Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Tạ ơn người

31/01/201206:22(Xem: 11491)
11. Tạ ơn người

TẠ ƠN NGƯỜI 

Mùa mưa xứ Huế 2009, Hiền Đông

"Tôi viết cho đời bớt khổ đau

Đừng gây ai oán tạo thêm sầu

Đừng mang cay đắng xây phiền lụy

Mà kết hương thơm đượm sắc màu. 

Bài thơ tôi viết gợi yêu thương

Mở cửa cảm thông mọi nẻo đường

Xoa dịu vạn sầu đeo thế kỉ

Tình người vun vén lấp tang thương".

(Mặc Giang)

Gió thị phi bay qua rồi vụt tắt, chỉ hư không là còn mãi với thời gian. Thân ngũ uẩn hợp để rồi tan, nhưng đâu đây còn phảng phất hương giới đức và gói trọn tiếng thâm tình... 
Nhiều lúc trong cuộc đời chưa kịp tìm ra một người bạn tri âm, tri kỉ, để thầm thì chia sẻ, rằng cuộc đời này rộng rãi thênh thang mà cũng chật chội biết bao nhiêu.... Rồi một ngày nào đó, tiếng thơ đã dồn nén vào cõi tâm tư, chôn vùi xác phượng. Thu về nghe lòng thổn thức, cái núi thơ đồ sộ của thi sĩ Mặc Giang đã len lỏi vào từng tâm hồn, từng cuộc đời đang còn chơi vơi trong biển khổ. Cái chất thơ ấy như một chút thuốc pháo nồng đầu ngọn que diêm, nhưng khi khẽ quệt vào lòng nhân thế thì bỗng trong phút chốc, ánh lửa hồng được thắp sáng, sáng mãi, sáng như một bếp lửa hồng trong sương sớm, xua tan mọi âm u, ảm đạm của cuộc đời:

"Một lời thơ trăng sao còn lấp lánh

Một câu thơ rừng núi khép âm u" 

Và chính lúc ấy, thơ hay tình thương của Mặc Giang đã hiện hữu thân quen giữa dòng đời, tiếng nói thâm tình còn rất ấm. Tình thương trong thơ Mặc Giang bao trùm tất cả càn khôn vạn vật, nghèo cũng như giàu, tốt cũng như xấu, thân như sơ, thù như bạn. Tình thương ấy đã là một món quà lớn và có thật trong cuộc sống. Ta cần tình thương, người lớn cần tình thương, trẻ em cần tình thương, loài vật cỏ cây cũng cần tình thương... Đời sống không có tình thương là đời sống cằn cỗi, tàn tạ, héo mòn. Thơ Mặc Giang đã chăm bón tình thương, giúp con người biết thở, biết cười nói trong từng giây phút và ngay cả khi gặp phải những chuyện khó khăn. Và đây, nụ hoa thân thiện đã hé nở giữa dòng đời:

"Hoa thân thiện hát câu hò khe khẽ

Tình tương thân, tương ái vạn lời ca

Tình ấm êm, chan chứa khắp mọi nhà

Nếu ai ai cũng có lòng rộng mở" 

Tươi vui, trầm tĩnh, sáng suốt và tự tin là các yếu tố cơ bản trong thơ của thi sĩ Mặc Giang. Thơ ông còn có đặc tánh làm rung động những tâm hồn trắc ẩn cao thượng trước cảnh khổ của người khác. Con người nhờ tiếp xúc với tình thơ ấy mà lòng không còn mơ màng trong giấc mộng, cải thiện cuộc sống, thăng hoa nhân cách ngày một tốt đẹp hơn. 
Nhân thế hôm nay tay nắm tay nhau, nối vòng tay lớn, lượn tròn bên ánh lửa hồng ấm đượm tình người vì thơ Mặc Giang đã ''xua đi cái sắc màu buồn thảm, quét sạch đi bóng dáng của tối tăm". Ôi! Có gì đẹp trên đời hơn thế, người bên người sống để thương nhau. Trăng kia lồng đáy nước, khóm trúc vàng hé nở, bao cành lau trắng muốt phất phơ vẫy gọi trong gió chiều, tiếng chuông chùa vang lên giữa lòng thành phố, ai đó đang lim dim đôi mắt ngồi thỉnh chuông, lòng thầm cầu nguyện tiếng chuông len lỏi khắp pháp giới, thức tỉnh tất cả mọi người. Toàn bộ nội tâm ta đã trở về nguồn cội yên lặng, và thơ Mặc Giang đã hòa cái chất thanh tịnh ấy đi theo tiếng chuông ngân... Mặc Giang đã viết nhanh, viết vội, và...viết thật thong thả những áng thơ bất hũ để kịp gieo vào lòng thế cuộc:

"Gắn trên cành khô héo

Một điểm nụ không hoa

Khắp pháp giới sáng lòa 

Nụ không hoa rạng rỡ "

Ánh trăng rằm sáng nhất chỉ xuất hiện một lần trong tháng, còn thơ Mặc Giang thì sáng mãi những tháng ngày. Đám mây si mê che mờ tâm trí tan biến, sự giác ngộ sẽ đến với ta khi tiếp xúc những vần thơ của thi sĩ. Hạnh phúc cao nhất là hạnh phúc của sự quán chiếu nội tâm, thấy rõ diễn biến của sự vật, triết lý sắc không, tính chất thiền trong thơ Mặc Giang sẽ đưa ta đến đó:

"Đem ghép chữ mà thành thơ mới lạ

Đem ghép từ mà thành ngữ mới hay

Còn riêng tôi không chứa một mảy may

Nắm cái không nên tôi tha hồ bắt" 

Người nào với tâm đơn sơ mộc mạc, biết thưởng thức thơ để biết rằng mỗi giây phút đều tươi mát, mới mẻ thì sẽ hưởng hạnh phúc lớn lao. Vậy, chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình vào tâm linh để khám phá và xem ta là ai? Ta là gì?... Hãy cùng dắt nhau dạo bước rong chơi qua vườn hoa đạo pháp của thi sĩ Mặc Giang, thật là ngạc nhiên, chân bước chậm lại, tay nhẹ nhàng khẽ nâng từng đóa hoa tươi, hương giới đức, đạo hạnh lan tỏa dịu dàng, tâm hồn trở nên an tịnh thư thái. Bất chợt, ta cảm thấy cuộc đời này cần phải sống như thế nào cho có ý nghĩa, cái gì ở nơi ta đã đánh mất?

" Phật tánh, không phân chia : màu da, chủng tộc

Phật tâm, không mắc kẹt : cao thấp, nghèo giàu

Phật từ, không mắc cạn : bến cát, bờ lau

Phật quang, khắp mười phương phổ chiếu"

Tạ ơn người! Mặc Giang đã tạo cho ta những chuyến du lịch tại chỗ mà không cần phải đi. Thi sĩ đã cho ta thưởng thức cái hương hoa thanh cao, tinh khiết như sen nở giữa hồ:

"Hoa tình thương trổ bông, thơm ngào ngạt

Cho người người chung sức sống thăng hoa

Một bông hoa thành muôn vạn đóa hoa

Không khô cứng trên pháo đài yêu ghét" 

Ngạc nhiên chưa? nếu là lần đầu tiên dạo chơi trong đó, ta sẽ hối hận nuối tiếc và thốt lên rằng: "Lâu nay ta không biết ư?"... Thơ Mặc Giang đã hiện hữu tính chất và giá trị của nó trên những đóa hoa, trong lòng người, giữa cuộc đời, chặn đứng những bước chân lang thang trong vòng luẫn quẫn, làm cho tâm luôn náo động và hỗn loạn trở về thanh tịnh. Hoa chánh pháp đã đánh thức ta nhẹ nhàng đưa tâm về:

"Hoa Tứ Diệu Đế không tìm cầu vướng mắc

Không tam đồ bát nạn khổ cu li

Biết nhận chân trước mắt, cứ như thế mà đi

Hoa Tứ Diệu Đế thơm hương đường giải thoát" 

Biết khổ chính là cánh cửa bước vào đạo. Mặc Giang là một thi sĩ tâm lượng bao dung, nhân từ đôn hậu, trong sáng hiền lành, thường quán sát chuyện giả dối hư huyễn vô thường của thế gian mà dẫn dắt người đời tìm lẽ chơn thật trong đạo làm người. Thơ ông là lẽ đạo. Lẽ đạo là cái mạc hòa hợp giản dị, bình an, tự tại, buông lo lắng và ít tham cầu. Chính vì lẽ đó, thi sĩ đã viết những vần thơ chân thật, sống động, giúp con người thẩm thấu cái lí trên mà tâm lúc nào cũng vui tươi không sầu khổ trong biển khổ:

"Khổ phải khổ và nếm mùi gian khổ

Lạc phải lạc và nếm vị lạc an

Người trần gian không nên sợ thế gian

Phải biết sống và bình yên vững sống" 

Hoa đạo pháp vọng về chân như, ngát hương trong dòng sanh tử. Mặc Giang đã gửi hồn thơ vào ánh trăng ngàn soi sáng cho con người được vững bước tiếp những bước đi trong cuộc đời. Hoa chánh pháp nở rộ giữa vườn trần, hương vẫn cứ lan xa, đâu đâu cũng là nhà, đâu cũng là thơ, tình người cũng được xây đắp vun vén. Mặc Giang đã đem đạo vào đời...! 

Ngày nào... dạo chơi trên biển, ngắm nhìn con dã tràng xe cát, ta bắt gặp nàng "phiêu lưu ở tha phương viễn xứ, ước mơ khao khát trở về cố hương". Đứng trên bờ biển, toàn biển đều là sóng bởi cơn gió mạnh. Nàng tròn xoe mắt, ngơ ngác như con nai vàng không biết làm sao tìm ra nước biển. Nếu đây là sóng thì nước biển ở đâu? Nàng thì thầm... Những con sóng kia cứ vô tình đuổi nhau lặn hụp hò hét ầm ĩ, thế mặt biển là những cái biến động ấy sao?... Cảnh biển bây giờ không thơ mộng chút nào. Sóng vẫn vỗ vào nhau bọt tung trắng xóa. Nàng cảm thấy mỏi mệt, bắt đầu mơ về "Câu chuyện dòng sông" tĩnh lặng như cuộc đời và thơ của Mặc Giang. Nàng nhắm mắt thiền một lát, nhẹ nhàng hít thở bầu không khí trong lành. Sóng biển không còn dữ dội mà vỗ về thao thức theo cung điệu, giai thoại, âm hưởng thơ Mặc Giang:

"Tôi là em tất cả

Em là tôi nhiệm mầu

Đâu còn tan hợp nữa

Muôn ngàn hiện hữu thôi" 

Nàng bỗng dừng lại vọng tâm, trầm tư về triết lí sống trên biển. Nàng nhìn thẳng vào biển, chợt nhoẻn môi cười "chính sóng ấy tức là nước, cái biến động kia chỉ là hình tượng của mặt biển tĩnh lặng". Ngay nơi sóng nàng đã nhận ra nước và trên cái biến động ấy mà biết được thể tịnh... Thơ Mặc Giang xuất hiện đúng lúc và tuyệt vời đến thế đó. Cuộc đời con người quả thật là đáng thương, hiện tướng vô minh đã tạo cho họ những vọng tưởng điên đảo. Bao người con đã bỏ nhà ra đi dong ruỗi khắp mọi nẻo luân hồi. Bỏ hàng cây xanh bóng mát, bỏ tiếng chim hót líu lo hay tiếng chuông chùa ngân dài trong muôn lối. Bỏ ánh bình minh vừa trỗi dậy buổi ban mai, mải miết xây lâu đài cát trên biển để rồi cơn sóng vô tình cướp đi trong khoảnh khắc. "Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng", không nhận ra nên cứ tiếp tục đi. Bằng tình thương yêu vô bờ bến, Mặc Giang đã nắm bắt thời cuộc, chuyển tải đến từng tâm hồn cả một rừng thơ, đem đạo vào đời để hóa giải những khổ đau, những mất mát mà cuộc đời con người gánh chịu:

"Xin chắp tay cho cuồng si khô cạn

Mở tấm lòng hàn gắn những tiếc thương

Mở từ tâm chiếu rọi mọi nẻo đường

Và thổn thức trong tiếng kêu đồng loại" 

Thi sĩ đã mang đến cho con người vị ngọt của sự giải thoát, vị tha, từ bi, bình đẳng và lấy nó làm châm ngôn cho cuộc sống... Người đã lặng thầm dõi đôi mắt hiền từ nhìn theo những bước chân chập chờn lấp lánh trên sỏi đá mà lòng dâng trào thương cảm. Để rồi đã gửi lên non cao, đem thả xuống biển, tung lên bầu trời những vần thơ phóng khoáng, chan chứa tình người, gửi đến những cánh chim lạc loài, bơ vơ muôn nẻo. Như con thơ khát sữa bỗng gặp được mẹ hiền dấu yêu, biết bao người mải mê thả hồn theo thơ Mặc Giang, mải miết đọc nó như những ngày tháng đã đuổi bắt những bóng hình hư vọng, đắm đuối theo những cuộc chơi tục lụy ngây ngô, khờ khạo nhất của cuộc đời. Và lạ thay, những vần thơ diệu kỳ ấy đã lắng đọng trong tâm tư, tình thương trong thơ như ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn con người, giúp họ nhận diện, hồi đầu phản tỉnh, tìm lại những gì đã đánh mất. Thế rồi, tự tại ngắm nhìn dòng sông đang phẳng lì trôi chảy cùng ánh hoàng hôn buông xuống và ánh trăng dần dần tỏa chiếu khắp nhân gian. Rồi đây, trên nẻo đường muôn dặm lối đi về, những áng thơ tuyệt tác bất hủ của thi sĩ Mặc Giang sẽ gieo vào lòng người một sự thức tỉnh để làm an lạc cho cuộc đời, để không còn đi trong sự cuồng vọng như ma đuổi thuở nào:

"Nếu biết sống cuộc đời bao kỳ thú

Còn nếu không nhân thế kiếp đọa đày" 

Thơ Mặc Giang mang tính triết lí nhân sinh sâu sắc, bút pháp lạ lùng, vần thơ chân thật tha thiết, gần gũi thân thương mà dễ gì mấy ai có được. Bởi thương người và thương đời quá, cho nên, hễ nhìn đời là những vần thơ cứ dạt dào tuôn chảy dưới ngòi bút thi nhân. Thi sĩ vẫn ngồi đó, dõi mắt trông từng bước chân qua, để rồi âm thầm lặng lẽ hiến dâng cho đời những trái ngọt của tình thương, khép lại cánh cửa mùa đông giá lạnh, cho người người cùng nhau sưởi hơi ấm của tình thương bên bếp lửa hồng. Mặc Giang cứ thản nhiên bước, bước đi khắp mọi miền tổ quốc, nơi xóm làng heo hút cơ cực, tận cùng của khổ đau, để làm gì?:

"Tôi đi khép cửa mùa đông

Cho đời thôi giá lạnh

Cho đơn côi vỗ cánh

Cho bếp hồng lên hương". 

Cuộc đời thi sĩ là những bài pháp vô ngôn về đức nhân và đạo nghĩa. Thi sĩ đã lấy cái chất liệu quý báu ấy mà xây dựng cuộc sống con người trong biển khổ:

"Đạo nghĩa là một lâu đài đích thực

Đức nhân là kiền thạch trụ ba chân''

Mặc Giang ơi! Có những người chỉ đi qua cuộc đời chẳng để lại một mảy may bóng dáng, có họ hay không thì cuộc đời vẫn thế... Nhưng cuộc đời thi sĩ đã đi qua dù lặng lẽ, vẫn lưu lại một chân dung...! 

"Tôi đi đóng cửa tịch liêu

Cho tan niềm cô độc

Cho buồn tênh đổ dốc

Cho nụ cười điểm hoa"

Giọng thơ đôn hậu, trầm lắng, nhiều chiêm nghiệm. Mặc Giang không bao giờ chấp nhận nhân vật của mình rơi vào ngõ cụt, sống trong tối tăm đau khổ:

"Xin chắp tay xua tan đi bóng tối 

Người với người thắp sáng vạn tin yêu

Tay nắm tay dang rộng khắp nhiễu điều

Treo giá gương trùm năm châu bốn biển"...

Đó cũng chính là nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo của thơ ông. Ôi! Thời gian thấm đượm tình nhân thế, lưu cho đời biết mấy mến thương... Thơ ông đã làm vơi đi bao nỗi sầu nhân thế, gác bỏ ngoài tai chuyện lọc lừa...

Và... mưa ơi mưa! xin mưa rơi ý vị. Nắng ơi nắng, xin nắng đổ hoen vàng, xin thương người cùng người, trong cuộc sống của nhân gian!.

...Người bạn nghèo có mái tóc nghệ sĩ ung dung châm điếu thuốc, rít một hơi thật sâu rồi nhả ra từng làn khói trắng bồng bềnh, nhẹ nhàng bay lên không trung, cuộn tròn như áng thơ tuyệt tác của thi sĩ Mặc Giang đang nhởn nhơ, mấp máy hé môi cười trong gió nắng. Ông gật đầu cười bảo: "Mặc Giang đã dọn những chông gai, đã đào xới những mảnh đất khô cằn sỏi đá, gieo hạt giống tình thương, ươm những loài hoa bất tử để dâng cho đời. Ngày qua ngày, miệt mài đốt những dây mơ rễ má, trồng cây xanh tươi. Cuộc sống đã có những hàng thông vi vu điệu nhạc mãi luôn reo cười trong gió nắng..."

Và trong quán cà phê kia, bao nhiêu người đang thả hồn theo điệu nhạc, những căng thẳng mệt mỏi sau một ngày làm việc đã tan vào hư vô, bởi thơ Mặc Giang đã đồng cảm rung lên, ngân nga thành những bài ca lay động theo từng câu chữ, từng giai điệu mượt mà như cánh đồng lúa nếp ngát hương giữa chiều quê thoang thoảng êm ru, nhẹ đưa... Ai không một lần tìm lại mình giữa chợ đời... để rồi... tâm hồn xao xuyến bâng khuâng, thương người, thương quê : ''Cần Thơ ơi nhớ mãi!'', ''Nhớ Huế quê tôi" hay "Đà Lạt mến yêu", và "Mai em có về", "Bình Định quê tôi"!...

"Quê hương tôi Bình Định đó, Tây Sơn xưa còn vang vọng mãi. Ai xa quê lòng hoài mong. Tay run run giọt mừng rơi. Tay nâng niu đón người về. Tóc ngã màu tình quê ơi, tay run run nhớ nào nguôi". Lời ca bay bỗng nhẹ nhàng như làn mây bồng bềnh nhỡn nhơ lên tận trời xanh, tâm hồn ta trở nên thư thái.

Cuộc trò chuyện có vẻ lãng mạn, ly cà phê mới bắt đầu nhỏ giọt, người nghệ sĩ hớp một chút êm đềm vị đắng rồi bảo:

"Tôi suy nghĩ chưa ra thì Mặc Giang đã làm xong một bài rồi. Tôi vừa làm xong một bài thì thi sĩ đã viết hơn cả chục bài... tuyệt vời quá!". Xưa nay, những nhà văn, nhà thơ lớn tên tuổi thường gắn với nhân vật điển hình do mình sáng tạo ra. Nhắc đến Nguyễn Du, người ta thường nhớ tới nàng Kiều. Nhắc đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ đến một Huấn Cao chữ như rồng bay phượng múa, người nghệ sĩ tài hoa có thiên lương trong sáng. Nhắc đến Hồ Xuân Hương, người ta thường nghĩ đến thân phận người phụ nữ... và nhắc đến Mặc Giang, ta thường nghĩ đến cả con người và thế cuộc :

"Có người hỏi từ đâu tôi cảm hứng

Để mở đầu và viết những vần thơ

Tôi bảo rằng cuộc sống ấy là thơ

Và nhân thế, đó là nguồn cảm hứng"

Đất nước và dân tộc kinh qua bao thời chinh chiến, nhiều văn thi nhân đã phóng ngòi bút của mình tràn theo khói lửa tựu thành những sáng tác phẩm ngất trời thi sử hùng ca bi thiết, và ươm vọng chất lãng mạn lung linh giữa nhịp sóng đứt đoạn, bước lỡ bên cầu, giọt châu đêm vắng, với ước mơ rơi rụng chín sầu mùa mới đơm bông. Cho đến ngày hôm nay, thời đại văn minh, con người luôn chạy theo những đam mê vật chất, bị cuốn hút trong mê hồn trận nhục dục bởi những hấp dẫn mời gọi đầy hư ảo do chính mình dàn dựng lên. Do thế, chưa một lần nhận ra thực tại của tự thân, của vũ trụ vạn hữu đúng như chân tướng của nó, nên dù cánh cửa giải thoát luôn gần kề trước mắt mà không ai đặt chân vào. Vì lẽ đó, thi sĩ Mặc Giang đã kịp cho ra cả một rừng thơ, biển thơ, được biểu trưng bằng phóng quang, ngọc minh châu, cây đuốc ngọn đèn, giúp con người tỉnh thức:

"Khắc một triện son treo thiện mỹ

Gắn một dấu ấn lộng tấm gương

Không gì hơn tiếng nói tình thương

Trao nhân thế đèn từ tâm sáng tỏa"

Thơ Mặc Giang thực sự là luồng sinh khí mới thổi vào kiếp nhân sinh những bước tiến thăng hoa và chuyển hóa dòng đời. Cứ nhìn đời, lao vào đời là thấy thơ Mặc Giang, chẳng phải là cái gì xa vời, là cái gì mơ ước viễn vông mà nó rất thực, cho nên nó đi vào cuộc đời. Sự sống một cách hiện hữu. Chúng ta thực sự hữu duyên, hữu phước để đón nhận thơ Mặc Giang, cũng là nhận được một tấm lòng, một biển tâm, một tình thương yêu vô bờ bến không biết nói sao cùng, để nụ cười hé nở như đóa hoa tươi vừa khởi sắc nghinh hương, để được cầm cái bắt tay thân thiện, dìu dắt nhau trên lối đi về cho tình đời, nghĩa đạo thêm thắm, thêm tươi và thêm ấm lòng nhân thế:

"Về đây đạo lý tuyệt vời

Ấm êm cảnh sắc thảnh thơi tâm hồn

... Về đây tìm lại nụ cười

Lá tươi thêm thắm hoa tươi thêm màu

Về đây thân thiện cho nhau

Tình đời nghĩa đạo bớt đau bớt sầu"

Lời thơ hòa ca vang vọng, ta tưởng chừng như sóng nước Hương Giang lung linh ánh trăng huyền xao động, văng vẳng nhịp nhàng. Tình thơ ai bàng bạc giữa trăng ngàn, lòng người chứa chan. Từng nét bút dạt dào, Mặc Giang đã dâng thơ...! Mặc cho đời sớm chiều mưa nắng, mặc cho ai lọc lừa lợi danh, mong cho cuộc sống an lành, thương yêu, nhân đức tấm lòng vị tha...

Xin hãy góp nhặt pháp bảo, gom hết vần thơ thi sĩ gieo vào tàng thức của mình, để trong cuộc đời đau khổ này luôn có thơ hay chính là tình thương của thi sĩ hiện-hạnh- huân-chủng-tử. Thăng hoa cuộc sống, chuyển hóa khổ đau thành an lạc: 

"Cam lồ pháp nhũ thấm sâu

Muôn phương ân hưởng đạo mầu từ bi"

Ôi! đọc những dòng thơ Mặc Giang trong những tháng ngày thao thức tình đạo, lòng người như được gọt giũa bụi trần trong đời ngũ trược, thắm hương tịnh giới thoát kiếp trầm luân, và sực tỉnh lý tử sinh nơi tam giới:

"Từ dưới đất cây vươn lên đấy chứ

Qua thời gian cây đâm lộc nảy chồi

Dù cây non hay đại thọ sống đời

Cõi vô thường băng ngang dòng cát bụi"

Kính lạy mẹ hiền Quán Thế Âm ! Trong dòng chảy luân lưu của pháp bảo, dưới ánh hào quang của Ngài, có những người con chí hiếu, quảng đại đang sống hết mình giữa tinh thần vô ngã, hoạt dụng mà hóa thân khắp cõi trần ai, để ôm ấp, vỗ về, nâng niu từng mảnh đời cơ cực ''Tôi là người đạp xích lô, tôi là người câm, tôi là người mù..." Nơi nào thi sĩ hóa thân thì nơi đó có dòng nước mắt của con người hiện hữu, âm thầm tuôn chảy khóc cùng tác giả: 

"Ai bảo rằng người lớn khóc khó coi

Khóc cũng tím lòng, khóc cũng mềm môi" 

Có những đêm dài thao thức canh thâu, nhà thơ của chúng ta không ngủ được vì thương người, thương đời, nước mắt chúng sanh quả là nhiều hơn nước bốn biển. Cho nên hai con mắt xót đỏ ngầu trắng canh, ngẫm thế cuộc thì: 

"Vành mi khô ngấn lệ

Nhỏ hai giọt lăn tròn"

Và lại có những đêm khuya thức giấc, bỗng thấy lệ thầm rơi ướt gối: 

"Giật mình tỉnh mộng đêm qua

Sờ trên gối mộng, gối đà đẫm sương"

Mặc Giang hay ''Lệ Giang"...? 

...Thơ văn có chỗ đứng trên thi đàn văn học phải là thơ văn độc sáng và khai phá, được gạn lọc kỹ càng qua chiếc búa đập vỗ thế nhân, vượt qua không gian để tránh sự chiếu lệ cảm tính tạc thù, vượt qua thời gian để không câu nệ tính ngã nhân cố thủ. ''Con người mong muốn những tác phẩm văn học, thơ ca có nội dung chân thực phong phú, hình thức trong sáng, thấm đượm tình người. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì bổ ích". Thơ Mặc Giang đã là áng thơ bất hủ như vậy, nó có sức sống lâu bền trước thời gian và lòng người. Thơ mang một nét tinh túy riêng, một cốt cách riêng chan chứa tình đạo, tình đời, giúp con người hiểu biết giáo pháp, chân tướng vạn hữu và thực hành. Đó là một điều đáng trân trọng mà chưa một nhà thơ nào đã thể hiện được mình đã đứng vững trên diễn đàn thơ ca như vậy: 

" Khói hương mờ tỏa hương trầm

Chấp tay em nguyện lâm râm

Mắt mơ nhìn lên Đức Phật

Đài sen nở cánh thì thầm" 

Đọc thơ Mặc Giang, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự vô thường bên trong của ta. Nhờ đó, con người có thể xả bỏ, không dính mắc vào cái chuyển biến của thân và tâm: 

"... Thỏng cánh tay buông

Mọi hư thực, thực hư như huyễn mộng'' 

Cái triết lý sắc không trong thơ mang tính chất thiền, sống tiêu dao quên ngày tháng, quên hết những bận rộn tranh đua giữa trường đời; vần thơ ấy, cốt cách ấy giúp con người hít thở sâu vào nội tâm, quán chiếu, hồi đầu, nhận diện... Đây là dịp hi hữu, là chốn lý tưởng để ta thám hiểm và khám phá chính mình. Đó chính là việc làm cao quý và thánh thiện, loại trừ phiền não trong tâm mà thi sĩ đã giúp ta:

"Tôi đi đóng cửa trần gian

Cho đời thôi đau khổ

Cho ngày mai rạng rỡ

Cho tình người nở hoa''... 

"Thơ phát khởi từ trong lòng người'' (Lê Quý Đôn), và Ngô Thời Nhậm cũng đã nhấn mạnh: ''Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần". Ý kiến trên đã khẳng định vai trò quyết định của tình cảm trong quá trình sáng tác thơ ca. Thơ Mặc Giang là loại trữ tình, yếu tố cơ bản của nó là tình cảm, là tấm lòng từ cao cả bao la không thể nào tả hết. Khác với thể loại tự sự, thi sĩ không đơn thuần tái hiện hiện thực khách quan, sao chép miêu tả những sự kiện bên ngoài của đời sống.

Ngược lại, đi sâu vào bản chất của nó, tìm tòi, khai thác, phát hiện trong đời sống tâm linh nỗi khổ đau bất hạnh, nỗi trầm kha muôn thuở của con người trong mối tương quan phức tạp với hiện thực xung quanh, nên lòng thầm nguyện :

"Xin soi xuống cõi trần gian khắc khoải

Gia hộ cho thế giới khỏi điêu linh

Gia hộ cho nhân loại được an bình

Cùng chung sống trong tình người cao đẹp"

Nhà thơ luôn mở cửa nguồn tâm, cánh cửa ấy có chăng chỉ khép hờ không đóng kín bao giờ. Thi sĩ thực sự rung động trước cuộc đời, trái tim luôn luôn nhạy cảm với mọi vui buồn, sướng khổ, niềm đau hay là niềm hạnh phúc giả tạm của con người. Nhìn thế cuộc vô thường, nhân sanh thống khổ, lòng từ, biển tâm của thi sĩ đã khơi nguồn cảm hứng, xúc cảm dạt dào. Tất cả thể hiện qua cái núi thơ đồ sộ chan chứa đạo tình tuôn chảy dưới ngòi bút thi nhân.

Tứ gọi tứ, tình gọi tình và câu nọ gọi câu kia...trong âm ba tích tắc, thơ Mặc Giang hiện hữu... Nếu như trái tim lạnh lùng vô cảm thì làm sao thi sĩ có được những vần thơ diệu dụng tuyệt vời đến thế.

Không thực sự yêu quê hương đất nước, Mặc Giang không thể viết được những câu thơ mà mỗi chữ đều như châu, như ngọc:

"Mới tinh mơ mà trời chiều bãng lãng

Mới nhìn qua mà cuốn hút lê thê

Rồi một mai lại trông nữa ngày về

Bởi quê hương là khung trời muôn thuở"

Không hóa thân vào nỗi đau của thế cuộc thì thi sĩ không thể cảm thông, khóc thương, vỗ về, chia sẻ kiếp nhân sinh: "Tôi thương em bé nhà nghèo, tôi là người tù, tôi là người bán ve chai..." và dỗ dành từng thân phận đơn chiếc :

"Em ơi em,thôi em đừng khóc

Anh thay em làm gà trống nuôi con" 

Phải sống gắn bó, hòa nhập vào nỗi đau của thế cuộc, trang trải tình thương đến mức nào thì Mặc Giang mới viết lên được những vần thơ thắm tình đạo lý:

"Nước thanh lương vẫy cành dương cam lộ

Suối cam tuyền khơi nguồn mạch tâm linh

Người ơi người trao tiếng nói tình thương

Cho nhân thế hòa reo chung điệu sống" 

Những hình tượng thơ trên đã tác động đến người đời bằng giao cảm. Sự tiếp nhận thông tin trong thơ Mặc Giang không đơn thuần bằng sự phân tích lí trí, mà chủ yếu là sự đồng tình, đồng điệu của tâm hồn: 

"Một lời thơ trăng sao còn lấp lánh

Một câu thơ rừng núi khép âm u

Một ý thơ rung động cả thiên thu

Ai có hiểu và ai không có hiểu" 

Cái gốc trong thơ Mặc Giang là chân - thiện - mỹ, là đạo nghĩa, đức nhân, thi sĩ đã hướng con người nhận chân được dòng suy tưởng về triết lý, sống mà tự mình thay áo mới. ''Mây gió có hoa xinh tươi hết thảy cũng đều từ trong lòng mà ra" (Ngô Thời Nhậm). Cái gốc trong thơ Mặc Giang chính là gốc Thiện, gốc Bi. Cái đạo tâm của thi sĩ chính là thiện tâm, giàu tình cảm nhân hậu, hóa thân vào cuộc sống, yêu thương con người. Cho nên bất cứ cái gì xuất phát từ gốc Thiện đều có giá trị lâu bền. Chính gốc thiện ấy đã làm cho thơ người mang tính giáo dục, cảm hóa và hướng thiện: 

"Xin chắp tay cùng hoan ca vang tiếng

An bình ơi nhân thế mãi ngóng trông

Tình thương ơi nhân thế mãi ước mong

Hãy xuất hiện và trở thành chân thực" 

Người ta thường nói "thơ ca, văn học là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống", Ănghen cho rằng, đọc tiểu thuyết Banzắc có thể hiểu về xã hội Pháp hơn nhiều ngành khoa học xã hội cộng lại. Cũng như vậy, đọc thơ Mặc Giang, ta thấy rõ toàn cảnh quê hương đất nước, con người và thế cuộc. Và trong ánh mắt thiện cảm, trong cái nhìn từ hòa bao dung của thi sĩ, con người lúc nào cũng cần phải nắm tay nhau, dìu dắt nhau bước đi trong thế cuộc:

"...Nước Việt Nam của người Việt Nam một cõi

Non nước Việt Nam của người Việt Nam một phương

Là người Việt Nam, nắm tay nhau vững bước lên đường

Quét sạch tất cả những rong rêu bọt bèo băng tảng" 

Nét đặc biệt trong thơ Mặc Giang chính là sự khám phá những biến thái tinh vi trong cảnh vật thiên nhiên, trong nội tâm con người và thể hiện nó bằng những vần thơ chân thật, bình dị mà cô đọng. Con người, thế cuộc là đất trời màu mỡ, là cội nguồn bất tận trong cảm hứng thơ ca của thi sĩ. Nhà thơ như con ong cần mẫn hút nhụy hoa làm nên mật ngọt cho đời.

Nói đến tình cảm thì phải nói đến thơ, bởi "thi, tâm thanh dã" tức "thơ là tiếng nói của cõi lòng vậy". Nguồn suối của tâm linh, của đạo đức đã khơi dậy nguồn hiếu đạo trong thơ đã nhắc ta : phận làm con không thể quên được thâm sâu ân nghĩa đấng song đường:

''Hoa song Đường ơn cha nghĩa mẹ

Phủ đất trời đức độ tình thương

Núi cao biển rộng khôn lường

Làm sao sánh được Song Đường mẹ cha'' 

Cảm xúc ấy đâu phải là thoáng qua trong giây phút, mà nó lắng đọng miên viễn theo tiếng lòng thổn thức. Để rồi từ đó, một thoáng khí lạnh tiết thu, một ngọn gió heo may vừa chớm, một âm thanh tí tách của giọt mưa rơi êm đềm trên mái nhà đêm..." giữa hư vô lồng lộng mấy tinh cầu, con đi tìm mẹ hư không lặng, vũ trụ ngân hà hờ hững trôi!

...Tất cả những hình ảnh lai láng ấy trong thơ Mặc Giang đã gợi nhớ hình bóng người mẹ hiền, người cha yêu quý, mà khi mất đi sẽ làm ngơ ngẩn thân con đời quạnh quẽ: 

"Đành chịu tạ từ nghe mẹ ơi

Từ nay con đếm bước đơn côi

Dọc đường sương gió đầy hoa trắng

Trắng cả tâm tư trắng cuộc đời''

Thi nhân đã rơi lệ cảm thương cha mẹ, làm khơi dậy niềm hiếu hạnh trong mỗi người con, nên đã viết nên những vần thơ da diết, sâu lắng, truyền cảm sang người đọc, khiến họ phải dừng lại, trầm ngâm nghĩ về cha mẹ. Tiếng nói âm thầm, liên lỉ tự đáy lòng của người con hiếu thảo đã dạt dào tuôn chảy, khơi dòng xúc cảm. Áng thơ tuyệt tác của thi sĩ Mặc Giang đã hướng tâm hồn con người tới một giá trị đạo đức, một nhân sinh quan hết sức tốt đẹp, làm cho người đọc thấy rõ thêm phong cách, tài năng, đức độ của Mặc Giang, người đã đem tinh hoa gieo vào miền đất lạ, để kẻ tha phương nhớ lại cội nguồn:

"Hỡi những ai đang mang màu hoa trắng

Hỡi những ai còn diễm phúc hoa hồng

Hiểu thâm sâu ân nghĩa đấng Song Đường

Kẻo một mai thềm hoang đong nỗi nhớ". 

...Những cơn gió cứ vô tình dong ruổi, cây trở mình làm rơi rụng bao chiếc lá vàng tươi, vần thơ thân quen của Mặc Giang đã dìu ta trên lối đi về dép cỏ... Hương đạo, tình đời phảng phất muôn nơi. Thưởng thức cái "núi thơ" đồ sộ trong ''biển tâm" của thi sĩ, nghiệm lại cuộc đời trong từng phút giây, quả thực sự tĩnh giác của chúng ta còn yếu. Do đó, những lăng xăng bên ngoài vẫn là vấn đề quan trọng đối với con người. Như vậy, dù có mong cầu, khấn nguyện phép thánh tiêu trừ giải hóa những lỉnh kỉnh cho mình cũng không bao giờ được. Phúc duyên thù thắng của ta chính là nhờ những vần thơ diệu dụng ấy của thi sĩ, đã chỉ dạy cho ta cách thức giải tỏa, tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng ấy trong cuộc đời "dùng chánh tâm quét sạch mọi tà tâm". 

Và chúng ta, hãy nhìn những con sóng đại dương kia, dù gió có xô dạt đến phương trời nào đi nữa thì cuối cùng sóng vẫn trở về với bờ:

''Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn ngàn cách trở"

(Xuân Quỳnh - Sóng)

Mặc Giang đã gửi thơ trên cao, trên đồi, dưới đầm sâu, qua mấy dòng sông và bãi biển nương dâu:

"Thăm khắp nơi hang cùng ngõ hẻm

Gửi cho đời, gửi cả cho tôi'' 

Chúng ta đón nhận thơ Mặc Giang cũng chính là giúp ta nhận được nguồn tâm, khi sống được với tâm rồi thì tất cả mọi lăng xăng, những cảnh giả duyên, các hình tướng bên ngoài không làm gì được chúng ta, bấy giờ tâm hồn con người thanh thản, tự tại, giải thoát...

"Xin chắp tay cùng hoan ca vang tiếng

An bình ơi nhân thế mãi ngóng trông

Tình thương ơi nhân thế mãi ước mong

Hãy xuất hiện và trở thành chân thực.

Như dòng sông chở nặng phù sa bồi đắp cho đời những cánh đồng phì nhiêu bát ngát, như khóm hoa cằn cỗi nở cho đời những nụ yêu thương : Mặc Giang! người đã đem đến cho đời áng thơ bất hủ, là ánh bình minh quét sạch những bóng tối của đêm đen đầy băng giá, để lộ vầng thanh thiên như đúc bằng ngọc thạch phủ khắp không gian. Nhịp thơ theo từng luồng gió thơm thoảng nhẹ qua cành trúc rì rào bên khung cửa. Vài đóa cúc hàm tiếu đang nở nụ cười tươi, chim chóc thi nhau chuyền hót trên cành hòa cùng lời ca trong thơ Mặc Giang tỏa khắp không gian, hàn gắn bao vết thương lòng đè nặng trong dòng đời khổ lụy. Lời thơ được rọi chiếu vào tâm tánh chúng ta. Biển lặng, sóng ngừng thì in rõ nền trời xanh vào lòng biển cả, nước hồ thu trong lặng đã có ánh trăng thu rọi vào. Mặc Giang ơi!... Rừng thiền đã nở hoa tự thuở nào! Đứa bé sơ sinh khát sữa đã tìm về bên mẹ. Kẻ lộ hành giữa sa mạc được tắm trong dòng thơ mát ngọt bởi tình thương bao la. Hạnh phúc thay! mọi người đang thực sự sống trong tĩnh thức... Xin chắp tay hoa để... Tạ Ơn Người!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/10/2012(Xem: 5266)
法住天寒極地空花如雪鎖禪扃生死遙程幾許夢回故里 雲行色没浮漚暮影凝烟参晚课唄吟長夜有時聲斷洪洲 Âm: Pháp Trụ thiên hàn cực địa, không hoa như tuyết tỏa thiền quynh, sinh tử diêu trình, kỷ hứa mộng hồi cố lý. Vân hành sắc một phù âu, mộ ảnh ngưng yên tham vãn khóa, bái ngâm trường dạ, hữu thời thanh đoạn hồng châu Ôn dịch nghĩa: Cực thiên Bắc, tuyết dồn lữ thứ, sắc không muôn dặm hoa vàng, heo hút đường về, non nước bốn nghìn năm soi nguồn đạo PHÁP Tận hồng châu, chuông lắng đồi thông, bào ảnh mấy trùng sương đẫm, mênh mông sóng cuộn, dòng đời quanh chín khúc rọi bóng phù VÂN
01/10/2012(Xem: 4389)
Trong thơ văn Phật giáo có hai câu thơ quen thuộc : Thấy nguyệt tròn thì kể tháng Nhìn hoa nở mới hay xuân. Các bạn trẻ hôm nay có thể nghĩ rằng đó chỉ là văn chương, là nói quá, thậm chí là nói không thật. Không phải vậy đâu. Thời nay của các bạn, gần như nhà nào cũng có tờ lịch treo tường, có xấp lịch gỡ từng ngày một. Hồi xưa thì không. Năm mươi năm trước, ở mỗi làng chỉ có chừng hai nhà mua được cuốn lịch Tàu, ghi ngày tháng âm lịch.
11/09/2012(Xem: 3439)
Mỗi khi đọc Lại-Tra-Hòa-La trong kinh Trung A Hàm 1 thì lúc nào tôi cũng liên tưởng đến nhân vật Siddharta trong tác phẩm Câu Chuyện Dòng Sông (do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch) của Hermann Hesse. Và tôi vẫn nghĩ rằng thế nào thì Hermann Hesse cũng có đọc Trung A Hàm, vì đọc tiểu sử của văn hào Đức từng đoạt giải Nobel Văn chương vào năm 1946
13/08/2012(Xem: 4154)
Năm nay, thời tiết tháng ba bỗng lạnh hơn những năm trước rất nhiều (hay tại mình già hơn năm trước mà cảm thấy thế?) Gió tháng ba này cũng lạ! chúng mang cái buốt giá căm căm của tháng ba miền Bắc Việt Nam, chứ không phải là gió xuân của Cali ấm áp Hoa Kỳ như thuở nào. Ai bảo đất trời tuần hoàn Xuân Hạ Thu Đông không có chợt nắng chợt mưa, như chúng sanh chợt cười, chợt khóc!
09/08/2012(Xem: 10988)
Âm vang của tiếng vọng “Hòa Bình” là niềm khao khát của nhân loại nói chung và của từng dân tộc nói riêng. Thế kỷ 20 với hai cuộc thế chiến hãi hùng đã đẩy đưa nhân loại xuống vực thẳm của điêu linh và chết chóc. Chiến tranh đồng nghĩa với tàn phá và hủy diệt, và cũng chính trong đêm đen tột cùng của chiến tranh, tiếng vọng “Hoà Bình” đã vang lên để thức tỉnh lòng người. Hòa bình đồng nghĩa với cọng tồn và an lạc, là niềm ước ao của mọi tâm hồn hướng thiện. Chiến tranh xuất phát từ tham, sân, si, thì hòa bình phải khởi đi từ lòng nhân ái và lửa Từ Bi. Đó là ý niệm bàng bạc trong toàn bản trường ca thi phẩm của Tuệ Đàm Tử, tức Hòa Thượng Thích Giác Lượng
24/06/2012(Xem: 10948)
Bạch Xuân Phẻ là nhà thơ không xa lạ gì với nhiều người. Anh còn có biệt-hiệu là Tâm Thường Định. Thơ anh đã xuất-hiện trên nhiều trang mạng, trên báo-chí trong và ngoài nước. Anh đã cho ấn-hành bốn tập thơ “Hương Lòng”, “Mẹ, Cảm-Xúc Và Em”, “AWAKEN: Buddhism, Nature, and Life”, và “Tưởng Niệm và Tri Ân”.
23/05/2012(Xem: 3198)
Một vầng sáng giữa trời. Hoa đốm trên không chăng? Hay biểu tượng trầm mặc của người thơ? Là trăng. Trăng ư? Thiên cổ lại có trăng là Mẹ Mẹ của nhân gian trong cơn đại mộng li bì. Của muôn vạn con trăng nhảy múa giữa mắt người hôn trầm vạn tưởng. Mặt gương tròn lớn.
23/05/2012(Xem: 5161)
Bà già nhìn xuống dòng sông nước đục lờ, dõi theo một khúc gỗ đang trôi lững lờ theo con nước dập dềnh lên xuống đến khúc quanh ở cuối làng, nơi hai ống khói cao nghệu của nhà máy thả lên trời những cụm khói đen bay tản lạc trong gió chiều hoàng hôn. “Mới đó mà đã 20 năm, ông nhỉ?” bà nói mà không nhìn vào ông già ngồi cách mình một sải tay, trên phiến đá bám đầy rêu xung quanh hông.
22/05/2012(Xem: 3502)
Bây giờ, trong không gian yên tĩnh và nhỏ nhắn của ngôi nhà nơi ông và bà đã sống với nhau suốt 50 năm qua, chỉ còn lại hai người với nhau. Các con ông đã quay về với cuộc sống mưu sinh tất bật của chúng, để lại ông nằm trên giường với cơn bệnh hiểm nghèo đang chờ đến giai đoạn bộc phát cuối cùng, và bà, thanh nhã, khiêm nhường, ngồi lặng lẽ một bên, lắng nghe những hơi thở mỏi mòn đang đứt nhịp của ông. Bà chăm chú nhìn xuống khuôn mặt thân yêu quen thuộc đã ở bên cạnh bà suốt cả quãng thời gian dài dằng dặc của một kiếp người. Bầu không khí tĩnh lặng của mùa đông như chững lại với tiếng reo lanh canh của chiếc khánh treo ngoài lan can.
03/05/2012(Xem: 3574)
Bính âm (pinyin) hay Hán Ngữ Bính âm 漢語拼音/汉语拼音 (theo thứ tự phồn thể/giản thể) là một cụm danh từ mới xuất hiện từ thập niên 1950 - chính phủ TQ (Trung Quốc, Trung Hoa Lục Địa) cải tiến nhiều lần và gần đây cũng được Đài Loan chấp nhận (2009) tuy đã có hệ thống pinyin riêng (Thông Dụng Bính âm - xem thêm phần Phụ chú).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]