Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tư Tưởng Phật Giáo trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh” của Nguyễn Du

18/08/201516:54(Xem: 5051)
Tư Tưởng Phật Giáo trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh” của Nguyễn Du

nguyendu

Tư Tưởng Phật Giáo trong
“Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh” của Nguyễn Du

 

 

Lời tác giảBài viết này đã đăng trên Đặc San Kỷ niệm lể Vu Lan 1989, năm Kỷ Tỵ, của chùa Hoa Nghiêm ở Toronto, Canada. Nay tôi đã sửa chữa và bổ túc thêm để cống hiến độc giả.

                                                                             Toronto, 01 tháng 08 năm 2015 

                                                                           GS Nguyễn Vĩnh Thượng            

                          

                                                                                 

Bài viết “Tư Tưởng Phật Giáo trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh” của Nguyễn Du sẽ được trình bày như sau: 

 I.-Lể Vu Lan và nguồn gốc áng thơ “Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh”.                                                                                                                                        II.-Tiểu sử và sự nghiệp của Nguyễn Du.                                                                                     III.-Nguyên văn bài “Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh.”                                                               IV.-Giảng luận bài  “Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh.”    

                         * * *

Nhắc đến Nguyễn Du (1765-1820) chúng ta thường liên tưởng đến áng văn bất hủ của Đại Thi hào là “Đoạn Trường Tân Thanh” hay “Truyện Kiều”. Hồi năm 1947, Giáo sư Trần Cửu Chấn (1906-1980)*1 đang lúc làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục trong Nội Các của Thủ Tướng Chánh Phủ Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân, đã trình Luận án Tiến Sĩ Văn Chương tại Đại Học La Sorbonne ở Paris, Pháp quốc với đề tài: “Étude critique de Poème Kim Vân Kiều”. Nguyễn Du và Truyện Kiều đã được một cái danh dự vô song khi GS Trần Cửu Chấn đệ trình Luận án Tiến sĩ này trước Hội đồng Giám khảo của Viện Đại Học La Sorbonne. Các học giả, các Giáo Sư Đại Học Pháp quốc và Việt Nam đã viết nhiều bài ca tụng Truyện Kiều và Nguyễn Du cùng tán thán Luận án Tiến sĩ của GS TS Trần Cửu Chấn. Nhà phê bình văn học Cung Giũ Nguyên trong bài “ La conscience matheureuse chez Nguyễn Du” đã gọi GS TS Trần Cửu Chấn là Bộ-Trưởng-kiêm Sinh-Viên (Ministre-Étudiant). GS TS Trần Cửu Chấn cũng đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp với tựa là “Nouvelle Traduction Français du Kim Vân Kiều” do Imprimierie de l’ Union xuất bản ở Saigon vào năm 1950. Cách đây trên 20 năm tôi có đọc một bài hồi ức của một Giáo sư Trung học ở Mỹ Tho đã nói rằng ông còn giữ quyển sách này. Trước GS TS Trần Cửu Chấn và sau ông đã có nhiều bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp, nhưng vào lúc bấy giờ các nhà phê bình văn học đã đánh giá cao bản dịch này. Vào thập niên 1970, GS Huỳnh Sanh Thông (1926-2008)*2 đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh với tựa là: “The Tale of Kiều”, do Đại Học Yale xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1972. Trước GS Huỳnh Sanh Thông và sau ông  đã có nhiều bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh, nhưng bản dịch  này đã và đang được nhiều Sinh viên, Giáo sư và Học giả dùng để nghiên cứu. “The Tale of Kiều” không những được các nhà văn hoá Mỹ nghiền ngẩm để tìm hiểu văn hoá Việt Nam mà các nhà chánh trị Mỹ cũng nghiền ngẩm quyển này nữa.

Bên cạnh “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã sáng tác một tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật nữa. Đó là bài “Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh” (VTTLCS). GS Vũ Thế Ngọc đã dịch bài này ra tiếng Anh với tựa là : “A Requiem for All Ten Classes of Sentient Beings”. (nguồn: internet). Nhà văn/GS Hữu Ngọc trong bài “Nguyễn Du và Cô hồn Mỹ trên đất Việt” nhân ngày lể Chiêu hồn tháng Bảy (nguồn Internet) có đoạn viết như sau:

Cứ cách vài năm, bác sĩ tâm thần Mỹ Edward Tick lại dẫn một đoàn hơn chục cựu binh sĩ Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam sang nước ta vài tháng để chữa bệnh tâm thần. Họ mất thăng bằng tâm lý, bị day dứt bởi đã tham gia gây tội ác với dân thường. Cách chữa bệnh là để họ tham gia sinh hoạt với nhân dân ta, để họ thấy đất nước này đã hồi sinh, nhân dân ta tha thứ cho họ vì họ cũng là nạn nhân của cuộc chiến. Bác sĩ Tick thường mời tôi thuyết trình cho họ về văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ đến một vấn đề khiến người Mỹ băn khoăn day dứt là binh sĩ Mỹ mất tích ở Việt Nam. Bà bạn Mỹ Christine White, giáo sư Đại học Hawaii, rất xúc động khi được đọc bài Văn chiêu hồn của Nguyễn Du (dịch sang tiếng Anh). Bà bảo: “Tôi mong là thi phẩm viết cách đây 200 năm ấy có thể giúp người Mỹ hiểu chủ nghĩa nhân văn Việt Nam và vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh”.

 

I.-Nguồn gốc áng văn:

 Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh”  có thể được sáng tác sau một trận dịch khủng khiếp (có thể là dịch tả, đậu mùa) đã giết hại hàng ngàn người, cả nước Việt vào lúc ấy nặng nề âm khí; các vị Tăng Ni và Pháp sư ở khắp các chùa đều lập đàn cúng tế, nguyện cầu cho các vong hồn được siêu thăng giải thoát. Theo G.S Hoàng Xuân Hãn thì có lẻ Nguyễn Du sáng tác bài VTTLCS trước cả Truyện Kiều, vào lúc ông làm Cai bạ ở Quảng Bình; VTTLCS được sáng tác vào khoảng (1802-1812).

Bài Văn tế thập loại chúng sanh còn được nhiều nhà nghiên cứu Văn học Việt Nam đặt cho nhiều tựa khác nhau như  “Chiêu hồn thập loại chúng sanh”, “ Văn tế chiêu hồn”,” Văn chiêu hồn”, “Thơ chiêu hồn”, “Chiêu hồn ca”, “Kinh chiêu hồn” vì bài nầy được nhiều vị Tăng Ni và Pháp sư đọc như một bài kinh để gọi cô hồn.

Bài văn nầy gồm có 184 câu thơ, viết bằng chữ Nôm, theo thể thơ song thất lục bát ( hai câu bảy chữ, một câu sáu chữ và một câu tám chữ)

Văn Tế theo tiếng Hán Việt là tế văn  (祭文), một bài văn dùng để đọc tụng khi cúng tế người đã chết, để tỏ lòng kính trọng, thương tiếc. Trong một số trường hợp đặc biệt văn tế cũng  được viết có tính chất khôi hài dùng để cúng tế người sống. Bài văn tế có thể là một bài văn vần, một bài văn xuôi hay một bài văn biền ngẫu (đây là loại văn có nhiều câu đối nhau thành từng cặp). Có sự phân biệt tế nhị giữa văn tế và điếu văn. Điếu văn : Điếu là đến thăm, điếu văn là bài văn đọc khi đến viếng người vừa chết, chưa mai táng, để an ủi người thân của người vừa chết, gởi lời thương xót cùng kỷ niệm với người chết.

Vài tựa bài văn tế tiêu biểu :

-          Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên.

-          Văn tế thập loại chúng sinh của N.D.

-          Văn tế sống hai cô gái ở Trường  lưu của N.D.

-          Văn tế trận vong tướng sĩ của Nguyễn văn Thành

-          Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn đình Chiểu.

-          Văn tế sống vợ của Trần tế Xương.

Thập loại  十 類   : nghĩa đen là 10 loại, ở đây có nghĩa là rất nhiều, đủ hết. Trong bài VTTLCS có khoảng trên 14 loại cô hồn khác nhau chứ không phải chỉ có 10 loại mà thôi. Tiếng thập/ mười có cùng nghĩa là rất nhiều, đủ hết, hoàn toàn trong các câu: “nhân vô thập toàn”, “mười phân vẹn mười”.

Chúng sanh 眾生 ( tiếng Hán) dịch từ tiếng Phạn: Srt. Sattva, Pi. Satta ( Av. beings, Pv. êtres, creatures) ; ý chỉ tất cả sanh vật có mạng sống, còn chưa được giác ngộ và giải thoát, còn sống trong nẻo sanh tử luân hồi. Trong bài VTTLCS, Nguyễn Du dùng chữ chúng sanh chỉ để nói đến con người mà thôi.

VTTLCS là bài thơ nhằm mời gọi các cô hồn được dẩn xuất từ nghi thức cúng thí thực các cô hồn, và cầu nguyện cho các cô hồn này được giải thoát trong dịp lể Vu Lan. Lể Vu Lan được cử hành vào ngày Rằm (ngày 15) tháng 7 Âm lịch. Đây là một trong các ngày lể trọng thể của Phật giáo và trong phong tục Trung Hoa và Việt Nam. Lể Vu Lan trùng ngày với Tết Trung Nguyên của Hán.

Chiêu hồn : mời gọi các cô hồn. Theo quan niệm truyền thống của văn hóa Việt Nam thì “chết” có hai hình thức: Chết bình thường và chết không bình thường . Chết bình thường là chết vì tuổi già, vì bệnh tật. Chết không bình thường là chết do tai nạn, gươm đao, tên đạn, hình thức nầy là chết bất đắc kỳ tử. Những người chết bất đắc kỳ tử thì linh hồn bị trở thành cô hồn, khi chết không được chôn cất hoặc được chôn cất nhưng không có thân nhân biết, không có ai bảo quản mộ phần, không người thờ cúng. Cũng có những linh hồn khi xuống âm phủ thì bị giữ lại ở chốn địa ngục, không được đi đầu thai vì tội lỗi, nhưng vào ngày rầm tháng bảy âm lịch thì các cô hồn được thả khỏi địa ngục để hưởng tự do trong một ngày, một đêm. Ngày nầy gọi là ngày xá tội vong nhân . Theo tập tục truyền thống thì người còn sống với lòng từ bi, nhân ngày nầy mà mua sắm lể vật để cúng tế các linh hồn không người thờ phượng. Chiêu hồn là thỉnh mời, kêu gọi các cô hồn đến hưởng lể vật cúng tế, và thỉnh mời các cô hồn nầy hãy đến các chùa để nghe các vị Tăng Ni và Phật tử tụng đọc kinh Phật, nhờ đó các linh hồn có thể giải thoát để đi đầu thai hay thoát khỏi kiếp luân hồi. 

Trong lể Vu Lan, ngày Rằm tháng 7 âm lịch, được thực hiện làm hai phương thức hành lể khác nhau nhưng cùng chung một ngày: lễ thí thựclễ báo hiếu.

Lễ thí thực cho các cô hồn, các vong hồn được mời đến hưởng các lể vật cúng tế, và các vị Tăng Ni, Phật tử tụng đọc kinh Phật cầu nguyện cho các vong hồn của người chết chưa siêu thoát hay chưa đi đầu thai để họ được siêu thoát. Theo tục lệ trong dân gian thì lễ Vu Lan là ngày giỗ chung cho tất cả các vong linh không ai thờ phượng. Còn ngày giỗ cho một người thì được tổ chức vào ngày người ấy qua đời. Nội dung của VTTLCS là mời gọi các cô hồn đến hưởng các lể vật cúng tế, và nghe kinh Phật do các vị Tăng Ni và Phật tử tụng đọc để các cô hồn được siêu thoát như phần nghi thức nầy của lễ Vu Lan .

Lễ Vu Lan còn được gọi là “lễ Báo hiếu” căn cứ theo lời Đức Phật Thích Ca giảng dạy trong “Kinh Vu-Lan-Bồn”.

Vu Lan (盂蘭)là tiếng Việt Hán, gọi đầy đủ là Vu-Lan-Bồn (盂蘭盆) dịch từ chữ Sanskrit : Ullambana, có nơi người Trung Hoa phiên âm chữ nầy đọc theo âm Việt Hán là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏),  có nghĩa đen là cái chậu cứu nạn treo ngược, có nghĩa bóng là hồn kẻ chết bị treo ngược ở cỏi âm được cứu để giải thoát khỏi cảnh địa ngục, ngạ quỷ (= quỷ đói).

Kinh Vu-Lan-Bồn ( Srt. Ullambana sutra) do Đức Phật thuyết để khuyên mọi người cầu siêu cho ông bà cha mẹ quá vãng và cầu phước cho cha mẹ còn sống. Vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch, các Phật tử ở chùa làm bửa tiệc cúng Đức Phật và chư Tăng Ni để cầu phước cho cha mẹ, đồng thời đọc tụng bài kinh nầy.

Kinh Vu-Lan-Bồn được dịch ra tiếng Hán từ tiếng Phạn vào thế kỷ III Tây lịch do vị sư tên là Dharmavaksa ( tiếng Trung Hoa dịch là Pháp Hộ) gốc người Ấn Độ. Theo kinh Vu-Lan-Bồn thì ngài Mục-Kiền-Liên ( Srt. Maudgalyayana) một đệ tử của Đức Phật vừa đắc đạo có phép thần thông, ngài nhớ đến mẹ, ngài bèn ngó xuống cỏi âm, thấy mẹ mình là bà Thanh Đề đang bị hành hạ khổ sở, thân thể gầy ốm, đói khát, vì không được cho ăn uống. Mục Kiền Liên đem cơm xuống cỏi âm cho mẹ, khi mẹ của ngài vừa mới đưa cơm vào miệng thì cơm hoá thành lửa, nên bà không thể ăn được. Ngài Mục Kiền Liên đến gặp Đức Phật để xin chỉ dạy cách cứu độ mẹ mình. Đức Phật dạy rằng muốn cứu vớt mẹ thì Mục Kiền Liên phải chờ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, lúc ấy, sau mùa kiết hạ, các chư tăng hội đủ trở về thì làm tiệc cúng Phật và đãi các chư tăng, rồi thỉnh cầu các chư tăng hợp lực cầu nguyện cho mẹ của Mục Kiền Liên được giải oan các hành động tham ác của bà trong kiếp trước. Nhờ vậy mà mẹ của ngài Mục Kiền Liên được giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ (= quỷ đói) và được tái sanh về cảnh giới tốt lành. Đức Phật khuyên các đệ tử về sau nên giữ lệ cúng Phật, cúng chư tăng trong ngày Rằm tháng 7 âm lịch để cầu phước cho ông bà quá vãng và hiện tiền. Kể từ đó, lễ Vu Lan được coi như là ngày “lễ Báo hiếu”. Theo truyền thống đạo lý người Việt Nam bao giờ cũng nhớ đến công ơn sanh thành và dưỡng dục lớn lao của mẹ và cha .

Nghi thức “lễ Báo hiếu” trong ngày lễ Vu Lan đã chuyển biến dần dần  thành nghi thức “lễ Bông hồng cài áo” kể từ năm 1962:

 

 

 

 

Nói đến tình mẹ trong thi văn của Nhất Hạnh chúng ta không thể không nói đến một đoản văn bất hủ của thầy là quyển “Bông Hồng Cài Áo” . Đoản văn này đã làm cảm động nhiều người trẻ tuổi, đã làm biết bao độc giả rưng rưng lệ. Thật vậy, ai lại không nghẹn ngào khi nghĩ đến mẹ của mình, đến sự hy sinh của mẹ, đến tình thương của mẹ. Đoản văn này còn gây cho người trẻ tuổi sự ý thức được sự quý giá của bà mẹ bên cạnh mình, và tưởng nhớ đến người mẹ đã khuất bóng. Thiền sư Nhất Hạnh đã viết đoản văn này vào năm 1962 tại hải ngoại dưới hình thức một lá thư rồi gửi về cho các sinh viên, học sinh Phật tử ở quê nhà. Lúc ấy, đoàn sinh viên học sinh Phật tử tại Sài Gòn đã phổ biến đoản văn Bông Hồng Cài Áo bằng cách chép tay. Mỗi sinh viên, mỗi học sinh trong đoàn đã tình nguyện chép tay một số bản, tổng số lượng những bản chép tay này lên đến hàng trăm bản, rồi họ phân phát cho các bạn bè, thân hữu. Kẻ viết bài này cũng đã chép được vài bản. Mãi đến năm 1964, đoản văn Bông Hồng Cài Áo mới được nhà xuất bản Lá Bối ấn hành lần đầu tiên tại Sài Gòn. Tính đến nay (1985),đoản văn Bông Hồng Cài Áo đã được sáng tác trên hai mươi năm, con số ấn bản lên đến hàng triệu cuốn. Nguyên nhân là bởi đoản văn này được rất nhiều người ưa thích và nhất là tác giả không giữ bản quyền nên ai cũng có thể in lại. Cùng một ý tưởng diễn tả tình mẹ, và được lấy cảm hứng từ đoản văn này , một tuồng cải lương và một bản tân nhạc có cùng tựa đề Bông Hồng Cài Áo đã được sáng tác vào các năm 1966, 1967 tại Sài Gòn. Năm 1983 tại Hoa Kỳ, các nhà văn Thạch Mai và Helen Coutant đã dịch đoản văn này ra tiếng Anh dưới tựa đề A Flower For You được xuất bản bằng song ngữ Việt – Anh, hình bìa do họa sĩ Võ Đình trình bày có một cánh hoa hồng tuyệt đẹp.

Cũng cùng năm 1962, tại chùa Xá Lợi, ở Sài Gòn, trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt, vào ngày lễ Vu Lan (rằm tháng bảy âm lịch). Đoàn sinh viên học sinh Phật tử đã tổ chức lần đầu tiên lễ Bông Hồng Cài Áo. Tất cả những người tham dự buổi lễ đều được gắn hoa hồng trên áo. Người nào còn mẹ thì được cài hoa màu hồng, kẻ nào mất mẹ thì được cài hoa màu trắng.  Nghi Thức tổ chức buổi lễ rất đơn giản nhưng thật trang nghiêm, nên đã tạo được một ý thức rất mạnh về tình mẹ con. Bởi vậy buổi lễ này đã làm rung động tận đáy lòng người tham dự, khiến không ai cầm nổi nước mắt. Kể từ năm 1962 trở đi, hàng năm cứ đến ngày Vu Lan là mọi Phật tử đều tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo. Lễ này được quan niệm như là một “Lễ Báo Hiếu” trong các cộng đồng Phật giáo khắp nơi trên đất Việt.  Ngày nay, các cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại các nước tự do trên khắp thế giới đều lấy ngày lễ Vu Lan làm ngày tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo. Tất cả mọi Phật tử đều coi đó như là một ngày lễ  truyền thống đáng quý của dân tộc ta để tưởng nhớ đến công ơn sinh thành của cha mẹ:

 

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

                 (Ca dao)

Sau này, trong lễ Bông Hồng Cài Áo được tổ chức tại nhiều ngôi Chùa hay tại các Niệm Phật Đường, mỗi người tham dự  buổi lễ này đều được cài lên áo hai đ hoa hồng. Hai bông hồng được kết lại thành một bó: đ hoa  tượng trưng cho cha hơi cao hơn một chút để dễ phân biệt với đ hoa kia tượng trưng cho mẹ. Cành hoa màu hồng tượng trưng cho cha hoặc mẹ vẫn còn, cành hoa màu trắng trượng trưng cho cha hoặc mẹ đã khuất bóng. Buổi lễ này nói lên tình cha – mẹ - con.

 (Nguyễn Vĩnh Thượng, Tình Mẹ trong Thi ca Nhất Hạnh, Toronto: Nguyệt san Làng Văn, số đặc biệt kỷ niệm ngày lể Vu Lan 1985, tr. 12-13) .

 

Ở phương Tây, có “Ngày của Mẹ”(Mother’s day) và “Ngày của Cha”( Father’s day).

Ngày của Mẹ:

 

 

 

 

 

 

 

Ở Mỹ và Canada nhiều người làm lễ chúc mừng “Ngày của Mẹ” vào ngày Chúa nhật thứ hai của tháng 5 ( The Mother’s day date in United States and Canada is on the second Sunday of May each year). “Ngày của Mẹ” tạo cơ hội để con cái cám ơn công ơn dưỡng dục của Mẹ. Thiệp chúc mừng, bông hoa, quà cáp hoặc tặng vật do chính tay con làm cho Mẹ để kỷ niệm thí dụ như bức tranh chính tay người con vẻ, đặc biệt các con sẽ mời cha mẹ đi ăn nên các nhà hàng đông nghẹt trong “Ngày của Mẹ”. Các con cái cũng cám ơn ông bà nội ngoại, kế mẫu, mẹ nuôi. Nếu mẹ qua đời con cái sẽ đến thăm mộ với bông hoa.

 

Lịch sử “Ngày của Mẹ” ở Mỹ :

 

Vào khoảng thập niên 1870, Julia Ward Howe (bà sinh tại New York city, ngày 27 tháng 5 1819, mất ngày 17 tháng 10 1910) đã viết “Mothers day Proclamation”, bà dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, để vận động cho “Ngày của Mẹ”(Mother’s day) phải được chấp nhận. Bà là người phụ nữ đầu tiên đã cử hành lễ chúc mừng “ Ngày của mẹ” một cách chính thức ở Mỹ.

 

Sau ngày mẹ của bà Anna Marie Jarvis qua đời vào năm 1905, bà Anna Jarvis ( sinh tại Webster, west Virginia vào ngày 01 tháng 5,1864 mất ngày 24 tháng 11,1948 )  đã vận động mạnh mẻ để thành lập “Ngày của Mẹ” trong toàn nước Mỹ ( National mothers day in U.S) vào năm 1907. Năm sau 1908 “Ngày của Mẹ”( Mother’s day) được tổ chức ở thành phố Philadelphia tại “Andrew’s Methodist Episcopal church”(Grafton, West Virginia) với sự tham dự của 407 trẻ em và các bà mẹ của các em nầy.

 

Vào năm 1916, Tổng Thống Mỹ Woodrow Wilson (28 Dec.1856 – 3 Feb.1924)đã ký tuyên bố thành lập “Ngày của Mẹ” (Mother’s day) vào ngày Chúa nhật  thứ 2 trong tháng 5 như là một ngày lễ quốc gia để vinh danh các bà mẹ ( Second Sunday in May was a national holiday to honor mothers).

 

Ngày của cha:

 

 

Ở Mỹ và Canada, nhiều người làm lễ chúc mừng “Ngày của cha”( Father’s day) vào ngày Chúa nhật  thứ 3 trong tháng 6 mỗi năm ( The Father’s day date in United states and Canada is on the third Sunday of June each year). Như ngày của Mẹ , ngày của Cha cũng tạo cơ hội để con cái cám ơn công ơn dưỡng dục của cha. Cũng chúc tụng, bông hoa, quà cáp, tổ chức ăn uống như “Ngày của Mẹ”. Các con cái cũng cám ơn ông bà nội ngoại, cha kế, cha nuôi. Nếu cha qua đời con cái sẽ đến thăm mộ với bông hoa.

 

 

 

Lịch sử “Ngày của Cha” ở Mỹ:

 

Vào năm 1910, Sonora Smart Dodd (sinh tại Arkansas vào ngày 18 tháng 2 năm 1882, mất ngày 22 tháng 3,1978) đã sáng lập “Ngày của Cha” ở Spokane, Washington, và cử hành tại YMCA.

Năm 1916, Tổng Thống Mỹ Thomas Woodrow Wilson muốn lễ chúc mừng “Ngày của Cha” trở thành ngày lễ chính thức của quốc gia, nhưng Quốc hội Mỹ không chấp nhận vì e sợ các cơ sở thương mại lợi dụng ngày nầy để buôn bán.

 

Năm 1924, Tổng Thống Mỹ John Calvin Coolidge (04 July 1872 - 05Jan 1933) lại muốn “Ngày của Cha” được công nhận trên toàn xứ Mỹ, nhưng Quốc Hội cũng không chấp nhận.

 

Năm 1966, Tổng Thống Lyndon Baines Johnson ( 27Aug.1908 -22 Jan. 1973) lần đầu tiên, với tư cách Tổng Thống tuyên bố vinh danh các bậc Cha, và chọn ngày Chúa nhật thứ 3 của tháng 6 làm “Ngày của Cha” (President Lyndon B. Johnson issued the first presidential proclamation honoring fathers, designating the third Sunday in June as Father’s day).

Năm 1972, Tổng Thống Mỹ Richard M. Nixon ( 09 Jan 1913 - 22 Apr.1994) chính thức ký luật công nhận “Ngày của Cha” là ngày lễ quốc gia vĩnh viển ( permanent national holiday).

 

Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới cử hành “Ngày của Mẹ” và “Ngày của Cha”, tuy nhiên việc ấn  định ngày giờ thì có thay đổi tùy theo mỗi nước.

 

Tôi ước mong “Ngày của Mẹ” , “Ngày của Cha”  và “Ngày Bông hồng cài áo” sẽ trở thành ngày lể quốc gia (national holiday) ở Việt Nam. Muốn được vậy, chúng ta cần sự vận động tích cực của quý vị Tăng Ni và Phật tử ở trong và ngoài nước.

 

 

 II.- Tiểu sử và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du :

 

 

      II.A-Tiểu sử Nguyễn Du:

 

 

Nguyễn Du sống vào thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam. Trong thời Lê mạt, hiện tình xã hội thật là đen tối. Ngoài Bắc, Trịnh Sâm lên nắm quyền, say mê Đặng thị Huệ, lập con thứ Trịnh Cán lên làm thế tử, phế bỏ con trưởng là Trịnh Khải, việc nầy khiến kiêu binh nổi loạn, cướp bóc lung tung, dân tình oán than khiến cho Lê triều đi đến chỗ sụp đổ.

 

Trong Nam, anh em Tây sơn nổi lên khởi nghĩa. Nguyễn Nhạc xưng vua năm 1778. Nhiều trận đánh ác liệt giữa anh em Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792) đã chiến thắng quân Thanh xâm lược một cách oanh liệt vào cuối năm Kỷ dậu 1789, nhưng vua Quang Trung mất sớm vào năm 1792, nên triều đại Tây Sơn suy tàn.

Năm 1802, cuối cùng Nguyễn Ánh đã chiến thắng, thu giang sơn về một mối, ông lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long. Lúc ấy, Nguyễn Du đã được gần 40 tuổi ( 1765-1802 ), ông đã chứng kiến nhiều biến cố xảy ra trong thời Lê mạt, những cuộc tranh giành quyền bính, giết chóc, chiến tranh, khói lửa ngập trời:                    

                        ‘‘Trải qua một cuộc bể dâu,

                          Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

                              (Nguyễn Du- Truyện Kiều)

 

Nay đất nước đã thay chủ đổi ngôi, bánh xe lịch sử đã đi qua một giai đoạn mới: sứ mạng lịch sử của nhà Lê đã cáo chung, Nguyễn Ánh- Gia Long bắt đầu viết trang sử mới.

 

Nguyễn Du (阮攸)  (1765-1820) tên chữ là Tố Như (素如) hiệu là Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu là Hồng Sơn Lạp Hộ (鴻山獵) sinh năm Ất dậu 1765, tại làng Tiên Điền, huyện Nghi xuân, tỉnh Hà Tỉnh.

Cha là Nguyễn Nghiễm (1708-1775) đậu Hoàng giáp ( nhị giáp tiến sĩ) làm quan dưới triều Lê, được thăng chức cao nhất là Xuân quận công. Mẹ là Trần thị Tần ( 1740-1778 ) người thuộc tỉnh Bắc ninh.

Năm 1776, cha ông qua đời, khi đó ông được 11 tuổi. Năm 1778, mẹ ông qua đời. Nguyễn Du mồ côi cha lẩn mẹ nên được người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khải đem về nuôi, lớn hơn ông 31 tuổi.                                                                                                                                                    

Nguyễn Du tư chất thông minh. Năm 1783, được 19 tuổi, ông thi Hương ở trường Sơn nam, đậu Tú Tài. Ông không ra làm quan dưới thời Tây sơn, mà chỉ ngao du để tiêu khiển. Năm 1802 Gia Long thống nhất sơn hà, và muốn chiêu dụng nhân tài ra giúp chế độ mới. Nguyễn Du được mời ra làm quan. Đường hoạn lộ của ông đã trải qua những chức vụ sau đây:

-1802: Gia long mời Nguyễn Du  ra làm quan triều Nguyễn. Nguyễn Du làm tri huyện Phù Dung( thuộc tỉnh Hưng Yên ) rồi được thăng Tri Phủ Thường tín, thuộc trấn Sơn nam thượng (nay thuộc Hà nội ).

-1805-1809: ông được thăng Đông Các Đại Học Sĩ, vào nhậm chức ở kinh đô Phú Xuân.

1809-1813: ông được bổ chức Cai bạ ( tức là Bố chính) ở Quảng Bình.

-1813: ông được thăng Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ, và được cử làm Chánh Sứ sang triều cống nhà Thanh.

-1814: đi sứ về, ông được thăng Hữu Tham Chi Bộ Lễ.

-1820: Gia Long qua đời, Minh Mạng lên ngôi. Nguyễn Du được cử đi làm Chánh Sứ sang nhà Thanh để báo tang và cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì ông bị bệnh, mất ngày 16 tháng 9 năm 1820, năm Canh thìn. Hưởng thọ được 55 tuổi.

Nguyễn Du là vị quan rất thanh liêm, ông sống rất thanh đạm, thậm chí có lúc đau ốm ông không có đủ tiền chạy thuốc men:

"Từ ngày khởi nghĩa Cần Vương thất bại, tiên sinh trốn vào Gia Định không xong, bị giam lỏng ở quê nhà, đã trải qua bao nhiêu khổ cực: Mới ba mươi tuổi, đầu đã bạc, bệnh tật không có thuốc uống, thân thể đau ốm gầy gò, khi nằm phải lấy bó sách mà kê cho khỏi đau xương, mặt mày xanh xao phải nhờ chén rượu mới có nhan sắc, bế nước thì cả ngày không nấu nướng. Nhưng chính trong những năm về ở ẩn quê nhà đó, tiên sinh đã chu du trên 99 ngọn Hồng Lĩnh, ngắm dòng sông Lam, ngó vào mình, rồi nghiền ngẫm về cuộc đời đã trải qua, thương mình, thương người. Đứng trên đỉnh Hồng Lĩnh thương xót lũ chúng sinh vô tội, người nhìn dòng sông Lam thấy:
Bờ hư lử ầm ầm như sấm dữ, sóng lớn trông như có ma quỷ…
Rồi nghĩ rằng:
Ta trông thấy dòng sông Lam, tấc lòng thương áy náy, nên sợ lỡ "sẩy chân thời chìm xuống chốn không đáy…"
Và ngạc nhiên hỏi:
Sao mà người thế gian nguy hiểm không biết sợ, kẻ đi sao "cuồn cuộn, kẻ lại còn không ngớt".
Và lo hộ mọi người:
Lòng trời vốn hiếu sinh nhưng không được thế mãi.
Và ước vọng:
Muốn xô núi Thiện Nhẫn, lấp bằng 500
dặm"  .

(Doãn Quốc Sỹ và Việt Tử, Khảo luận về Đoạn trường tân thanh", Saigon: Nam Sơn, 1959, tr. 57-58).

      II.B- Sự nghiệp văn chương:

Sự nghiệp trước tác và sáng tác của Nguyễn Du  gồm có các tác phẩm viết bằng chữ Hán và các tác phẩm viết bằng chữ Nôm:

           II.B.1: Các tác phẩm viết bằng chữ Hán:

1-      Thanh Hiên thi tập ( Tập thơ của Thanh Hiên ) gồm 78 bài, viết trước khi ra làm quan triều Nguyễn.

2-      Nam Trung tạp ngâm ( Ngâm ca lặt vặt lúc ở miền Nam ) gồm 40 bài, viết khi ra làm quan ở Huế, Quảng bình và những địa phương ở phía Nam Hà tỉnh.

3-      Bắc Hành tạp lục ( Ghi chép các chuyện lặt vặt trong chuyến đi sang phương Bắc/Trung Hoa.) gồm 131 bài thơ, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Hoa.

             II.B.2:Các tác phẩm viết bằng chữ Nôm:

1-      Đoạn Trường Tân Thanh  hay Truyện Kiều, gồm có 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Nội dung của Truyện Kiều dựa theo tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Hoa. Truyện Kiều viết lại quãng đời lưu lạc của Thuý Kiều, một thiếu nữ có tài sắc vẹn toàn, sau khi bán mình chuộc cha.

2-      Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh.

3-      Thác Lời Trai Phường Nón: được viết theo thể lục bát, gồm có 48 câu. Nội dung là thay lời một chàng trai phường nón làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải.

4-      Văn Tế Sống Trường Lưu Nhị Nữ: gồm 98 câu, để bày tỏ nổi uất hận về mối tình với hai cô gái phường vải khác. 

 

 

III.-Nguyên văn bài “Văn Tế Thập  Loại Chúng Sanh”:

 

Bài VTTLCH hay Chiêu Hồn Ca là một bài thơ gồm có 184 câu, được viết theo thể song thất lục bát. Chúng tôi sẽ ghi chép lại toàn bộ bài thơ này, tuy nhiên để giúp độc giả dể nhận được văn mạch của bài thơ, tôi xin phân tích áng văn này làm nhiều đoạn nhỏ dựa vào bố cục của bài thơ với những tiểu tựa và ghi đại ý ngắn gọn:

 

        III.A-Nhập đề của bài VTTLCS/ Chiêu Hồn Ca: (câu 1-20)

 

   Ở nước ta, vào dịp tiết Trung Nguyên (ngày rằm tháng bảy) quang cảnh buổi chiều Thu thật là buồn bã đã gây nên lòng thương xót chúng sanh ở cõi dương và các chúng sinh bơ vơ ở cõi âm nơi tâm tư của Nguyễn Du:

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,                                                                                                       

Toát hơi may lạnh buốt xương khô,

  Não người thay, buổi chiều Thu,

 4.Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngôa rụng vàng.

Đường bạch dươngb bóng chiều man mác,

Dịp đường lêc lác đác sương sa,

  Lòng nào lòng chẳng thiết tha,

8.Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ1 tối tăm trời đất,

Có khôn thiêng phảng phất u minh,2

  Thương thay thập loại chúng sinh,

12.Hồn đơn phách3 chiếc lênh đênh quê người.

Hương khói đã không nơi nương tựa,

Hồn mồ côi lần lữa4 đêm đen,

  Còn chi ai quý, ai hèn.

16.Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?

Tiết đầu Thu lập đàn5 giát thoát,

Nước tịnh bình rưới hạt dương chi6,

  Muốn nhờ Đức Phật từ bi,

20.Giải oan, cứu khổ, hồn về Tây Phương7.

 

       III.B- Thân bài của bài VTTLCS/Chiêu Hồn Ca: (Câu 21 - 140):

 

Nguyễn Du kêu gọi tất cả các vong hồn hãy đến dự lễ cúng thí thực vào ngày rằm tháng bảy.

1.   Tráng sĩ giang hồ đã từng vẫy vùng ngang dọc ở cõi đời: (Câu. 21 - 32)

Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh, 

Chí những lăm cướp gánh non sông,

  Nói chi những buổi tranh hùng,

24.Tưởng khi thế khuất8 vận cùng mà đau.

Bổng phút đâu mưa sa ngói lở,9

Khôn đem mình làm đứa thất phu10,

  Giàu sang càng nặng oán thù,

28.Máu tươi lai láng, xương khô rã rời.

Đoản vô tự11 lạc loài nheo nhóc,

Quỉ không đầu van khóc đêm mưa,

  Cho hay thành bại là cơ12,

32.Mà cô hồn biết bao giờ cho tan!

 

2.   Giai nhân tài hoa và bạc mệnh: (Câu 33 - 44)

 

Cũng có kẽ màn lan trướng huệ13,

Những cậy mình cung quế Hằng Nga,

  Một phen thay đổi sơn hà,

36.Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?

Trên lầu cao dưới cầu nước chảy,

Phận đã đành trâm gãy bình rơi14,

  Khi sao đông đúc vui cười,

40.Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.

Đau đớn nhẽ không hương không khói,

Luống ngẩn ngơ giòng suối rừng sim,

  Thương thay chân yếu tay mềm,

44.Càng nằm càng héo, một đêm một rầu.

 

3.   Các vị quan văn: (Câu 45 - 56)

 

Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,

Ngọn bút son15 thác sống ở tay,

  Kinh luân16 gồm một túi đầy,

48.Đã đêm Quản Cát, lại ngày Y, Chu17.

Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm,

Trăm loài ma mồ nấm chung quanh,

  Nghìn vàng khôn đổi được mình,

52.Lầu ca, viện hát tan tành còn đâu?

Kẻ thân thích vắng sau vắng trước,

Biết lấy ai bát nước nén nhang?

  Cô hồn thất thểu dọc ngang,

56.Nặng oan khôn nhẽ tìm đường hóa sinh.

 

4.   Các Tướng lãnh đã từng là bậc chỉ huy cao cấp trong các cuộc chiến tranh đầy gay go và ác liệt: (Câu 57 - 68)

 

Kìa những kẽ bày binh bố trận,

Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung18,

  Gió mưa sấm sét đùng đùng,

60.Dãi thây trăm họ làm công một người.19

Khi thất thế, tên rơi đạn lạc,

Bãi sa trường thịt nát máu rơi,

  Bơ vơ góc bể bên trời,

64.Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao?

Trời thăm thẳm mưa gào gió thét,

Khí âm huyền mờ mịt trước sau,

  Ngàn cây nội cỏ rầu rầu,

68.Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?20

 

5.    Kẻ giàu có đầy tiền bạc lúc còn sống, khi chết không đem được đồng xu: (Câu 69 - 80)

 

Cũng có kẻ tính đường trí phú21,

Mình làm mình nhịn ngủ kém ăn,

  Ruột rà không kể chí thân,22

72.Dẫu làm nên, để dành phần cho ai?

Khi nằm xuống không người nhắn nhủ,

Của phù vân23 dẫu có như không,

  Sống thời tiền chảy bạc ròng,

76.Thác không đem được một đồng nào đi.

Khóc ma mướn, thương gì hàng xóm,

Hòm gổ đa bó đóm đưa đêm,

  Ngẫn ngơ trong quảng đồng chiêm,

80.Nén hương, giọt nước, biết tìm vào đâu?

 

6.    Các học trò nghèo đã từng chạy theo cử nghiệp: (Câu 81 -92)

 

Cũng có ké ráp cầu chữ quý,

Dấn mình vào thành thị lân la,

  Mấy Thu lìa cửa lìa nhà,

84.Văn chương đã chắc đâu mà trí thân?

Dọc hàng quán phải tuần mưa nắng,

Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng,

  Vội vàng liệm sắp chôn nghiêng,

88.Anh em thiên hạ, láng giềng, người dưng.

Bóng phần tứ xa chừng24 hương khúc25,

Bãi tha ma kẻ dọc người ngang,

  Cô hồn nhờ gửi tha phương,

92.Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng.

 

7.    Những người đi trên biển cả gặp cuồng phong bão táp: (Câu 93 - 96)

 

Cũng có kẻ vào sông ra bể,

Cánh bườm mây chạy xế26 gió Đông,

  Gặp cơn giông tố giữa đồng,

96.Đem thân vùi dập vào lòng kình, nghê27.

 

8.   Những người buôn gánh bán bưng (Câu 97 - 100)

 

Cũng có kẻ đi về buôn bán,

Đòn gánh tre chín dạn hai vai,

  Gặp cơn mưa nắng giữa trời,

100.Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?

 

9. Các chiến sĩ đã bị động viên phải xông pha dưới lằn tên mũi đạn ngoài chiến trường: (Câu 101 - 108)

 

Cũng có kẻ mắc vào khoá lính,

Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan,

  Nước khe cơm ống gian nan,

104.Dãi dầu nghìn dặm, lầm than một đời.

Buổi chiến trận mạng người như rác,

Phận đã đành đạn lạc tên rơi,

  Lập lòe ngọn lửa ma trơi,

108.Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.

 

10.    Các cô gái giang hồ, buôn phấn bán hương đã từng được nhiều kẻ đón đưa: (Câu 109 - 116)

 

Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp,

Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,

  Ngẩn ngơ khi trở về già,

112.Ai chồng con tá biết là cậy ai?

Sống đã chịu một đời phiền não,

Thác lại nhờ hớp cháo lá đa28,

  Đau đớn thay phận đàn bà,

116.Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?

 

11.    Kẻ ăn xin: (Câu 117 - 120)

 

Cũng có kẻ nằm cầu gối đất,

Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi,

  Thương thay cũng một kiếp người

120.Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan!

 

12.  Những tù nhân đã chịu nhiều cực hình và bỏ thây nơi chốn lao tù: (Câu 121 - 124)

 

Cũng có ké mắc oan tù rạc,

Gửi mình vào chiếu rách một manh,

  Nắm xương chôn rấp góc thành,

124.Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi?

 

13.   Các trẻ thơ vừa sinh ra lại qua đời: (Câu 125 - 128)

 

Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé,

Lỗi giờ sinh29 lìa mẹ lìa cha,

  Lấy ai bồng bế vào ra,

128.U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.

 

14.    Những người chết oan vì các tai nạn khác nhau như : chìm sông, lạc suối, ngã cây, lọt giếng, nước lục, bão tố, lửa cháy, thuỷ quái, cọp beo, hữu sanh vô dưỡng, tai nạn dọc đường: (Câu 129 - 140)

 

Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,

Cũng có người sẩy cối sa cây,

  Có người leo giếng đứt dây,

132.Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành.

Người thì mắc sơn tinh thủy quái,

Người thì sa nanh sói ngà voi,

  Có người có đẻ không nuôi,

136.Có người sa sẩy, có người khốn thương.

Gặp phải lúc đi đường lỡ bước,

Cầu Nại Hà30 kẻ trước người sau,

  Mỗi người một nghiệp khác nhau,

140.Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?

 

       III.C- Kết luận của bài VTTLCS hay Chiêu Hồn Ca:

 

1.   Nguyễn Du thỉnh mời gọi tất cả các cô hồn dù đang ở bất cứ nơi nào thì hãy đến dự buổi lễ cúng rằm tháng bảy để nghe Kinh Phật: (Câu 141 - 156)

 

Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi,

Hoặc là nương ngọn suối chân mây,

  Hoặc là bụi cỏ bóng cây,

144.Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ.

Hoặc là nương thần từ, Phật tự,

Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông,

  Hoặc là trong quãng đồng không,

148.Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre,

Sống đã chịu nhiều bề thảm thiết,

Ruột héo khô da rét căm căm,

  Dãi dầu trong mấy mươi năm,

152.Thở than dưới đất, ăn nằm trên sương.

Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,

Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra,

  Lôi thôi bồng trẻ dắt già,

156.Có khôn thiêng nhớ lại mà nghe Kinh.

 

2.    Nguyễn Du nói với các cô hồn rằng phép Phật thật là nhiệm mầu, triết thuyết từ bi của nhà Phật thật là thâm thuý sẽ giúp các oan hồn rửa thù trút oán để tĩnh giấc mê mà vượt khỏi cảnh luân hồi: (Câu 157 - 172)

 

Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ31,

Bóng hào quang cứu khố độ u32,

  Rắp hòa tứ hải quần chu33,

160.Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.

Nhờ đức Phật thần thông quãng đại,

Chuyển pháp luân34 tam giới35 thập phương36,

  Nhơn nhơn Tiêu Diện Đại Vương37,

164.Linh kỳ38 một lá dẫn đường chúng sinh,

Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh,

Trong giấc mê khua tĩnh chiêm bao,

  Mười loài là những loài nào?

168.Gái trai già trẻ đều vào nghe Kinh.

Kiếp phù sinh như hình bào ảnh39,

Có chữ rằng: "Vạn cảnh giai không." 40.

  Ai ơi lấy Phật làm lòng,

172.Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.

 

3.    Cuối cùng, Nguyễn Du mời các cô hồn vào chùa để hưởng lễ vật cúng theo tục lệ Phật giáo ngày xưa, và các cô hồn cần nương tựa vào Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng để được cứu độ mà  siêu thăng nơi cõi Tịnh Độ: (Câu 173 - 184)

 

Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo,

Của có chỉ bát cháo nén nhang,

  Gọi là manh áo thoi vàng,

176.Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.

Ai đến đấy dưới trên ngồi lại,

Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.

  Phép thiêng biến ít thành nhiều,

180.Trên nhờ Tôn giả41 chia đều chúng sanh.

Phật hữu tình từ bi phổ độ,

Chớ ngại rằng có có không không42,

Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng43,

184.Độ cho nhất thiết44 siêu thăng45 thượng đài46.

 

Chú thích:

(a)    lá ngô: lá cây ngô đồng.

(b)   bạch dương: một thứ cây mà ngày xưa người ta thường trồng ở bãi tha ma/nghĩa địa.

(c)    lê: một thứ cây lê cũng thường trồng ở bãi tha ma.

(1)   trường dạ: đêm dài.

(2)   u minh: chỗ đen tối, ý chỉ địa ngục.

(3)   hồn và phách: hồn và vía.

(4)   lần lửa: lang thang.

(5)   đàn: bàn thờ, điện thờ.

(6)   tịnh bình và dương chi: bình nước Cam lộ và cành dương liễu, Đức Phật Quan Âm thường cầm tịnh bình và cành dương liễu để rải nước Cam lồ.

(7)   Tây phương: viết tắt “Tây phương cực lạc”.

(8)   thế khuất / khuất thế: thất thế.

(9)     ngói lở / ngói vở: nhà tan cửa nát.

(10) thất phu: kẻ hèn mọn.

(11) vô tự: không con.

(12) cơ: thiên cơ, vận mạng, sớ mạng ,thiên mệnh.

(13) màn lan, trướng huệ: màn thêu hoa lan, trướng thêu hoa huệ.

(14) trâm gãy bình rơi: người đẹp chết bất ngờ.

(15) bút son: bút màu đỏ mà các quan ngày xưa dùng để phê chuẩn.

(16) kinh luân: tài trị dân, trị nước.

(17) Quản, Cát: là hai vị tướng nổi danh của Trung Hoa là Quản Trọng (725 TCN-645 TCN) thời Xuân Thu đời Tấn; và Gia Cát Lượng tức Khổng Minh (181-234) đời Tam Quốc. Y, Chu: là hai tướng nổi danh khác, đó là Y Doãn (khoảng 1750 TCN) vào đời Thương; và Chu Công (khoảng 1100 TCN) công thần khai quốc cho nhà Chu (1122 TCN-256 TCN).

(18) ấn nguyên nhung: cái phù hiệu mà vị tướng lãnh nhận từ vua phong để làm nguyên soái của đoàn quân.

(19) Dãi thây trăm họ làm công một người:  lấy từ ý tưởng của một câu thơ nổi danh của Tào Tùng (thuộc đời Đường, khoảng năm 897) là “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” trong bài thơ: Kỷ Hợi tuế, nguyên văn chữ Hán như sau:

己亥歲(僖宗廣明元年)其一
澤國江山入戰圖, 
生民何計樂樵蘇。 
憑君莫話封侯事, 
一將功成萬骨枯。

 

 

Phiên âm Việt Hán:

 

Kỷ Hợi tuế1 ( Hy Tông  Quảng Minh niên) kỳ I

 

Trạch quốc2 giang sơn nhập chiến đồ,
Sinh nhân hà kế lạc tiều tô3
Bằng quân mạc thoại phong hầu sự4
Nhất tướng công thành vạn cốt khô.5
          Tào Tùng                                                                                                                                  

 

 

Chú thích và dịch nghĩa:                                                                                                          

 

1 Kỷ Hợi tuế: năm Kỷ Hợi 879, đời vua Đường Hy Tông.                                                                      2 Trạch quốc: tên vùng đất Triết Giang/ Giang Nam ở bên Tàu vào thời Cao Biền dẹp Hoàng Sào. Câu này có nghĩa là chiến tranh đã bùng nổ khắp đất Giang Nam.                                         3tiều : là người đốn củi, tô: là người cắt cỏ. Câu này có nghĩa là dân nghèo (làm lụng vất vả) kiếm củi và cắt cỏ để mưu sanh. 4Câu này có nghĩa là: bạn ơi! chớ nói đến chuyện phong hầu ( phong khanh, phong tướng) mà làm chi.                                                                                5Nhất tướng công thành vạn cốt khô : một vị sĩ quan thành công và được vinh thăng làm tướng lãnh thì đã có biết bao nhiêu người lính đã bỏ thây nơi chiến trường.

 

(20) chưng thường: cúng tế mùa Đông và mùa Thu.  

(21) trí phú: làm giàu.

(22) chí thân: rất thân.

(23) phù vân: đám mây nổi và để tan biến đi. Của phù vân: tiền của như mây nổi, tức là của cải không bền lâu, có đó rồi mất đó.

(24) xa chừng: lạc lỏng xa xôi.

(25) hương khúc: thôn xóm hẻo lánh.

(26) chạy xế: chạy xiên chiều gió.

(27) kình nghê: loài cá kình và loài cá voi.

(28) cháo lá đa: ngày xưa, mỗi khi làm lể thí thực, để tượng trưng cho việc bố thí được ban bố ra khắp nơi thì chùa chiền dùng lá đa khoanh lại làm cái chén, kẹp đầu các cây nhỏ để cắm hai bên đường đi. Các vị ở trong chùa đổ cháo vào các chén lá đa này, và mời các cô hồn đến hưởng hương vị của cháo.

(29) lỗi giờ sinh: sinh ra đời nhằm vào giờ xấu.

(30) cầu Nại Hà có tiếng Việt Hán là Nại Hà kiều (奈何橋); tương truyền theo sách Phật , đây là cây cầu bắt ngang sông Nại, nối liền giữa địa ngục và trần gian. Các vong hồn phải đi qua được cây cầu này để đi đầu thai. Linh hồn nào còn nhiều tội lỗi thì không đi qua được cây cầu này.

(31) Siêu sinh tịnh độ: thoát qua cõi trần để sanh vào đất trong sạch, đó là nơi Phật và Bồ tát ở.

(32) độ u: dẩn qua khỏi chỗ u tối.

(33) tứ hải: bốn biển; quần chu: các châu.

(34) Pháp luân: bánh xe Phật pháp; chuyển Pháp luân: truyền bá Phật pháp giống như quay bánh xe pháp.

(35) Tam giới 三界 ( Srt. triloka, traidhātuka,  Pi. tisso dhātuyo): ba cõi là: 1. Cõi dục/ dục giới: nơi các thiên và nhân đều có tình dục; 2. Cõi sắc/ sắc giới: nơi các thiên và nhân đều có hình sắc nhưng không có tình dục; 3. Cõi vô sắc/ vô sắc giới : nơi các thiên và nhân không còn tình dục, không còn sắc, nơi đây là cõi vui vô cùng.

(36) thập phương: mười hướng. Theo sách Phật thì có 4 phương hướng chánh (Đông, Tây, Nam, Bắc), 4 phương hướng giáp (Đông-Tây, Tây-Nam, Nam-Bắc, Đông Bắc) và trên trời, dưới đất = tổng cộng là 10 phương.

(37) Tiêu Diện Đại Vương: là vị thần có mặt cháy đen, vị thần này lo giúp đỡ các vong hồn ở địa ngục.

(38) linh kỳ: lá cờ linh thiêng.

(39) phù sinh: sống tạm; bào ảnh: bọt và bóng.

(40) vạn cảnh giai không: có nghĩa là muôn ngàn cảnh vật, thiên hình vạn trạng ở trong cuộc đời này đều không có thật, tất cả đều do nhân duyên hoà hợp.

(41) tôn giả: ý chỉ bậc tu hành đạo cao đức rộng có lòng từ bi, cứu độ, bố thí chúng sanh.

(42)  có có, không không: hay “sắc sắc không không” là triết lý rất thâm thuý của Phật giáo để diễn tả quan niệm về “không” và “có”, “có mà không, không mà có”. Đó là nền tảng  nhận thức của triết học “Tánh Không” (Sunyata) của Phật giáo Phát triển (Đại thừa). Trọng tâm tư duy của “triết học Tánh Không” được giảng dạy trong Kinh Kim Cương Bát-nhả  Ba-la-mật-đa (Vajracchedika Prajna Paramita, Av. Diamond Sutra) đọc tắt là Kinh Kim Cương/ Kim Cang; và Bát-nhả Ba-la-mật-đa tâm kinh (Prajna Paramita Hridya Sutra, Av. Heart of Perfect Wisdom Sutra) đọc tắt là Bát-nhả Tâm Kinh. Kinh Kim Cương được Đức Phật giảng dạy rằng không nên trụ chấp vào các tướng, cũng không nên trụ chấp vào các Pháp mà cũng không “chấp không”. Bát-nhả Tâm kinh là kinh nhật tụng ở chùa, gồm có 260 chữ,  kinh này cô đọng các phần tinh tuý của bộ Kinh Đại Bát-nhả Ba-la-mật-đa gồm có 600 quyển; Bát-nhả Tâm kinh cũng dạy về “triết lý Tánh Không”, “Tánh Không” ý chỉ tất cả các Pháp thế gian đều do nhân duyên mà hợp lại nên không có gì cố định, luôn luôn chuyển biến thay đổi không ngừng, không có tự tánh. Bát-nhả Tâm kinh giúp chúng ta phá chấp, không cố chấp, và còn tiến xa hơn nữa là phá “cái phá chấp”: sắc (có) chẳng khác không, không chẳng khác sắc (có). Sắc tức là không, không tức là sắc; trong kinh còn trình bày quá trình biện chứng “bát bất” (tám cái không, tám cái phủ định). Hai quyển kinh này không dể dàng hiểu thấu đáo trong một thời gian ngắn, chúng ta cần phải có nhiều thời gian để nghiên cứu sâu xa hơn nữa. Thật vậy, chính Nguyễn Du đã đọc Kinh Kim Cương cả ngàn lần mà còn có nhiều chỗ ông không hiểu nỗi. Kẻ viết bài này cũng không thể hiểu biết hết được nhiều chỗ trong tư tưởng Phật giáo, mặc dầu tôi đã bắt đầu nghiên cứu Phật học từ năm 1964, đã trên 50 mươi năm rồi.                                                                                     

 

Tiêu Thống (501-531) tức Lương Chiêu Minh thái tử là con của vua Lương Võ Đế (502-549), thời Nam Bắc triều ở Trung Hoa, hai cha con đều sùng bái Phật giáo, và nghiên cứu Phật học rất thâm sâu. Lương Chiêu Minh thái tử là vị đã phân đoạn Kinh Kim Cương ra làm 32 phận tức là 32 đoạn, bộ kinh này trước kia không có ai phân chia ra làm chương mục. Vào đầu thế kỷ thứ 6 Dương lịch, Lương Chiêu Minh thái tử đã cho xây Phân Kinh thạch đài để làm thư viện quốc gia về Phật học, thư viện này chứa đựng tất cả Kinh, Luật, Luận Phật giáo đương thời, thư viện cũng là trung tâm nghiên cứu Phật học đứng hàng đầu ở Trung Hoa thời bấy giờ. Do đó Phân Kinh thạch đài là một cơ sở rất nổi tiếng.                                                              

 

Trong thời gian làm Chánh Sứ ở Trung Hoa (1813-1814), Nguyễn Du đã đến viếng thăm Phân Kinh thạch đài. Tại nơi đây, ông đã sáng tác bài thơ “Lương Chiêu Minh thái tử Phân Kinh thạch đài” (Đài đá Phân Kinh của thái tử Lương Chiêu Minh), bài thơ này đã được ghi lại trong tập thơ chữ Hán “Bắc Hành tạp lục” của Nguyễn Du. Trong bài thơ này có hai câu nguyên văn chữ Hán như sau:

    

 我 讀 金 剛 千 遍 零                                                                                                                  其 中 奧 旨 多 不 明                                                                            

Phiên âm Việt Hán:                                                                                                                                        Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,                                                                                                     Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.                                                                                                                

Dịch nghĩa :                                                                                                                                         Tôi đọc Kinh Kim Cương có hơn một ngàn lần.                                                                                     Ý nghĩa uyên thâm trong Kinh này phần nhiều (tôi) không hiểu nổi.

Thi sĩ thiên tài Nguyễn Du, bẩm thụ rất thông minh, đã đọc Kinh Kim Cương trên một ngàn lần mà còn chưa hiểu hết cái triết lý uyên thâm của cuốn kinh này, nên ông biết rằng trong các cô hồn có nhiều loại chúng sanh với nhiều căn cơ khác nhau, có nhiều chúng sanh có căn cơ không tới được trung bình thành thử khi nghe đến triết lý ``có có không không`` (triết lý hữu-vô) thì họ không hiểu nổi nên ngại không dám đi vào chùa để nghe Kinh Phật. Nguyễn Du kêu gọi các cô hồn đừng e ngại gì cả, hãy vào chùa nghe Kinh Phật và nương tựa vào Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng thì sẽ được siêu thăng về cõi thanh tịnh :  `Chớ ngại rằng có có không không`.

(43) Nam-mô: là tiếng phiên âm từ tiếng Pali là Namo (Srt. Namah; Av. Adoration, Blessing; Pv. Vénération à…) có nghĩa là cúi đầu một cách thành kính để chào hỏi, tiếng Việt Hán là chí tâm đảnh lể; còn có nghĩa là quy y , là nương tựa.                    “Nam-mô Phật, Nam-mô Pháp, Nam-mô Tăng” : có thể  là “chí tâm đảnh lể chư Phật, các lời dạy của Đức Phật, chư Tăng (chư Ni và Phật tử ở trong chùa); cũng có thể là “hãy nương tựa vào chư Phật, hãy nghe kinh Phật/ lởi dạy của Đức Phật, hãy nương tựa vào đức độ của chư Tăng (chư Ni và Phật tử ở trong chùa).                        

Trong lể Quy y Tam Bảo ở trong chùa, người Phật tử quyết tâm quay về và nương tựa theo Phật, Pháp, Tăng:                                                                                                                   

-Quy y Phật: quay về và nương tựa nơi Đúc Phật, Đức Phật là bậc giác ngộ, có đức độ và trí tuệ siêu việt, ánh hào quang của Đức Phật sẽ ngọc đuốc soi sáng đường tu học cho người Phật tử.                                                                                 -Quy y Pháp: quay về và nương tựa nơi lời dạy của Đức Phật để noi theo đó mà tu tập.  Pháp bao gồm ba tạng kinh điển là kinh, luật và luận.                                               -Quy y Tăng: quay về và nương tựa nơi chư Tăng, nơi đoàn thể xuất gia. Chư Tăng, đoàn thể xuất gia sẽ thay thế Đức Phật để hướng dẩn người Phật tử hiểu rỏ giáo pháp của Đức Phật để tu tập, và truyền bá giáo pháp của Phật.

 

(44) nhất thiết: tất cả.

(45) siêu thăng: theo nhà Phật, ý chỉ linh hồn người chết được giải thoát, được siêu thoát.

(46) thượng đài: lên đài, lên chỗ thờ, lên bàn thờ.

 

                                           *-*-*

IV.-Giảng luận áng thơ VTTLCS:

 

VTTLCS hay Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du là một tác phẩm trình bày trực tiếp tư tưởng Phật giáo và tín ngưỡng Phật giáo trong Đại lể Vu Lan, ngày Rằm tháng 7 Âm lịch:

*Lòng đại từ, đại bi của Đức Phật Thích-ca được Nguyễn Du trình bày rất rỏ ràng trong Chiêu Hồn Ca. Đây là tình thương bao la đem đến không phải chỉ ở người sống mà còn ở người chết ở cõi âm nữa. Những cô hồn vất vưởng không có ai thờ phượng , được nhà chùa làm lể thí thực cho họ.

*Triết lý Vô thường của triết lý nhà Phật về cuộc đời và người đời được Nguyễn Du trình bày một cách dễ hiểu qua mỗi cảnh ngộ của mỗi loại chúng sanh ở trong xã hội của con người : của cải như mây nổi, sắc đẹp thì tàn phai một cách nhanh chóng, công danh địa vị, tranh giành , đấu đá nhau … rồi cũng không đem theo được cái gì cả một khi đi qua bên kia thế giới. Tất cả chỉ là ảo ảnh. Trước Nguyễn Du, thi sĩ thiên tài Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) đã nhận thấy triết lý vô thường của nhà Phật:

Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy,                                                                                                                                                Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.

   Trăm năm nào có gì đâu,

Chẳng qua một năm cỏ khâu xanh rì.”

(Nguyễn Gia Thiều, Cung Oán Ngâm Khúc)

 

*Tin tưởng phép Phật nhiệm mầu: Nguyễn Du mời gọi các cô hồn vào chùa đảnh lể Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng . Ông kêu gọi các cô hồn hãy lắng nghe kinh Phật và nương tựa vào Tam Bảo để được cứu độ và được siêu thoát về cõi Tịnh Độ.

 

Mở đầu Chiêu Hồn Ca Nguyễn Du đã tả cảnh chiều Thu thật là ảm đạm  trong tiết Trung Nguyên, để từ đó lấy làm một nhịp cầu thông cảm giữa người trong cõi dương với các linh hồn ở trong cõi âm:

 

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi mây lạnh buốt xương khô,

  Não người thay buổi chiều Thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Dịp dường lê lác đác sương sa,

  Lòng nào lòng chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

 

 

Lòng đại từ đại bi của Nguyễn Du thật là bao la, ông cảm thông đến nhiều cảnh ngộ chết chóc và chính ông cũng đã phác họa ra với những tình cảnh thật là lâm ly và thảm thiết. VTTLCS / Chiêu hồn ca đã trình bày từng hoàn cảnh của mỗi loại chúng sanh như tráng sĩ, quan văn, võ tướng, giai nhân, kẻ giàu, người nghèo, chiến sĩ, kẻ buôn gánh bán bưng, kẻ sang, người hèn và thậm chí đến trẻ mới sơ sinh. Sự cảm thông của Nguyễn Du đối với mọi hạng người vừa kể thật là mãnh liệt. Mỗi cô hồn đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều là kẻ bất hạnh ở trong cuộc đời, mặc dầu họ đang ở cõi âm, nhưng Nguyễn Du đã coi họ như còn sống thật trước mắt ông, bởi thế nên Nguyễn Du đã cảm thông một cách sâu sắc đến mọi hoàn cảnh, mọi cảnh ngộ đó và ông đã thể hiện lòng thương của mình đến mọi loại cô hồn ấy.

Trong tất cả các cảnh ngộ ấy có lẻ hình ảnh đã gây cho Nguyễn Du nhiều xúc động mãnh liệt hơn hết chính là hình ảnh của võ tướng sa cơ và hình ảnh của người hồng nhan bạc mệnh. Hai hình ảnh này đã là một chất liệu tư tưởng để ông thai nghén và xây dựng nên Truyện Kiều. Thật vậy, có cảnh nào bẽ bàng và nhục nhã cho bằng cảnh võ tướng sa cơ mà chúng ta đã biết qua trong cảnh Từ Hãi ra hàng triều đình ở trong Truyện Kiều, còn trong Chiêu Hồn Ca ta cũng thấy được nỗi nhục nhã của võ tướng sa cơ:

 

Kìa những kẻ bài binh bố trận,

Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung,

  Gió mưa sấm sét đùng đùng,

Dãi thây trăm họ làm công một người.

Khi thất thế tên rơi đạn lạc,

Bãi sa trường thịt nát máu rơi,

  Bơ vơ góc bể bên trời,

Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao”?

 

Cảnh các chiến sĩ vô danh tử trận ở sa trường cũng không kém phần thương tâm:

Buổi chiến trận mạng người như rác,

Phận đã đành đạn lạc tên rơi,

  Lập loè ngọn lửa ma trơi,

Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.”

 

Cảnh giai nhân mệnh bạc cũng là cảnh đã gây nhiều cảm thương và xúc động nơi tâm hồn của nhà thơ lớn Nguyễn Du. Mỹ nhân khi còn sống đã được biết bao kẻ đón người đưa, nhưng khi nhắm mắt rồi thì không có ai hương khói:

 

Trên lầu cao dưới cầu nước chảy,

Phận đã đành trâm gảy bình rơi,

   Khi sao đông đúc vui cười,

Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.”

 

Càng đáng thương hơn nữa là cảnh ngộ của các cô gái giang hồ, "sống làm vợ khắp người ta,/ Hại thay! chết xuống làm ma không chồng.” Tình cảnh bi đát nầy cũng đã được Nguyễn Du viết trong quãng đời  "15 năm đoạn trường của Thúy kiều” ở  trong Truyện Kiều. Trong Chiêu Hồn Ca, Nguyễn Du đã tỏ bày nổi cảm thông và tình thương của mình đối với nổi cô đơn của các linh hồn của các nàng Kiều:

 

Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp,

Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,

  Ngẩn ngơ khi trở về già,

Ai chồng con tá biết là cậy ai?

Sống đã chịu một đời phiền não,

Thác lại nhờ hớp cháo lá đa

  Đau đớn thay phận đàn bà,

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”

 

Nguyễn Du cũng không quên nghĩ đến những người cự phú, và thông cảm cho hoàn cảnh của họ: khi còn sống bạc tiền vung vít nên có nhiều kẻ tới lui thăm hỏi, đến khi chết rồi chẳng những không đem theo được đồng nào mà lại còn chẳng được ai đoái hoài tới:

 

“Khi nằm xuống không người nhắn nhủ,

Của phù vân dẫu có như không,

  Sống thời tiền chảy bạc ròng,

Thác không đem được một đồng nào đi. "

 

Tình đồng cảm  của Nguyễn Du đã đạt tới mọi hạng người ở trong xã hội cõi dương và giờ đây là những linh hồn đang cô đơn không có nơi thờ phượng. Tác giả còn dồi dào tưởng tượng đến những hình ảnh của các cô hồn ấy đang chập chờn ở trong thế giới bên kia, thế giới của cõi  âm, các cô hồn ấy hoặc là đang ở "bụi cỏ bóng cây" hoặc "ẩn ngang bờ dọc bụi" … Lủ cô hồn ấy chỉ sống và hoạt động về đêm, vào lúc mà âm thịnh dương suy. Nguyễn Du đã diễn tả sinh hoạt của các chúng sinh bơ vơ nơi cõi âm ấy làm cho chúng ta không khỏi có cảm giác thấy rùng rợn khủng khiếp và ớn lạnh nơi xương sống, hoặc nổi da ga vì sợ sệt:

 

"Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,

Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra,

Lôi thôi bồng trẻ dắt già,"

 

Với lòng từ bi mà Đức Phật đã dạy, Nguyễn Du đã không khinh miệt, đã không sợ hãi hoặc hất hủi những cô hồn bơ vơ, vất vưởng nơi cõi âm ấy mà ông muốn mời thỉnh họ hãy về nghe Kinh Phật nhân ngày Rằm tháng bảy:

"Có khôn thiêng nhớ lại mà nghe Kinh."

 

Toàn bài thơ cúng tế Chiêu Hồn Ca tác giả đã trình bày  về các chúng sinh, cô hồn, ở cõi âm, tuy nhiên tác giả cũng gián tiếp nói về thân phận của các hạng người ở cõi dương, tức là trong cái xã hội đương thời đang diễn ra trước mắt ông. Nguyễn Du sống vào thời Lê mạt, thời Tây Sơn, thời Nguyễn Ánh, đó là thời chiến tranh loạn lạc, tên đạn tơi bời đã gây ra biết bao nhiêu cảnh chết chóc đau thương và gây bao cảnh khổ đau cho con người ở trong thời loạn ấy. Đó chính là đề tài để ông viết lên áng thơ Chiêu Hồn Ca. Thật vậy:                                                                                                                 

"Trong một thời dài non sông gió lốc, binh loạn liên miên, quan quân chiến trận nhọc nhằn, mạng người cỏ rác, máu chảy thành sông, xương phơi đầy đồng, mùa màng dở dang, nghề nghiệp phế bỏ, dân gian phải ra phu ra lính, rồi thiên tai hạn hán mất mùa đói kém, triều đại liên tiếp đổi thay. Các họ hàng quyền quý đắp đổi nhau trút đổ tàn tạ lớp lớp tang thương. Nhất là cảnh bệnh dịch, phu phen, mất mùa, đói khổ, người chết như rạ một ám ảnh tai ách thường xuyên ở đời Lê mạt… Chính những thảm cảnh ấy đã là nguồn văn, nguồn ý nung nấu thành Chiêu Hồn Ca".

(Phạm Văn Diêu, Việt Nam Văn Học Giảng Bình, Sài Gòn: Tân Việt, 1960, tr. 50).

 

Thi sĩ thiên tài Nguyễn Du đã ý thức về thực tại khổ đau của kiếp người, của chúng sinh không những ở cõi sống mà còn ở cõi chết nữa. Ý niệm về thực tại khổ đau  của người đời và đời người là một nền tảng triết lý căn bản của Đạo Phật, ý niệm khổ đau đã được Đức Thích Ca giảng dạy trong bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển (Deer Park)). Do chỗ ý thức về sự hiện hữu của khổ đau trong cuộc đời, hay đúng ra là trước sự khổ đau của kiếp người đang diễn ra trước mắt ông, nên Nguyễn Du đã cảm thông được mọi nỗi khổ đau của các chúng sinh ở cõi chết và gián tiếp ở cõi sống. Ông đã đem tình thương của mình để thỉnh mời, dẫn dụ, vỗ về các linh hồn cô đơn nơi cõi âm lại nghe Kinh Phật. Tác giả đã thể hiện lòng từ bi trong triết lý đạo đức của Đạo Phật. Từ là lòng thương yêu rộng lớn, không phân biệt kẻ thù và không phân biệt người thân kẻ sơ để đem lại niềm vui cho tất cả mọi người và mọi vật. Ở đây, Chúng ta thấy Nguyễn Du đã tiến tới chỗ không  phân biệt chúng sinh ở cõi sống và chúng sinh ở cõi chết. Ông đều đem đến tình thương cho tất cả chúng sanh như trong bài Chiêu Hồn  Ca. Chúng ta đã thấy rõ tác giả đã không  hất hủi và cũng không sợ hãi lánh xa các cô  hồn đang bơ vơ ở cõi chết, ông mời gọi linh  hồn nầy sau khi nghe Kinh Phật thì có thể tỉnh mê  để siêu thăng vào cõi Tịnh độ, thoát khỏi  vòng luân hồi. Còn Bi là sự tôn trọng sự  sống và quyền sống của mọi người và mọi  vật, còn gọi là đức hiếu sinh. Nguyễn Du viết:

 

"Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh,

Trong giấc mê khua tĩnh chiêm bao.

  Mười loài là những loài nào?

Gái trai già trẻ đều vào nghe Kinh.

Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,

Có chữ rằng "Vạn cảnh giai không"

  Ai ơi lấy Phật làm lòng,

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi."

 

Nguyễn Du thỉnh mời các cô hồn hãy vào chùa đảnh lể Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng,  nương tựa vào hồng ân của Đức Phật, vào lòng đại từ, đại bi của quý Tăng Ni, quý Phật tử ; và lắng nghe chư Tăng, chư Ni và chư Phật tử niệm kinh Phật. Lời dạy của Đức Phật trong kinh sẽ giúp các cô hồn tỉnh thức để ăn năn, sám hối mà được siêu thoát, được giải thoát khỏi cảnh ngạ quỷ ( quỷ đói) và được đi đầu thai:

“Phật hữu tình từ bi phổ độ,

Chớ ngại rằng có có không khôn,

Nam-mô Phật, nam-mô Pháp, nam-mô Tăng,

Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài”.

 

Nguyễn Du muốn đem cái giáo lý "sắc sắc, không không " của nhà Phật mà gây sự tỉnh thức cho các cô hồn ở cõi âm và gián tiếp gây sự tỉnh thức cho con người ở cõi dương.

 

Kết Luận:

VTTLCS / Chiêu Hồn Ca đã chuyên chở tư tưởng Phật giáo nhất là tín ngưỡng của đạo Phật trong ngày đại lể Vu Lan, một trong các ngày lể lớn nhất của Phật giáo. Nguyễn Du quả thật là con người của tư tưởng Phật giáo, và của tín ngưởng đạo Phật.

Nếu xét cuộc đời trong sáng như pha lê, và cuộc đời đạo đức đáng kính của ông, chúng ta có thể ca tụng Nguyễn Du chính là một Đại Thiền Sư bên cạnh Đại Thi Hào. Đại Thiền Sư với nghĩa là chưa có Thiền Sư nào vượt qua được một người có tâm đạo và đời sống đạo đức đáng kính như Nguyễn Du.

Thật vậy, Nguyễn Du đã “ngộ” được Tánh Không (Sunyata) của Phật giáo Phát Triển/ Đại thừa. Trong thời gian làm Chánh Sứ ở Trung Hoa (1813-1814), Nguyễn Du đã đến viếng thăm Phân Kinh thạch đài (đài đá Phân Kinh). Khi tới đài đá Phân Kinh, ông chỉ thấy còn lại di tích hoang tàn đổ nát, thư viện Phật giáo nổi tiếng vào thế kỷ thứ VI không còn một cuốn kinh sách nào cả. Nguyễn Du chợt “ngộ” được triết lý Tánh Không của kinh Kim Cương và Bát-nhã Tâm Kinh: “Kinh mà “không có chữ” (vô tự) mới thật là chân kinh.”  Nguyễn Du đã chứng được “thân Không”, “tâm Không”, “tánh Không”, tất cả các Pháp đều không, kể cả Phật Pháp cũng Không:

Nguyên văn chữ Hán :

及 到 分 經 石 臺 下
終 知 無 字 是 眞 經 .

Phiên âm Việt Hán:                                                                                                                                    

Cập đáo Phân Kinh thạch đài hạ,
Chung tri vô tự thị chân kinh
.”

Dịch nghĩa:

Hôm nay đến dưới chân đài đá Phân Kinh,                                                                              Tôi mới hiểu rằng Kinh mà “không có chữ” mới là chân kinh.                                                    (Nguyễn Du, Phân Kinh thạch đài của Lương Chiêu Minh thái tử)

 

Con người Nguyễn Du và sự nghiệp văn chương của ông quả thật đã, đang và sẽ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, và của Phật giáo đồ Việt Nam nói riêng vậy.

 

Bài viết lần đầu tại Toronto, kỷ niệm lễ Vu Lan 1989, Kỷ Tỵ, ngày 01 tháng 08 năm 1989.                                             Bài viết đã sửa chữa và bổ túc thêm tại Toronto, kỷ niệm lễ Vu Lan 2010, Ất Mùi, ngày 01 tháng 08, năm 2015.                                                          

                                             Nguyễn Vĩnh Thượng

                                                               Cựu học sinh trường Trung học Petrus Ký Saigon (1956-1963).                                                                                                                     Cựu sinh viên Viện Cao Đẳng Phật Học Saigon (1964) và Viện Đại Học Vạn Hạnh Saigon (1964-1967).                                                                                                                        Cựu sinh viên trường Đại Học Văn Khoa Saigon (1965-1969).                                                                                                               Cựu  Giáo sư Triết học (1969-1975) tại các trường Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn An Ninh, Cần Đước và trường Sư Phạm Saigon.                                                                                                  Cựu Social Services Worker/Social Assistance Case Worker (Viên chức xã hội phụ trách trợ cấp phúc lợi xã hội) tại Region of Peel, Ontario, Canada (1992-2014), về hưu cuối năm 2014.

                                   

 

 

Cước chú:

*(1) GS TS Nicola Trần Cữu Chấn (1906-1980) sanh ngày 20 tháng 10 năm 1906 tại Sóc Trăng:

-Tiến sĩ Văn chương tại Đại học La Sorbornne, Paris, Pháp , vào năm 1948.

-Năm 1947: Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục trong Nội các của Chính Phủ Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân. Vào ngày 8 tháng 10 năm 1947, Hội nghị Nam Kỳ đồng thanh cử Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân đứng ra thành lập một “Chánh Phủ Lâm Thời Nam Phần Việt Nam”: 

Thủ Tướng: Nguyễn Văn Xuân                                                                                                                                                                

Phó Thủ Tướng: Trần Văn Hữu

Các Bộ Trưởng: Bộ Giáo Dục: Trần Cữu Chấn, vân … vân.

Sau đó, từ ngày 27 tháng 5 năm 1948 đến ngày 14 tháng 7 năm 1949, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân giữ chức Thủ Tướng Lâm Thời của Quốc Gia Việt Nam.

-Huân chương về Văn hoá của Viện Hàn Lâm Pháp quốc:  “Médaile de la langue Française de l’Académie Français.

-Từ năm 1952 đến 1980 (năm qua đời): thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp, Paris.

- 1954-1955: Giám Đốc Trường Quốc Gia Hành Chánh , Saigon.

[-Trường Quốc Gia Hành Chánh được thành lập vào ngày 7 tháng 4 năm 1952 tại Đà Lạt, trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục Saigon. Ông Nguyễn Văn Quí làm Giám Đốc từ 1952-1954. Ngày 22 tháng 8 năm 1954, trường này được cải tổ: trực thuộc Phủ Thủ Tướng. Ngày 9 tháng 8 năm 1955, trường này được dời về Saigon, và được đổi danh hiệu là Học Viện Quốc Gia Hành Chánh trực thuộc Phủ Thủ Tướng. GS TS Vũ Quốc Thông làm Viện trưởng từ 1955 -1963, vân vân.]

- Khoảng các năm cuối thập niên 1950 đến các năm đầu thập niên 1960: Thầy Trần Cữu Chấn mở các lớp dạy Pháp Văn từng nhóm ở nhà riêng của Thầy ở đường Nguyễn Cư Trinh, Saigon. Thầy đã có quan niệm nhân sinh giống người xưa là: “Tiến vi quan, thoái vi Sư”.

-1964-1975: -Giáo sư Văn chương, Pháp văn và Việt văn, tại Phân khoa Văn học và khoa học nhân văn, viện Đại Học Vạn Hạnh, Saigon.                                                                                      -1973-1975: -Khoa trưởng Phân khoa Văn học và Sư phạm thuộc Viện Đại Học Cao Đài Tây Ninh.

GS TS Trần Cữu Chấn đã qua đời ngày 12 tháng 12 năm 1980, hưởng thọ được 74 tuổi.

Các tác phẩm đã xuất bản:

-Luận án Tiến sĩ Văn chương trình tại Đại Học La Sorbonne, Paris, Pháp: “Étude critique de Poème Kim Vân Kiều”, Saigon: Imprimerie de l’Union,1948.

-Nouvelle Traduction Française du Kim Vân Kiều, Saigon: Imprimerie de l’Union,1950.

-Essais sur la Littérature Vietnamienne, tome I, Saigon: Imprimerie de l’Union, 1950.

-Les Grandes Poétesses du Viet Nam, Imprimerie de l’Union, 1950.

-Étude critique et littéraire du Poème Lục Vân Tiên, Saigon, 1953.

-Le Future Bachelier, Saigon, 1953.

-Cung Oán Ngâm Khúc, Bình chú, loạt bài viết trong Văn Hoá tập san.

-Les Message d’Extrême Orient, Bruxelles, Belgique, 1971.

-Đoạn Trường Tân Thanh tân khảo, trọn bộ 5 quyển, Saigon: Trung Tâm Học Liệu.

-Le “Truyện” dans la Littérature Vietnamienne, Saigon: Nha Văn Hoá.

Các tác phẩm chưa xuất bản:

-Nouvelle Traduction Française du  Lục Vân Tiên.

-Nouvelle Traduction Française du  Cung Oán Ngâm Khúc.

-Nouvelle Traduction Française du  Chinh Phụ Ngâm Khúc.

-Essais sur la Littérature Vietnamienne, tome II.

-Cung Oán Ngâm Khúc bình chú.

-Chinh Phụ Ngâm bình chú.

-Lịch sử Văn học Việt Nam.

-Anthologie de la Poésie Vietnamienne.

                                                  *-*-*

 

*(2)- GS Huỳnh Sanh Thông (1926-2008) sanh ngày 15 tháng 7 năm 1926 tại Saigon. Ông là cựu học sinh Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký.

Năm 1945, ông tham gia phong trào tranh đấu giành độc lập cho Việt Nam. Sau đó ông bị chế độ Pháp bắt. Ông đã tìm cách trốn qua Hoa Kỳ và xin tị nạn chánh trị vào năm 1948 tại Ohio.

Năm 1951, ông tốt nghiệp ngành Kinh tế tại Đại học Ohio, Hoa Kỳ. Ông là học giả chuyên nghiên cứu về văn học Việt Nam. Ông đã làm Giảng viên Việt ngữ ở Foreign Service Institute thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Washington, DC.

Năm 1957-1972: ông giảng dạy môn Văn chương Việt ở Đại học Yale.

Vào thập niên 1960 ông về Việt Nam, làm việc cho Việt Tấn Xả VNCH trong một thời gian ngắn rồi trở lại Hoa Kỳ tiếp tục dạy ở Đại học yale.

Từ năm 1981 đến 1990: ông làm Giám đốc Yale South East Asian Refugee
Project.

GS Huỳnh Sanh Thông qua đời vào ngày 17 tháng 11 năm 2008 tại New Haven, Connecticut, Hoa Kỳ, hưởng thọ được 82 tuổi.

Các tác phẩm đã xuất bản:

-          Tự điển Việt Anh, do Center for Applied Linguistics xuất bản năm 1968.

-          Introduction to Spoken Vietnamese, viết chung với Robert B. Jones, do American Learned Societies xuất bản năm 1957.

-          Bản dịch tiếng Anh của Truyện Kiều của Nguyễn Du: “The tale of Kieu” do Đại học Yale xuất bản năm 1972, bản dịch này rất nổi tiếng , được tái bản nhiều lần.

-          Spoken Vietnamese, viết chung với Robert B. Jones, do Spoken Languages Services xuất bản năm 1979.

-          Bản dịch tập thơ “Hoa Địa Ngục” của Nguyễn Chí Thiện: “Flowers from Hell”, do Đại học Yale xuất bản năm 1984.

-          An Anthology of Vietnamese Poems: from the Eleventh through the Twentieth Centuries (Tuyển tập Thi văn Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20) do Đại học Yale xuất bản năm 1996.

                                                  *-*-*                                                                                                                                                

Cùng một tác giả NVT:

-Ảnh hưởng Phật giáo trong pháp luật triều Lý, Saigon, 1972. 

-Ý chí về độc lập của dân tộc Việt Nam, Toronto 1985.

-Tình mẹ trong thi ca Nhất Hạnh. Toronto,1985.

-Các Hiệp Hội Tín Dụng tại tỉnh Ontario, Canada. Toronto, 1988.

-Hệ thống tư pháp bảo trợ tại tỉnh Ontario, Canada. Toronto, 1989.

-Tư tưởng Phật giáo trong Văn học thời Lý (sách), California, 1996.

-Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa Lỗi Lạc, Toronto, 1999.

-Về một nhà giáo thời VNCH: GS TS Nguyễn Thanh Liêm, Nhà Văn Hóa Giáo Dục Nhân Bản Việt Nam, trong quyển “Kỷ Niệm về GS Nguyễn Thanh Liêm”, California, 2010.

-Đạo Phật như là một Triết học hay như là một Tôn giáo, Toronto, 2014.

-Cuộc đời của Đức Phật Thích ca. Toronto,2015.

-Thầy Tạ Ký, nhà giáo, nhà thơ. Toronto, 2015.

 -An analysis of the Liberal-NDP Accord 1985 in Ontario, Canada. Written in 1986.

  -A Cross-cultural Glimpse of the Vietnamese People in Canada. Written in 1992;

vân . . . vân .

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                 

 

 

                                                                                                                                                                                                                                                    

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 5666)
Đức Phật có nhiều danh xưng khác nhau như Như lai, Thiện thệ, Chánh đẳng giác, Thế tôn, Đạo sư, bậc Nhất thiết trí, bậc Nhất thiết kiến, bậc Toàn giác, v.v... Bậc Nhất thiết trí là danh xưng của chư Phật không phải là danh xưng của đức Phật Thích Ca.
08/04/2013(Xem: 20578)
Việc tự tứ và trai tăng trong ngày Vu lan, và qua đó mà báo hiếu cha mẹ, thì không cần phải nói đến nữa. Điều đáng nói là các chùa nên tổ chức hiệp kỵ cho Phật tử trong ngày Vu lan, sau khi tự tứ và trai tăng. Ngày nay kỵ giỗ của mỗi nhà cũng không thể còn như xưa
08/04/2013(Xem: 13597)
Con vẫn luôn nhớ lời Mẹ kể, lúc con còn bập bẹ trong nôi, từng giọt sữa ngọt từ tim Mẹ đã rót sang môi con, từng giọng hát ru ngọt ngào của Mẹ đã rót vào tâm hồn con. Thế là con đã thiếp ngủ đi trong tình thương cao vời đó. Khi con đầy tuổi, ôi! còn nụ cười nào đẹp hơn nụ cười của Mẹ ở phút giay nhìn con chập chững những bước đầu tiên!
08/04/2013(Xem: 4679)
Tinh thần “hoằng pháp vị gia vụ, lợi sinh vi bổn hoài” là trách nhiệm chung không chỉ người xuất gia mà ngay cả người tại gia cùng cộng hành xây dựng để góp phần làm cho vườn hoa giác ngộ ngày thêm đơm bông kết . . .
08/04/2013(Xem: 9506)
Tổng cộng 4 tuyển tập - Mỗi tuyển tập gồm 10 bài
05/04/2013(Xem: 27561)
Cúng Đại Bàng là một nghi thức quan trọng trong lễ cúng Quá Đường mỗi buổi trưa ở các tự viện theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, đặc biệt là mùa An Cư Kiết Hạ hằng năm. Theo lời thuật lại trong khế kinh, ngày kia Đức Phật đi du hóa gặp một con chim Đại Bàng bắt các loài chim nhỏ ăn thịt.
01/04/2013(Xem: 4621)
Rằm tháng bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng bảy có nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ. Ngày rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất chúng đệ tử của Phật, Chúng Tỷ-kheo là
29/03/2013(Xem: 7555)
Gần cả tuần này nhiều bài báo tiếng Thái và tiếng Anh dấy lên tin đồn về Hậu thân của Steve Jobs; nguyên do b ởi ông Tony Tseung, m ột kỹ sư công ty Apple hỏi về việc tái sinh của Steve Jobs v ới Sư Phrathepyanmahamuni, Vi ện trưởng tu viện Wat Phra Dhammakaya, Thái Lan, v ị sư có kinh nghiệ m thâm niên tu thi ền đị nh . Người dịch xin dịch lại toàn bộ nguyên văn bài trình bày c ủa Sư Phrathepyanmahamuni nói v ề vi ệc đ ã th ấ y đượ c đờ i s ố ng m ớ i c ủ a Steve Jobs cho Sinh viên c ũ ng nh ư ông Tseung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]