Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giới thiệu bộ sách Nền tảng căn bản nhất trong giáo dục của người xưa

13/08/201718:26(Xem: 6670)
Giới thiệu bộ sách Nền tảng căn bản nhất trong giáo dục của người xưa
Thanh Hoc Can Chi Can_Cu Si Nhan Duyen Sinh


Giới thiệu bộ sách
Nền tảng căn bản nhất trong giáo dục của người xưa
(Thánh học căn chi căn)



Đôi lời giới thiệu 


Cách đây ít lâu, một nhóm Phật tử tại Hà Nội sang Hồng Kông đảnh lễ Pháp sư Tịnh Không, được ngài ban cho một bộ sách gồm 7 quyển, ân cần dặn dò nên tìm người dịch sang tiếng Việt để lưu hành rộng rãi. 

Bộ sách ấy có tên là Thánh học căn chi căn (聖學根之根), với ý nghĩa là những nền tảng căn bản nhất trong cái học được các bậc thánh nhân từ xưa truyền lại. Sách do cư sĩ Nhân Duyên Sinh tuyển soạn từ kinh sách của cả Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo, nhằm mục đích hình thành một bộ sách giáo khoa thích hợp và bổ ích nhất cho các em ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng. 

Sau khi mang sách về, mặc dù các vị Phật tử nói trên vẫn cố ý tìm kiếm người dịch, nhưng vì trong sách sử dụng Hán cổ, vốn có nhiều khác biệt với Tân văn ngày nay, nên chưa gặp được người nào nhận chuyển dịch. Nhân duyên đưa đẩy, một Phật tử trong nhóm khi liên lạc để xin ấn tống một bộ sách tôi đã dịch trước đây, nhân đó liền đề cập đến bộ sách này. Vốn đang còn khá nhiều công việc dở dang, nên tôi thật lòng không dám nghĩ đến việc nhận dịch bộ sách. Tuy nhiên, sau khi xem qua phần Duyên khởi của soạn giả, thấy được tấm lòng của người biên soạn cũng như những nội dung được tuyển chọn đưa vào trong sách, tôi thực sự cảm nhận được những lợi ích lớn lao sẽ có khi lưu hành bộ sách này. Chợt nghĩ, lời dặn dò của Hòa thượng Tịnh Không hẳn không phải là vô cớ. Vì thế, tôi quyết định nhận lời chuyển dịch toàn bộ sách này. 

Công trình này hẳn sẽ phải mất khá nhiều thời gian, bởi trong nguyên tác Hán văn có đến hơn 700 trang sách chia thành 7 tập, lại toàn là cổ văn, khi chuyển dịch nhất thiết phải tham cứu sâu các kinh sách liên quan. Tuy nhiên, để mọi người có thể có được một ý niệm khái quát về bộ sách quý này và cùng nhau góp lời cầu nguyện cho sự ra đời viên mãn của nó, tôi xin giới thiệu phần Duyên khởi do cư sĩ Nhân Duyên Sinh chấp bút. Có thể nói, phần này đã nêu bật khá đầy đủ về toàn bộ nội dung bộ sách, lại nói rõ được quan điểm biên soạn cũng như tâm nguyện và cách làm của soạn giả. Mong rằng sẽ có đủ mọi thuận duyên để bản Việt dịch của bộ sách này sớm đến tay độc giả Việt Nam. 

Trân trọng
Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến 




lotus_6


Duyên khởi

Nho sĩ Trần Hoằng Mưu vào đời nhà Thanh, trong lời tựa sách Dưỡng chính di quy có nói: “Xã hội cần có phương pháp giáo dục chân chánh thì mới có được nhân tài chân chánh. Đầu mối chân chánh của giáo dục phải bắt đầu từ trong gia đình, và sự thành tựu của bậc nhân tài phải bắt đầu từ thơ ấu.” 

Kinh Dịch lấy hình ảnh dòng suối chảy ra dưới núi làm biểu tượng quẻ Mông, 2 nên người quân tử có thể trở thành bậc nhân tài thành tựu đức độ, học vấn, cũng nhờ từ căn bản. [Trong lời bàn quẻ Mông có đoạn viết:] “Trẻ thơ được giáo dục đúng đắn, đó là công lao to lớn nhất.” 3 Nghĩa lý trong câu này thật sâu xa uyên áo biết bao! Nước suối từ trên nguồn vốn luôn trong trẻo, mà khi chảy xuống đến chân núi thì thành ra vẩn đục, như thế lẽ nào lại do tự thân nước suối ấy hay sao? [Con em hư hỏng] lẽ nào chẳng phải do các bậc cha mẹ, thầy cô giáo đã không kịp thời dạy dỗ đó sao? 

Ngạn ngữ có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”, nên việc giáo dục, uốn nắn trẻ phải thực hiện từ lúc còn thơ ấu. Lại có câu rằng: “Nuôi con trai không dạy dỗ khác nào nuôi lừa; nuôi con gái không dạy dỗ khác nào nuôi lợn.”

Thời xưa, trẻ em đến 8 tuổi mới vào tiểu học, 15 tuổi bắt đầu học sách Đại học. Nhưng từ những năm cuối triều Minh, bậc đại nho ở vùng Giang Tô là Lục Phù Đìnhtừng lên tiếng cảnh báo: “Người thời xưa tâm tánh chất phác, phong tục tốt đẹp chân thật, trẻ em đến 7, 8 tuổi mà tri thức vẫn còn chân chất chưa mở rộng. Người thời nay tâm tánh khác xa người xưa, trẻ em chỉ vừa 5, 6 tuổi thì đa phần đã bị dẫn dụ, mê hoặc bởi những tri thức sai lầm, gặp sự ham muốn đã thành hư hỏng. Như thế mà chậm lại vài năm mới vào tiểu học thì dù cha mẹ, thầy cô nghiêm khắc dạy dỗ cũng không khỏi phí nhiều sức lực. Huống chi việc giáo dục của các bậc phụ huynh ngày nay chưa hẳn đã được hoàn toàn như xưa. Chính vì vậy, tôi cho rằng trong nền giáo dục ngày nay, con em chúng ta cần bắt đầu nhập học từ khoảng 5, 6 tuổi.”

Nỗi ưu tư mà tiên sinh Phù Đình đã nêu lên cách đây hơn ba thế kỷ đó, kẻ học kém cỏi như tôi thật không dám hình dung đến. Tâm tánh người đời nay so với hơn ba trăm năm trước liệu có thể sánh được ít nhiều gì chăng? Mùa hè năm ngoái, tôi và một nhóm các em tiểu học cùng nhau học tập văn hóa truyền thống, không ngờ lại phát hiện trong số những sách đang lưu hành có nhiều vấn đề hết sức nghiêm trọng. Có những quyển được soạn tập theo thứ tự thật rối rắm, hỗn loạn. Chẳng hạn, có người mang sách Đệ tử quy mà soạn chung với Đạo đức kinh! Lại có những sách dùng từ ngữ sai lầm, lệch lạc quá nhiều, như trong sách Chính mông bảo điển hiện đang lưu hành hết sức rộng rãi, ta có thể tìm thấy những từ ngữ sai lầm, lệch lạc ở rất nhiều chỗ. Lại có nhiều nơi chú âm, ngắt câu nhầm lẫn, sai lệch, thật dễ khiến cho người ta phải hết sức lo ngại. Vì thế, kẻ học kém cỏi như tôi phải suy nghĩ đắn đo nhiều lần rồi mới quyết định tiến hành việc soạn mới, sắp xếp một bộ sách giáo dục dành cho tuổi trẻ, cũng như hiệu đính, chỉnh sửa những sai sót, [trong đó bao gồm các sách dưới đây.] 

● Sách Tiểu nhi ngữ do bậc đại nho triều Minh là Lữ Cận Khê 5 biên soạn, là bài ca có vần điệu dành cho trẻ con, nhằm việc giáo dục cách ăn nói. Về sau, con trai ông là Lữ Tân Ngôlại tiếp tục trau chuốt, bổ sung. Cho nên, tuy chỉ là bài ca dành cho trẻ con nhưng thật không thể xem nhẹ. Trong thực tế, tác giả đã vận dụng những ngôn từ thông dụng nhất để diễn đạt, giảng giải ý nghĩa thâm sâu uyên áo trong kinh sách thánh hiền. Có thể nói, lời lẽ thông thường nhưng nghĩa lý không hề tầm thường. Trong sách chia ra các phần viết theo thể thơ ba chữ, sáu chữ hoặc lẫn lộn. Trong lúc soát xét biên tập, tôi đã lược bỏ đi phần hỗn tạp.

● Sách Đệ tử quy, nguyên trước đây có tên là Huấn mông văn, do bậc đại nho vào đầu triều Thanh là Lý Dục Tú, y cứ theo cương yếu trong chương thứ 6, thiên Học nhi của sách Luận ngữ, và phỏng theo hình thức [câu 3 chữ] của sách Tam tự kinh mà biên soạn thành. Về sau lại trải qua sự chỉnh sửa tu bổ nhiều lần của một nho sinh Sơn Tây là Giả Tồn Nhân, lúc đó mới đổi tên là Đệ tử quy. Toàn bộ sách này có 360 câu, cả thảy 1.080 chữ, đề cập đến 113 điều. Quả thật có thể nói là đã qua ngàn lần tinh luyện, mỗi câu mỗi chữ đều đáng giá ngàn vàng, lời lẽ đơn giản mà nghĩa lý trọn vẹn, lại hết sức thuận miệng đọc tụng dễ dàng, xứng đáng được tôn xưng là bộ sách giáo dục nhi đồng giá trị nhất.

● Sách Tam tự kinh, do bậc đại nho triều Tống là cư sĩ Thâm Ninh Vương Ứng Lânsoạn thành. Trong sách có những vấn đề thường thức căn bản cũng như lịch sử cương yếu được người đời sau bổ sung vào. Sách này cũng đề cập đến trình tự học tập rất rõ ràng, thứ lớp, như: “Người đi học, có ban sơ; xong tiểu học, đọc Tứ thư 9... ... Hiếu kinh 10 xong, Tứ thư hết, mới bắt đầu, đọc Lục kinh11 ... Hiểu Kinh rồi, đọc chư tử, nắm cương yếu, nhớ sự việc... ... Thông Kinh, Tử, 12 đọc qua sử, khảo triều đại, biết trước sau...” Kỳ thật, việc giáo dục trẻ thơ chính phải theo cách thức tuần tự như vậy dẫn vào, còn các kinh sách cao hơn dạy ở bậc tiểu học là nền tảng để [về sau] phát triển dần lên, hiểu được nghĩa lý sâu xa, sáng tỏ hơn. Tôi thấy có rất nhiều người đối với Luận ngữ, Đạo đức kinh, Vô lượng thọ kinh v.v... những bộ kinh sách lớn như thế, lại bắt trẻ đọc ngay từ thuở còn thơ ấu. Đọc mãi qua nhiều thập niên chẳng tiếp nhận được gì, liền trở lại đối với kinh sách sinh lòng chán ngán. Nguyên nhân chính là do các bậc cha mẹ, thầy cô giáo luôn hướng đến những điều quá cao xa, mong cho con em mình thành tựu thật nhanh chóng mà bỏ qua những điều căn bản, nền tảng nhất. Có thể thấy, trình tự thứ lớp học tập tuần tự như trong Tam tự kinh nêu ra đó, quả thật tuyệt đối không thể đảo lộn.

● Sách Bách gia tính, tương truyền do một thầy giáo ở tỉnh Chiết Giang soạn ra vào khoảng đầu triều Tống, ban đầu chỉ [thu thập họ người] nhằm giúp học sinh học chữ viết một cách đơn giản. Nhưng họ người vốn kèm theo yếu tố văn hóa cũng như lịch sử nguồn gốc sâu xa, nên từ đời Tống cho đến những năm đầu Dân quốc, 13 sách Bách gia tính này luôn được sử dụng để dạy trẻ.

● Sách Thiên tự văn do bậc đại nho nhà Lương của Nam triều là Chu Hưng Tự vâng chiếu lệnh Lương Vũ Đế mà soạn thành chỉ sau một đêm. Toàn văn sử dụng 1.000 chữ khác nhau không trùng lặp, trình bày đầy đủ những vấn đề thiên văn, địa lý, thường thức, lịch sử v.v... Bản văn được soạn thành như thế, có thể nói là một tác phẩm độc đáo không tiền khoáng hậu. Trong bản in lưu hành hiện nay có 8 chữ trùng lặp, đó là vì có những chữ Hán về sau được viết đơn giản lại mà thành trùng lặp, vốn không phải lỗi phát sinh từ lúc biên soạn. 

Tam tự kinh, Bách gia tính và Thiên tự văn trải qua nhiều đời đến nay được xưng tụng là ba bộ sách giáo khoa dạy trẻ [mạch lạc và vững chãi] như kiềng ba chân. 

● Giám lược là sách cương yếu lịch sử. Nhân vì nền văn hóa Trung Hoa vốn không phân biệt rõ giữa văn học và lịch sử, nên rất nhiều sách được biên soạn theo lối lẫn lộn văn sử, thật khó lòng nhận biết được ý nghĩa đích thật. Đời nhà Minh có tiên sinh Viên Liễu Phàm14 biên soạn sách Viên Hoàng Cương Giám. Nho sĩ Lý Đình Cơ cũng từng biên soạn sách Ngũ tự giám lược. Ưu điểm của hai sách này là văn nghĩa rõ ràng, sáng sủa, chỉ có điều nếu dùng để dạy trẻ thì từ ngữ có phần tinh tế khó hiểu, cho nên tôi cân nhắc sử dụng sách Tứ tự giám lược của nho sĩ triều Thanh là Vương Sĩ Vân biên soạn.

● Sách Tăng quảng hiền văn, được biên soạn vào khoảng niên hiệu Vạn Lịch triều Minh, 15 nội dung thu thập ngạn ngữ trong dân gian cùng trích những câu hay của nhiều tác giả trong các sách đã lưu hành, thông tục dễ hiểu, hấp dẫn thú vị, thật là một bộ sách hết sức thực dụng, giúp vào việc phổ cập ý nghĩa kinh thư đến với đại chúng. Trải qua nhiều năm lại được người đời sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung. Do vậy hiện nay có rất nhiều bản in khác nhau. Khi biên soạn, tôi đã xem xét chọn lấy bản được lưu hành rộng rãi nhất. 

Vào đời nhà Thanh, trong khoảng niên hiệu Đồng Trị, 16 nhà nho Chu Hi Đào cho rằng trong bản cũ có nhiều chỗ không đúng, liền tiến hành việc chỉnh sửa, bổ sung, văn tự thành ra quá nhiều, lại có những câu gượng vần rất khó đọc, do đó tôi không chọn dùng. 

Yến tử17 nói: “Thánh nhân ngàn lần suy nghĩ ắt cũng có một lần sai; người ngu ngàn lần suy nghĩ ắt cũng được một lần đúng.” Thiết nghĩ, sách Tăng quảng hiền văn, vốn dĩ đã được xưng tụng là “hiền văn”, lại được chọn làm sách dạy cho trẻ con, hẳn người xưa phải hết sức thận trọng cân nhắc nhiều lần trong việc thêm bớt chỉnh sửa. Cho nên đối với những câu chữ được đưa vào đây, ngàn vạn lần cũng không nên dựa theo từ ngữ mà phỏng đoán nghĩa lý, nhất định sẽ hiểu sai đi hàm ý của người xưa, như âm thanh vốn chẳng ở nơi dây đàn, ý tưởng thật vượt ngoài lời nói. Đây chắc hẳn là chỗ “một lần đúng” của bản thân tôi, mà là chỗ “một lần sai” của Chu Hi Đào vậy. Hiện nay bất quá tôi cũng chỉ đang chỉnh sửa các bản kinh sách tụng đọc thôi, nên tạm gác lại chưa bàn đến nhiều, đợi ngày sau đến lúc thực hiện việc chú giải kinh sách, nhất định sẽ trình bày với độc giả đầy đủ hơn về vấn đề này.

● Sách Ấu học cầu nguyên, trước đây có tên là Ấu học tu tri, cũng có các tên là Thành ngữ khảo hoặc Cố sự tầm nguyên, là sách được chọn để dạy cho trẻ em trong hai triều Minh, Thanh. Tác giả sách này là một bậc đại nho triều Minh tên Trình Duẫn Thăng. 18 Trong khoảng niên hiệu Gia Khánh triều Thanh, 19 một nho sinh ở Phúc Kiến là Trâu Thánh Mạch20 đã thực hiện việc soát xét chỉnh sửa sách này và đổi tên là Ấu học cố sự quỳnh lâm, thường gọi tắt là Ấu học quỳnh lâm. Vào năm Dân quốc đầu tiên, ba vị học giả là Phí Hữu Dong, Diệp Phố Tôn và Thái Đông Phiên lại tiến hành việc chỉnh sửa và bổ sung lần nữa. Do vậy mà văn tự thành ra quá nhiều. Cho nên đối với sách này, tôi đã phải hết sức cẩn thận tìm hiểu rõ về quá trình lịch sử các phần thêm vào. 

Toàn bộ sách Ấu học quỳnh lâm đều dùng những câu đối nhau thành cặp để soạn thành, dễ tụng đọc, tiện ghi nhớ. Trong sách hàm chứa trọn vẹn kinh sử, mở rộng ra muôn hình vạn trạng, được xem như một bộ “tiểu bách khoa toàn thư” trong các sách dùng dạy trẻ học. Cho đến triều Thanh, giới văn nhân từng có quan niệm rằng: “Đọc hết sách Tăng quảng thì giỏi việc nói năng; đọc hết sách Ấu học thì [xem như đã] đi khắp thiên hạ.” Cho nên, sức ảnh hưởng mạnh mẽ của sách này qua đó có thể thấy rõ được.

● Sách Long Văn tiên ảnh, nguyên trước đây có tên là Mông dưỡng cố sự, do sử gia triều Minh là Tiêu Lương Hữu biên soạn, dùng làm sách dạy trẻ học. Trong toàn quyển sách sử dụng thể văn vần mỗi câu 4 chữ, hai câu hợp thành một cặp liên đới. Mỗi câu đều đề cập đến một điển cố trong lịch sử. Khoảng đầu triều Thanh, nho sĩ Dương Thần Tranh hiệu đính toàn bộ sách và biên soạn bổ sung, đổi tên thành Long Văn tiên ảnh. Tên sách này vốn xuất phát từ một điển tích trong Phật giáo. Long Văn là tên một con ngựa hay thời cổ. Thường thì ngựa hay không đợi roi vọt quất vào thân mình, chỉ thoáng nhìn thấy bóng roi21 đưa lên đã cất vó phi về phía trước. Tuổi ấu thơ nếu ghi nhớ được hơn ngàn điển cố [trong sách này] thì về sau khi nghiên cứu sâu vào kinh luận, rất có khả năng sẽ từ nơi sự việc mà trực nhận được nghĩa lý.

● Sách Lạp Ông đối vận, do soạn giả Lý Lạp Ông biên soạn vào khoảng cuối triều Minh, đầu triều Thanh, nhằm làm sách dạy học cho trẻ em. Trong sách dùng toàn những câu đối nhau cân chỉnh, ý nghĩa, vần điệu bằng trắc cân xứng, tương quan tương hỗ làm nổi bật lẫn nhau. Quả thật là, dưới ngọn bút hiện ra muôn vật giữa đất trời vũ trụ, trong quyển sách thu vào ngàn mẩu chuyện kim cổ xưa nay. Chỉ nhìn riêng từ góc độ văn chương mà nói, thật ít có tác phẩm cùng loại nào sánh kịp sách này. Hơn nữa, tác giả khi sử dụng các điển cố lịch sử đều có sự khảo chứng, chọn lọc hết sức chuẩn xác, quả thật rất đáng khen ngợi. Trẻ con chỉ cần học kỹ nằm lòng sách này thì ngày sau có thể dễ dàng tùy nghi ứng tác thơ văn không hề ngăn ngại. 

● Hiếu kinh, vốn không thuộc về các sách trong bậc tiểu học. Nay tôi chọn sách này đưa vào giáo dục trẻ em là vì muốn làm nổi bật chỗ quan trọng, tinh yếu của sách. Trong chương thứ hai của thiên Học nhi, sách Luận ngữ, ông Hữu tử22 dẫn lời đức Khổng tử nói rằng: “Người quân tử chú tâm vào nền tảng, nền tảng đã thành lập thì đạo lý từ đó sinh ra. Hiếu thảo với cha mẹ, kính thuận anh chị, chẳng phải là nền tảng của đức nhân đó sao?” Đạo lý một đời của đức Khổng tử đều nằm ở Hiếu kinh. Hai chữ “hiếu đễ” thật có ý nghĩa sâu rộng vô cùng, thấu triệt đến tận nguồn cội, căn bản. Vì thế nên từ xưa đã có thuyết cho rằng: “Dùng Hiếu kinh để nắm hiểu tất cả kinh sách khác.” Phải thật sự thấu hiểu rõ ràng, rằng “thương yêu cha mẹ thì không dám ghét bỏ người khác, kính trọng cha mẹ thì không dám khinh nhờn người khác”, như vậy rồi mới có thể chân chánh bước vào được con đường đạo đức.

Hiếu kinh có nhiều bản khác nhau, bản thời xưa, bản mới ngày nay và một bản do Chu tử chỉnh sửa. Bản mà tôi chọn để hiệu chỉnh đưa vào đây là bản mới ngày nay, hiện được lưu hành rộng rãi nhất.

● Sách Thái Thượng cảm ứng thiên, vốn là sách căn bản của Đạo gia, dạy người nhận biết rõ ràng về nhân quả, biết phương pháp để tránh họa được phúc. Tôi từng xem qua nhiều bản sách cổ, thấy quyển Cảm ứng thiên này từ xưa vốn đã được lưu hành rất rộng rãi, không chỉ hạn cuộc trong các đệ tử của Đạo gia, mà nhiều bậc đại nho, thậm chí là các bậc đại đức cao tăng trong Phật giáo, cũng đều dựa theo sách này để mỗi ngày tự cứu xét việc làm của mình, nhằm biết được những chỗ tốt xấu, được mất.

● Bài văn Âm chất của Văn Xương Đế Quân, vốn được xem là kinh điển nhập môn của Đạo gia, đã lưu hành rộng khắp qua cả bốn triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Vào đầu triều Thanh, bậc đại nho là Cư sĩ Hoài Tây Chu An Sĩ đã mang bản văn này ra chú giải hết sức tường tận, 23 ngợi khen bản văn này mà đả phá những kẻ phân biệt tôn giáo. [Trong bản văn] có lời dạy rằng: “Hoặc phụng chân triều đẩu, 24 hoặc thờ Phật học kinh, thường nhớ nghĩ làm theo lời Phật dạy. Báo đáp bốn ơn sâu, thực hành rộng khắp theo Tam giáo. Nói lời đạo nghĩa cảm hóa kẻ gian tà, giảng giải kinh sử khai sáng người ngu muội.” Nếu có thể thường xuyên tụng đọc bản văn này, nhất định có thể giúp chúng ta đạt đến chỗ “giữ tâm bình đẳng, mở rộng lòng khoan dung độ lượng”.

● Kinh A-nan thưa hỏi Phật về sự lành dữ, 25 là một quyển kinh mà hầu hết đệ tử Phật khi mới vào đạo đều phải đọc qua. Trong kinh, đức Phật Thích-ca vì chúng ta mà giảng giải rõ ràng nguyên nhân vì sao có những người học Phật được an lành tự tại, lại có những người cũng học Phật mà ngược lại gặp toàn chuyện chẳng lành, suy vi khốn khổ. Qua đó, đức Thế Tôn lại vì chúng ta mà chỉ ra một cách chính xác phương pháp cũng như thái độ tu tập chân chánh. Đặc biệt đối với những người học Phật đời nay, đọc qua kinh này có thể tức thời thấu hiểu, trừ dứt mọi sai lầm, khởi sinh sự cảnh giác mãnh liệt trong tu tập mà hốt nhiên tỉnh ngộ.

● Kinh Phật thuyết Tu tập Mười nghiệp lành, chính là kinh điển nền tảng nhất trong đạo Phật. Đức Phật Thích-ca trong kinh này thuyết dạy rõ rằng: “Chúng sinh cầu được sinh vào hai cõi trời, người, hoặc cầu quả vị Thanh văn, Độc giác cho đến Vô thượng Bồ-đề, đều y theo pháp này làm nền tảng mà được thành tựu, cho nên gọi là nghiệp lành. Pháp này chính là tu tập mười nghiệp lành.” Cho nên có thể thấy rằng, bất kể là tu tập trong cõi người hay cõi trời, nếu sai lệch với Mười nghiệp lành này thì đều không phải là Chánh đạo; bất kể là Tiểu thừa hay Đại thừa, nếu sai lệch với Mười nghiệp lành này thì đều không phải là Chánh đạo. 

Đời Thanh, Hoàng đế Thế Tông (niên hiệu Ung Chính) đích thân viết lời tựa cho kinh này. Quả thật kinh này là chỗ tri kiến chân chánh, lời văn nghĩa lý đều hoàn hảo, cho nên khi sử dụng tôi không phải trau chuốt chỉnh sửa gì, chỉ việc thu thập đưa vào mà thôi.

Đức Khổng tử thuở xưa vì sao không thu nhận đệ tử nữ giới? Đây quả thật là một vấn đề sâu xa và quan trọng. Chúng ta đều biết là đức Phật Thích-ca ban đầu vốn không thu nhận đệ tử xuất gia thuộc nữ giới, cho nên việc đức Khổng tử không thu nhận đệ tử nữ giới hoàn toàn không phải do sự kỳ thị nam nữ. Nếu chúng ta thấu hiểu được nguyên nhân đích thật của việc này, ắt sẽ hết sức khâm phục trí tuệ nhìn xa trông rộng của Khổng tử. Tiên sinh Chu An Sĩ trong sách Dục hải hồi cuồng (Khuyên người bỏ sự tham dục) 26 đã thu thập đưa vào đầy đủ các bài tụng Bất tịnh quán và Tứ niệm xứ của Đại sư Tỉnh Am, vị Tổ thứ 11 của Tịnh Độ Tông, nhắc nhở chúng ta cần phải sớm dạy dỗ con em tu tập các pháp quán bất tịnh. Gần đây trong dân gian có nhà giáo dục là tiên sinh Vương Phụng Nghi27 thành lập trường học dành cho nữ giới, khi giảng dạy đức hạnh cho phái nữ thường tự tin nói rằng, đức Khổng tử xưa từng khai sáng những điều này, nay tôi chỉ giảng rộng mà thôi. Vương tiên sinh do tâm thành mà được trí sáng suốt, chỗ giảng giải về học thuyết tâm tánh rất chính xác, khiến người nghe đều thực sự thấy thuyết phục. Tôi vì yêu kính tiên sinh nên thật không dám có lời siểm nịnh, đối với việc này thật lòng cung kính chắp tay, bạo gan mà nói một lời rằng: Tĩnh tâm xem xét tình trạng xã hội hiện nay, thể chế giáo dục chỉ lo không thay đổi được gì, bất kể những điều Khổng tử xưa từng khai sáng cho đến Vương tiên sinh ngày nay giảng rộng đó, chỉ sợ kết quả cũng không làm chuyển đổi được tình trạng quá nghiêm trọng hiện nay. Vì thế, tôi mới đem các bài tụng Bất tịnh quán và Tứ niệm xứ của Pháp sư Tỉnh Am mà đưa vào trong sách giáo dục trẻ em, dùng làm chương trình học tập. Ngưỡng mong nhờ sức đại từ của đức Thế Tôn, may ra có thể chống đỡ được căn nhà sắp đổ, cứu vãn được mối nguy sóng to gió lớn đang ập đến!

Trong sách Dưỡng chính di quy nói rằng: “Con người vốn có khả năng ghi nhớ và khả năng nhận biết. Từ thuở ấu thời cho đến năm 15 tuổi, chưa bị nhiễm ô vì vật dục, tri thức chưa mở mang nên ghi nhớ nhiều mà nhận biết ít. Kể từ sau năm 15 tuổi, tri thức đã mở mang, dần dần tiêm nhiễm vật dục thì nhận biết nhiều hơn mà ghi nhớ ít dần. Cho nên, việc đọc sách nên cho đọc kỹ từ trước năm 15 tuổi, không chỉ là Tứ thư, Ngũ kinh, mà cho đến các sách như thiên văn, địa lý, sử học, toán học v.v... đều có soạn thành vần điệu, nên cho các em học kỹ.” 

Cho nên tôi có đem sách Trung dược dược tính ca quyết phụ vào cuối bộ sách này, để làm giáo trình tuyển chọn dạy thêm cho các em. Đặc biệt cũng muốn nhắc nhở mọi người rằng, việc giáo dục trẻ em chỉ có thể dùng cách cho tụng đọc kinh điển, khi thuộc lòng rồi lại cho tụng đọc lại đến vài ba trăm lần, về sau ắt suốt một đời cũng không quên mất. Đến như những ý nghĩa sâu xa trong kinh điển thì các em sau khi đã tụng đọc thuộc lòng rồi, về sau mới quay lại đi sâu vào nghiên cứu. Cách làm như vậy là hợp lý vì sử dụng được khả năng ghi nhớ của trẻ con cùng với khả năng nhận hiểu về sau. (Ngày nay chúng ta gọi đó là năng lực ký ức và năng lực lý giải.) Đó là phương pháp chân chánh, thuận theo tự nhiên trong truyền thống giáo dục. Ví như mỗi lần cho các em đọc qua, lại mỗi lần dừng lại để giảng giải, ắt cũng giống như Chu Hi Đào từng nói: “Gieo trồng lương thực mà không đợi mùa lúa chín đã gấp gáp thu hoạch, khác nào lúa non lại muốn gặt nhiều được sao?” Trong Thiên kim phương, Dược vương Tôn chân nhân cũng từng giảng rõ: “Hoa mai nở sớm quá không thấy được cái rét cuối năm.” Lời ấy thật hàm chứa nghĩa lý sâu xa cao tột, những bậc làm cha mẹ, huynh trưởng nên hết sức thận trọng suy xét. Phải cẩn thận tránh sự lỗi lầm này.

Cổ đức từng cảm thán: “Đọc sửa sách cũng như quét nhà, quét đến đâu thấy bụi đến đó.” Kẻ hậu học kém cỏi này từ xưa đến nay luôn tâm đắc câu nói ấy, quả thật không sai. Như trong sách có chỗ chưa được hoàn chỉnh [cần chỉnh sửa], liền nhiều lần cung kính chắp tay trước ngực khấn rằng: “Nguyện cùng hết thảy chư vị đại đức tiên hiền nhiều như nước trong biển lớn, kẻ hậu học kém cỏi này đem lòng hổ thẹn, tự biết mình vốn nhiều che chướng, trí tuệ cạn cợt, đức mỏng tài hèn, vốn chẳng có tư cách gì để đảm nhận công việc cực kỳ trọng đại [là hiệu chỉnh sách này], nhưng vì có những nhân duyên đặc biệt đưa đẩy, nếu tự mình không đứng ra đảm nhận công việc thì đâu còn biết dựa vào ai để thực hiện? Do đó mà bất chấp tự thân thấp hèn thô thiển, liền đem hết tâm ý kính cẩn thận trọng, thu thập chỉnh sửa từ trong kinh sách Tam giáo: Nho, Lão, Phật, chọn ra hơn mười bộ kinh sách28 căn bản dành cho người mới học. Hết thảy những chỗ đặt bút chỉnh sửa đều là có căn cứ rõ ràng để y theo, không phải do sự suy đoán chủ quan mà chỉnh sửa.Vì thế, ngưỡng mong chư vị tiên hiền rủ lòng chứng giám.”

Trẻ con nếu có thể y theo sách này tuần tự học tập cẩn trọng, hướng theo Nho học ắt ngày sau thành bậc thánh, hướng theo Lão học ắt có lúc thành tiên nhân, nếu hướng theo Phật đạo ắt sẽ có ngày thành tựu quả vị Bồ-đề.

Tháng 6 năm Tân Mão,
Học nhân kém cỏi là Nhân Duyên Sinh kính ghi.



Chú giải: 

1 Trần Hoằng Mưu (1696-1771), tự Nhữ Tư, người Lâm Quế (nay là Quế Lâm, Quảng Tây), do tránh phạm húy “Hoằng Lịch” vào đời Càn Long nên đổi tên thành Hoành Mưu. Ông đỗ Tiễn Sĩ vào đời Ung Chính, từng giữ trước sau 21 chức quan, từ Bố Chánh Sứ cho đến Đông Các Đại Học Sĩ kiêm Công Bộ Thượng Thư, đặc biệt luôn quan tâm đến giáo dục, được vua Càn Long tin dùng. Ông mất vào năm Càn Long thứ 36 (1771).

2 Quẻ mông, là quẻ thứ tư trong 64 quẻ của Kinh Dịch.

3 Nguyên tác dùng “thánh công”, tức công lao của bậc thánh, ý nói to lớn, quan trọng vô cùng.

4 Tức Lục Thế Nghi, tự Đạo Uy, hiệu Phù Đình, sinh năm 1611, mất năm 1672, người huyện Thái Thương, tỉnh Giang Tô, là một học giả lớn vào cuối triều Minh, đầu triều Thanh. Ông cũng là người chú trọng đến giáo dục, để lại nhiều tác phẩm như Tư ban lục, Luận học thù đáp, Tính thiện đồ thuyết, Hoài vân vấn đáp v.v... cả thảy đến hơn trăm quyển.

5 Tức Lữ Đắc Tinh, người Trữ Lăng, Hà Nam, tên tự là Cận Khê, sống vào khoảng niên hiệu Gia Tĩnh (1522-1566) triều Minh.

6 Tức Lữ Khôn (1536-1618), tự Thúc Giản, hiệu Tân Ngô, thi đỗ Tiến Sĩ vào niên hiệu Vạn Lịch năm thứ hai (1574).

7 Nguyên văn tiết 6 là: “子曰:弟子入則孝,出則弟,謹而信,汎愛眾而親仁。行有餘力,則以學文。” Tạm dịch: Đức Khổng tử dạy: “Làm phận con em, vào thì hiếu với cha mẹ, ra thì thuận kính bậc trưởng thượng, cẩn thận giữ niềm tin, rộng lòng yêu thương mọi người, gần gũi bậc nhân đức. Làm được trọn vẹn những điều đó rồi, còn thừa sức mới học văn chương.”

8 Vương Ứng Lân (1223-1296), tên tự Bá Hậu, hiệu Thâm Ninh, người huyện Ngân Huyền, phủ Khánh Nguyên (nay thuộc thị trấn Trữ Ba, khu Hải Thự), là nhân vật chính trị, giáo dục vào cuối đời Nam Tống.

9 Tứ thư gồm 4 bộ sách lớn là: Đại học, Luận ngữ, Mạnh tử và Trung dung.

10 Hiếu kinh: sách dạy về đạo hiếu của Nho giáo, nhấn mạnh hiếu là nền tảng của mọi đức hạnh, do đó cũng là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Sách thuật lời của Khổng tử trao đổi với học trò là Tăng tử, nhưng không biết ai là người đã thực sự ghi chép, biên tập thành sách.

11 Lục kinh: bao gồm Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc và Kinh Xuân Thu. Kinh Nhạc ngày nay đã thất bản, chỉ còn lại một thiên được đưa vào Kinh Lễ là Nhạc ký. Do đó, thực sự chỉ còn lại Ngũ kinh.

12 Kinh và Tử ở đây chỉ Lục Kinh và các tác phẩm của chư tử, nghĩa là nhiều tác giả khác, phổ biến nhất trong văn học xưa là 5 vị: Tuân tử, Dương tử, Văn Trung tử, Lão tử và Trang tử.

13 Tức là trong khoảng từ năm 960 cho đến đầu thế kỷ 20 (Trung Hoa Dân quốc khởi đầu từ năm 1912).

14 Viên Liễu Phàm sinh năm 1533 và mất năm 1606, trước có tên là Viên Biểu, sau đổi thành Viên Hoàng, tự Khôn Nghi, cũng có tên tự là Khánh Viễn; trước lấy hiệu là Học Hải, sau đổi hiệu là Liễu Phàm. Ông có để lại sách Liễu Phàm tứ huấn được lưu hành hết sức rộng rãi. Bản văn này đã được chúng tôi Việt dịch và lưu hành trong sách Chuyển họa thành phúc, NXB Thời Đại, 2015.

15 Tức là trong khoảng năm 1573 đến năm 1620.

16 Tức là trong khoảng năm 1862 đến năm 1874.

17 Tức Yến Anh, tên tự là Trọng, tên thụy là Bình, thường được gọi là Bình Trọng, cũng gọi là Yến tử, là nhân tài nổi tiếng thời Chiến quốc, phụ chính Tề vương qua ba đời, hơn 52 năm.

18 Trình Duẫn Thăng, tên thật là Trình Đăng Cát, tự Duẫn Thăng.

19 Tức là trong khoảng năm 1796 đến năm 1820.

20 Trâu Thánh Mạch, tên tự là Ngô Cương.

21 Trong Hán ngữ, tiên ảnh có nghĩa là bóng của cây roi.

22 Hữu tử, có tên là Hữu Nhược, một trong các môn đồ của đức Khổng tử.

23 Phần giảng giải của Tiên sinh Chu An Sĩ được khắc in thành sách Âm chất văn quảng nghĩa, gồm hai quyển (thượng, hạ), về sau được đưa vào An Sĩ toàn thư. Chúng tôi đã chuyển dịch tất cả sang Việt ngữ, lưu hành tại Việt Nam từ khoảng cuối năm 2015, NXB Tôn giáo. Bản in toàn cầu do NXB Liên Phật Hội (San Diego, CA, USA) ấn hành, có số ISBN: 978-1545337493.

24 Phụng chân triều đẩu: niềm tin của Đạo giáo cho rằng phải thờ phụng các bậc chân nhân, lễ bái các vị tinh tú, cho rằng các vị ấy được Ngọc Đế giao cho việc cai quản, dạy dỗ hoặc thưởng phạt người đời.

25 Nguyên tác là Phật thuyết A-nan vấn sự Phật cát hung kinh (佛說阿難問事佛吉凶經), kinh số 492a, Tập 14 trong Đại Chánh tạng, còn có dị bản là A-nan vấn sự Phật cát hung kinh (阿難問事 佛吉凶 經 ), kinh số 492b, Tập 14 trong Đại Chánh tạng. Cả hai bản kinh này đều ghi là do ngài An Thế Cao dịch từ Phạn văn sang Hán văn vào đời Hậu Hán.

26 Sách này cũng được đưa vào An Sĩ toàn thư, chúng tôi đã Việt dịch và lưu hành, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2015. Bản in toàn cầu có mã số ISBN: 978-1545356029, NXB Liên Phật Hội, San Diego, CA, USA.

27 Vương Phụng Nghi (1864-1937), người tỉnh Nhiệt Hà, huyện Triêu Dương, tên thật là Thụ Đồng, tự Phụng Nghi, được người đương thời xưng tụng là Vương Thiện Nhân.

28 Chính xác là theo lời tựa này, soạn giả đã chọn đưa vào 15 bộ kinh sách, cộng thêm các phần phụ lục hai bài tụng của Pháp sư Tỉnh Am và sách Trung dược dược tính ca quyết.


Source: https://rongmotamhon.net

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/01/2018(Xem: 3823)
Lễ Trao Giải Viết Về đạo Phật Ananda Viet Awards Lần Đầu, 3 Giải Chính, 5 Giải Khuyến Khích Tổng Trị Giá Các Giải Là 7000 MK
13/01/2018(Xem: 4076)
Đọc Thơ Tuyển của Cư sỹ Đào Văn Bình, Tình cờ chúng tôi có được tập sách Tổ Ấm Cuối Cùng, Thơ tuyển và Kịch bản, của cư sỹ Đào Văn Bình xuất bản năm 1987, gởi tặng cố Hòa thượng Thích Thiện Trì, chùa Kim Quang tại thủ phủ Sacramento, CA. Tập sách có hai phần: Phần 1 là Thơ tuyển mà tác giả cho biết là "Sáng tác ròng rã qua 9 năm lưu đày tù ngục và 1 năm phiêu linh qua các trại tỵ nạn". Phần 2 là Kịch bản Tổ Ấm Cuối Cùng (Sáng tác từ tại tỵ nạn Sungei Besi). Ở đây tôi chỉ viết cảm hứng của mình khi đọc vài bài thơ trong lúc bị tù đày của một cư sỹ lão thành luôn có tâm với đạo pháp và dân tộc.
12/01/2018(Xem: 4686)
Nhớ lại 3 năm trước, tôi đến Seattle vào một chiều Thu cuối tháng Mười. Vừa rời khỏi sân bay, cảm nhận đầu tiên của tôi đối với đô thị xa hoa có nhịp sống bận rộn này là cái se se lạnh của tiết trời đang độ giữa Thu. Trong tôi lúc đó vẫn còn nỗi bồn chồn lo lắng, tâm trạng của một người vừa xa quê, bước chân vào một đất nước xa lạ. Sự mát lạnh của khí trời như xoa dịu phần nào nỗi lo lắng trong tôi. Có lẽ đó là lý do vì sao tôi vẫn nhớ như in cảm xúc đầu tiên ấy, và dần dần, tôi nhận ra mình có cảm tình với mùa Thu ở Washington.
15/12/2017(Xem: 6408)
Hương Lúa Chùa Quê" Bản Tình Ca Quê Hương của nhị vị Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển. Sau khi đọc tác phẩm “Hương Lúa Chùa Quê” chúng con không dám mong ước giới thiệu sự nghiệp văn học, văn hóa cả đạo lẫn đời của nhị vị Hòa Thượng. Vì công trình tạo dựng sự nghiệp của các bậc xuất sĩ không nằm trong “nguồn văn chương sáng tác”. Vì xuyên qua mấy chục năm hành đạo và giúp đời, nhị vị đã xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo đồ sộ trên nhiều quốc độ khác nhau như: chùa Pháp Bảo tại nước Úc; chùa Viên Giác và Tu viện Viên Đức tại nước Đức. Nhị vị cũng đã mang ánh Đạo vàng đến khắp muôn nơi, soi sáng cho bước chân “người cùng tử” được trở về dưới mái nhà xưa, để thấy lại “bóng hình chân nguyên”; dẫn đường cho những người chưa thể “tự mình thắp đuốc lên mà đi” được tìm lại “bản lai diện mục”. Đó mới gọi là “sự nghiệp” của bậc xuât sĩ. Điều nầy đã có lịch sử ghi nhận từ mạch nguồn công đức biểu hiện và lưu truyền.
15/12/2017(Xem: 87983)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 138343)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
08/12/2017(Xem: 4043)
Đọc “Trúc Lâm Thiền Phái tại Huế” của Thích Tín Nghĩa, Nhân dịp Nguyên Giác và tôi ra mắt sách ở Chùa Bát Nhã, Nam California, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa- Viện Chủ Từ Đàm Hải Ngoại Irving, Texas không về dự được nhưng đã có thư cáo lỗi. Từ việc làm hết sức cẩn trọng và khéo léo đó, tôi sinh lòng cảm mến và làm quen với hòa thượng qua điện thư và được hòa thượng ưu ái tặng cho bốn cuốn sách của chính hòa thượng, bao gồm:
07/11/2017(Xem: 3877)
Nhà thấp nhất trong xóm. Mái tole. Cửa gỗ. Sàn gác gỗ sao. Nó khiêm tốn lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố với beton cốt thép, cửa sắt, cửa kính chịu lực... Diện tích gian dưới của căn nhà cấp 4 này chỉ 24 mét vuông, chia thành hai gian, bếp và nhà vệ sinh chiếm hết gần một nửa, còn lại chừa cho gian phòng khách chật chội với bàn ghế, divan, tủ sách, chỗ để hai chiếc xe máy... Vậy mà vào lúc sáng sớm, khi cơn bão Damrey dữ tợn bắt đầu đổ bộ vào đất liền, hung hăng sấn vào lòng thành phố biển Nha Trang, căn nhà khiêm tốn trong hẻm nhỏ này là nhà duy nhất mở cửa để đón nhận 15 người khách lỡ đường chui vào nương trú để tránh bão. Duy nhất. Vì mọi nhà xung quanh đều đã cửa đóng then cài kín bít từ đầu tối hôm trước.
05/11/2017(Xem: 24911)
Cách Đọc Tên và Phát Âm 23 Chữ Cái, Hiện nay tại Việt Nam cách gọi tên và cách phát âm 23 mẫu tự tiếng Việt vô cùng lộn xộn. Thí dụ: Trên chương trình Thời Sự Quốc Phòng, thiết vận xa M.113 có cô đọc: em mờ 113. Có cô đọc mờ 113. -Chữ N có nơi đọc: en nờ (âm nờ hơi nhẹ). Có nơi đọc nờ.
12/10/2017(Xem: 11768)
Viết về anh Bùi Giáng là một việc làm cần lòng can đảm. Thậm chí cần rất nhiều can đảm, có khi phải nói nôm na là liều mạng mới dám viết. Những người có thời gần gũi và thương mến anh ai cũng có lần cảm nhận điều đó. Anh thích người ta đọc sách anh, thưởng thức thơ văn anh, nghiền ngẫm tư tưởng của anh. Nhưng ngược lại anh hay nổi nóng nếu ai hiểu sai ý anh. Anh rất giận khi có ai viết sai một chữ, kể cả sai một dấu phẩy, những câu thơ của anh. Có rất nhiều khi anh cho đó là một sự xuyên tạc có hậu ý. Dù sao, anh và tôi đã từng sống chung gần ba năm trời ở Vạn Hạnh chả lẽ không có gì để nói, lâu nay tuy rất muốn viết nhưng tôi vẫn cố tránh, cho đến khi có người nhắc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]