- Chương I: Lý tưởng của người Bồ-tát Ngồn gốc và sự hình thành
- Chương II: Sự bừng tỉnh của con tim giác-ngộ (6 bài)
- Chương III: Lời nguyện của người bồ-tát (6 bài)
- Chương IV: Lòng vị tha và chủ trương cá nhân trong cuộc sống tâm linh
- Chương V: Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
- Chương VI: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ
- Chương VII: Các cấp bậc của người bồ-tát
- Chương VIII: Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
Lý Tưởng của người Bồ-tát
The Bodhisattva Ideal
***
Chương VIII
Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
***
Bài 50 - Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
Bài 51 - Con đường đúng đắn
Bài 52 - Spinoza và Thượng đế; không gian và thời gian
Bài 53 - Nirmanakaya hay Thân xác sáng tạo
Bài 54 - Ngũ Phật và Sambhogakaya
Bài 55 - Bản chất của Dharmakaya trong Kinh Hoa Sen
Bài 56 - Lãnh vực vô biên và khung cảnh tạm thời.
Bài 52
Spinoza và Thượng đế - không gian vả thời gian
Spinoza, triết gia Hòa Lan thế kỷ XVII có nói như sau : "Thượng đế (God, Dieu, Chúa Trời) là một chất liệu vô tận mang các phẩm tính vô tận (câu này trích từ tập luận Ethics / Đạo đức học, 1677, Phần I, Chương 6), hơn nữa Spinoza còn nói thêm là chúng ta chỉ có thể biết được hai trong số các phẩm tính đó là không gian và thời gian. Là người Phật giáo, chúng ta nhìn vào hiện thực xuyên qua hai phương cách cảm nhận khác nhau liên quan đến hai yếu tố căn bản đó. Vì vậy chúng ta không sao tránh khỏi nêu lên một mô hình về hiện thực thuộc hai thể dạng khác nhau : hoặc không gian hoặc thời gian. Tất cả những gì mà chúng ta có thể làm được là chuyển từ thể dạng này sang thể dạng kia, không có một mô hình thứ ba nào có thể "kết hợp hài hòa" (recociliation / thỏa hiệp) giữa hai thứ ấy (bất cứ ai trong chúng ta cũng "hiểu" được không gian và thời gian là gì, đó là hai "kích thước" hay hai "yếu tố" gắn liền với hiện thực. Thế nhưng chưa có một ai "biết" được bản chất của không gian và thời gian là gì, kể cả các khoa học gia, triết gia, các nhà toán học sử dụng các phương tiện đo đạt tinh xảo và hiện đại nhất. Nêu lên điều này có thể khiến một số độc giả ngạc nhiên, bởi vì đối với nhiều người không gian và thời gian là những gì thật hiển nhiên, gắn liền với từng tư duy, xúc cảm và từng động tác của một cá thể, kể cả sự chuyển động chung của toàn thể vũ trụ. Tóm lại không gian và thời gian thật sự là gì thì trí thông minh của con người chưa giải đáp được. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này qua tầm nhìn của Phật giáo trong phần ghi chú cuối sách). Dường như sự "kết hợp hài hòa" đó (giữa không gian và thời gian) chỉ có thể thực hiện được qua các cảm nhận trong lãnh vực tâm linh của chúng ta, một lãnh vực vượt xa hơn và cao hơn lãnh vực chi phối bởi các hình thức đối nghịch, và tất nhiên trong lãnh vực đó cũng phải có một sự đối nghịch thật sự nào đó. Qua cách nhìn trên đây thì sự đối nghịch nan giải hay sự khác biệt không thể thỏa hiệp (hàn gắn) được giữa hai mô hình hiện thực đó - một thuộc thể loại không gian và một thuộc thể loại thời gian - có thể được xem như là một công án (koan) [trong Thiền học] mà giải đáp (sự nắm bắt hay quán thấy) chỉ có thể thực hiện được bằng một sự bừng tỉnh mang tính cách trực giác.
Khi tôi nêu lên thuật ngữ "vô tận" thì đấy là cách mà tôi muốn nói đến một hiện thực vượt lên trên kích thước thời gian, đúng hơn là một sự kéo dài bất tận của thời gian. Thế nhưng ngay cả ý nghĩa đó cũng có thể là một hình thức đánh lừa, bởi vì thuật ngữ "vượt lên trên" (transcendant / siêu việt, siêu nhiên) có thể khiến chúng ta tưởng tượng (hình dung) "thời gian" và "vô tận" như là những thứ gì đó hiện hữu bên trong không gian ("vượt lên trên" có nghĩa là phải có một cái gì đó "ở bên dưới", vì vậy nếu muốn "có trên" và "có dưới" thì phải nhờ vào yếu tố không gian. Chúng ta phải luôn ý thức ngôn từ chỉ là các quy ước và công thức dùng vào việc trao đổi sự hiểu biết, nhưng không phản ảnh được hiện thực một cách chính xác), và đấy là cách [mà tôi muốn] nói lên một cái gì đó "vượt thoát" ra khỏi thời gian và đồng thời cũng là cách xem thời gian như là một hình thức (hay thể dạng) không gian. Chúng ta luôn bị giới hạn bởi sự gò bó của ngôn từ là như vậy. Vì thế, không nên hiểu các cách diễn đạt [quy ước] trên đây một cách từ chương, mà chỉ nên nhìn vào tính cách gợi ý của những thứ ấy, chẳng hạn như nhờ vào [sự quán thấy trong phép] thiền định hay bằng bất cứ một phương tiện nào khác (chiêm nghiệm và suy tư về sự vận hành của các hiện tượng trong không gian và thời gian qua các khám phá hiện đại của Khoa học cũng có thể gợi lên với chúng ta một ý niệm nào đó về bản chất và cả sự vô tận của không gian và thời gian như là hai kích thước hay hai yếu tố của hiện thực). Ngay cả các khái niệm hoàn hảo nhất cũng không thể nói lên được hiện thực một cách thích đáng, vì vậy phải luôn tìm cách làm "bùng lên" một sự cảm nhận mang tính cách "trực giác", dù việc thiết lập các khái niệm có dễ dàng hơn cách mấy cũng vậy (các khái niệm tương đối dễ tạo ra và cũng có thể dễ hiểu cho nhiều người thế nhưng không thể mô tả hiện thực một cách chính xác và trung thực được, hiện thực chỉ có thể cảm nhận được nó qua những thoáng hiểu biết bùng lên thật sâu từ bên trong tâm thức mình. Dầu sao thì sự hiểu biết nội tâm này cũng rất khó tránh sự chủ quan, do vậy các "thoáng hiểu biết" mang tính cách trực giác vụt hiện lên với mình luôn phải được chứng nghiệm, suy nghĩ và đào sâu thêm trước khi có thể hòa nhập với nó như là một cấp bậc giác ngộ).
Cũng vậy chúng ta thường hình dung Đức Phật như là một nhân vật lịch sử, điều ấy rất đúng và chính đáng, thế nhưng chỉ ở một cấp bậc nào đó mà thôi, kể cả trường hợp khi chúng ta cho rằng sự Giác ngộ của Đức Phật cũng là một sự kiện lịch sử (cách nhìn đó cũng chỉ đúng ở một cấp bậc nào đó mà thôi, bởi vì sự Giác ngộ cũng như sự hiện hữu của Đức Phật vượt ra khỏi "khung cảnh" hay "các "kích thước" không gian và cả thời gian). Vì vậy, khi chúng ta vẫn còn khẳng định thật rõ ràng và chính xác sự đạt được Giác ngộ của Đức Phật như một sự kiện mang kích thước thời gian (tức có nghĩa là một sự kiện lịch sử) thì đấy là một điều hoàn toàn sai lầm (cho đến ngày nay dường như sự Giác ngộ đó của Đức Phật vẫn còn bàng bạc trong những nơi sâu kín nhất trong mỗi con người của chúng ta, từ Đông sang Tây, và biết đâu cũng có thể là trong cùng khắp vũ trụ. Ý niệm đó có thể giúp chúng ta hình dung sự hiện hữu và sự Giác ngộ của Đức Phật vượt ra khỏi các kích thước trói buộc của không gian và thời gian để trở thành vô tận).
Đức Phật mang kích thước vô tận
Dù rằng Đức Phật là một nhân vật lịch sử và từng hiện hữu trong khung cảnh thời gian, thế nhưng Phật tánh hiện hữu bên ngoài khái niệm thời gian, trong khung cảnh của vô tận. Thật ra chúng ta cũng có thể cho rằng Đức Phật hiện hữu cùng một lúc ở hai cấp bậc khác nhau: một mang tính cách thời gian với tư cách là một con người, và một mang tích cách vô tận với tư cách là hiện thực [tối hậu] (tức là sự thật tuyệt đối của thế giới và vũ trụ và cũng có nghĩa là Dharma). Hơn nữa, ngoài hai cấp bậc đó, chúng ta cũng có thể hình dung Đức Phật hiện hữu ở một cấp bậc trung gian, chẳng hạn như lãnh vực mang tính cách khuôn mẫu (archetypal / lý tưởng, quy ước và công thức, đôi khi mang ít nhiều tính cách đại chúng).
Trikaya hay tam thân của Đức Phật
Những gì trên đây đưa đến một khái niệm gọi là Trikaya trong giáo lý Phật giáo, tức là là giáo lý nêu lên "ba thể dạng thân thể của Đức Phật" (kinh sách Hán ngữ gọi là "Tam Thân"), Một số học giả [Phật giáo] uyên bác thường xem trọng giáo lý này. Thật vậy Trikaya là nền tảng tư tuởng chủ yếu nhất đối với phép tu tập của Đại thừa nói chung, thế nhưng lại thường bị hiểu sai. Trikaya nghĩa từ chương là "ba thân thể" ("tri" là ba, "kaya" là thân thể hay thân xác, tức là ba nhân dạng hay ba thể dạng hiện hữu khác nhau của Đức Phật), nhưng cũng có thể hiểu là "ba cá thể" (personalities) hay "ba cá tính" (individualities / thể tính) khác nhau của Đức Phật. Thế nhưng giáo lý đó không hề có ý nêu lên ba thể loại thân thể [của Đức Phật], lại càng không phải là cách dùng để chỉ định ba vị Phật khác nhau. Giáo lý đó thật ra là để nêu lên sự vận hành theo ba cấp bậc khác nhau của Đức Phật hay Bản-thể-của-Phật. Theo sự giải thích thường thấy thì Trikaya / Tam Thân gồm có Dharmakaya / Thân đạo pháp (Dharma có nghĩa là Đạo Pháp hay Giáo lý hay Giáo huấn của Đức Phật), được so sánh với một bầu trời xanh biếc, thật tinh khiết, không một bóng mây; tiếp theo đó là Sambhogakaya / Báo thân (còn gọi là Thụ dụng thân, chữ sambhoga có nghĩa là "cùng ăn uống với" hay "cùng sinh sống với...", tóm lại sambhogakaya là thân xác hình tướng, tức là thể dạng con người của Đức Phật) được biểu trưng bởi một áng mây hiện ra giữa bầu trời xanh biếc nói đến trên đây, đồng thời áng mây sambhogakaya đó cũng được bao quanh bởi các cầu vồng (các vầng hào quang đủ màu); sau hết là Nirmanakaya / Ứng thân hay Ứng hóa thân (tức là Thân biến hóa, chữ mana là tâm thần hay tâm thức, từ ghép nirmana có nghĩa là biến hóa), biểu trưng bởi một cơn mưa rót xuống từ đám mây sambhogakaya (xin lưu ý cách gọi và cách định nghĩa về "ba thân" trên đây là theo Đại thừa, bởi vì Phật giáo Theravada và một học phái xưa là Sarvastivadin giải thích về "ba thân" với đôi chút khác biệt về cả tên gọi cũng như ý nghĩa. Có thể đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến đưa đến sự hiểu sai và lầm lẫn về khái niệm trikaya / Tam thân. Khác hơn với Phật giáo Theravada và học phái xưa Sarvastivadin, giáo lý "ba thân" đặc biệt được chú trọng nhiều hơn trong phép tu tập của Đại thừa. Chẳng hạn như khái niệm về Thân biến hoá (Nirmanakaya / Ứng thân / Ứng hóa thân) đưa đến sự hình thành của vô số các vị bồ-tát, các vị thần linh, kể cả các vị Phật khác, cũng như các hình thức thiêng liêng dưới mọi thể dạng). Ngoài ra trong Kim cương thừa khái niệm "ba thân" cũng được biểu trưng bởi ba hình ảnh của chính Đức Phật, các hình ảnh này được chồng lên nhau từ trên xuống dưới. Ở vị thế trên hết là Dharmakaya (Thân đạo pháp) là hình ảnh của một vị Phật hoàn toàn không mặc quần áo, thường được vây quanh bởi các vị thần linh, tuy nhiên đôi khi cũng được biểu trưng một cách đơn độc. Sau đó là Sambhogakaya (Thân hình tướng) là một vị Phật ăn mặc thật trang trọng, đội mão và mang thật nhiều trang sức. Sau hết làNirmakaya (Thân biến hoá / Ứng hoá thân) biểu trưng cho chính vị Phật [lịch sử] Shakyamuni (Thích-ca Mâu-ni), đầu cạo trọc, tay cầm gây và chiếc bình bát của người khất thực, quần áo thì gồm những mảnh vải vụn khâu đùm với nhau.
Bures-Sur-Yvette, 06.01.22
Hoang Phong chuyển ngữ