Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 10: Sự bừng tỉnh của con tim Bồ-đề hay bodhicitta-utpada

01/06/202012:27(Xem: 2493)
Bài 10: Sự bừng tỉnh của con tim Bồ-đề hay bodhicitta-utpada

Buddha_a1

Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***

Urgyen Sangharakshita

Hoang Phong chuyển ngữ



Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***

Urgyen Sangharakshita

Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

Chương II

 

Sự bừng tỉnh của con tim bồ-đề

***

 

Bài 10 - Sự bừng tỉnh của con tim bồ-đề hay bodicitta-utpada

Bài 11 - Bodicitta tuyệt đối và tương đối

Bài 12 - Quyết tâm đạt được Giác ngộ

Bài 12 - Lịch sử Phật giáo

Bài 13 - Sự xuất hiện của bodhicitta

Bài 14-  Bốn yếu tố của Vasubandhu

 

Bài 10

 

Sự bừng tỉnh của con tim Bồ-đề

hay bodhicitta-utpada

 

 

            Đến đây chúng ta đã có một ý niệm về người bồ-tát, và vấn đề kế tiếp là phải làm thế nào để trở thành một người bồ-tát? Bước đầu tiên để bước vào lý tưởng tuyệt vời ấy là gì? Câu trả lời khá ngắn gọn là:  nếu muốn trở thành một người bồ-tát thì phải đánh thức "con tim bồ-đề" của mình, và chính mình phải vận dụng tất cả con người của mình để hướng vào sự Giác ngộ, với mục đích tối thượng là sự tốt lành của tất cả chúng sinh,

 

            Tiếng Phạn gọi sự kiện ấy là bodhicitta-utpada. Thuật ngữ này là một trong số các thuật ngữ quan trọng nhất của Phật giáo Đại thừa. Như chúng ta đã biết, chữ bodhi trong chữ bodhicitta có nghĩa là bừng sáng hay tỉnh ngộ (thức tỉnh). Chữ citta trong Phật giáo có nghĩa rất rộng mang nhiều sắc thái khác nhau, chữ này có thể hiểu là tâm thức (spirit/mind/esprit), tư duy (thought/pensée), tri thức (conciousness/ awareness/ conscience), tim (heart/ coeur/ tâm)..., hoặc cũng có thể hiểu một cách thật bao quát gộp chung tất cả các thứ ấy (điều này cho thấy tâm thần hay tâm thức (mind) của chúng ta vô cùng phức tạp, hiện ra dưới nhiều thể dạng khác nhau, tạo ra cho mình các tư duy và xúc cảm đủ loại. Các tư duy và xúc cảm ấy luôn ở thể dạng dấy động, tạo ra cho chúng ta các cấp bậc "hiểu biết" khác nhau, từ u-mê cho đến sáng suốt. Sự sinh hoạt đa dạng đó của tâm thức chúng ta được diễn đạt bằng nhiều thuật ngữ khác nhau tùy theo từng trường hợp. " Citta" là một thuật ngữ mang ý nghĩa bao quát nói lên sự vận hành đa dạng đó của tâm thức. Tu tập Phật giáo là tìm hiểu sự vận hành đó của citta để biến cải nó). Chữ utpada  (trong chữ bodhicitta-utpada) đơn giản chỉ có nghĩa là dâng lên, bùng lên, nói một cách thi vị hơn thì đấy là sự thức tỉnh. Tóm lại thuật ngữ bodhicitta-utpada thường được dịch lả "sự dâng cao (dâng trào, bùng lên) của tư duy Giác ngộ", thế nhưng cách gọi đó lại hoàn toàn lầm lẫn (bodhicitta không hẳn là một cái gì đó của riêng mình, một thứ tư duy hay xúc cảm nào đó của chính mình bùng lên bên trong tâm thức mình).  

 

            Chúng ta có thể tha hồ suy nghĩ về sự Giác ngộ, đọc thật nhiều sách nói về Giác ngộ, ngẫm nghĩ về Giác ngộ, nói lên sự Giác ngộ, và sau đó chúng ta kết luận: "Giác ngộ gồm có trí tuệ và cả từ bi". Chúng ta cứ nghĩ rằng khi đã nói lên được câu đó thì có nghĩa là mình đã hiểu được hết về chủ đề này. Thế nhưng dù chúng ta có nói lên hoặc suy nghĩ như thế nào đi nữa, thì cũng sẽ không thể nào làm cho bodhicitta (bồ-đề tâm) dâng cao bên trong chính mình được. Suy tư về Giác ngộ nhất định sẽ không đủ để biến mình trở một người bồ-tát được. Tóm lại, bodhicitta không phải chỉ đơn giản là một sự "suy nghĩ" về Giác ngộ, mà là một cái gì đó to lớn hơn nhiều. Guenther  (Günther Anders, 1902-1992, là một triết gia người Áo, gốc Đức) dịch chữ này là "thái độ tỉnh giác" (awake attitude/ attitude éveillée/ thái độ tỉnh thức), thế nhưng đối với cá nhân tôi, thì tôi vẫn thích dịch chữ này là "quyết tâm Giác ngộ" (awakened will/ volonté d'Éveil/ ý chí Giác ngộ), hoặc trong trường hợp trên đây thì thiết nghĩ nên dịch là "con tim giác ngộ" (bodhi heart/coeur de bodhi) (có nghĩa là bodhicitta không phái chỉ là tư duy, tức thuộc lãnh vực lý trí, mà còn là một sự "giác ngộ của con tim" mình).

 

            Các cách dịch trên đây về chữ bodhicitta (thái độ tỉnh giác, quyết tâm giác ngộ, con tim giác ngộ) sát nghĩa hơn so với cách dịch là "tư duy Giác ngộ" (xin nhắc lại là chữ bodhicitta được dịch sang Hán ngữ là bồ-đề tâm/菩提心). Thật ra không có một cách dịch nào hoàn toàn trung thực cả. Thế nhưng đấy không phải là lỗi của tiếng Anh (hay tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Việt hoặc bất cứ một thứ tiếng nào) mà đúng hơn là lỗi của chữ nghĩa (ngôn từ) nói chung. Thật vậy, chữ "bodhicitta" là một thuật ngữ lệch lạc, không nói lên được ý nghĩa của bodhicitta là gì. Bodhicitta hoàn toàn không phải là một thể dạng tâm thần, một sự sinh hoạt hay một chức năng nào cả. Đương nhiên bodhicitta cũng không phải là một thứ tư duy mà các bạn cũng như tôi có thể có (có thể tạo ra hay hiện ra trong tâm trí mình). Chuyện ấy (bodhicitta hay bồ-đề tâm) không dính dáng gì với tư duy cả, cũng không phải là một thứ quyết tâm nào cả, như chúng ta vẫn thường nghe nói. Bodhicitta không phải là một thứ quyết tâm của riêng mình, nhưng cũng không phải là một sự "ý thức", với ý nghĩa là một sự "ý thức" về sự kiện có một cái gì đó gọi là sự Giác ngộ.

 

            Bodhicitta biểu trưng cho một sự hiển lộ (manifestation/ biểu lộ, phát lộ, bộc lộ), có thể hiểu như là một sự bùng dậy (irruption/trỗi dậy, bộc phát, tuôn trào) bên trong chính mình về một cái gì đó thật siêu việt (vượt hơn chính mình): một sự hiển lộ từ bên trong những cảm nhận bình dị của mình về một cái gì đó mang bản chất hoàn toàn khác hẳn với mình.

 

Năm skandha

 

            Tác giả của một trước tác ngắn nhưng thật sâu sắc mang tựa là Bodhicittavivarana ("Bình giải về Bodhicitta" một trước tác nổi tiếng của Nagarjuna/Long Thụ, gồm 112 tiết thơ, Hán dịch là "Bồ-đề tâm luận") cho biết bodhicitta là một cái gì đó "vượt lên trên tất cả những gì có thể dùng để xác định nó", có nghĩa là nó không thuộc vào năm thể loại skandha" (kinh sách tiếng Hán dịch chữ skandha là "uẩn", người chuyển ngữ các dòng này lâu nay dịch là "cấu hợp", vậy chúng ta hãy kiên nhẫn xem nhà sư Sangharakshita sẽ giải thích như thế nào về chữ skandha dưới đây)

 

            Skandha thông thường được xem là các thành phần có thể mô tả và phân loại được, tạo ra bất cứ một sự hiện hữu nào (một con người hay một cá thể nào) và bất cứ một hình thức cảm nhận nào [của cá thể ấy] về mọi hiện tượng (phenomenal experiences). Sự phân loại (mô  xẻ, phân tích) này vô cùng quan trọng trong tư tưởng Phật giáo (Phật giáo phân tích, xác định và phân loại các thành phần từ vật chất, giác cảm cho đến tâm thần tạo ra một cá thể, đưa đến một khái niệm triết học, một sự hiểu biết siêu việt, nói lên một tầm nhìn thật bao quát về sự hiện hữu của con người trên cả hai phương diện "vật lý" và tâm lý").  Nếu muốn nắm bắt được một vài hiểu biết nào đó về triết học và siêu hình học Phật giáo thì nhất thiết phải nắm vững ý nghĩa của năm skandha (cấu hợp/ uẩn) là gì.

 

            Thêm một lần nữa chữ skandha là một thuật ngữ gần như không thể nào dịch được đúng với ý nghĩa mà nó muốn nói lên (chữ skandha cũng như chữ bodhicitta trên đây là các thuật ngữ đặc thù của Phật giáo, rất sâu sắc và khó dịch, kinh sách Tây phương giữ nguyên tiếng Phạn, Phật giáo Việt Nam dùng tiếng Hán). Nghĩa từ chương của nó là "thân cây" (tree trunk/tronc d'arbre), (skandha là tiếng Phạn, tiếng Pali là khandha, có nhiều nghĩa: "thân của một cội cây", "một đạo quân", "một đống hỗn tạp"..., thế nhưng các ý nghĩa này dường như cũng nói lên được một khía cạnh nào đó của chữ skandha, chẳng hạn như "thân cây" là một hình thức trung gian: một mặt làm phát sinh ra cành lá, hoa, quả trong không gian, một mặt bắt rễ trong đất, rút tỉa các "chất liệu" tồn lưu trong một nơi sâu kín, để liên kết với "môi trường" gồm oxy, khí các-bon, ánh sáng, nhiệt độ..., để tạo ra cành lá và hoa quả. Một đạo quân thì gồm có binh sĩ các cấp, giữ các vai trò khác nhau biểu trưng cho các chức năng của cơ thể, vị lãnh đạo đoàn quân là tâm thần. Một đạo quân thua trận, chạy tán loạn, ném cờ xí và vũ khí, cũng tương tự như sự "trống không" hay tánh không của một cá thể) và cách  dịch thường thấy là sự "kết hợp" (aggregate/ agrégat/ một sự liên kết hay nối kết), đôi khi cũng được dịch là "một khối", "một đống" (mass, pile, amas) (kinh sách Hán ngữ dịch chữ này là "uẩn", năm skandha là "ngũ uẩn"/五蘊,chữ uẩn/ có nghĩa là "tích chứa", "gom góp". Người chuyển ngữ các dòng này lâu này thường dịch chữ skandha là "cấu hợp" với ý nghĩa là một sự "liên kết" và "tương tác" giữa các thành phần tạo ra một cái gì đó)

 

            Skhanda thứ nhất là rupa có nghĩa là "hình tướng của thân thể" ("body shape", chẳng hạn như vóc dáng, màu da, tiếng nói, mùi hôì..., Hán dịch là "sắc" hay "sắc giới". Xin lưu ý skandha là một khái niệm nhất thiết áp dụng cho sự hiện hữu của một cá thể, các chữ "sắc" hay "sắc giới" mang ý nghĩa tổng quát, do đó không được sát nghĩa lắm), tức là những gì có thể nhận biết được bởi các cơ quan giác cảm (tức là màu da, vóc dáng, mập ốm, râu tóc, tiếng nói, v.v. như đã được ghi chú trên đây). Skandha thứ hai là vedana tức là "cảm giác" ("sensation"/có nghĩa là các cảm nhận, chẳng hạn như thích thú, đớn đau, hay không thích thú cũng không đớn đau, Hán dịch chữ này là "thọ uẩn"). Skandha thứ ba là samjna, chữ này thường được dịch một cách khái quát là sự "nhận thức" ("perception", tức là sự diễn đạt của tâm thức về các đối tượng mà nó nhận biết, Hán dịch là "tướng uẩn"), nhận thức ở đây có nghĩa là nhận biết một cái gì đó như là một sự kiện hay một vật thể nào đó, chẳng hạn như nhận thấy một cái gì đó trước mặt mình và gọi cái ấy là một cội cây (a tree) (trông thấy một cái gì đó lù lù trước mặt và nhận biết được đấy là một gốc cây, sự nhận biết đó là sự "diễn đạt" của tâm thức). Skandha thứ tư là samskara, chữ này thường được một số học giả dịch là "sức mạnh hướng dẫn" (governing forces/ forces dirigeantes, tức là các động lực xui khiến, thúc dục mình tạo ra các xu hướng tâm thần, và cũng là nguyên nhân sâu xa nhất làm phát sinh ra karma/nghiệp, kinh sách tiếng Hán dịch chữ samkara là "hành uẩn "), tuy nhiên cũng có thể dịch chữ này dễ hiểu hơn là "các sinh hoạt tâm thần mang tính cách chủ ý hay chủ tâm  (volitional activities/ acts of will, đó là các "hành động tâm thần mang tính cách cố tình", nói lên một sự tính toán hay hoạch định nào đó. Thiết nghĩ cũng có thể dịch chữ samskara là "tác ý", vừa ngắn gọn và vừa nói lên được một "hành động chủ tâm và ý thức" bên trong tâm thần. Sau hết cũng xin mạn phép nhắc lại là karma/nghiệp cũng sẽ bắt đầu phát sinh và ghi khắc trong tâm thức cùng lúc và song hành với sự phát sinh của "tác ý"). Sau hết skandha thứ năm là vijnana hay "tri thức" (consciouness), là sự ý thức xuyên qua năm chức năng của năm giác quan vật lý (ngũ giác) và tâm thức (mind/ spirit/ tâm thần, tức là giác quan thứ sáu) ở các cấp bậc khác nhau (sự "ý thức" có thể là một tình trạng u mê, lầm lẫn - chẳng hạn như sự ý thức của những người bệnh tâm thần - hoặc tinh tế và sáng suốt, v.v.  Đối với Phật giáo, tâm thần hay tâm thức - /mind/ spirit - cũng là một giác quan, do đó một cá thể có sáu giác quan: ngũ giác và não bộ. Sự vận hành của "não bộ" làm phát sinh ra tư duy và xúc cảm, sự phát sinh đó được dựa vào và căn cứ vào các cảm nhận của ngũ giác khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng từ những gì tồn lưu và cất chứa bên trong nội tâm từ trước của một cá thể, chẳng hạn như các kinh nghiệm cảm nhận từ trước của cá thể ấy, các ảnh hưởng của giáo dục mà cá thể ấy đã được tiếp nhận, v.v., nói chung là karma/ nghiệp của chính cá thể ấy).

 

            (Những gì trên đây rất khúc triết và tế nhị, do đó xin mạn phép nêu lên thêm vài ghi chú nhằm xác định ý nghĩa của một vài thuật ngữ có thể gây ra lầm lẫn, chẳng hạn như các chữ "Tâm thức" /spirit, mind, và "Tri thức"/ consciousness. Hai thuật ngữ này có nghĩa như thế nào?

 

            Tâm thức là một thuật ngữ mang ý nghĩa rất rộng, có thể hiểu như là "tâm thần" hay "nội tâm", phản ảnh t sự sinh hoạt tâm lý hỗn độn và phức tạp bên trong một cá thể. Sự sinh hoạt đó gồm tư duy và xúc cảm đủ loại, các thứ này phát sinh từ hai nguồn cung ứng: nguồn cung ứng thứ nhất là các cảm nhận về môi trường bên ngoài xuyên qua sự vận hành của lục giác - ngũ giác và não bộ, nguồn cung ứng thứ hai là các ảnh hưởng tạo ra bởi các kinh nghiệm cảm nhận cá nhân từ trước, cùng các ảnh hưởng của giáo dục, và sâu kín hơn nữa là các tác động của karma/nghiệp ghi khắc và tồn lưu trên dòng "tri thức" của một cá thể.

 

            Tri thức trái lại được hình dung như một dòng luân lưu của sự hiểu biết, liên hệ mật thiết với thời gian và không gian, hoặc cũng có thể xem như là mang "bản chất" không gian và thời gian, nếu có thể nói như vậy. Vai trò của tri thức là tồn lưu và chuyển tải các dấu vết ghi khắc và lưu lại bởi các sự sinh hoạt của tâm thức/ spirit/ mind - nhất là các "tác ý" - và các hậu quả tạo ra bởi các hành động trên thân thể, chẳng hạn như ngôn từ và các động tác. Phật giáo gọi các dấu vết ghi khắc trên dòng tri thức đó là karma/nghiệp).

 

            Trong toàn bộ các thể dạng hiện hữu vật-lý và tâm-lý (psycho-physical existence) của chúng ta, không có bất cứ một thứ gì lại không thuộc vào các thể loại đó (tức là năm skandha hay năm "cấu hợp" nói đến trên đây). "Tâm kinh" (Prajnaparamita-sutra) một bản kinh của Đại thừa, mở đầu bằng câu chuyện về vị Bồ-tát Avalokiteshvara (Quán-thế-âm) lắng sâu vào thể dạng Hoàn thiện của Trí tuệ (Perfection of Wisdom, chữ Perfection/ hoàn thiện được dịch từ chữ Paramita trong tiếng Phạn, có nghĩa là "sang được bờ bên kia" hay "đạt được mục đích" và cũng có nghĩa là "một sự hiểu biết hoàn hảo, siêu việt. Kinh sách Hán ngữ dịch âm chữ Paramita là Ba-la-mật) để chiêm nghiệm về thế giới, và nhận thấy trong thế giới chỉ gồm có năm thứ skandha mà thôi, ngoài ra không có gì khác cả (đây là một câu tóm lược ngắn gọn và dễ hiểu của nhà sư Sangharakshita. Trong  kinh Paraprajnaparamita-sutra/ "Tâm Kinh", Sariputra/Xá-lợi-Phất hỏi Bồ-tát Quán-thế-âm: "Nếu muốn luyện tập về sự Hoàn thiện sâu xa của Trí tuệ thì phải làm thế nào?". Bồ-tát Quán-thế-âm trả lời như sau: "Phải suy tư đúng đắn và thường xuyên về sự kiện năm thứ cấu hợp/ skandha hoàn toàn "trống không" về bản chất nội tại", có nghĩa là trong thế giới chỉ toàn là skandha, ngoài ra chỉ là sự trống không mà thôi). Vị Bồ-tát Avalokiteshvara nhận thấy sự hiện hữu tâm-lý và vật-lý (tức là một cá thể gồm sự sống và các sinh hoạt tâm thần), có nghĩa là toàn thể một sự hiện hữu phát sinh từ điều kiện (entire conditioned existence) cũng chỉ vỏn vẹn gồm có năm thứ ấy, không có gì khác cả. Ở cấp bậc của sự hiện hữu do điều kiện mà có (conditioned co-production), không có gì [thật sự] hiện hữu cả, chẳng có gì xảy ra cả, cũng chẳng có bất cứ một thứ gì mà lại không thuộc vào một hay nhiều thứ trong số năm thứ skandha.

           

            Sau đó Ngài Sariputra, qua sự cảm ứng của Đức Phật, đã cất lời hỏi vị "Bồ-tát Đại chúng sinh cao quý Avalokiteshvara" như sau: "Vậy các người con trai (sons) của dòng tu tập phải làm thế nào để đạt được sự hoàn thiện (paramitra) sâu xa của trí tuệ?". Vị Bồ-tát Đại chúng sinh cao quý Avalokiteshvara bèn trả lời Ngài Sariputra như sau: "Này Sariputra, nếu các người con trai (sons) và con gái (daughters) của dòng tu tập mong cầu đạt được sự hoàn thiện sâu xa của trí tuệ thì phải thường xuyên suy tư thật đúng đắn về sự kiện năm thứ cấu hợp, tự nơi chúng, hoàn toàn trống không về bản chất nội tại (năm thứ skandha/ cấu hợp chỉ là "trống không" hay "tánh không", nói một cách khác mở rộng hơn thì đó là sự "trống không" của mọi hiện tượng trong thế giới và của cả thế giới. Người chuyển ngữ cũng xin mượn dịp này để nhắc lại là chữ "tánh không" không nói lên được ý nghĩa của chữ Sunyata trong tiếng Phạn là sự "trống không"/ emptiness, bởi vì  khi đã là "trống không" thì nó không có cái "tánh" nào cả).

 

            Thế nhưng cũng có một thứ không thuộc vào năm thể loại skandha: đó là bodhicitta/ bồ-đề tâm. Điều đó có nghĩa là bodhicitta là một cái gì đó hoàn toàn nằm ra bên ngoài thế giới, vượt lên trên thế giới. Bodhicitta không phải là một tư duy, một xu hướng tâm thần, một sự suy nghĩ hay một khái niệm nào cả, tuy nhiên nếu bắt buộc phải dùng ngôn từ để nói, thì bodhicitta là một kinh nghiệm cảm nhận sâu xa (a deep experience) ở một cấp bậc siêu nhiên, có thể làm chuyển biến toàn diện con người của mình.

 

Suy tư về Trời

 

            Quyển sách Bodhicittavivarana (tập sách bình giải về bodhicitta của Long Thụ đã được nói đến trên đây), tiếp tục cho biết đặc tính chủ yếu của bodhicitta là một sự trống không (tánh không) vĩnh viễn (perpetual emptiness). Điều này có thể khiến chúng ta liên tưởng (nên hiểu đây chỉ là một sự liên tưởng, không phải là một sự tương đồng) (câu trong hai dấu ngoặc này là lời ghi chú thêm của người dịch tiếng Pháp) đến một sự kiện nào đó trong Ki-tô giáo. Khi một người Ki-tô giáo "nghĩ đến Trời" (think of God/ penser à Dieu), dù mình là một người rất ngoan đạo đi nữa, thì điều đó cũng chỉ có thể xem như là một hình thức cảm nhận tâm linh (a spiritual experience). Dù nghĩ đến Trời như là một vị lớn tuổi ngồi trên mây, hoặc một con người thật tinh khiết, hay bất cứ gì khác, thì người này cũng chỉ đơn giản "nghĩ" đến Trời thế thôi. Thế nhưng nếu người này cho biết thêm là mình cảm nhận được Chúa Thánh Thần (Holy Spirit/Saint Esprit) "hiện xuống" với mình, thì đấy lại là chuyện khác. Nếu chúng ta cho rằng giữa sự suy nghĩ về sự Giác Ngộ và sự suy nghĩ về Trời có một sự tương đồng nào đó, thì giữa sự hiển hiện của bodicitta và sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần mang đầy sức mạnh, cũng sẽ có một sự tương đồng như thế.

           

            Thế nhưng trên phương diện khái niệm thì sự tương đồng trên đây không thể khỏa lấp được sự khác biệt giữa bodhicitta và Chúa Thánh Thần. Nếu đem so sánh hai khái niệm thì tất chúng ta sẽ thấy rằng khái niệm bodhicitta thuộc lãnh vực tâm lý (psychological concept) không phải là một khái niệm về vũ trụ học (cosmological concept). Có một sự khác biệt thật rõ ràng giữa khái niệm về Trời, với ý nghĩa chính thống (orthodox) nêu lên trong tín ngưỡng Ki-tô, và khái niệm về bodhicitta đuợc hiểu với ý nghĩa chính xác của nó. Dầu sao cũng không nên quá bám víu vào ngôn từ, nếu nêu lên thuật ngữ về "Trời" với ý nghĩa thật rộng, chẳng hạn như là một thành phần siêu nhiên nào đó trong vũ trụ, thì phải chăng cũng có thể xem ý niệm về Trời hàm chứa một cái gì đó chung với khái niệm về boddhicitta (dù rằng hai khái niệm này trên phương khái quát nêu lên hai bối cảnh tâm linh hoàn toàn trái ngược nhau) (câu giữa hai dấu ngoặc này là lời ghi chú trong bản dịch tiếng Pháp. Thật vậy, khái niệm về Trời dù được hiểu thật bao quát đi nữa thì cũng là một sức mạnh trong thiên nhiên để những người có đức tin cầu khẩn, trong khi đó bodhicitta cũng là một sức mạnh, thế nhưng là một sức mạnh nội tâm, một sự dâng trào của sự ý thức và hiểu biết bên trong nội tâm của con người).   

 

            Sự hiển hiện của bodhicitta là một sự cảm nhận tâm linh thật sâu xa. Tuy nhiên sự cảm nhận đó không phải là một kinh nghiệm cảm nhận mang tính cách cá nhân. Thật vậy boddicitta còn có một đặc tính căn bản khác được nêu lên trong tập sách Bodhicittavivarana (trước tác của Nagarjuna đã được nói đến trên đây), đó là đặc tính phi-cá-nhân. Người ta có thể bảo rằng bodhicitta hiện lên bên trong người này hay người khác, hoặc cũng có thể nghĩ rằng có thật nhiều bodhicitta khác nhau (chẳng hạn như boddhicitta của bạn, của người ấy hay của tôi) tương tự như nhiều thứ tư duy rạng ngời hiện lên riêng biệt bên trong người này hay người khác. Người ta có cảm giác là có vô số bodhicitta thật tuyệt vời hiện lên với vô số những con người khác nhau, khiến mỗi người trở thành một vị bồ-tát. Thế nhưng không đúng là như vậy. Chỉ có một bodhicitta duy nhất và tất cả mọi người đều dự phần trong đó, hoặc tất cả mọi người cùng làm cho nó hiển lộ, [chỉ có một điều khác biệt duy nhất là] ở các cấp bậc khác nhau [tuy theo trình độ của mỗi người]. 

 

            Điều đó có nghĩa là boddhicitta dường như chỉ có thể hiện lên trong một tập thể tâm linh (một Tăng đoàn chẳng hạn), trong một bối cảnh tương giao và tương trợ thật mạnh trên phương diện tâm linh. Tuy nhiên cũng nên hiểu rằng sự thăng tiến trong việc tu tập tâm linh cũng có thể thực hiện được một mình, và nhiều người cũng đã thành công. Thế nhưng hầu hết trong số chúng ta đều cần đến sự giúp đỡ của những người khác cùng bước theo một con đường tu tập chung (việc hành thiền cũng vậy, tự mình có thể hành thiền, thế nhưng hành thiền chung với nhiều người khác sẽ có một sự trợ lực giữa tất cả mọi người. Hành thiền chung trong một khung cảnh thiêng liêng, trang nghiêm với một sự yên lặng bao trùm, chẳng hạn như trong một thiền đường/ dojo thì sự trợ lực đó sẽ càng mạnh và càng hữu hiệu hơn. Hành thiền một mình tương đối khó hơn, thế nhưng đôi khi cũng thuận lợi hơn, phù hợp hơn với sự sinh hoạt hằng ngày của mình. Dầu sao khi mới bắt đầu học hỏi thì tốt hơn hết nên hành thiền chung với nhiều người khác, nhất là cần có một vị thầy lão luyện chỉ cho mình tư thế ngồi thật đúng). Dù là đơn độc, chẳng hạn như trong lúc ẩn cư một mình, chúng ta vẫn có thể tiếp xúc với các thành viên khác trong cùng một tập thể, bằng cách nghĩ đến sự hiện diện của họ (bên trong tâm thức mình). Sự kết nối đó giữ một vai trò vô cùng tích cực, thế nhưng khả năng liên kết mang tính cách tâm thần đó không phải là một lý do để không quan tâm đúng mức đến các phương tiện tiếp xúc trực tiếp hơn. Bodhicitta mang tính các siêu-cá-nhân (supra-individual), nhưng cũng không phải là tập thể (collective), khái niệm này quả không phải dễ nắm bắt.      

 

Hãy trở thành một con người tự chủ

 

            Nếu muốn đạt được một sự cảm nhận siêu-cá-nhân (supra-individual) thì trước hết phải tạo được cho mình một cấp bậc thật sự nào đó về tích cách cá thể (individuality) và sự tự chủ (autonomy), và điều này không phải là dễ. Có nhiều giai đoạn [luyện tập] được xác định thật rõ rệt giúp mình trở thành một con người tự chủ.

 

            Ở giai đoạn khởi đầu, tình trạng tự chủ chưa xảy ra, mà chỉ là một thể loại (species) hay một nhóm nào đó (khi mới bước vào con đường tu tập, chúng ta chưa nhận thấy được vị trí của mình ở đâu cả).

 

            Sau đó thì sự tự chủ mới dần dần hiện ra, thế nhưng đấy cũng chỉ là giữa những người trong cùng một nhóm mà thôi. Dựa vào đó người ta có thể phân biệt được ba thể loại người: thể loại thứ nhất là những người bị chi phối bởi toàn thể nhóm, thể loại thứ hai là những người chỉ biết đến cá nhân mình (individualist), loại người thứ ba là những người nổi loạn (rebel) chống lại nhóm, thế nhưng vẫn tự xem mình là thuộc chung trong nhóm.

 

            Giai đoạn tiếp theo là một người nào đó đã hoàn toàn thoát ra khỏi nhóm, và xa hơn nữa người này hoàn toàn tự do kết đoàn với những người tự chủ khác, điều này có thể được xác định như là một tập thể tâm linh (spiritual community) (một tăng đoàn nào đó chẳng hạn).

 

            Thế nhưng người ta vẫn có thể tiếp tục tiến xa hơn nữa. Sự hiển hiện của bodhicitta là một sự cảm nhận vượt lên trên và xa hơn cấp bậc mà một số người tự chủ cùng kết hợp và hợp tác với nhau một cách tự do (bodhicitta vượt cao hơn và xa hơn sự sinh hoạt của một tăng đoàn). Thế nhưng sự hiển hiện đó của bodhicitta [chỉ có thể] được sinh ra từ sự tương tác thật cường mạnh giữa những người tự chủ với nhau. Sự hiển hiện đó không mang tính cách cá nhân, tương tự như một người với tư cách là một cá thể, nhưng cũng không phải là tập thể, như là một cái gì đó thuộc chung của tất cả mọi người. Ở cấp bậc này quả hết sức khó để giải thích bằng ngôn từ về những gì xảy ra. Thế nhưng, sau cùng thì thật hết sức rõ ràng, người ta có thể bảo rằng khi nào tri thức hiện ra với một số người tự chủ nào đó ở một cập bậc thật cao, thì bodhicitta cũng sẽ hiển hiện (tăng đoàn thì đông, nhưng dường như sự tự chủ thì hiếm hoi, trong trường hợp đó phải chăng bodhicitta chỉ là một cảm tính yếu ớt? Đối với một tập thể dân tộc nào cũng vậy, những người ngoan ngoãn và những người chỉ biết đến cá nhân mình là số đông, những người tự chủ thì rất ít, trong trường hợp đó tinh thần yêu thương dân tộc và con người phải chăng cũng chỉ là một cảm tính mơ hồ?).   

 

            Sự kiện bodhicitta không phải là một thứ sở hữu hay một sự thành đạt mang tính cách cá nhân được đề cập trong một phân đoạn của một bản kinh Đại thừa là Vimalakirti-nirdesa  (Kinh Duy-ma-cật).  Kinh này thuật lại câu chuyện 500 licchavi trẻ tuổi (licchavi là người dân của một vương quốc mang tên là Licchavi, ngày nay thuộc bang Bihar. Kinh đô của vương vương quốc này vào thời bấy giờ là Vaisali/Xá-vệ, nơi cư ngụ của Vimalakirti/ Duy-ma-cật. Theo học giả người Đức Hans Wolfgang Schuman trong quyển Le Bouddha historique/Đức Phật lịch sử, bản dịch tiếng Pháp, nxb Sully, 2011, thì Đức Phật từng ẩn cư kiết hạ hai lần tại nơi này: đó là lần kiết hạ thứ 5 vào năm -524, và lần kiết hạ thứ 45 vào năm -484) ước mong đạt được bodhiocitta và cùng nhau hiến dâng lên Đức Phật 500 chiếc lọng. Đức Phật bèn biến 500 chiếc lọng thành một tấm màn thật rộng lớn. Không cần phải nói, ai cũng biết là chuyện đó không phải là dễ như mình tưởng..

 

            Năm trăm chiếc lọng ráp lại thành một tấm màn duy nhất. Tấm màn đó nói lên một sự cảm nhận trong một bối cảnh hoàn toàn mới lạ (một tấm màn rộng lớn), vượt lên trên tất cả mọi ý niệm về cá tính và cả sự khác biệt (500 chiếc lọng). Phật giáo nhìn hiện thực như là một sự đa dạng, nhưng cũng là một sự đồng nhất giữa những sự khác biệt, hoặc là những sự khác biệt bên trong sự đồng nhất (bodhicitta hiện lên với một cá thể, nhưng cũng là của tất cả chúng sinh, và đó cũng chính cốt lõi của Đại thừa. Đấy cũng là một cái gì đó thật khẩn thiết đối với các xã hội vô cùng ích kỷ ngày nay)

 

            Kinh Avatamsaka-Sutra (Kinh Hoa nghiêm) nói lên ý niệm này qua hình ảnh các tia sáng đủ màu, tỏa ra khắp hướng, đan vào nhau và hòa lẫn với nhau. Toàn thể không hóa thành một cái gì đó duy nhất thế nhưng lại là một đơn vị đơn thuần. Sự khác biệt phản ảnh sự đơn thuần và sự đơn thuần làm hiển hiện sự khác biệt (trong số gần tám tỉ người trên hành tinh này, không có hai người giống nhau. Thế nhưng chỉ có một nhân loại "duy nhất", và một nhân loại duy nhất thì tạo ra gần tám tỉ người khác nhau. Một người tu hành chân chính trông thấy "toàn thể nhân loại" xuyên qua "một con người duy nhất", và nhìn vào "một con người duy nhất" để trông thấy "toàn thể nhân loại")

 

            Một khía cạnh khác của bodhicitta được nêu lên trong Đại thừa qua hình ảnh của một con trăng tròn: bodhicitta hiện lên với từng người, tương tự như mặt trăng phản chiếu trong từng vũng nước, từng ao hồ cũng như trong toàn thể các đại dương. Hình ảnh mang tính cách biểu trưng trên đây nói lên một khía cạnh nào đó của bodhicitta, thế nhưng nếu là hình ảnh, thì cũng như tất cả những hình ảnh khác, đều có một giới hạn. Bodhicitta không có nghĩa là một vật thể bất động nào đó ở tận trên trời và chỉ có các hình ảnh phản chiếu của nó hiện lên bên trong mỗi con người: bodhicitta trên thực tế năng động hơn như thế rất nhiều. 

 

                       

                                                                                  Bures-Sur-Yvette, 31.05.20

                                                                                   Hoang Phong chuyển ngữ

 

(còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/04/2022(Xem: 3887)
Phật Mẫu Chuẩn Đề ngự trên đài sen Vầng hào quang ánh tỏa ra rực rỡ Phật, Pháp,Tuệ nhãn chiếu soi cứu độ Chúng sanh khỏi kiếp khổ nạn đau thương
23/03/2022(Xem: 3442)
Kính lạy Đức Bồ Tát biểu tượng cho đại hạnh thực tiễn Hình thành nội hàm tín ngưỡng tinh thần BI, TRÍ, NGUYỆN, HẠNH của Phật giáo Bắc Tông (1) Điểm đặc sắc ...Đại thừa tâm lượng rộng lớn !
20/03/2022(Xem: 3156)
Tâm Đại từ bi. Từ là năng lực đem lại an vui cho chúng sanh; Bi là năng lực dứt trừ khổ đau cho mọi loài. Từ bi có sức mạnh thể chất và tâm linh để dõng mãnh làm lợi lạc cho đời, như vậy trong từ bi đã bao hàm Trí tuệ và Hùng lực mới đủ uy đức nhiếp chúng độ sanh. Tâm Đại từ bi là tâm của bậc đã thành tựu đạo nghiệp. Nay phàm phu chúng con nghiệp dày phước mỏng nhưng cũng nguyện thực tập theo hạnh Từ bi của Bồ Tát. Nguyện cho tâm chúng con mỗi ngày một bớt giận ghét người, không sân si với hoàn cảnh mình đang sống và biết ơn với những gì mình đang có. Nguyện đem tất cả khả năng của mình để cống hiến niềm vui cho đời, giúp người bớt khổ. Nhờ vậy mà tâm chúng con ngày càng tỏa sáng tình thương yêu, hiểu biết để thể nhập vào nguồn sống dạt dào Từ Bi Hỷ Xả của chư Phật, chư Bồ Tát.
19/03/2022(Xem: 2918)
Bồ Tát có gốc là Bodhisattva. Từ Bodhi có nghĩa là " giác ngộ.", sattva có nghĩa là "chúng sanh". Bodhisattva được dịch là chúng sanh giác ngộ hoặc người giác ngộ. Sau khi đạt được giác ngộ, bằng từ bi và trí tuệ, vị Bồ Tát giúp mình và người khác vượt qua biển khổ đến bờ an lạc. An lạc chính là Niết Bàn. Trong cuộc sống hàng ngày, các vị Bồ Tát luôn có mặt quanh ta, gồm Bồ Tát xuất gia và Bồ Tát tại gia. Đó là những người bằng trí tuệ, công sức giúp mọi người bớt khổ đau trong thân và tâm. Bồ Tát làm được điều đó bởi trong tâm của Bồ Tát tồn tại một năng lượng gọi là Tâm Bồ Đề. Khi quy y Tam Bảo, ai cũng muốn có Tâm Bồ Đề. Để đạt được Tâm Bồ Đề của một vị Bồ Tát, người tu phải tự hỏi: Mình an lạc không? Mình sống chan hòa với những người xung quanh không? Người tu phải hiểu rõ cái tính Không trong cuộc sống. Hoa cũng là đất và đất cũng là hoa. Bởi khi ngộ được “Ngũ uẩn giai không” thì mới “ độ nhất thiết khổ ách” tức là vượt qua mọi khổ đau đến được bờ Niết Bàn.
01/11/2021(Xem: 6752)
Kính mừng Lễ Vía Đức Phật Dược Sư Đản Sinh 30/9 Nhân ngày lễ Đức Đông Phương Giáo Chủ cùng tìm hiểu niềm tin đối với Ngài và sự mầu nhiệm linh ứng đến với mỗi Phật Tử .... Cách đây 25 năm, lần đầu tiên sự linh ứng của Phật Dược Sư đã đến với tôi một cách bất ngờ mà sau này khi học Phật tôi mới hiểu là mình có được túc duyên mới có được một phương thuốc nhiệm mầu về tâm linh do Ngài ban tặng qua câu thần chú linh ứng như sau mà lúc ấy chưa có YouTube để nghe như bây giờ .... Thần chú Dược Sư là một trong những câu thần chú được trì tụng nhiều nhất bởi công năng bất khả tư nghì mà nó đem lại cho hành giả khi trì tụng. Không chỉ có năng lực chữa lành bệnh tự thân hành giả mà còn có công năng chữa bệnh cho người khác. Quan trọng hơn là khả năng tịnh hoá những nghiệp bất thiện trong
22/10/2021(Xem: 3194)
Kính mừng Lễ Vía Quán Thế Âm 19/9 Kính dâng Thầy bài thơ nhân ngày Lễ Vía Quán Thế Âm 19/9 âm lịch ( 24/10/2021) .Kính chúc sức khỏe Thầy Kính ngưỡng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ... Một lần nữa, sự nhiệm mầu đã đến ! Melbourne vừa gỡ bỏ lockdown hai ngày Lễ vía Bồ Tát 19/9 sẽ cử hành ... hoan hỷ thay ! Mừng Ngài đã lắng nghe, giải cứu giúp thoát Khổ ! Sự là lòng từ bi nhân ái vị tha ...Bồ Tát Độ Lý thì chúng con tự cứu độ bản thân Bao dung, không tham đắm ái nhiễm bụi trần Bố thí, yêu thương người .. luôn giữ tâm ý sạch ! Kính nguyện : ... học ý nghĩa tên Ngài để làm tròn trọng trách, Người Phật Tử phải thể hiện được Từ Bi Nhẫn nhịn trước mọi nghịch duyên chớ khóc than chi Hiểu rõ hơn, lắng nghe hơn ... giải tỏa uẩn khúc ! Ngày Lễ Vía Quan Âm Xuất Gia 19/9 .. nguyện hứa biết tri túc ! Huệ Hương Melbourne 24/10/2021
06/09/2021(Xem: 4232)
Địa ngục là một khái niệm thuộc thế giới quan, nhằm mục đích trừng ác, răn dè hành vi của con người trong thế giới thực tại. Quan niệm về địa ngục được hình thành trên cơ sở thuyết luân hồi, luật nhân quả, thuyết báo ứng. Từ tư tưởng triết học, địa ngục được chuyển hóa thành nhiều loại hình nghệ thuật tôn giáo khác nhau, từ các dịch phẩm, khoa nghi, thơ phú, cho đến nghệ thuật tôn giáo, hội họa, bích họa, điêu khắc, phù điêu, đồ họa. Sự ảnh hưởng của kinh tạng Bắc truyền và nền nghệ thuật Phật giáo Đông Á là điều ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Từ triều đại Lê Thánh Tông (1442-1496) có bài “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn”, trong có đề cập đến thiên đường, địa ngục, Phong Đô, cảnh đói khát dưới chốn âm ty. Bài này dùng để răn dè 10 loại người gồm: thiền tăng, đạo sĩ, quan lại, Nho sĩ, thầy địa lý, thầy thuốc, tướng quân, hoa nương, thương nhân, đãng tử. Như vậy có thể hiểu được rằng dẫn có những tham khảo nhất định về địa ngục của Phật giáo. Bài này là để cúng xá tội vong li
24/07/2021(Xem: 3358)
Kính lạy Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát ( Avalokitesvara) Ngài là vị Bồ tát với hạnh nguyện luôn lắng nghe tiếng kêu khổ đau của cuộc đời rồi tìm cách cứu giúp chúng sinh. Hôm nay là ngày vía Đức Ngài đã thành Đạo 19/6 âm lịch rơi vào 28/7/2021. Kính bạch Ngài .... Từ nhiều năm về trước các chùa Tự viện tại VN và Hải ngoại đều cử hành 3 ngày vía (19/2-19/6-19/9) rất trọng thể để quy ngưỡng và dâng trọn niềm tin đến Đức Ngài. Vị Bồ tát có khả năng thị hiện vô biên thân, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện mà hiện thân tương ứng để cứu độ muôn loài.( theo kinh Pháp Hoa ). Và con đã từng khấn nguyện sẽ cúng dường đến Ngài bằng những vần Thơ , bài viết hầu tán dương Ngài với hạnh nguyện Nhĩ căn Viên Thông như Đức Cổ Phật hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai đã thành tựu và trong dân gian Ngài (Bồ-tát Quán Thế Âm ) được tha thiết thầm kính tôn xưng Mẹ Quan Âm .
26/06/2021(Xem: 11697)
1/ Tôn Giả Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất Trí tuệ cao minh vi đệ nhất Tăng đoàn thống lãnh trợ Từ Tôn Kỳ Viên Tinh Xá thân lâm kiến Đạo nghiệp truyền lưu chiếu ánh quang. Trí tuệ sáng ngời là số một Tăng đoàn thống lãnh giúp Từ Tôn Kỳ Viên Tinh Xá đích thân dựng Đạo nghiệp lưu truyền rạng ánh quang Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Trí Tuệ Đệ Nhất Xá Lợi Phất Tôn Giả 2/ Tôn Giả Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất Thần thông đệ nhất chúng xưng dương Thống lãnh tăng đoàn trợ Pháp Vương Hiếu kính mẫu thân khai diệu pháp Vu Lan báo hiếu vĩnh lưu hương. Thần thông số một chúng xưng dương Thống lãnh tăng đoàn trợ Pháp Vương Hiếu kính mẫu thân khơi pháp diệu Vu Lan báo hiếu mãi lưu hương. Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Thần Thông Đệ Nhất Mục Kiền Liên Tôn Giả
26/04/2021(Xem: 13328)
Đức Chuẩn Đề (1) vốn là Thất Cu Chi Phật Mẫu. Mười sáu tháng ba âm lịch, vía lễ thực thi (2) Ngài thường thuyết giảng Kinh Đà La Ni, Nguyện cầu tất cả trong Thế gian, Xuất thế gian đều thành tựu ... Khi nhìn biểu tượng Ngài ...khiến tâm tự nhủ (3) Uy lực từ bi vô biên với quần sanh Trí tuệ vĩ đại ...tay thứ chín ..Bát Nhã kinh Nguyện noi gương Bồ tát Long Thọ đọc 7 lần thần chú (4) Nam Mô Phật Mẫu Chuẩn Đề Đại Bồ Tát
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]