Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vô ngã – chưa phải là điểm dừng

29/05/201418:05(Xem: 5011)
Vô ngã – chưa phải là điểm dừng
Buddha_14
 
Vô Ngã có phải là một vấn đề bế tắc của nhân sinh? Cái mà trước đây các bậc hiền triết, các nhà sáng lập tôn giáo, kể cả đức Phật muốn tìm. Đó là một cái chân ngã, cái ngã thật, tức là cái Tôi cái Ta không bị chi phối, không bị thay đổi theo không gian và thời gian. Nhắc đến Phật giáo, chúng ta thấy đạo Phật chủ trương Vô Ngã, thuyết minh về Vô Ngã, và Vô Ngã xem như là học thuyết nòng cốt của đạo Phật. Trong Tam Pháp Ấn, Vô Ngã là một trong ba ấn định đặc thù về chân lý Phật giáo: vô thường, khổ, vô ngã. Vì vậy, mọi hành động dính mắc ta đều có cảm giác rằng hành động đó còn ngã thì làm sao gọi là tu, làm sao giải thoát được?

Vì quá để tâm vào chữ Vô Ngã, nên chúng ta không thấy được rằng, Vô Ngã là bức màn tri thức che chắn cho một thực thể chân thật bí mật đằng sau nó. Nếu không khéo nhìn nhận ra chỗ này, thì bức màn đó sẽ trở thành điểm dừng cho sự nhận thức và tu tập của chúng ta trên lộ trình giải thoát. Thực tế cho thấy, Vô Ngã chưa phải là điểm dừng, chưa phải mục đích tối thượng. Vì vậy, quan niệm của Đại Thừa vượt qua định kiến thông thường về học thuyết Vô Ngã, vì Vô Ngã chưa phải thật là Niết Bàn, Vô Ngã chỉ là tiền đề quan trọng để đạt đến Niết Bàn. 
 
Kinh Đại Bát Niết Bàn cho rằng Chơn Ngã mới là Niết Bàn (thường, lạc, ngã, tịnh). Đây là điều cần phải làm sáng tỏ. Điều này có lẽ đi ngược lại lối nhận thức thông thường. Và nếu đạo Phật dừng lại ở mức độ Vô Ngã, cho đó là mục đích tối thượng thì dễ gây ra sự ngộ nhận rất là bi quan:“Tu theo Phật để rồi không còn gì cả (vô ngã)!” Đó là cái hoang mang trong suy nghĩ của mọi người khi nhắc đến học thuyết Phật giáo. Rất có thể người viết chủ quan với nhận định của mình nhưng đó cũng là một ý kiến để rộng đường tư duy về chữ Ngã trong Phật giáo.

Một điều trớ trêu thay, khi nhận diện cuộc đời là vô ngã đã đem đến sự thất vọng não nề cho đức Phật của chúng ta ngay từ buổi đầu. Bằng chứng là khi dạo bốn cửa thành, đức Phật vô cùng thất vọng về thân phận của mình, bởi vì bản thân ngài rồi cũng phải già, bệnh và chết như bao nhiêu người khác. 
 
Trước đó, đức Phật không ngờ rằng, thế gian có cuộc sống vô thường bấp bênh như thế! Ngài bị bưng bít sự thật bởi mọi người đều tuân theo mệnh lệnh của phụ vương không để cho Ngài thấy sự khổ ở đời. Ban đầu, nguyện vọng và lý tưởng cao xa của Ngài như một hạt giống tiềm ẩn từ vô lượng kiếp nhưng duyên để giác ngộ, động lực thôi thúc việc Ngài từ bỏ sự giả tạm vô thường dường như chỉ lờ mờ xuất hiện trong tâm trí.

Từ cuộc đi dạo bốn cửa thành, chứng kiến được mọi thứ không có gì là thật, nó tạm có trong vô thường, đức Phật đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn từ lạc quan dẫn đến bi quan; bi quan cho thân phận mình, bi quan cho kiếp nhân sinh được thể hiện qua những câu nói với Gia Du Đà La, người vợ xinh đẹp của thái tử Sĩ Đạt Ta: “Ôi, mắt trong của em rồi sẽ mờ đục. Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu... Đôi bàn tay mỹ miều này sẽ co quắp lại như những que củi khô! Ta nghe trong ta, trong em trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian...” (Ánh đạo vàng – Võ Đình Cường). Và chắc chắn một điều ai rồi cũng phải già và chết.

Những câu nói tưởng chừng như nguệch ngoạc, ngây ngô của thái tử khi hỏi vặn Sa Nặc, người đánh xe ngựa: “Thế còn ta có già, có bệnh, có chết không?” Điều đó không phải biểu hiện sự ngây ngô mà đó là câu hỏi để tìm ra lẽ thật, vì những hình ảnh này Ngài chưa từng được thấy. Câu nói chứng tỏ thái tử rất nhạy cảm với mọi thứ. Thái tử có cái nhìn đời thẩm thấu, không ù lì hay thờ ơ lãnh đạm với mọi việc đang xảy ra xung quanh.

“Một câu hỏi lớn không lời đáp”, trong thế giới này có cái gì thật sự bền chắc không? Có một ai mà không bị sanh, già, bệnh, chết? Đây là tiền đề cho sự ra đi của thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha), sự ra đi để tự tìm câu trả lời đúng đắn nhất. Như vậy, sự đi tìm câu trả lời của thái tử Sĩ Đạt Ta, cũng giống như sự tìm câu trả lời của nhiều nhà hiền triết trước đó. Đó là sự tìm câu trả lời cho một ý tưởng duy nhất: “Cái gì là bất tử?”

Đa phần, học thuyết của các tôn giáo có mặt cũng nhằm giải mã cho những nghi ngờ về thân phận con người sau khi chết, về cuộc sống, về những cái vô hạn khi mà trí hiểu biết của con người rất là hữu hạn. Quá chăng những lời giải thích đó không thỏa mãn được mọi người, đặc biệt là không thể nào làm thỏa mãn được trí óc siêu việt của thái tử thời bấy giờ. Bà La Môn giáo đã trả lời được cho cái bất tử bằng cách tạo dựng lên hình ảnh đấng Phạm Thiên (Brahma – Đại Ngã), là đấng bất tử, tồn tại vĩnh hằng, người có khả năng sinh ra vạn vật, kể cả con người. 
 
Con người là một phần nhỏ trong tổng thể của đấng Brahma, phần nhỏ đó gọi là Tiểu Ngã (Atman); Tiểu Ngã này có sinh khởi và có hoại diệt (chết). Sau khi hoại diệt, mỗi cá thể Tiểu Ngã này sẽ nhập vào Đại Ngã thì trở thành cái bất tử sau khi chết. Đó cũng là cách lý giải để đáp ứng sự khát cầu về cái bất tử. Đại bộ phận quần chúng Ấn Độ thời bấy giờ cũng dựa vào học thuyết này và tin tưởng điều đó như một sự thật, cách giải quyết bế tắc, mặc dù chưa một vị giáo chủ nào có thể chứng minh.

Người Trung Hoa tương truyền về loại thuốc trường sinh bất tử do các vị thần tiên của Lão giáo chế tác ra bằng cách luyện linh đơn. Từ nhiều thế kỷ trước, thuật trường sinh đã mê hoặc các vị vua thời phong kiến làm cho họ ưa thích và tin dùng. Sự thật có đem lại kết quả trường sinh hay là một bi kịch, xưa kia thuốc trường sinh vẫn là lời đồn hấp dẫn cho những người muốn sống mãi trên đời để hưởng thụ. Đó cũng là cách giải quyết tạm thời cho những khối óc say mê tìm tòi cái bất tử.

Những triết học của tôn giáo, lời đồn về các vị thần tiên luyện linh đơn đã cho chúng ta cảm nhận rằng sinh tử là nỗi sợ hãi trong mỗi con người. Vì vậy, con người luôn đi tìm phương cách để giải quyết nỗi sợ đó. Và câu trả lời chính xác nhất ở đâu? Vì nỗi sợ sanh tử mà một số người phải xông pha vào sanh tử để tìm cái bất tử. Bằng chứng, để tìm câu trả lời, đức Phật đã trải qua bao năm trường cần tu khổ hạnh, thậm chí suýt chết bên bờ sông Ni Liên Thuyền (Nairanjana), nhưng sự bất tử vẫn chưa có câu trả lời, mà cái sanh tử thì đang chập chờn trước mắt. Mặc dù thế, Ngài vẫn không tỏ một chút thái độ sợ hãi, song lại biểu hiện tâm trạng hoài nghi về con đường tìm cầu bất tử. Điều đó cho chúng ta thấy sự khát khao sống mãi của con người là không có giới hạn; chẳng qua, chúng ta bất lực trước những thực tế phũ phàng nên đành phải cam chịu và thừa nhận sanh tử là một quy luật!
Như vậy, Vô Ngã có phải là một vấn đề bế tắc của nhân sinh? Cái mà trước đây các bậc hiền triết, các nhà sáng lập tôn giáo, kể cả đức Phật muốn tìm. Đó là một cái chân ngã, cái ngã thật, tức là cái Tôi cái Ta không bị chi phối, không bị thay đổi theo không gian và thời gian. Khi đức Phật tuyên ngôn: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. ‘Ngã’ ở đây phải hiểu đúng là chân ngã, thật ngã, vì chỉ có thật ngã mới là cái siêu xuất trong trời người, chứ không thể hiểu theo cách suy diễn mông lung. 
 
Câu nói này có thể xuất hiện sau khi đức Phật thành đạo, khi mà đạo Phật thực thụ trở thành một tôn giáo vững mạnh, chứ không hẳn là câu nói lúc Ngài mới đản sanh (ý tác giả). Đây là câu nói tuyệt vời, câu nói chính xác, câu nói khẳng định cho một niềm tin rằng, Ngài đã tìm được chân lý (chân ngã), nghĩa là Ngài đã trả lời được câu hỏi hóc búa xưa nay: “Cái gì là bất tử?” Ngài đã khẳng định Ngài là bất tử hay nói khác hơn, Ngài là chân ngã, là Niết Bàn, Giác Ngộ (Phật – ngã) là tìm ra được chân ngã.

Mọi sự vật hiện tượng trên đời này chỉ có tạm thời thôi, nó luôn vô thường sanh diệt. Nó hình thành do nhiều yếu tố nhân duyên nên nó là Vô Ngã, tức là không thể tồn tại mãi mãi với thân xác tạm bợ này. Trong kinh Tương Ưng III, Đức Phật đã có lần hỏi các thầy tỳ kheo: “Này các thầy, cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được tìm cầu, được ý tư duy, cái ấy là thường hay vô thường?”

- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
- Cái gì vô thường là khổ hay vui?
- Là khổ, bạch Thế Tôn.
- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thì có thể khởi lên suy nghĩ: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.

Qua đó, chúng ta đã thấy rất rõ ràng, không có cái gì thật thì làm gì có ngã. Mọi thứ đều là giả ngã nên đức Phật mới nói là vô ngã. Nói Vô Ngã là để tìm cái ngã thật, cái nào đáp ứng được cho cái thật ấy thì cái đó chính là chân ngã.

Khi đọc kinh Đại Bát Niết Bàn chúng ta thấy trong kinh nêu lên Tứ Đức Niết Bàn là thường, lạc, ngã, tịnh. Điều này đã làm dấy lên sự tranh cãi: “Đã là Niết Bàn rồi mà còn Ngã, còn Tịnh, còn Thường gì nữa?”Bởi vì nó là pháp đối đãi nên chưa phải là Niết Bàn chân thật, là Niết Bàn tuyệt đối. Đúng vậy, cái tuyệt đối vốn vô ngôn, nếu đã lập ngôn thì lời nào cũng là tương đối. Nhưng ngôn ngữ có ra là để giải thích cho cái không lời, nhờ đó mà chúng ta có lối vào, từ tương đối mà nhận ra được chỗ tuyệt đối.

Kinh Niết Bàn nêu về chữ Ngã hay lời tuyên ngôn đản sanh của Phật là thuyết minh cho cái vô ngôn, để chỉ cho cái tuyệt đối, để chỉ cho cái bất sanh bất diệt bằng từ Ngã, là từ then chốt nhất, là mục đích tối thượng mà bao nhiêu ngàn năm con người đang tìm cầu nó, giải mã nó (chơn ngã).

Đức Phật đã quá tuyệt vời khi Ngài đã khám phá được sự thật về cái trần gian giả tạm; mọi sự vật hiện tượng trong đời chỉ là hư ảo phù hoa. Hãy tỉnh giác để thong dong vui sống trong cuộc đời giả tạm này. Nhờ giác ngộ được Vô Ngã, nhận ra lẽ thật phũ phàng, chúng ta mới can đảm nói rằng: “Sống chết như đi về, ái ân là trò dâu bể”. Nhận thức rõ thân xác được kết hợp bằng thân Năm Uẩn, nó không thể nào tồn tại vĩnh cửu, nhưng con người không còn chỗ nào để bám trụ thì phải chấp nó, bám vào nó để có cái Tôi cái Ta tạm thời mà tồn tại. 
 
Thực tế, do con người không giác ngộ, nên mượn cái giả làm chơn, rồi chấp chặt vào nó, cho nó là thật nên bị khổ đau hoài. Giống như giữa biển khơi, chúng ta không có phao nổi để nương thì buộc lòng chúng ta phải mượn xác chết thay phao nổi để mà sống còn. Chúng ta phải cần biết một điều, xác chết vốn không phải là phao nổi, không thể tồn tại mãi cho chúng ta bám trụ. 
 
Cũng vậy, thân xác tứ đại này đâu phải là thân xác thật, nó tạm có trong vô thường. Phải giác ngộ về điều này để thấy rằng vô ngã là đường cùng của nhận thức về sự sống. Nhận ra được đường cùng này chúng ta sẽ hiển lộ được cái bất tử tức Niết Bàn, chân như. Chân như không phải do tìm mà có, chân như là cái bất sinh bất diệt ngay trong sanh diệt, nhưng phải từ bỏ cái sinh diệt rồi thì bất diệt hiện tiền.

“Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp
Sanh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc.

Các hành vô thường,
Là pháp sanh diệt,
Sanh diệt diệt rồi,
Tịch diệt là vui”.

Kinh Niết Bàn đức Phật dạy: Vậy, tịch diệt từ đâu ra? Niết bàn từ đâu ra? Bất tử từ đâu ra? Ngay nơi sanh diệt, vô thường, bất tịnh được vỡ tung, thì ngay nơi đó cũng hiển lộ ra được tính chơn thường, chơn ngã, chơn tịnh. Chính đó là cái bất tử, cái mà đức Thế tôn đã kinh nghiệm được sau khi thân xác ngài sắp chết (tử). Một bài học xương máu vô cùng quý giá được biểu hiện rõ rệt qua hai từ vô ngã, là phương châm tu tập của mọi hành giả muốn thành đạo và độ đời.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/09/2015(Xem: 6142)
Tất cả chúng ta hiện giờ có mặt ở đây không phải chỉ một lần, mà là vô số lần rồi. Con người bỏ thân này chưa phải là hết, mà còn lang thang không biết đến bao giờ. Vì vậy nhà Phật thường dùng từ “lang thang trong kiếp luân hồi”, cứ đi mãi không biết dừng nơi đâu? Đức Phật thấy được những nẻo đường của chúng sanh đến và đi nên Ngài mới nói “Thuyết luân hồi”.
26/09/2015(Xem: 6517)
Thật vậy, ngay sau khi thành đạo, Đức PHẬT đã tuyên bố “LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN KHỔ” của thế gian một cách rất ngắn gọn, giản dị, và rõ ràng; Chỉ như sự chửa bệnh của một ông Bác sĩ: "Nầy các tỳ kheo, bởi vì không thông hiểu, không thấu đạt Bốn Sự Thật Cao Quý mà ta cũng như quý vị từ lâu đã phải trãi qua nhiều kiếp luân hồi trong vòng sinh tử... Bằng cách thông hiểu, bằng cách thấu đạt 4 SỰ THẬT: 1) SỰ THẬT về KHỔ, 2) SỰ THẬT về NGUYÊN NHÂN của KHỔ 3) SỰ THẬT về NIẾT BÀN (lúc khổ tận diệt) 4) SỰ THẬT về CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN NIẾT BÀN lòng tham thủ về sinh hữu được đoạn tận, sự hỗ trợ để sinh hữu được phá hủy, và từ đó không còn khổ đau vì sinh tử nữa."
08/09/2015(Xem: 5709)
Công cuộc giáo hoá độ sanh của Đức Phật thành tựu viên mãn chính nhờ Ngài tu tập Tứ vô lượng tâm đạt đến vô lượng. Tứ vô lượng tâm là Bốn tâm vô lượng bao gồm: Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm, Hỷ vô lượng tâm và Xả vô lượng tâm. “Từ” nguyên văn là: “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc”
01/09/2015(Xem: 3788)
Theo thông lệ vào mùa an cư, tôi có ít lời sách tấn chư Tăng Ni và nhắc nhở Phật tử nỗ lực tu học. Người xuất gia mang trọng trách dìu dắt Phật tử cho nên đường hướng phải nắm cho thật vững. Hiểu lờ mờ, thực hành không đến nơi đến chốn, hướng dẫn người khác lệch đường, công đức không có, lại trở thành tội. Phật tử cũng cần biết định hướng tu hành cho đúng đắn để đạt lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội.
19/08/2015(Xem: 5991)
Chúng ta cần biết rằng tu để thành Phật, là điều rất khó nếu không nói là hoang tưởng. Vì bản thân cái sự tu hành chuyên nghiệp trong chùa của chúng ta, nó cũng giống như là trường lớp giáo dục vậy. Nó có quá nhiều phương tiện và quy tắc bên ngoài ràng buộc, cho nên chúng ta khó lòng có đủ dũng khí để phá bỏ tất cả những cái đó đi, mà thành Phật được lắm.
13/08/2015(Xem: 7084)
Nói đến tu hành là nói đến tội phước, nếu không rõ tội phước tức là không rõ sự tu hành. Nếu người tu mà cứ lao mình trong tội lỗi, ấy là người tạo tội chớ không phải là người tu hành. Mọi sự an vui và đau khổ gốc từ tội phước mà sanh ra. Vì thế muốn thấu hiểu sự tu hành chúng ta phải thấu hiểu tội phước. Tội phước là những hành động thiết thực trong cuộc sống này, không phải là chuyện siêu huyền mờ ảo đâu đâu. Thế nên người tu hành phải thấu đáo phải phân rành vấn đề tội phước.
01/07/2015(Xem: 29218)
Trên bước đường tu học Phật, ít nhiều gì, Phật tử cũng thường hay gặp phải những thắc mắc, nghi vấn các vấn đề mà tự mình chưa có thể tìm ra giải đáp. Có những nghi vấn mang tính chất thuần túy kinh điển, nặng về phần nghiên cứu học thuật. Bên cạnh đó, cũng có những nghi vấn liên quan thiết thân trong đời sống sinh hoạt hằng ngày mà bất cứ người Phật tử nào cũng gặp phải trong khi tu học. Khởi đi từ yếu tố thiết thực đó và cũng muốn để trao đổi trong nhu cầu nghiên cứu, học hỏi Phật pháp, nhứt là đối với những người hằng quan tâm đến Phật giáo, suốt thời gian qua, trong các khóa tu học ngắn hay dài hạn, đều có đề ra mục Phật Pháp Vấn Đáp, để cho quý Phật tử nêu ra những nghi vấn thắc mắc. Và những nghi vấn thắc mắc nầy, đã được thầy Phước Thái gom góp lại để giải đáp thành 100 Câu Hỏi Phật Pháp. Năm 2010, 100 Câu Hỏi Phật Pháp tập 2 đã được ấn hành 1500 bản. Sách ấn hành chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn thì số lượng sách đã không còn. Từ đó đến nay (2015), trải qua thời gian 5 năm
11/06/2015(Xem: 11882)
Tám Bài Kệ Chuyển Hóa Tâm và Phát Khởi Bồ Đề Tâm. Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 giảng. Thích Hạnh Tấn dịch
04/06/2015(Xem: 6792)
Khi truyền dạy các pháp cho người học, nên lặp đi lặp lại, đến khi hành giả thật sự thông hiểu mới thôi, đó là cách tất yếu để các nội dung quan trọng được lãnh hội đầy đủ. Lời Phật là thiện ngữ, bởi Phật chỉ nói những lời thiện, như pháp; đồng thời mang nhiều ý nghĩa, có khả năng dẫn dắt nhân tâm đạt đến thực tướng.
26/05/2015(Xem: 7661)
Cuốn sách này được dịch nguyên văn từ tác phẩm Buddhism key stage one của Jing Yin Ken Hudson. Tôi dịch cuốn sách này và gửi đến Thư viện Hoa Sen với các lý do : - Đạo Phật được truyền bá rộng rãi cho mọi người. Đặc biệt là các em thiếu nhi. Những mầm non cho tương lai mai sau. Các em cần phải hiểu biết Đạo Phật. - Đây là món quà thành kính dâng lên Đức Phật, mong ngài ban phước lành cho mọi người; cho gia đình tôi; cho bạn bè; cho tất cả mọi người. Rất mong Thư viện Hoa Sen duyệt và chọn đăng để làm tài liệu cho các em thiếu nhi học tập.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]