Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 05: Suy tư về cuộc sống tâm linh (câu 309 - 365)

15/03/201921:08(Xem: 4838)
Phần 05: Suy tư về cuộc sống tâm linh (câu 309 - 365)

365 Lời khuyên Tâm huyết

của Đức Đạt-lai Lạt-ma

Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay

 

Đức Đạt-lai Lạt-ma

Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc 

Hoang Phong chuyển ngữ


V.
  Suy tư về cuộc sống tâm linh (309 -365)

            - Người có đức tin (309 - 315)
            - Người vô thần (316 - 327)
            - Người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện. (328 - 339)
            - Người hành thiền (340)
            - Đức tin (341 - 344)
            - Các giáo phái (345 - 347)
            - Người muốn bước theo con đường Phật giáo (348 - 356)
            - Việc Tu tập Phật giáo (357 - 365).




V

 SUY TƯ VỀ CUỘC SỐNG TÂM LINH

 

  

Suy tư dành cho những người có đức tin

 

 

309

 

            Tin hay không tin là quyền tự do của mỗi người. Thế nhưng một khi đã theo một tôn giáo và tin vào giáo huấn của tôn giáo ấy thì phải xem trọng tôn giáo ấy, không nên ngày thì tin ngày thì không. Không nên có thái độ bừa bãi và phải hành xử như thế nào để những gì mình làm phù hợp với những lời mình nói.    

 

 

310

 

            Một số người nghĩ rằng: "Nếu tôi đặt hết lòng tin vào Phật giáo thì tôi sẽ phải đủ sức để sống trọn vẹn và hoàn hảo với lý tưởng đó của tôi, nếu không thì tôi sẽ bỏ". Thái độ hoặc thắng hoặc thua đó rất thường thấy nơi người Tây phương. Tiếc thay thật hết sức khó để đạt được sự hoàn hảo trong chốc lát. 

 

 

311

 

            Chỉ có sự luyện tập mang lại một sự thăng tiến tuần tự mới có thể giúp mình đạt được mục đích, phải chăng đó cũng là điều thật quan trọng? Dầu sao các bạn cũng không nên thốt lên: "Tu tập hay không tu tập đối với tôi chẳng có gì khác biệt cả, bởi vì tôi chỉ là một người vô tích sự". Các bạn hãy cứ đặt ra cho mình một mục tiêu, vận dụng mọi phương tiện tập trung vào mục tiêu đó, và từng bước một các bạn sẽ thành công.

 

 

312

 

            Mỗi người có một bản tánh và khát vọng riêng, những gì thích hợp với người này không bắt buộc cũng phải thích hợp với người khác. Phải quyết tâm ghi khắc điều đó trong tâm mỗi khi phán đoán các tôn giáo và các đường hướng tâm linh khác. Sự đa dạng của các tín ngưỡng liên quan đến sự phức tạp của con người, và dù cho các tín ngưỡng đó không bắt buộc phải được chấp nhận bởi tất cả mọi người đi nữa, thế nhưng không phải vì thế mà không có nhiều người đã từng tìm được và vẫn còn tiếp tục tìm được một sự trợ giúp lớn lao. Không nên quên điều đó và phải kính trọng tất cả các tôn giáo, đúng với sự xứng đáng của các tôn giáo ấy. Điều này thật hết sức quan trọng.

 

Kính trọng là một sự hỗ tương, tôn giáo cũng phải kính trọng con người. Hung bạo và sự cải đạo mù quáng, dù với bất cứ một chủ đích hay thiện chí nào - chẳng hạn như công cụ hóa tôn giáo vì lợi ích chính trị, quyền lực hay kinh tế - đều có thể làm giảm đi giá trị và vai trò của tôn giáo trong cộng đồng xã hội. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều đó - gccncntV. 

 

 

313

 

            Tất cả các tôn giáo đều có các nghi lễ riêng, tuy nhiên cũng hàm chứa một số khía cạnh căn bản hơn. Chẳng hạn đối với Phật giáo thì mục đích chủ yếu nhất trong việc tu tập là chủ động tâm thức mình. Thế nhưng điều này thì lại rất khó, đòi hỏi thật nhiều cố gắng và sức kiên trì, do vậy mà nhiều người không phát tâm đúng mức hướng vào mục tiêu đó mà chỉ xem là thứ yếu. Một mặt thì đặt hết lòng tin vào Phật giáo, một mặt thì lại không đủ khả năng thể hiện lòng tin đó đến chỗ tột cùng của nó, mà chỉ loanh quanh với các nghi thức lễ lạc bên ngoài, biểu lộ sự sùng kính của mình một cách hời hợt, tụng niệm thì chỉ là ở đầu môi.

 

            Trong các nghi lễ của Phật giáo Tây Tạng người ta thường sử dụng trống, chuông, chũm chọe cùng các khí cụ âm nhạc khác. Những người tham dự mỗi khi nhìn vào cảnh tượng đó thì thường cho rằng: "Đây mới đúng là những người tu hành chân chính!". Thế nhưng họ quên rằng các nghi thức lễ lạc cũng chỉ là cách giúp người tu hành ngoảnh mặt đi trước thế giới ảo giác, hầu giúp mình hướng vào tình thương yêu, lòng từ bi và tinh thần Giác Ngộ, bởi vì đó mới đúng thật là sự tu tập sâu xa mà người tu hành phải dồn tất cả sinh lực của mình vào đó. Có phải đúng là như thế hay chăng? (những ai thật sự bước theo con đường Phật giáo nên ghi khắc trong tâm lời khuyên vô cùng thiết thực này của Đức Đạt-lai Lạt-ma).

 

            Dầu sao đi nữa, điều đó cũng có nghĩa là nếu mình không tự biến cải chính mình thì mình nào có khác gì với các kẻ khác đâu? (các việc tụng niệm, cầu xin, van vái... kể cả lòng sùng kính không phải là các tiêu chuẩn khả dĩ có thể giúp xác định một người tu tập hay không tu tập. Một người tu tập chân chính phải phát huy được một phong cách hành xử nhân từ và tích cực, các tư duy và xúc cảm sâu sắc và tinh khiết, nhất là một sự chú tâm thật tỉnh giác và sắc bén).     

 

 

314

 

            Tôn giáo nói chung qua một góc nhìn nào đó thì cũng chẳng khác gì với các món thuốc chữa trị bệnh tật. Thuốc thang chỉ công hiệu khi mang bệnh, nhưng sẽ không có tác dụng gì khi khỏe mạnh. Đối với những người mà mọi sự đều xảy ra suông sẻ thì không nên phô bày các món thuốc ấy để mà nói với họ: "Thuốc này thật hiệu nghiệm, giá rất đắt, màu sắc thật hấp dẫn...". Dù vẻ bên ngoài có như thế nào đi nữa thì công dụng duy nhất của các món thuốc đó cũng chỉ là để chữa trị bệnh tật. Khi nào chưa cần đến thì không có lý do gì để mà phô trương.

 

            Cũng vậy, tôn giáo hay bất cứ một đường hướng tâm linh nào cũng chỉ ích lợi khi tâm thức phải đương đầu với các vấn đề khó khăn. Nếu cứ khăng khăng phô trương những thứ ấy khi mọi sự đều suông sẻ, hoặc trong khi mọi người cứ dửng dưng như các kẻ phàm tục khác dù các vấn đề khó khăn đang ra với họ, thì nào có ích lợi gì đâu? 

 

 

315

 

            Điều quan trọng hơn cả là phải hòa nhập thật sâu vào bên trong tâm thức mình giáo huấn và các phép luyện tập mà mình đã tiếp nhận được, và sau đó mang ra ứng dụng vào cuộc sống thường nhật của mình. Đấy là những gì mà chúng ta không thể đạt được trong đầu hôm sớm mai, mà chỉ có thể thực hiện từng chút một nhờ vào sự luyện tập kiên trì.   

 

 

Suy tư dành cho những người vô thần  

 

316

 

            Nhiều người không theo tôn giáo nào cả. Đấy là quyền của họ, không ai có quyền bắt buộc họ phải thay đổi quan điểm đó của họ. Điều quan trọng hơn nhiều là cuộc sống của họ phải có một chút ý nghĩa nào đó, có nghĩa là ít nhất họ cũng phải tìm được cho mình hạnh phúc. Hạnh phúc thì được, thế nhưng hạnh phúc đó không được gây ra tác hại cho kẻ khác. Nếu sự thỏa mãn của mình phải giẫm lên khổ đau của kẻ khác thì sớm muộn chính mình cũng sẽ khổ đau.

 

 

317

 

            Kiếp người kéo dài tối đa khoảng một trăm năm. Quả hết sức ngắn so với các thời kỳ địa chất (tuổi của vũ trụ là 13.8 tỉ năm, tuổi của địa cầu là 4.5 tỉ năm, sự sống thô sơ nhất dưới hình thức vi sinh vật đơn bào xuất hiện cách nay khoảng 3.5 đến 3.8 tỉ năm. Giống người xuất hiện cách nay 2.8 triệu năm, con người như chúng ta ngày nay xuất hiện cách nay khoảng 200.000 năm). Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó nếu chúng ta chỉ biết tạo ra những điều tồi tệ, thì kiếp người của mình sẽ chẳng mang một ý nghĩa nào cả. Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc, nhưng không một ai có quyền tàn phá hạnh phúc của kẻ khác. Mục đích của sự hiện hữu con người không phải là để tạo ra khổ đau cho những người khác (nếu hình dung sự hiện hữu của mình đang cuồng quay giữa cơn lốc của thế giới hiện tượng qua dòng lịch sử mênh mông của địa cầu và vũ trụ, thì mình sẽ không khỏi cảm thấy sự "vô nghĩa" của mình trong không gian và thời gian. Nếu không biết lợi dụng sự "vô nghĩa" đó để làm được một chút gì "có ý nghĩa", mà chỉ để tạo ra khổ đau cho kẻ khác, thì sự "vô nghĩa" ấy của mình sẽ nhân lên bội phần. Tệ hại hơn nữa nếu sử dụng sự "vô nghĩa" đó của mình để sáng chế ra các thứ ý thức hệ, các chủ nghĩa, đưa đến chiến tranh và xung đột với tầm cỡ to lớn, thì sự "vô nghĩa" ấy của mình sẽ còn nhân lên nghìn lần. Trái lại nếu biết mượn sự "vô nghĩa" đó để tạo ra một chút gì "có ý nghĩa" thì biết đâu đấy sẽ là vốn liếng giúp mình ngao du với "nhiều ý nghĩa" hơn trong vũ trụ này).

 

 

318

 

            Dù đạt được điểm tột đỉnh của sự hiểu biết hay sự giàu sang nhưng không hề biết kính trọng hay phát lộ lòng từ bi với kẻ khác, thì sự hiện hữu đó của mình quả không xứng đáng là sự hiện hữu của con người. Sống hạnh phúc bằng cách cố tránh không gây ra một điều tồi tệ nào, thì đấy mới đúng là thứ hạnh phúc mà con người có quyền được hưởng, và đáng để thực hiện. 

 

 

319

 

            Đối với hầu hết chúng ta, hạnh phúc được căn cứ vào số của cải vật chất mà mình chiếm hữu. Thế nhưng thật hết sức rõ ràng các thứ đó tự chúng không thể nào mang lại sự hài lòng cho chúng ta được. Chỉ cần nhìn vào những người chung quanh thì cũng rõ, nhiều người sống tiện nghi và đầy đủ nhưng phải dùng thuốc an thần hay rượu chè say sưa để làm giảm bớt những nỗi lo buồn của mình. Ngược lại nhiều người chẳng có gì cả, thế nhưng họ thật hạnh phúc, thanh thản, sức khỏe tốt và sống lâu hơn. 

 

 

320

 

            Chúng ta không nên quên là sự thỏa mãn quan trọng hơn cả không phải là sự thỏa mãn thô thiển và cấp thời tạo ra bởi các cơ quan giác cảm, mà là sự thỏa mãn bên trong nội tâm mình. Chính vì thế mà lòng tốt, sự giúp đỡ kẻ khác có thể làm giảm bớt các sự thèm khát giúp mình biết hài lòng với số phận mình. Không nhất thiết là phải theo một tôn giáo nào thì mới thực hiện được điều đó. Tôi nêu lên điều này không nhất thiết là để làm vui lòng Trời (vì Phật giáo không phải là tín ngưỡng độc quyền giúp con người tìm được sự thỏa mãn nội tâm) hay đưa đến một kiếp tái sinh tốt đẹp hơn, mà chỉ muốn nói rằng những ai muốn tạo cho mình một sự an bình trong nội tâm thì đấy là những gì mà mình không thể thiếu sót (tức là lòng nhân từ và bổn phận phải giúp đỡ kẻ khác). 

 

 

321

 

            Kinh tế và kỹ thuật ngày càng phát triển thì chúng ta cũng ngày càng phải lệ thuộc vào nhau chặt chẽ hơn. Bất cứ điều gì mà chúng ta làm đều tác động đến phần còn lại của thế giới, chỉ sớm hay muộn mà thôi, và tình trạng chung của thế giới cũng sẽ tác động ngược lại đối với các niềm an vui và bất hạnh của từng mỗi cá thể. Không như các thời kỳ xa xưa, ngày nay con người không thể chỉ quán xét mọi sự qua một tầm nhìn thu hẹp, hoặc căn cứ vào một thành phần, một nguyên nhân hay một yếu tố duy nhất nào đó là cũng đủ. Vào thời buổi tân tiến ngày nay, mỗi khi đứng trước bất cứ một cảnh huống nào cũng phân tích toàn bộ các khía cạnh đa dạng của nó (ngày xưa con người thưa thớt, các nền văn minh thường khá biệt lập với nhau, sự sinh hoạt xã hội cũng đơn giản hơn, trái lại ngày nay các phương tiện giao thông và truyền thông mang con người đến gần với nhau hơn. Các thể chế chính trị, kinh tế, luật pháp, cùng các sinh hoạt xã hội..., tất cả đều trở nên phức tạp và liên hệ với nhau chặt chẽ hơn, do đó việc tìm hiểu một sự kiện hay một cảnh huống xảy ra cũng sẽ rắc rối và tế nhị hơn). 

 

 

322

 

            Tôi không muốn nói là phải hy sinh hạnh phúc của chính mình vì hạnh phúc của kẻ khác, mà chỉ muốn nêu lên là hạnh phúc của cả hai phía - mình và kẻ khác - đều liên hệ mật thiết với nhau. Nếu chúng ta cảm thấy trách nhiệm mình đối với nền hòa bình và niềm phúc hạnh của tất cả mọi con người trên địa cầu này, thì hãy tập quán xét mọi sự vật qua một tầm nhìn bao quát hơn, hầu ý thức được sự đóng góp của từng cá thể qua cung cách hành xử của mình. 

 

 

323

 

            Chúng ta gồm 6 tỉ người trên Địa cầu này (năm 2018 dân số trên địa cầu là 7.7 tỉ). Phần đông trong số sáu tỉ người đó chỉ biết nghĩ đến các thứ tiện nghi vật chất, và tuyệt nhiên không quan tâm gì đến tôn giáo hay đời sống tâm linh (thông thường không mấy khi người ta nghĩ đến tôn giáo, bởi vì dù họ rất sợ chết thế nhưng họ cảm thấy rằng mình chưa chết ngay, nếu có chết thì người khác chết trước, do đó bản năng sợ chết bên trong chính họ không mạnh bằng hai thứ bản năng khác là sinh tồn và truyền giống. Theo thứ tự thì bản năng sinh tồn mạnh hơn cả, bởi vì mỗi ngày phải ăn, đói là sự ám ảnh to lớn nhất đối với con người. Sự thèm khát tính dục đôi khi cũng có thể "nhịn" được. Sau khi đã no cơm ấm cật thì mới dâm dật mọi nơi, do đó bản năng truyền giống đứng hàng thứ hai sau bản năng sinh tồn. Bản năng sợ chết chỉ đứng hàng thứ ba, điều này cho thấy tại sao phần đông trong số "sáu tỉ" người trên hành tinh này không mấy quan tâm đến tôn giáo, hoặc nếu quan tâm thì lại quan tâm "quá đáng" gây ra mọi sự xung đột âm ỉ hoặc lớn lao giữa các tôn giáo với nhau. Chỉ có bản năng truyền giống là tương đối không gây ra các sự xung đột rộng lớn mà chỉ xoay quanh các chuyện ghen tưông, thất tình và tự tử). Tóm lại những người không tín ngưỡng là thành phần đa số trong toàn thể nhân loại, do đó cách suy nghĩ và hành động của họ tất nhiên sẽ giữ một vai trò then chốt trong sự diễn tiến của thế giới. Thế nhưng cũng thật may mắn, không cần phải theo một tôn giáo nào thì mới phát động được một cung cách hành xử nhân từ, mà chỉ cần là một con người là cũng đủ! 

 

 

324

 

            Đối với các loài thú vật cũng vậy, các con thú có xu hướng thích sinh hoạt tập thể (gọi đàn hay nhập bọn với các con thú khác...) thường thu hút được các con thú chung quanh, trái lại các con thú hung dữ sẽ khiến các con khác tránh ra xa. Người ta thường nhận thấy những con chó hung hăng sẽ khiến các con chó khác không dám đến gần, kể cả những con to lớn hơn.

 

            Điều đó cũng đúng với trường hợp con người. Những người chủ động được tâm thức mình thường suy nghĩ nhân từ và ăn nói hòa nhã, và đương nhiên họ cũng có nhiều bạn hữu hơn. Đến gần bên họ, người ta cảm thấy an vui hơn, kể cả thú vật cũng thích đến gần với họ. Sự hiện diện của họ dù là trong bối cảnh nào cũng đều tạo được một bầu không khí thật thú vị khiến không ai muốn rời xa họ. 

 

 

325

 

            Ngược lại nếu tư duy của mình bất trị, ăn nói hung hăng, cử chỉ hung bạo thì kẻ khác sẽ tránh ra xa và không khỏi cảm thấy khó chịu mỗi khi trông thấy mình. Họ sẽ không chú ý đến những gì mà mình nói, quay mặt đi khi nhận thấy mình có vẻ muốn gợi chuyện với họ. Làm thế nào mà họ có thể cùng vui đùa và cảm thấy thích thú bên cạnh mình được?  

 

 

326

 

            Mặc dù con người thật đông đảo trên địa cầu này, thế nhưng mỗi người trong chúng ta chỉ trông thấy có riêng mình mà thôi. Tuy nhiên không nên quên một điều là chúng ta phải luôn nhờ vào người khác để có cơm ăn, áo mặc, tạo được một vị trí trong xã hội, trở nên nổi tiếng (nhờ có các người khác biết đến mình thì mình mới "nổi tiếng" được), thế nhưng mình thì lại xem những người liên hệ với mình thật gắn bó là kẻ thù. Chẳng phải đấy là một sự nghịch lý thật lạ lùng hay sao? 

 

 

327

 

            Chỉ cần lo nghĩ đến kẻ khác từ bên trong tâm thức mình hay biểu lộ bằng các cử chỉ bên ngoài, thì cũng đủ giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc và dễ chịu trong lòng, ngay trong kiếp sống hiện tại này - đấy là chưa nói đến các sự lo nghĩ đó sẽ còn tiếp tục tác động đến cả các kiếp sống tương lai - và đó cũng là cách giúp mình mỗi khi gặp phải khó khăn thì sẽ có nhiều người thăm hỏi và giúp đỡ mình; và chính kẻ thù của mình biết đâu cũng sẽ trở thành bạn hữu của mình. 

 

            Nếu chỉ biết duy nhất nghĩ đến bản thân mình và xem các kẻ khác là kình địch của mình, thì chúng ta sẽ khó tránh khỏi phải đối đầu với mọi thứ khó khăn thật phi lý do chính mình tạo ra cho mình. Trong thế giới tân tiến ngày nay, dù sự sống gần như không thể nào tồn tại được nếu thiếu sự cạnh tranh tác động đến nó, thế nhưng chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn các kẻ khác, mà không cần phải nghiền nát họ (không cần phải cạnh tranh một cách ác liệt và bất chính). 

 

 

Suy tư về người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện

 

 

328

 

            Phần đông những người tu hành đều từ bỏ cuộc sống gia đình. Nhiều tôn giáo xem trọng cuộc sống độc thân của người tu sĩ vì nhiều lý do. Đối với Phật giáo nếu muốn đạt được sự Giác Ngộ thì trước hết phải loại bỏ được các thứ độc tố tâm thần, trước hết là các thứ thô thiển nhất. Độc tố nguy hiểm hơn cả là sự thèm khát, đó là thứ độc tố chắc chắn sẽ buộc chặt chúng ta trong cõi luân hồi (samsara), tức là vòng xoay vần và níu kéo của sự tái sinh. Nếu hiểu được mười hai mối dây tương liên (kinh sách tiếng Hán gọi là "Thập nhị nhân duyên", tức là mười hai thể dạng hình thành và hủy hoại tiếp nối nhau nhau do nghiệp tạo ra, đưa đến sự hiện hữu luôn biến động của một cá thể trong thế giới hiện tượng), tức là các giai đoạn trói buộc chúng ta trong cõi luân hồi, thì chúng ta sẽ hiểu ngay là nếu các tác động của sự thèm khát chấm dứt thì nghiệp quá khứ cũng theo đó sẽ không tạo ra một hậu quả nào.

 

Sự thèm khát phản ảnh các sự đòi hỏi của sáu cơ quan giác cảm: ngũ giác và tâm thần. Phía sau các sự đòi hỏi và thúc dục đó của lục giác là các bản năng của sự sống: gay gắt nhất là bản năng sinh tồn, sôi sục nhất là bản năng truyền giống và tối tăm nhất là bản năng sợ chết. Động cơ thúc đẩy ba thứ bản năng trên đây là ba thứ thứ độc tố tâm thần: sự u mê (vô minh, có thể hiểu như là sự "dại dột"), sự thèm khát (lòng tham, sự chiếm hữu) và ghét bỏ (thù hận, giận dữ). Trong số này sự thèm khát là động cơ trực tiếp, lộ liễu và mạnh nhất, buộc chặt một cá thể trong sự chuyển động của thế giới hiện tượng. Cả ba thứ độc tố trên đây là hậu quả phát sinh từ nghiệp của một cá thể - gccncntV. 

 

329

 

            Trong số tất cả các sự thèm khát đó thì sự thèm khát dục tính là mạnh hơn cả, bởi vì nó liên hệ đến sự cảm nhận của tất cả năm cơ quan giác cảm: hình tướng, âm thanh, mùi, vị và sự đụng chạm (kể cả tâm thức là cơ quan cảm giác thứ sáu, giữ vai trò diễn đạt các cảm giác phát sinh từ ngũ giác, đưa đến các sự tưởng tượng, liên tưởng và các ý nghĩ dâm ô, còn gọi là các thứ tạo tác tâm thần. Độc giả có thể xem lại lời khuyên 282 về sự thèm khát dục tính). Vì thế nếu muốn chữa trị sự thèm khát, thì trước hết phải tấn công ngay thứ nóng bỏng nhất (đối với người tu hành thì nóng bỏng nhất là sự thèm khát dục tính), sau đó là các  thứ thô thiển và dần dần là những thứ tinh tế hơn (tức là các thứ thèm khát thuộc các thứ bản năng khác. Xin nhắc lại bản năng truyền giống đôi khi rất "nóng bỏng" thế nhưng chủ yếu chỉ liên quan nhiều hơn với cuộc sống của một cá thể. Trái lại bản năng sinh tồn tác động trực tiếp đến toàn thể xã hội và quốc gia, có thể đưa đến các sự tranh dành và xung đột lớn lao). Càng giảm bớt sự thèm khát và tạo được sự hài lòng sẽ giúp mình thăng tiến dễ dàng hơn trên con đường phi-bám-víu. Đấy là quan điểm của Phật giáo. Đối với các truyền thống tín ngưỡng khác thì mỗi truyền thống đều có một cách giải thích riêng. 

 

 

330

 

            Trên phương diện thực hành, thì cuộc sống nơi tu viện, tức là cuộc sống độc thân, là cách giải thoát mình khỏi một số các mối dây trói buộc mình. Đối với các nữ và nam tu sĩ, một khi đã từ bỏ cuộc sống thế tục, thì tất nhiên sẽ không còn quan tâm đến sự phẩm bình của thiên hạ. Quần áo xuềnh xoàng, các nhu cầu vật chất khác cũng chỉ là tối thiểu mà thôi. 

 

 

331

 

            Một khi đã lập gia đình thì dù muốn hay không, cũng khó tránh khỏi một số các ràng buộc xã hội. Phải tiêu xài nhiều hơn so với cuộc sống độc thân; càng xài nhiều thì càng phải làm việc nhiều, phải tính toán và hoạch định đủ mọi thứ. Càng làm việc và càng phải phác họa lắm thứ chương trình thì lại càng dễ đụng chạm hơn với các sức mạnh đối nghịch (cạnh tranh, ganh tị, bon chen...) và càng dễ khiến mình phạm vào các hành động gây tai hại cho kẻ khác. Sự chuyển đổi từ cuộc sống gia đình sang cuộc sống xa lìa thế tục sẽ tạo các điều kiện thuận lợi giúp các người nữ và nam tu sĩ Ki-tô giáo cầu nguyện, đọc sách, thiền định từ năm đến sáu lần mỗi ngày, và gần như không còn tham gia vào các sinh hoạt thế tục nữa. Sự chuyển đổi từ cuộc sống trong gia đình sang cuộc sống nơi tu viện sẽ mang lại thật nhiều lợi điểm.

 

 

332

 

            Lúc nhắm mắt những người đã từ bỏ thế tục (những người tu hành nơi tu viện) sẽ tìm thấy thanh thản. Những người khác sẽ còn lắm thứ bận tâm: "Con cái tôi sẽ phải xoay sở như thế nào? Ai đưa chúng đi học? Ai nuôi nấng chúng? Vợ tôi sẽ phải đối phó ra sao? Nếu không có tôi thì ông chồng già của tôi làm thế nào xoay sở được? Nhất định người vợ trẻ của tôi sẽ sống với một người đàn ông khác". Đấy chẳng phải là những mối khổ tâm không nên có trong lúc lâm chung hay sao?

 

            Trong nhiều nước, người đàn ông là cột trụ của cả gia đình. Nếu người này chết thì người vợ lấy gì để sống? Nếu có thêm đàn con thì sẽ là cả một thảm trạng.

 

 

333

 

 

            Lúc chưa thành lập gia đình thì bận tâm kiếm người phối ngẫu. Thế nhưng sau khi đã lập gia đình thì nào có trút hết được các thứ lo lắng đâu. Người đàn ông tự hỏi vợ mình sẽ có còn nghe lời mình nữa hay không, người vợ thì tự hỏi mình sẽ còn làm cho chồng vừa lòng hay không? Quả là rắc rối. 

 

 

334

 

            Cưới hỏi rất tốn kém. Lễ cưới phải linh đình. Tại Ấn-độ người ta phải dành ra một phần lớn gia sản, do đó phải tiết kiệm, đến độ phải ăn uống dè xẻn. Sau khi cưới nhau thì hoặc sẽ phải khổ sở vì hiếm muộn, hoặc không muốn có con thì lại mang thai và phải tìm cách phá thai.

 

            Nếu tránh được các mối khổ tâm đó chẳng phải là nhẹ nhõm hơn không? Các nam và cả nữ tu sĩ đôi khi cũng có thể thắc mắc biết đâu cuộc sống lứa đôi sẽ thích hợp hơn với mình chăng, thế nhưng phải hiểu rằng gạt bỏ được ý nghĩ đó cũng là cách giúp mình thanh thản hơn? Cuộc sống độc thân nhất định là trong sáng hơn nhiều. 

 

 

335

 

            Một số người có thể cho rằng tôi đưa ra một quan điểm quá ích kỷ (có nghĩa là chọn cuộc sống độc thân là một quyết tâm ích kỷ, bởi vì đấy chỉ là cách bảo vệ bản thân mình). Tôi không chắc là đúng như thế. Những người lập gia đình là những người chỉ nghĩ đến riêng họ (tìm hạnh phúc riêng cho họ), không phải là vì sự tốt lành của kẻ khác, và dù là nhắm vào mục đích đó đi nữa, thì cũng không mấy khi họ thành công (cuộc sống lứa đôi là kết quả mang lại từ quá trình tự nhiên của sự níu kéo và tương tác của nghiệp nơi mỗi cá thể, tạo ra một thứ cộng nghiệp chung của cả hai người. Trong cuộc sống lứa đôi mỗi cá thể vừa phải gánh vác nghiệp riêng của mình và nghiệp chung của cả hai. Do vậy, dù nhằm vào mục đích tìm kiếm hạnh phúc thế nhưng thật ra là phải gánh vác những sự khó khăn gấp đôi trong cuộc sống). Trong khi đó những người ước nguyện sống độc thân, các nữ và nam tu sĩ Ki-tô giáo chẳng hạn, thì đấy là cách mà họ hy sinh trọn vẹn đời mình để giúp đỡ kẻ khác, chẳng hạn như chăm sóc những người ốm đau. Tôi nghĩ đến Mẹ Teresa, không chồng, không con, không gia đình, đã dành trọn đời mình để chăm lo cho người nghèo khó. Nếu có gia đình thì mọi sự sẽ khó khăn hơn nhiều. Dù quyết tâm không thiếu thế nhưng ngoài việc nội trợ còn phải đưa con đi học và trăm việc khác nữa. 

 

 

336

 

            Trong việc điều hành của chính phủ lưu vong của chúng tôi nếu cần phái một nhà sư đi công tác tại một nơi nào đó, thì người này luôn sẵn sàng. Dù phải đến một nước khác thì cũng không có trở ngại nào. Nếu cần gọi vị ấy về thì người ấy sẽ về ngay. Nếu đòi hỏi các chuyện đó với một thương gia chẳng hạn thì sẽ phức tạp hơn nhiều. Người này có thể sẽ trả lời như sau: "Cửa hàng vừa mới khai trương, tôi còn phải ở lại để trông coi. Tôi đành phải cáo lỗi vậy..." 

 

 

337

 

            Đến đây tôi xin nêu lên trường hợp những người tu hành đứng ra giảng dạy cho các kẻ khác. Tsongkhapa/Tông-cách-ba (1357-1419, một nhà sư Tây Tạng rất uyên bác) từng nói rằng dù mình bước theo bất cứ một con đường tâm linh nào cũng vậy, cũng không nên tìm cách biến cải kẻ khác trước khi biến cải chính mình. Chẳng hạn như thuyết giảng về các tác hại của sự nóng giận, thì chính mình cũng không được nóng giận, nếu không thì quả hết sức khó thuyết phục kẻ khác. Khi thuyết giảng về sự tiết giảm các sự thèm khát thì chính mình cũng phải giữ được sự tiết giảm đó trước các sự đòi hỏi của chính mình.

 

 

338

 

            Một vị lạt-ma mà tôi quen biết từng viết thư thuật lại với tôi rằng tại Nepal, trong vòng ba mươi năm nay người Tây Tạng đã xây dựng được nhiều tu viện với các đền thờ lộng lẫy, trong đó có các pho tượng rất đắt tiền, thế nhưng trong khoảng thời gian này họ không xây cất được một trường học hay một bệnh viện nào cả. Tôi đoan chắc nếu là các tu sĩ Ki-tô giáo thì họ sẽ không làm như thế. Các lạt-ma trẻ tuổi thì ban ngày mặc cà-sa, đến tối thì y phục chỉnh tề tham dự các buổi tiệc tùng thế tục, phong thái chẳng khác gì với các nhân vật quan trọng hay các doanh nhân giàu có. Tôi tự hỏi trước kia Đức Phật có làm như thế hay không?

 

 

339

 

            Thật hết sức rõ ràng: Đức Phật nêu cao sự khiêm tốn và tận tụy, thế nhưng chúng ta thì lại không hề bận tâm đến các thứ ấy. Theo ý tôi tình trạng đó đáng để báo chí tố giác là đạo đức giả. Đấy quả là điều phải làm trước nhất.

 

            Đức Phật dạy rằng chỉ nên giảng dạy cho kẻ khác đúng theo nhu cầu của họ, và những lời mà mình thuyết giảng cho họ cũng phải phù hợp với cả chính mình. Do vậy chính mình cũng phải tuân thủ giới luật truớc khi mang ra giảng dạy cho kẻ khác.

 

 

                                                                                    Bures-Sur-Yvette, 05.03.19

                                                                                     Hoang Phong chuyển ngữ

 

                       

Suy tư về người hành thiền

 

 

340

 

            Không khác gì với các tôn giáo khác, Phật giáo cũng có một số giáo huấn dựa vào sự hiểu biết thuần lý (speculation, theorization/sự biện luận), và được trao truyền từ thầy đến đệ tử. Thế nhưng những người hành thiền, qua các kinh nghiệm sống mà mình đã thực hiện được, đã chứng thực giá trị của các giáo huấn mang tính cách thuần lý đó. Số người hành thiền này, tuy không đông đảo, nhưng chính họ đã phất cao "ngọn cờ vinh quang" trong lãnh vực thực hành. Nhờ phát động được sự tĩnh lặng tâm thần và sự quán thấy sâu xa, những người hành thiền đó đã đạt được các kinh nghiệm thiền định cùng các thành quả trong nội tâm mình, mang lại sức sống cho những sự hiểu biết lý thuyết, nếu không thì những sự hiểu biết ấy sẽ còn mang các nét huyền thoại và giả tạo. Tôi không tiếc lời ngợi khen họ (Phật giáo không phải chỉ là lý thuyết đơn thuần mà nhất thiết xoay quanh sự học hỏi và tu tập mang lại những thành quả cụ thể. Việc học hỏi và tu tập đó, đặc biệt hơn cả là phép hành thiền, đòi hỏi một sự cố gắng liên tục và suốt đời, giúp người tu tập - thế tục cũng như xuất gia - tự biến cải tâm thức và con người của chính mình. Trong số họ nhiều người đã đạt được các thành quả phi thường qua cung cách hành xử cũng như sự hiểu biết của họ. Với các thành quả đó họ đã thổi vào giáo huấn Phật giáo một sức sống thật mãnh liệt, vượt lên trên tính cách hoang tưởng và huyền thoại của các giáo điều, kể cả sự ngoan ngoãn và các hình thức đức tin không suy nghĩ). 

 

 

Suy tư về đức tin

 

 

 

341

 

            Thật vậy, không một chút nghi ngờ nào cả, đức tin luôn giữ một vai trò quan trọng trong tất cả các tôn giáo. Thế nhưng đức tin phải được thúc đẩy bởi các nguyên nhân chính đáng. Nagarjuna/Long Thụ (tiểu sử đã được nêu lên trong câu 52) triết gia nổi tiếng người Ấn vào thế kỷ thứ II, nói rằng sự hiểu biết và đức tin phải đi đôi với nhau, tay trong tay. Thật vậy đối với Phật giáo, đức tin được xem là cội nguồn mang lại một sự hồi sinh cao đẹp, và sự hiểu biết là cội nguồn của sự Giác Ngộ (đức tin là nguồn sinh lực mang lại cho mình một cuộc sống cao cả và thánh thiện, sự hiểu biết tạo ra từ cuộc sống đó sẽ mang lại cho mình Trí Tuệ), thế nhưng Long Thụ cũng lưu ý rằng "đức tin phải bắt nguồn từ một sự hiểu biết sáng suốt", nói một cách khác là phải hiểu được tại sao mình lại tin.

 

"Đức tin" - trong nguyên bản là foi/faith - là một thuật ngữ đặc thù của các tín ngưỡng độc thần , và cũng là động cơ thúc đẩy chủ yếu của toàn bộ các tôn giáo đó. Thiếu đức tin thì các tôn giáo đó sẽ sụp đổ ngay. Do đó một trong các phép "tu tập" căn bản của các tôn giáo này là phải "bảo vệ" đức tin bên trong chính mình với bất cứ giá nào, đồng thời quảng bá và "ép buộc" người khác cũng phải tin theo "đức tin" đó của mình, bởi vì đó là một cách gián tiếp trấn an mình và củng cố "đức tin" bên trong chính mình. Tiếc thay chính sự mong muốn đức tin đó phải được mọi người tin theo lại là nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến các cuộc xung đột triền miên. Đối với Phật giáo "đức tin" chỉ là sự "tin tưởng" vào tính cách ích lợi và thiết thực trong việc tu tập nhằm cải thiện chính mình, giúp mình ngày càng trở nên sáng suốt và đạo đức hơn. Sự "tin tưởng" đó không phản ảnh một hình thức "ngoan ngoãn" hay "thần phục" nào cả, mà chỉ là một "phương tiện" mang lại cho mình nghị lực trong việc tu tập, hầu khám phá ra "Sự Thật" về thế giới và con người của mình, nhằm giải thoát sự hiện hữu trói buộc này của mình ra khỏi cái thế giới đầy biến động và khổ đau đó. Đức Phật dạy rằng phải mang "Sự Thật" đó ra để tự mình thử nghiệm, tương tự như người thợ kim hoàn thử vàng. "Sự Thật" hiện ra qua sự chứng nghiệm đó của mình chính là  "Đức tin" trong Phật giáo - gccncntV).

 

 

 

342

 

            Đối với Phật giáo đức tin gồm ba giai đoạn phát triển, tương quan với ba cấp bậc khác nhau: sự cảm hứng (inspiration), niềm ước vọng (desire) và sự vững tin (conviction). Đức tin ở cấp bậc "cảm hứng" nói lên một sự thán phục (admiration) mà mình cảm nhận được sau khi đọc một quyển sách giá trị, tiếp xúc với một người có một khả năng phi thường, hay được nghe nói chuyện về Đức Phật. Đức tin ở cấp bậc "ước vọng" (desire), nói lên một sự mong muốn vượt cao hơn chính mình (emulation), có nghĩa là đạt được một sự hiểu biết và quán thấy sâu xa, hầu giúp mình trở thành tương tự như người mà mình ngưỡng mộ (một vị Bồ-tát hay một vị Phật chẳng hạn). Hai thể loại đức tin này (cảm hứng và ước vọng) không được bền vững lắm vì không căn cứ vào một sự hiểu biết cụ thể nào cả. Trái lại đức tin duới hình thức một sự "vững tin" (conviction) được củng cố bởi một sự hiểu biết minh bạch về những gì mà mình mong muốn đạt được đều có thể trở thành sự thật. Thể loại đức tin này được dựa vào lý trí. Kinh sách cho biết Đức Phật từng căn dặn các đệ tử của mình không nên tin một cách mù quáng vào những điều Ngài nói, mà phải kiểm chứng các điều ấy tương tự như người thợ kim hoàn thử vàng bằng cách đập, nấu, kéo giãn.

 

 

 

343

 

            Sự sùng kính đôi khi rất phù du, trừ phi được khơi động thật vững chắc. Ở Tây Tạng cũng như tại một vài nước khác, một số người tu tập thường phát động được một sự sùng kính thật mạnh đối với thầy mình. Thế nhưng nếu vị này bất chợt qua đời thì sự sùng kính đó cũng sẽ tan biến theo, họ xem mọi sự đều chấm dứt, trung tâm mà truớc đây họ từng được học hỏi vụt đóng cửa (đây là cách nói ẩn dụ, đồng hóa người thầy với một trung tâm giảng dạy). Thế nhưng trong thế giới của vô biên, dù người thầy vẫn còn đó bằng xương bằng thịt hay đã khuất, thì cũng chẳng có gì thay đổi cả. Người thầy biểu trưng cho bản chất tối thượng của tâm thức, vì thế không gian không phải là một chướng ngại ngăn chận được lòng từ bi của vị ấy. Khi nào nhận thấy được kích thước vô biên đó nơi thầy mình, thì người đệ tử cũng sẽ không còn phát lộ những sự bám víu quá đáng vào hình tướng con người (tức là thân xác vật chất) của thầy mình nữa (Phật giáo Theravada gọi "thân hình tướng" là "Thân Vật Chất"/Rupakaya; Phật giáo Đại Thừa thì gọi là "Thụ Dụng Thân"/Sambhogakaya). Người đệ tử nên hiểu rằng dù đã rời bỏ lớp thân xác bên ngoài, thế nhưng bên trong bầu không gian của thân xác tối thượng (Phật giáo Theravada gọi là Thân Tâm Thần/Manomayakaya; Phật giáo Đại Thừa thì gọi là Thân Biến Hóa/Nirmanakaya), khả năng ban phúc (trong nguyên bản là chữ "benediction" là một thuật ngữ Tây phương thuộc các tín ngưỡng độc thần, thế nhưng trong Phật giáo cũng có khái niệm "ban phúc", nhưng gọi bằng một thuật ngữ khác hơn đó là sự "hồi hướng" công đức của mình) và sự sinh động của vị thầy mình vẫn luôn ở bên cạnh mình (1).

 

(1) Trong Phật giáo Vajrayana/Kim Cương Thừa, một vị thầy đích thật và người đệ tử của mình luôn kết chặt với nhau, mục đích duy nhất của sự kết hợp đó là giúp người đệ tử khám phá ra bản thể đích thật của thầy mình. Trong quá trình kết nối đó, trước hết người đệ tử phải đặt hết lòng tin vào thầy mình, điều này sẽ giúp mình đón nhận một hiện thực mới sâu xa hơn chính mình, và đồng thời người thầy, qua lòng tin đó của người đệ tử, cũng sẽ giúp cho tâm thức người này trở nên già dặn hơn. Sau khi người thầy và người đệ tử cùng nhau đi đến cuối con đường, thì cả hai sẽ trở thành một: Con người duy nhất đó (tức là thầy và đệ tử sau khi giúp nhau đi trọn con đường đã trở thành một "thực thể" duy nhất, mang một tâm thức duy nhất) sẽ khám phá ra bản thể đích thật của tâm thức của chính mình (tức là tâm thức chung của "thực thể" duy nhất đó), và bản thể đó cũng chẳng phải là gì khác hơn với "Thân tuyệt đối" của một vị Phật ("Thân tuyệt đối" còn gọi là Pháp Thân/Dharmakaya, mang bản chất trống không tuyệt đối của sự Giác Ngộ), nói một cách khác là sự Hiểu Biết (Trí Tuệ) và lòng Từ Bi, hiện hữu từ khởi thủy của thời gian. Đấy là lý do cho thấy tại sao những người chỉ biết bám víu vào hình tướng bên ngoài của thầy mình sẽ không bao giờ quán thấy được hiện thực đó (sự kết hợp giữa thấy và đệ tử tạo ra một hiện thực duy nhất và cũng là Pháp Thân của một vị Phật) mà chỉ thừa hưởng được những gì phát sinh qua trung gian của sự kết nối giữa mình với thầy mình như là một người bình dị mà thôi - gcts.

 

Trên đây là một trong số các phương tiện vô cùng "thiện xảo" của Phật giáo Tây Tạng. Tâm thức của người đệ tử phải kết hợp với tâm thức của người thầy hầu thừa hưởng những sự thành đạt sẵn có bên trong tâm thức của thầy mình, và đồng thời sự kết hợp đó cũng sẽ tạo ra cho mình một sức mạnh vô song trên đường tu tập. Thế nhưng trong hoàn cảnh ngày nay, khi xứ sở Tây Tạng đã bị xóa bỏ trên bản đồ thế giới, thì các vị thầy của quê hương đã mất đó đã phải lưu vong khắp nơi, vì thế không phải dễ cho chúng ta tìm được một vị thầy chân chính và cao thâm của một nền Phật giáo siêu việt.

 

Vậy chúng ta hãy thử hướng vào chính Đức Đạt-lai Lạt-ma như là vị Thầy của mình và sau đó là luôn nghĩ đến Ngài, đấy là cách mà mình mở rộng tâm thức mình để hòa nhập vào cả một "Đại dương Trí tuệ" bên trong tâm thức Ngài. Nếu duy trì được sự nối kết đó ngày càng khắng khít hơn thì mình cũng sẽ cảm thấy ngày càng gần gũi hơn với "Đại dương trí tuệ" đó của Ngài. Những ngọn sóng thật mặn của lòng từ bi và tình thương yêu dạt dào trong "Đại dương trí tuệ" đó sẽ tràn vào tâm hồn mình, và một lúc nào đó biết đâu mình cũng sẽ bất chợt cảm thấy những ngọn sóng đó dường như cũng đang trở thành những ngọn sóng của riêng mình, dấy lên từ một nơi thật sâu kín bên trong tâm thức của chính mình.

 

Thế nhưng, một ngày nào đó khi Đức Đạt-lai Lạt-ma quyết định rời bỏ Thân xác thụ hưởng/Sambhogakaya này của mình, thì không phải vì thế mà "Đại dương Trí Tuệ" mênh mông bên trong tâm thức Ngài cũng sẽ biến mất theo. Không gian vô biên và thời gian vô tận không thể ngăn chận được những ngọn sóng dồn dập đó bên trong một tâm thức đã vượt thoát khỏi thế giới hiện tượng này.

 

Trở lại với thực tại ngày nay thì nếu không tìm được một vị thầy nào của một quê hương đã lùi dần vào lịch sử, thì cứ để cho những làn sóng của tâm thức mình lan vào tâm thức của Đức Đạt-lai Lạt-ma. "Đại dương trí tuệ" của Ngài rất rộng lớn và lúc nào cũng mở rộng để đón nhận những làn sóng đang dồn dập trong tâm hồn chúng ta - gccncntV.      

 

 

 

344

 

            Khi người thầy rời bỏ thế giới này và nếu chúng ta nghĩ rằng sự sùng kính của mình cũng theo đó mà biến mất, thì sự sùng kính ấy cũng chỉ là một hình thức bám víu mà thôi. Đấy là cách mà mình xem người thầy mình như là một người bạn đồng hành, một người bình dị, một người phối ngẫu hay một người thân thuộc. Trong trường hợp đó, sự quá vãng của người thầy sẽ là một sự biến mất thật sự, và khi đó chúng ta sẽ không còn biết là phải xoay sở ra sao. Điều này cho thấy thật rõ ràng là các cảm nhận của chúng ta trước đây về thầy mình không phải là một sự sùng kính đích thật. 

 

 

Suy tư về các giáo phái 

 

 

345

 

            Theo tôi thấy thì có hai cách giúp chúng ta tránh được tình trạng chia rẽ và cách biệt trong lãnh vực tín ngưỡng. Trước hết là phải kính trọng tất cả các tôn giáo. Chẳng hạn tôi là người Phật giáo nhưng tôi cũng rất quý trọng Ki-tô giáo và các tôn giáo khác. Sau đó không những chỉ biết kính trọng suông mà còn mong được tu tập theo các tôn giáo ấy nữa. Chính vì vậy đã từng có một số người vừa tu tập Ki-tô giáo và cả Phật giáo. Chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra được, thế nhưng chỉ ở một cấp bậc nào đó mà thôi (người ta thường nói tôn giáo nào cũng vậy, điều đó cũng đúng thế nhưng cũng chỉ ở cấp bậc hiểu biết và khả năng lý luận của những người tu tập ba phải nói đến trên đây).  

 

 

 

346

 

            Khi đã tiến xa hơn trên con đường thì sẽ có đôi chút khác biệt. Khi nào thấu triệt được sự "Trống Không" (Emptiness/Vacuité/Tánh Không) và nguyên lý "Tương liên" (Interdependence/ Lý Duyên Khởi) (1) giữa mọi sự vật là gì, thì quả khó để chấp nhận ý niệm về một vị Trời, vừa là một vị Sáng Tạo lại vừa tự mình hiện hữu một cách trường tồn và bất biến (đây là một sự nghịch lý vô cùng thô thiển và lộ liễu: Trời thì trường tồn và bất biến, nhưng lại sáng tạo ra toàn những thứ biến động (vô thường), vô thực thể và phải níu kéo nhau và liên hệ chằng chịt và để mà hiện hữu. Nếu bản chất của mình là hoàn hảo, toàn năng và bất biến thì cũng phải sinh ra những gì mang cùng một bản chất với mình chứ. Con sư tử sinh ra con sư tử, không thể sinh ra con chuột được, thế nhưng con chuột thì lại có thể cắn tấm lưới để giải thoát cho con sư tử. Trong thế giới hiện tượng không thể có cái này sinh ra cái kia mà chỉ có các hiện tượng lệ thuộc vào nhau để cùng hiện hữu và chuyển động). Cũng vậy đối với những người tin là có một vị Trời Sáng Tạo ra vũ trụ, thì quả khó để họ có thể hiểu được nguyên lý Tương Liên/Interdependence là gì (đối với Phật giáo tất cả mọi hiện tượng - dù là vô hình hay hữu hình - đều phải tương liên và tương tác với nhau để hiện hữu, không có một ngoại lệ nào cả. Đó là một nguyên lý toàn cầu, khoa học ngày nay cũng đã chứng minh điều đó, hay ít nhất cũng phải chấp nhận điều đó). Ở một cấp bậc nào đó thì người ta cũng chỉ có thể với được những gì làm nền tảng cho tôn giáo mình và cũng có thể trở nên "thành thạo" trong cấp bậc ấy mà thôi - nếu có thể nói như thế (chữ "thành thạo" là tạm dịch từ chữ "specialize" trong nguyên bản. Câu trên đây có nghĩa là mình có thể rất "thành thạo" về tôn giáo của mình, nhưng cũng chỉ là ở cấp bậc liên quan và thích hợp với trình độ hiểu biết của mình. Thí dụ một người theo Ki-tô giáo rất "ngoan đạo" nhưng không hề thắc mắc là tại sao và vì lý do gì mà Trời sinh ra mình như thế này; đối với một người theo Phật giáo thì cũng có thể là "kinh kệ làu làu", nhưng không nghĩ đến là phải tìm hiểu xem phía sau các kinh kệ đó còn có những gì khác hơn mà mình phải học hỏi và áp dụng trong cuộc sống của mình. Đó là các trường hợp cho thấy một số người tu tập dù chỉ ở một trình độ nào đó nhưng cũng có thể rất "thành thạo" trong lãnh vực tôn giáo của mình, và tất nhiên là chỉ ở vào cấp bậc hiểu biết của mình mà thôi). Dầu sao điều đó cũng không hề ngăn cấm chúng ta kính trọng các đường hướng tín ngưỡng khác, thế nhưng nếu phải tu tập chung thì quả là khó (2) (thực tế cho thấy ngay bên trong một tín nguỡng cũng có nhiều giáo phái khác nhau. Sự bất đồng chính kiến giữa các tôn giáo phát sinh từ các quan điểm khác nhau về những gì xảy ra phía sau cái chết, Trời cũng có lắm Ông, Địa đàng cũng có lắm kiểu, và đó cũng là nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến các cuộc xung đột triền miên trong suốt lịch sử nhân loại. Là người Phật giáo chúng ta phải ý thức được điều đó, phải nhìn thẳng vào sự thật đó và nói lên sự thật đó hầu tự cảnh giác mình trước các sự xung đột phi lý về tín ngưỡng. Qua một số lời khuyên trong quyển sách này Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã nói lên sự thật đó, nhưng được kèm theo một sự khoan dung thật rộng lớn và một lòng từ bi vô biên).

 

 (1) Khái niệm về sự "Trống Không" (Emptiness/Vacuité/Tánh Không) trong Phật giáo không có nghĩa là hư vô, mà chỉ đơn giản cho biết là không có bất cứ một thứ gì hàm chứa một hiện thực nội tại (tự tại, thực tại, thực chất) nào cả. Khái niệm "tương liên, tương tác và tương tạo" (Interdependence/Lý duyên khởi) mật thiết liên hệ với khái niệm về sự "Trống Không" (Tánh Không) trên đây, và đôi khi cũng được xem như là chính sự "Trống Không" đó - gcts. Sở dĩ các hiện tượng hiện hữu là nhờ "tương liên" và "tương kết" với nhau - tức là phải lệ thuộc vào nhau để mà hiện hữu - vì thế sự tương liên giữa chúng với nhau cũng trực tiếp phản ảnh sự trống không của chúng - gccncntV).

 

(2) Đức Đạt-lai Lạt-ma thường cho biết là khái niệm về một vị Trời không đặt thành vấn đề đối với Phật giáo, trong trường hợp xem "Vị" ấy là tình thương vô biên. Thế nhưng nếu xem "Vị" ấy là nguyên nhân tiên khởi nhất (sáng tạo ra mọi thứ) thì sẽ là cả một vấn đề. Nếu muốn hiểu tại sao thì độc giả có thể xem thêm quyển sách "L'Infini dans la paume de la main"/"Vô tận trong lòng bàn tay" của Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận, nxb Nil, 2000 - gcts. (Quyển sách này đã được dịch sang tiếng Việt với tựa "Cái vô hạn trong lòng bàn tay", Nhà Xuất Bản Trẻ, tái bản 2011. Trong cách dịch "Cái vô hạn" trên đây thì chữ "cái" là một mạo từ "xác định" dùng để chỉ định một "cái" gì đó rõ rệt, thế nhưng chữ "vô hạn" thì lại nói lên một ý niệm trừu tượng, một cái gì đó không xác định được. Vì thế nếu gọi "vô hạn" (vô tận, vô biên) là "cái vô hạn", thì tự nó là một sự nghịch lý - gccncntV).

 

 

 

347

 

            Ngoài ra trong Phật giáo cũng có một phép tu tập gọi là "quy y" (có nghĩa là dựa vào hay nương tựa vào...). Một khi đã quy y nơi Đức Phật thì tôi không tin rằng người ta lại còn có thể quy y thêm với Chúa Ki-tô chẳng hạn, nếu không muốn rơi vào tình trạng khó xử (dilemma, có nghĩa là tình trạng nước đôi, một đằng dựa vào sự hiểu biết và biến cải chính mình, một đằng thì dựa vào đức tin và sự ngoan ngoãn, mỗi bên mỗi hướng, chẳng có chút gì liên hệ với nhau, ngoài các hình thức màu mè của tín ngưỡng). Theo tôi nghĩ trong trường hợp đặc biệt này, tốt hơn chỉ nên xem Chúa Ki-tô như là hóa thân của một vị Bồ-tát (Bodhisattva) (Bồ-tát là một người tu tập được khơi động bởi lòng từ bi vô biên, thệ nguyện giúp đỡ tất cả chúng sinh cho đến khi nào tất cả đều đạt được Giác Ngộ và sự Giải Thoát cuối cùng). 

 

 

Suy tư về những người muốn bước theo con đường Phật giáo

  

 

348

 

            Theo tôi nghĩ thì tôn giáo của cha mẹ mình thường là thích hợp hơn cả với mỗi người trong chúng ta. Vả lại, quả là điều không tốt khi đã theo một tôn giáo nào đó rồi lại đổi sang một tôn giáo khác.     

 

 

349

 

            Ngày nay nhiều người rất quan tâm đến cuộc sống tâm linh - nhất là đối với Phật giáo, thế nhưng không mấy khi họ tìm hiểu cặn kẽ về con đường mà mình sắp bước theo. Trước hết phải đoan chắc là con đường mình chọn thích hợp với bản tính và ước vọng của mình, và sau đó phải tự hỏi xem mình có đủ nghị lực để tu tập hay không và những điều tốt đẹp nào mà mình sẽ gặt hái được. Do vậy trước hết phải tìm hiểu cặn kẽ căn bản giáo huấn của tôn giáo ấy. Các bạn sẽ không thể nào hiểu biết hết được Phật giáo trước khi thật sự bước vào con đường đó, khá lắm thì cũng chỉ có thể nắm bắt được một vài khái niệm căn bản mà thôi. Các bạn nên suy nghĩ thật nghiêm chỉnh về điều này, sau đó nếu các bạn quyết tâm bước theo con đường đó thì khi đó mọi sự sẽ hoàn hảo hơn. Đấy là cách duy nhất giúp các bạn dấn thân ngày càng sâu xa hơn, và nếu cần thì các bạn cũng có thể phát nguyện quyết tâm của mình (có nghĩa là xuất gia).

 

 

 

350

 

            Trong Phật giáo có nhiều phép thiền định khác nhau, chẳng hạn như thiền định phân giải (suy tư về một chủ đề nào đó, chẳng hạn như tìm hiểu về bản chất của chính mình và sự vận hành của thế giới, hầu tìm cách giải thoát mình ra khỏi thế giới đó, v.v.), thiền định tập trung vào một đối tượng duy nhất (tập trung tâm thức hướng vào một đối tượng giúp tâm thức trở nên thăng bằng và sắc bén hơn, hoặc tập trung sự chú tâm để theo dõi hơi thở, các cảm giác trên thân thể, v.v. theo phép thiền định của Phật giáo Theravada), thiền định phi-khái-niệm (vượt lên trên mọi tư duy và xúc cảm, tức là phép thiền định của học phái Zen, v.v.), hoặc thiền định bằng cách lắng thật sâu vào bên trong tâm thức mình (hòa nhập với bản thể trống không và tuyệt đối của chính mình, v.v.). Các đối tượng (các chủ đề và mục đích) của các phép thiền định trên đây là sự nhận thức về vô thường (trong phần ghi chú của lời khuyên 346 trên đây, dịch giả Christian Bruyat cho biết "vô thường" là phương thức vận hành của thế giới hiện tượng dựa vào nguyên lý tương liên chi phối mọi hiện tượng, và đồng thời sự vận hành đó - tức là sự chuyển động liên tục của thế giới hiện tượng - cũng phản ảnh bản chất "Trống Không" của chúng. Khi nào thấu triệt được nguyên lý tương liên và sự trống không đó của tất cả mọi hiện tượng thì chúng ta cũng sẽ cảm nhận được vị trí và sự hiện hữu trói buộc này của mình trong thế giới đó. "Vô thường" là một trong số các đối tượng của phép thiền định phân giải, khi nào cảm nhận được vô thường bàng bạc thật sâu từ bên trong tâm thức mình và tỏa rộng ra toàn thể thế giới bên ngoài thì khi đó mình cũng sẽ quán thấy được sự trống không của chính mình trong cái thế giới ảo giác đó), không có cái tôi (còn gọi là vô ngã, ý thức được bản chất "vô ngã" thật sâu xa của tất cả mọi hiện tượng sẽ giúp mình hòa nhập dễ dàng hơn vào sự cái "vô ngã" hay sự "trống không" đó của chính mình và của cả thế giới), khổ đau, tình thương, lòng từ bi v.v… (ý thức sâu xa được khổ đau của chúng sinh và phát động được tình thương và lòng từ bi vô biên đối với tất cả các chúng sinh đó sẽ là một phương cách hiệu quả giúp biến cải sự suy nghĩ và cung cách hành xử của chính mình). Dầu sao nếu muốn luyện tập thiền định một cách đúng đắn thì phải tuân theo những lời chỉ dẫn của một vị thầy kinh nghiệm và có thể tin tưởng được. Vị thầy đứng ra giảng dạy Phật giáo cho các bạn sẽ giữ một vai trò quan trọng, vì thế các bạn nên tìm hiểu xem trên phương diện tổng quát một vị thầy chân chính cần phải có các phẩm tính như thế nào, sau đó thì nhìn lại vị thầy mình xem có hội đủ các phẩm tính ấy hay không, và đồng thời thì cũng phải nhìn lại chính mình xem mình đã thật sự phát động được sự quyết tâm bước theo vị ấy hay không? (thật ra các lời khuyên trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma là dành cho người Tây Phương nhiều hơn, trong một bối cảnh mà Phật giáo còn khá xa lạ tại các nơi này. Đối với một số các quốc gia Đông Phương thì việc giảng dạy và tu tập đã trở thành gần như là một thói quen, một tập tục, đôi khi khiến nhiều người không còn quan tâm xem những gì mình đang tu tập có trung thực với giáo huấn của Đức Phật hay không, và tự hỏi xem các cách tu tập đó của mình có hiệu quả hay không, có mang lại những gì thiết thực hay không).

 

 

 

351

 

            Phải thận trọng, không nên bước theo con đường Phật giáo mà không suy nghĩ, cũng không cần phải có một chút vốn liếng nào, mà chỉ đơn giản vì mình cảm thấy thích thú. Sự thận trọng đó sẽ tránh cho các bạn sau này không rơi vào tình trạng nhận thấy phép tu tập này hay phép tu tập kia không thích hợp với mình, hoặc quá khó đối với mình.

 

 

 

352

 

            Mỗi khi nghe nói có một vị lạt-ma thuyết giảng tại một nơi nào đó thì một số người bèn vội vã kéo đến nghe và đặt hết lòng tin vào vị ấy, không cần xét đoán xem vị ấy có hội đủ các phẩm tính cần thiết của một vị thầy hay không, để rồi một thời gian sau mới bắt đầu nhận thấy các khiếm khuyết của vị này.         

 

            Khi mới nghe nói có một vị lạt-ma đang trú ngụ trong vùng mình ở, thì tức khắc dốc hết lòng tin vào vị này, không cần xét đoán gì cả. Họ đi nghe giảng và tiếp nhận sự thụ giáo của vị này, để rồi một ngày nào đó sự tin tưởng của mình trước đây vụt hóa thành ngược lại. Họ đùng đùng nổi giận thét lên cho mọi người biết là mình không còn muốn nghe nói đến tên lạt-ma đó nữa vì hắn đã lạm dụng tính dục với cô bạn gái của mình. Điều đó khiến họ thù ghét luôn cả Phật giáo. Chỉ vì quá nông nổi khiến rơi vào tay các lạt-ma thiếu khả năng mà họ đã làm mất hết uy tín của cả một nền giáo huấn đích thật. Thế nhưng mặt khác thì họ lại cứ đổ thừa Đức Phật đã tạo ra cho mình các cảnh huống bất hạnh đó. Vậy thật sự những gì đã đưa đẩy họ rơi vào tình cảnh ấy? Đấy là thái độ thiếu chín chắn của họ. Trước khi phát động lòng tin thì phải tìm hiểu cẩn thận là như vậy.

 

 

 

353

 

            Kinh sách cho biết là phải dò xét người thầy mình trước khi đặt hết lòng tin vào vị ấy. Kết nối với một vị thầy tâm linh mà không xét đoán gì cả thì đến khi các khiếm khuyết của người mà mình chọn làm thầy bắt đầu lộ diện thì khi đó sẽ khó cho mình tránh khỏi cảm thấy cả một thảm họa đã xảy đến với mình. Tuy vậy, khi đã phát nguyện (quy y) hoặc được thụ giáo thì cũng không nên để tâm thức mình bị tràn ngập bởi các tư duy không tốt (nghi ngờ hay nghĩ xấu về thầy mình).   

 

 

354

 

            Bất cứ người nào, dù là ai cũng vậy, đều mang một số phẩm tính và cả các khiếm khuyết. Kinh sách cho biết người thầy tâm linh phải có nhiều phẩm tính hơn mình, thế nhưng trên thực tế thì điều đó có nghĩa là gì? Hãy nêu lên một trường hợp cụ thể, chẳng hạn như một người nào đó được thụ giáo bằng phép truyền khẩu, mà ngày nay rất hiếm, về một giáo huấn thật chuyên biệt, và sau đó dù người này không phát huy được một sự hiểu biết sâu rộng mang lại từ phép thụ giáo đó đi nữa, thế nhưng qua các nghi thức thụ giáo mà họ đã tiếp nhận được thì họ vẫn thừa hưởng được những gì mà mình không có, vì thế trên phương diện này họ vẫn hơn mình (Đức Đạt-lai Lạt-ma từng được thụ giáo bằng phép truyền khẩu với thật nhiều vị thầy cao thâm về nhiều giáo huấn chuyên biệt và thâm sâu).

 

 

 

355

 

            Chẳng may nếu mình kết nối với một vị thầy tâm linh kém cỏi, thì cũng phải hiểu rằng qua vị thầy ấy mình đã tiếp nhận được giáo huấn của Đức Phật. Vì thế và dù sao đi nữa thì vị ấy cũng xứng đáng để mình biết ơn. Qua góc nhìn đó nếu xem vị ấy như một kẻ bình dị hoặc tệ hơn nữa là mình trở mặt khinh miệt vị ấy, thì quả là một điều không phải lẽ. Dù mình hối tiếc đã lỡ liên hệ với vị ấy, nhưng cũng phải hiểu rằng vị ấy đã từng là người hướng dẫn tâm linh cho mình, vì thế cũng không nên có một thái độ hành xử quá đáng đối với vị ấy.

 

            Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là phải tuyệt đối tiếp tục tiếp nhận những lời giảng dạy của vị ấy. Chúng ta hoàn toàn có quyền không giao tiếp với vị ấy nữa. Khi các bạn được tiếp nhận giáo huấn của Đức Phật qua trung gian của một người nào đó, thì tốt hơn hết và nếu có thể, thì cũng nên phát động lòng tin của mình đối với người ấy. Nếu không làm được như thế thì cũng phải giữ thái độ thản nhiên, không nghĩ tốt nhưng cũng không nghĩ xấu về người ấy.  

 

 

 

356

 

            Bước vào con đường Phật giáo thì không nên nghĩ rằng mình sắp sửa bay bổng lên tận mây xanh, đi xuyên ngang vật chất và biết trước tương lai. Mục đích chủ yếu trong việc tu tập là chủ động tâm thức mình (nhìn vào bên trong tâm thức mình để tìm hiểu nó và biến cải nó. Người tu tập Phật giáo phải luôn ghi khắc trong tâm lời khuyên này của Đức Đạt-lai Lạt-ma, các "chuyện khác" mang các hình thức màu mè chỉ là các "phương tiện thiện xảo"), nhưng tuyệt nhiên không phải là để đạt được một sức mạnh kỳ diệu nào cả. Tuy thế một khi đã chủ động được tâm thức mình thì dần dần mình cũng có thể đạt được các khả năng mà người ta gọi là "kỳ diệu" (chẳng hạn như một số các nhà sư cao thâm có thể "đọc" được tư duy của người khác, tâm thức họ rất minh mẫn và bén nhạy có thể cảm nhận được các chuyển động tinh tế xảy ra trong môi trường chung quanh mà các người khác không nhận biết được) thế nhưng đấy cũng chỉ là những gì phụ thuộc đối với mục đích tu tập của mình. Nếu xem những thứ ấy là chủ đích chính yếu thì tôi tin rằng - không một chút nghi ngờ nào cả - sự tu tập ấy không có gì là Phật giáo cả (xin nhắc thêm là có một giới luật nghiêm cấm các vị tỳ-kheo khoe khoang là mình có khả năng này hay khả năng kia, vi phạm vào giới luật này sẽ bị loại khỏi Tăng đoàn vĩnh viễn). Những người không phải Phật giáo cũng có thể đạt được các khả năng đó (nhờ sự luyện tập hay các năng khiếu tự nhiên). Dường như ngay cả KGB và CIA (các cơ quan tình báo của Nga và Mỹ) cũng đã từng quan tâm nghiên cứu về các khả năng này (thí dụ như khả năng thần giao cách cảm sử dụng vào các việc tình báo). Tóm lại đối với việc tu tập các bạn nên thận trọng. 

 

 

Suy tư về việc tu tập Phật giáo 

 

 

357

 

            Đối với việc tu tập thì lúc đầu thường rất hăng say, sau đó là mong đợi kết quả sớm hiện ra với mình, sau hết thì lơ là hoặc chán ngấy. Sự kiện đó cho thấy một tầm nhìn quá thiển cận. Hy vọng đạt được kết quả nhanh chóng là một sự sai lầm, trừ phi phát động được một sức mạnh phi thường, chẳng hạn như trường hợp của vị đại du-già Milarepa/Mật-lặc-nhật-ba. Kinh sách chẳng phải đã từng cho biết là ngay cả đối với Đức Phật thì Ngài cũng phải trải qua "ba thời gian vô tận" (1) để đạt được sự Giác Ngộ toàn vẹn hay sao? (theo Phật giáo Theravada thì thái tử Siddharta/Tất-đạt-đa đạt được Giác Ngộ trong kiếp nhân sinh này của Ngài; theo Phật giáo Đại Thừa thì Đức Phật đã đạt được Giác Ngộ từ muôn ngàn kiếp trước, quan điểm này sẽ được trình bày chi tiết hơn trong lời khuyên 358 dưới đây). Vậy thì làm thế nào mà chúng ta có thể nghĩ rằng là mình sẽ đạt được Giác Ngộ sau vài năm ẩn cư? Điều đó cho thấy chúng ta chưa thấu triệt được giáo huấn của Đức Phật. Đôi khi người ta cứ nghĩ rằng chỉ cần lắc chiếc chuông nhỏ (2) trong vài ba năm thì cũng đủ thành Phật, chuyện đó quả không nghiêm chỉnh chút nào cả.     

             

(1) "Ba thời gian vô tận" là một thuật ngữ dùng để chỉ định một khoảng thời gian thật dài. Đối với toán học cổ đại của Ấn độ thì chữ "vô tận" (nguyên nghĩa là "không tính toán được"/incalculable, countless) ở đây có nghĩa là một con số không thể dùng vào việc tính toán được (infinity) - gcts.

 

(2) Chiếc chuông nhỏ thường được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo Tan-tra, biểu trưng cho sự "Trống Không"/Tánh Không hay "Trí Tuệ", là một trong các khái niệm sâu sắc nhất của Phật giáo. Đức Đạt-lai Lạt-ma mượn một khí cụ nghi lễ ("pháp khí") để châm biếm việc tu tập mang tính cách hình thức. Đấy là cách mà Ngài đả kích những người chỉ chuyên thực thi các nghi lễ nhưng không quan tâm gì đến việc tìm hiểu cốt lõi giáo huấn của Đức Phật - gcts.

 

 

 

358

 

            Say mê tu tập là điều rất tốt, thế nhưng cũng phải hiểu rằng Đức Phật cũng đã phải gom góp công đức và phát huy trí tuệ suốt trong ba thời gian vô tận, do vậy chúng ta cũng nên ý thức về cái khoảng thời gian không thể tính toán đó đối với mình trước khi đạt được Giác Ngộ tối thượng. Theo Phật giáo Đại Thừa thì Đức Phật đã đạt được Giác Ngộ từ trước với một thân xác biểu trưng cho Trí Tuệ (Wisdom Body/Corps de la Sagesse, tức là Dharmakaya còn gọi là Thân Đạo Pháp hay Pháp Thân). Sau đó thì từ Thân Trí Tuệ Ngài hóa thành Thân Hiển Hiện (Manifest Body/Corps d'Apparition, tức là Nirmanakaya còn gọi là Hóa Thân, tức là "Thân Biến Hóa" hiện ra dưới nhiều thể dạng khác nhau nhằm mục đích giúp đỡ chúng sinh hữu hiệu hơn) và qua "Thân Hiển Hiện" Ngài đã lập lại toàn bộ quá trình Giác Ngộ của mình (có nghĩa là tu tập trở lại từ đầu đến cuối trong sáu năm để làm gương cho chúng ta soi. Đây là quan điểm của Phật giái Đại Thừa, trái lại đối với Phật giáo Theravada thì trước khi đạt được Giác Ngộ thì Đức Phật cũng chỉ là thái tử Siddhartha/Tất-đạt-đa và Ngài cũng chỉ đạt được Giác Ngộ tối thượng trong kiếp nhân sinh này của Ngài mà thôi). Vậy cũng nên tự hỏi Đức Phật hành xử như thế có hợp lý hay không? Ngày nay chúng ta đang tấp tểnh bước theo vết chân của Ngài thì cũng không nên quên rằng kể cả trong kiếp nhân sinh cuối cùng này của Ngài thì Ngài cũng đã phải tự mình để ra sáu năm tu tập khổ hạnh. Sự ý thức đó sẽ không cho phép chúng ta có một tầm nhìn quá thiển cận.

 

Các lời khuyên trên đây khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến câu "Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật" trong Thiền học Trung quốc hoặc câu "Niệm Phật thành Phật" của Pháp sư Tịnh Không. Nếu đúng thật như thế thì ngày nay chúng ta quả là tài giỏi hơn cả Đức Phật rồi. Trong suốt 45 năm thuyết giảng dường như Ngài chưa bao giờ nói lên là mình "thành Phật" cả. Ngài chỉ nhận mình là "Như Thế" (Tathagatha/Như Lai). Tóm lại theo lời khuyên trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì nếu đã bước theo vết chân của Đức Phật thì không nên chờ đợi bất cứ một kết quả nào cả, huống chi là mong cầu "thành Phật". Đức Đạt-lai Lạt-ma được công nhận là hóa thân của vị tiền nhiệm lúc hai tuổi và đã phải vào chùa ngay từ thuở đó, năm ba tuổi thì được rước lên kinh đô Lhassa để nhận tước vị Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV và phải học hỏi không ngường, mỗi ngày phải ngồi thiền từ sáu đến bảy lần. Ngày nay đã 84 tuổi nhưng Ngài cũng chỉ nhận mình là một nhà sư Phật giáo, một người tu hành khiêm tốn mà thôi - gccncntV.       

 

 

 

359

 

            Tuy nhiên người ta cũng cho biết con đường Kim Cương Thừa có thể giúp người tu tập đạt được thể dạng của một vị Phật thật nhanh chóng, không cần phải loại bỏ ngay các xúc cảm tiêu cực. (các phép tu tập của Kim Cương Thừa tận dụng sức mạnh của tất cả mọi thứ xúc cảm, tích cực cũng như tiêu cực, tạo ra một năng lực phi thường giúp người tu tập thăng tiến nhanh chóng. Cũng xin mạn phép nhắc lại là đối Phật giáo Theravada thì việc tu tập chủ yếu là tinh khiết hóa tâm thức mình bằng cách loại bỏ dần dần các xúc cảm phát sinh từ sự u mê/vô minh của mình, vì thế phép tu tập này thường đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và sức kiên trì, tương đối ít sử dụng các phương tiện "thiện xảo"). Quả đúng là như vậy, tuy nhiên phép tu tập đó cũng dễ bị rơi vào sai lầm và lệch lạc. Người ta thường thuật lại câu chuyện sau đây về nhà sư Milarepa/Mật-lặc-nhật-ba, có một vị lạt-ma từng nói với Milarepa như sau: "Bất cứ ai thiền định theo những lời giảng dạy của ta vào ban ngày thì sẽ thành Phật lúc ban ngày, nếu vào ban đêm thì sẽ thành Phật lúc ban đêm. Thế nhưng những kẻ may mắn có sẵn nghiệp thuận lợi thì cũng chẳng cần phải thiền định gì cả" (nghiệp "thuận lợi" giúp mình "thành Phật" trong kiếp sống này là kết quả mang lại từ việc tu tập kiên trì của chính mình xuyên qua vô số các kiếp sống trước, không phải tự nhiên mà mình có thể "thành Phật" được). Milarepa vững tin mình là một trong những người may mắn đó, vì thế cứ an nhiên nằm ngủ suốt ngày. Nếu chúng ta cứ làm những chuyện trái ngược đại loại như thế thì lúc đầu có thể là mình rất hăng say, thế nhưng sự chán nản sẽ sớm hiện ra với mình. Trái lại nếu sự nhiệt tình được tạo ra bởi sự hiểu biết đúng đắn về cách mà mình phải bước đi trên con đường thì sự nhiệt tình đó sẽ không bao giờ suy giảm. Thật hết sức quan trọng là phải hiểu được điều này.

 

 

 

360

 

            Tất cả các tôn giáo đều đưa ra những giới luật, tức là các quy tắc đạo đức phải tuân thủ, nhằm mục đích nêu cao phẩm giá con người. Tuy vậy đối với Phật giáo cũng có một số người không quan tâm đúng mức đến các khía cạnh đạo đức đó mà nhất thiết chỉ nghĩ đến việc luyện tập thiền định với hy vọng tạo ra cho mình các khả năng kỳ diệu. Thế nhưng sau một thời gian khi nhận thấy chẳng có gì kỳ diệu xảy ra với mình thì họ sẽ không sao tránh khỏi thất vọng. 

 

 

361

 

            Mục đích trong việc tu tập không phải là để đạt được một sức mạnh kỳ diệu nào cả mà chỉ nhằm biến cải con người của mình. Vấn đề chủ yếu là chúng ta chưa sẵn sàng hy sinh một phần cuộc sống của mình để tu tập. Chúng ta đều hiểu rằng chư Phật đã phải cần đến những thời gian vô tận, thế nhưng chúng ta thì chỉ cố gắng được vài ba năm là đã rút lui. Vì thế, theo tôi con đường Đại Thừa thật hết sức cần thiết để mang lại cho mình sự kiên nhẫn  (quyết tâm của người Bồ-tát theo quan điểm của Đại Thừa là sẽ lưu lại trong thế giới luân hồi để giúp đỡ chúng sinh cho đến khi nào tất cả đều được giải thoát. Người tu tập theo Phật giáo Tây Tạng mong cầu đạt được giác ngộ không phải là để tìm một sự thụ hưởng nào cả, mà là để tái sinh trong những điều kiện tốt đẹp và thuận lợi hơn hầu tiếp tục sứ mạng của mình. Chính vì vậy mà Phật giáo Tây Tạng rất quan tâm đến các sự "hóa sinh" của các nhà sư cao thâm, và trên thực tế thì hiện tượng này cũng thường thấy xảy ra tại Tây Tạng). Khi nào đã đạt được một sự hiểu biết khả dĩ đầy đủ về con đường Đại Thừa và cảm thấy mình ngày càng mong muốn bước theo con đường Kim Cương Thừa thì mới nên thực hiện niềm ước vọng đó của mình, và khi đó dù phải để ra ba thời gian vô tận thì cũng sẽ không phải là một trở ngại (Phật giáo Tây Tạng xem Kim Cương Thừa là một thừa riêng biệt). Với nghi lực đó chúng ta sẽ có thể tu tập theo Kim Cương Thừa dễ dàng hơn và có nhiều khả năng thành công hơn, hầu mang lại cho mình một sự tĩnh lặng tâm thần và một sự quán thấy sâu xa (xin lưu ý câu này không nói gì đến việc tu tập theo Kim Cương Thừa là để "thành Phật" ngay trong kiếp sống này).

 

 

 

362

 

            Trái lại nếu chưa tạo được cho mình một căn bản vững chắc mà cứ hấp tấp bước ngay vào con đường Kim Cương Thừa thì sẽ dễ rơi vào quan điểm sai lầm cho rằng mình sẽ đạt được thể dạng của một vị Phật dễ dàng, như người ta thường nói là chỉ cần " một thân xác và một kiếp sống duy nhất" là cũng đủ. Hoặc cũng có thể nghĩ rằng chỉ cần đồng hóa vị thần linh ảo giác tạo ra bởi phép thiền định quán tưởng với vị sáng tạo ra vũ trụ và đặt hết lòng tin vào vị này thì vị này tất sẽ ban cho mình các khả năng kỳ diệu, chẳng hạn như sống lâu, giàu sang, và vô số những thứ khác nữa (1). Đấy là cách mà người ta không hề quan tâm đến chủ đích chính yếu trong giáo huấn Phật giáo là giải thoát mình ra khỏi sự kiềm tỏa của các độc tố tâm thần, mà chỉ loanh quanh bám vào những điều thứ yếu.

 

(1) Các vị "thần linh" (deities) mà những người tu tập theo Kim Cương Thừa tạo ra bởi phép thiền định quán tưởng không phải là các vị thần linh (gods) thuộc môi trường bên ngoài mà là các thể dạng biểu trưng cho thực thể của nội tâm mình, là bản thể sâu kín của chính mình. Sự quán tưởng đó là nhằm vào mục đích biến cải tâm thức của chính mình - gcts. Trong Kim Cương Thừa có một phép thiền định gọi là quán tưởng thần linh. Sự quán tưởng đó có thể biến tâm thức người hành thiền trở thành tâm thức của vị thần linh mà mình quán tuởng, đó là cách giúp người hành thiền tiếp nhận các phẩm tính nơi tâm thức của vị thần linh đó - gccncntV .

 

 

 

363

 

            Một số người không hướng hết lòng tin vào giáo huấn của Đức Phật mà chỉ chú tâm vào việc tìm hiểu. Một số khác thì tin tưởng vào giáo huấn của Đức Phật nhưng lại chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu và học hỏi về mặt trí thức, vì thế họ cũng chỉ đạt được một sự hiểu biết đơn thuần lý thuyết. Trong khi đó thì mục đích duy nhất của giáo huấn Phật giáo là giúp chúng ta biến cải con người của mình, nhưng tuyệt nhiên không phải là để mang lại thêm cho mình một sự hiểu biết mới mẻ nào cả (giáo huấn Phật giáo rất thực tiễn, là một phương pháp thực hành giúp người tu tập cải thiện tâm thức và cả con người của mình, và ở một cấp bậc tối thượng là giải thoát mình ra khỏi thế giới đầy biến động và khổ đau này. Thế nhưng phần đông chúng ta thì lại cứ thích nghiên cứu, tìm hiểu, thán phục và ca ngợi giáo huấn đó mà không hề nghĩ đến là phải quay nhìn vào bên trong chính mình để trông thấy các độc tố đang chi phối thân xác và tâm thức mình để hóa giải chúng. Phóng tâm ra bên ngoài cũng chỉ là cách biểu lộ cái tôi của mình mà thôi. Thật không phải là một sự ngạc nhiên khi thấy sự lạm phát về sách báo Phật giáo ngày nay, các "tác phẩm" đó phần lớn cũng chỉ là để phô trương sự "uyên bác" và trau chuốt "cái tôi" của mình, không có gì là thiết thực cả). Sau khi tiếp nhận được giáo huấn ấy nhưng lại không mang ra thực hành bằng phương pháp thiền định (lúc hành thiền là lúc thực hành giáo huấn của Đức Phật, đó là lúc mà mình phát huy trí tuệ và trực tiếp sử dụng trí tuệ đó để biến cải chính mình), thì giáo huấn ấy cũng chẳng ích lợi gì cả, mà biết đâu còn có thể biến mình trở thành một "nguời tu tập chán ngấy", tức là có một số kiến thức về giáo huấn Phật giáo, có thể ba hoa về Phật giáo, nhưng hoàn toàn không nếm được một chút "hương vị" nào của giáo huấn ấy, chẳng qua vì người này không đủ sức chuyển hóa giáo huấn ấy trở thành các kinh nghiệm sống thực của riêng mình. Trái lại nếu biết áp dụng giáo huấn ấy vào bên trong chính mình, thì mình sẽ khám phá ra "hương vị" đích thật của nó, và mọi sự chán ngấy nếu có sẽ tan biến hết. Tóm lại là phải hội nhập thật sâu kín giáo huấn ấy vào bên trong tâm thức mình. Sự hiểu biết và thực hành phải luôn đi đôi với nhau là như vậy.

 

364

 

            Riêng đối với những ai muốn chọn cho mình một cuộc sống suy tư và tham dự các khóa ẩn cư dài hạn, chẳng hạn như các khóa biệt tu ba năm theo truyền thống tại Tây Tạng, thì phải được chuẩn bị cẩn thận từ trước qua các khóa học sơ khởi gọi là "khai mở" (1), vì nếu không được luyện tập đầy đủ thì sau này khi tự giam mình giữa bốn bức tường thì chẳng khác gì như bị nhốt trong tù. Trong thời gian biệt tu và trong những lúc thiền định, nếu chỉ biết tụng niệm các câu man-tra (các câu thần chú) nhưng không thật sự tập trung được sự suy tư của mình hướng vào bất cứ một điều gì, thì khóa biệt tu cũng sẽ chẳng mang lại cho mình một chút ích lợi nào cả. Trước khi biệt tu mình là một con người bình dị, sau khi chấm dứt thì cũng chẳng có gì thay đổi cả. Tệ hơn nữa, biết đâu mình cũng có thể sẽ trở nên kiêu hãnh hơn vì nghĩ rằng mình đã vượt qua được sự thử thách của một khóa biệt tu ba năm, và xứng đáng với tước vị "lạt-ma" mà mình được trao tặng. Biệt tu như thế thì nào có ích lợi gì? ("Biệt tu ba năm" là một cách nói ngắn gọn, bởi vì trên thực tế khóa tu này kéo dài đúng ba năm, ba tháng và ba ngày).

 

            Trái lại nếu được chuẩn bị cẩn thận qua các khóa "khai mở" và sau đó chuyên cần luyện tập các phép tu "chủ yếu" và căn bản trước khi bắt đầu biệt tu, thì khi chấm dứt nhất định mình sẽ đạt được một khả năng suy nghĩ, nói năng và hành động với một phong cách khác hẳn. Ít nhất chúng ta cũng sẽ trở thành những con người kỷ cương hơn. Được như vậy chẳng phải là đã đủ hay sao? (không nên chờ đợi những kết quả kỳ diệu hay phi thường).

 

(1) Các phép luyện tập "khai mở" là giúp giúp chuẩn bị tâm thức người tu tập sẵn sàng tiếp nhận và thực thi tiếp theo sau đó các phép luyện tập cao hơn gọi là "chủ yếu" (trước khi bắt đầu biệt tu ba năm) - gcts.

 

Nếu nhớ không lầm thì cách nay nhiều năm trên đài truyền hình Pháp có trình chiếu một buổi lễ chấm dứt một khóa biệt tu ba năm tại Pháp. Những người thân và bạn hữu, vừa mừng vừa tủi, đứng đón ở sân chùa, và vụt hớn hở khi trông thấy những người thân xa cách đã ba năm, trong khi đó thì những người vừa chấm dứt khóa biệt tu bước ra khỏi chùa thật thanh thản và thư thái. Trong số những người đi đón có một người hỏi con mình như sau: "Con cảm thấy thế nào trong lúc biệt tu?", người này trả lời rằng: "Con đã trở thành một con người khác hẳn, con sẵn sàng tham dự một khóa biệt tu khác".

 

Đức Đạt-lai Lạt-ma nêu lên một trong các phép tu tập gay go nhất của Phật giáo Tây Tạng trước khi chấm dứt những lời khuyên trong quyển sách này. Thế nhưng ngày nay phần đông chúng ta không mấy người có thể hội đủ các cơ duyên thuận lợi để tham dự một khóa biệt tu như vậy. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể tự mình "biệt tu" thật sâu kín bên trong chính mình bằng cách mượn tình thương yêu, lòng từ bi, sự rộng lượng và một tâm hồn cởi mở để dựng lên bốn bức tường tương tự  như một cái kén thật kín giúp một con ấu trùng hóa thành một con bướm. Bốn bức tường đó tuy vô hình nhưng rất kiên cố có thể che chở mình, không những trong ba năm mà xuyên qua cả ba thời gian vô tận - gccncntV.    

 

 

 

365

 

            Nếu các bạn ước mong xả thân vì các công trình nhân đạo thì rất tốt, thế nhưng phải hiểu rằng, là người Phật giáo thì các bạn phải tự hỏi xem quyết tâm đó có hoàn toàn tinh khiết hay không. Dầu sao đi nữa cũng nên hiểu rằng nếu các công trình đó không được kèm thêm tình thương yêu và lòng từ bi thì tự chúng sẽ không mang một chút ý nghĩa nào của một sự dấn thân Phật giáo, và về phần mình thì cũng phải nương tựa (tức là quy y) nơi Đức Phật (1) (sự giúp đỡ của Phật giáo không phải chỉ là một sự trợ giúp vật chất mà còn phải kèm theo cả lòng thương cảm vá xót xa của mình, và luôn mong cầu người được giúp đỡ thoát khỏi những khổ đau của họ, đồng thời hồi hướng tất cả công đức của mình cho họ).    

 

            Chính vì vậy các bạn cũng nên dành ra một phần thời giờ trong cuộc sống của mình để ẩn cư, đó là cách tạo cho mình một dịp thuận lợi để phát tâm quy y và thiền định về vô thường và khổ đau, v.v. (tham dự các khóa ẩn cư là dịp giúp mình đến gần với Tăng đoàn, đó là dịp thuận lợi để mình cụ thể hóa những điều nguyện ước của mình qua nghi lễ quy y. Ẩn cư cũng là dịp giúp mình chiêm nghiệm sâu xa về vô thường và khổ đau, giúp mình biết để ngửa đôi bàn tay của mình, và quy y nơi Phật là cách nối dài thêm đôi bàn tay đó của mình bằng đôi bàn tay của chính Đức Phật).

 

(1) Quy y là một trong các phép luyện tập căn bản của Phật giáo. Điều đó có nghĩa là xem Đức Phật là Vị Hướng Đạo, Giáo Huấn của Ngài là Con Đường, và Tập Thể những người tu hành là các bạn đồng hành cùng bước với mình trên Con Đường. Sau đó ở một cấp bậc sâu xa và cao siêu hơn thì việc tu tập sẽ giúp mình quán thấy được bản thể tối hậu của mình và cũng là bản thể của Phật - gcts.

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 11.03.19

                                                                                                     Hoang Phong chuyển ngữ      

                                                     (hết)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/07/2013(Xem: 8415)
Tôi đang huân tập một đức tính: Hễ có ai chửi tôi, nhục mạ, bôi lọ tôi…tôi sẽ nhẫn nhục không trả lời. Nếu buộc phải trả lời tôi sẽ dùng lời lẽ ôn hòa, không dùng lời thô tục, hung dữ…để trình bày rõ sự việc, để mọi người được biết…mà không làm tổn thương đến người đang công kích hay thù hận tôi. Đức Phật dạy rằng “Muôn loài chúng sinh đều bình đẳng”. Nếu con hổ có thể gầm, con sư tử có thể rống…thì con chim cũng có thể hát ca, con suối có thể reo, thậm chí loài côn trùng nhỏ bé cũng có quyền cất lên tiếng nỉ non giữa canh khuya. Ai cũng có quyền cất lên tiếng nói mà không một ai có quyền ngăn cản miễn sao tiếng nói đó không làm tổn hại tới người khác, không làm xáo trộn sự an vui của cộng đồng.
05/06/2013(Xem: 9907)
Kiêu mạn (Màna) hay tâm lý kiêu căng tự mãn thường xem nhẹ người khác là một chứng bệnh của những con người nông nổi, ham thích danh vọng, nặng về cái tôi, ít rung cảm hay đồng cảm trước những cảm nhận khó khăn của người khác.
18/05/2013(Xem: 6212)
Hồi học trung học, tôi có nhiều sinh hoạt tại cô nhi viện Diệu Quang ở Phú Lâm, ngoại ô Sài Gòn. Khi đó, Phú Lâm còn hoang vắng, phần lớn là đồng ruộng. Ở đó có lò hỏa táng An Dưỡng Địa. Bên cạnh, tọa lạc một ngôi chùa nhỏ. Lúc đầu là chùa, lần hồi cất thêm một dẫy nhà cho các trẻ mồ côi, sau thì chùa thành cô nhi viện. Phong cảnh ở đây thật thơ mộng, cỏ cây xanh tươi dưới bóng mát một vài cây cổ thụ.
22/04/2013(Xem: 10598)
Trong cuộc sống của chúng ta cần phải có nhiều người biết nghĩ đến tình thương để sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia, bao dung người khác khi có việc cần thiết. Một người phụ nữ khi bước ra khỏi nhà thì nhìn thấy 3 ông già đang ngồi phía trước hành lang của nhà mình. Người phụ nữ liền cung kính chào 3 cụ già và niềm nở mời các cụ vào nhà nghỉ để dùng trà nước. Một trong 3 cụ lên tiếng hỏi: “Có ông chủ ở nhà không thưa cô?” - “Dạ thưa không, chồng con đi làm chưa về.” - “Thế thì chúng tôi không thể vào nhà của cô lúc này được.”
09/04/2013(Xem: 19330)
Borobudur là một bảo tháp hùng vĩ và lớn nhất của PG thế giới và được xem là một trong 70 kỳ quan của thế giới được Tổ chức Unesco ghi nhận là một Thánh tích quan trọng và đã tài trợ để trùng tu vào năm 1973.
09/04/2013(Xem: 5787)
(Pháp Thoại TT Thích Thái Hòa giảng cho hơn 300 trại sinh ngành nữ GĐPT Thừa Thiên, nhân ngày Hạnh 19/6/Giáp Thân, tức ngày 04/8/2004, tại Thiền Đường Trăng Rằm, Chùa Từ Hiếu Huế, do đệ tử Nhuận Hạnh Châu và Mãn Tuệ kính phiên tả).
08/04/2013(Xem: 7037)
Trong bài thuyết pháp đầu tiên của Bụt tại Vườn Nai có nói tới Tứ Đế và Bát Chánh Đạo. Tứ Đế và Bát Chánh Đạo là giáo lý căn bản. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình đã hiểu được giáo lý Bốn Sự Thật và Tám Phép Hành Trì Chân Chính, nhưng càng hành trì thì cái hiểu của chúng ta càng sâu hơn. Mình đừng bao giờ cho rằng mình đã hiểu đầy đủ.
10/12/2012(Xem: 11532)
Nhạc phẩm “Để gió cuốn đi” của Trịnh Công Sơn không phải từ đầu đến cuối đều có chất “Đạo nhập thế” được lồng ghép trong nhạc. Có câu, có đoạn, ý tưởng triết lý đạo Phật hiện rõ.
17/11/2012(Xem: 2884)
Một sáng đẹp trời, ngồi vào bàn làm việc, bật máy vi tính nối mạng và mở hộp thư điện tử ra xem, bỗng thấy email từ một người có cái tên lạ hoắc chưa hề nghe, tiến sĩ Massu Abas Obioha. Cái email mang tựa đề cũng khá bí mật như cái tên người gửi là “Confidential Business Proposal”. Thông thường thì bạn đã xóa ngay những thư quảng cáo, tuy nhiên hôm nay bạn tò mò muốn tìm hiểu xem cái anh chàng này muốn gì, lòng dặn lòng chỉ mở thư ra xem chứ sẽ không nhắp con chuột vào bất cứ hồ sơ nào có chữ .exe nên chắc chắn là sẽ không bị virus lạ tấn công.
08/11/2012(Xem: 9655)
Cách đây ít lâu - chính xác là ngày 14 tháng 9 - một bài viết được đăng lên trang Phật giáo Thư viện Hoa sen có nhan đề “Kinh Vu Lan Bồn thực hay giả?”của tác giả Đáo Bỉ Ngạn. Ngay hôm sau đó, bài viết này cũng xuất hiện trên trang Văn hóa Phật giáo và gợi lên một loạt những tranh biện kéo dài đến hơn một tháng sau. Ý kiến cuối cùng được đăng bên dưới bài viết này là vào ngày 20 tháng 10.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]