Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

- Chén Trà Tào Khê (Tác giả: Thích Nguyên Tạng; Diễn đọc: Cư sĩ Diệu Danh)

07/07/201404:14(Xem: 32029)
- Chén Trà Tào Khê (Tác giả: Thích Nguyên Tạng; Diễn đọc: Cư sĩ Diệu Danh)


chen tra tao khe

Chén Trà Tào Khê
Tác giả: Thích Nguyên Tạng
 Diễn đọc: Cư sĩ Diệu Danh
 Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước






Uống trà là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Á Đông theo phương châm “Bình minh nhất trản trà". Cách đây hàng ngàn năm, con người đã biết đến trà như một loại nước uống mang lại sự sảng khoái, thanh khiết cho tinh thần, là cách để khai tâm mở trí. Người ta xem chén trà là đầu câu chuyện, là gợi mở tâm linh, là giao thoa văn hóa và kết nối lòng người.


Mỗi buổi khuya, trước giờ công phu, thị giả dâng đến chư Tôn Đức những chén trà đạo vị của Trường Hạ Quảng Đức Úc Châu, khiến tôi nhớ đến mùi thơm của chén trà Tào Khê năm nào. Trong nhà Thiền ai cũng từng nghe qua câu“Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn, Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ". Hay những cụm từ có tính cách kinh điển hóa như "ăn cơm Hương Tích", "uống trà Tào Khê", "ngồi thuyền Bát Nhã", "ngắm trăng Lăng Già".... Ở đây, trà Tào Khê là loại trà như thế nào? 



Tào Khê, vốn là một địa danh nổi tiếng trong Phật Giáo. Thuở ban đầu Tào Khê là tên của một dòng suối chảy trước Chùa Hoa Nam, thuộc núi Song Phong, Quận Khúc Giang, Thành Phố Thiều Quan, Tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Tương truyền vào năm 502 Tây lịch, một nhà Sư Ấn Độ tên là Trí Dược Tam Tạng đi thuyền sang Trung Hoa để truyền đạo. Khi thuyền đi ngang dòng Tào Khê, Ngài Trí Dược lấy tay vốc nước nếm thử, thấy thơm ngon, liền bảo:“Đầu nguồn suối này ắt có nơi đất tốt". Ngài liền ngược dòng tìm lên nguồn, mở núi dựng chùa, đặt tên là Bảo Lâm Tự (sau này đổi thành Hoa Nam Tự). Về sau, Ngài Huệ Năng, vị Tổ đời thứ sáu của Thiền Tông Trung Quốc, đến đây hoằng pháp, thổi một luồng gió mới cho đời sống tu hành của người đệ tử Phật với pháp tu đốn ngộ. Từ đó hàng triệu đệ tử Phật khắp nơi đã nhờ vào pháp tu của Ngài mà đạt đến hạnh phúc, an lạc, giác ngộ và giải thoát.


luc-to-hue-nang

Chính vì sự xuất hiện của Lục Tổ Huệ Năng ở Tào Khê mà cảnh trí ở nơi này đã trở thành Phật cảnh, y báo và chánh báo của suối Tào Khê và Chùa Nam Hoa đều viên mãn. Con người giác ngộ ở đâu thì cảnh vật nơi đó đều thay đổi, môi trường sống xung quanh trở nên mát mẻ và thanh thoát. Và cũng từ đó, nói đến Tào Khê là nói về Lục Tổ Huệ Năng và cõi giới tu hành của Ngài. Tào Khê đã trở thành một danh thắng tâm linh, là điểm đến của khách hành hương. Hiện nay có hàng vạn lượt người đổ về đây để chiêm bái mỗi ngày. Khách đến đây được đãi chén trà thơm lấy từ dòng suối Tào Khê trước Chùa, sẽ cảm thấy lòng mình an lạc sảng khoái đến lạ lùng. Chỉ cần được một ngụm trà Tào Khê rồi, hành giả sẽ không bao giờ có thể quên được hương vị độc nhất vô nhị của nó. Thật đúng như lời tự tình của một vị Thiền Sư “Đến đây rồi niềm vui khó tả trình, chỉ nhìn thấy nụ cười luôn hé nở". Và cũng từ đó, dòng suối Tào Khê được xem là tượng trưng cho dòng nước cam lồ có tác dụng tẩy sạch phiền não, nhiễm ô, xóa tan đi mọi bụi trần khổ đau của nhân thế.
tinh that tao khe-5



Tượng đài về biểu tượng Y-Bát của Lục Tổ Huệ Năng
do Sư Phụ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền lại, được tôn trí trước Tổ Đường
ở Chùa Nam Hoa, Quảng Châu, nơi phát tích dòng thiền Tào Khê

tt nguyen tang- luc to hue nang

TT Nguyên Tạng tại Điện thờ Lục Tổ Huệ Năng,
Chùa Nam Hoa Tào Khê, Quảng Châu, Trung Quốc





Trà Tào Khê thực sự là những giọt nước cam lồ mát dịu, một dòng suối từ bi chảy dài xuyên suốt qua bao thế kỷ, mang theo chất liệu mát ngọt của trí tuệ và từ bi để nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng của bao thế hệ nhân sinh. Hình ảnh chén trà Tào Khê trong cửa thiền của Tổ Huệ Năng lưu lại nét đẹp lung linh kỳ ảo, nhìn vào đó ta thấy tất cả cội nguồn tâm linh của quá trình dấn thân hành đạo của chư vị tiền bối, từ Phật Tổ Thích Ca; Sơ Tổ Ca Diếp; Nhị Tổ A Nan; Tổ 28 Ấn Độ và cũng là Sơ Tổ Trung Hoa, Bồ Đề Đạt Ma, rồi truyền xuống cho Huệ Khả; Tăng Xán; Đạo Tín; Hoằng Nhẫn và Huệ Năng.

Lục Tổ Huệ Năng (638-713) là người đắc đạo lúc chưa xuất gia, là vị Tổ thứ sáu của Thiền tông, là đệ tử truyền thừa của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngài họ Lô, sinh trong một gia đình nghèo, cha mất sớm nên không được đi học, lớn lên làm nghề bán củi để nuôi mẹ. Năm 22 tuổi, một ngày nọ, nhân đem giùm củi về nhà cho người mua, nghe lời Kinh của một người đang tụng, thấy hay, Ngài liền hỏi tụng Kinh gì, người đó bảo là Kinh Kim Cang, vì do đi lễ Chùa Đông Thiền ở Huyện Huỳnh Mai, xứ Kỳ Châu, nghe Tổ Hoằng Nhẫn giảng rằng nếu ai thọ trì Kinh Kim Cang thì sẽ thấy Tánh và thành Phật. Nhờ có nhân duyên từ kiếp trước, nên Ngài Huệ Năng đã được người giúp cho 10 lượng bạc để lo cho mẹ già, rồi Ngài an tâm lên đường để tìm đến Huỳnh Mai tu học. Đi bộ gần hai tháng trời mới đến nơi. Khi gặp Ngài, Ngũ Tổ hỏi: "Con là người phương nào, đến đây cầu việc gì?" - Huệ Năng đáp: "Con là người ở Lãnh Nam, đến đây chỉ cầu thành Phật" - Ngũ Tổ bảo: "Là người Lãnh Nam, giống người dã man, thành Phật thế nào được ?” - Huệ Năng thưa: "Con người tuy phân có Nam Bắc, nhưng Phật tánh nào có Bắc Nam?".

Qua cách đối đáp, Tổ Hoằng Nhẫn nhận ra ngay đây không phải là người thường, nhưng không truyền pháp ngay, cho xuống bếp làm công quả gánh nước, giã gạo... Hơn tám tháng sau, Ngũ Tổ thấy đã đến lúc phải truyền tâm ấn cho người kế thừa, nên tập chúng và ra lệnh cho chúng đệ tử mỗi người viết kệ trình bày sở chứng của mình. Lúc ấy chỉ có Thầy Thần Tú, một đệ tử lớn, tri thức xuất chúng, đã trình kệ:

"Thân thị Bồ đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.” 

Nghĩa là:
“Thân là cội Bồ đề,
Tâm như đài gương sáng,
Phải luôn nhớ lau chùi,
Chớ để dính bụi trần
.”

Ngài Thần Tú so sánh thân người như cây Bồ-đề và tâm người như đài gương sáng, người tu hành phải lo lau chùi, giữ tấm gương luôn luôn được trong sáng. Lúc ấy, Tổ Huệ Năng đang giã gạo trong bếp, nghe đọc bài kệ, biết người làm chưa tỏ ngộ đạo mầu, nên Ngài đã nhờ người khác viết bài kệ của mình như sau:

"Bồ-đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài,
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?”.

Nghĩa là:
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi trần ?"
. 

Nghe bài kệ, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết Huệ Năng vượt hẳn Thần Tú, đã kiến tánh, nhưng sợ tổn hại đến Huệ Năng, nên nửa đêm gọi Ngài vào tịnh thất và thuyết trọn Kinh Kim Cang cho Ngài. Khi nghe đến câu "Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”: “Hãy nương nơi không có chỗ nương, mà khởi tâm kia". Tâm kia chính là tâm thanh tịnh, tâm giác ngộ, tâm giải thoát; có nghĩa là nếu để tâm mình dính mắc vào đối tượng nào đó thì mình bị ràng buộc, phiền não và khổ đau. Ngài Huệ Năng hoát nhiên đại ngộ và thốt ra bài kệ:“Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt, Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, Nào ngờ tự tánh vốn không dao động, Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn Pháp”. Ngũ Tổ liền truyền y bát cho Ngài và khuyên nên đi về phương 
Nam để hành đạo.

Tiếp đó, trong suốt 15 năm, Ngài Huệ Năng vẫn trong thân phận là cư sĩ, ở ẩn trong nhóm người thợ săn và tùy nghi thuyết pháp cho họ. Họ bắt Ngài giữ lưới, thấy có thú rừng lọt vào thì mở ra thả, đến bữa ăn thì Ngài phương tiện ăn rau luộc gởi trong nồi thịt của họ. Sau đó, cơ duyên đến, Ngài về chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, chứng kiến 2 vị Tăng tranh cãi quyết liệt, bất phân thắng bại về tấm phướn treo trước chùa. "Phướn động hay gió động?". Tổ Huệ Năng khai thị: "không phải gió động, cũng không phải phướn động, mà tâm các vị động", lúc ấy Thầy Trụ Trì Ấn Tông đến hỏi: "Nghe nói y pháp Huỳnh Mai đã truyền về phươngNam, phải chăng là hành giả đây?”. Lúc đó Ngài mới tự nhận mình là truyền nhân của Ngũ Tổ. Sư Ấn Tông tổ chức lễ thế phát cho Ngài và nhận Ngài làm Thầy.



Sau đó, Tổ Huệ Năng bắt đầu giáo hóa ở chùa Pháp Tánh, rồi về Chùa Bảo Lâm ở suối Tào Khê và thành lập Nam tông Thiền Phái, xiển dương pháp tu đốn ngộ, tức chứng ngộ ngay tức khắc, một sự nhảy vọt bất ngờ, mang tính trực giác, trong lúc Ngài Thần Tú chủ trương tiệm ngộ, pháp tu giác ngộ từ từ theo thời gian, dùng suy luận, tu tập theo chỉ dạy của kinh sách mà giác ngộ. Trong cuộc tranh chấp giữa hai phái đốn ngộ và tiệm ngộ, pháp môn của Tổ Huệ Năng đã chứng tỏ sinh lực của mình, sản sinh ra vô số Đại sư và trở thành truyền phái đích thật của Phật pháp tại Trung Quốc và truyền ra nước ngoài, còn phái của Ngài Thần Tú chỉ vài thế hệ sau là khô chết.

Sau đời của Tổ Huệ Năng, chén trà Tào Khê theo chân của các Thiền Sư truyền đến Việt Nam. Tại VN qua sự truyền thừa của Tổ Sư Minh Hoằng Tử Dung, khai sơn chùa Ấn Tôn, tức chùa Từ Đàm, Huế; Tổ Sư Minh Hải Pháp Bảo, khai sơn chùa Chúc Thánh, Quảng Nam; Pháp Phái Liễu Quán xuất phát từ Tổ Liễu Quán quê ở Phú Yên, đệ tử cầu pháp với Tổ Sư Minh Hoằng Tử Dung. Thiền Phái Lâm Tế Liễu Quán đã phát triển rực rỡ ở Huế, Nha Trang, Sàigòn và Lâm Tế Chúc Thánh qua sự giáo hóa của Tổ Minh Hải Pháp Bảo đã truyền trì và phát triển mạnh ở Hội An, Quảng Nam, Bình Định...



Pháp phái Lâm Tế Liễu Quán do Tổ Liễu Quán truyền theo bài kệ như sau:

"Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng, Tâm Nguyên Quảng Nhuận 
Đức Bổn Từ Phong, Giới Định Phước Huệ , Thể Dụng Viên Thông 
Vĩnh Siêu Trí Quả, Mật Khế Thành Công, Truyền Trì Diệu Lý 
Diễn Xướng Chánh Tôn , Hạnh Giải Tương Ưng, Đạt Ngộ Chơn Không”.



Pháp phái Lâm Tế Chúc Thánh do Tổ Minh Hải khai sáng được truyền thừa thứ tự theo bài kệ truyền pháp ở Quảng Nam như sau:

傳 法 名 偈

明 實 法 全 彰

印 真 如 是 同

祝 聖 壽 天 久

祈 國 祚 地 長.

Truyền pháp danh kệ:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chơn Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu

Kỳ Quốc Tộ Địa Trường.

傳 法 字 偈

得 正 律 為 宗

祖 道 解 行 通

覺 花 菩 提 樹

充 滿 人 天 中.


Tuyền pháp tự kệ:

Đắc Chánh Luật Vi Tông

Tổ Đạo Giải Hạnh Thông

Giác Hoa Bồ Đề Thọ

Sung Mãn Nhơn Thiên Trung



Trong khi ở Bình Định, bài kệ này được truyền lại như sau:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chơn Như Thị Đồng

Vạn Hữu Duy Nhất Thể

Quán Liễu Tâm Cảnh Không

Giới Hương Thành Chánh Quả

Giác Hải Dũng Liên Hoa,

Tinh Tấn Sanh Phước Huệ,

Hạnh Trí Giải Viên Thông,

Ảnh Nguyệt Thanh Trung Thủy,

Vân Phi Nhật Khứ Lai,

Đạt Ngộ Vi Diệu Tánh,

Hoằng Khai Tổ Đạo Trường”.

 

Trong khi đó ở miền Bắc Việt thì có Phái Thiền Tào Động, do các Ngài Tào Sơn Bản Tịch (840-901) và Động Sơn Lương Giới (807-869) sáng lập từ Trung Hoa truyền vào, nhiều chùa được tạo dựng như Chùa Trấn Quốc, Chùa Hòe Nhai để truyền bá Phật Pháp. Nhìn chung, cả 3 phái Thiền từ Trung Hoa sau thời của Ngài Huệ Năng, phái Tào Động ở Đàng Ngoài dưới thời Chúa Trịnh, hai phái Lâm Tế Liễu Quán và Lâm Tế Chúc Thánh truyền ở Đàng Trong dưới thời Chúa Nguyễn, về sau đều phát triển và ảnh hưởng rộng khắp trên toàn cõi VN, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau. Đặc biệt sau 1975, các dòng Thiền này được người con nước Việt truyền ra và phát triển mạnh ở Hoa KỳCanada, Âu Châu & Úc Châu. Mong rằng chư Tôn Đức Tăng Ni khi làm lễ quy y cho các đệ tử, nên đặt pháp danh theo các bài kệ truyền thống trên để gìn giữ mạng mạch truyền đăng tục diệm, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.

Chen Tra Tao Khe

Dòng suối Tào Khê cũng chảy xuống xứ sở Triều Tiên một cách mạnh mẽ, hiện tại tông phái Thiền sâu rộng nhất là Thiền phái Tào Khê (Jogye) được Thiền Sư Đạo Nghi (Myeongjeok Doui, 1301-1382), một Tăng sĩ Hàn Quốc nổi tiếng trở về từ Trung Hoa vào năm 1346 và lập nên Thiền phái này trong triều đại Tân La Thống Nhất (Unified Silla). Ngài cho rằng Thiền là một pháp tu tốt nhất để đạt tới giác ngộ. Những bộ kinh căn bản của Thiền phái này là Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bát Nhã, Kinh Kim Cang và Kinh Pháp Bảo Đàn. Có khoảng 1725 ngôi chùa là chi nhánh ở khắp trong và ngoài Triều Tiên, và có khoảng 10.056 Tăng Ni và khoảng gần 10 triệu Phật tử qui y theo phái Tào Khê này.

Bên cạnh Triều Tiên, dòng suối Tào Khê cũng chảy qua xứ hoa Anh Đào Nhật Bản vào thế kỷ thứ 9 từ Trung Hoa, tại đây hai Thiền phái Lâm tế và Tào Động đều ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của Lục Tổ Huệ Năng.

- Thiền phái Lâm Tế (Rinzai Sect): Do công khai sáng của Thiền Sư người Nhật Vinh Tây (Eisai, 1141-1215). Ngài xuất gia từ năm mười ba tuổi ở chùa An Dưỡng (Annyo) ở Kibitsu. Ngài đã đến Trung Hoa để học đạo trong hai lần, vào những năm 1168 và 1187. Lần sau cùng Ngài về đến Nhật vào năm 1191 và xây dựng chùa Shofuku ở Hakata. Ngôi chùa này được xem là ngôi chùa đầu tiên trên đất nước này. Năm 1215, triều đình Nhật xây dựng Chùa Kiến Nhân (Kennin-ji) tại Kyoto, Ngài được thỉnh về chứng minh Đạo Sư cho ngôi già lam này. Ngài cũng được xem là người có công trong văn hóa uống trà của Nhật, Ngài đã mang giống trà từ Trung Hoa về trồng ở Nhật. Vị Thiền Sư nổi tiếng của Thiền phái này về sau là Ngài Bạch Ẩn (Hakui Ekaku, 1685-1786) với những tác phẩm để lại cho đời. Ngày nay ở Nhật có 14 chi phái thuộc dòng Thiền này, tuy không hợp nhất về tổ chức, nhưng vẫn theo đuổi lý tưởng ban đầu của Tổ Sư Vinh Tây. Thiền Tào Động (Soto/Tsao-tung): Là một trong năm Thiền phái chính của Trung Hoa và là một trong mười ba Tông phái chính của PG Nhật. Đây là một Thiền phái kiểu mẫu như để so sánh với Thiền Lâm Tế. Nếu Lâm Tế thích ứng với giới thượng lưu trí thức, thì Tào Động lại gần gũi với tầng lớp bình dân. Thiền Tào Động được Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) khai sáng. Ngài Đạo Nguyên vốn là đệ tử của Tổ Vinh Tây, sau đó Ngài sang Trung Hoa du học và trở về Nhật Bản xây dựng Thiền phái này. Người kế thừa và làm lớn mạnh dòng Thiền này là Thiền Sư Suzuki Shosan (1579-1653). Hiện nay ngôi già lam chính của Thiền phái này là Chùa Tổng Trì (Soji-ji) ởYokohama do Thiền Sư Hành Cơ (Gyogi, 666-749) tạo dựng năm 1321.

Chen Tra Tao Khe2



Sự phát xuất của lá trà Tào Khê cũng lung linh kỳ tuyệt, đó là lá trà của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Năm xưa, lúc Ngài từ Ấn sang Trung Hoa để truyền đạo, vì chưa đến cơ duyên để khai thị cho Vua Lương Võ Đế, nên đã vào núi Thiếu Lâm để thiền tọa 9 năm, chờ đợi thời cơ, trong lúc thiền tọa Ngài ngủ gật, bực mình, Ngài đã đưa tay xé mí mắt của mình, vứt xuống đất, ngay tại đó, đã mọc lên một loại cây có lá xanh tươi, lấy lá đó nấu nước uống, tỉnh thức đến lạ kỳ, về sau người ta gọi đó là lá trà. Giờ đây chúng ta uống chén trà này, lá trà lấy từ Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma và lấy nước từ suối Tào Khê của tổ Huệ Năng, để tạo nên một chén trà tỉnh thức giác ngộ. Đó là một hình ảnh tuyệt mỹ lấp lánh có một không hai trên thế gian này.

Tóm lại, dòng chảy giác ngộ và tỉnh thức kia đã bắt nguồn từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn Ấn Độ, rồi chảy xuống Trường An, Lạc Dương, rồi nối kết với dòng suối Tào Khê ở Quảng Châu, rồi chia ra thành 5 nhánh (1. Lâm Tế, 2. Quy Ngưỡng, 3. Tào Động , 4.Vân Môn, 5. Pháp Nhãn), trong đó, có nhánh chảy qua Triều Tiên, Nhật Bản, có nhánh chảy vào Việt Nam, rồi lan truyền đến các quốc gia phương Tây. Dòng suối mát Tào Khê hiện đã chảy vào các vùng đất lạ ở trên toàn cầu như Trung Đông và Châu Phi. Dòng suối mát Tào Khê, chảy đến đâu đều mang lại đặc chất mát dịu, ngọt ngào và tỉnh thức đến đấy, ai đó có duyên may uống được ngụm trà Tào Khê này lập tức nhận ra đường đi lối về của nhân quả nghiệp báo, để rồi lo tĩnh tu giác ngộ và giải thoát./.

Viết tại Trường Hạ Quảng Đức kỳ 15, 2014

Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng


Tài liệu tham khảo:

- Kinh Pháp Bảo Đàn (HT Thích Duy Lực dịch, xuất bản 1992) (xem)
- Phật Giáo Khắp Thế Giới ( Thích Nguyên Tạng, xuất bản 2001) (xem)




***

Bát Cơm Hương Tích

Bài viết của TT Nguyên Tạng
Diễn đọc: Trọng Nghĩa - Mộng Lan


batcomhuongtich

Kính mời vào nghe bài này do anh chị Trọng Nghĩa-Mộng Lan diễn đọc:

youtube

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/07/2024(Xem: 1102)
Với truyền thống từ ngàn xưa “Khi đến tuổi trưởng thành phải dựng vợ, gả chồng”, phải “yên bề gia thất” mới được xem là một người có đời sống hoàn hảo, trọn vẹn, và dường như tư tưởng đó vẫn tồn tại đến tận ngày nay, dù xã hội đã được xem là văn minh tiến bộ, tư tưởng con người đã được khai phóng đi rất nhiều so với những thập niên về trước nhưng ẩn sâu đâu đó, trong suy nghĩ nhiều người vẫn giữ quan điểm không ủng hộ, thậm chí một người còn bị xem là dị biệt nếu chọn đời sống độc thân, không lập gia đình. Có người còn cho rằng khi không có vợ chồng con cái thì người đó không thể được xem là người có đời sống thật sự hạnh phúc.
22/07/2024(Xem: 936)
Bão bùng mưa gió rồi cũng qua đi, giọt xí thoát ra khỏi mọi hệ lụy của hình tướng ở thế gian này, không còn ràng buộc bởi bất cứ sự dụ hoặc nào. Giọt Xí sung sướng ngao du khắp mười phương, không chỗ nào là không có mặt, có mặt khắp mọi nơi mà như thể không hề có mặt. Giọt Xí ung dung tự tại trong trời đất, núi rừng, sông hồ, biển khơi, đô thành, tiểu trấn, đồng quê kể cả ở sa mạc hoang vu, tha ma mộ địa…
22/07/2024(Xem: 2944)
“Lo hoán cốt”. Lo nghĩa là chăm lo. Hoán nghĩa là làm thay đổi. Cốt là xương. Lo làm thay đổi xương cốt của mình. Xương cốt của mình là xương cốt của nghiệp. Bởi thân mình là thân nghiệp. Vì vậy tham dự khóa học, hằng ngày hằng giờ hằng phút hằng giây mình tu tập tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật, sám hối, nghe pháp, công phu công quả làm các việc lành là nhằm để chuyển hóa xương cốt của thân nghiệp của mình để cho thân của mình mỗi ngày mỗi nhẹ mỗi giờ mỗi nhẹ, mỗi phút mỗi nhẹ mỗi giây mỗi nhẹ.
15/07/2024(Xem: 5279)
Ba Mươi Năm vun bồi ngôi nhà Tâm Linh Phước Huệ Hạt giống Phật tưới tẩm thương yêu hiểu biết đơm hoa Chữ Duyên trong đạo Phật thật thâm trầm áo nghĩa, đất Thục-quỳnh-mai, nơi Đạo Tràng Phước Huệ thành lập và sinh hoạt đến nay đã tròn Ba Mươi Năm, cũng từ chữ “duyên” đó. Khởi đi là, vào một ngày đẹp trời đầu tháng 8, năm 1994, Thầy Tâm Ngoạn lái xe từ Seattle về Los Angles, mời chúng tôi lên xe, cùng Thầy thăm viếng miền Tây Bắc Hoa Kỳ vì, trước đây đã ba lần, mỗi lần về LA, Thầy rất chân thành mời chúng tôi đến Seattle lập chùa, nhưng, chúng tôi đều một mực từ chối
30/06/2024(Xem: 4041)
Trúc Lâm Đầu Đà, Ngài tên thật là Trần Khâm. Sinh năm 1258, lên ngôi năm 1278, ở ngôi 15 năm từ 1278 đến 1293, nhường ngôi cho con lên làm Thượng hoàng 6 năm từ 1293 đến 1299, sau đó ngài đi tu 9 năm từ năm 1299 đến năm 1308. Năm 1308 ngài viên tịch. Trụ thế 50 tuổi Tây, 51 tuổiTa. Đó là cuộc đời của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là anh hùng dân tộc, là một bậc minh quân, là vị tổ khai sáng ra dòng thiền Việt Nam. Hồi Thứ Nhất:
30/06/2024(Xem: 962)
Hôm nay, chúng con lại có duyên lành đến cúng dường Tăng an cư tại trú xứ Tăng Già lam-Quảng Hương, Phật lịch 2568, thấy chư Tôn đức Tăng hiện tiền hòa hợp thanh tịnh; nhưng nhìn lên Hương thất, thấy Tôn dung Trí Quang Thượng nhân không còn mà vẫn còn phảng phất hương thơm; nhìn kỹ trong đại chúng, không thấy hình ảnh từ hòa, đôn hậu của Hòa thượng Thích Đức Chơn, người mà mới ngày nào đó dạy dỗ chúng con và cùng chúng con đi Canada dự lễ về nguồn tại chùa Phổ Đà Sơn của Hòa thượng Thích Bổn Đạt và lại cũng không thấy bóng dáng Hòa thượng Thanh Huyền đang ở nơi đâu, giữa cõi đời “Không không sắc sắc” này. Nhìn vào Thị ngạn am, bậc Thượng sĩ đã “Thiên lý độc hành”, chỉ thoáng thấy bóng dáng hao gầy và nghe tiếng đàn Dương cầm hay Piano từ tâm thức kính thương của chúng con vọng lại
29/06/2024(Xem: 2842)
Những tháng đầu năm 2021, Út Bình bên Mỹ vẫn thường âm thầm theo dõi Facebook của tôi, thấy biết tôi đang tích cực phụng sự Đạo pháp, theo chư Tăng lên các chùa ở sâu vùng xa để chụp ảnh, viết bài, đưa tin đến các trang Phật giáo trong và ngoài nước, liền nhắn tin tặng tôi chiếc laptop của Út còn cất trong tủ ở nhà từ đường. Ý của em là tiếp sức cho tôi có phương tiện hiện đại hơn để truyền tin tại chỗ, chứ đi dự lễ các chùa trên vùng núi cả buổi, chiều về mới ngồi vào máy tính viết tin bài, chọn ảnh để gửi đi thì chậm quá
27/06/2024(Xem: 3158)
Phát hành vào tháng 7 năm 2024 Nhân Kỷ Niệm 45 Năm Thành Lập Chùa Viên Giác Đức Quốc và 45 Năm Xuất Bản Báo Viên Giác, Viên Giác Tùng Thư Đức Quốc ấn hành Đặc San Văn Hóa Phật Giáo chủ đề "Người Cư Sĩ Phật Giáo" để chào mừng những sự kiện nêu trên. Đặc San năm 2024 này (lần thứ sáu) được sự góp mặt của 50 văn thi sĩ và 4 họa sĩ, nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước. Sách in màu, 658 trang, khổ 6x9 inches.
24/06/2024(Xem: 1101)
Đến, vào rồi ra khỏi trên 100 ngôi già lam thánh chúng trong tỉnh, tôi đều gặp thuận duyên. Thuận, có nhiều kiểu thuận khác nhau. Nếu đến các ngôi chùa mình đã từng thường lui tới, xem là "chùa nhà" (như Hải Ấn Ni Tự, Kỳ Viên Trung Nghĩa, Sắc Tứ Kim Sơn...) thì đương nhiên là quá thuận rồi. Đến các ngôi chùa với tờ giấy giới thiệu của Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội, tờ giấy có con dấu đỏ như giấy thông hành, như "bùa hộ mệnh", khi trình ra là được đón tiếp cho dù là niềm nở và cởi mở hay thận trọng và nghi ngại, thì rốt cuộc cũng là được thuận lợi, nhiệm vụ hoàn thành. Đến những ngôi chùa được các vị trụ trì có nhã ý mời tham dự lễ lạt thì dĩ nhiên không có gì là chướng ngại, là rào cản. Có nhiều chùa tôi thuận duyên đến mà không được gặp vị trụ trì, phải lần thứ hai, thứ ba mới được yết kiến, nhưng đó cũng là thuận, là chưa đúng thời điểm, chưa hội đủ duyên lành chứ không phải nghịch duyên, chướng duyên.
22/06/2024(Xem: 2354)
Có nhiều người khi sinh con ra, bên cạnh tên thật hay, thường có một tên khác gọi ở nhà dí dỏm dễ thương, hay tên thật dở để khỏi bị “bà” bắt. Bà ở đây là bà nào không ai biết được, thế nhưng nhiều người vẫn sợ rồi kiêng. Riêng đối với bà Thịnh, bà không tin như thế, ngược lại, bà cần con cháu bà tên thật hay, phải có ý nghĩa nữa để đem may mắn vận vào cuộc đời nó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]