Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 6: Sự bình lặng của Đức Phật

13/04/202020:36(Xem: 2574)
Bài 6: Sự bình lặng của Đức Phật

buddha_lotus01

Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***

Urgyen Sangharakshita

Hoang Phong chuyển ngữ



Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***

Urgyen Sangharakshita

Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

Chương I

 

***

 

Bài 1- Lý tưởng của người bồ-tát - nguồn gốc và sự hình thành.

Bài 2- Hố sâu giữa con người và ngôn từ.

Bài 3- Phật giáo là gì?

Bài 4- Lòng từ bi của Đức Phật.

Bài 5- Sự dũng cảm của Đức Phật.

Bài 6- Sự bình lặng của Đức Phật.

Bài 7- Đức Phật và Ananda.

Bài 8- Sự giác ngộ của Đức Phật và sự giác ngộ của các đệ tử của Ngài.

Bài 9- Tiểu thừa, Đại thừa và Kim cương thừa là gì?

 

*

Bài 6

 

Sự bình lặng của Đức Phật

 

 

            Trong kinh điển nói chung có rất nhiều giai thoại nêu lên các phẩm tính của Đức Phật, và tất cả đều rất tuyệt vời.

 

            Sự bình lặng (calm/equanimity/upekkha/sự trầm tĩnh, yên lặng và thanh thản) của Đức Phật cùng sự yêu thích yên tĩnh của Ngài, hiện lên thật rõ nét qua sự hiện hữu của chính Ngài. Phẩm tính đó được nêu lên qua một câu chuyện nổi tiếng về vị Jivaka (Kỳ Bà) là y sĩ của Đức Phật và của cả vua Ajatasattu (A-xà-thế).

           

            Một hôm, vua Ajatasattu cùng với triều thần ngồi ngắm trăng trên sân thượng của hoàng cung, một con trăng tháng mười thật rạng rỡ, đúng vào mùa hoa sen nở. Họ cùng nẩy ý  mượn đêm tuyệt vời đó để viếng thăm một vị thánh nhân. Tục lệ này rất thông thường trong sinh hoạt xã hội của nước Ấn: một đêm trăng tuyệt vời không phải là dịp để kéo nhau ăn uống trên bãi biển, mà là dịp giúp mình viếng thăm một vị thánh nhân nào đó.

           

            Xuất hành ra khỏi hoàng cung là cả một nghi lễ long trọng. Kinh sách cho biết 500 con voi được thắng yên, trên lưng mỗi con voi là một cung phi (hình ảnh 500 cung phi trên lưng 500 thớt voi giải thích phần nào lý do tại sao Ajatasattu đã giết vua cha để sớm lên ngôi), dẫn đầu là vua Ajatasattu cùng với người hướng dẫn là Jivaka (tức là vị y sĩ của Đức Phật, của vua tiền nhiệm Bimbisara/Tần-bà Sa-la và cả của vua đương thời là Ajatasattu).Cả đoàn lên đường viếng thăm Đức Phật trong một khu rừng thật sâu (câu chuyện này được trích từ kinh Samannaphala-Sutta/Sự lợi ích của cuộc sống cách ly, Trường bộ kinh/Digha Nikaya, DN 2).

 

            Thế nhưng khi vừa tiến vào rừng thì quang cảnh âm u cũng bắt đầu hiện ra, khiến mọi người đều lo lắng, nhất là đối với vua Ajatasattu. Thật vậy, ngoài công việc đa đoan và các mối lo lắng nơi hoàng triều, Ajatasattu còn bị ám ảnh bởi những cảm nghĩ tội lỗi trong lòng vì việc lên ngôi bất chính của mình (Ajatasattu nhốt cha là vua Bambisara vào ngục, và  bỏ đói đến chết để sớm lên ngôi). Vua Ajatasattu bắt đầu hoảng sợ và có ý ngờ vực, bèn ra lệnh cho cả đơàn dừng lại và hỏi Jivaka: "Này Jivaka, có phải ông định đưa ta lọt bẫy hay sao?". Jivaka đáp lại: "Thưa Hoàng thượng, xin Hoàng thượng chớ ngại, sắp đến nơi rồi. Đức Phật ở thật sâu trong rừng".  

 

            Đoàn người lại tiếp tục tiến sâu thêm, quang cảnh lại càng âm u và yên lặng hơn. Ngoài tiếng sột soạt của 500 thớt voi - dù chúng bước đi thật yên lặng - không ai nghe thấy một tiếng động nào khác. Ajatasattu lại hỏi Jivaka: "Ông có chắc là không đưa ta lọt bẫy chứ?". Jivaka trấn an:  "Thưa Hoàng Thượng, chớ ngại chẳng có cái bẫy nào ở đây cả".

 

            Thế nhưng Ajatasattu vẫn không yên lòng: "Ông từng bảo với ta là Đức Phật sống với một Tăng đoàn 2500 tỳ-kheo (trong kinh và theo bản dịch của Thanissaro Bhikkhu là 1250 tỳ-kheo, sự sai lệch có thể là do cách viết số trong tiếng Pali (?), dầu sao cũng chỉ lả một chi tiết) vậy thì cách xa một dặm cũng phải nghe thấy tiếng động của họ chứ, tại sao cảnh vật lại cứ im phăng phắc như thế này?". Jivaka lại trấn an: "Xin Ngài đừng quá lo sợ. Trông kìa! Ngài có trông thấy tít đằng kia ánh sáng leo lét hắt ra từ gian lều của Đức Phật hay không?". Thật ra, Đức Phật đang ngồi im giữa một khu rừng thưa, chung quanh là 2500 đệ tử, tất cả đang lắng sâu vào một sự yên lặng mênh mông, dưới ánh trăng rạng rỡ của một đêm rằm. 

 

            Ajatasattu, trong lòng lúc nào cũng canh cánh sợ hãi và ngờ vực, chợt cảm thấy bàng hoàng trước quang cảnh [êm ả và bình lặng] trước mắt mình, bèn thốt lên với Jivaka như sau: "Tuyệt vời thay! Này Jivaka, ta ước mơ con trai ta cũng sẽ cảm nhận được một sự bình an như thế trong lòng mình " (Ajatasattu thốt lên ước mơ đó biết đâu là vì tương lại của chính mình, một sự lo sợ bên trong tiềm thức của mình?).

 

            Tại Ấn-độ người ta thường chú trọng đến con trai [cả] trong gia đình và cầu mong mọi sự tốt đẹp sẽ xảy đến với người con ấy (trong trường hợp này là vua Ajatasattu mong muốn con mình sẽ tìm thấy được sự an bình, không như mình đã giết cha để lên ngôi, Jivaka là một người rất khôn khéo và tế nhị, luôn tìm cách và tìm dịp khiến Ajatasattu hối hận về hành động bạo ngược của mình trước đây với mục đích biến cải Ajatasattu). Thêm một lần nữa, [qua câu chuyện trên đây], Đức Phật đã truyền lại cho chúng ta một thông điệp thật tiêu biểu, phản ảnh từ con người của chính Ngài: đó là lòng yêu thích sự an bình, cảnh cô quạnh và yên lặng. Lại thêm một lần nữa, dù Đức Phật không còn bên cạnh, thế nhưng chúng ta vẫn tiếp tục cảm nhận được cái thông điệp đó của Ngài, tất cả là nhờ các đệ tử của Ngài vẫn còn nhớ được những gì mà Ngài muốn lưu lại cho chúng ta hôm nay (qua một quãng đường thật dài hơn 2500 năm, không biết bao nhiêu vị bồ-tát đã gánh trên lưng cái thông điệp đó để trao lại cho chúng ta hôm nay. Là những người đi sau, chúng ta có cảm thấy chăng cái trách nhiệm đó mà họ đã để lại cho chúng ta hay không?).

 

            Ngoài ra các đệ tử của Đức Phật cũng còn nhớ được nhiều câu chuyện khác, có thể xem như là các phép lạ vậy. Họ từng nghe thấy hoặc trông thấy nhiều hiện tượng thật lạ lùng hiện ra chung quanh sự hiện diện của Đức Phật. Các hiện tượng hay sự kiện đó thật khó giải thích bằng sự hiểu biết thông thường, chẳng hạn như trường hợp họ thuật lại khi Đức Phật nằm nghỉ giữa đêm khuya, họ trông thấy các deva - tức là các "thiên nhân" - hiện lên chung quanh Ngài. Họ còn cho biết thêm là các thiên nhân ấy sở dĩ hiện lên là để học hỏi với Ngài. Đức Phật thuyết giảng Dhamma cho các deva trong đêm, và ban ngày thì thuyết giảng cho con người.  

 

            Sự hiển hiện của các deva không phải là một phép lạ, mà là một pratiharya. (tiền ngữ prati trong tiếng Phạn có nhiều nghĩa, trong trường hợp này có nghĩa là sự chứng nhận, và  arya là cao quý). Pratiharya là các giai thoại nêu lên trong Mahavastu, (vastu có nghĩa là sự kiện hay câu chuyện, Mahavastu có nghĩa là "Các câu chuyện lớn" - kinh sách Hán ngữ gọi là "Kinh Đại-sư" - là một trước tác của một học phái xưa là Lokottaravada, thuật lại các câu chuyện tiền thân Đức Phật), cho biết Đức Phật có thể bay bổng lên cao và bước đi trong không trung, tỏa ra các ánh lửa và cả các tia nước. Vào thời đại của Đức Phật sự hiển hiện của các deva là một sự kiện hiển nhiên, không cần phải tìm hiểu hay giải thích gì cả (các hiện tượng thật tự nhiên đối với con người vào các thời đại xa xưa). Các deva ấy là các chúng sinh "phi thường", sự hiển hiện của họ chung quanh Đức Phật là một hiện tượng "phi thường", vượt khỏi khả năng thị giác bình dị và vật chất (của chúng ta ngày nay). Các deva ấy không phải là các phép lạ do Đức Phật tạo ra, dù rằng Ngài có một khả năng "phi thường" có thể tạo ra những gì mà con người gọi là deva.

 

            Dầu sao thì các sự kiện trên đây cũng như các câu chuyện khác, kể cả các giai thoại khác, đều in sâu trong ký ức và cả con tim của các đệ tử của Đức Phật. Trong số họ có nhiều người, qua các câu chuyện đó, đã cảm nhận được một cái gì đó thật to lớn và thật quan trọng mà giáo lý chính thức không thể mang đến cho họ được. Cái gì đó chính là một sự cảm nhận mà Đức Phật tạo ra cho những ai tiếp cận được với chính Ngài, có nghĩa là với một đấng Giác Ngộ, một sự cảm nhận vượt cao hơn và xa hơn tất cả mọi thứ ngôn từ. 

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Chủ đề của chương I là nguồn gốc và sự hình thành của lý tưởng người bồ-tát, thế nhưng qua các bài 4, 5 và 6 trên đây chúng ta lại thấy nhà sư Sangharakshita mô tả các phẩm tính từ bi, can trường và sự bình lặng của Đức Phật. Thật vậy, người bồ-tát được sinh ra từ các phẩm tính đó nơi Ngài. Lòng từ bi không cho phép người bồ-tát đạt được giác ngộ cho riêng mình, sự can trường và dũng cảm không cho phép người bồ-tát thu mình trong chiếc áo của một nhà sư ngoan ngoãn, tình thương yêu vô bờ bến ẩn nấp kín đáo phía sau sự bình lặng mênh mông là một sức mạnh giúp người bồ-tát đương đầu với những thử thách trong thế giới này.  

 

            Các phẩm tính đó tỏa rộng từ con người của Đức Phật đã làm cho con voi điên trở thành hiền lành, và tác động đến sự vận hành tự nhiên của thế giới hiện tượng khiến một tảng đá nhảy chồm và lăn theo một hướng khác tránh ra xa Đức Phật.

 

            Trước một con voi điên đang xông tới, chúng ta có thể sẽ khiếp sợ, cuống cuồng, la hét và căm thù con vật. Thế nhưng Đức Phật thì vẫn bình lặng, lòng từ bi tỏa rộng trước một con vật bệnh hoạn, đáng thương, làm tôi mọi cho con người. Lòng xót thương đó, sự bình lặng và trầm tĩnh mênh mông đó là một sức mạnh, một liều thuốc, một cái gì đó thật êm ả, hàn gắn những đớn đau sâu kín bên trong con vật phải làm kiếp nô lệ cho con người.

 

"Imasmiṃ sati idaṃ hoti,

imass' uppādā idaṃ uppajjati".

 

"Cái này có, cái kia có

Cái này sinh ra, cái kia hình thành"

 

            Câu nói trên đây của Đức Phật ghi chép trong rất nhiều bài kinh nói lên khái niệm tương liên, tương kết và tương tạo giữa mọi hiện tượng, tiếng Phạn là pratityasamutpada, là một nguyên lý toàn cầu chi phối sự vận hành của toàn thể vũ trụ. Sự xót xa và tình thương yêu của Đức Phật đã xoa dịu những khổ đau của con vật, trong khi đó tiếng la hét và sự sợ hãi của chúng ta là những nhát dao làm toác thêm các vết thương sâu kín bên trong con vật. Nhà sư Sangharakshita đã thấy được cái nguyên lý tương liên đó không những trong thế giới hiện tượng mà cả trong lãnh vực tâm linh: một vị Phật không thể rơi vào một cảnh tượng đau thương một khi trong lòng mình không có một sự sợ hãi hay căm thù nào để có thể liên kết với các cảnh tượng như thế. Lòng từ bi, một con tim dũng cảm, một tâm thức thanh thoát và bình lặng phải chăng đã che chở cho Đức Phật, khiến con voi hết bệnh và hòn đá lăn đi hướng khác?

 

            Đến đây chúng ta hãy trở lại với câu chuyện vua Ajatasattu viếng thăm Đức Phật, thuật lại trong kinh Samannaphala-Sutta (DN 2). Tất cả các nhân vật trong câu chuyện này đều là các nhân vật lịch sử, tức là các nhân vật có thật. Vua Ajatasattu lên ngôi vào khoảng năm -492 (trước Tây lịch), Đức Phật sống tám năm sau cùng trong kiếp nhân sinh này của Ngài dưới triều đại của vua Ajatasattu. Khi Devadatta âm mưu với vua Ajatasattu ám hại Đức Phật thì lúc đó Đức Phật cũng đã lớn tuổi, ít nhất là trên 72 tuổi. Devadatta là một người chủ trương một đường hướng tu tập rất khắc nghiệt và cực đoan, sở dĩ âm mưu ám hại Đức Phật phải chăng là để lãnh đạo Tăng đoàn nhằm sớm thực thi các xu hướng tu tập của mình? Ajatasattu cũng vậy, vì tham vọng cố tình để cha chết đói trong ngục để sớm lên ngôi.

 

            Jivaka chỉ giữ một vai trò "bên cạnh" Phật giáo, thế nhưng là một nhân vật thật tài giỏi và khác thường, được mệnh danh là vị "Thánh Lương y". Ông là y sĩ bên cạnh Đức Phật và cũng là y sĩ của hoàng triều Ajatasattu và của cả vua cha trước đó là Bimbisara. Kinh sách bằng tiếng Phạn, Pali và Hán của hầu hết các học phái đều có nói đến ông. Các tư liệu y khoa của Trung quốc từ thế kỷ thứ IV đến thứ X đều có nêu lên nhiều phương pháp và phương thuốc điều trị bệnh tật do ông khám phá. Ông từng gợi ý với Đức Phật nên cho phép các tỳ kheo may mặc bằng vải mới, vì vải nhặt được ở các nơi hỏa táng dễ gây nhiễm bệnh tật. Ngày nay ông được xem là vị tổ lương y các ngành y khoa cổ truyền của Ấn-độ và Thái Lan. Người Thái xem khoa bấm huyệt và xoa bóp của họ là do Jivaka phát minh. Đức Phật từng giảng riêng cho ông hai bài kinh, một trong Tăng Nhất Bộ Kinh (Anguttara Nikaya, AN 8.26) và một trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya, MN 55).  

6-Sự bình lặng của Đức Phật
Chạm nổi: Vijika quỳ gối đang băng bó vết thương ở chân của Đức Phật

              

            Trở lại với câu chuyện viếng thăm Đức Phật thì đấy là cả một sự dàn xếp khéo léo của Jivaka giúp cho vua Ajatasattu thức tỉnh và hối lỗi trước hành động gian ác của mình. Sau hết cũng xin mạn phép nhắc thêm là bài kinh Samannaphala-Sutta (DN 2) thuật lại câu chuyện trên đây đã được nhà sư người Mỹ Thanissaro Bhikkhu, người đã dịch hàng ngàn bài kinh, xem là một trong số các kiệt tác trong Kinh điển Pali. Thật vậy, đây là một bài kinh dài và quan trọng, nêu lên các phép tu tập và cả các khái niệm căn bản, mở ra một tầm nhìn bao quát về toàn bộ giáo huấn của Đức Phật. 

 

 

                                                                                  Bures-Sur-Yvette, 13.04.20

                                                                                   Hoang Phong chuyển ngữ

 

(còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/12/2012(Xem: 5966)
Đức Tara nhanh chóng giúp bạn thành công trong việc đạt được hạnh phúc tối hậu của giác ngộ. Bạn nhận lãnh rất nhiều công đức tốt lành, hay nguyên nhân của hạnh phúc...
23/10/2012(Xem: 4854)
Có một thời gian Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên phụ trách trông coi việc dựng thiền-thất tại vườn Lộc-Dã; một hôm trong lúc Tôn-giả đang đi kinh hành trên khoảng đất trống, thì Ma-Vương hóa hình nhỏ xíu chui vào trong bụng của Tôn-giả, lúc đó Tôn-giả nghĩ rằng: “Quái lạ, hình như ta đã nuốt phải vật gì vào trong bụng? Ta nên nhập Như-kỳ tưởng-định để nhìn vào bụng xem là vật gì?”
11/10/2012(Xem: 12298)
Cũng vào lúc bấy giờ, Đại bồ tát Quan Tự Tại thâm nhập pháp tu Bát nhã ba la mật đa sâu xa, thấy năm uẩn đều không tự tánh. Sau Phật, Tâm Kinh dẫn chúng ta đến gặp Bồ tát Quan Tự Tại. Tiếng Tây Tạng gọi Bồ tát là jangchub sempa. Jangchub (Phạn: bodhi), có nghĩa là “giác ngộ”, và sempa (Phạn: sattvà), có nghĩa là “anh hùng” hay “người”. Gộp chung lại thì từ jangchub sempa có nghĩa là “vị anh hùng giác ngộ”. Trong chữ jangchub - “giác ngộ” - âm đầu tiên là ị ang ứng vào sự chiến thắng đoạn diệt mọi sức mạnh chướng ngại, còn âm thứ nhì, chub, có nghĩa là thành tựu trí tuệ viên mãn.
26/09/2012(Xem: 9211)
Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn thường được gọi đơn giản là phẩm Phổ Môn nghĩa là cánh cửa phổ biến, cánh cửa rộng mở cho mọi loài đi vào. Nhưng thâm nghĩa của Phổ Môn là tất cả mọi người trong thế gian này ai ai cũng đều được Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong lòng của họ.
17/09/2012(Xem: 9368)
Một thanh niên hỏi tôi: “Có người nói Bồ tát Quan Âm không có thật, là tín ngưỡng của Bà La Môn phải không thưa thầy?”. Tôi cười đáp: “Bồ tát Quan Âm có thật hay không tùy thuộc vào hai điều kiện: 1.Niềm tin. 2.Tự mình nghiên cứu tìm hiểu...
11/09/2012(Xem: 3789)
1. Con xin mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống, niềm tin, hạnh phúc của mọi người và mọi loài. 2. Con xin mở rộng tầm hiểu biết, để có thể thấu rõ được gốc rễ khổ đau của mọi người, mọi loài mà tìm cách nâng đỡ và hộ trì. 3. Con xin nguyện từ bỏ những tập khí tham ái, hờn giận, trách móc, phê bình, chỉ trích và bạo động, để con có thể vui sống với mọi người và mọi loài.
25/07/2012(Xem: 13233)
Phương Thức Thực Hành Hạnh Bồ Tát (Bodhicharyàvatàra) là Thi phẩm bằng tiếng Phạn của Tôn giả Tịch Thiên (Sàntideva) khi ngài tu học ở Học viện Phật giáo Nalandà, Ấn độ vào thế kỷ thứ bảy Tây lịch. Đây cũng là tác phẩm Tạng ngữ vô cùng quan trọng, áp dụng vào chương trình học tập cho các tu sĩ Tây Tạng.
04/04/2012(Xem: 4168)
Bồ-tát Quán Thế Âm vốn có tên tiếng Phạn là Avalokiteśvara. Đó là một vị Bồ-tát mà tại các nước Á châu ai cũng biết, vì Ngài có bổn nguyện từ bi cứu độ chúng sanh vô cùng rộng lớn. Trong tiếng Hán, Ngài còn được gọi với các tên như: Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại, Quán Thế Âm Tự Tại, Quán Thế Tự, Khuy Âm, Hiện Âm Thanh, Quán Âm… Ngoài ra, còn gọi là Cứu Thế Bồ-tát, Cứu Thế Tịnh Thánh (Duh!-kharaksaka), hoặc Thí Vô Úy Giả (Abhayamdada), hoặc Thí Vô Úy Giả Liên Hoa Thủ (Padmapāni), Phổ Môn (Saman-tamukha), Đại Bi Thánh Giả (Mahākārunikamuni).
29/01/2012(Xem: 8715)
Bồ tát Quán Thế Âm, hình ảnh thân thiết gần gũi đối với mọi tầng lớp quần chúng, nhất là những người Á Đông. Nhiều người chưa quy y Tam Bảo, chưa trở thành Phật tử chính thức cũng thường xưng niệm danh hiệu và thỉnh tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ tát để phụng thờ, lễ bái hằng ngày trong nhà. Ở Việt Nam, hình ảnh Ngài còn ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa dân gian đến độ, chúng ta đi đâu, về đâu trên đất nước thân thương này cũng đều thấy tôn tượng Ngài.
13/01/2012(Xem: 10327)
Sau khi Mahà Moggallàna nhận được những lời giáo huấn do Đức Phật đích thân truyền dạy (ghi trong Anguttara Nika(ya VIII, 58), ngài liền vững tâm hành đạo với một quyết tâm bất thối.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]