Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc Tuyển Tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh”

30/07/201717:48(Xem: 5112)
Đọc Tuyển Tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh”

Dao Van Binh






Đọc Tuyển Tập
“Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh”

 

Nguyên Giác

 

Có cách nào nói ngắn gọn về tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” của tác giả Đào Văn Bình? Hình như không thể nói kiểu đơn giản cho dễ nhớ, vì sức quyến rũ rất lạ kỳ; nơi đây độc giả khi mới đọc qua vài trang là sẽ được thu hút vào một thế giới rất riêng –văn phong rất cư sĩ như một Bồ tát vào đời, rất yêu nước đằm thắm để quên những nỗi đau tư riêng, rất thâm sâu như nhìn suốt hết những uẩn khuất trong lòng người, và rất ẩn mật trong một cõi tâm linh ẩn sĩ.

Khi nhà văn Đào Văn Bình viết về Đạo Phật, những dòng chữ thoạt như rất đời thường của ông hiển lộ trên trang giấy đẹp như thơ. Khi viết về đất nước, ông đứng nhìn vượt qua những cột cờ của nhiều thế kỷ và nhiều chế độ để thấy một dòng chảy sinh động từ ải Nam quan tới mũi Cà Mau. Khi viết về cuộc sống, ông từ tốn nói về phước đức đi lễ chùa, xây nhà thương, mở cô nhi viện, và về tinh yêu hóa giải các đau đớn trong đời. Khi viết về tâm linh, ông làm cho độc giả thấy rõ pháp ấn vô thường hiển lộ trên dòng văn với hình ảnh tóc xanh chuyển sang tóc trắng, khi hoa nở úa tàn dần, và sẽ thấy cách Đào Văn Bình mời gọi tịnh hóa thân khẩu ý rất đơn giản nhưng cực kỳ vi diệu ở từng suy nghĩ, từng lời, từng hành động trong đời thường.

Đây là một tuyển tập thích hợp với mọi thành phần độc giả, mọi lứa tuổi, và đọc hoài vẫn thấy như rất mới.

 

oOo

 
daovanbinh


Tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” của Đào Văn Bình do Annada Viet Foundation xuất bản, dày 560 trang, đang phát hành trên mạng Amazon, gồm 52 bài viết.

Tiểu sử sơ lược của tác giả như sau.

- Đào Văn Bình sinh năm 1942 tại Hải Phòng, quê cha đất tổ ở Khúc Thủy, Hà Đông.

- Năm 1954 theo cha mẹ vào Nam.

- Tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa- Đại Học Luật Khoa Sài Gòn năm 1966.

- Tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh – Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1968.

- 1973-1975: Phó Tỉnh Trưởng các Tỉnh Quảng Ngãi và Kiến Hòa.

- 1984 vượt biển đến Mã Lai.

- Định cư vào San Jose, California từ năm 1985.

- 18 năm làm việc cho Học Khu Oak Grove School District, San Jose, California.

- Về hưu năm 2007 và tập trung vào các đề tài Phật Giáo và Chính Trị Thế Giới.

- Sự  nghiệp viết văn: Đã xuất bản 8 tác phẩm văn chương bao gồm: Thơ, Trường Thi, Hồi Ký, Truyện Ngắn, Truyện Dài, Kịch. Dịch toàn bộ tác phẩm Chuột và Người (Of Mice and Men) của John Steinbeck. Bản dịch được đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong năm 1996.

Nhà văn Đào Văn Bình tâm sự, rằng đây là cuốn sách về Phật Giáo duy nhất của đời ông, gồm những bài viết khoảng năm 1980 khi, theo lời ông, “tôi bỗng gặp được Ông Phật ở trong tù. Qua Mỹ tôi vẫn tiếp tục viết về Phật Giáo, mạnh nhất là thập niên 1990, mãi tới nay mới hoàn thành, tính ra cũng khoảng hơn 20 năm. Một số bài đã được đăng trên Thư Viện Hoa Sen. Tôi viết dưới dạng hơi “phóng túng” pha chút “văn chương” đôi khi là Thơ nhưng tuyệt nhiên không dám xa rời Chánh Pháp.”

 

oOo

 

Bài đầu tiên trong tuyển tập là “Mái Chùa Trụ Cột Hồn Dân Tộc” – trong đó, là lời mời gọi:

“...nếu không phục hồi lại khí phách và tâm linh dân tộc thì không thể nào đoàn kết để đối đầu với những cuộc xâm lăng của đủ thứ loại ngọai bang, công khai cũng như ngấm ngầm dưới mọi hình thức.” (trang 2)

 

Nhưng tâm linh dân tộc là gì?

“Đối với người Việt Nam, tâm linh của dân tộc rất linh thiêng nhưng không huyền bí. Nó không huyền bí vì nó không dựa vào Thần Linh. Đó là niềm tin vào giáo lý của Đức Phật bằng xương bằng thịt, rồi từ đó rút ra những giá trị đạo đức cao nhất, rồi chan hòa trong cuộc sống qua một thời gian rất dài rồi trở thành truyền thống dân tộc.” (tr.3)

 

Trong đó, chùa là:

“Còn Ngôi Chùa là nơi thờ Phật và hiển nhiên là biểu tượng tâm linh của dân tộc.” (tr.4)

 

Tác giả nói chi tiết thêm, rằng chùa là nơi giải oan cho bất kỳ oan nghiệt nào, rộng mở cho bất kỳ dị biệt nào, cứu khổ độ sanh cho bất kỳ chúng sinh nào, giúp cô nhi và dân nghèo cho bất kỳ hoàn cảnh gian nan nào... (tr. 5-6).

 

Bài cuối trong tuyển tập là bài "Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài" -- nơi đây, Đào Văn Bình viết như lời người anh dặn dò người em. Trước tiên, tác giả nói về lý của chữ Tâm trong nhà Phật:

 

“Cũng không cần phải tuân theo lời răn dạy của bất kỳ một tôn giáo nào mới có chữ Tâm. Chữ Tâm thuộc về tiên nghiệm chứ không thuộc về hậu nghiệm. Chữ Tâm hay cái Tâm nó nằm tràn đầy ở khắp hư không. Nó có cả ở trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai. Nó “bất sinh, bất diệt, bất tịnh, bất cấu, bất tăng, bất giảm.”  Nó chính là Phật tánh của chúng sinh. Nó cũng chính là Trí Tuệ Bát Nhã vậy.

Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng nếu được chỉ bảo và tu dưỡng thì chữ Tâm sẽ được bảo bọc giữ gìn, tức không bị lu mờ, sẽ sáng tỏ giống như tấm gương được lau chùi. Song điều đó không có nghĩa là phải có giáo dục thì chữ Tâm mới hiển lộ.”(tr. 350, 351)

 

Tác giả nhắc tới các chữ "bất" trong Bát Nhã Tâm Kinh. Đó là nhìn từ Bắc Tông.

Khi nhìn từ Nam Tông, sẽ thấy trong Tạng Pali, ở Kinh AN 1.49-52 - Pabhassara Sutta,  cũng nói rằng Tâm này tiên nghiệm (có sẵn trước khi sinh ra), bị bụi tham sân si nhiễm vào, nhưng cũng thực sự là không hề bị nhiễm gì hết, mà chỉ tạm nhiễm thôi, vì nếu có thực nhiễm ô thì làm sao mà giải thoát ("Luminous, monks, is the mind. And it is defiled by incoming defilements. Luminous, monks, is the mind. And it is freed from incoming defilements.")

 

Đó là nói về lý, khi giải thích qua sự, Đào Văn Bình nói về Tâm là tấm lòng: ngay thẳng, cảm thông, tha thứ, bao dung, từ bi, biết an ủi, cởi mở, hy sinh, bố thí... Và ông viết:

“Nếu nội dung của chữ Tâm là như vậy thì tận cùng sâu thẳm của chữ Tâm cũng chính là chữ Tài. Cái tài thu phục nhân tâm, tài đem lại hạnh phúc, tình thương cho mình và cho muôn loài.” (tr. 352)

 

oOo

 

Gần như tất cả các bài viết của Đào Văn Bình vừa mang đặc tính uyên áo của giáo lý nhà Phật, vừa đưa ra những giải thích đời thường rất cụ thể.

Nhưng xuyên suốt tất cả các trang sách là chất thơ. Không mấy người viết văn xuôi mang nhiều chất thơ như thế. Và bạn có thể mở ra bất cứ trang nào của tuyển tập cũng thấy chất thơ.

Thí dụ, nơi đây sẽ trích phần đầu và phần cuối của bài “Hãy Sống Với Lòng Biết Ơn” (tr. 269, 271). Trong trích đoạn, sẽ thấy tác giả dùng câu ngắn xen lẫn câu dài để tạo ra âm nhạc, thích nghi với chủ đề, dùng hỉnh ảnh cụ thể chung quanh thay cho những ý tưởng trừu tượng để ngay cả các em thiếu niên cũng hiểu được. Nhà văn Đào Văn Bình mời gọi:

 

“Hãy biết ơn Mặt Trời đã cho ta sự sống.

Hãy biết ơn từng vạt nắng đang lung linh nhảy múa trong vườn để ta cảm nghiệm được sự ấm áp của thiên nhiên.

Hãy biết ơn Mặt Trăng kia đã cho ta bao đêm dài thơ mộng mà qua đó bao bài hát, bài thơ trữ tình nảy nở.

Hãy biết ơn từng con suối nhỏ để cho ta nghe được tiếng thủ thỉ của núi rừng.

Hãy biết ơn từng cơn gió nhẹ làm lòng ta tươi mát.

Hãy tạ ơn biển đã cho ta nguồn dinh dưỡng, từng chuyến viễn du đầy thi vị và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm làm phong phú hóa tình cảm của con người.

... ...

Hãy biết ơn cả tiếng gà gáy trong những buổi trưa hè, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng sáo diều ngân, tiếng trẻ nói bí bô, tiếng con sáo hót, tiếng ai hát đúm, hát dân ca, hát văn, hát ru, hát hò quan họ để thấy hồn Việt Nam thiêng liêng, bất tử.

Hãy cám ơn cây Đa đã cho ta bóng mát.

Hãy cám ơn cả cái Đình để xóm làng mở hội, văn hóa lưu truyền, gái trai hò hẹn.

Hãy cám ơn cả cái Miếu vì qua đó ta thấy các tiên hiền, liệt sĩ, danh nhân vẫn còn ở với chúng ta.

Hãy cám ơn mái Chùa đã đứng đó qua vài ngàn năm để lưu giữ hồn dân tộc.

Hãy cám ơn cả những chuyện thần tiên để con trẻ hay ăn chóng lớn, người già quên đi bao nỗi nhọc và gái trai nuôi bao mộng đẹp.

Hãy biết ơn tất cả dù là một hạ mưa, hạt cát, hạt muối, bó rau, miếng khoai, miếng cà, miếng sắn.

Hãy biết ơn và tạ ơn tất cả.

Lòng biết ơn là lòng Từ Bi là bài Kinh Sám Hối sâu xa và mầu nhiệm.

Kẻ sống với lòng biết ơn chính là kẻ sống với Chân Hạnh Phúc và là kẻ có tâm hồn cao thượng nhất.”

.

Có thể nói ngắn gọn, đây là một tập thơ bằng văn xuôi, viết để ngợi ca cuộc sống, nơi đó tác giả gắn liền với Phật giáo, đất nước và dân tộc. Tuyển tập này cần có trong mọi tù sách trường học và gia đình.

Độc giả ngoài Việt Nam tìm mua, xin vào trang https://www.amazon.com/ và gõ (không cần dấu tiếng Việt): “dao van binh” để mua.

Sách đã bán trên toàn cầu, mục tiêu nhằm gây quỹ cho Giải Văn Học Phật Giáo Ananda Việt Awards.

Độc giả trong Việt nam không mua trực tiếp được, nhưng có thể vào:

https://thuvienhoasen.org/a27591/gioi-thieu-hai-cuon-sach-tai-lieu-moi

và xem hướng dẫn nơi cuối bài về cách mua qua văn phòng dịch vụ ở các thành phố lớn ở VN.




dao van binh

TÌNH ĐỜI Ý ĐẠO
trong tuyển tập
ĐẠO PHẬT: ĐẤT NƯỚC, CUỘC SỐNG và TÂM LINH
của nhà văn Đào Văn Bình
 
Chúng tôi thật hân hạnh được nhà văn Đào Văn Bình yêu cầu nói vài lời giới thiệu tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh” của tác giả trong buổi lễ ra mắt ngày hôm nay. Lời đầu tiên chúng tôi xin được thưa với quý vị là sau khi đọc xong tác phẩm này thì người đọc mãi lâng lâng trong tình đời ý đạo qua văn phong trong sáng, nhẹ nhàng và chân thành của tác giả như nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã viết,
 
Kiếp trước đời sau tình vẫn một,
Thời gian xuôi gửi tiếc thương về.[1]
 
Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh” là một tác phẩm văn học hiện đại Phật giáo, qua đó tác giả thể hiện cảm hứng cá nhân bắt nguồn từ hiện thực xã hội mà xuyên suốt 355 trang giấy với 52 chủ đề trong ba phần Đất Nước, Cuộc Sống, và Tâm Linh đều nhất quán ươm đượm nội dung Phật lý thâm sâu qua hình ảnh giản dị trong cuộc sống của mỗi một con người chúng ta.  Tác giả nghĩ về quê hương đất nước, ưu tư về cuộc sống trong xã hội, và nhìn về những sinh hoạt tâm linh như một gắn bó cơ cấu giữa dân tộc Việt và Phật Giáo Việt tự ngàn xưa cho đến ngày nay và mãi đến ngàn sau.
 
Tác phẩm trải dài qua 52 chủ đề với Phần I về Đất Nước có 6 chủ đề, Phần II về Cuộc Sống có 18 đề tài, và Phần III về Tâm Linh gồm 28 bài viết.  Vì thời gian quá ít nên mỗi Phần sẽ được trưng dẫn một đề tài như là một hình ảnh tiêu biểu của Phần đó trong tác phẩm.
 
I.- Bài viết đầu tiên trong Phần I về Đất Nước là “Mái Chùa Trụ Cột Hồn Dân Tộc.”Cùng một đề tài này, cố Hòa thượng Thích Mãn Giác đã viết bài thơ thật cảm động.
 
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung, 
Mái chùa che chở hồn dân tộc, 
Nếp sống muôn đời của tổ tông.[2]
 
Và nhà văn Phạm Phú Minh đã viết bài bút ký “Chùa Là Cái Thiện Của Làng” thật văn chương, nhưng “Mái Chùa Trụ Cột Hồn Dân Tộc” của tác giả Đào Văn Bình mới thật là tha thiết tình đời nghĩa đạo, mới gắn bó tình tự quê hương, đất nước, dân tộc và Đạo Pháp hòa vào nhau thành một khối trải dài qua lịch sử hơn hai ngàn năm, khởi nguyên từ trung tâm Phật Giáo Luy Lâu trước Tây Lịch những hơn một thế kỷ như nhà thơ Trần Nguyên Liêm đã viết,
 
Hãy ngoảnh nhìn dãy đất Việt Nam,
Một dãy giang sơn mà Phật lý vẫn trường kỳ,
Cho đến ngày nay hằng bao thế kỷ,
Cho đến cỏ cây thấm nhuần Phật lý. [3]
 
Tác giả Đào Văn Bình đã ghi lại hình ảnh sinh hoạt trong xã hội Việt Nam qua văn hóa truyền thống đượm tình người, không duy linh, không duy vật mà vạn sự khởi từ tâm là bản sắc dân tộc, “Tất cả những gì nói trên, những sinh hoạt của Đình, Chùa, Miếu, Đền của làng quê Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa từ mấy ngàn năm để trở thành bản sắc dân tộc …”(tr. 4)
 
Chùa không những là nơi sinh hoạt tâm linh mà chùa còn là nơi gặp gỡ của thanh thiếu niên nam nữ như là thiên duyên tiền định của những mối tình trong sáng ngọc ngà như bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp.  Tác giả viết, “Chính vì thế mà Hội Chày Chùa Hương là một hội lớn của dân tộc, giống như những cuộc hành hương về Mecca mỗi năm của hàng triệu người Hồi giáo.
 
Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương,
Cùng thầy mẹ em dậy,
Em vấn đầu soi gương.” (tr. 7)
 
II - Bài viết đầu tiên trong Phần II về Cuộc Sống là “Những Khác Biệt Văn Hóa Đông Tây.”  Với kinh nghiệm của một nhà hành chánh tại Việt Nam và kinh nghiệm của một nhà giáo tại Hoa Kỳ, nhà văn Đào Văn Bình đã đưa ra 41 tình huống như là các trường hợp điển hình về sự cư xử khác biệt giữa Đông Phương và Tây Phương, giữa người Việt và người Mỹ để so sánh nhằm giúp người Việt chúng ta dễ nhận ra nguyên nhân của những khác biệt và để điều chỉnh tác phong thích hợp trong môi trường sinh sống mới của xã hội Tây Phương khi sự điều chỉnh là thật sự cần thiết.
 
Tác giả Đào Văn Bình viết, “Do bối cảnh địa lý, kinh tế, văn minh, triết lý và ảnh hưởng tôn giáo khác nhau, mỗi xã hội có một nền văn hóa khác nhau.  Một nền văn hóa có thể thích hợp cho nước này nhưng chưa hẳn tốt lành cho xứ khác.”(tr. 73)
Nhưng tại sao lại có tác phong và thái độ khác nhau giữa người Đông Phương và người Tây Phương như thế?  Tác phong khác nhau đó khởi xuất từ quan niệm của mỗi dân tộc về năm giá trị văn hóa dẫn đạo (value orientations) trong hệ thống giá trị văn hóa thường được gọi là tín niệm hệ (cultural value system) sau đây.
 
Người ta quan niệm thế nào về bản tính con người (human nature), về tương quan giữa con người và thiên nhiên (man-nature relation), về thời gian và không gian (time and space), về hoạt động cá nhân (activity), và về tương quan giữa người và người (relational orientation)?[4]
 
Trong khi người Mỹ cho rằng bản tính con người là xấu nhưng có thể cải thiện được thì người Việt cho rằng bản tính con người là tốt nhưng có thể trở nên xấu do môi trường sinh hoạt; cũng vậy, người Mỹ chinh phục thiên nhiên, người Việt thuận theo thiên nhiên để hình thành hoạt động thích hợp; người Mỹ xem thời gian rất chặt chẽ, và không gian rất rộng lớn nhưng người Việt thì xem thời gian rất rộng rãi mà không gian thì rất hạn chế.
 
Cơm vua, ngày trời; đi trễ, về sớm … .
Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn… .
 
Người Mỹ sống thành thật với chính mình (being), và thực hiện (doing) như là mục đích của cuộc sống qua các thành ngữ “getting things done”, “let’s do something about it” thì người Việt sống để trở hành (being-in-becoming), sống tự chế (self-control), sống như là một mẫu mực cho con cháu.
Tương quan giữa người và người của người Mỹ là tôn trọng, bình đẳng, tranh đua trong công bằng, thương người và thương súc vật trong tinh thần bác ái của Thiên Chúa Giáo; người Việt thì tôn ti trật tự, tôn lão kính trưởng, hài hòa, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười, ở hiền gặp lành, hiếu với cha mẹ, thảo với anh chị em và thầy bạn, và thương người, thương động vật, thương thực vật trong tinh thần từ bi của Phật Giáo …
 
Trong bối cảnh khác biệt văn hóa giữa người Mỹ và người Việt như thế thì tác giả Đào Văn Bình đã đưa giáo lý từ bi, bình đẳng, tứ diệu đế và bát chánh đạo của Đức Phật đến mọi gia đình người Việt như là một mô thức sinh hoạt thiện lành để cha mẹ hướng dẫn và dạy dỗ con cháu của họ.
 
III - Bài viết cuối cùng trong Phần III về Tâm Linh và cũng là bài thứ 52 cuối cùng của tác phẩm là “Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài.”  Đọc đến bốn trang cuối của tuyển tập này thì tôi lại càng cảm mến và thán phục nhà văn Đào Văn Bình hơn nữa qua lời nhắn nhũ khép lại quyển sách bằng hai câu thơ của cụ Tiên Điền vô cùng từ ái và liễu nghĩa.
 
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
 
Bằng một cách viết đơn giản, nhà văn Đào Văn Bình đã trình bày thật dễ hiểu một phạm trù triết học khó nhất, căn bản nhất, rốt ráo nhất của Phật học ở bình diện học thuật và của Phật Giáo ở bình diện sinh hoạt tâm linh và tôn giáo.
 
Với truyền thống văn học Bắc truyền thì Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Suramgama) tập trung giảng giải cái Tâm của con người, và từ cái Tâm thì con người mới có Thức là sự thấy biết, nghe biết, nếm biết, ngửi biết, nhận biết và hiểu biết. Nhưng cái Tâm ở trong, ở ngoài, ở trên, ở dưới, ở trước, ở sau cái căn (như nhãn căn là con mắt) hay ở giữa cái căn và cái trần (như nhãn trần là đối tượng của con mắt).  Tâm ở đâu và Tâm có từ bao giờ?
 
Với truyền thống văn học Nam truyền thì Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) ghi lại lời Đức Phật thuyết giảng về Tâm.  Đức Phật Ngài dạy: “Nầy các Tỳ Kheo, tâm là tính tỏa sáng.  Và tâm bị lu mờ bởi phiền não bám vào.”
Nầy các Tỳ kheo, tâm là tính tỏa sáng.  Và tâm được giải thoát khỏi phiền não.”
(Luminous, monks, is the mind.  And it is defiled by incoming defilements. [I,v,9].  Luminous, monks, is the mind. And it is freed from incoming defilements. [I,v,10])
Ngài giảng rất rộng về Tâm, Tâm như một chiếc gương soi hay như một thau nước mà người nữ có thể soi vào để thấy mặt bị dơ thì đi rửa nhưng gương và thau nước vẫn có thể bị dơ thì trước khi soi phải lau sạch gương hay phải để lắng bụi trong nước xuống thì mới soi được … .  Tâm cũng vậy, phải để Tâm lắng xuống thì Tâm mới tỏa sáng được.
 
Để hiểu về Tâm là một việc rất khó thế mà qua ngòi bút của nhà văn Đào Văn Bình thì Tâm là lãnh vực có thể hiểu được vì “Chữ Tâm thuộc về tiên nghiệm chứ không thuộc về hậu nghiệm.  Chữ Tâm hay cái Tâm nó nằm tràn đầy ở khắp hư không.  Nó có cả ở trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai.  Nó “bất sinh, bất diệt, bất tịnh, bất cấu, bất tăng, bất giảm.” [5]  Nó chính là Phật tánh của chúng sinh. Nó cũng chính là Trí Tuệ Bát Nhã vậy.” (tr. 350-51)
 
Tâm vì thế, theo tác giả, mang nội dung lòng trắc ẩn, ngay thẳng, thành thật, cảm thông, tha thứ, bao dung, chia xẻ, giúp đỡ, từ bi, hỷ xả, hy sinh, bố thí, v.v… .  Và đặc biệt, tác giả đã viết bài “Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài” này với hình thức một lá thư gửi cho người hiền nội “ Em yêu dấu”, như là một lời nhắn nhũ đầy yêu thương của một người chồng lương hảo dành riêng lời tâm tình cho người vợ hiền đầy yêu thương của mình.  Một lá thư phân biệt rạch ròi thế nào là chân tâm và thế nào là vọng tâm mà không phải bận tâm “vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?”
 
Kính thưa quý vị,
 
Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã nhận xét tác phẩm này thật sâu sắc như sau, “Khi nhà văn Đào Văn Bình viết về Đạo Phật, những dòng chữ thoạt như rất đời thường của ông hiển lộ trên trang giấy đẹp như thơ.  Khi viết về đất nước, ông đứng nhìn vượt qua những cột cờ của nhiều thế kỷ và nhiều chế độ để thấy một dòng chảy sinh động từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau.  Khi viết về cuộc sống, ông từ tốn nói về phước đức đi lễ chùa, xây nhà thương, mở cô nhi viện, và về tình yêu hóa giải các đau đớn trong đời.  Khi viết về tâm linh, ông làm cho độc giả thấy rõ pháp ấn vô thường hiển lộ trên dòng văn với hình ảnh tóc xanh chuyển sang tóc trắng, khi hoa nở úa tàn dần, và sẽ thấy cách Đào Văn Bình mời gọi tịnh hóa thân khẩu ý rất đơn giản nhưng cực kỳ vi diệu ở từng suy nghĩ, từng lời, từng hành động trong đời thường. Đây là một tuyển tập thích hợp với mọi thành phần độc giả, mọi lứa tuổi, và đọc hoài vẫn thấy như rất mới.”

Tác phẩm “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh” của nhà văn Đào Văn Bình do Annada Viet Foundation xuất bản.  Độc giả có thể đặt mua sách qua https://www.amazon.com/ và gõ “dao van binh” (không cần dấu tiếng Việt).
Sách đã bán trên toàn cầu, mục tiêu nhằm gây quỹ cho Giải Văn Học Phật Giáo Ananda Việt Awards.
Độc giả trong nước Việt nam không mua trực tiếp được, nhưng có thể vào:
https://thuvienhoasen.org/a27591/gioi-thieu-hai-cuon-sach-tai-lieu-moi 
và xem hướng dẫn nơi cuối bài về cách mua qua văn phòng dịch vụ ở các thành phố lớn ở Việt Nam.
 

Nguyên Toàn Trần Việt Long
 
(California ngày 29/7/2017)



[1]Vũ Hoàng Chương,Vân Muội (thơ)
 
[2] Thích Mãn Giác,Nhớ Chùa (thơ)
[3] Trần Nguyên Liêm,Phật giáo Việt Nam (thơ)
[4] Florence R. Kluckhohn and Fred L. Strodtbecck, Varieties in Value Orientations (Evanston: Peterson and Company, 1961), pp. 4 & 63.
[5] Bát Nhã Tâm Kinh.

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/06/2024(Xem: 3114)
Trong lúc dọn dẹp lại thư viện kinh sách bé nhỏ của mình, người viết vừa nâng niu, vừa bâng khuâng xao xuyến khi nhìn kỹ lại hơn 50 tác phẩm được biên soạn bằng chính năng lực, trí tuệ của quý danh tăng của thế kỷ 20 -21 đã ký tặng( mà người viết cho đấy là sách giáo khoa hàn lâm về Phật Giáo ) với những dòng chữ thật trân quý đầy tinh thần nhân văn cao cả của lý tưởng, lại mang đậm các giá trị đạo đức truyền thống trong Phật Giáo mà trong suốt đời tu học, khoảng 10 năm gần đây người viết mới được tiếp xúc những bậc hiền triết này.
15/06/2024(Xem: 1433)
Sau khi bang Niedersachsen của ông Tiến sĩ Albrecht thu nhận hơn 1.000 thuyền nhân từ chiếc tàu Hải Hồng, phân phối đi các vùng trong bang nhưng đông nhất vẫn là thành phố thủ phủ Hannover. Các thuyền nhân tỵ nạn này vừa từ cõi chết đi lên, nên rất cần một chỗ dựa cho tâm linh. Sau chuyến vượt biên thoát nạn, họ đã cầu nguyện Đức Mẹ Maria cứu vớt nếu là người Công giáo. Còn Phật giáo họ sẽ niệm Mẹ hiền Quán Thế Âm, hai hình tượng đã in sâu vào tâm thức, họ tin chắc hai Vị này đã ra tay cứu độ đưa họ đến bến bờ bình yên.
12/06/2024(Xem: 758)
Lời người chuyển ngữ: Thông thường khi nói đến ngồi thiền hay thực hành chánh niệm chúng ta lập tức nghĩ đến việc ngồi yên, ngồi một cách nghiêm trang và chú tâm vào hơi thở hay những cách khác (tùy theo phương pháp chỉ – quán…). Tuy nhiên chúng ta cũng nghe đến tứ oai nghi đi – đứng - nằm – ngồi, nghĩa là ta có thể giữ chánh niệm trong mọi hoàn cảnh và tư thế, điều này phụ thuộc vào năng lực, ý chí của mỗi cá nhân. Trong lá thư gởi độc giả của tạp chí Lion’s Roar (Sư Tử Hống), ngày 51/05/24 có đề cập đến việc ứng dụng và thực hành chánh niệm trong sự di chuyển động, trong lá thư này có dẫn lời của Francis Sanzaro một nhà leo núi chuyên nghiệp và cũng là một Phật tử đã áp dụng chánh niệm trong việc leo núi. Việc ứng dụng chánh niệm trong sự vận động hàng ngày đôi khi tôi cũng có chút xíu kinh nghiệm. Tôi thường chạy bộ, bơi lội… và giữ chánh niệm và cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn là khi ngồi nghiêm trang trước bàn thờ Phật. Tôi nhận thấy mọi người ai cũng có thể áp dụng thực hành chán
12/06/2024(Xem: 736)
Sống ở đời, mọi người chúng ta ai ai cũng đã từng ít nhất một lần buộc miệng than: “Sao khổ vậy trời? Sao khổ thế này?”. Khổ là bản chất của đời sống hiện hữu, khổ là tất yếu vì sự thay đổi của vô thường. Đã sanh làm người, đã sống trong đời thì không thể tránh khỏi khổ, cho dù đó là tỷ phú cực giàu, tổng thống cực quyền hay là kẻ ăn mày khố rách áo ôm. Khổ có vô vàn nhưng chung quy lại không ngoài: Sanh, già, bệnh, chết, muốn mà không được, thương phải chia lìa, ghét phải chung đụng, thân và tâm đầy phiền não như lửa cháy. Khổ vì sanh – tử là điều bất khả kháng, khổ vì những ác nghiệp đã chín muồi thì cũng không thể tránh được, duy cái khổ của sự mong cầu, ham muốn, thèm khát là điều mà chúng ta có thể làm giảm thiểu hoặc tránh được.
04/06/2024(Xem: 938)
Ta lên núi, học làm Tiên nhẫn nhục, Mặc thói đời nhân ngã với thị, phi! Mây có hẹn, mà quên về cũng được, Gió có lay, trăng nghiêng ngã hề chi!
02/06/2024(Xem: 1336)
Một trong những lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ thường được đời sau nhắc tới là hãy phản quan tự kỷ. Đó là pháp yếu Thiền Tông. Nghĩa là, nhìn lại chính mình. Câu hỏi chúng ta nêu ra nơi đây là, phản quan tự kỷ thế nào?
30/05/2024(Xem: 937)
Đại Trí Độ Luận nói: “Biển cả Phật pháp, tin thì vào được”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín làm tay. Như người có tay, đến nơi trân bảo, tùy ý nhặt lấy. Nếu người không tay, chẳng được thứ gì”. Cũng có câu: “Vừa vào cửa tín, liền lên Tổ vị”. “Mũi Tên Xuyên Vách” ra đời góp một niềm tin nhỏ cho người sơ cơ, chắc không tránh khỏi lỗi lầm. Rất mong bạn đọc bốn phương bổ chính để được tốt hơn trong những lần tái bản tới. Xin thành thật tri ân.
24/05/2024(Xem: 9077)
Hình ảnh Thầy Minh Tuệ xuất hiện trên các mạng xã hội y hệt như một trận bão truyền thông, làm dâng tràn những cảm xúc và suy tưởng. Những bước chân đơn độc của Thầy đã đi bốn vòng đất nước trong nhiều năm qua, để tu hạnh đầu đà là điều khó làm, không phải ai làm cũng được. Một hình ảnh chưa từng nhìn thấy, dù là trong tiểu thuyết hay phim ảnh: hàng trăm người dân, có khi hàng ngàn người dân, cùng ra phố bước theo Thầy, lòng vui như mở hội, niềm tin vào Chánh pháp kiên cố thêm.
17/05/2024(Xem: 738)
Bảo rằng mới, ừ thì là mới nhưng thật sự thì tháng năm đã từ vô thủy đến giờ. Tháng năm là tháng năm nào? Năm nào cũng có tháng năm, nếu bảo mọi tháng đều là tháng năm thì cũng chẳng sai. Năm, tháng, ngày, giờ… là cái khái niệm con người chế ra, tạm gọi là thế, tạm dùng để đo, đếm cái gọi là thời gian. Bản thân thời gian cũng là một khái niệm như những khái niệm dùng để đo lường nó. Bản chất thời gian là gì thì ai mà biết, nó vốn vô hình, vô tướng, vô trọng lượng, vô sắc, vô thanh… Nó không đầu không cuối và dĩ nhiên cũng không thể nào biết đâu là chặng giữa. Con người, vạn vật muôn loài và thế giới này có hình thành hay hoại diệt thì nó vẫn cứ là nó. Nó chẳng sanh ra và cũng chẳng mất đi.
17/05/2024(Xem: 1611)
Phần này ghi lại vài nhận xét về bản chữ quốc ngữ Sấm Truyền Ca và Lập Quốc Kinh, qua lăng kính của chữ quốc ngữ từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm đồng thời. Rất tiếc là chưa tìm ra bản Nôm Sấm Truyền Ca hay Lập Quốc Kinh, do đó bài này phải dựa vào các dạng chữ quốc ngữ viết tay còn để lại. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]