Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 37: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ

17/04/202112:14(Xem: 2145)
Bài 37: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ


buddha_149

Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***

Chương VI

 

Trước ngưỡng cửa Giác ngộ

 

***

                       

                        Bài 37 - Trước ngưỡng cửa Giác ngộ

                        Bài 38 - Dhyana paramita hay sự hoàn hảo của thiền định

                        Bài 39 - Dhyana thứ hai

                        Bài 40 - Bốn dhyana phi hình tướng

                        Bài 42 - Các cửa ngõ mở vào sự giải thoát

                        Bài 42 - Prajña paramita hay sự hiểu biết siêu việt về hiện thực

                        Bài 43 - Prajña hay năm thể dạng trí tuệ

 

 

Bài 37

 

Trước ngưỡng cửa Giác ngộ

 

 

            Sau khi nêu lên sự kết hợp giữa các phẩm tính dana (lòng hào hiệp) và sila (đạo đức) (chương IV), cũng như giữa kshanti (sức chịu đựng) và virya (nghị lực) (chương V) trong cuộc sống, sự nghiệp và cả trong các cảm nhận tâm linh của người bồ-tát, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm một cặp tương phản khác tinh tế hơn nhiều là dhyana hay thiền (meditation) và prajna hay trí tuệ (wisdom). Khi hai phẩm tính này được nâng lên cấp bậc hoàn hảo (paramita) thì sẽ đưa chúng ta trực diện với ngưỡng cửa của sự Giác ngộ và sự hoàn thành của thể dạng Phật tính (Bodhicitta) (dhyana là tiếng Phạn, tiếng Pali là jhana, tiếng Hán là "thiền" / , còn gọi là "định"  "thiền định" hay "thiền na", là thể dạng tập trung và lắng sâu của tâm thức, thường hiện lên trong những lúc hành thiền).  

 

            Ở cấp bậc thật tinh tế đó của sự cảm nhận, tất cả ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng, cũng như các thuật ngữ và hình ảnh mà chúng ta tìm cách nắm bắt (apprehend / lĩnh hội) sẽ vụt trở nên trong sáng và sâu sắc một cách lạ thường.       

 

 

Ngôn ngữ của tư duy và ngôn ngữ của hình ảnh

 

            Thông thường chúng ta có hai phương cách chủ yếu để trao đổi với nhau về sự hiểu biết: phương cách thứ nhất là ngôn ngữ của tư duy, các khái niệm, có nghĩa là các sự phân tích mang tính cách lý luận; phương cách thứ hai là ngôn ngữ của hình ảnh, các khuôn mẫu (archetype), huyền thoại (myth), cũng như các biểu tượng (symbol) (tóm lại: cách thứ nhất là trực tiếp chuyển các "ý nghĩ", sự "hiểu biết" cũng như các sự "nhận định" của mình trở thành âm thanh dưới hình thức ngôn từ hay lời nói để người khác "nghe" và cùng hiểu giống như mình; cách thứ hai là mượn các "hình ảnh" dưới hình thức "biểu trưng" để người khác "nhìn" vào đó mà hiểu những gì mình muốn nói). Đức Phật thuyết giảng bằng cả hai phương cách đó, và theo truyền thống từ xưa thì cả hai phương cách này vẫn còn được tiếp tục sử dụng để giảng dạy đến nay, và cả hai cùng giữ một tầm quan trọng ngang nhau. Ngôn ngữ khái niệm đánh thức tri thức tức là trí thông minh mang tính cách lý luận (rational intelligence / sự hiểu biết trong lãnh vực lý trí và sự hợp lý), trong khi đó ngôn ngữ hình ảnh, cụ thể, trực tiếp và sinh động hơn, lại có xu hướng tạo ra cho chúng ta những xúc động ở các cấp bậc sâu sắc hơn, chạm vào những nơi thật sâu kín bên trong tiềm thức mình (chẳng hạn như phát biểu câu sau đây:" hành động sẽ trở thành một nguyên nhân, và nguyên nhân sẽ đưa đến kết quả", thì đấy là hình thức ngôn từ khái niệm; khi trông thấy pho tượng của Bồ-tát Quán thế âm thì cảm thấy các xúc cảm từ bi dâng lên trong lòng mình, trong trường hợp này chân dung của vị Bồ-tát tạo ra các xúc cảm là ngôn từ hình ảnh). 

 

            (Tác động của ngôn từ hình ảnh quan trọng không kém so với ngôn từ tư duy và khái niệm, thế nhưng không mấy khi chúng ta lưu ý. Vậy chúng ta hãy thử nêu lên một vài thí dụ cụ thể, chẳng hạn như trường hợp các xúc cảm luyến ái hiện ra bất ngờ giữa một người nam và một người nữ, người ta thường gọi các xúc cảm đó là "tiếng sét ái tình", vậy điều đó có nghĩa là gì? Trước hết đó là một ngôn ngữ hình ảnh. "Hình ảnh" một gương mặt hay bóng dáng của một cá thể chạm vào một nơi thật sâu kín bên trong tiềm thức - Phật giáo gọi thể dạng vô thức sâu kín đó là ayanavinnana / a-lại-da-thức - của một cá thể khác, tạo ra những xúc cảm mang tính cách bám víu thật mạnh hiện lên trong tâm thức của một trong hai cá thể.  Các cảm xúc đó liên hệ mật thiết đến karma / nghiệp quá khứ của cá thể ấy, khiến cá thể ấy tiếp tục vướng mắc trong thế giới hiện tượng. Nếu "tiếng sét ái tình" cùng đánh gục cả hai cá thể, thì những gì xảy ra sau đó là kết quả mang tính cách "cộng nghiệp" của hai cá thề ấy. Chúng ta hãy nêu lên một vài thí dụ khác, chẳng hạn khi trông thấy một nấm mồ bỏ hoang thì hình ảnh ấy sẽ có thể khiến chúng ta cảm thấy rất thương cha mẹ mình đã qua đời; hoặc một người tu tập khi trông thấy làn khói của một nén hương trên bàn thờ Phật, thì cũng có thể khiến mình cảm nhận được một chút hương vị của sự thanh thoát hay một thoáng xúc cảm nhẹ nhàng của sự giải thoát. Trong cuộc sống thường nhật, nghệ thuật quảng cáo tận dụng ngôn ngữ hình ảnh, chẳng hạn như kèm chung các hình ảnh phụ nữ hở hang, hay các thanh niên khỏe mạnh, kể cả các hình ảnh dâm ô với các món hàng quảng cáo, cách ghép hình đó là để khích động bản năng truyền giống của người xem để lôi cuốn sự chú ý và đồng hóa bản năng truyền giống của họ với món hàng quảng cáo. Các trường hợp trên đây cho thấy tác động cùng khắp của ngôn ngữ hình ảnh trong cuộc sống thường nhật, vì vậy người tu tập phải thật cảnh giác hầu giúp mình biết chọn những ngôn từ hình ảnh nào tích cực và phù hợp hơn với cuộc sống mà mình đã chọn)   

 

            Trong lãnh vực trí thức và trên phương diện lịch sử, Phật giáo là một tín ngưỡng vô cùng minh bạch, lương thiện, phản ảnh một nền tư tưởng thật vững chắc (lusty, forceful / mãnh liệt, cường mạnh) Thế nhưng trên thực tế, vấn đề là hầu hết chúng ta thì lại không tìm cách phân tích kỹ lưỡng thực trạng [của Phật giáo] và những lời chỉ dẫn được nêu lên [trong giáo lý đó] hầu mang lại cho mình một sự nhận định minh bạch. Chúng ta có xu hướng chạy theo các linh cảm (presentiment, suspicion / các sự phỏng đoán mơ hồ), các thông tin vụn vặt, các mẩu hiểu biết [rời rạc], để rồi cứ thế mà bày ra đủ mọi hình thức nhận định thật kỳ quái (câu này không khỏi khiến chúng ta nhìn lại cách tu tập của mình, gồm hầu hết là các phương tiện thiện xảo, đôi khi không liên hệ gì nhiều đến sự minh bạch, lương thiện và cương quyết của giáo lý Phật giáo).    

 

            Là người Phật giáo chúng ta nên khuyến khích nhau cùng suy nghĩ một cách minh bạch, không nên chỉ biết tìm dịp để thổi phồng các chi tiết nhỏ nhặt, hoặc bới móc những chuyện nghịch lý, mà phải luôn ý thức những gì mình nói ra. Khi sử dụng một thuật ngữ nào thì phải thật sự hiểu đuợc ý nghĩa của thuật ngữ ấy là gì? Nếu đấy là những từ dịch từ tiếng Pali hay tiếng Phạn, thì mình có nhận định được mức độ chính xác của các từ ấy hay không? Ngay cả đối với các từ trong tiếng mẹ đẻ của mình cũng vậy, chúng ta phải tự hỏi xem có chắc rằng mình đã hiểu được chính xác ý nghĩa của các từ ấy hay không? 

 

            Trong các tự điển đầy rẫy những cách giải thích thật bất ngờ cần phải cảnh giác. Chúng ta nào có phải ai cũng là người trí thức đâu, vì thế mỗi khi sử dụng ngôn từ để nói lên một điều gì thì cũng nên giữ sự minh bạch và chính xác (chẳng hạn không nên sử dụng các thuật ngữ tiếng Hán để thuyết giảng Phật giáo cho những người Việt Nam thuộc các thế hệ ngày nay, bởi vì đôi khi chính mình cũng không thấu triệt được các thuật ngữ đó, huống hồ trong xã hội ngày nay không mấy người được thừa hưởng nền giáo dục Hán ngữ như trước đây nữa), nếu không thì chúng ta chỉ toàn nêu lên các ý niệm mơ hồ và lầm lẫn. Nếu thiếu cảnh giác thì quả khó cho chúng ta tránh khỏi hiểm họa rơi vào chủ nghĩa trí thức (intellectualism). Chỉ cần một tư duy thiếu cảnh giác cũng đủ ngăn chận sự phát triển tâm linh của mình. Thật vậy sự quán thấy xuyên thấu và siêu nhiên (vipassana) hoàn toàn thoát khỏi các tư duy khái niệm; thế nhưng sự quán thấy đó cũng không hiện ra một cách vô cớ, mà phát sinh từ các cách diễn đạt khái niệm của Dharma (Đạo Pháp). Chẳng hạn như suy tư về "khái niệm" vô thường sẽ giúp chúng ta quán nhận được "sự thật" về vô thường (có nghĩa là trực tiếp cảm nhận được bản chất vô thường của hiện thực không nhờ vào một sự suy tư hay lý luận nào cả. Suy tư về một khái niệm nào đó là một hình thức  "lý luận", quán nhận được sự thật là một sự "cảm nhận" tự nhiên, trực tiếp và đột phát). Sự hiểu biết trí thức hiện lên trước nhất, tương tự như một bàn đạp (springboard) [giúp mình nhảy vọt] (sự hiểu biết trí thức qua các hình thức lý luận và các khái niệm sẽ giúp mình mở rộng trí thông minh, tạo cho mình một cái đà để quán thấy hiện thực).         

 

            Quá trình suy tư trên đây sẽ đưa đến một khái niệm tinh tế và chính xác, chẳng hạn như khái niệm sunyata (sự trống không hay "Tánh không"), đó là một cách truyền đạt thật độc đáo của Đức Phật về sự cảm nhận siêu nhiên (transcendantal experience, có thể hiểu như là một sự quán thấy hay nhận thức siêu việt) của Ngài (chẳng hạn như sự cảm nhận về bản chất trống không của mọi hiện tượng là một sự "quán thấy" vượt lên trên tất cả mọi sự "diễn đạt", "khái niệm", "ngôn từ" và "lý luận". Chúng ta thường chỉ nhận thấy sự trống không - sunyata - của các hiện tượng đang chuyển động trong thế gìới, thế nhưng lại không hề ý thức được là ngôn từ, ý niệm, tư duy và cả các xúc cảm bên trong tâm thức mình cũng như của kẻ khác, tất cả cũng đều trống không như vậy. Sự trống không đó của thế giới hiện tượng và của sự hiện hữu là một sự cảm nhận siêu việt và phi thường của Đức Phật, và Ngài đã truyền đạt sự cảm nhận đó cho chúng ta). Vì thế phải làm thế nào để tái tạo được cho mình sự cảm nhận siêu nhiên đó, trong khi chính sự cảm nhận ấy cũng chỉ là một hình thức biểu lộ phát sinh từ một công thức mang tính cách khái niệm (conceptual formulation / có thể hiểu là một sự diễn đạt hay diễn giải dựa vào hay căn cứ vào một khái niệm. Câu trên đây có nghĩa là sunyata là một sự cảm nhận siêu nhiên thế nhưng nó cũng là một sự biểu lộ từ một sự nhận định mang tính cách khái niệm về sự hiện hữu và thế giới hiện tượng), trừ trường hợp đã hoàn toàn nắm vững được thật chính xác bản chất của sự biểu lộ mang tính cách khái niệm đó (thí dụ nhận thấy sự chuyển động của các hiện tượng là một sự "diễn đạt", sự diễn đạt đó sẽ giúp mình "quán thấy" bản chất vô thường của thế giới, sự quán thấy đó là một "khái niệm"; khái niệm đó sẽ giúp chúng ta "cảm nhận" được sự trống không của sự hiện hữu của tất cả mọi hiện tượng. Đó là quá trình chuyển sự hiểu biết trí thức xuyên qua khái niệm đưa đến một sự cảm nhận siêu nhiên).   

 

Phương pháp giúp đạt được sự quán thấy sâu xa

 

            (Sự quán thấy sâu xa hay xuyên thấu, tiếng Pali là vipassana, là một thể dạng thiền định đưa đến một sự hiểu biết sâu rộng và chính xác dựa vào sự quán xét. Sự quán thấy sâu xa đó là một thể dạng cảm nhận hiển hiện sau khi đã thực hiện được thể dạng thiền định trước đó gọi là samatha, tức là thể dạng bình lặng, thanh thản và thăng bằng của tâm thức, thể dạng tâm thức này cũng thường được gọi là "chánh niệm" trong kinh sách tiếng Hán)

 

            Phương pháp thông thường nhất mang lại sự quán thấy sâu xa là cách suy tư về một công thức (sự lập luận hay diễn đạt) mang tính cách khái niệm nêu lên sự quán thấy sâu xa (vipassana) của chính Đức Phật, hoặc của một vị đệ tử của Ngài. Nếu suy tư với một tâm thức thật cô đọng (tập trung, thăng bằng còn gọi là "chánh niệm") về một công thức (formulation / một sự diễn đạt) nào đó mà chúng ta hiểu được một cách minh bạch, thì tất chúng ta sẽ nhận thấy được nội dung (content) siêu nhiên của nó.

 

            Nếu muốn thực hiện được sự thật của vô thường thì cũng chỉ cần nhìn vào một chiếc lá đang rơi. Trên thực tế, phải chăng điều đó cũng có thể thực hiện được [dễ dàng]? Thế nhưng phải làm thế nào để chuyển sự cảm nhận đó trở thành một sự thật toàn cầu về bản chất vô thường? Tất nhiên không phải chỉ cần trông thấy một chiếc lá rơi là đủ, mà phải trông thấy một chiếc lá khác, và thêm một chiếc lá khác nữa, trước khi có thể nhận thức được tất cả các chiếc lá đều phải rơi. Người ta không thể nào thực hiện được điều đó bằng cách trông thấy một chiếc lá rơi mà tâm thức phải trải qua một quá trình mang tính cách khái niệm.         

 

            Chúng ta có thể phát động được một sự quán thấy sâu xa bằng cách nhìn vào ảnh tượng của Đức Phật hoặc một vị Bồ-tát, thế nhưng phải hiểu được hình ảnh đúng với chủ đích của nó. Sự quán thấy sâu xa (vipassana) phát sinh từ cách luyện tập đó, thế nhưng không phải là vì hình ảnh mà mình quán thấy tự nó là một hình ảnh siêu nhiên, mà đúng hơn là vì mình nhìn nó vừa là rất thật (real) nhưng cũng vừa là không thật (unreal). Trong khi đang luyện tập, thì hình ảnh mang một sức sống thật mãnh liệt và sinh động, thế nhưng đồng thời chúng ta cũng phải ý thức được hình ảnh ấy sở dĩ hiện ra với mình là nhờ vào sự lệ thuộc giữa nguyên nhân và điều kiện [mà có], do đó không hoàn toàn là thật (sự lệ thuộc giữa nguyên nhân và điều kiện là một cách nói khác về nguyên lý tương liên, tương kết và tương tạo giữa mọi hiện tượng - pratityasamutpada / conditioned co-production hay lý duyên khởi -  và do đó sẽ không hẳn hoàn toàn là thật. Nếu suy nghĩ theo cách đó thì chúng ta sẽ hiểu rằng các khái niệm "thật" và "không thật", cả hai đều không đủ để mô tả "hiện thực", bởi vì "hiện thực" vượt lên trên "thật" và "không thật", cả sự "hiện hữu" cũng như "phi hiện hữu". Nhà sư Sangharakshita giải thích hiện thực và sự trống không của các hiện tượng thật tài tình, rất trực tiếp và dễ hiểu). Đấy là cách mà chúng ta thực hiện được sự thật (quán thấy được bản chất của hiện thực) dựa vào một số các công thức khái niệm, và ở cấp bậc trí thức các công thức này thật ra cũng chỉ là các hình ảnh phản chiếu từ hiện thực siêu nhiên mà chính nó muốn nêu lên. Trên đây là quá trình diễn tiến thông thường nhất. Chúng ta không thể trực tiếp chuyển sự nhận thức sang sự quán thấy sâu xa (vipassana) mà phải luôn trải qua một giai đoạn trung gian mang tính cách công thức (một chiếc lá rơi, nhiều chiếc lá rơi, đưa đến sự quán thấy bản chất vô thường của thế giới. Sự quán thấy các ảnh tượng thiêng liêng hàm chứa một sự sinh động rất thật, thế nhưng các ảnh tượng đó cũng phải do điều kiện mà có, sự quán thấy đó sẽ đưa đến sự "thực hiện" về sự thật của hiện thực. Trong phân đoạn trên đây dường như nhà sư Sangharakshita đã dựa phần nào vào nền tảng của phép thiền định quán tưởng của Tây Tạng). 

    

Thiền định làm sáng tỏ tâm thức

 

            Thiền định tự nó là một quá trình tạo ra sự minh mẫn cho tâm thức. Thật thế người ta không thể nào tách rời thiền định và sự suy nghĩ minh bạch. Trong tất cả các trào lưu Phật giáo đều thấy nêu lên nhiều người bình dị, dù không có một năng khiếu trí thức hay văn hóa nào cả, nhưng vẫn đạt được sự quán thấy sâu xa (vipassana). Trong hầu hết các trường hợp đó, sở dĩ họ thực hiện được sự quán thấy ấy là nhờ vào phép thiền định giúp họ loại bỏ ra khỏi con người của họ tất cả mọi thiển kiến (bias) do tâm thức tạo dựng, cùng tất cả mọi xu hướng (tendency), mọi định kiến (preconception), kể cả các thành kiến (prejudice) và các sự gò bó (conditioning) trong lãnh vực tâm lý và cả văn hóa.

 

            Phép thiền định không những gồm chung samatha-bhavana tức là thể dạng tĩnh lặng (samatha là thể dạng thanh thản của tâm thức; bhavana có nghĩa là phát huy, triển khai hay mở rộng) mà còn gồm cả vipassana-bhavana (vipassana là sự quán thấy sâu xa hay xuyên thấu). Nhờ vào samatha-bhavana có nghĩa là qua các sự cảm nhận về các thể dạng dhyana ("định") chúng ta sẽ tinh khiết hóa được trí thông minh của mình, giúp nó nhận thức được các sự nhận định (formulation / các hình thức lập luận thuộc lãnh vực trí thức) mang tính cách khái niệm gợi lên bởi các sự hiểu biết có sẵn do các sự nhận định thiết lập từ các truyền thống lâu đời, hoặc cũng có thể là do nó tự tạo ra các công thức khái niệm ấy cho chính nó, với mục đích làm bàn đạp đưa đến sự quán thấy sâu xa (phép thiền định gồm có hai cấp bậc hay hai giai đoạn là: samatha là sự tập trung sự chú tâm và vipassana là cách mở rộng sự quán thấy sâu xa. Trên phương  diện thực hành thì cấp bậc thứ nhất tức là sự tập trung tâm thức, sẽ tinh khiết hóa trí thông minh của mình, có nghĩa là không còn suy nghĩ lang bang và bấn loạn nữa; cấp bậc thứ hai là trí thông minh sau khi đã được tinh khiết hóa sẽ căn cứ vào các sự hiểu biết mang tính cách khái niệm có sẵn từ trước, hoặc tự nó tạo ra cho nó, để làm đà giúp nó nhảy vọt, hầu đạt được một sự hiểu biết sâu xa và cao hơn chính nó, là vipassana).

 

            Phép thiền định mà tôi muốn nêu lên là một sự phối hợp giữa samatha và vipassana, và đó cũng là sự hợp nhất giữa các xúc cảm đã được tinh khiết hóa (không còn bị bấn loạn bởi các xúc cảm hận thù, lo sợ, thèm khát, v.v.) và trí thông minh đã được trong sáng hóa (không còn hoang mang, u mê, lầm lẫn, v.v.). Phật giáo gọi thể dạng này là cinta-mayi-prajna (cinta có nghĩa là sự suy nghĩ, mayi là phát sinh, prajna là trí tuệ) có nghĩa là "trí tuệ phát sinh từ sự suy nghĩ",  nhờ vào sự phối hợp giữa sự tích cực của các xúc cảm tạo ra bởi thể dạng dhyana (sự tập trung tâm thức) và bốn brahma-vihara (bốn thể dạng vô biên của tâm thức, kinh sách Hán ngữ gọi là "tứ vô lượng tâm": 1-tình thương yêu / maitri, 2- lòng từ bi / karuna, 3- niềm hân hoan / mudita, 4- sự thanh thản / upeksa, còn gọi là "xả"). Sự phối hợp đó sau khi được phát huy và nâng lên cấp bậc cao nhất, sẽ làm hiển hiện sự quán thấy sâu xa (sự quán thấy xuyên thấu và sâu xa / insight / vue pénétrante / vipassana / sự giác ngộ). Vì thế sự quán thấy sâu xa vừa là một sự cảm nhận mang tính các xúc cảm (emotional experience) nhưng cũng vừa là một sự cảm nhận trong lãnh vực trí thức (intellectual experience). Người ta có thể bảo rằng Phật giáo đồng nghĩa với hai thứ ấy, tức là sự tích cực của xúc cảm và sự trong sáng của trí thông minh. Hai thứ ấy ở cấp bậc cao nhất của chúng sẽ trở thành lòng từ bi (xúc cảm) và trí tuệ (trí thông minh, khả năng nhận thức), và ở vào cấp bậc đó cả hai, dù khác nhau, nhưng không thể tách rời nhau (lòng từ bi không thể nào hiển lộ được nếu không có trí tuệ giúp quán thấy sự khổ đau mênh mông và cùng khắp của chúng sinh, trí tuệ không thể nào phát sinh được nếu không có sức mạnh vô biên của lòng từ bi thúc đẩy).

 

Sự trong sáng thuộc lãnh vực trí thức

 

            Chúng ta không thể nào tạo được cho mình sự trong sáng trí thức bằng cách ra sức học hỏi, chẳng hạn như đọc sách thật nhiều và biến mình thành một nhà trí thức. Thật vậy, say mê lý thuyết là một điều bất lợi, đó là cách tạo ra các ý nghĩ mơ hồ (nebulous / hoang tưởng, u mê, lờ mờ, hãy nêu lên một thí dụ cụ thể, chẳng hạn như trên phương diện chính trị sự bám víu vào một chủ nghĩa hay một chính thể sẽ đưa dần đến chỗ hoang mang, chẳng biết mình muốn gì, ngoài sự bám víu vào chủ nghĩa mà mình chủ xướng cùng các phương tiện tuyên truyền để bào chữa cho sự bám víu đó, kết qua tạo ra là một tình trạng độc đoán đơn thuần và vô nghĩa). Càng tìm hiểu triết học và lý thuyết Phật giáo, càng cố gắng gom góp tối đa sự hiểu biết về Phật giáo, càng nhanh càng tốt, thì chỉ là cách càng tạo ra cho mình tình trạng bội thực trí thức nặng nề hơn mà thôi. Nhiều cách diễn giải tân tiến ngày nay về Phật giáo với quá nhiều khái niệm, tư duy và triết học, khiến nhiều người có cảm giác Phật giáo là một cái gì đó nhất thiết thuộc vào lãnh vực trí thức, kể cả có thể xem như một thứ trí thức gây áp lực  (oppressive / accablant). Điều đó chẳng khác gì như tình trạng nếu muốn hiểu được Phật giáo thì phải theo học thật chuyên cần các khóa giảng dạy về lô-gic học, siêu hình học và luận thuyết học (epistemology). Thế nhưng tại Ấn độ vào các thời kỳ xa xưa, khi việc giảng dạy tâm linh vẫn còn hoàn toàn bằng cách truyền khẩu, thì mọi người chỉ cần tiếp nhận đúng nhũng gì cần thiết cho trường hợp của mình vào một thời điểm nhất định nào đó. Trong bối cảnh này, thật hiển nhiên bạn sẽ chẳng có một quyển sách nào mô tả các giai đoạn thăng tiến trên đường Giác ngộ để đọc và tìm hiểu. Trong tình trạng đó có thể bạn cũng sẽ chẳng có một ý niệm gì về sự Giác ngộ cả . Bạn tìm đến một vị thầy, sau vài câu trao đồi, hoặc chỉ cẩn nhìn bạn từ đầu đến chân, thì vị thầy có thể sẽ nói với bạn như sau: "Hãy cứ về luyện tập đúng như thế này". Bạn quay về nhà và luyện đúng như thế, sau đó - có thể là nhiều năm - sau khi bạn đã thành thục về phép luyện tập ấy thì vị thấy sẽ giảng tiếp cho bạn một số những lời giáo huấn khác để bạn tiếp tục việc luyện tập của mình. Không có một ai nêu lên với bạn một sự nhận định nào về lý thuyết cả.

 

            Trái lại trong bối cảnh ngày nay, lúc nào người ta cũng tìm cách nêu lên với các bạn các sự nhận định về lý thuyết. Vậy chúng ta phải có thái độ như thế nào trước vô số các lý thuyết Phật giáo đang bủa vây mình? Giải pháp có thể là "càng thêm và càng bớt", nói một cách khác là chỉ nên tập trung vào thật ít kinh sách và các lời giảng huấn, kể cả việc tìm hiểu Dharma, trái lại phải phát huy thật nhiều và thật sâu các cảm nhận của mình trong lúc luyện tập, qua sự suy tư và các thắc mắc của mình. Trên thực tế các sự suy tư và thắc mắc đó phải đích thật (cụ thể và hữu ích). Các sự suy tư và các thắc mắc nêu lên phải là của mình (liên hệ đến bối cảnh và trình độ tu tập của mình), không phải chỉ đơn giản là một cách dàn xếp lại các khái niệm (rearrangement of concepts / tìm cách bào chữa cung cách tu tập của mình). Một thắc mắc đúng thật chỉ có thể hiện lên từ sự cảm nhận của chính mình và từ những sự xung đột bên trong chính mình.         

 

            "Sách vở và chữ nghĩa nếu không mang ra thực hành thì hãy vứt bỏ đi!"

 

            Câu phát biểu trên đây là của vị đại sư Padmasambhava (717-762, sinh trưởng trong thung lũng Swat thuộc xứ Pakistan ngày nay, là một vị đại sư đầu tiên đã mang Phật giáo vào Tây Tạng)

 

            Nền văn hóa Tây phương dù là thế nào thì cũng cứ mặc (bài giảng này là dành cho người Tây phương với chủ ý nhắc nhở họ không nên quá quan tâm đến các ảnh hưởng từ nền văn hóa mang tích cách phân tích và mổ xẻ của họ), ước mong của chúng ta ít nhất là tạo được cho mình một tầm nhìn bao quát về tất cả mọi lãnh vực. Thế nhưng sau đó thì phải trở về với thực trạng của mình (với con người của chính mình) để luyện tập và học hỏi thích nghi hơn với quan điểm đó (conception / quan niệm, sự nhận định, có nghĩa là tình trạng và sự thăng tiến của mình trên con đường mà mình đã chọn).

 

Ngôn ngữ của các huyền thoại và biểu tượng

 

            Đức Phật giảng dạy bằng cách mượn ngôn ngữ thật trong sáng của sự phân tích khái niệm, thế nhưng đôi khi Ngài cũng sử dụng một thứ ngôn ngữ khác để truyền đạt Dharma, chẳng hạn như học phái Zen nêu lên trường hợp Đức Phật đứng giữa một đại hội đông đủ các tỳ-kheo, thế nhưng Ngài không thốt lên một lời nào cả mà chỉ đưa lên một cánh hoa vàng. Trong số tất cả các tỳ-kheo hiện diện, duy nhất chỉ có Mahakasyapa (Ma-ha Ca-diếp) là hiểu được những gì mà Đức Phật muốn truyền đạt, và đã đáp lại bằng một nụ cười. Người ta cho rằng Phật giáo Zen được hình thành từ đó và được truyền sang các vùng Vìễn đông, và nhờ đó hàng trăm vị thầy đã đạt được giác ngộ. Trào lưu này không phát sinh từ một hệ thống triết học hay những bài thuyết giảng dông dài nào cả mà là từ một hành động đơn giản: đưa cao một cánh hoa vàng. Thế nhưng bên trong cánh hoa đó người ta có thể nhận thấy trí tuệ của toàn thể chư Phật. Mahakkasyapa hiểu được điều đó và vì thế đã mỉm cười. Mahakasyapa có thể nghĩ rằng Đức Phật trong suốt cuộc sống của mình, chưa từng làm được một điều gì khác tuyệt vời hơn là cử chỉ đưa lên một cánh hoa vàng, và cánh hoa đó vẫn còn tiếp tục truyền lại vẻ đẹp của nó cho đến ngày nay (hình ảnh biểu trưng cho một huyền thoại hay một biểu tượng cũng là một thứ ngôn ngữ tương tự như chữ nghĩa trong kinh sách).     

 

            Tầm quan trọng (dimension / kích thước, tác động) của phương cách truyền đạt đó có thể là khá xa lạ, thế nhưng đã khiến chúng ta không khỏi đắm mình trong các truyền thuyết, huyền thoại và biểu tượng, giúp chúng ta tập tành và học hỏi về thứ ngôn ngữ đó, và biết đâu cũng có thể nói được cả ngôn ngữ đó. Cả hai phương cách truyền đạt trên đây (ngôn ngữ âm thanh và ngôn ngữ hình ảnh) đều vô cùng quan trọng, mang lại cho chúng ta sự hiểu biết và tạo ra cho chúng ta các cảm nhận về hai thể dạng hoàn hảo (paramita) thứ năm và thứ sáu là dhyana ("thiền-na", "định", "chánh niệm", tức là samatha, hay thể dạng cô đọng, thăng bằng và bình lặng của tâm thức) và prajna (tức là trí tuệ hay sự hiểu biết sâu xa và siêu việt).    

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Bài giảng của nhà sư Sangharakshita đưa chúng ta từ sự hiểu biết trí thức dựa vào các khái niệm và công thức đến sự hiểu biết vững chắc, tinh khiết, sâu xa và mở rộng, nhờ vào hai giai đoạn thiền định là samatha là sự tập trung tâm thức và vipassana là sự quán thấy sâu xa về thế giới. Sự quán thấy đó lại tiếp tục giúp chúng ta "thực hiện được sự thật của hiện thực", đưa chúng ta trực diện với ngưỡng cửa của sự Giác ngộ.

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 16.04.21

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

 

(còn tiếp)

 

­

 



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/04/2022(Xem: 3887)
Phật Mẫu Chuẩn Đề ngự trên đài sen Vầng hào quang ánh tỏa ra rực rỡ Phật, Pháp,Tuệ nhãn chiếu soi cứu độ Chúng sanh khỏi kiếp khổ nạn đau thương
23/03/2022(Xem: 3442)
Kính lạy Đức Bồ Tát biểu tượng cho đại hạnh thực tiễn Hình thành nội hàm tín ngưỡng tinh thần BI, TRÍ, NGUYỆN, HẠNH của Phật giáo Bắc Tông (1) Điểm đặc sắc ...Đại thừa tâm lượng rộng lớn !
20/03/2022(Xem: 3156)
Tâm Đại từ bi. Từ là năng lực đem lại an vui cho chúng sanh; Bi là năng lực dứt trừ khổ đau cho mọi loài. Từ bi có sức mạnh thể chất và tâm linh để dõng mãnh làm lợi lạc cho đời, như vậy trong từ bi đã bao hàm Trí tuệ và Hùng lực mới đủ uy đức nhiếp chúng độ sanh. Tâm Đại từ bi là tâm của bậc đã thành tựu đạo nghiệp. Nay phàm phu chúng con nghiệp dày phước mỏng nhưng cũng nguyện thực tập theo hạnh Từ bi của Bồ Tát. Nguyện cho tâm chúng con mỗi ngày một bớt giận ghét người, không sân si với hoàn cảnh mình đang sống và biết ơn với những gì mình đang có. Nguyện đem tất cả khả năng của mình để cống hiến niềm vui cho đời, giúp người bớt khổ. Nhờ vậy mà tâm chúng con ngày càng tỏa sáng tình thương yêu, hiểu biết để thể nhập vào nguồn sống dạt dào Từ Bi Hỷ Xả của chư Phật, chư Bồ Tát.
19/03/2022(Xem: 2918)
Bồ Tát có gốc là Bodhisattva. Từ Bodhi có nghĩa là " giác ngộ.", sattva có nghĩa là "chúng sanh". Bodhisattva được dịch là chúng sanh giác ngộ hoặc người giác ngộ. Sau khi đạt được giác ngộ, bằng từ bi và trí tuệ, vị Bồ Tát giúp mình và người khác vượt qua biển khổ đến bờ an lạc. An lạc chính là Niết Bàn. Trong cuộc sống hàng ngày, các vị Bồ Tát luôn có mặt quanh ta, gồm Bồ Tát xuất gia và Bồ Tát tại gia. Đó là những người bằng trí tuệ, công sức giúp mọi người bớt khổ đau trong thân và tâm. Bồ Tát làm được điều đó bởi trong tâm của Bồ Tát tồn tại một năng lượng gọi là Tâm Bồ Đề. Khi quy y Tam Bảo, ai cũng muốn có Tâm Bồ Đề. Để đạt được Tâm Bồ Đề của một vị Bồ Tát, người tu phải tự hỏi: Mình an lạc không? Mình sống chan hòa với những người xung quanh không? Người tu phải hiểu rõ cái tính Không trong cuộc sống. Hoa cũng là đất và đất cũng là hoa. Bởi khi ngộ được “Ngũ uẩn giai không” thì mới “ độ nhất thiết khổ ách” tức là vượt qua mọi khổ đau đến được bờ Niết Bàn.
01/11/2021(Xem: 6752)
Kính mừng Lễ Vía Đức Phật Dược Sư Đản Sinh 30/9 Nhân ngày lễ Đức Đông Phương Giáo Chủ cùng tìm hiểu niềm tin đối với Ngài và sự mầu nhiệm linh ứng đến với mỗi Phật Tử .... Cách đây 25 năm, lần đầu tiên sự linh ứng của Phật Dược Sư đã đến với tôi một cách bất ngờ mà sau này khi học Phật tôi mới hiểu là mình có được túc duyên mới có được một phương thuốc nhiệm mầu về tâm linh do Ngài ban tặng qua câu thần chú linh ứng như sau mà lúc ấy chưa có YouTube để nghe như bây giờ .... Thần chú Dược Sư là một trong những câu thần chú được trì tụng nhiều nhất bởi công năng bất khả tư nghì mà nó đem lại cho hành giả khi trì tụng. Không chỉ có năng lực chữa lành bệnh tự thân hành giả mà còn có công năng chữa bệnh cho người khác. Quan trọng hơn là khả năng tịnh hoá những nghiệp bất thiện trong
22/10/2021(Xem: 3194)
Kính mừng Lễ Vía Quán Thế Âm 19/9 Kính dâng Thầy bài thơ nhân ngày Lễ Vía Quán Thế Âm 19/9 âm lịch ( 24/10/2021) .Kính chúc sức khỏe Thầy Kính ngưỡng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ... Một lần nữa, sự nhiệm mầu đã đến ! Melbourne vừa gỡ bỏ lockdown hai ngày Lễ vía Bồ Tát 19/9 sẽ cử hành ... hoan hỷ thay ! Mừng Ngài đã lắng nghe, giải cứu giúp thoát Khổ ! Sự là lòng từ bi nhân ái vị tha ...Bồ Tát Độ Lý thì chúng con tự cứu độ bản thân Bao dung, không tham đắm ái nhiễm bụi trần Bố thí, yêu thương người .. luôn giữ tâm ý sạch ! Kính nguyện : ... học ý nghĩa tên Ngài để làm tròn trọng trách, Người Phật Tử phải thể hiện được Từ Bi Nhẫn nhịn trước mọi nghịch duyên chớ khóc than chi Hiểu rõ hơn, lắng nghe hơn ... giải tỏa uẩn khúc ! Ngày Lễ Vía Quan Âm Xuất Gia 19/9 .. nguyện hứa biết tri túc ! Huệ Hương Melbourne 24/10/2021
06/09/2021(Xem: 4232)
Địa ngục là một khái niệm thuộc thế giới quan, nhằm mục đích trừng ác, răn dè hành vi của con người trong thế giới thực tại. Quan niệm về địa ngục được hình thành trên cơ sở thuyết luân hồi, luật nhân quả, thuyết báo ứng. Từ tư tưởng triết học, địa ngục được chuyển hóa thành nhiều loại hình nghệ thuật tôn giáo khác nhau, từ các dịch phẩm, khoa nghi, thơ phú, cho đến nghệ thuật tôn giáo, hội họa, bích họa, điêu khắc, phù điêu, đồ họa. Sự ảnh hưởng của kinh tạng Bắc truyền và nền nghệ thuật Phật giáo Đông Á là điều ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Từ triều đại Lê Thánh Tông (1442-1496) có bài “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn”, trong có đề cập đến thiên đường, địa ngục, Phong Đô, cảnh đói khát dưới chốn âm ty. Bài này dùng để răn dè 10 loại người gồm: thiền tăng, đạo sĩ, quan lại, Nho sĩ, thầy địa lý, thầy thuốc, tướng quân, hoa nương, thương nhân, đãng tử. Như vậy có thể hiểu được rằng dẫn có những tham khảo nhất định về địa ngục của Phật giáo. Bài này là để cúng xá tội vong li
24/07/2021(Xem: 3358)
Kính lạy Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát ( Avalokitesvara) Ngài là vị Bồ tát với hạnh nguyện luôn lắng nghe tiếng kêu khổ đau của cuộc đời rồi tìm cách cứu giúp chúng sinh. Hôm nay là ngày vía Đức Ngài đã thành Đạo 19/6 âm lịch rơi vào 28/7/2021. Kính bạch Ngài .... Từ nhiều năm về trước các chùa Tự viện tại VN và Hải ngoại đều cử hành 3 ngày vía (19/2-19/6-19/9) rất trọng thể để quy ngưỡng và dâng trọn niềm tin đến Đức Ngài. Vị Bồ tát có khả năng thị hiện vô biên thân, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện mà hiện thân tương ứng để cứu độ muôn loài.( theo kinh Pháp Hoa ). Và con đã từng khấn nguyện sẽ cúng dường đến Ngài bằng những vần Thơ , bài viết hầu tán dương Ngài với hạnh nguyện Nhĩ căn Viên Thông như Đức Cổ Phật hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai đã thành tựu và trong dân gian Ngài (Bồ-tát Quán Thế Âm ) được tha thiết thầm kính tôn xưng Mẹ Quan Âm .
26/06/2021(Xem: 11698)
1/ Tôn Giả Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất Trí tuệ cao minh vi đệ nhất Tăng đoàn thống lãnh trợ Từ Tôn Kỳ Viên Tinh Xá thân lâm kiến Đạo nghiệp truyền lưu chiếu ánh quang. Trí tuệ sáng ngời là số một Tăng đoàn thống lãnh giúp Từ Tôn Kỳ Viên Tinh Xá đích thân dựng Đạo nghiệp lưu truyền rạng ánh quang Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Trí Tuệ Đệ Nhất Xá Lợi Phất Tôn Giả 2/ Tôn Giả Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất Thần thông đệ nhất chúng xưng dương Thống lãnh tăng đoàn trợ Pháp Vương Hiếu kính mẫu thân khai diệu pháp Vu Lan báo hiếu vĩnh lưu hương. Thần thông số một chúng xưng dương Thống lãnh tăng đoàn trợ Pháp Vương Hiếu kính mẫu thân khơi pháp diệu Vu Lan báo hiếu mãi lưu hương. Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Thần Thông Đệ Nhất Mục Kiền Liên Tôn Giả
26/04/2021(Xem: 13330)
Đức Chuẩn Đề (1) vốn là Thất Cu Chi Phật Mẫu. Mười sáu tháng ba âm lịch, vía lễ thực thi (2) Ngài thường thuyết giảng Kinh Đà La Ni, Nguyện cầu tất cả trong Thế gian, Xuất thế gian đều thành tựu ... Khi nhìn biểu tượng Ngài ...khiến tâm tự nhủ (3) Uy lực từ bi vô biên với quần sanh Trí tuệ vĩ đại ...tay thứ chín ..Bát Nhã kinh Nguyện noi gương Bồ tát Long Thọ đọc 7 lần thần chú (4) Nam Mô Phật Mẫu Chuẩn Đề Đại Bồ Tát
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]