Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Bảy: Tinh Tấn

03/12/201018:05(Xem: 8436)
Chương Bảy: Tinh Tấn

CHƯƠNG BẢY
TINH TẤN

1.Sau khi đạt nhẫn nhục
Phải tu hạnh tinh tấn
Sức mạnh của chuyên cần
Là nguồn gốc giác ngộ
Nếu tinh tấn không có 
Công đức sẽ không sinh

Như khi gió lặng thinh
Thì không có chuyển động.

2.Vậy Tinh tấn là gì ?
- Là làm lành, tránh dữ.
- Đối nghịch là lười biếng, 
Chán nản, không tự tin,
Hướng về nẻo bất chính.

Những lực đối kháng

3. Nhàn rỗi, ham hưởng lạc
Ưa ngủ, thích dựa người
Khiến cho lòng thờ ơ
Trước luân hồi thống khổ.

4.Bị tật xấu săn đuổi
Sụp vào bẩy thọ sinh
Sao ngươi không biết mình
Rơi vào miệng thần chết?

5.Ngươi thấy chăng đồng bạn
Lần lượt bị giết hại
Sao ngươi vẫn dửng dưng
Như trâu trước đồ tể ?

6.Bị tử thần rình rập
Lối thoát bị phủ vây
Sao ngươi vẫn thích thú
Ăn ngủ và yêu đương ?

7.Thần Chết chuẩn bị xong
Liền tìm ngay đến ngươi
Khi ấy bỏ biếng lười
Cũng đã là quá muộn!

8-10. “Việc này tôi chưa đạt 
Việc kia vừa khởi công
Việc khác còn dang dở“
Tử thần đột nhiên đến
Khiến lòng tôi suy nghĩ:
“Ôi! Mạng ta hết rồi“

Nhìn người thân tuyệt vọng
Lệ đẫm má u sầu
Thấy sứ giả tử thần
Ray rức nhớ tội ác
Tai vang tiếng địa ngục
Cuống quít biết làm gì?

11. Như cá nằm cát nóng 
Thống khổ biết dường nao 
Kinh thay lửa địa ngục
Dành riêng cho tội nhân!

12. Như da non trẻ thơ
Bỏng nước sôi đau xót
Làm sao an nhiên được
Trước quả báo địa ngục?

13. Lười mà muốn được thưởng
Khác nào đứa trẻ thơ
Thích được nước sôi dội.
Thần chết đến thình lình 
Lại tưởng mình trường sinh!
Ngươi đương nhiên phải chết!

14. Hãy sử dụng thân này
Như một chiếc bè con
Để mau vượt biển khổ;
Chiếc bè này mai sai
Thật vô cùng khó kiếm
Này hỡi kẻ ngu ơi
Đừng ngủ trong lúc này!

15. Hãy theo Pháp cao thượng, 
Nguồn an lạc tuyệt đỉnh
Hãy bỏ thói hư hèn 
Dẫn đưa đến khổ đau.

Phương pháp hỗ trợ cho sự 
tu tập Tinh tấn

16. Hãy tu tập thiền định
Hãy can đảm tự tin
Và làm chủ chính mình
Hãy thực hành bình đẳng (12)
Đổi vị trí cho nhau
Đặt người vào chỗ ta
Ta đổi chỗ với người
Xem người cũng như ta.

Tự tin

17-18. Đừng để nhụt ý chí
Vì lo lắng băn khoăn
“Mình giác ngộ được chăng?“
Bởi vì Phật tuyên bố
Điều chân thật sau đây:
Nhờ sức mạnh Tinh tấn
Mà côn trùng, ruồi muỗi
Có ngày được giác ngộ.

19. Tôi được sinh làm người
Biết phân biệt xấu tốt 
Nếu sống hạnh Bồ Tát
Chẳng lẽ không giác ngộ ?

20. Nếu nói : “Tôi lo sợ
Phải bố thí tay chân”
Đó là thiếu suy xét
Không cân phân nặng nhẹ.

21.Trải qua vô số kiếp
Tôi đã muôn triệu lần
Bị đâm, đốt, cưa, xẻ
Song vẫn chưa giác ngộ.

22. Ngược lại, khổ hôm nay
Giúp tôi được giác ngộ;
Khổ này có giới hạn
Như thể lấy gai đâm
Phải chịu đau khi mổ

23. Y sĩ muốn trị bệnh
Dùng liệu pháp gây đau
Vậy cố chịu khổ nhỏ
Để diệt trừ khổ lớn.

24. Người y sĩ tài ba
Không cần liệu pháp ấy;
Bằng phương pháp dịu êm
Cũng chữa lành bệnh nặng.

25. Đấng Y Vương dạy rằng
Đệ tử lúc ban đầu
Nên bố thí thực phẩm,
Khi tu tập nhuần nhuyễn
Mới bố thí thịt da.

26. Khi tâm đã thuần thục
Xem thân như cỏ cây
Thì khó chi bố thí 
Thân thể và thịt xương! 

27. Lúc ấy bậc Bồ Tát
Thoát ly mọi khổ đau 
Của cả thân và tâm.
Chính tà kiến chấp ngã
Làm thân tâm khổ sầu.

28. Nhờ tạo được phước đức
Nên thân hưởng khinh an
Nhờ tinh tấn tu tập
Nện tâm hưởng thanh tịnh;
Vì lợi ích chúng sinh
Bồ Tát vào sinh tử
Nhưng chẳng hề khổ đau.

29. Nhờ năng lực bồ đề
Tẩy trừ nghiệp ác xưa
Tạo vô lượng công đức
Nên hơn hàng Thanh Văn.

30. Có bậc Hiền giả nào
Lại sinh lòng chán nản 
Khi cỡi xe Bồ đề 
Lướt qua mọi mỏi mệt 
Đi từ hạnh phúc này
Đến bao hạnh phúc khác?

Các năng lực

31. Để cứu độ chúng sinh
Cần có bốn năng lực:
Là nguyện vọng, quyết tâm
Hoan hỷ và điều độ;
Qua thể nghiệm khổ đau
Và quán sát lợi ích
Phát sinh từ việc thiện
Mà nguyện vọng lớn lên.

32. Muốn tăng trưởng tinh tấn
Hãy trừ lực đối nghịch
Bằng sáu lực sau đây:
Nguyện, tự tin, hỷ, xả
Hy sinh và giới hạnh.

Nhu cầu làm điều thiện

33. Phải diệt trừ vô số
Lỗi của mình và người;
Trong việc thanh lọc này
Để diệt mỗi một lỗi 
Phải cần vô số kiếp.

34.Trong khi tôi chưa có
Một mảy may tinh tấn
Để thực sự diệt lỗi,
Song không hiểu tại sao
Tim tôi không vỡ tung
Trước vô số khổ đau?

35. Khó thay việc góp nhặt
Hằng hà sa công đức
Cho tôi và cho người
Trong khi chỉ để đạt 
Mỗi một công đức thôi
Phải tu vô lượng kiếp.

36. Vậy mà tôi chưa hề
Tu được công đức nào
Vô ích thay cái kiếp 
Được mang thân con người!

37. Tôi chưa được hạnh phúc
Dâng lễ cúng dường Phật
Vẫn chưa cung kính Pháp
Chưa cứu giúp người nghèo.

38. Tôi chưa đem an toàn
Đến những người lo sợ
Và chưa đem hạnh phúc
Đến người bị đọa đày.
Tôi trở thành bào thai
Cũng chỉ để đau khổ.

39.“Vì trong kiếp quá khứ
Không hướng về Phật Pháp
Nên nay chịu thiệt thòi!“
Ai nhận thức như vậy
Sẽ không ngơ Chánh Pháp.

40. Đức Phật chỉ dạy rằng
Thệ nguyện làm điều lành
Là nguồn gốc phước đức
Nguyện này được khởi sinh
Từ quán chiếu thường xuyên
Về nhân quả hành động.

41. Hành động của kẻ ác
Luôn đem lại hậu quả
Là hy vọng tiêu tan
Là khổ đau, ngao ngán.

42. Do tâm nguyện hướng thiện
Mà làm nhiều việc lành
Đến đâu cũng gặp được
Những phước báo hiện tiền.

43. Những kẻ làm điều ác
Dù cầu mong hạnh phúc
Đến đâu cũng khổ đau
Do gặp quả báo ác.

44. Nhờ luôn làm việc lành
Nên Bồ tát hóa sinh
Trong lòng sen thơm ngát (13)
Với thân thể đẹp tươi
Trong hào quang chư Phật
Được nuôi nấng vinh quang
Bằng pháp âm vi diệu
Và sống như con Phật
Trước mặt đấng Như Lai.

45. Nhưng khi gieo nghiệp ác
Hậu quả sẽ bi đát
Bị ngục tốt Diêm Vương
Lột da, lóc thịt xương
Uống nước đồng sôi sục
Quỵ ngã trên sàn nóng
Bị gươm dao nung đỏ
Chém băm thịt nát nhừ.

Quyết tâm

46. Qua quán sát nhân quả
Ta cần phải phát nguyện
Quyết chí tu hạnh lành
Theo Kinh Kim Cương Tràng.

47. Trước khi làm việc gì
Hãy xét mọi khả năng;
Tốt hơn thà không làm
Hơn bỏ dở công việc.

48. Nếu cứ bỏ dở việc 
Sẽ trở thành thói quen 
Suốt đời đời kiếp kiếp;
Từ nghiệp ác như vậy
Đau khổ mãi gia tăng 
Việc nào cũng dở dang
Thì giờ đành lãng phí!

49. Cần giữ ba quyết tâm :
Vì công việc của mình
Vì phiền não của mình
Vì năng lực của mình
“Tôi phải làm một mình“.
Đó chính là ý chí 
Thúc đẩy tôi hành động.

50. Đời không thể tự giúp
Bởi bị phiền não buộc
Vậy tôi phải giúp đời
Vì có khả năng hơn
So với kẻ lang thang.

51.Thấy người làm việc hèn
Sao tôi nỡ ngồi yên
Phải chăng tôi ngã mạn
Nghĩ mình hơn kẻ khác
Tốt nhất đừng kiêu căng.

52. Đối với cắc kè chết
Con quạ lầm tưởng mình
Là đại bàng dũng mãnh
Khi tâm ta yếu hèn
Thì một buông lung nhỏ
Cũng đủ làm hại ta.

53. Tại sao lại buông lung
Không tinh tấn hành thiện?
Tôi cần phải tự tin
Và hăng hái tu hành
Dù gặp trở ngại lớn
Đều có thể vượt qua.

54. Với tín tâm kiên cố
Tôi khắc phục buông lung
Nếu không thể thắng nó
Không thể vượt Tam giới.

55. “Tôi phải thắng tất cả
Tôi không để bị thua“
Chính kiến tôi như thế.
Tôi là sư tử con
Con của đấng Chiến thắng.

56. Bất cứ chúng sinh nào
Bị kiêu căng chế ngự
Đều thật sự yếu hèn.
Kẻ nào vững tự tin
Sẽ không để gục thua 
Trước kẻ thù kiêu ngạo.

57.-58. Kiêu ngạo dẫn ta đến
Số phận rất tồi tệ
Dù rằng được làm người
Cũng chẳng được vui tươi
Ăn cơm thừa canh cặn
Xấu xí và suy nhược
Bị khinh chê khắp nơi
Đó chính là số phận
Của những kẻ kiêu căng.

(Hỏi) “Còn những kẻ khiêm tốn
Thuộc hạng người tự tin
Thì họ như thế nào?“

59.( Đáp) Họ là những anh hùng
Đầy chiến công oanh liệt
Thắng kẻ thù kiêu ngạo
Phá hủy sự lớn lên
Của ngã mạn đáng sợ
Rồi họ sẽ tuyên bố
Chiến công họ trọn thành
Cho thế gian đều biết (14).

60. Dù phiền não phủ vây
Họ không hề chiến bại
Hùng dũng như sư tử
Đứng giữa một bầy chồn.

61. Họ không để phiền não
Chiến thắng chế ngự mình
Như giữ gìn đôi mắt
Lúc cấp bách gặp nguy.

Hoan hỷ

62. Khi quyết làm việc gì
Bồ Tát say mê làm
Tâm để trọn vào đó
Giống như người đánh bạc
Mê say quyết ăn thua.

63. Vì mưu cầu hạnh phúc
Không ngại làm công đức
Hạnh phúc đến hay không
Lòng tự tại thong dong;
Duy chỉ có việc làm
Mới chính là hạnh phúc;
Vậy nếu không làm gì
Làm sao đạt hạnh phúc?

64. Lạc thú của trần gian
Như mật trên dao bén
Người đời nếm không chán;
Nhưng đối với công đức
Dẫn dắt đến an vui
Bồ Tát chán sao được?

65. Vì vậy xong việc này
Bồ Tát làm việc khác
Như voi bị nắng thiêu
Bắt gặp được ao mát
Liền ào ngay xuống tắm.

Quên mình

66. Say sưa làm kiệt sức
Bồ Tát nghỉ xả hơi
Để rồi lại tiếp tục;
Công đức nào hoàn thành
Bồ Tát để sang bên 
Sẵn sàng nhận việc khác.

Hoàn toàn quên mình

67. Bồ Tát luôn đề phòng
Cú đòn của lạc thú
Và phản công hữu hiệu
Như kiếm sĩ tài ba
Trước kẻ địch lão luyện.

68. Trong trận, kiếm lỡ rơi
Kiếm sĩ vội nhặt lại
Bồ Tát cũng như vậy
Khi kiếm chánh niệm rơi
Liền nhặt lại tức khắc 
Vì sợ sa địa ngục.

69. Như thuốc độc vào máu
Sẽ lan khắp toàn thân
Phiền não gặp tà kiến
Sẽ ngập tràn trong tâm.

70. Kẻ tu hạnh Bồ Tát 
Phải hết sức chú ý
Như người mang bát dầu
Bị dọa chém rơi đầu
Nếu làm rơi một giọt.

71. Như rắn bò lên bụng
Tức tốc hất nó đi
Cũng vậy, phải xua ngay
Cơn lười biếng, uể oải.

72. Mỗi khi lỡ buông lung
Nên tự trách bản thân
Và suy nghĩ chín chắn
Về lỗi lầm đã làm
Để không còn tái phạm.

73. Vì vậy nên thân cận
Các bậc thiện tri thức
Để học cách tu tập
Giữ gìn được chánh niệm.

74. Trước khi làm công đức
Phải chú tâm nhớ lại
Lời dạy về chánh niệm
Và sẵn sàng tinh tấn.

75. Như bông tơ nhẹ nhàng
Bay thuận theo làn gió
Mọi việc của Bồ Tát 
Tất cả đều thuận theo
Sức mạnh của Tinh Tấn
Nhờ vậy lực nhiệm mầu
Cũng được tự phát huy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/03/2011(Xem: 7025)
Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với 52 vịBồ-tát đồng tu một pháp môn cùng đứng dậy cung kính chấp tay bạch Phật : - Tôi nhớ hằng sa kiếp trước có Đức Phật ra đờihiệu Vô Lượng Quang
20/03/2011(Xem: 12577)
Trong các vị cao tăng Trung Hoa, ngài Huyền Trang là người có công nghiệp rất lớn, đã đi khắp các nơi viếng Phật tích, những cảnh chùa lớn, quan sát và nghiên cứu rất nhiều.
23/02/2011(Xem: 6375)
Sức mạnh gia trì là làm thay đổi tâm niệm của người được gia trì. Gọi thần lực gia trì chủ yếu giúp người được gia trì an tâm, an thân vượt qua khó khăn...
21/01/2011(Xem: 4244)
Bồ tát Di Lặc, vị Phật tương lai, có một vị trí quan trọng trong nền tín ngưỡng và văn hoá Phật Giáo. Di Lặc là vị bồ tát duy nhất được các tông phái Phật Giáo, từ tiểu thừa, đại thừa và mật tông tôn kính. Các kinh điển trong cổ ngữ tiếng Phạn Pali và Sanskrit, cũng như kinh tạng đại thừa chữ Hán và tiếng Tây Tạng đều có nói đến vị Phật tương lai này.
13/01/2011(Xem: 3503)
Cùng với thầy của mình là Bồ Tát Di Lặc, Vô Trước là khai tổ của Du Già Tông, hay Duy Thức Tông, một trường phái của Đại Thừa Phật Giáo. Ba người con trai lớn nhất, đều gọi là Thiên Thân (Vasubandhu), sinh ra ở Purusapura (Peshwar), là những thành viên của gia đình Kiều Thi Ca (Kausika) thuộc dòng dõi Bà La Môn, Ấn Độ. Tất cả ba người đều đã trở thành những Tỳ Kheo Phật Giáo. Người em trai út của Vô Trước được biết là Tỉ-Lân-Trì-Bạt-Bà (Virincivatsa), trong khi người em giữa được biết đơn thuần là Thiên Thân (Vasubandhu), tác giả của Duy Thức Tam Thập Tụng.
04/01/2011(Xem: 3190)
Quán Âm hay Quán Thế Âm là tên gọi của một vị Bồ Tát nổi tiếng trong hệ thống Phật giáo Bắc Truyền (vẫn được thậm xưng là Đại Thừa) khắp các xứ Trung Hoa, Hàn quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ và cả Việt Nam. Chữ Phạn của tên gọi này là Avalokitvesvara, thường được dịch sát là Quán Tự Tại. Chữ Tự Tại (Isvara) này không hề mang nghĩa thanh thản độc lập như nhiều người vẫn nghĩ. Nó là một từ tố thường thấy ngay sau tên gọi của các vị thần Ấn Độ, một chút dấu vết của Ấn Giáo, xa hơn một tí là Bà La Môn giáo thời xưa. Nói mấy cũng không đủ, với phương tiện Internet ngày nay, người muốn biết xin cứ Online thì rõ. Nãy giờ chỉ nói cái tên, cái ý nghĩa hay vai trò của khái niệm Quán Thế Âm mới là quan trọng.
19/12/2010(Xem: 5878)
Qua kinh sách thuộc truyền thống Đại thừa ta được biết mỗi vị Phật thường có hai vị Bồ tát làm thị giả. Nếu như Đức Phật A Di Đà có Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí làm thị giả thì một trong hai vị thị giả chính của Đức Phật Thích Ca là Văn Thù Sư Lợi, đại biểu cho trí tuệ siêu việt. Bồ Tát Văn Thù đã xuất hiện hầu như trong tất cả các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật,… như là một nhân vật thân cận nhất của Đức Phật Thích Ca, khi thì chính thức thay mặt Đức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp, có lúc lại đóng vai tuồng làm người điều hành chương trình để giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng của Đức Bổn Sư.
19/12/2010(Xem: 4343)
Từ trước đến nay, những khuynh hướng bài bác Đại Thừa -cả trong lẫn ngoài Phật giáo- thường cho rằng kinh điển Đại Thừa là ngụy tạo, từ đó họ cũng hạ bệ luôn tất cả những vị Bồ Tát đã được quần chúng Phật tử lâu đời tôn thờ kính ngưỡng -đặc biệt là Bồ Tát Địa Tạng- coi đó như là những nhân vật hư cấu, sản phẩm của đầu óc tưởng tượng phong phú của người Trung Hoa. Tuy nhiên các học giả nghiên cứu về Phật giáo cổ Ấn Độ hồi gần đây đã xác định rằng tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Địa Tạng (Kshitigarbha) đã được khai sanh tại Ấn Độ rất lâu đời, có thể là vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai sau công nguyên (C.E.), cùng một lúc với sự phát triển mạnh mẽ của khuynh hướng Phật giáo Đại Thừa, (2) mà bằng chứng cụ thể là Bồ Tát Địa Tạng và những kinh sách liên quan về Ngài đã được đưa vào chương trình học tập, nghiên cứu tại Đại học cổ điển Phật giáo nổi tiếng Nalanda xứ Ma Kiệt Đà.
14/12/2010(Xem: 2873)
Bồ Tát Quán Thế Âm đang thực sự có mặt bên cạnh chúng ta mang sứ mệnh Bồ Tát vào đời để cứu vớt nhân sinh qua cơn khổ nạn hay chỉ là một nhân vật huyền thoại tôn giáo? Với những người mang nặng tinh thần duy lý cho rằng Đạo Phật không hề đặt cơ sở trên những niềm tin mù quáng và do đó, tin vào sự cứu độ của một tha lực bên ngoài –ví dụ như Quán Thế Âm Bồ Tát- theo họ là một hình thức dị đoan mê tín, khó chấp nhận.
03/12/2010(Xem: 13537)
Ngài Sàntideva (Tịch Thiên, 691-743) viết luận này tại Học Viện Nalanda, Ấn Độ vào thế kỷ 8. Ngài diễn giảng đường tu hạnh Bồ Tát, hạnh Lục độ và tu mười đại hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]