Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Duyên Xuân

05/01/201502:20(Xem: 3309)
Duyên Xuân

 hoa dao

     Chiều nay từ cơ quan về nhà, Lâm chở theo một cô gái: Cô Thắm. Ngọc, vợ chàng, không mấy ngạc nhiên vì Lâm đã trình bày với nàng từ hôm qua. Thắm 17 tuổi, cán bộ văn nghệ cơ quan Xây Dựng Nông Thôn mà Lâm là Chỉ Huy Trưởng.

     Ăn cơm xong đâu vào đó, theo kế hoạch, vợ chồng Lâm kéo về nhà ông bà Kính, thân sinh của Ngọc, chỉ cách đó 10 phút đi bộ. Ông bà Kính cũng không mấy ngạc nhiên về sự hiện diện của Thắm tối nay, vì ông bà cũng được Lâm thưa trước về vấn đề của Thắm.

     Bà Kính mời Thắm ngồi. Rồi với vẻ thân thiện cởi mở cố hữu, bà vui vẻ bảo Thắm:

     - Thời buổi này trai thiếu gái thừa, khó dễ người ta làm gì thế?

     Thắm tưng tửng, giương cặp mắt ngây ngô thật thà đáp lại:

     - Cũng một vừa hưa phửa thôi chớ!

     Mọi người cười xòa, không chỉ vì giọng nói đặc sệt xứ Quảng của Thắm mà chính còn cái lối làm phách không phải chỗ của Thắm khiến ai nấy không nhịn được cười.

     Thường thì bất cứ cô gái nào ở tuổi cặp kê, sắp yêu, sắp bước vào hôn nhân đều vẫn thế. Nếu không chàng nào ngó đến, chọc ghẹo, họ tiu nghỉu đến tội nghiệp. Nhưng ngược lại, ít nhiều các cô sẽ tự cao, tự đại, đôi khi phách lối bộc lộ một cách rõ ràng hay ngấm ngầm treo cao giá ngọc nếu có một hoặc nhiều chàng chiếu cố “Có duyên, làm cách làm cao. Hết duyên bí thối, bầu thiu, ai thèm“. Trường hợp Thắm không ngoại lệ. Có điều buồn cười ở chỗ, Thắm đã có thai với Thạch gần bốn tháng, bụng Thắm đã lum lúp, thế mà cô vẫn khó dễ Thạch tiến hành chuyện hôn nhân.

     Thạch cũng là cán bộ văn nghệ cùng cơ quan với Thắm. Những ngày tập dượt, hát chung, múa chung, đi lưu diễn chung và nhất là tá túc ngay cơ quan với Thắm đã là nhân duyên nảy sinh tình cảm giữa hai người.

     Từ khi Thắm có thai, Thạch vô cùng bối rối, lo lắng. Không phải anh không muốn cưới cô, hiềm nỗi anh nghèo quá. Đồng lương ba cọc ba đồng của một cán bộ dân vận chỉ đủ cho anh lây lất sống dựa trong cơ quan: Ăn trong cơ quan và ngủ tại cơ quan. Ngoài ra, anh còn nặng gánh một mẹ già. Bà cụ chỉ có mình anh nương náu và trông chờ nơi anh. Chiến tranh đã cướp mất của bà người chồng thân yêu, ruộng vườn nhà cửa. Bà trôi giạt, lánh nạn tại vùng an ninh vá víu tạm bợ trong căn chòi xiêu vẹo. Hơn một nửa phần lương vốn ít ỏi của anh, anh dành lo nuôi mẹ.

     Gia cảnh Thắm càng tệ hơn. Nàng mồ côi cha mẹ từ khi mới lọt lòng. Thuở bé dại, Thắm nương nhờ vào sự nuôi nấng của một người dì. Tiếc rằng dì cô cũng không khá giả mấy. Cho nên mới 16 tuổi, Thắm rời quê lên thị trấn kiếm ăn. Nhờ có làn hơi phong phú, hát tạm nghe được và một thân hình cân đối đẩy đà, nàng được tuyển vào ban văn nghệ Xây Dựng Nông Thôn.

     Những ngày cùng sống, cùng làm việc chung với Thạch, Thắm cũng có một gian phòng nhỏ tại cơ quan như Thạch, tình cảm giữa cô và Thạch nảy nở. Rồi với thời gian “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén“, cái thai trong bụng Thắm là kết quả mối tình vụng trộm của hai người.

      Trước hoàn cảnh của Thắm và Thạch như vậy, cuộc tình cả hai đi vào bế tắc, cho đến khi Lâm xuất hiện, mới nhậm chức Chỉ Huy Trưởng từ một tháng nay. Những lời dị nghị bàn tán trong cơ quan, cuối cùng rồi cũng đến tai Lâm. Không thể để tình trạng khó coi kéo dài, nhất là đối với một cơ quan tuyên truyền, Lâm đã gọi Thạch lên văn phòng chất vấn.

     - Thưa anh, em thật tình thương Thắm, muốn cưới cô ấy làm vợ, nhưng gia cảnh em nghèo quá, tiền đâu để bàn chuyện cưới xin?

     - Nếu như thế, anh sẽ đứng ra hợp thức hóa đám cưới của hai em trong phạm vi đơn giản nhất với những lễ nghi cần thiết. Ý em thế nào?

     - Thưa anh, được như vậy thì còn gì bằng. Trăm sự em nhờ anh và chân thành cám ơn anh.

     Thế là từ đó, Lâm đứng ra lo liệu. Chàng chủ hôn cùng một số cán bộ trong cơ quan đại diện họ nhà trai về tận quê Thắm để bàn chuyện cưới hỏi. Chàng cho phép Thắm, Thạch lãnh lương trước kỳ hạn để chuẩn bị ít nhất hai bộ áo cưới, và một tiệc trà thân mật hợp đồng lương của hai người. Ai ngờ mọi sự tưởng suông sẻ, tình cảnh vốn khó khăn, gia đình người dì Thắm làm cao gây thêm nhiều khó khăn khác. Họ đòi hỏi một tiệc rượu đãi đằng quan viên hai họ. Tiền cưới cheo: Hai đôi xuyến, một sợi dây chuyền, một cặp nhẫn, lắc đeo tay mà còn phải là vàng 24 ca-ra mới hợp lệ !

     Sự đòi hỏi này chỉ làm mệt trí thêm cho Lâm hơn là Thạch. Bữa tiệc rượu Lâm nghĩ, có thể trang trải được từ «quà» của khách tham dự. Nhưng nữ trang kiếm đâu ra nếu không phiền ông bà nhạc mà Lâm vừa làm rể hai tháng trước đó. Lâm đặt vấn đề hỏi mượn ông bà Kính và hứa sẽ hoàn trả vài ngày sau khi cô dâu bước chân về nhà chồng.

     Nể tình con rể, hưởng ứng việc làm của Lâm, thông cảm hoàn cảnh Thắm, ông bà Kính vui vẻ tiếp Thắm. Tiếng của Thắm lại cất lên:

     - Đốm cứ  thì phửa đeo dòng doàng chớ !

     Mọi người lại cười xòa, trong khi mặt Thắm cứ tỉnh khô. Ngọc tinh nghịch trêu cô:

     - Dòng doàng gồm những gì dẫy ?

     - Phửa hưa đôi xiến, dây chiền, nhẻnléc !    Thắm đáp. Rồi với nét mặt hồn nhiên tưng tửng cố hữu, Thắm thật thà giải thích:

     - Đốm cứ, lối xóm con đổ con mét vô nhìn, mình phửa lồm đoàng quoàng để nở mài nở mẹt chớ !

     Nhìn bụng Thắm lum lúp, hơi phình ra dưới lớp áo, Ngọc định trêu cô: «Đám cưới cứ đeo trống như Thắm là đặc biệt nhất, cần gì phải vòng vàng» nhưng nghĩ quá đáng, Ngọc lại thôi.

     Bà Kính từ buồng bước ra với một hộp nữ trang. Bà mở nắp lôi ra một sợi dây chuyền vàng có gắn một mặt ngọc xanh, một chiếc lắc đeo tay cũng có gắn năm mặt ngọc thạch xanh hình ô vuông, đôi hoa tai và một cặp nhẫn. Tất cả đều vàng 24 ca-ra chiếu sáng lấp lánh dưới ngọn đèn néon. Mọi người đổ mắt vào nhìn xăm xoi trầm trồ. Riêng Ngọc không mấy ngạc nhiên vì trước đó hai tháng, ngày đám cưới của nàng với Lâm, Ngọc đã được xem qua. Chính những món nữ trang này, bà Kính định tặng nàng trong ngày cưới, nhưng Ngọc lắc đầu không nhận.

     Nàng vốn không thích nữ trang, không quan tâm nhiều đến đồ trang sức. Trong hôn nhân, Ngọc chỉ cần trái tim chân thành, một tình yêu chân thật là đủ. Tuy nhiên, cần theo đúng phong tục lễ nghi, bất đắc dĩ nàng mới yêu cầu Lâm sắm cho nàng chiếc nhẫn vàng tây, nhẹ, đơn giản phù hợp với túi tiền của chàng, thế thôi. Và vì lẽ đó, nàng đã không có nữ trang cho Thắm mượn, để phải phiền đến bố mẹ mình.

     Bà Kính sau khi kiểm điểm xong, bà trao hộp nữ trang cho Ngọc. Trách nhiệm của nàng, với tư cách vợ Lâm, chủ hôn, đại diện họ nhà trai, tận tay Ngọc đeo cho Thắm trong ngày đón dâu, rồi sau đó có nhiệm vụ nhận về trao trả lại cho mẹ.

     Tất cả mọi người, nhất là Thắm, đều bằng lòng theo kế hoạch của Lâm. Ai nấy vui vẻ bàn chuyện. Hỉ hả về ngày cưới của Thắm. Ngọc còn cho Thắm mượn lúp đội đầu, hoa cầm tay, găng tay của nàng và nhiều thứ lặt vặt khác có thể trang điểm cho cô dâu giúp Thắm bớt phần chi phí.

     Và ngày cưới, không thể chần chờ lâu hơn, mọi người cùng Thắm, Thạch ấn định vào mồng bốn Tết năm đó.

*

     Một đoàn xe Jeep có tới 10 chiếc. Đi đầu là xe của vợ chồng Lâm, kế tới một chiếc Huê Kỳ trắng kết hoa rực rỡ chở Thạch ngồi phía sau. Tất cả những xe này Lâm đều hỏi mượn từ các cơ quan bạn.

     Đoàn xe đi bon bon nhắm hướng quê Thắm trực chỉ giữa tiếng pháo chuột đì đùng đây đó nổ vang.

     Mồng bốn Tết, ngày vui vẫn còn tưng bừng nơi tỉnh lẻ. Nét xuân vẫn hiện hữu trên sắc diện của mọi người, mọi nhà. Phố sá nhà cửa vẫn còn nguyên cách  trang hoàng với liễn đối, cây cảnh, vạn thọ, thược dược, cúc, mai vàng… Trẻ con người lớn quần áo vẫn tươm tất bảnh bao. Chưa ai nghĩ đến công việc, ngoài những xe hàng rong: mực nướng thơm phứt, cóc giằm, ổi, xoài ngâm, pháo chuột… phục vụ ngày Tết, nhằm móc tiền lì-xì của bọn con nít. Đó đây những trò chơi bầu cua cá cọp vẫn tụ bảy tụ năm. Tiếng reo hò lâu lâu vẫn xen trong tiếng pháo. Những lời chúc năm mới vẫn rôm rả trên miệng mọi người. Ngày xuân trong lòng như bất tận.

     Tết nông thôn càng đặc biệt hơn, càng rõ nét hơn. Dù ba ngày Tết đã trôi qua, mùa xuân vẫn thể hiện trong họ qua sắc màu sặc sỡ «xanh xanh, đỏ đỏ, cho em nhỏ nó mừng» từ quần áo đến món ăn, cách bài trí nhất nhất đều rực rỡ, và nhất là qua nét mặt vui tươi thảnh thơi, gác bỏ những lam lũ vất vả của ngày thường để thực sự tận hưởng những ngày vui đầu năm mới «tháng giêng là tháng ăn chơi» mà ! Cho nên họ chơi hết mình, dù giàu hay nghèo, họ vẫn cố gắng tạo cho gia đình, làng xóm một sắc thái «một ngày không như mọi ngày». Và trò chơi «bài chòi » thường được hưởng ứng nhiệt liệt nhất. Họ say mê đến độ ca dao phải thốt lên: «Rủ nhau đi đấu bài chòi. Để cho con khóc đến lòi rún ra», hoặc: «Gió Xuân phảng phất ngọn tre. Hai bên cô bác lắng nghe bài chòi ».

     Bài chòi là một trò chơi xuân, thú vui tao nhã, có tính cách dân gian, mục đích giải trí hơn sát phạt. Dù say mê đến đâu, chả ai chơi bài chòi để phải tan nhà nát cửa. Và ngược lại cũng chả ai giàu có nhờ chơi bài chòi. Qua bài chòi, cả làng có cơ hội tụ họp, vì bài chòi thường tổ chức ở khoảng sân rộng trong làng, người dân vui chơi thoải mái, cùng lúc vô tình trung tiếp thụ một cách tự nhiên, dễ dàng, văn chương bình dân nhưng ý nghĩa vô cùng phung phú thể hiện qua bài vè, bài hát, ca dao Việt Nam do anh hiệu thường là người miệng mồm dẻo quẹo, chẳng những thuộc nhiều ca dao, thơ, nhạc mà đôi khi còn ứng khẩu thành… ca dao mới để góp phần cho nền văn học dân gian nữa.

     Chẳng hạn để nói về con bài «nhứt trò» (có hình anh học trò), anh hiệu ngâm to, chậm rãi để chờ cho người tham dự dùng trí tưởng tượng ra đoán:

 

     Tay cầm quyển sách bìa vàng.

     Sách bao nhiêu chữ, thương nàng bấy nhiêu.

 

     Hoặc con bài “ba bụng” có hình một ông, hai bà:

 

     Một chàng hai thiếp khó phân

     Anh về nghĩ lại để cầm cân cho bằng.

     v.v… và v.v…

     Nếu ai nhận trước được ba con bài, người đó thắng cuộc.

 

     Ngoài bài chòi, còn nhiều nhóm lớn, nhỏ tụ họp đánh chén, tán gẫu, say sưa quên đời. Hoặc còn chơi nhiều bài bạc khác nhau nữa. Họ thật sự thảnh thơi.  Thật sự tận hưởng thú vui của ngày đầu năm. Chỉ riêng nhà người dì của Thắm, trong niềm hân hoan bận rộn thưởng xuân còn hớn hở lo tiếp đón nhà trai đến rước cô dâu.

     Đoàn xe bắt đầu quanh co quẹo vào ngõ hẻm. Đường đất sỏi khiến chiếc xe lắc lư. Không ai bảo ai, đoàn xe từ từ chậm lại, nhưng vẫn không tránh khỏi bụi đường tung bay dưới nắng xuân rực rỡ. Hàng cây bên đường thỉnh thoảng quẹt nhẹ vào xe. Ngọc đổi lại thế ngồi, tay vịn chặt vào thành ghế của Lâm phía trước. Hộp nữ trang phủ nhung đỏ viền ren trắng im lìm nằm bên cạnh. Ngọc đưa mắt liếc nhìn rồi tự nhiên cười một mình.

     Đoàn xe quanh co một lúc, cuối cùng nối đuôi dừng lại truớc nhà dì của Thắm. Một tràng pháo nổ chào đón họ nhà trai. Con nít từ đâu túa ra cùng người hiếu kỳ hai bên đường vây quanh đoàn người mới đến. Đợi tiếng pháo vừa dứt, họ nhà trai hàng một lần lượt đi trên xác pháo bước vào cổng nhà Thắm.

 

     Chiếc cổng dã chiến kết bằng lá dừa, cắt xén gọn gàng rất mỹ thuật hài hòa với màu sắc của hai chữ «Vu Quy». Sau cánh cổng là khoảng sân rộng. Bờ tường dã chiến bọc quanh cũng bằng lá dừa kết thật công phu trên những thanh tre thấp vừa đủ che khách ngồi tham dự. Một chiếc dù nhà binh giăng cao, tạo thành một căn phòng dã chiến vừa đẹp mắt vừa ấm cúng.

     Kế tiếp khoảng sân, mới chính thật nhà dì của Thắm. Căn nhà gạch mái tranh. Tuy không có bề sâu, nhưng lại có bề ngang rộng. Giữa nhà, trang trí sẵn một bàn thờ Phật, từ đó tỏa ra những dây giấy nhiều màu sắc giăng rộng tứ phía.

     Họ nhà gái đứng dậy, dàn hai bên đón tiếp họ nhà trai. Những lễ vật nhà trai đem tới cũng lễ mễ đàng hoàng không kém. Hai chai rượu đỏ làm bằng nếp cẩm. Hai chai rượu trắng. Một khay cau trầu. Một cặp đèn cầy. Một khay bánh trái. Một khay xôi gấc (khay xôi gấc này, Lâm nhờ người quen gốc Bắc nấu hộ)… Tất cả sính lễ được gói cẩn thận bằng giấy kiếng đỏ. Và cuối cùng đặc biệt nhất vẫn là hộp nữ trang «duông duông» phủ vải nhung đỏ được Ngọc trang trọng đặt ngay chân bàn thờ giữa những lễ vật mà anh em cán bộ vừa để xuống.

     Sau khi đôi bên trình diện giới thiệu nhau, cô dâu trong nhà mới từ từ bước ra.

     Thắm hôm nay khá xinh. Tuy cách trang điểm của cô không tinh xảo lắm, nhưng nhờ khuôn mặt tròn với làn da tràn nhựa sống của cô gái 17 lờ mờ ẩn hiện trong chiếc lúp-vôn giúp Thắm tươi tắn xinh đẹp hẳn lên.

     Thắm mặc chiếc áo dài hồng phấn nhạt, cành hoa thêu thật lớn trải dài từ ngực xuống vạt áo khỏa lấp cái eo hơi… lum lúp của cô. Nhờ bó hoa vải cầm tay xòe rộng, thòng xuống hai sợi ruy-băng, chú rể vừa trao cho cô, đố ai biết được chuyện «thâm cung bí sử» của hai người.

     Sau những nghi lễ lạy tạ gia tiên chứng minh hôn nhân của Thắm, màn đeo nhẫn được  bắt đầu.

     Ngọc tiến tới bưng hộp nữ trang, rồi cứ theo từng lời Lâm giới thiệu đây cặp nhẫn xin chú rể cô dâu đeo cho nhau, đến sợi dây chuyền năm chỉ, đôi bông tai nhận hột, chiếc lắc vàng, tất cả đều 24 ca-ra, Ngọc lần lượt lấy ra thi hành theo mệnh lệnh.

 

     Bữa tiệc đãi khách cũng đầy đặn đàng hoàng không kém. Tuy nấu không cầu kỳ kiểu cách, chỉ là các món ăn xào nấu luộc chiên thường nhật nhưng la liệt đầy bàn xếp trên những tô nhỏ, dĩa nhỏ chồng chéo lên nhau trông không đẹp mắt nhưng nói lên được tấm chân tình hết dạ hiếu khách của người nông thôn.

 

     Sau bữa ăn, họ nhà trai rước cô dâu về nhà chồng. Khách hiếu kỳ lại có dịp túa ra. Trong cái hỗn độn ồn ào của người trong hai họ lẫn với tiếng nhốn nháo của bọn con nít, Ngọc vẫn nghe rất rõ những lời khen tặng trầm trồ của người hiếu kỳ:«Đốm cứ con Thắm thiệt to ghê !», «Con Thắm hôm nay xinh quá bay !», «Thèng chồng nó cũng xinh quá đỗi !», «Xe hơi ở đâu mà nhiều quá chừng quá đất !»… Rồi có lẽ nhìn thấy những nữ trang lấp lánh trên người cô dâu, Ngọc lại nghe họ khen tiếp: «Chéc thèng chồng con Thắm giàu lắm bay. Sợi dây chiền nẹng chịch!»… Ngọc cười, cảm thấy vui lây với tâm hồn mộc mạc, đơn sơ của người nơi đây. Lặng lẽ bước theo đoàn đám cưới, Ngọc nghĩ, chắc Thắm cùng gia đình Thắm rất hãnh diện và vô cùng nở mày nở mặt !

 

*

     Một trong những căn chòi lá lưa thưa rải rác có thể đếm trên đầu ngón tay nằm chơ vơ giữa cánh đồng lúa, ẩn sau những lũy tre xanh, cây ăn trái là nhà của bà Tuân, thân mẫu Thạch.

     Nơi đây cảnh vật thật êm đềm, tĩnh lặng. Nếu ngày xuân được đánh giá qua những bộ quần áo mới, những tấm bánh chưng dưa hành củ kiệu hay tối thiểu vài tấm bánh tổ, bánh nổ, bánh thuẫn… đặc sản rẻ tiền của người miền Trung thì có thể nói, mùa xuân không hiện diện nơi này. Họ nghèo quá. Nghèo đến nỗi những túp lều tranh vách đất vốn đã thấp lè tè còn xiêu vẹo đến tội nghiệp. Căn chòi của bà Tuân chỉ chứa vỏn vẹn được một chiếc giường. Chiếc giường đóng bằng tre, không lớn, dành cho bà nằm, mỗi khi đặt mình ngồi xuống đã cất lên tiếng kêu ọp ẹp.

     Ngoài hiên sát với căn chòi, một nhà bếp dã chiến chế đơn giản bằng ba viên gạch xếp châu vào nhau đặt dưới đất, được che gió mưa bằng ba vách đất, mái tranh chỉ vừa vặn cho một người ngồi. Bà Tuân sống đơn độc cũng như những người dân quanh đây, dường như họ sống chỉ để cho hết kiếp, chứ không phải sống để tận hưởng, thưởng thức cuộc đời.

     Riêng hôm nay, ngày trọng đại của Thạch, chiếc dù quân đội, Thạch cùng anh em cán bộ dựng sừng sững trên khoảng sân gần nhà bà Tuân, mang lại cho xóm một sắc thái mới lạ. Họ tò mò bu lại xung quanh dù. Dù được giăng cao từ một cột tre rồi tỏa rộng ra tứ phía, mắc trên những cọc đóng xung quanh dù.

     Bên trong, Thạch dựng tượng trưng một bàn thờ Phật, vài chiếc bàn và khoảng năm mươi chiếc ghế đẩu. Những bàn ghế cả dù, Lâm hỏi mượn từ quận rồi huy động anh em cán bộ đến giúp.

     Đoàn đám cưới đến đây cuốc bộ từ đường cái quan. Tất cả xe đều gởi trong quận để bảo đảm an ninh, phần bờ ruộng hẹp chỉ dành cho người đi bộ. Phải mất hai chục phút, đoàn người như rồng rắn, kẻ trước người sau cứ hàng một men theo bờ ruộng băng qua đồng lúa. Nắng xuân chan hòa, đường đất khô ráo. Gió từng cơn vi vu mát rượi thổi rạp những hàng lúa từng lớp ngã nghiêng trông như làn sóng lăn tăn. Vài con chim lượn lờ, thỉnh thoảng đáp nhanh kiếm mồi, rồi vội vàng bay vút lên tận trời xanh. Mấy ông bù nhìn có nhiệm vụ hù chim vẫn đứng trơ ra, bất lực. Cảnh đồng quê thiên nhiên lành mạnh dễ làm lòng người khoan khoái. Mọi người vừa đi vừa nói cười thoải mái, có lúc cất tiếng hát như mở rộng lồng ngực để đón không khí trong lành miền thôn dã.

     Đưa cô dâu về nhà chồng từ quận này sang quận kia, đường sá xa xôi, phương tiện xe cộ không thuận lợi, nên gia đình họ hàng nhà gái chả ai theo tiễn Thắm. Mà Thắm, Thạch cũng muốn thế để bớt lo lắng phiền hà.

     Họ nhà trai cuối cùng hầu hết chỉ toàn anh em cán bộ. Người một nhà đã quá quen thuộc, hiểu nhau, Lâm lại sống gần gũi với anh em, sự cảm thông dễ đưa mọi người xích lại. Biết Thạch nghèo, mà chính chàng cùng anh em cũng chả khá giả hơn, nên mọi chi phí trong đám cưới đều trông mong vào «quà tặng» đóng góp của mọi người. Lâm đề nghị về nhà trai giản tiện, gọn, nhẹ trong ăn uống. Một con heo quay nhỏ, bánh mì, đồ chua, ít bia, nước ngọt và bánh ngọt…. Nhưng sôi nổi vẫn là chương trình ca nhạc «cây nhà lá vườn» do chính anh em cán bộ văn nghệ thực hiện. Trống, đàn, kèn được rầm rộ trổi lên. Âm thanh tưng bừng rộn rã xé không gian mênh mông tĩnh lặng loang vào lũy tre già.

     Sẵn nghề của chàng của nàng, cô dâu chú rể mở màn qua nhạc phẩm «Tình nghèo» như kể lể mối duyên ban đầu của hai người:

     «Hò… là… hò… lơ. Hò… là… hò… lờ… Nhớ, nhớ thuở nào, anh cày thuê, em gánh rong, đôi ta nghèo mà hẹn nhau dưới cầu…». Bài hát nghe muồi mẫn, tha thiết nói lên tình cảm chân thành, chân thật của hai kẻ yêu nhau. Họ không ngại gian lao nghèo khó. Họ chỉ cần có nhau trong đời để xẻ chia nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống. Và họ cảm thấy hạnh phúc, niềm hạnh phúc thật sự tận đáy tâm hồn.

     Chương trình ca nhạc tiếp nối với những ca sĩ Tâm Lý Chiến Xây Dựng Nông Thôn. Những bản nhạc chủ đích mừng đám cưới được chọn lọc rất hợp với khung cảnh, hoàn cảnh của Thắm, Thạch: «Trời hôm nay thanh thanh , gió đưa cành mơn man tà áo. Làn mây xanh vây quanh, ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin…».

     Nhân lúc mọi người vui chơi, Ngọc lẻn ra ngoài tận hưởng «Trời thanh thanh, gió đưa cành…» của buổi chiều tà sắp ngã chạng vạng. Ở thành phố lâu, đầy bụi bặm, lẩn quẩn trong xó nhà, đôi khi Ngọc cảm thấy tù túng, ngột ngạt, đầu óc nặng nề. Bây giờ đứng đây, ngắm màu xanh mênh mông của đồng lúa, của cỏ cây, màu xanh của bầu trời bao la, và nhìn những túp lều tranh đơn giản, mộc mạc, Ngọc cảm nhận niềm hạnh phúc êm đềm, thanh thoát, không bon chen, tranh đua, giành giựt… chỉ an phận thủ thường như lời ca sĩ nào đó đang phát ra: «Ngày em lo nương khoai, dưới mưa dầm anh lo cày cấy. Dù cho bao gian lao nhưng tình nghèo góp sức mà vui…». Ngọc tự hỏi, có thật vui không, hay chỉ là những lời an ủi vỗ về trong chốc thời để quên đi những nỗi khó nhọc, và để chấp nhận những gì mình hiện có…

     Ngọc lững thững bước sang căn chòi bà Tuân. Bà đang đứng múc nước rửa mặt bên cái lu sát nhà bếp. Ngọc mon men đến gần hỏi chuyện:

     - Thưa bác, sao bác không vào nghe nhạc ?

     - Nhạc ồn quá, tôi không quen.

     - Sáng nay rước dâu, sao bác không tham dự ?

     - Già yếu quá rồi cô. Lại xa xôi cũng bất tiện.

     - Bác ở đây chỉ một mình thôi à ?

     - Cũng có bà con chòm xóm. Thỉnh thoảng chạy qua chạy lại.

     Ngọc muốn tò mò hỏi thêm gia cảnh của bà cụ, nhưng nghĩ sao, Ngọc lại thôi. Bà cụ bỗng nhiên nói:

     - Thằng Thạch cũng thường về thăm tôi. Rồi bà khoe:

     - Như tối nay, tụi nó ở nhà.

     Ngọc ngạc nhiên:

     - Ở nhà ?

     Dường như đoán được điều thắc mắc của Ngọc, bà Tuân giải thích:

     - Tôi qua chòm xóm ngủ nhờ. Nhường nhà cho tụi nó.

     Vừa lúc đó, từ căn dù, một bản nhạc kích động lại cất lên: «Túp lều lý tưởng của anh và của em» nghe sao mà chí lý, Ngọc không hết ngạc nhiên, ngẫm nghĩ, Ngọc lại cười một mình.

 

     Tiệc cưới chấm dứt khi mặt trời vừa khuất núi. Mọi người dọn dẹp ra về. Chỉ còn lại Thắm, Thạch.

     Giữa khung cảnh mịt mờ của trời đêm mồng bốn Tết, giữa tiếng ếch nhái ễnh ương ra rả ngoài đồng ruộng, Thạch dìu Thắm vào nhà, nhẹ nhàng đưa Thắm ngồi trên chiếc giường tre. Chiếc giường rung rinh đánh “két” một tiếng, làm Thắm hết hồn. Cả hai nhìn nhau khúc khích cười ý nhị. Bên ngoài, màn đêm vẫn mịt mùng, gió xuân nhẹ nhàng vẫn xạc xào trên cành lá, tiếng ếch nhái, ễnh ương vẫn du dương, tất cả như hòa điệu với hai người một bản tình ca bất tận.

 

     Trong chòi, dưới ngọn đèn dầu le lói, Thạch ôm Thắm, Thắm ôm Thạch. Hai người ôm nhau, úm nhau và Thắm thủ thỉ vào tai Thạch:

     - Đêm nay, trong ken chòi này, đúng lòa «một túp lều tranh với hưa trứa  tim doàng », anh hé.

     Thạch cười, đưa tay xoa bụng Thắm, chàng nói:

     - Không, em ạ. “Một túp lều tranh với… ba trái tim vàng !» mới đúng.

                                              Trần Thị Nhật Hưng

                                                               2009

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/04/2020(Xem: 2997)
Tôi đã tiếp xúc rất nhiều với các cháu những thế hệ thứ hai sanh sau 30/4/1975 và đã sang đây từ khi còn bé , và nếu được sống trong hoàn cảnh cha mẹ cho học lại Việt Ngữ và đôi lần tìm về Việt Nam thăm quê nội , quê ngoại thì trong các cháu vẫn có chút gì ... khi nhắc đến Việt Nam , còn ngoài ra rất nhiều cháu sống trong những gia đình mà cha mẹ từng bị đánh tư sản và ra đi trong nỗi kinh hoàng và chưa bao giờ đặt chân về quê hương xứ sở sau 45 năm , thì các cháu đều nói với tôi rằng “Quê hương cháu là nước Úc , Mỹ v.v...và theo cháu nghĩ nơi nào mình sống hơn 1/2 đời người ( 30-40) năm thì nơi đó chính là quê hương mình Cô ạ “.
20/04/2020(Xem: 11847)
Không chỉ là một trong những cuốn sách xuất sắc về nội dung, "Hành trình về Phương Đông" còn có một số phận kỳ lạ. Và không chỉ bây giờ mà suốt vài chục năm qua rất nhiều diễn đàn trong và ngoài nước đã tranh luận rất nhiều về nguồn gốc, xuất xứ cuốn sách này. Mà người đã tạo ra nó lại yên lặng như không hề có liên quan.
19/04/2020(Xem: 36993)
Có một vị tiến sĩ viết nhiều bài rất xuất sắc đăng trên báo và thường gởi thư cho tôi. Vị tiến sĩ ấy viết “quí vị.” Tôi muốn học hỏi thêm nên tôi hỏi vị tiến sĩ nầy rằng tại sao dùng “i” ngắn cho chữ “quí vị”. Vị tiến sĩ kia trả lời rằng “i” ngắn hoặc “y” dài đểu được cả. Ai muốn viết sao tùy ý. Bắt đầu từ đó, tôi “tùy ý” dùng “i” ngắn cho tên của vị tiến sĩ nầy. Mở đầu bức thư tôi thường viết, “Kính thưa Tiến Sĩ Thụi.” Sau một thời gian độ 5 tháng, vị tiến sĩ ấy gọi tôi là người bất lịch sự khi tôi đổi chữ “y” dài thành “i” ngắn cho tên ông ấy. Tôi trả lời rằng chính ông đã bảo tôi tùy tiện dùng “i” ngắn hay “y” dài cũng được cả mà! Sau đó, ông không nói gì thêm, nhưng tôi để ý thấy ông dùng “quý vị” thay cho “quí vị” như trước kia.
16/04/2020(Xem: 4260)
Con à, thời gian qua mau, ngày tháng thoi đưa. Mới ngày nào con còn bập bẹ, chập chững tập đi trong sân nhà, chớp mắt nay con đã vào đại học. Theo lý thuyết, 18 tuổi đã trở thành người lớn, ba không cần phải lo lắng nữa. Chỉ là con từ khi sinh ra cho đến nay, chưa từng rời khỏi nhà, nên ba lo lắng rằng con không tự chăm sóc tốt bản thân khi ở một mình bên ngoài. Con nói con không muốn học đại học ở quê, ba hiểu và ủng hộ con. Ở ngoài kia trời cao biển rộng, con có thể tự do thoải mái lượn bay. Con vốn không thích thuyết giáo, nhưng trước khi con đi học, ba vẫn phải nói vài lời. Nó đối với con không hẳn sẽ hữu dụng, nhưng đối với ba cũng an ủi phần nào.
16/04/2020(Xem: 3561)
Chỉ trong giai đoạn này ...những ai có nhiệt tâm và lạc quan cho một tiền đồ sáng lạn mới có thể ngồi yên đọc những quyển sách tâm linh một thời rất nổi tiếng , còn thì tựu trung thường giải trí bằng nhiều phương tiện khác nhau như âm nhạc, phim hài và tôi cũng không ngoại lệ . Dù hơn tháng nay ngoài các công việc thường ngày của một phàm phu tập tễnh học Đạo , đôi lúc tụng kinh cầu an , khi thì tụng sám hối sáng sớm trì chú và tụng Lăng Nghiêm nhưng sao thì giờ còn lại đã làm tôi thấy chút trống vắng hơn bao giờ... Có lẽ từ lâu thật sự trong tôi chưa từ bỏ được những điều mong ước rất tầm thường ? Và phải chăng tôi chưa có được một sự hiểu biết sâu sắc về những dính mắc đó nên chưa sẵn sàng cắt đứt nó .
02/04/2020(Xem: 11937)
“Cư Trần Lạc Đạo” của Trần Nhân Tông nhiều vị đã luận bàn, nhân có một chút duyên ý, chúng tôi xin ”lạm bàn” thêm một vài ý-… Nội dung Cư Trần Lạc Đạo “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch; Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.” TRẦN NHÂN TÔNG
27/03/2020(Xem: 14840)
Thơ Bùi Giáng - Hồng Vân diễn ngâm
25/03/2020(Xem: 3762)
Người ta nói, đại dịch đã đến rồi. Các công sở sẽ đóng cửa. Các con đường sẽ đóng bớt lại. Nhà hàng, rạp hát, những nơi vui chơi giải trí... tất cả đều phải đóng. Mỗi người hãy tự cách ly, đừng lang thang bên ngoài nữa. Một sẽ hại tất cả, và tất cả chung quanh cũng sẽ hại cho một. Mỗi cá nhân đều có liên hệ hỗ tương với gia đình và xã hội; tuy ly cách nhưng thực ra không ai tách rời khỏi thế giới. Mỗi người hãy tự ý thức vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc đời. Đừng ích kỷ, tham lam, chỉ biết có mình và người thân của mình. Tánh xấu của cá nhân luôn ảnh hưởng đến người khác, vật khác; trong trường hợp của đại dịch là vô tình/gián tiếp giết hại đồng loại, phá hoại môi trường. Hãy ngừng lại cái tâm bé xíu nhỏ mọn; và hãy mở lòng ra, biết yêu thương mình, yêu thương người, yêu thương vật. Tự phòng vệ cũng chính là bảo vệ cho người khác. Ý tưởng này hẳn đã nghe quen trong Phật giáo: một là tất cả, tất cả là một (1). Vậy thì, hãy dừng lại, dừng lại. Trở về với gia đình, trở về với tự
13/03/2020(Xem: 19907)
Nạn dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng sức khỏe trong cuộc sống của chúng ta và cộng đồng thế giới hiện nay, vì sức khỏe quý báu của số đông và của tập thể, ban tổ chức quyết định hủy bỏ buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau 7 tại Orlando, FL và dời ngày sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau 8 tại Nam California. Có Mặt Cho Nhau 8 được dời đến ngày thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020 tại phòng hội Viện Việt Học như Thư Mời dưới đây. Chương trình giống nhau, chỉ có khác ngày mà thôi.
15/02/2020(Xem: 8296)
Sau 4 ngày tham dự đại lễ tại chùa Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc, chúng tôi được Thầy Thông Triển đưa ra nhà ga bằng xe ca của chùa để trở về lại trú xứ của mình. Trên xe có một nữ Phật tử chùa Trúc Lâm ở Paris, Pháp Quốc tâm sự. „Bác ơi, đây là lần đầu tiên cháu đến thăm chùa Viên Giác. Cháu đọc báo thấy có tin về 4 ngày lễ hội 40 năm từ 27 đến 30 tháng 6.2019 về thành lập chùa Viên Giác, thành lập Hội Phật Tử Việt Nam TNCS, thành lập Chi Bộ Chi Bộ Phật Giáo VNTN tại Đức và 40 năm kỷ niệm báo Viên Giác. Ngoài ra còn 3 lễ khác là Khánh thọ 70 tuổi của Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác, Đại Giới Đàn Pháp Chuyên và lễ tấn phong lên các hàng giáo phẩm Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ni Sư.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]