Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

84. Kinh Madhurà

19/05/202010:52(Xem: 9840)
84. Kinh Madhurà

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập III
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]


84. Kinh MADHURÀ

( Madhurà sutta )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, Đại Luận Nghị Tôn-giả

          Là Ma-Ha Kách-Chá-Da-Na  (1)

             ( Hay Ma-Ha Kách-Cha-Na,

       Ca-Chiên-Diên cũng chính là vị đây ).

          Lúc ấy ngài trú Ma-Đu-Rá

          Tại khu rừng Gun-Đá (2) trải qua.

 

              Đức vua xứ Ma-Đu-Ra  (2)

       Là A-Vanh-Tí-Pút-Ta (2), nghe là :

       “ Sa-môn Ma-Ha Kách-Cha-Ná

          Hiện trú Gun-Đá – Ma-Thu-Ra

              Tiếng đồi tốt đẹp lan xa :

     ‘Ma-Ha Kách-Chá-Da-Na ngài này

          Bậc Hiền-giả, bậc đầy Trí-giác

          Bậc Đa văn, lưu loát nói năng 

              Biện tài lão luyện, Cao Tăng

       Bậc A-La-Hán muôn phần tịnh thanh.

          Thật tốt lành nếu được yết kiến

          Một Thánh Tăng danh tiếng như vầy ”.

 

              Đức vua liền ra lệnh ngay : 

       Cỗ xe thù thắng cho bày nhiều xe

          Vua lên một cỗ xe thù thắng 

    _______________________________

 

(1) : Tôn-giả Mahà Kaccayàna  hay  Kaccanà , phiên âm là Ma-Ha

      Ca-Chiên-Diên – là một trong Thập Đại Đệ Tử của Đức Phật

      Có tàibiện luận , được tôn xưng là bậc Đệ Nhất Luận Nghị.

(2) : Khu rừng Gunda  tại xứ Madhura của Vua Avantiputta .

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  142

 

          Là ngự xa thượng đẳng hoàng gia

              Cùng đi khỏi Ma-Đu-Ra

       Với đại uy vệ một nhà Đại Vương

          Rồi thẳng đường đến nơi Tôn-giả

          An trú tại Gun-Đá khu rừng.

              Đến chỗ xe cộ phải dừng

       Vua liền xuống đi bộ cùng bầy tôi.

 

          Khi đến nơi, hỏi thăm Tôn-giả 

          Với những lời thanh nhã, mừng chào

              Rồi chọn một bên, ngồi vào,

       Vua A-Vanh-Tí khởi đầu thưa ra

          Với Đại Ca-Chiên-Diên Tôn-giả :

 

    – “ Thưa Tôn-giả Kách-Chá-Da-Na !    

              Các vị Bàn-Môn xưa xa

       Đã từng tuyên bố : ‘Chỉ Bà-La-Môn

          Là chủng tánh tối tôn, siêu việt

          Chủng tánh khác hạ liệt, suy đồi.

              Bàn-Môn (1)  là bạch chủng thôi,

       Các chủng tánh khác trên đời đều đen,

          Bà-la-môn được khen thanh tịnh

          Chủng tánh khác lấm dính, tiện dòng.

              Bàn-môn là con chính tông

       Của Phạm Thiên, vốn sinh trong miệng ngài.

          Bàn-môn này Phạm Thiên tạo tác,

          Đấng Phạm Thiên sinh các Bàn-môn,

              Thừa tự Phạm Thiên tối tôn.

       Ý Tôn-giả về Bàn-môn thế nào ? ”.

 

    – “ Thưa Đại Vương ! Tự hào như vậy

     ___________________________

 

(1) : Bàn-Môn  hay  Phạm-Chí  tức là Bà-La-Môn.

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  143

 

          Thì điều ấy là lời nói thôi !

              Là những âm thanh trên đời

       Những người Phạm Chí dùng lời rêu rao

          Đánh giá cao giai cấp Phạm Chí

          Và khinh bỉ những giai cấp sau

              Đại Vương ! Ngài nghĩ thế nào

       Nếu Khách-Ti-Dá người giàu và sang

          Nhiều tài sản, bạc vàng, ngũ cốc

          Thường hay ban bổng lộc gia nhân,

              Có thể nào người thuộc phần

       Bàn-Môn, Sát-Đế-Lỵ (*) cần việc đây

          Vết-Sa, hay Sút-Đa (*) giai cấp

          Họ đến gặp, xin làm thân tùy

              Trung thành hầu hạ mọi thì     

       Thức khuya dậy sớm và thi hành liền

          Mọi mệnh lệnh chủ truyền, chí thú

          Làm đẹp lòng người chủ sớm trưa

              Khiến người ai cũng thích ưa

       Lời nói kính ái chủ vừa lòng ngay.

 

          Đại Vương này ! Trường hợp như thế     

          Theo Đại Vương có thể xảy ra ? ”.

 

         – “ Thưa Tôn-giả Kách-Cha-Na !

       Nếu có người Khách-Ti-Da sang giàu

          Có tài sản thuộc vào cự phú

     ___________________________

 

   (*) : Theo Bà-La-Môn, xã hội chia ra 4 giai cấp bất di bất dịch :

     1) Bà-la-môn ( Brahmana -giai cấp đứng đầu giữ phần nghi lễ, 

     tế tự ).

    2) Sát-Đế-Lỵ ( Khattiyà - giai cấp Vua chúa, quan quyền ) ;

    3) Phệ-Xá ( Vessa – các hạng Thương gia, buôn bán ) .

    4) Giai cấp cuối cùng bị áp chế, khinh rẻ nhất là Thủ-Đà-La

       (Suddà ) hay còn gọi là Chiên-Đà-La ( Candala ) .    

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  144

 

          Thì có thể làm chủ nhân gia

              Của bốn giai cấp kể ra :

       Bàn-môn, Sát-Lỵ, Vết-Sa, Thủ-Đà  (1)

          Các người ấy trải qua hầu hạ

          Thật trung thành ròng rã sớm trưa

              Làm cho mọi người thích ưa

       Nói lời kính ái, chủ vừa lòng, thương ”.

 

    – “ Cũng như vậy, Đại Vương suy nghĩ

          Như thế nào nếu vị Bàn-Môn

              Không những dòng dõi đáng tôn

       Mà còn giàu có. Thật không thể nào

          Tính kể đến sự giàu sang đấy

          Thì có thể vị ấy nhận vào

              Những người gia nhân, mặc dầu

       Thuộc bốn giai cấp thanh cao hay hèn.

          Những người ấy bao phen hầu hạ

          Thật trung thành ròng rã sớm trưa

              Lời nói kính ái đáng ưa,

       Đại Vương biết, thấy, nghe chưa việc này ?

 

          Hoặc ở đây, thế nào ngài nghĩ

          Nếu có vị Phệ-Xá, Thủ-Đà

              Lại được giàu có vinh hoa

       Sống rất sung túc, cửa nhà đẹp sang,

          Nhiều tài sản, bạc vàng, ngũ cốc,

          Nhiều tài lộc, sung sướng biết bao

              Vị ấy có thể nhận vào

       Những người giai cấp thấp cao như là :

     ______________________________

 

(1) : Bốn giai cấp : Brahmana (Bà-la-môn hay Bàn-môn, Phạm-

      chí) , Khattiya  (Sát-Đế-Lỵ hay Sát-Ly),  Vessa  (Phệ-Xá) và 

      Sudda (Thủ Đà-La hay Thủ-Đà).  

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  145

 

          Khách-Ti-Da, Bàn-môn, Phệ-Xá,

          Chanh-Đa-Lá… làm việc ngoài trong

              Trung thành hầu hạ hết lòng

       Thức khuya dậy sớm mà không nề hà

          Mọi lệnh của chủ nhà thực hiện

          Lời kính ái nên khiến đẹp lòng.

              Điều này có thể có không ? ”.

 

 – “ Tôn-giả ! Có thể có trong điều này.

          Nếu vị đây thuộc vào giai cấp

          Được đề cập : Sát-Lỵ, Bàn-môn,

              Phệ-Xá, Thủ-Đà thảy đồng

       Nếu là cự phú của trong của ngoài

          Tài sản, vàng đếm hoài không xuể,

          Thì có thể có những gia nhân

              Thuộc bốn giai cấp vừa phân,

       Trung thành hầu hạ ân cần sớm trưa,

          Vâng mệnh lệnh, làm vừa lòng chủ,

          Luôn chí thú làm việc hết lòng,

              Lời kính ái, chủ đẹp lòng

       Điều ấy có thể có trong đời thường ”.

 

    – “ Thưa Đại Vương ! Nếu mà như vậy     

          Thì bốn chủng tánh ấy ở đây

              Đồng đẳng hay không, thưa ngài ? ”.

 

 – “ Thật vậy Tôn-giả ! Nghĩ ngay như vầy

          Thời bốn chủng tánh này đồng đẳng,

          Trẫm thấy chẳng sai biệt gì đâu ! ”.

 

        – “ Thưa Đại Vương ! Như lúc đầu

       Tôi nói Phạm-chí trước sau bảo là

         ‘Bà-La-Môn mới là tối thượng’

          Phải được hiểu mường tượng như là

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  146

 

              Những âm thanh được phát ra

       Tự mình xưng tụng chỉ ta mới tuyền

          Từ miệng đấng Phạm Thiên sinh hạ.

          Khách-Ti-Dá, Vết-Sá, Sút-Đa

              Đều là hạ liệt, xấu xa

       Âm thanh như vậy chỉ là thoáng mau.

 

          Thưa Đại Vương ! Thế nào ngài nghĩ ?

          Một người Sát-Đế-Lỵ hay là     

              Bàn-Môn, Phệ-Xá, Thủ-Đà :

       Sát sanh, lấy của người ta, mặc dầu

          Người ta không cho đâu mà lấy;

          Tâm tà vạy dâm dục; vọng ngôn,

              Lưỡng thiệt, phù phiếm, ác ngôn;

       Tham dục, sân hận, mãi tồn si mê,

          Chấp tà kiến mọi bề, mọi loại…

 

          Khi thân hoại mạng chung – có sanh

              Vào các đọa xứ chẳng lành ?

       Cõi dữ, ác thú đành rành hay không ?

          Hay là không thác sanh như vậy ?

          Hay Đại Vương nghĩ, thấy thế nào ? ”.

 

        – “ Thưa Tôn-giả ! Người phạm vào

       Giết chóc hại mạng, phạm vào tà dâm,

          Nói láo hay nói đâm thọc khác,

          Lời độc ác, phù phiếm ba hoa,

              Tham dục, sân hận, kiến tà,

       Thì dù Phạm-Chí hay là Vết-Sa,

          Sát-Đế-Lỵ, Sút-Đa… cả thảy

          Cũng đều phải nghiệp báo theo cùng,

              Sau khi thân hoại mạng chung

       Phải sa cõi dữ hãi hùng mà thôi !

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  147

 

          Vào đọa xứ hay nơi ác thú

          Vào địa ngục chịu đủ cực hình.

              Trẫm nghĩ như vậy đinh ninh

       Và nghe La-Hán cao minh giảng vầy ”.

 

    – “ Thưa Đại Vương ! Lành thay điều ấy ! 

          Khi chính ngài nhận thấy như vầy

              Và nghe Thánh Tăng các ngài

       Bậc A-La-Hán giảng bày sâu xa.

          Nếu sự tình này là như vậy

          Thời bốn chủng tánh ấy ở đây

               Đồng đẳng hay không, thưa ngài ? ”.

 

 – “ Thật vậy, Tôn-giả ! Nghĩ ngay như vầy

          Thời bốn chủng tánh này đồng đẳng,

          Trẫm thấy chẳng sai biệt gì đâu ”.

 

         – “ Đại Vương ! Ngài nghĩ thế nào

       Người Sát-Đế-Lỵ thanh cao, hay là

          Bà-La-Môn, Vết-Sa, Sút-Đá

          Là những người hiền giả thiện tâm,

              Từ bỏ sát sanh, tà dâm,

       Từ bỏ trộm cướp, sai lầm vọng ngôn,

          Bỏ đâm thọc, bỏ luôn ác khẩu,

          Bỏ nói láo, phù phiếm ba hoa,

              Từ bỏ tham dục, sân tà,

       Luôn có chánh kiến, từ hòa ung dung,

          Khi thân hoại mạng chung đã tới

          Thì có được Thiên giới sinh ngay ?

              Có sinh thiện thú, đời này ?

       Hoặc không thể thác sanh, hay thế nào ?       

          Đại Vương nghĩ ra sao việc ấy ? ”.

 

    – “ Thưa Tôn-giả ! Trẫm thấy rõ là

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  148

 

              Bram-Ma-Na, Khách-Ti-Da              

       Hay là Vết-Sá, Sút-Đa… người nào

          Các giới hạnh thanh cao vâng giữ,

          Từ bỏ sự sát sanh nhỏ, to

              Từ bỏ lấy của không cho,

       Từ bỏ dâm hạnh nguyên do dục tà,

          Bỏ nói láo hay là đâm thọc

          Lời nói độc, phù phiếm… tránh xa

              Tham dục, sân hận diệt qua

       Luôn có chánh kiến, từ hòa ung dung

          Khi thân hoại mạng chung, sinh tới

          Cõi thiện thú, Thiên giới, đời này.

              Đối với trẫm là như vầy

       Và nghe La-Hán các ngài tán dương ”.

 

    – “ Thưa Đại Vương ! Lành thay điều ấy !

          Khi chính ngài nhận thấy như vầy

              Và nghe Thánh Tăng các ngài

       Bậc A-La-Hán giảng bày sâu xa.

          Nếu sự tình này là như vậy

          Thời bốn chủng tánh ấy ở đây

               Đồng đẳng hay không, thưa ngài ? ”.

 

 – “ Thật vậy, Tôn-giả ! Nghĩ ngay như vầy

          Thời bốn chủng tánh này đồng đẳng,

          Trẫm thấy chẳng sai biệt gì đâu ”.

 

        – “ Thưa Đại Vương ! Như lúc đầu

       Tôi nói Phạm-chí trước sau bảo là

         ‘Bà-La-Môn mới là tối thượng’

          Phải được hiểu mường tượng như là

              Những âm thanh được phát ra

       Tự mình xưng tụng chỉ ta mới tuyền

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  149

 

          Từ miệng đấng Phạm Thiên sinh hạ.

          Khách-Ti-Dá, Vết-Sá, Sút-Đa

              Đều là hạ liệt, xấu xa

       Âm thanh như vậy chỉ là thoáng mau.

 

          Thưa Đại Vương ! Thế nào ngài nghĩ ?

          Một người Sát-Đế-Lỵ hay là     

              Bàn-Môn, Phệ-Xá, Thủ-Đà :

       Lén lút đột nhập vào nhà người ta

          Hoặc cướp giật tiền và đồ đạc

          Phục kích các đường cướp, giết người

              Hoặc là tư thông vợ người…

       Có người bắt được, tức thời giải ngay

          Đến trước ngài, trình bày tất cả :

 

         ‘Tâu Bệ Hạ ! Kẻ trộm cướp này

              Làm hại uy danh của ngài 

       Xin hãy hình phạt kẻ này cho mau’.    

          Đại Vương như thế nào xử gã ? ”.

 

    – “ Thưa Tôn-giả Kách-Chá-Da-Na !

              Trẫm sẽ theo Luật, phán ra

       Tra tấn kẻ ấy hay là chém ngay,

          Hoặc tẩn xuất kẻ này khỏi nước

          Hoặc từng bước y luật dụng hình

              Tùy theo tội trạng phát sinh

       Vì sao vậy ? Vì tự mình gây ra.

          Danh xưng : Khách-Ti-Da, Phạm Chí…

          Mà vốn dĩ được gọi xưa nay

              Danh xưng ấy biến mất ngay,

       Chỉ gọi ‘tên trộm cướp’ này mà thôi ”.

 

    – “ Nếu mà sự tình đời như vậy

          Thời bốn chủng tánh ấy ở đây

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  150

 

               Đồng đẳng hay không, thưa ngài ? ”.

 

 – “ Thật vậy, Tôn-giả ! Nghĩ ngay như vầy

          Thời bốn chủng tánh này đồng đẳng,

          Trẫm thấy chẳng sai biệt gì đâu ”.

 

        – “ Thưa Đại Vương ! Như lúc đầu

       Tôi nói Phạm-chí trước sau bảo là

         ‘Bà-La-Môn mới là tối thượng’

          Phải được hiểu mường tượng như là

              Những âm thanh được phát ra

       Tự mình xưng tụng chỉ ta mới tuyền

          Từ miệng đấng Phạm Thiên sinh hạ.

          Khách-Ti-Dá, Vết-Sá, Sút-Đa

              Đều là hạ liệt, xấu xa

       Âm thanh như vậy chỉ là thoáng mau.

 

          Thưa Đại Vương ! Thế nào ngài nghĩ ?

          Một người Sát-Đế-Lỵ hay là     

              Bàn-Môn, Phệ-Xá, Thủ-Đà :

       Cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu hành

          Đắp ca-sa, gia đình từ bỏ

          Sống không có gia đình, một mình

              Thọ trì giới luật tịnh thanh

       Sống đời Phạm hạnh, thực hành thiền-na

          Chỉ ăn ngọ, trì qua thiện pháp

          Thì Đại Vương sẽ đáp thế nào ?

              Đối xử vị ấy ra sao ? ”.

 

 – “ Thưa Tôn-giả ! Trẫm sẽ mau đứng liền

          Thỉnh ngồi trên pháp tòa tử tế

          Kính đảnh lễ vị ấy trên tòa

              Cúng dường ‘tứ vật dụng’ là :

       Y phục, vật thực, sàng tòa, thuốc men

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  151

 

          Rồi trẫm bèn chu toàn sắp đặt

          Sự bảo vệ, mọi mặt hộ trì

              Che chở đúng pháp mọi thì

       Danh xưng lúc ấy của vì xuất gia

          Không là Khách-Ti-Da, Phạm-Chí,

          Hay là vị Phệ-Xá, Thủ-Đà,

              Nay biến mất, không như là

       Trước gọi khinh thị hay là kính tôn

          Chỉ gọi là ‘Sa-Môn’ vị ấy ”. 

 

    – “ Nếu như vậy, bốn chủng tánh đây

               Đồng đẳng hay không, thưa ngài ? ”.

 

 – “ Thật vậy, Tôn-giả ! Nghĩ ngay như vầy

          Thời bốn chủng tánh này đồng đẳng,

          Trẫm thấy chẳng sai biệt gì đâu ”.

 

        – “ Thưa Đại Vương ! Như lúc đầu

       Tôi nói Phạm-chí trước sau bảo là

         ‘Bà-La-Môn mới là tối thượng’

          Phải được hiểu mường tượng như là

              Những âm thanh được phát ra.

       Họ đã tuyên bố : ‘Chỉ Bà-La-Môn

          Là chủng tánh tối tôn, siêu việt

          Chủng tánh khác hạ liệt, suy đồi.

              Bàn-Môn là bạch chủng thôi,

       Các chủng tánh khác trên đời đều đen,

          Bà-la-môn tự khen thanh tịnh

          Chủng tánh khác lấm dính, tiện dòng.

              Bàn-môn là con chính tông

       Của Phạm Thiên, vốn sinh trong miệng ngài.

          Bàn-môn này Phạm Thiên tạo tác,

          Đấng Phạm Thiên sinh các Bàn-môn,

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  152

 

              Thừa tự Phạm Thiên tối tôn.

       Tự mình xưng tụng Bàn-Môn quá đà ”.

 

          Được nghe vậy, vua Ma-Thu-Rá

          A-Vanh-Ti-Pút-Tá – thưa qua

              Với ngài Kách-Chá-Da-Na

     ( Ca-Chiên-Diên  cũng chính là ngài đây ) :

 

    – “ Vi diệu thay ! Lành thay Tôn-giả ! 

          Ngài Ma-Ha Kách-Chá-Da-Na !

              Thưa Tôn-giả ! Hy hữu thay !

       Như người dựng vật lăn quay ngã nằm

          Chỉ hướng kẻ sai lầm lạc lối,

          Đem đèn sáng vào tối như bưng

              Để ai có mắt mở bừng

       Có thể thấy được sáng trưng sắc màu .

          Cũng như thế, nhiệm mầu Chánh Pháp

          Được Tôn-giả giải đáp, giảng ra.

              Con xin quy ngưỡng thiết tha

       Quy y Tôn Giả Kách-Cha-Da-Nà,

          Quy y Pháp sâu xa đáng kính

          Quy y Tăng thanh tịnh, phước đầy.

 

              Mong ngài chấp nhận con nay

       Được làm đệ tử, vun đầy thiện duyên

           Xin phát nguyện vẹn tuyền ngưỡng phục

           Kể từ nay đến lúc mạng chung ”.

 

       – “ Thưa Đại Vương ! Xin hãy đừng

       Quy y bần đạo, hãy dừng ý đây.

          Hãy quy y bậc Thầy uyên bác

          Thiên Nhân Sư, Đại Giác, Phật Đà,             

              Tôi cũng quy y Phật Đà ”.

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  153

 

  – “ Thưa Tôn Giả Kách-Cha-Na ! Hiện thời

          Bậc Thế Tôn, Thầy Trời Người đó

          Hiện đang trú ở chỗ nào đây ? ”.

 

        – “ Thưa Đại Vương ! Đáng tiếc thay !

       Đấng Vô Thượng Sĩ ngày nay không còn

          Đức Thế Tôn Niết-bàn đã nhập

          Tứ Chúng khắp vẫn quy y Ngài

              Quy y Pháp & Tăng đức tài

       Đại Vương nên hướng về Ngài quy y ”.

 

    – “ Thưa Tôn Giả ! Vậy thì với trẫm

          Có niềm tin sâu thẳm, thiết tha

              Nếu nghe Thế Tôn ở xa

       Mười do-tuần – dô-cha-na – như vầy   (  yojana )

          Trẫm cũng sẽ đi ngay đến đấy

          Để yết kiến, lễ lạy Phật Đà

              Bậc Chánh Đẳng Giác từ hòa,

       Đại A-La-Hán, cũng  là Thế Tôn.

 

          Nếu nghe đồn Phật đang an trú

          Hai, ba, bốn, năm chục do-tuần

              Thì trẫm cũng quyết định luôn

       Đến yết kiến Phật, thấm nhuần pháp âm.

 

          Nay Phật đã song lâm tịch diệt

          Trẫm chí thiết vọng bái quy y

              Đấng tịch diệt Chánh Biến Tri,

       Quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Già,

           Mong Tôn Giả Kách-Cha-Da-Ná

           Nhận nơi con với cả lòng thành

               Quy y Tam Bảo tịnh thanh

       Từ nay đến hết đời mình chẳng thay ./-

 

Trung Bộ ( Tập 3 )  Kinh 84 :    MADHURÀ          *  MLH –  154

 

 

        Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*

*  *

 

(  Chấm dứt  Kinh  số 84  :  MADHURÀ   –

                                        MADHURÀ Sutta  )




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/06/2014(Xem: 8091)
Hai dì vãi chùa tôi tuổi đời đều đã trên 70. Về sự kính Ôn, trọng thầy, thương chú và đùm bọc điệu hai dì như nhau. Về sự siêng năng, chịu khó, tiết kiệm, giữ của cho chùa hai dì bằng nhau. Về vóc hình nhỏ nhắn hai dì giống nhau. Về chiều cao khiêm tốn hai dì ngang nhau. Thời Ôn (cố) còn sống, có mụ nhà quê lâu lâu mới lên thành phố tìm đến viếng chùa rồi gặp Ôn trú trì, sau khi đảnh lễ, mụ nói một câu tỉnh rụi về hai dì vãi chùa tôi: Ôn có “cặp sanh đôi” trông vui mắt, hí.
06/06/2014(Xem: 26170)
Thơ và Tạp Bút là tập sách mà chúng tôi kết hợp chia làm hai phần: Phần đầu là những bài thơ mà chúng tôi đã sáng tác sau khi tập thơ Hướng Dương ra đời. Phần hai là những bài viết rời rạc qua những chủ đề khác nhau. Chúng tôi kết hợp lại tất cả những bài viết đó để in chung trong tập sách. Chúng tôi đặt danh đề chung cho quyển sách là “Một Cõi Đi Về”. Vì chúng tôi thiết nghĩ, cõi đời có muôn vạn nẻo nhưng lối về nguồn chơn thì chỉ có một. Giống như trăm sông, ngàn suối tuôn chảy mỗi hướng có khác nhau, nhưng tất cả cũng đều chảy chung về biển cả. Nói cách khác, đứng về mặt hiện tượng sự tướng thì vạn pháp có ra muôn ngàn sai khác, nhưng bản thể thì chỉ có một. Đó là ý nghĩa của câu nói: “Vạn vật đồng nhứt thể hay vạn pháp quy nhứt”.
29/05/2014(Xem: 4386)
Suốt gần hai tuần đầu tháng Năm, những luồng gió quỷ (1) từ các hốc núi xa, liên tục quét qua rừng, thốc vào đồng bằng và đô thị, rồi tuồn ra đại dương. Những ngọn gió khô khốc, làm biến đổi khí hậu cả một địa vực rộng lớn. Một vài nạn cháy rừng xảy ra, lan vào một số gia cư trên các đồi cao.
15/05/2014(Xem: 7025)
Hôm nay ngày giỗ của Ba tôi, tự dưng lòng tôi thèm viết một chuyện gì đó về Ba tôi…như nhà văn Võ Hồng thường khuyên mọi người nên viết lại những kỷ niệm sinh hoạt của cha, của mẹ mình, những kỷ niệm mà mình nhớ hơn hết, đáng nhớ hơn hết…để nhân ngày k?giỗ của cha mẹ, tập trung về, cùng đọc, cùng nghe, cùng xúc động, hồi tưởng công ơn. Con cháu sẽ có dịp sống lại không khí đại gia đình, con nhớ thương cha mẹ, cháu gần gủi, quý trọng ông bà!
24/04/2014(Xem: 4163)
Tôi chợt ngộ ra. Cái ông mà chuyện gì cũng biết, rành rẻ mọi sự đời, mà ông bạn mới quen tôi nói có tên là ông Google. Tôi biết ông, biết rành nữa là khác. Ông từng là ân nhân của tôi trong nhiều trường hợp, nhưng mà tôi cũng ớn ông ấy lắm.
24/04/2014(Xem: 3696)
Tập truyện của 8 tác giả: Cộng tác viên của Báo Viên Giác. Đều là những Phật tử có Pháp danh và nhiều chị xuất thân từ nhà giáo. Sách trình bày đẹp trên giấy hoàng kim. Kỷ thuật bởi Hoa lan-Thiện giới. Tranh bìa và phụ bản: Trần Thị Hương Cau. Trình bày bìa: Gia Khánh. Viết Lời Giới Thiệu Thầy Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác. Viết “Thay Lời Tựa” bởi Đạo hữu Phù Vân Chủ Bút Báo Viên Giác.
02/04/2014(Xem: 16630)
Kim Dung đã tìm đến Kinh Phật để mong lý giải nguyên nhân cậu con trai Tra Truyền Hiệp tự tìm đến cái chết khi chưa tròn 20 tuổi. Kim Dung, tên thật Tra Lương Dung, là nhà văn đương đại nổi tiếng Trung Quốc. Ông được đông đảo độc giả hâm mộ bởi hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ… Kim Dung được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp.
29/03/2014(Xem: 15811)
Trời đất mênh mang sương khói, một thời thơ trẻ dại, bàng bạc nắng quái u buồn nơi quê nhà giữa hai đầu biển núi lung linh. Sinh năm 1952 ở Quán Rường, Tam Kỳ, thuộc tỉnh Quảng Nam, một chốn miền “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu hồng đào chưa nhấm đà say” ấy, Nguyễn Lương Vỵ lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học. Từ thuở nhỏ vốn bẩm sinh có năng khiếu làm thơ, đặc biệt được ông nội ( nguyên là một nhà Nho, có thời kỳ làm chánh tổng ) trực tiếp truyền dạy các loại thơ tứ tuyệt, Đường luật, nên biết mần thơ ngay từ lúc 12, 13 tuổi, thuở còn chạy rông chơi bên mấy cổ tháp rêu phong Chiên Đàn, cạnh dòng sông Tam Kỳ và bãi biển Tam Thanh xanh biếc mộng.
24/03/2014(Xem: 27655)
Nói đến chùa Thiên Ấn không ai còn lạ về ngôi chùa này, một thắng tích được xem là “đệ nhất thắng cảnh„ cách trung tâm 3,5km (độ 10 phút xe hơi) nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc của thành phố Quảng Ngãi.
18/03/2014(Xem: 15847)
Trong văn học Trung Hoa, từ thời đại xa xưa, Chu Hy cho rằng “nhân chi sơ tính bản tĩnh”. Từ “bản tĩnh”, do cảm xúc của dục tính mà “tĩnh” chuyển sang “động”. Và một khi tâm đã động thì trí sẽ vận dụng đến suy tư, khi đã suy tư thì phải thốt lên bằng tiếng nói.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]