Tình cờ chúng tôi có được tập sách Tổ Ấm Cuối Cùng, Thơ tuyển và Kịch bản, của cư sỹ Đào Văn Bình xuất bản năm 1987, gởi tặng cố Hòa thượng Thích Thiện Trì, chùa Kim Quang tại thủ phủ Sacramento, CA. Tập sách có hai phần: Phần 1 là Thơ tuyển mà tác giả cho biết là "Sáng tác ròng rã qua 9 năm lưu đày tù ngục và 1 năm phiêu linh qua các trại tỵ nạn". Phần 2 là Kịch bản Tổ Ấm Cuối Cùng (Sáng tác từ tại tỵ nạn Sungei Besi). Ở đây tôi chỉ viết cảm hứng của mình khi đọc vài bài thơ trong lúc bị tù đày của một cư sỹ lão thành luôn có tâm với đạo pháp và dân tộc.
Đọc thơ mới thấu hiểu thêm được hoàn cảnh lịch sử của đất nước và thân phận con người Việt Nam trong chiến tranh, cũng như sự hy sinh của biết bao nhiêu gia đình và sinh mạng, trong đó có những người phụ nữ Việt Nam, trung kiên và mẫu mực. Đối với tập thơ và kịch mỏng này, thơ là tiếng gào thét giữa nỗi cô đơn bạt ngàn và chính thơ là phương tiện để người vượt qua khỏi nỗi trầm luân giam cầm, lưu đày và đói khát. Có lẽ thơ là suối nguồn hy vọng, thơ—tự vực mình lên mà đi, thơ—vỗ về lúc mình sắp nghiêng ngả, thơ—để tìm chân lý cao cả, và thơ—cũng là con đường, là đạo vì trong thơ đã thoang thoảng hương từ bi của Phật giáo. Có lần tác giả đã thốt lên:
"...Giữa khổ đau ta chợt nở hoa lòng
Hạnh phúc kia chỉ tuyệt đỉnh vô song
Khi nó rọi bằng trái tim KIÊM ÁI".
Nhà thơ từ bi lắm. Có từ bi mới xoa dịu được vết đau, bất công và thù hận. Chỉ có tấm lòng nhân ái đó nhà thơ mới có thể vượt qua những tận cùng khổ đau; nhà thơ vẫn lạc quan trong ngục tù đen tối; còn chút hy vọng mỏng manh để thấy được sự vi diệu của cuộc đời, trong đó có đứa con đầu lòng của người, Minh Thi.
Minh Thi! Minh Thi!
Chắc con ta chưa có một mùa Thu nắng đẹp
Vì đã bao năm con chẳng có mặt Trời
Cũng như ta
Đã bao năm ta chẳng thấy mặt con
Nhưng này Minh Thi ơi!
Ta vẫn còn đây với Trái Tim và Trí Tuệ
Để biến những hư hao này thành nguồn suối thơ vô tận của yêu thương.
(Bài Thơ Làm Giữa Mùa Thu Nắng Đẹp).
Nếu con cái là niềm hy vọng để sống còn, thì tình nghĩa vợ chồng phải là mạch mạng của phù sinh kiếp người. Nhà thơ cũng lãng mạn lắm:
"Mắt em đâu có gì trong đó,
Sao nhiếp hồn ta tới bạc đầu". (5 Uẩn)
Tôi tin như thế và có lẽ tình yêu muôn thuở giữa tác giả và người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa, được ví như nàng Tô Thị, ôm con chờ chồng, là năng lượng sống của những người đi ‘cải tạo’. Nghĩ lại, tội nghiệp cho biết bao nhiêu nàng Tô Thị rõi mắt trông chồng được về từ 'cai tù cải tạo' trong lúc vất va vất vưởng nuôi đàn con thơ dại khờ nhỏ xíu. Nàng Tô-thị đó là...
"Em ơi!
Giòng suối thời gian là tiếng khóc
Ru nửa đời người bằng thăm thẳm chia ly
Trên không
Người thiếu vắng mặt trời
Dưới trần gian
Máu đã khô và nước mắt
Không đủ với đi bao nỗi sầu đời
Nghiệp duyên nào biến em thành nàng Tô-thị
Bởi trung kiên nên nhân thế tôn thờ
Bởi yêu em nên máu ứa thành thơ
Dù ca tụng vẫn chỉ là muôn một.
(Bài thơ để em đề tựa)
Và trong hố sâu vực thẳm đó, nhà thơ vẫn giữa lòng biết ơn với người tri kỷ và vẫn yêu thương cho dù có lần tác giả đã thấy cái chết trước mặt với "Thần linh và Bóng đêm"
Hãy hát lên đi người ơi
Hãy khóc lên đi người ơi
Thời gian này
Xin dành cho những yêu thương
Và nỗi cô đơn
Hằng đêm vây phủ lên người
Hãy uống đau thương người ơi
Hãy nhớ đến thân phận mình
Thần linh và Bóng đêm
Thời gian và Trái tim
Hãy cùng tôi ca hát
Hãy cố quên đi niềm đau
Niềm đau rồi sẽ qua
Tình yêu rồi đợi ta...
(Thần linh và Bóng đêm, Hà Tây 1979).
Phút giây tử thần đến mà tác giả vẫn dành trọn cho yêu thương, chứ không hận thù, tha thứ chứ không trách móc, để rồi vẫn tiếp tục hy vọng:
"Rồi đây bến sông sẽ bừng tiếng ca
Để ngàn năm
Mình dìu bước nhau vào nơi muôn trùng...
(Tiếng hát từ lâu đài hoang phế)
và cuối cùng chàng và nàng cũng,
"Đứng chờ từ thuở hoang sơ
Ngàn năm ôm ấp giấc mơ tuyệt trần...” (Bài thơ để em đề tựa)
Nhưng có lẽ giấc mơ tuyệt trần nhất của nhà thơ là với lẽ đạo. Qua hai bài Hán văn sau, có lẽ chúng ta thấy bàng bạc ý tưởng tự độ và độ tha, tự giác và giác tha của tác giả.
“Lao trung chỉ dục địa thiên tân…
…Hàn cơ tân khổ bất dao tâm.” (Thiết Tâm)
mà chính tác giả dịch nghĩa như sau:
Trong tù chỉ mong trời đất đổi mới…
Đói lạnh, khổ đau chăng xao xuyến tấc lòng. (Tấm lòng Gang thép)
Bài thứ hai là Vô Môn Quan
Thu phong hựu động ngã tâm sâu…
…KHÔNG SẮC môn quan khởi từ cầu?
Chúng tôi xin mạn phép được dịch như sau:
Gió thu lay động lòng buồn
Sắc Không cửa ấy, xin cầu được chi?
Đêm khuya thô thiển đọc và viết vài lời cảm hứng để cảm ơn cư sỹ Đào Văn Bình, một pháp hữu mà chúng tôi kính trọng. Có lẽ anh Nguyên Toàn, Trần Việt Long, đã nói hết được tinh hoa thơ của người: “Thơ của Cư sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình rất cảm động, đặc biệt là ý thơ, lời thơ và âm vận rất nhẹ nhàng, từ ái làm rung động trái tim người đọc hết sức thiết tha và đồng cảm.”
Còn tôi, thơ của cư sỹ Đào Văn Bình trong giai đoạn lao tù là tiếng lương tri, một đoạn sử nghiệt ngả như tự tình của quê hương và dân tộc mà chỉ có những người bị ở tù mới thấu hiểu được cõi thơ Người Tù. Thôi thì, tôi xin lấy lời của chính tác giả để kết vậy.
“Tôi chỉ là một phần tử rất lơ mơ, trần tục.
Cho nên ý tưởng của tôi cũng rất lạc hậu, quê mùa.
Vậy xin bạn bỏ qua, đừng chấp.”
(Khi Bạn Tắt Máy Truyền Hình)
Mà nếu còn chấp, thì xin hãy cùng nhau đọc bài kệ trong Kinh Lăng Già để tất cả đều lợi lạc.
Thế gian ly sanh diệt
Do như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại Bi Tâm.
Sacramento, một ngày trời lạnh đầu năm, 2018.
Bạch X. Phẻ TTĐ