Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

III. Chiến Thắng Mà Không Nói Đến Võ Công

13/12/201018:07(Xem: 11590)
III. Chiến Thắng Mà Không Nói Đến Võ Công

 

Vua Trần Thái Tông đã oanh liệt lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ. Tuy vậy, ngài chỉ chú trọng đến Phật học và thực hành quán chiếu trong đời sống hằng ngày. Các tác phẩm của ngài phản ảnh đời sống tâm linh trong sáng đó gồm có những quyển như Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập và Tăng-già Toái Sự. Những tác phẩm này gồm có những bài kệ tụng, những thiền ngữ, những phần vấn đáp giữa ngài và môn đệ học thiền, cùng những bài thơ tỏa ra tinh thần giải thoát. Có điểm đặc biệt là ngài không đả động gì đến chuyện võ công hiển hách cũng như sự ứng dụng tinh thần thiền vào việc chiến đấu, dù ngài đã lãnh đạo và chiến thắng những cuộc ngoại xâm một cách rực rỡ. Điều ấy thật khác xa với một số các vị thiền sư Nhật Bản khi hướng dẫn môn đồ là những chiến sĩ xông pha ngoài trận mạc, trong đó có Bắc Điều Thời Tông (Hojo Tokimune), vị tướng quân đã điều động cuộc kháng chiến chống quân xâm lăng Mông Cổ, oanh liệt chiến thắng đạo quân hung dữ này khi họ đổ bộ lên bờ biển phía tây nước Nhật vào thế kỷ 13. Do đó, khi nói đến thiền và võ thuật, chúng ta nên tìm hiểu sự phát triển của thiền tại nước này.

Khi nói về Thiền tông, người Tây phương thường nghĩ ngay đến Nhật Bản, vì khi Thiền tông bị tiêu mòn sinh khí ở Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam thì nó lại phát triển ở Nhật Bản và ảnh hưởng sâu rộng đến các sinh hoạt võ thuật, văn chương, thi ca, hội họa, âm nhạc và kịch nghệ.

Có điều đáng lưu ý là, Thiền tông là một hệ phái của Phật giáo. Dù theo tông phái nào, người tín đồ Phật giáo cũng luôn tránh xa sự tranh chấp và chiến đấu. Vậy tại sao ở Nhật Bản cũng như Việt Nam vào thời nhà Trần, thiền lại được giới chiến sĩ - mà ở Nhật gọi là võ sĩ đạo - ưa chuộng?

Các chiến sĩ có nhu cầu học thiền vì hai lý do: Thứ nhất, thiền chủ trương luôn luôn sống trong hiện tại. Cái hiện tại đó không phải là sự trống rỗng lạnh lùng mà tràn đầy sự tỉnh thức chiếu diệu. Trong sự tỉnh thức chiếu sáng ấy, lòng ta thấy an ổn, tự tại và thoải mái. Người sống với hiện tại tràn đầy như thế thì không ngoái nhìn lại quá khứ để hối tiếc, cũng không mơ tưởng tương lai để mong chờ. Thực tại tối thượng luôn luôn là bây giờ và nơi đây, trong từng giây từng phút tràn đầy sự trong sáng, tĩnh lặng. Tâm giác ngộ rỗng lặng và bất động nhưng uyển chuyển và bén nhạy vô cùng.

Lý do thứ hai là, về phương diện lý thuyết và kinh nghiệm thực hành tâm linh, thiền không phân biệt sống và chết thành hai trạng thái đối nghịch: Khi tâm bất động, ở vào trạng thái định, thì mọi sự phân biệt đều tự chúng tan biến, cho nên mọi sự sợ hãi đều tự chúng tiêu trừ.

Do đó, khi ứng dụng thiền vào đời sống hằng ngày, người chiến sĩ khi tuốt gươm ra trận thì không ngoái cổ lại, không bị phân tâm khi đối diện với sự sống chết, chỉ một đường tiến tới như vị thiền sư kiếm sĩ Cung Bản Vũ Tàng (Miyamoto Musashi, 1584-1645) đã nói:

Dưới lưỡi kiếm đưa cao
Dù gặp địa ngục
Hãy tiến bước
Cực lạc là đây.

Cực lạc lúc nào cũng bây giờ và nơi đây. Đó là một điều cần thiết cho người chiến sĩ khi họ cần có một chỗ nương tựa tinh thần, và thiền cho họ điều ấy cũng như cung ứng cho họ một triết lý giản dị cho đời sống vào sinh ra tử, luôn phải đối diện với những bất trắc, tận trung với cấp trên, coi thường sự đau khổ cá nhân, bình thản trước mọi biến chuyển của cuộc đời.

Thiền không những cống hiến cho họ một triết lý giản dị về ý nghĩa cuộc sống, mà còn giúp cho họ một phương pháp huấn luyện tâm linh để thâm nhập vào thể tánh của niềm an bình tịch lặng và sự bất động của tâm trước mọi biến động trong thời buổi chiến tranh.

Những vị thiền sư lớn tuổi, trưởng thành trong đời sống tâm linh và đạo hạnh, xa lánh chuyện công danh, lại là chốn nương tựa tâm linh của những chiến sĩ trẻ trung gan dạ, đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống hào hùng nhưng cũng mong manh như những cánh hoa anh đào rực rỡ mùa xuân.

Phương pháp thực hành thiền thật giản dị, trực tiếp, không nương tựa vào ngôn ngữ, chỉ dựa vào nỗ lực của chính mình để nguồn tâm tự nó yên tĩnh và chiếu sáng, cái ngã nhỏ bé với các bệnh hoạn của nó tự tan biến đi. Lúc đó, ta nắm được thực tại trong đôi tay trần: nắm bắt cái không thể nắm bắt được qua sự buông xả tuyệt đối. Thiền sinh chỉ nghe lời hướng dẫn của vị thầy, không cần nghiên cứu sách vở, tầm chương trích cú, sao lục kinh điển.

Những lời hướng dẫn của bậc thầy cho môn đệ thì rất linh động, tùy theo tâm trạng, nỗ lực, mức độ tỉnh thức của mỗi người mà chỉ dẫn một cách trực tiếp và giản dị. Những cuộc hỏi đáp giữa thầy trò là lưu đàm, nghĩa là nói năng trôi chảy tự nhiên như một dòng sông, trong sáng thảnh thơi, để giúp họ đạt được trạng thái chiếu sáng trong tĩnh lặng, hay mặc chiếu. Thiền sinh không còn chỗ nào để bám víu vào vì tất cả các khái niệm đều bị đập tan, và chỉ còn cách là trông cậy vào nỗ lực không ngừng nghỉ của chính bản thân mình.

Khi thâm nhập vào thể tánh uyên nguyên, khi uống được ngụm nước đầu nguồn của dòng suối tâm linh, thì thiền sinh trực tiếp kinh nghiệm, sống với sự rỗng lặng, chói sáng linh động, uyển chuyển mà trước đây chỉ được nghe bằng danh từ. Thật đúng như lời Bồ-đề-đạt-ma, vị Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa đã nói về Thiền:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.

Tạm dịch:

Truyền riêng ngoài giáo
Không dùng chữ nghĩa
Chỉ thẳng tâm người
Thấy tánh thành Phật.

“Truyền riêng ngoài giáo” là một nét đặc biệt của thiền: Không sử dụng kinh điển để giúp người thấy được chỗ tâm yếu. Người chiến sĩ vốn không thích nhiều về lý thuyết mà chú trọng việc rèn luyện võ công. Khi lâm trận, tâm thức của họ chẳng khác gì một thiền sư: chỉ có sự chú tâm tuyệt đối vào hiện tại, không ngoái cổ nhìn lại phía sau. Nếu có chút phân tâm hay mối nghi ngại nào thì tinh thần sẽ bị dao động ngay. Những chiến sĩ tài ba thường là những người có ý chí sắt đá, coi thường chuyện sống chết, lòng không vướng bận chuyện danh lợi, tâm luôn bình thản... Họ sống cuộc đời nhiều lúc như kẻ khắc kỷ: tự tại trong sự dũng mãnh, đơn giản và thanh tịnh. Do đó, ở Nhật Bản thường có câu truyền tụng: “Hoàng gia theo Thiên Thai tông, giới quý tộc theo Chân ngôn tông, chiến sĩ thực hành Thiền, còn đa số quần chúng theo Tịnh Độ tông.” Lý do là Thiên Thai tông và Chân ngôn tông chú trọng rất nhiều đến các nghi lễ. Tịnh Độ tông thì rất giản dị về phương diện lý thuyết lẫn thực hành để được cứu rỗi, còn Thiền tông thì thích hợp với giới chiến sĩ can trường, những kẻ vào sinh ra tử.

Vị tướng quân Nhật Bản đầu tiên của dòng họ Bắc Điều (Hojo) học thiền là Bắc Điều Thời Lại (Hojo Tokijon, 1227-1263). Ông ta đã cung thỉnh các vị thiền sư Trung Hoa đời Tống sang dạy đạo và tự mình tham cứu chuyên cần. Khi Thời Lại qua đời thì người con là Bắc Điều Thời Tông (Hojo Tokimune, 1251 - 1284) kế nhiệm chức tướng quân. Vị tướng quân này đã lập đại chiến công với quốc gia khi ông điều động quân sĩ đánh bại cuộc xâm lăng của đại quân Mông Cổ. Nếu không có cuộc chiến thắng này, lịch sử Nhật Bản hẳn đã xoay chuyển theo đường lối khác. Bắc Điều Thời Tông tượng trưng cho tinh thần can đảm, bất khuất của người chiến sĩ Nhật Bản xuyên qua lịch sử của dân tộc này. Quân đội của ông đã lặng lẽ dàn quân trên bờ biển phía tây nước Nhật, chờ đợi đại quân Mông Cổ đổ bộ từ các chiến thuyền to lớn. Sự chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ Nhật Bản, cộng thêm cơn bão Thần Phong (Kamikaze) làm tan rã các chiến thuyền xâm lăng, đã làm cho ý đồ của quân Mông Cổ tiêu tan thành mây khói. Sau chiến thắng đó, tướng quân Thời Tông lại chỉnh đốn binh bị, tổ chức lại guồng máy hành chánh cho hữu hiệu hơn. Điều đặc biệt nơi Thời Tông là tuy bận việc quân quốc rất nhiều, nhưng ông ta lại rất chuyên cần học đạo với các vị thiền sư từ Trung Hoa sang.

Trong một buổi tham vấn với ngài Phật Quang Quốc Sư, vị thầy của mình, Thời Tông đã tìm đến tận đầu nguồn.

Thời Tông hỏi: “Kẻ thù xấu xa nhất của ta là sự hèn nhát. Làm sao con thoát được nó?”

Quốc Sư trả lời: “Hãy cắt cội nguồn sự hèn nhát đó.”

Thời Tông: “Nó đến từ nơi nào?”

Quốc Sư: “Nó đến từ Thời Tông.”

Thời Tông: “Con ghét sự hèn nhát nhất, làm thế nào nó lại đến từ con được?”

Quốc Sư: “Hãy quan sát cảm giác của chính mình khi nắm được cái tôi tên là Thời Tông. Chúng ta sẽ gặp nhau khi con thực hiện được điều ấy.”

Thời Tông: “Làm sao thực hiện được điều ấy?”

Quốc Sư: “Hãy chặn đứng mọi ý tưởng.”

Thời Tông: “Làm sao gạt được ý tưởng ra khỏi tâm?”

Quốc sư: “Hãy tĩnh tọa, nhìn vào chốn phát xuất ra các ý tưởng gọi là Thời Tông.”

Thiền đã làm cho nhân cách Thời Tông chiếu sáng; hay nói ngược lại, nhân cách Thời Tông đã chiếu sáng nguồn thiền.

Dĩ nhiên, ngoài sự can trường, Thời Tông còn là một binh gia xuất sắc, đã chuẩn bị kỹ lưỡng vấn đề chiến thuật, chiến lược như điều quân, tiếp vận, vận động tinh thần chiến đấu quân sĩ, nghiên cứu cách hành binh của đối phương.v.v... Ông cũng là một nhà hành chánh tài ba và hữu hiệu.

Cuộc đời của hai vị Tướng quân dòng Bắc Điều đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà quý tộc, chiến sĩ cũng như người dân Nhật Bản. Thiền tông từ đó lan tràn đến Tây kinh (Kyoto) là nơi ngự trị của Thiên Hoàng Nhật Bản. Vua và các nhà quý tộc cũng thành tâm học thiền.

Khi Thời Tông qua đời, Phật Quang Quốc Sư đã đọc một bài ai điếu:

“Trong lúc sinh tiền, Tướng quân Thời Tông đã thực hành mười điều tốt đẹp như mười hạnh nguyện của vị Bồ Tát: là một người con chí hiếu đối với cha mẹ, một bề tôi trung thành của Hoàng đế, một vị Tướng quân lo lắng chăm sóc cho hạnh phúc người dân, một người đã nỗ lực học thiền và đã đạt được chân lý tối thượng, đã thay vua vỗ an trăm họ, đã đánh tan đạo quân xâm lăng Mông Cổ mà lòng chẳng chút tự kiêu, đã xây dựng ngôi đại tự để tế tự vong linh của những chiến sĩ (đã bỏ mình trong cuộc chiến, không phân biệt Nhật hay Mông), đã tỏ sự tôn kính thầy tổ, rồi trước khi qua đời đã bình thản khoác chiếc áo của hành giả tu thiền và viết một bài kệ từ biệt với tinh thần sáng suốt vô cùng...” (Zen and Japanese Culture)

Thiền đã thay đổi sâu xa đời sống của người chiến sĩ, khi dòng suối tâm linh của họ khai mở, họ khoác lên người chiếc áo mới tinh của sự vô chấp và nhân cách họ hoàn toàn thay đổi, vì họ thấy rõ ý nghĩa thật sự của đời sống. Từ đó tinh thần võ sĩ đạo của người chiến sĩ khác hẳn với tính hiếu sát cuồng nộ hay hung bạo mà vô trách nhiệm. Người chiến sĩ học thiền luôn luôn có những đức tính quý báu: trung thành, hy sinh, trang trọng, hòa ái, không cố chấp hay cuồng tín, dũng mãnh mà nghiêm túc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/04/2024(Xem: 22883)
Phật giáo Việt Nam trong hai thế kỷ cận đại và hiện đại, xuất hiện một số nhân vật đạo hạnh cao vời, kỳ tài xuất chúng, có những cống hiến to lớn, dài lâu cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngôn ngữ nhà Thiền xưng tụng những vị này là Bồ-tát, Đại sĩ, Thánh Tăng, hay Long Tượng, là những tôn danh chỉ được tìm thấy trong kinh điển, sử sách, trong lịch sử truyền miệng hoặc trên những bia đá ngàn năm nơi cổ tháp. Triết gia Phạm Công Thiện trong buổi ra mắt tác phẩm “Huyền Thoại Duy Ma Cật” của Hòa thượng Tuệ Sỹ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas ngày 04 tháng 11 năm 2007, đã gọi tác giả là “bậc Long Tượng: Tuệ Sỹ” và diễn giải thêm, “Long Tượng là bậc Thầy của cả một dân tộc, nếu chưa muốn nói là bậc Thầy của thế giới.”
06/05/2024(Xem: 66)
Đạo Phật có mặt ở thế gian này cũng đã hơn hai mươi lăm thế kỷ, ban đầu chỉ trong vùng bắc Ấn, rồi dần dần phát triển khắp lục địa Ấn và các nước đông nam Á. Ngày nay thì có mặt khắp năm châu, mỗi chủng tộc có cách tiếp cận và nhìn nhận đạo Phật qua lăng kính văn hóa của mình, bởi vậy nên có nhiều pha trộn và thay đổi để phù hợp với truyền thống, tập quán và căn cơ con người của địa phương, tuy nhiên cái căn bản và cốt lõi thì không hề sai biệt. Hầu hết các quốc gia và dân tộc trên thế giới đều công nhận đạo Phật là một tôn giáo từ bi, hòa bình.
06/05/2024(Xem: 44)
Thế là một tháng đã trôi qua kể từ khi mùa xuân mới về lại với phương bắc (quả địa cầu). Mùa xuân mang theo sự vui tươi rực rỡ của ánh nắng mặt trời, hoa thủy tiên và nghệ tây đã nở, tiếng chim ca mỗi buổi sáng rộn rã hơn. Rất dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu này của mùa xuân trôi trên tháng ngày. Chúng ta vẫn cảm nhận được sự tươi mát mới mẻ là món quà chào đón sau một mùa đông dài lạnh lẽo. Khi nhìn nhận cái quý báu của mùa xuân, tôi không thể làm gì hơn là không nghĩ đến những lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh về cái đẹp sâu sắc của của trái đất này. Trong những bài giảng, thầy luôn khuyến khích chúng ta trân quý và kết nối cái phút giây hiện tại ở đây (hiện pháp lạc trú) thông qua sự biết ơn sâu sắc đối với thế giới xung quanh chúng ta.
26/04/2024(Xem: 602)
Được sự chỉ dạy của TT Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức kiêm chủ biên “trang mạng Phật Giáo online Trang nhà Quảng Đức” khi post PDF “Đạo Nghĩa Vuông Tròn “ do Thầy Thích Viên Thành thực hiện và được nhà xuất bản Hồng Đức phát hành, Phật tử Huệ Hương thật vinh hạnh được xem thật kỹ tác phẩm dầy hơn 380 trang kèm theo những hình ảnh theo từng giai đoạn.
26/04/2024(Xem: 284)
Trong chuyến hoằng pháp Âu Mỹ của Hòa Thượng Thích Như Điển từ ngày 12/3/2024 đến 17/3/2024 đến Orange County, chúng tôi- Kiều Mỹ Duyên và Thu Anh- có cơ duyên được phỏng vấn Hòa Thượng tại đài Saigon Radio Hải Ngoại, thành phố Westminster, Orange County, miền Nam California, vào ngày 13/3/2024.
23/04/2024(Xem: 1152)
Năm 2024 là kỷ niệm 60 năm ngày xuất gia lần đầu, Mùng 8 tháng 2 năm Giáp Thìn (21/3/1964), cũng là đánh dấu 20 năm (2004-2024) sống trên một tiểu bang và đất nước “đáng sống”, “hạnh phúc nhất nhì thế giới” đó là Nam Úc. Nghĩ lại mình: “Đệ tử phước cạn nghiệp sâu, Chướng dày huệ mỏng, Nhiễm tâm dễ khởi, Tịnh đức khó thành, Nay xin một lòng, Tin thành sám hối”. Chắc do nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp đã gieo tạo, nên khi sinh ra, lớn lên đều ở trong môi trường khiêm tốn về vật chất, còn tinh thần cũng nhiều bất hạnh với cuộc đời. Vừa bất hạnh, vừa nghèo, lại không tài giỏi, tưởng rằng sẽ phải chịu nhiều khốn khổ. Nhưng chắc nhờ ảnh hưởng bởi âm đức, có được bản tánh hiền lành, luôn hài hòa trong cuộc sống, sẵn sàng chịu thiệt thòi, cho mọi việc được hanh thông, tốt đẹp. Riêng với tự thân tin tưởng tuyệt đối vào luật nhân quả, thấm nhuần lời dạy của chư Tổ và hiểu được rằng: Phật Pháp rất nhiệm mầu. “Im lặng là vàng. Chịu thiệt là phúc. Nhẫn nhịn là bạc. Giúp người là đức”. Nên hằng
16/04/2024(Xem: 349)
Chiều về trên sông vắng, dòng sông Long Hồ chảy xiết vào mùa nước lũ, bao bọc quanh cái huyện Long Hồ, nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Vĩnh Long, bị Sông Tiền chia cắt thành hai khu vực trông giống như hình một con chó bông nhìn nghiêng. Về vị trí địa lý Long Hồ giáp với nhiều huyện lỵ, tỉnh thành nổi tiếng như: phía Đông giáp huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, phía Tây giáp thành phố Vĩnh Long và huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp huyện Tam Bình và phía Bắc giáp 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Tiền Giang với ranh giới là Sông Tiền. Một vùng sông nước liên kết như thế là nơi bà Mộng Chi chọn lựa để kinh doanh kiếm tiền trong thời buổi gạo châu củi quế hồi sau giải phóng 75.
15/04/2024(Xem: 915)
Thù thắng thay, hoan hỷ thay, kính cảm niệm, cách điều hành Tu một ngày bát quan trai giới! Mỗi tháng một ngày, cho Phật Tử tại gia Gìn giữ trọn vẹn 8 giới Đức Phật đã chế ra (1) Phật tử còn ràng buộc gia duyên, cần phát nguyện, tinh tấn thực hành trọn vẹn(2) Sẽ tích lũy vô lượng công đức khi thực hiện ! Đặc biệt hôm nay 14/4/2024 nhân dịp chuyến du hành của HT Pháp Tông, trú trì chùa Huyền Không tại cố đô Huế /VN cũng là nhà Sư VIỆT NAM đầu tiên cũng là nhà sư nước ngoài đầu tiên được HOÀNG GIA THÁI LAN cúng dường TƯỚC HIỆU CAO QUÝ - CHAO KHUN (TĂNG CANG ĐỆ NGŨ PHẨM). Tu viện Quảng Đức đã dành cho các đạo hữu khoá tu bát quan trai một sự lợi lạc hoan hỷ vô cùng khi mời được HT Pháp Tông đến với bài pháp thoại chủ đề “Phật học tu tập” và sau đó là những câu hỏi của quý đạo hữu đã trải nghiệm và có chướng ngại gì để cùng Ngài thảo luận. Thù thắng thay, hoan hỷ thay, kính cảm niệm, cách điều hành Tu một ngày bát qua
08/04/2024(Xem: 582)
Tết Thanh Minh không phải là ngày lễ tết lớn trong năm, nhưng nó lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tết Thanh Minh cũng không có ngày cố định thời gian, mà là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh, nó có thể rơi vào mùng 4 hoặc mùng 5/4 dương lịch (sau khi kết thúc tiết Xuân phân). Tiết Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí (theo quan niệm của các nước phương Đông). Tính từ đầu năm trở đi, tiết Thanh minh đứng thứ 5, trong 24 tiết khí sau các tiết Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân. Vào dịp Tiết Thanh minh trời mát mẻ quang đãng, thường bắt đầu sau ngày Lập Xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày). Tiết thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567