi vẫn rơi rơi đều, cho lòng u hoài - Ngày xưa mưa rơi thì sao - Bây chừ nghe mưa lại buồn – Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn…”.

          Còn mưa Sài Gòn thì sao… Mưa chợt đến chợt đi bất ngờ không biết đâu mà tránh. Với tôi thì những cơn mưa Sài Gòn đã hằn sâu trong tâm trí khi còn là thời sinh viên. Vậy mà khi trưởng thành bước vào đời mưu sinh vạn nẽo, cứ mỗi lần nhìn Sài Gòn chìm dưới cơn mưa là trong lòng tôi nghe buồn vời vợi vì… Mưa sáng vẫn có ông còng lưng cọc cạch đạp xe chở cháu đến trường, mưa trưa vẫn có cha đội áo mưa chờ con tan buổi học, mưa chiều vẫn có tiếng chị tiếng anh ấm áp ngọt ngào rao bán hàng kiếm từng đồng tiền nuôi em ăn học, mưa đêm vẫn thấy dáng mẹ gầy gầy lặng thầm quét rác trên đường phố. Ôi! Chỉ có cơn mưa trời trên cao đổ xuống mà sao thân phận kiếp người không ai giống ai. Mưa cứ ngàn năm trút xuống qua thân phận con người khổ vui, vinh nhục, thăng trầm cứ mãi là cơn mưa qua kiếp người. Có những cơn mưa có lẻ suốt cuộc đời chúng ta, nếu ai lỡ “duyên nợ” thì mãi mãi không bao giờ quên được. Mưa thời sinh viên chúng tôi nơi ký túc xá ngồi bó gối nhớ nhà kinh khủng, có đứa hát nghêu ngao cho đỡ buồn: “ Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ - Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua – Trên bước chân em âm thầm lá đổ - Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa…”

          Có một lần cơn mưa hạ đầu mùa như trút nước làm ngập cả đường phố như thị xã quê tôi mùa nước nổi. Vậy mà mẹ của cô bạn lặn lội từ Long An lên thăm con, thăm chúng tôi. Ngồi quấn quýt bên mẹ cô bạn, đứa nào cũng thấy ăn ngon lành những món quà nhà quê do chính tay mẹ làm, hôm ấy đứa nào cũng thấy cơn mưa sao mà dễ thương, hạnh phúc. Rồi cũng cơn mưa mà lại thành… mưa bão cuồng phong, long trời lỡ đất làm tan nát cả kiếp con người, đó là cơn mưa bão số 5 cuối thế kỷ 20 mang tên LinDa. Nó đã cướp mất đi hàng trăm nhân mạng, làm li tan từng gia đình đến nay chưa có gì bù đắp được. Cuộc đời cứ lặng thầm đi qua bao cơn mưa của những mảnh đời khác nhau. Sài Gòn vẫn từng đêm tôi đi qua trong cơn mưa, vẫn nhìn thấy em tuổi đi học, mà lại co ro, ướt đẫm lặn lội qua từng con phố để bán vé số, nhìn thấy em tôi càng nghe lòng đổ cơn mưa tình người thương em quá. Mưa… Mưa triền miên đổ xuống trần gian bay qua vùng Duyên Hải Cần Giờ, nơi tôi đi qua đã bật khóc cho thân phận đói nghèo của đồng bào mình. Trời ơi! Mưa dội vào những ngôi nhà trống trơn, làm ướt đẫm cả giấc ngủ trẻ thơ. Thế rồi Sài Gòn nỗi lên từng cơn mưa lòng hỷ tâm gom góp của ít tình nhiều, để xây cất nhà tình thương, cho những cơn mưa không làm khổ đau kiếp nghèo nơi vùng xa vùng sâu nữa. Thế đấy những cơn mưa hiền gợi bao nhung nhớ, níu chân thời gian, xuôi ta khao khát tìm về một thời mưa kỷ niệm, rồi cũng có những cơn mưa dữ dằng, phủ phàng đổ ập lên từng thân phận con người mà mỗi khi nhớ đến, lại thấy ơn ớn khiếp sợ.

          Những cơn mưa bùi ngùi như thế này của giáo sư Hoàng Như Mai: “Mưa mãi, mưa hoài, mưa liên miên – xa nhà, hết sách, sầu vô biên – có dăm thằng bạn thì trôi nỗi – khắp bốn phương trời vắng bặt tin” mỗi lần đọc đến là trong lòng tôi cảm nhận một điều gì đó gọi là… Để rồi bây giờ mỗi chiều nhìn mưa bay qua miền quê, sông núi tưởng chừng như cơn mưa lòng ta trỗi dậy tìm kiếm lại một thời đã xa những ân tình làm rung động đời ta, với những cơn mưa rất đời thường. Mưa đã đi qua như từng cuộc đời con người đã đi qua một kiếp người thầm lặng theo những số phận khác nhau. Riêng tôi bây giờ chìm dưới cơn mưa năm 1999 này, cách xa mưa Sài Gòn gần 100 cây số, xong vẫn không khác nhau. Những ngày Sài Gòn tầm tả tái tê mưa cả ngày lẫn đêm, thì nơi này tôi ở cũng mưa sướt mướt buồn băng giá. Có những lúc nhìn bầu trời buổi sáng u ám đổ mưa, tôi thấy mình quá bé nhỏ và còn lắm ngỡ ngàng khi nhìn  từng giọt mưa rơi… Mưa cứ rơi lúc hạt nhẹ, hạt nặng tí tách triền miên rơi hoài qua miền một bên là núi, một bên là biển. Rồi mưa trên nóc giáo đường đứng lặng thầm, vài ba chú nhóc mình trần tắm mưa, đùa giỡn vô tư dưới thánh tượng Đức mẹ Maria sao mà dễ thương quá. Tôi đứng bên gác chuông đưa tay hứng từng giọt mưa và thầm mong ước rằng: Tất cả trẻ thơ đều được diễm phúc nằm trong vòng tay mẹ như chúa GiêSu trong vòng tay Đức mẹ giữa cơn mưa phong ba cuộc đời mà vẫn thấy ấm áp thiêng liêng tình mẹ. Trời vẫn đổ cơn mưa hoài đưa ta về đâu đó thật xa, ngút ngàn bến bờ kỷ niệm, nên có lúc mỗi chiều đổ mưa, là tôi thả bước qua những ngôi chùa, mong tìm thấy lại có hình ảnh nào ngày xưa của mình không… Mưa vẫn rơi đều từng hạt nằm yên trên đôi tay nhiệm màu của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, từng giọt mưa đọng lại trên chiếc bình tịnh thủy, tôi tưởng như từng giọt nước cam lồ từ bi, vị tha nhỏ xuống cho đời bớt đau thương hận thù, nảy mầm xanh yêu thương ngọt ngào tình nhân loại. Trên nóc chùa đàn chim se sẻ trú mưa kêu ríu rít và thật thương làm sao bởi những chú chim non cứ líu ríu lên từng hồi đòi hơi ấm của chim mẹ. Đây là hình ảnh gợi cho tôi nhớ về cái thời là lũ nhóc, hễ trời mưa là cả đám ù chạy lên chùa để tắm, để bắt chim non từ trên nóc chùa rớt xuống. Có một lần mãi mê tắm mưa đến tím cả môi run cầm cập, về nhà mẹ thương không rầy la, lại được mặc đồ ấm rồi rút vào lòng mẹ sưởi ấm và ngủ ngon lành. Khi thức dậy tôi mới nhớ chú chim non bắt được trên chùa, chạy đi hỏi mẹ và được mẹ cho một bài học: “Con biết lạnh, chim con cũng biết lạnh, vì giông bão gió mưa nên nó mới bất hạnh xa mẹ, xa bầy, tội nghiệp nó lắm, mẹ đã hơ lửa cứu sống nó, khi nào nó biết bay, con đem lên chùa thả nó về với mẹ với bầy…” Cũng từ đó tôi không bao giờ bắt chim con nữa, mỗi lần tắm mưa thấy chim rớt còn sống, là tôi đem về cho mẹ cứu nó. Ôi! Mưa năm xưa trôi về miền ký ức khó quên, đã cho tôi chất liệu thánh thiện tình thương yêu của con người và vạn vật.

          Những cơn mưa nơi miền quê có lúc hung hãn làm ngã nghiêng cây cối. Nhưng tôi vẫn yêu say đắm mưa nhà quê, vì sau cơn mưa là mùi thơm hoa ngọc lan ngát tỏa hương ngào ngạt. Mỗi lần mưa lớn có gió giông là tôi thấy thương cho những cánh hoa trắng muốt ngọc lan, nó rơi theo gió rụng xuống trôi theo nước mưa thật xót xa, vậy mà vẫn giữ được mùi hương trong lành mỗi khi ta nhặt nó lên ngửi. Hôm cơn mưa giật cấp 5 cấp 6 ở Sài Gòn làm đổ cây chết người, thì ở đây vùng quê tôi đang ở cũng bị ảnh hưởng, chịu chung cảnh tả tơi cơn mưa giông, và làm ngã đổ cội ngọc lan nơi trước phòng tôi ở. Thế đấy chưa gì hết mà những cơn mưa đã hung hăng, dữ dằng đổ trút lên kiếp người. Đã xảy ra mưa đá ở Gò Vấp, rồi cơn mưa lốc xoáy dị thường ở Gò Công Đông – Tiền Giang và cơn mưa giông chiều 1 tháng 6 làm Sài Gòn thiệt hại tổn hao người và của, còn ở Hà Nội đến tháng năm rồi mà vẫn còn mưa rơi và gió mùa Đông Bắc rét mướt, nhiều đợt thổi qua khiến lòng ai đó nhớ về: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa” càng thêm băn khoăn luyến thương nhiều.

          Không biết đến hết năm 1999 này những cơn mưa có thật hiền, thật dễ thương nên thơ, để cho những ước mơ chắp cánh bay vào đời. Rồi trong tôi, trong anh, trong chị, trong em và của mọi người, ai cũng có kỷ niệm thật êm đềm dạt dào những cơn mưa đi qua đời ta như dòng nhạc TRỊNH trôi về miền nhân gian bất tận: “Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động – Làm sao em biết bia đá không đau – Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng – Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”.

          Một thoáng đã 20 năm đi qua (1999 – 2019) ai còn ai mất trong dòng đời dâu bể, hợp tan của kiếp người ngược xuôi, xuôi ngược trong thăng trầm, vinh nhục…

Nhớ hoài cơn mưa đêm tầm tả năm ấy tháng 8 năm 1999 tại thị xã Bà Rịa… Năm nay 2019, cũng tháng 8 về trong những cơn mưa cuối hạ tại thị xã Long Thành, cũng bay qua dòng đời trắng xóa, mù mịt những lối về cuộc lữ…

Thôi thì mưa xưa đã là hoài niệm trôi về phía xa lơ xa lắc từng dòng dĩ vãng nhạt phai, để mỗi khi bất chợt một thoáng ta chợt nhớ, chợt quên khi tìm về trong ký ức, khi nhìn những hạt mưa nay lặng thầm bay qua trong gió chiều trước hiên nhà… Để rồi trong bất cứ những ai trong cuộc đời nhân thế này đều không khỏi lệ nhòa, hụt hẫng khi…“ Đưa tiễn nhau đi ngại những đêm mưa…” Vì trong tất cả chúng ta đều hiểu bên dòng đời hợp tan như những mùa mưa đi qua từng thân phận kiếp người qua dòng nhạc Mưa Buồn da diết nức nở qua tiếng hát của Như Quỳnh:

          “ Từng giọt mưa tí tách, rơi thánh thót ngoài hiên - Đường chiều nay hiu quạnh, riêng bóng đơn lạnh, lòng thương nhớ triền miên - Từng nụ hoa tan tác, theo gió cuốn tả tơi - Trời như cũng ngậm ngùi, hương sắc phai rồi vì gió mưa u hoài…

          Trời còn mưa mưa mãi, trên lối vắng đìu hiu – người lữ khách cô liêu, đêm tối không nhà nhìn gió mưa tiêu điều…”

Mưa Thu 1999 - 2019

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 5765)
Đức Phật có nhiều danh xưng khác nhau như Như lai, Thiện thệ, Chánh đẳng giác, Thế tôn, Đạo sư, bậc Nhất thiết trí, bậc Nhất thiết kiến, bậc Toàn giác, v.v... Bậc Nhất thiết trí là danh xưng của chư Phật không phải là danh xưng của đức Phật Thích Ca.
08/04/2013(Xem: 20822)
Việc tự tứ và trai tăng trong ngày Vu lan, và qua đó mà báo hiếu cha mẹ, thì không cần phải nói đến nữa. Điều đáng nói là các chùa nên tổ chức hiệp kỵ cho Phật tử trong ngày Vu lan, sau khi tự tứ và trai tăng. Ngày nay kỵ giỗ của mỗi nhà cũng không thể còn như xưa
08/04/2013(Xem: 13740)
Con vẫn luôn nhớ lời Mẹ kể, lúc con còn bập bẹ trong nôi, từng giọt sữa ngọt từ tim Mẹ đã rót sang môi con, từng giọng hát ru ngọt ngào của Mẹ đã rót vào tâm hồn con. Thế là con đã thiếp ngủ đi trong tình thương cao vời đó. Khi con đầy tuổi, ôi! còn nụ cười nào đẹp hơn nụ cười của Mẹ ở phút giay nhìn con chập chững những bước đầu tiên!
08/04/2013(Xem: 4748)
Tinh thần “hoằng pháp vị gia vụ, lợi sinh vi bổn hoài” là trách nhiệm chung không chỉ người xuất gia mà ngay cả người tại gia cùng cộng hành xây dựng để góp phần làm cho vườn hoa giác ngộ ngày thêm đơm bông kết . . .
08/04/2013(Xem: 9676)
Tổng cộng 4 tuyển tập - Mỗi tuyển tập gồm 10 bài
05/04/2013(Xem: 27722)
Cúng Đại Bàng là một nghi thức quan trọng trong lễ cúng Quá Đường mỗi buổi trưa ở các tự viện theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, đặc biệt là mùa An Cư Kiết Hạ hằng năm. Theo lời thuật lại trong khế kinh, ngày kia Đức Phật đi du hóa gặp một con chim Đại Bàng bắt các loài chim nhỏ ăn thịt.
01/04/2013(Xem: 4703)
Rằm tháng bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng bảy có nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ. Ngày rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất chúng đệ tử của Phật, Chúng Tỷ-kheo là
29/03/2013(Xem: 7683)
Gần cả tuần này nhiều bài báo tiếng Thái và tiếng Anh dấy lên tin đồn về Hậu thân của Steve Jobs; nguyên do b ởi ông Tony Tseung, m ột kỹ sư công ty Apple hỏi về việc tái sinh của Steve Jobs v ới Sư Phrathepyanmahamuni, Vi ện trưởng tu viện Wat Phra Dhammakaya, Thái Lan, v ị sư có kinh nghiệ m thâm niên tu thi ền đị nh . Người dịch xin dịch lại toàn bộ nguyên văn bài trình bày c ủa Sư Phrathepyanmahamuni nói v ề vi ệc đ ã th ấ y đượ c đờ i s ố ng m ớ i c ủ a Steve Jobs cho Sinh viên c ũ ng nh ư ông Tseung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com