Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Hơn 1.000 lần cạo tóc (T. Như Điển)

17/06/201402:41(Xem: 17739)
02. Hơn 1.000 lần cạo tóc (T. Như Điển)

Hơn 1.000 lần cạo tóc
● Thích Như Điển
viết để kỷ niệm 50 năm xuất gia và hành đạo


Bài do Cư Sĩ Quảng An diễn đọc

Bài do Cư Sĩ Diệu Danh diễn đọc




Ngày ấy cách đây 50 năm về trước, vào một sáng đầu mùa hè của năm 1964, tôi một mình đạp xe đạp từ làng Mỹ Hạc, Xã Xuyên Mỹ, Quận Duy Xuyên, trực chỉ xuống chùa Viên Giác tọa lạc tại Hội An, Quảng Nam. Hôm đó là ngày Rằm Tháng 5 âm lịch của năm Giáp Thìn. Một chặng đường dài 50 năm như vậy, nói cho đúng là nửa thế kỷ của một kiếp nhân sinh- đã, đương và sẽ có nhiều điều đáng nói. Hay có, dở có, không như ý cũng có. Nhưng chúng ta nên chỉ hướng về phần tích cực để từ đó vươn lên; chứ không nên bi quan, hay chỉ hướng về phần tiêu cực. Người Đức có nói rằng: “Die Lehre des Buddha ist weder optimistisch noch pessimistisch, sondern realistisch“. Nghĩa là: „Những lời dạy của Đức Phật không những chẳng phải bi quan lẫn lạc quan, mà còn là một chủ nghĩa thực tế“. Vậy hôm nay tôi sẽ nương theo thực tế nầy để gửi đến những dòng suy tư của chính mình nhân lễ kỷ niệm 50 năm xuất gia hành đạo tại quê hương nước Việt cũng như tại xứ người.

Là người xuất gia, hầu như ai cũng phải xuống tóc để thể hiện tướng khác tục của mình. Ở thế gian người ta cho rằng: “cái răng cái tóc là cái vóc con người“. Còn người xuất gia lại làm khác tục, không giống người thế tục; nhưng vẫn sống trong thế tục và hành đạo nơi cõi đời nhiều kham nhẫn nầy. Người xuất gia là người đi ngược dòng sinh tử; nhưng vẫn sống trong cuộc sống có sanh tử, có đối đãi nầy. Quả là điều chẳng giản đơn chút nào. Điều quan trọng ở đây là chúng ta đã làm được những gì cho chính mình hay cho đời một việc gì đó có ý nghĩa hay không; chứ tuyệt nhiên không phải chỉ có trình bày một vấn đề, một sự kiện mà không tìm cách giải quyết vấn đề, thì căn bản của sanh tử vẫn còn đó.

Khi vị Thầy Bổn Sư cầm cành hoa nhúng vào trong chén nứơc, đoạn thấm lên mái tóc của giới tử, Ngài đọc rằng:

Thiện Tai thiện nam tử

Năng liễu thế vô thường

Khí tục thú Nê Hòan

Công đức nan tư nghì

Nam Mô thanh lương địa Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nghĩa là:

Lành thay gã thiện nam

Hay rõ đời vô thường

Bỏ tục, vui Niết Bàn

Công đức khó nghĩ bàn.

Cung kính những vị Bồ Tát chốn thanh tịnh.

Chỉ ngần ấy câu văn thôi, chúng ta cũng đã thấy thế nào là đời sống của một người xuất gia rồi. Chính vì nhận chân được cuộc đời nầy là vô thường; nên mới đi xuất gia, mà sự nhận biết nầy không phân biệt tuổi tác. Có khi người ta già 80 hay 100 tuổi vẫn còn luyến tiếc thế gian nầy và không chịu buông bỏ nó. Ngược lại nó cũng sẽ buông bỏ ta thôi! Vì lẽ, phàm những gì có hình tướng thì đều bị vô thường chi phối, mà đã là vô thường thì dĩ nhiên là bị khổ bức bách, đã khổ rồi thì thực tướng của nó là không và vì bản chất của mọi hiện tượng đều là vô ngã. Nhưng chúng bị vô minh ràng buộc, kéo lôi; nên bị 12 nhân duyên vướng mắc. Nếu vô minh hết thì hành động cũng hết. Nếu hành hết thì thức cũng không còn cho đến không còn sanh già, bệnh chết nữa. Đây chính là pháp duyên sanh. Ai hiểu được pháp nầy, người ấy sẽ hiểu Phật và ai hiểu được Phật, kẻ ấy sẽ hiểu được pháp là vậy.

Bỏ tục để vào chùa xuất gia học đạo là một quyết định sanh tử và nó chẳng phải đơn thuần là một sự ra đi không có định hướng. Nếu không có hướng đi, tất chẳng phải nên vào chùa. Vì đường đời có muôn vạn nẻo, tại sao lại phải vào chùa để đi xuất gia? Thứ nhất là do nhân duyên nhiều đời đã có trồng căn lành nơi Tam Bảo; nên đời nầy mới được như vậy. Thứ hai là được sanh ra trong một gia đình có cha mẹ, anh chị em đều có chánh tín nơi Tam Bảo và thứ ba là phải có ý chí dõng mãnh mới có thể chọn cho mình một con đường ngược dòng sanh tử như thế. Đó là những công đức mà người xuất gia cần phải giữ gìn, trân quý. Kế đến Hòa Thượng lấy dao cạo ba nhát trên đỉnh đầu và xướng bài kệ rằng:

Hủy hình thủ chí tiết

Cát ái từ sở thân

Xuất gia hoằng Thánh đạo

Thệ độ nhất thế nhân.

Nam Mô Ly Cấu Địa Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nghĩa là:

Bỏ mình, giữ chí khí

Lìa yêu, xa người thân

Xuất gia theo đường Thánh

Nguyện độ hết mọi người.

Xin cung kính các vị Bồ Tát xa lìa nơi dơ bẩn.

Như vậy đó. Người xuất gia phải hiểu rằng có nhiều cách xuất gia; nhưng trước tiên là phải ra khỏi nhà thế tục, sau đó ra khỏi nhà phiền não và cuối cùng là ra khỏi nhà của ba cõi không yên (dục giới, sắc giới và vô sắc giới). Đầu tiên phải thay đổi hình hài. Ngày xưa chưa xuất gia ăn diện như thế nào cho hợp thời hợp thế thì bây giờ phải bỏ thói cũ đi mà chỉ giữ lại chí khí của một bậc Đại Trượng Phu như trong văn Cảnh Sách, Ngài Quy Sơn Linh Hựu đã dạy: “Người xuất gia có một phương trời cao rộng, tâm lẫn thân đều khác tục, chấn nhiếp các loại ma, trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ muôn loài, nhằm làm hưng long hạt giống Thánh. Nếu không là như vậy, nghĩa là đã phạm vào quy cũ của Thiền Môn…“.

Kế tiếp là phải đoạn trừ ái ân thường tình. Có thể là tình chồng nghĩa vợ, tình gia đình, tình cha mẹ, anh em, bạn bè thân thuộc. Việc nầy nó chẳng đơn thuần chút nào cả; nếu kẻ ấy không quyết tâm và trì chí. Dây ái và dây ân là hai dây trói buộc sanh tử của con người. Bây giờ người xuất gia quyết tâm đoạn trừ, cắt bỏ. Đây là khả năng vượt thoát đầu tiên của người xuất gia vậy. Mục đích của người xuất gia rõ ràng là để làm việc Thánh, chứ chẳng phải việc phàm tình. Vậy việc Thánh ấy là việc gì? Đó chính là giúp mình và giúp đời phải ra khỏi lưới sanh tử của nghiệp quả để tiến đến con đường giải thoát những khổ đau phiền lụy của cuộc đời. Nhưng chẳng phải chỉ ngồi yên nơi chốn ấy, mà phải đi vào đời để cứu độ chúng sanh. Đó mới chính là hạnh nguyện của Bồ Tát, hành lục độ Ba La Mật.

Tiếp theo Hòa Thượng cho đọc bài kệ khác như sau:

Thế trừ tu phát

Đương nguyện chúng sanh

Viễn ly phiền não

Cứu cánh tịch diệt.

Án tất điện đô mạng đa ra, bát đà da ta bà ha.

Nghĩa là:

Cạo bỏ râu tóc

Cầu cho chúng sanh

Xa rời phiền não

Rốt ráo an vui

Án tất điện đô mạng đa ra, bát đà da ta bà ha.

Như thế việc cạo bỏ râu tóc với mục đích là cạo bỏ những phiền não khổ đau lại cho đời và xả thân để cầu đạo giải thoát. Không phải chỉ riêng mình được việc nầy mà nguyện cho tất cả chúng sanh cũng sẽ được an vui tự tại như việc cạo bỏ râu tóc vậy. Ở trong chùa không phải chỉ có cạo tóc lần ấy mà thôi, mà mỗi tháng phải cạo hai lần. Đó là vào ngày 14 và 30 âm lịch; nếu tháng thiếu thì ngày 29. Vì những ngày nầy tại các chùa đều có tổ chức lễ sám hối danh hiệu Phật. Mỗi tháng cạo hai lần. Mỗi năm 12 tháng, tức là cạo 24 lần. Có những năm nhuần phải cạo đến 26 lần. Riêng bản thân của tôi đã đi xuất gia đúng 50 năm. Như vậy con số lần xuống tóc ít nhất là 1.200 lần. Thỉnh thỏang vẫn có thêm những lần cạo đặc biệt nữa. Do vậy tôi chọn đề tài như trên là “hơn 1.000 lần cạo tóc„ là vậy.

Tôi, một con người bình thường và cũng tầm thường. Vì lẽ vẫn còn thương, ghét, giận, hờn, vui, buồn, khổ tâm, nhọc tứ và với thân tứ đại nầy được cấu tạo bởi đất, nước, gió, lửa tôi vẫn bị cảm nắng, lạnh hay ho. Rồi từ đây ở tuổi 66 nầy trở đi sẽ dành nhiều thì giờ cho Bác Sĩ cũng như Nha Sĩ và có thể còn hơn thế nữa, để rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ lên bàn thờ ngồi nhìn xuống mọi người, cũng giống như bao nhiêu bậc Tôn Túc khác đã ra đi mà thôi. Nhiều người vẫn không thích tôi. Bởi vì tôi khó tính, nghiêm khắc, đôi khi dẫn đến sự tự quyết quá đáng để trở thành độc tài. Tôi lo cho chuyện công, kéo một đầu tàu thật nhanh, khiến cho nhiều người lỡ chuyến, sanh ra phiền muộn. Tôi kêu gọi Phật tử đóng góp tiền bạc để xây dựng chùa chiền hay cứu trợ khắp nơi, giúp người cơ nhỡ, khiến cho nhiều người không thể đóng góp được; nên sanh ra buồn phiền. Về phía đệ tử xuất gia và tại gia cũng có nhiều điều cần phải nói:

Tôi biết rằng trong 45 Đệ tử Xuất gia và nhiều Đệ tử Xuất gia Y Chỉ cũng như 7.000 Đệ tử tại gia đã quy y với tôi; đó là chưa kể đến hằng ngàn người đã quy y Tam Bảo từ lâu cũng nương tựa với tôi trong hơn 35 năm ở Đức và 15 năm ở Việt Nam cũng như Nhật Bản, trong đó có rất nhiều người than phiền về tôi là: „Ông Thầy nầy khó tính quá!“. Một mai đây tôi có ra đi tôi cũng sẽ nhận được sự trách cứ nầy. Vì lẽ tôi muốn mọi người tiến bộ nhanh và gặt hái được những thành tựu nhất định; nên mới lo toan như vậy. Còn vấn đề tiền bạc, khi tôi đi vận động, tôi sẽ tự hỏi rằng: Tiền nầy để làm gì? Nếu câu trả lời là: để xây chùa, giúp bão lụt, giúp quỹ học bổng cho Tăng Ni, giúp người nghèo khó v.v.. thì tôi an tâm để kêu gọi tiếp. Vì câu trả lời nó không phải riêng cho cá nhân tôi, thì không có gì để phải bận tâm cả.

Việc học hành tu niệm của các Đệ tử cũng vậy. Tôi không coi trọng bằng cấp; nhưng tôi rất quý những người có học hành đỗ đạt đàng hoàng. Vì lẽ xã hội ngày xưa hay ngày nay và dẫu cho nhiều năm tháng trong tương lai đi chăng nữa cũng vậy, xã hội nầy vẫn phải cần những con người có đạo đức, có tu, có học như thế. Nếu không phải vậy thì xã hội nầy sẽ suy đồi. Cho nên tôi vẫn thường hay nói: “Bằng cấp nó không làm nên con người, mà chính tư cách nó mới làm nên con người“ và “Sự học nó không làm cho người ta giải thoát được; nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia thì không thể thiếu sự tu và sự học được“. Đây chính là phương châm hành hoạt của tôi trong cuộc đời nầy. Thế nhưng vẫn có nhiều người không thích như thường. Tôi tôn trọng việc ấy. Bởi vì đó là quyền tự do cá nhân của họ. Họ có quyền phê phán và nhận xét một sự việc; nhưng đúng hay sai là tùy theo hoàn cảnh, thời điểm cũng như của mỗi sự việc trong cuộc sống nầy. Đúng hay sai, xin để lại cho cuộc đời và thời gian sẽ giải trình cho nhân thế rõ về sau nầy.

Tôi, một người nông dân của xứ Quảng, xuất thân từ chốn bùn nhơ nước đọng; nếu không nhờ Tam Bảo gia hộ, trợ duyên thì tôi đã không có được ngày hôm nay. Những việc như xây chùa, độ chúng, viết sách, dịch kinh, giảng pháp v.v… rồi những thị, phi, nhân nghĩa, phải trái, hơn thua v.v… tất cả đều là những đối đãi trong cuộc đời nầy. Khi tôi ra đi, tôi sẽ chẳng mang theo gì cả, ngoại trừ tâm thức của mình. Do vậy, tôi biết rằng những cái gì của trần thế xin trả về cho trần thế và những gì thuộc về ân nghĩa thì xin nguyện đáp đền.

Tôi thầm cảm ơn Mẹ Cha đã tạo nên vóc hình nầy. Nếu không có tấm thân nầy, ắt sẽ chẳng làm được gì cho nhân thế. Con xin tạ ân Tam Bảo. Vì nếu không có Tam Bảo thì con đã chẳng có thể xuống tóc, xuất gia và hành hạnh Ba La Mật được. Con xin tạ ân Thầy Tổ. Vì nếu không có Thầy tế độ thì con sẽ không được người đầu tròn áo vuông như ngày hôm nay. Tôi xin cảm ơn đời, cảm ơn người; kẻ gần cũng như người xa; kẻ thân cũng như người sơ; kẻ thích cũng như người không thích… Tất cả quý vị đều là những thiện hữu tri thức của tôi. Vì nếu không có quý vị thì ai có thể trợ duyên cho tôi trên bước đường học Phật và hành hạnh Phật như thế nầy được. Chắc quý vị cũng không quên những lời phát nguyện của tôi đâu đó rằng: “Con xin nguyện mình sẽ làm một dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và con xin nguyện mình làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế“. Thiết nghĩ như thế cũng đủ cho một chuyến lữ du trong cuộc sống ngắn ngủi tạm bợ nầy.

Mọi vật trên thế gian nầy chẳng có gì miên viễn cả. Do vậy những điều tôi trình bày bên trên nó cũng chỉ có tính cách thời gian mà thôi. Vì lẽ tất các pháp đều bất định. Nghĩa là pháp ấy ngày hôm qua đúng; nhưng ngày mai có thể sai; hoặc ngược lại. Nhờ sự bất định đó mà mọi người, mọi loài cũng đều có khả năng giải thoát sanh tử luân hồi, sớm chứng thành quả vị giác ngộ trong mai hậu. Thời gian có trôi qua, không gian có dừng lại thì vô thường vẫn chi phối mọi vật trên thế gian nầy. Chỉ có cái nhìn vào thật tướng của sự vật là KHÔNG thì ta mới nhận chân được sự hiện hữu của mỗi người chúng ta trong thế giới đối đãi nầy mà thôi.

Để kỷ niệm 50 năm ngày xuất gia hành đạo, không phải để khoa trương mà để nhắc nhở cho chính mình, là mình đã bước đi được những bước như thế trong 50 năm qua và cũng đã có 50 năm nhờ vào hạt cơm của Đàn Na Tín Thí mà mình có được một chuyến hành trình ý nghĩa trong kiếp sống nầy.

Xin chắp tay cầu nguyện cho tất cả những bậc Sư Trưởng, thân bằng quyến thuộc, bè bạn gần xa cũng như những người Đệ tử thân thương xuất gia cũng như tại gia có được những niệm sống an lành ở cõi nầy hoặc những nơi chốn xa xăm nào khác và hãy tự tin nơi chính mình để vào đời cứu khổ nhân sinh.

Kính nguyện

● Thích Như Điển

Viết xong bài nầy tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc để kỷ niệm 50 năm ngày xuất gia hành đạo tại xứ người.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/01/2018(Xem: 3832)
Lễ Trao Giải Viết Về đạo Phật Ananda Viet Awards Lần Đầu, 3 Giải Chính, 5 Giải Khuyến Khích Tổng Trị Giá Các Giải Là 7000 MK
13/01/2018(Xem: 4078)
Đọc Thơ Tuyển của Cư sỹ Đào Văn Bình, Tình cờ chúng tôi có được tập sách Tổ Ấm Cuối Cùng, Thơ tuyển và Kịch bản, của cư sỹ Đào Văn Bình xuất bản năm 1987, gởi tặng cố Hòa thượng Thích Thiện Trì, chùa Kim Quang tại thủ phủ Sacramento, CA. Tập sách có hai phần: Phần 1 là Thơ tuyển mà tác giả cho biết là "Sáng tác ròng rã qua 9 năm lưu đày tù ngục và 1 năm phiêu linh qua các trại tỵ nạn". Phần 2 là Kịch bản Tổ Ấm Cuối Cùng (Sáng tác từ tại tỵ nạn Sungei Besi). Ở đây tôi chỉ viết cảm hứng của mình khi đọc vài bài thơ trong lúc bị tù đày của một cư sỹ lão thành luôn có tâm với đạo pháp và dân tộc.
12/01/2018(Xem: 4690)
Nhớ lại 3 năm trước, tôi đến Seattle vào một chiều Thu cuối tháng Mười. Vừa rời khỏi sân bay, cảm nhận đầu tiên của tôi đối với đô thị xa hoa có nhịp sống bận rộn này là cái se se lạnh của tiết trời đang độ giữa Thu. Trong tôi lúc đó vẫn còn nỗi bồn chồn lo lắng, tâm trạng của một người vừa xa quê, bước chân vào một đất nước xa lạ. Sự mát lạnh của khí trời như xoa dịu phần nào nỗi lo lắng trong tôi. Có lẽ đó là lý do vì sao tôi vẫn nhớ như in cảm xúc đầu tiên ấy, và dần dần, tôi nhận ra mình có cảm tình với mùa Thu ở Washington.
15/12/2017(Xem: 6419)
Hương Lúa Chùa Quê" Bản Tình Ca Quê Hương của nhị vị Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển. Sau khi đọc tác phẩm “Hương Lúa Chùa Quê” chúng con không dám mong ước giới thiệu sự nghiệp văn học, văn hóa cả đạo lẫn đời của nhị vị Hòa Thượng. Vì công trình tạo dựng sự nghiệp của các bậc xuất sĩ không nằm trong “nguồn văn chương sáng tác”. Vì xuyên qua mấy chục năm hành đạo và giúp đời, nhị vị đã xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo đồ sộ trên nhiều quốc độ khác nhau như: chùa Pháp Bảo tại nước Úc; chùa Viên Giác và Tu viện Viên Đức tại nước Đức. Nhị vị cũng đã mang ánh Đạo vàng đến khắp muôn nơi, soi sáng cho bước chân “người cùng tử” được trở về dưới mái nhà xưa, để thấy lại “bóng hình chân nguyên”; dẫn đường cho những người chưa thể “tự mình thắp đuốc lên mà đi” được tìm lại “bản lai diện mục”. Đó mới gọi là “sự nghiệp” của bậc xuât sĩ. Điều nầy đã có lịch sử ghi nhận từ mạch nguồn công đức biểu hiện và lưu truyền.
15/12/2017(Xem: 88014)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 138402)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
08/12/2017(Xem: 4043)
Đọc “Trúc Lâm Thiền Phái tại Huế” của Thích Tín Nghĩa, Nhân dịp Nguyên Giác và tôi ra mắt sách ở Chùa Bát Nhã, Nam California, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa- Viện Chủ Từ Đàm Hải Ngoại Irving, Texas không về dự được nhưng đã có thư cáo lỗi. Từ việc làm hết sức cẩn trọng và khéo léo đó, tôi sinh lòng cảm mến và làm quen với hòa thượng qua điện thư và được hòa thượng ưu ái tặng cho bốn cuốn sách của chính hòa thượng, bao gồm:
07/11/2017(Xem: 3878)
Nhà thấp nhất trong xóm. Mái tole. Cửa gỗ. Sàn gác gỗ sao. Nó khiêm tốn lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố với beton cốt thép, cửa sắt, cửa kính chịu lực... Diện tích gian dưới của căn nhà cấp 4 này chỉ 24 mét vuông, chia thành hai gian, bếp và nhà vệ sinh chiếm hết gần một nửa, còn lại chừa cho gian phòng khách chật chội với bàn ghế, divan, tủ sách, chỗ để hai chiếc xe máy... Vậy mà vào lúc sáng sớm, khi cơn bão Damrey dữ tợn bắt đầu đổ bộ vào đất liền, hung hăng sấn vào lòng thành phố biển Nha Trang, căn nhà khiêm tốn trong hẻm nhỏ này là nhà duy nhất mở cửa để đón nhận 15 người khách lỡ đường chui vào nương trú để tránh bão. Duy nhất. Vì mọi nhà xung quanh đều đã cửa đóng then cài kín bít từ đầu tối hôm trước.
05/11/2017(Xem: 24917)
Cách Đọc Tên và Phát Âm 23 Chữ Cái, Hiện nay tại Việt Nam cách gọi tên và cách phát âm 23 mẫu tự tiếng Việt vô cùng lộn xộn. Thí dụ: Trên chương trình Thời Sự Quốc Phòng, thiết vận xa M.113 có cô đọc: em mờ 113. Có cô đọc mờ 113. -Chữ N có nơi đọc: en nờ (âm nờ hơi nhẹ). Có nơi đọc nờ.
12/10/2017(Xem: 11781)
Viết về anh Bùi Giáng là một việc làm cần lòng can đảm. Thậm chí cần rất nhiều can đảm, có khi phải nói nôm na là liều mạng mới dám viết. Những người có thời gần gũi và thương mến anh ai cũng có lần cảm nhận điều đó. Anh thích người ta đọc sách anh, thưởng thức thơ văn anh, nghiền ngẫm tư tưởng của anh. Nhưng ngược lại anh hay nổi nóng nếu ai hiểu sai ý anh. Anh rất giận khi có ai viết sai một chữ, kể cả sai một dấu phẩy, những câu thơ của anh. Có rất nhiều khi anh cho đó là một sự xuyên tạc có hậu ý. Dù sao, anh và tôi đã từng sống chung gần ba năm trời ở Vạn Hạnh chả lẽ không có gì để nói, lâu nay tuy rất muốn viết nhưng tôi vẫn cố tránh, cho đến khi có người nhắc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]