Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Năm: Chánh Niệm, Tỉnh Giác

03/12/201018:03(Xem: 9124)
Chương Năm: Chánh Niệm, Tỉnh Giác

CHƯƠNG NĂM
CHÁNH NIỆM, TỈNH GIÁC

Gìn giữ tâm ý

1. Ai giữ giới Bồ tát 
Phải giữ gìn tâm ý 
Nếu không, không duy trì
Bất cứ giới luật nào.

2. Voi điên tuy gây hại
Nhưng không thể nào bằng
Con “voi tâm“ phóng dật
Mang đến bao tai ương. 

3. Luôn dùng thừng chánh niệm 
Cột chặt “voi tâm“ điên
Thì tai ương biến mất
Phước lành hiện đến liền. 

4-5. Điều phục được tâm ý
Là điều phục tất cả
Sư tử, voi, gấu, rắn 
Và tất cả kẻ thù
Cùng lính canh địa ngục
Quỷ Dạ xoa, La Sát
Đều bị trói tất cả.

6. Phật đã tuyên bố rằng 
Hiểm họa và lo sợ
Với khổ đau vô tận
Đều do tâm phát sinh. 

7-8. Hình cụ trong địa ngục 
Do ai tạo tác nên? 
Nền sắt nóng hỏa ngục 
Nữ nhân kia từ đâu? 

Phật dạy rằng tất cả 
Do ác tâm biến ra 
Bởi thế trong ba cõi 
Tâm mình đáng sợ nhất. 

9-10. Nếu bố thí cao cả
Đạt được nhờ xóa nghèo
Chẳng lẽ Phật xưa kia
Không đạt hạnh bố thí
Vì thế gian vẫn nghèo? 

Bởi vậy tâm bố thí
Cả tài sản, công đức
Là bố thí rốt ráo
Phát xuất từ nội tâm. 

11. Lùa cá tôm đến đâu
Để khỏi bị săn giết?
Vĩnh viễn dứt ác tâm
Là thành tựu giới độ. 

12. Sân si đầy thế gian 
Làm sao hàng phục hết? 
Hàng phục được tâm sân 
Là hàng phục tất cả. 

13-14. Làm sao đủ da thuộc 
Để phủ kín địa cầu? 
Nhưng chiếc dép da này
Sẽ bao trùm mặt đất. 

Cũng vậy với ngoại cảnh
Tuy chưa làm chủ được 
Nhưng làm chủ tâm mình
Có gì quí giá hơn?

15. Làm thiện bằng thân, miệng
Nhưng tâm lại tán loạn
Thì khó đạt được phước
Để lên cõi Phạm Thiên (5)
Trong khi chỉ một mình
Tâm thanh tịnh cũng đủ.

16. Phật dạy dù tụng niệm 
Tu khổ hạnh lâu năm 
Mà tâm cứ tán loạn 
Thì cũng vô ích thôi. 

17. Những ai tìm hạnh phúc
Chạy trốn mọi khổ đau
Sẽ tiếp tục lạc đường
Nếu không hiểu cái tâm
Kỳ diệu chứa mọi pháp.

Chánh niệm và tỉnh giác

18. Bởi thế nên cẩn thận 
Gìn giữ trọn tâm ý
Giữ giới tu luyện tâm 
Đâu cần tu pháp khác. 

19. Giữa đám đông hỗn loạn
Ta gìn giữ vết thương
Không để ai đụng đến;
Giữa cuộc đời hung ác
Ta phải giữ tâm mình
Như ta giữ vết thương. 

20. Ta gìn giữ vết thương 
Vì sợ người đụng đau
Sao ta không giữ gìn
Vết thương của tâm ta
Cho khỏi bị đè bẹp
Dưới chân núi địa ngục? 

21. Nếu hành trì như vậy 
Ta cứng rắn, tinh tấn
Dù ở giữa người ác 
Hay ở giữa người lành. 

22. Thà để mất lợi dưỡng 
Mất tài sản, thanh danh
Mất thân xác, mạng sống
Quyết không để mất tâm. 

23. Tôi chấp tay nguyện cầu
Cho những ai ước mong 
Gìn giữ được tâm ý
Đều luôn luôn duy trì
Chánh niệm và tỉnh giác. 

24. Người đau không đủ sức
Làm bất cứ việc gì 
Cũng vậy, bất cứ ai 
Thiếu chánh niệm, tỉnh giác 
Sẽ không còn đủ sức
Để làm những việc lành. 

25. Người tâm không chánh niệm 
Không còn ghi trong trí 
Lời giáo huấn tu hành 
Như nước rỉ bình nứt. 

26. Biết bao người thông thái
Sùng tín và tinh tấn
Nhưng vì không chánh niệm
Nên phạm tội ô uế. 

27. Tên giặc không chánh niệm 
Luôn rình cướp tỉnh giác
Vét sạch phước tích lũy
Đưa người vào nẻo ác. 

28. Ái dục như lũ giặc
Cướp gia tài phước đức
Hủy hoại tâm chánh niệm
Phá đường đến cõi lành . 

29. Tuyệt không để chánh niệm 
Rời khỏi cửa tỉnh giác;
Nếu nó đi lang thang
Phải gọi nó quay lại;
Nó phải nghĩ cảnh khổ 
Trong ba cõi địa ngục 
Để an trú chánh niệm. 

30. Hạnh phúc thay những ai 
Sống cạnh thầy đáng kính
Tuân theo lời giáo huấn 
Để trau dồi chánh niệm. 

31-32. “Chư Phật, chư Bồ tát
Nhìn thấu suốt mọi điều
Ta đứng trước các ngài
Đâu dấu được điều chi”. 

Nếu có suy nghĩ ấy
Sẽ sinh lòng hổ thẹn 
Và trong tâm luôn luôn
Có mặt của chư Phật. 

33. Chánh niệm như lính canh
Trước cửa ngõ của tâm
Nhờ đó mà tỉnh giác
Mãi mãi được có mặt.

34. Nếu ý xấu manh nha 
Phải thấy ngay tai họa.
Vậy phải giữ chánh niệm 
Như cây bám chặt đất . 

35. Không bao giờ nên nhìn 
Dáo dác và mông lung 
Mắt thường nhìn thẳng xuống
Như trong lúc ngồi thiền. 

36. Để cho mắt nghỉ ngơi 
Thỉnh thoảng nhìn chân trời 
Khi có người xuất hiện 
Hãy nhìn thẳng chào hỏi. 

37. Trên đường, nên đứng lại
Nhìn rõ khắp bốn phương 
Lúc dừng nghỉ dưỡng sức 
Hãy quan sát sau lưng . 

38. Kiểm tra kỹ trước sau 
Rồi nhận định hoàn cảnh
Tùy nhu cầu hành động
Mà tiến tới hay lui. 

39-40. Trước khi ta hành động
Nên ý thức rõ ràng
”Đây tư thế của thân”
Và trong khi hành động
Cũng luôn luôn quán xét
Tư thế của thân mình. 

Cũng vậy, thường quán xét 
Tâm ý như voi điên
Buộc vào trụ chánh niệm
Không cho nó chạy loạn. 

41. Người tu tập thiền định 
Luôn luôn giữ chánh niệm
Thường quán sát tự hỏi 
Tâm ý mình ở đâu? 

42. Lúc nguy, khi lễ lạc
Hoặc trong khi bố thí
Khó giữ được chánh niệm 
Nên buông giới hạnh nhỏ. 

43-44. Quyết định làm việc này
Không nên nghĩ việc khác 
Tâm trí phải chuyên chú 
Làm xong từng việc đã. 

Được vậy việc mới thành 
Nếu không, thì hai việc 
Chẳng việc nào hoàn tất
Chánh niệm chẳng gia tăng. 

45. Hãy quyết tâm từ bỏ 
Xem kịch, nói chuyện phiếm 
Hãy tinh tấn đoạn trừ 
Tâm tham đắm thứ ấy. 

46. Hãy nhớ lời đức Phật 
Từ bỏ việc vô nghĩa
Như bức cỏ, vẽ đường
Đập đất đá vỡ tan. 

47. Trước khi muốn đi đứng 
Hoặc trước khi nói năng 
Phải kiểm soát tâm ý
Đưa nó vào chánh niệm. 

48. Nếu ý khởi tham ái 
Tâm manh nha nổi giận 
Hãy tạm dừng nói, làm 
Như cây đứng lặng yên. 

49-50. Khi tâm ý lăng xăng 
Ngạo mạn hoặc kiêu căng 
Tự mãn hoặc thô bạo 
Lém lĩnh hoặc lừa dối 

Tự khen và chê người 
Nói những lời khinh bạc 
Nói những lời gây gổ 
Hãy như cây đứng yên. 

51. Muốn lợi lộc, danh tiếng 
Muốn sai sử người khác 
Muốn kẻ khác hầu hạ 
Hãy như cây đứng yên. 

52. Khi muốn nói và làm 
Khiến người mất lợi ích 
Để mưu cầu lợi mình 
Hãy như cây đứng yên. 

53. Khi bồn chồn lười biếng
Nhát sợ, không biết thẹn 
Nói vô nghĩa, thiên vị 
Hãy như cây đứng yên. 

54. Khi thấy tâm ô nhiễm
Lăng xăng việc vô nghĩa
Hãy dùng phép đối trị
Kiên trì an định tâm. 

55-57. Không nên để phân tâm
Vì những việc tranh chấp
Hãy luôn đem an vui
Làm cho người hạnh phúc.
Với đức tin thâm sâu 
Vững vàng và kiên quyết 
Biết xấu, sợ nhân quả.

Đừng sinh tâm chê bai
Kẻ ngược ngạo, ngu si
Nên mở lòng thương họ
Vì họ bị vô minh. 

Vả lại tôi đã nguyện
Vì lợi mình lợi người 
Tôi không nên phạm tội 
Vậy phải luôn quán tưởng 
Rằng tôi là vô ngã
Tôi là một ảo tưởng. 

58. Nên luôn tư duy rằng 
Nhiều kiếp mới thành người 
Vậy phải giữ tâm sáng 
Vững như núi Tu Di.

Thân

59. Hỡi này tâm ý ơi
Ngươi tự vệ ra sao
Khi kên kên háu đói 
Mổ xé thân thể ngươi? 

60. Sao ngươi xem thân này 
Là bản ngã của ngươi? 
Ngươi với nó khác nhau 
Mất nó ăn nhằm gì! 

61. Này tâm ý ngu si 
Ngươi xem khúc gỗ sạch
Không phải là thân ngươi
Nên ngươi không bám víu
Sao lại bám bộ máy 
Cấu tạo từ bẩn dơ? 

62-63. Hãy dùng tâm quán tưởng 
Tách da ra khỏi thịt 
Dùng trí tuệ làm dao 
Tách thịt rời khỏi xương. 

Rồi chẻ tách xương ra 
Phân tách tủy bên trong 
Quan sát cho thật kỹ 
Thực chất nó là gì? 

64. Dẫu tìm tòi cẩn thận
Vẫn không thấy bản chất 
Của bất cứ vật nào.
Tại sao còn tham luyến 
Nâng niu tấm thân này? 

65. Ngươi không thể nào ăn
Thân thể dơ bẩn này 
Không uống máu, ăn lòng
Vậy giữ nó làm chi? 

66. Tốt nhất xem thân này
Là thức ăn quạ, cáo
Chỉ nên giữ thân này
Giúp ta làm việc thiện. 

67. Dù ngươi bám giữ thân 
Thần chết cũng không tha 
Cướp lấy thẩy cho quạ 
Ngươi làm gì được đây? 

68-69. Khi tớ bỏ ra đi 
Chủ không cho cơm áo 
Thân này sẽ bỏ ngươi 
Cưng dưỡng nó làm gì? 

Trả đủ lương cho nó 
Chớ cho thêm quá mức. 
Ôi tâm của ta ơi! 
Đối với thân của ngươi 
Hãy xử sự như thế. 

70. Hãy xem thân như thuyền 
Dùng để chở chúng sinh
Đưa họ từ bờ khổ 
Sang bên bờ giải thoát. 

71. Hãy tự chủ thân tâm 
Luôn lộ vẻ vui tươi 
Đừng cau mày giận dữ 
Hãy làm người bạn tốt,
Chân thành của chúng sinh. 

72. Khi di dời ghế giường 
Đừng gây tiếng động lớn 
Mở cửa cũng nhẹ nhàng 
Luôn tránh tiếng ồn ào. 

73. Sếu, mèo và kẻ trộm 
Hành động rất lặng lẽ 
Để đạt được mục tiêu 
Bồ tát cũng nên thế . 

74. Làm học trò tất cả
Cung kính nhận lời khuyên
Của bậc thầy hướng dẫn
Dù ta chẳng yêu cầu.

Nguyên tắc ứng xử

75. Ai khéo giảng chánh pháp
Ta nên ngõ lời khen
Ai làm phước làm lành
Ta vui mừng ca tụng. 

76. Kín đáo khen người khác 
Vì công đức của họ 
Nghe người khác khen mình 
Tự xét xứng đáng không? 

77-78. Ai làm được việc gì 
Mang lại nguồn hạnh phúc
Không thể mua bằng tiền
Thì ta hãy cùng vui 
Với công đức kẻ ấy. 

Làm vậy không gây hại
Đời sau được vui hơn
Nếu sinh lòng ganh tị
Ta sẽ gặt khổ đau
Đời sau càng khổ nữa. 

79. Nói năng phải minh bạch 
Dễ nghe, thấm tận tim
Phát xuất nơi từ tâm
Nhu hòa và chính xác. 

80. Hãy nhìn ngắm chúng sinh 
Với lòng dạ từ bi
Và nghĩ rằng nhờ họ 
Mà ta sẽ thành Phật. 

81. Phước lớn được thành tựu 
Nhờ tín tâm vững bền 
Nhờ đối trị việc ác 
Nhờ cúng ba ruộng phước (6) 

82. Phát xuất tận đáy lòng 
Ta thường làm việc thiện 
Điều lành hãy tự làm 
Không giao cho kẻ khác. 

83. Bố thí và trì giới 
Phải tăng tiến mỗi ngày
Đừng chê nhỏ, theo lớn 
Nên thực hiện mọi hạnh. 

84. Nhận thức được như vậy
Nên hiến mình làm thiện
Có thể phạm giới cấm
Vì lợi ích chúng sinh. 

85. Chỉ ăn những gì cần
Chia sớt thức ăn uống
Cho những vị tu sĩ 
Cho kẻ khổ, cô đơn
Cho người rơi xuống thấp
Bồ tát cho tất cả
Trừ ba bộ áo quần. 

86. Thân phục vụ chánh pháp 
Nên không để tổn thương 
Nhờ vậy mau thực hiện
Ước nguyện cứu chúng sinh. 

87. Không hy sinh thân mạng
Cho kẻ thiếu từ bi
Bồ tát chỉ xả thân
Vì mục đích tối thượng. 

88. Không thuyết pháp cho người 
Có thái độ bệnh hoạn 
Đội mũ, không cung kính 
Cầm gậy, cầm binh khí . 

89. Không thuyết pháp cho người 
Khác phái ở một mình 
Không nói pháp thâm sâu 
Cho kẻ thiếu thông minh 
Nhưng cũng phải cung kính 
Mọi pháp dù sâu cạn (7)

90. Không nên giảng Tiểu thừa
Cho người đủ điều kiện
Lãnh hội pháp Đại thừa
Không được thu hút người
Bằng cách giảng sai kinh
Và sai chú Mật tông (8) 

91. Không được nhổ nước bọt
Và vứt tăm xỉa răng
Bừa bãi nơi công cộng
Không được phép phóng uế
Lên đất đai canh tác
Và nguồn nước sạch trong. 

92. Khi ăn chớ đầy miệng 
Há miệng, nhai ra tiếng
Ngồi không đong đưa chân 
Không xoa tay vào nhau. 

93. Không đi xe, ngủ đêm 
Chung với người khác phái 
Hầu tránh sự dị nghị 
Khiến người mất niềm tin. 

94. Không nên dùng ngón tay 
Chỉ đường hoặc ra lệnh 
Mà phải tỏ lịch sự 
Đưa nguyên bàn tay phải . 

95. Không đưa tay vẫy gọi
Trừ khi gọi gấp rút
Búng ngón tay thành tiếng 
Bằng không mất uy nghi. 

96. Hãy ngủ trong chánh niệm 
Nằm đúng theo tư thế
Như khi Phật nhập diệt 
Lúc tỉnh giấc, dậy liền. 

97. Phật dạy vô số hạnh 
Không thể nào kể hết 
Pháp thanh lọc tâm này 
Nên gắng thực hành ngay. 

98. Ngày như đêm ba lần 
Tụng niệm Kinh Ba Phần (9) 
Y theo tâm Bồ đề 
Giải trừ dần ác nghiệp. 

99. Bất cứ hoàn cảnh nào
Do ta hoặc người tạo
Phải tinh tấn thực hành 
Những lời đức Phật dạy. 

100. Bất cứ giáo pháp nào
Đưa đến sự giải thoát
Con Phật đều thực hành
Được vậy, sẽ gặt phước. 

101. Bồ tát làm mọi hạnh
Vì lợi ích chúng sinh
Trực tiếp hay gián tiếp
Và hồi hướng tất cả
Vì sự nghiệp giác ngộ. 

102. Dù phải mất tính mạng 
Bồ tát không xa lìa 
Các bậc thiện trí thức 
Tinh thông nghĩa đại thừa. 

Nguồn gốc giới luật

103. Để biết cách hầu Thầy
Nên học những phép tắc
Trong truyện Cát Tường Sinh (10) 
Và thêm các kinh khác. 

104. Nên đọc các tạng kinh
Có trình bày giới luật
Trước hết hãy tìm đọc 
”Thánh xứ hư không tạng”. 

105. Kinh “Học xứ tập yếu” 
Đã diễn rộng lý do 
Vì sao phải tu hành
Vậy cần đọc bộ luận 
”Chúng học xứ tập yếu”. 

106. Hoặc cũng nên tìm đọc 
”Nhất thiết kinh tập yếu” 
Và cũng cần đọc kỹ 
Song luận của Long Thọ . 

107. Kinh luận trên ghi rõ 
Điều cấm, điều nên theo
Tu đúng lời kinh dạy 
Giữ lòng tin trên đời. 

108. Định nghĩa của chánh niệm
Tóm gọn lại như sau: 
Luôn quán sát thật kỹ
Trạng thái Thân và Tâm. 

109. Tụng niệm để thực hành 
Đọc suông không có ích 
Nếu chỉ đọc toa thuốc 
Làm sao trị bệnh lành?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/10/2011(Xem: 3997)
Long Thọ cùng với Vô Trước, là hai bậc khai phá vĩ đại của truyền thống Đại thừa. Long Thọ tiếp nối và trao truyền những giáo huấn thậm thâm vi diệu của tính không...
14/09/2011(Xem: 6033)
Long Thọ Đại Sĩ, tiếng Phạn gọi là Nagarjuna, người dòng Phạm chí, ứng thế ở xứ Nam Thiên Trúc, sau Phật diệt độ bảy trăm năm. Tương truyền ngài sanh dưới cây A Châu Đà Na, cây này có năm trăm vị Long thần ở, lại nhờ Long Vương Bồ Tát mà thành đạo, nên lấy hiệu là Long Thọ.
14/09/2011(Xem: 3889)
Đời nhà Minh, niên hiệu Sùng Trinh thứ mười sáu, có Bồ Tát dùng phương tiện giáng thần ở Ngô môn, tự xưng là Giác Minh Diệu Hạnh, thường khuyên dạy về Phật pháp. Đến năm Thuận Trị thứ tư đời nhà Thanh, do nhân duyên trước, ngài lại giáng đàn, tùy cơ nói pháp, khai diễn về môn Tịnh độ. Trước tiên, Bồ tát dùng lời kệ khai thị rằng...
12/08/2011(Xem: 9309)
Hình ảnh của Bồ Tát Địa Tạng với khuôn mặt đôn hậu, từ ái, đầu đội mũ tỳ lư, tay cầm tích trượng là một hình ảnh luôn tỏa sáng trong tâm khảm của những người con Phật...
09/08/2011(Xem: 7244)
Tôn giả Xá Lợi Phất xuất thân từ giai cấp Bà la môn, nổi tiếng thông tuệ từ khi còn thơ ấu. Ngài là niềm tự hào, là hy vọng của gia đình, dòng tộc và nhất là mẹ ngài, bà Xá Lợi...
05/08/2011(Xem: 9281)
Sở dĩ Mục Kiền Liên đắc Thánh quả một cách nhanh chóng vì Ngài đã trải qua nhiều kiếp tu hành, cho nên trong hiện đời được gặp Phật...
16/06/2011(Xem: 18144)
Bồ tát giới Phạm võng phải được gọi là Đại thừa giới. Đại thừa giới là bản nguyên của chúng sinh, là Phật tánh đầy phẩm chất Phật. Đại thừa giới xác nhận thân là thân chúng sinh, tâm là tâm chúng sinh, nhưng thân ấy tâm ấy đều nhập cả vào giới pháp Phật tánh: đều đem ra mà thọ và trì Đại thừa giới. Đại thừa giới căn cứ quan điểm hiếu thuận: hiếu thuận với tất cả chính là giữ giới. Đại thừa giới lại xác định là cái Phật đi, cái Phật làm, nên thọ giới ấy là nhập vào cương vị của Phật.
07/06/2011(Xem: 4810)
Trong khóa tu Hayagriva đầunăm 2010, Lama Zopa Rinpoche đã nhấn mạnh vào thái độ Bồ Tát đúng đắn, và bangiáo lý súc tích này về cách thực hành [được trích dẫn từ “Taking the Essence All Day andNight” (Rút ra Tinh túy Cả Ngày lẫn Đêm), một cuốn sách mớivề cách làm cho mọi việc làm hàng ngày của ta trở nên có ý nghĩa nhất, do Dịchvụ Giáo dục của Tổ chức FPMT ấn hành]: Hãytụng hay hát những vần kệ sau đây vào buổi sáng hay vào những lúc khác trongngày và suy niệm ý nghĩa để tạo nên một sự thay đổi toàn bộ cho thái độ ái ngãbình thường, là điều chỉ làm hại ta và những người khác. Sau đó hãy sống theothực hành này. Hãy tụng tất cả những câu kệ hay ít nhất là hai hay ba câu cuối.Trì tụng cùng thực hành tonglen (thực hành cho và nhận):
12/05/2011(Xem: 3552)
Trưởng lão Chu-lợi Bàn-đặc (Cūlapanthaka) là một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật. Tàu âm ra nhiều tên khác nhau: Chu-lợi Bàn-đặc, Chu-lợi Bàn-đà-già, Chú-trà Bán-thác-ca, Tri-lợi Mãn-đài, v.v. Trong Tăng chi, Chương Một Pháp, liệt kê các vị Tỳ khưu đại đệ tử, ngài Cūlapanthaka được nhắc đến 2 lần...
06/04/2011(Xem: 7061)
Bồ Tát Quán Thế Âm là một trong những hình tượng gần gũi nhất với hầu hết tín đồ Phật giáo, dù ở bất cứ nơi đâu, dù thuộc tầng lớp nào. Ngài là biểu tượng của lòng đại bi...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]