Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vượt Trên Cả Chư Thiên

04/11/201410:04(Xem: 4469)
Vượt Trên Cả Chư Thiên


vuot tren ca chu thien

VƯỢT TRÊN CẢ CHƯ THIÊN

Bhikkhu Bodhi

Nguyễn Thường Tâm dịch

 

Lời Người Dịch: Phật giáo không công nhận có một Đấng Thượng Đế Sáng Tạo, tiếng Anh là The Creator God và thường gọi tắt là God. Các tôn giáo độc thần tin rằng vũ trụ và nhân loại sinh ra từ một Đấng Sáng Tạo, một thời xưa cổ được hình dung như là một ông già tóc bạc râu dài đã sanh ra con người theo mô hình Thượng Đế. Khi khoa học cho biết không thể có một vị như thế, các lý thuyết gia độc thần mới xóa hình ảnh râu dài tóc bạc và diễn giải Thượng Đế Sáng Tạo như một định luật đã sanh ra loài người và quan phòng cho khắp thế giới. Một số tôn giáo Tây phương còn đồng nhất khái niệm Phật Tánh (Buddha-nature) với Đấng Sáng Tạo trong khi chiêu dụ Phật tử cải đạo. Thực ra, Phật Tánh không hề sanh ra gì hết, vì không hề có một nguyên lý duy nhất bao giờ, và tất cả những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là các pháp sanh khởi theo luật Duyên Khởi; hễ đủ duyên thì sanh, hết duyên thì biến mất. Bởi vậy, mới nói Phật Tánh vốn thực là Vô Tự Tánh.


Bodhi-3

Cũng như chúng ta nói gạo sanh ra cơm. Nói thế là theo thói quen. Vì phải có đủ duyên, mới nấu được gạo thành cơm. Nếu không củi, không lửa, không nước, gạo sẽ không thành cơm được. ay nếu không đủ củi, không đủ lửa, không đủ nước, gạo cũng sẽ không thành cơm. Do vậy, không thể nói rằng gạo sanh ra cơm. Các pháp sẽ theo nghiệp dẫn tới, hễ đủ duyên là sanh ra, trưởng dưỡng, biến dị rồi đoạn diệt.

Phật Tánh còn được dụ như tấm gương tròn sáng của tâm: cảnh hiện ra, biến đổi và rồi biến mất. Cũng được ví như nước: bọt sóng hiện ra, trôi nổi và rồi tan vỡ về lại nước. Do vậy, Phật Tánh không sanh ra bất kỳ pháp nào hết, vì trước hết và sau cùng, Phật Tánh vẫn bất động như tánh của gương, như tánh của nước.

Khái niệm Phật Tánh có thể hình dung từ một số kinh Pali.

Như trong Pabhassara Sutta (AN 1.49-52):

"Chư tăng, chói sáng là tâm này. Và tâm này bị ô nhiễm từ ngoài bám tới. Người không được học chánh pháp không chứng ngộ được rằng tâm này thực sự hiện hữu, đó là lý do tại ta nói với chư tăng rằng -- đối với người không được học chánh pháp, không hề có tăng thượng của tâm." (1)

Hay như trong Tăng Chi Bộ. Itivuttaka: The Group of Twos.

Đức Phật nói: "Chư tăng, có một pháp không hề sanh ra, không hề trở thành, không hề được tạo tác, không hề bị thêu dệt. Nếu không có pháp đó -- bất sanh, bất biến, bất tác, bất nhiễu -- không thể nào đạt được sự  giải thoát ra khỏi cái sanh ra, cái trở thành, cái được tạo tác, cái bị thêu dệt." (2)

Vấn đề có thể sáng tỏ hơn qua bài viết “Beyond the Gods” của nhà sư Bhikkhu Bodhi đăng trên ấn bản giấy của tạp chí Inquiring Mind, Mùa Thu 2013, số đặc biệt chủ đề “The God Issue,” với nhiều học giả góp bài. Bài này hiện chưa thấy đưa lên mạng tạp chí này (inquiringmind.com). 

Theo tạp chí này giới thiệu về tác giả: Nhà sư Bhikkhu Bodhi là một vị sư Theravada từ năm 1971. Là một dịch giả Kinh Tạng Pali sang tiếng Anh, sư cư ngụ và giảng dạy ở Chuang Yen tại Carmel, New York. Sư là nhà sáng lập  và là Chủ tịch hội từ thiện Buddhist Global Relief.

Tất cả các ghi chú trong bản Việt dịch là của dịch giả Nguyễn Thường Tâm để giúp các độc giả muốn đọc thêm. Chữ Gods (số nhiều, có s) trong tựa đề “Beyond the Gods” là nói về Chư Thiên, các vị ở cõi trời. Chữ God (không có s), tùy văn phạm trong câu, có khi có nghĩa là một vị cõi trời, có khi có nghĩa là Thượng Đế Sáng Tạo. Bản dịch như sau.


***

vuot tren ca chu thien

Trong văn học phổ biến về Phật giáo, người ta thường nói rằng Đức Phật không trả lời các câu hỏi về hiện hữu và bản chất của Thượng Đế, bởi vì Đức Phật đưọc suy diễn là những câu hỏi này không thể trả lời, hay không dính dáng gì tới việc thăng tiến cá nhân. Tuy nhiên, trái nghịch với những suy đoán đó, các bài kinh do Đức Phật thuyết đã một cách tuyệt hảo nêu rõ việc bác bỏ chủ nghĩa nhất thần, bác bỏ lý thuyết rằng vũ trụ được tạo ra và được cai trị bởi một  đấng tối cao. Trong khi các bài kinh xác định chung với chủ nghĩa nhất thần rằng cần có một trật tự đạo đức khách quan, các bài kinh xem khái niệm về một Đấng Sáng Tạo toàn năng và toàn trí là một quan điểm sai lầm, khởi lên từ kiến thức sai lầm.

Đức Phật bác bỏ nhu cầu một đấng thượng đế sáng tạo, bởi vì trong vũ trụ quan của Đức Phật, vũ trụ không phải là một tạo vật có khởi đầu và có chung kết. Từ quan điểm của Đức Phật, chúng sinh đã đi từ cõi này tới cõi khác qua dòng thời gian không có khởi đầu, chịu tái sanh theo nghiệp của họ. Tiến trình này diễn ra một cách tự động, không cần tới một đấng cai trị bên ngoài nào.

Tuy nhiên, trong khi bác bỏ các đạo nhất thần, vũ trụ dưới quan điểm Phật Giáo bao gồm nhiều chúng sinh siêu đẳng, có những phẩm chất mà chúng ta gọi là thần linh, hay chư thiên. Trên cõi người là cõi chư thiêndevas, những chúng sinh có thân ánh sáng, có một mức độ thần lực, vẻ đẹp và hạnh phúc vượt xa cõi người chúng ta. Cao hơn, là cõi chư thiên brahmas, những siêu thần linh cư ngụ ở trạng thái thâm sâu hạnh phúc và bình lặng, được tái sanh nơi đây nhờ kết quả tu thiền khi còn ở cõi người. Thọ mạng của các chúng sinh này vượt xa chúng ta, từ hàng trăm ngàn năm cho tới hàng ngàn chu kỳ thế giới này. Tuy nhiên, hệt như tất cả các pháp sanh diệt, ngay cả các chúng sinh thần linh này cũng vô thường, sẽ chết khi nghiệp của họ đã mãn.

Vị trí cao nhất trong các thần linh được gọi là Mahabrahma, Đại Phạm Thiên, được vị trí này nhờ các công đức siêu đẳng có từ các kiếp quá khứ, hầu hết là khi còn mang thân người. Đại Phạm Thiên là một hình tượng Phật giáo tương đương như Thượng Đế của các tôn giáo nhất thần, nhưng không phải là đấng sáng tạo toàn năng của vũ trụ. Vì có thọ mạng lâu dài, Đại Phạm Thiên có khuynh hướng tự xưng là kẻ sáng tạo như thế, nhưng theo Phật giáo quan, lời tự xưng đó là hư vọng.
Beyond of the God

Nhiều bài Kinh  Phật có ý lột bỏ hư vọng đó, đôi khi với tính bi hài chỉ trích. Trong kinh Brahmajala Sutta (DN 1) (3), Đức Phật khảo sát 62 quan điểm về nguyên khởi và vận mệnh về thế giới, trong đó có niềm tin về một thượng đế sáng tạo. Theo kinh này, vào lúc khởi đầu một chu kỳ thế giới mới, Đại Phạm Thiên là chúng sanh đầu tiên tái xuất hiện. Thấy mình đứng một mình, và cảm thấy mình tội nghiệp vì cô đơn, Đại Phạm Thiên mới khởi tâm, “Phải chi có những chúng sinh khác tới đây!” Tức khắc, xuyên qua nghiệp đã chín, các chúng sanh khác tái xuất hiện. Phạm Thiên mới tuyên bố: Ta là Đấng Cao Quý, Đấng Sáng Tạo, Đấng Toàn Năng, là Cha của tất cả chúng sanh.”

Và rồi các chúng sanh mới tái sanh, thấy rằng Phạm Thiên có trước họ, mới chấp nhận vị đó là kẻ sáng tạo ra họ. Nhưng Đức Phật, với cái nhìn xuyên vô tận chu kỳ thế giới, biết rằng Phạm Thiên chỉ đơn giản là một chúng sanh chưa giác ngộ -- thọ mạng lâu dài, phước lớn, và nhiều quyền lực, nhưng vẫn còn bị kẹt trong vòng sanh tử.

Đôi khi Đức Phật đích thân thăm một cõi trời để gỡ ảo vọng cho Phạm Thiên. Trong một trường hợp như thế ở  Trung Bộ  Kinh (MN 49) (4), Phạm Thiên tuyên xưng “quan điểm tai hại” rằng cõi của Phạm Thiên là thường hằng và vĩnh cửu. Biết có chuyện tuyên xưng như thế, Đức Phật mới tới thăm, phản bác quan điểm Phạm Thiên là đã “chìm đắm vào vô minh” và hàng phục Phạm Thiên trong cuộc thi về thần thông.

Trong một trường hợp khác, ở Kinh Tương Ưng (SN 6:5) (5), khi Phạm Thiên khoe khoang về vẻ sáng rực rỡ của cõi vị này, Đức Phật và bốn đệ tử A La Hán tới thăm, và chiếu ra ánh sáng  còn rực rỡ hơn ánh sáng Phạm Thiên. Thần thông này buộc Phạm Thiên từ bỏ quan điểm là đáng vĩnh hằng.

Kinh Kevatta Sutta (6) kể về một vị sư, trong khi ngồi thiền, vị sư này suy nghĩ, “Nơi nào tứ đại đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?” Sử dụng thần thông, vị sư bay tới những tầng trời cao để tìm câu trả lời, đều không thấy câu trả lời. Tới tận cùng, sư này gặp Phạm Thiên, kẻ tự khoe là “Đấng Sáng Tạo, Đấng Tạo Hóa toàn năng” nhưng Phạm Thiên vẫn tránh né câu hỏi này. Tuy nhiên, nhà sư này nài nỉ cho tới khi Phạm Thiên phải thú nhận là không biết, và yêu cầu nhà sư về lại địa cầu để hỏi người duy nhất có thể trả lời, đó là Đức Phật.

Chức năng sáng thế mà các  đạo nhất thần cho là của Đấng Thượng Đế trở thành dư thừa đối với Phật giáo, vì nguyên tắc duyên khởi xóa bỏ nhu cầu một đấng sáng tạo. Đức Phật giaỉ thích rằng “nguyên khởi thế giới” như là chuỗi sáng tạo miên viễn nơi trong từng khoảnh khắc chúng ta tự thành tựu chính mình, chứ không phải như một sự kiện xảy ra trong thời gian. Thế giới, sự khai sanh của nó, sự đoạn diệt của nó và cách dẫn tới đoạn diệt xuất hiện không ở đâu hết, mà là trong “tấm thân 6-feet này với thức và tâm” (AN 4:45) (7). Vì vô minh và tham ái, chúng at cứ miên viễn sanh vào thế giới này, và nhờ thắng vượt vô minh và tham ái, chúng ta có thể mang thế giới tới chỗ đoạn diệt.

Đức Phật nhìn thấy các tôn giáo nhất thần, ít nhất trong các hình thức cực đoan của các tôn giáo này, như một đối nghịch tiềm năng với đạo đức. Đức Phật cho rằng nếu Thượng Đế là nguyên nhân mọi sáng tạo, đấng đó cũng phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của nhân loại; do vậy, khi nhân loại giết người, trộm cắp và làm các điều xấu ác khác, trong tội lỗi tận cùng phải quy về Thượng Đế Sáng Tạo (AN 3:61) (8). Người ta cầu nguyện Thượng Đế với niềm tin rằng Thượng Đế có thể xóa tội cho họ, và ban tặng họ đời sống thần linh, nhưng nếu chuyện đó có thể xảy ra, đạo đức sẽ không cần thiết.

Đức Phật lý luận rằng nếu có ai làm ác và tin rằng y có thể được cứu rỗi nhờ cầu nguyện, kẻ đó có thể cũng tin rằng lời cầu nguyện có thể nâng một tảng đá lên từ đáy hồ và đưa đá này lên mặt đất. Đức Phật nói rằng những ai muốn đời sống ở cõi trời phải theo con đường dẫn tới cõi trời: tu hạnh bố thí, sống đời đạo đức và phát triển tâm thức. Những ai sống được như thế sẽ không cần gì tới cả chư thiên và kinh cầu, vì họ sẽ tái sanh vào cõi trời chắc chắn như dầu đổ ra hồ nước sẽ nổi trên mặt hồ. (SN 42:6) (9).

Để bác bỏ ý tưởng về một thượng đế sáng tạo, các bản kinh đôi khi sử dụng tới lời cầu xin thiết tha thay vì lý luận nghiêm túc. Thí dụ, Kinh Tiền Thân Đức Phật, trong Bhuridatta Jataka (10), đã phản bác niềm tin vào một đấng thượng đế sáng tạo, kẻ làm đầy thế giới những thảm họa và đau khổ:

Ai có mắt cũng thấy những cảnh bệnh hoạn;

Tại sao Phạm Thiên không làm công chính cho tạo vật của ông?

Nếu quyền lực toàn năng của Phạm Thiên vô giới hạn,

Tại sao lại hiếm khi thò tay ra ban ân phước?

Tại sao tất cả tạo vật của Phạm Thiên phải chịu đau khổ?

Tại sao Phạm Thiên không ban hạnh phúc cho tất cả?

Một lý luận mạnh cho niềm tin vào Đấng Sáng Tạo là khát vọng bất tử vượt qua đau khổ và đau đớn. Phật giáo không hứa hẹn sự bất tử cá nhân trên thiên đàng như mục tiêu tối hậu, nhưng có hứa một cõi tạm trên các cõi trời xa khỏi đau khổ cõi người; điều này có thể đạt được nhờ thiền định và hành vi đức hạnh, đặc biệt cộng trú với Phạm Thiên xuyên qua Tứ Vô Lượng Tâm: từ bi hỷ xả vô lượng (MN 99) (11). Tuy nhiên, mục đích tối hậu của Phật giáo không phải là đời sống trên cõi trời, nhưng là để đạt niết bản, một trạng thái giải thoát cao nhất, vượt ra ngoài vòng sanh tử. Điều này một lần nữa đòi nỗ lực của người tu phải thực tập Bát Chánh Đạo với tu học về giới, định và huệ.

Niềm tin vào Thượng Đế Sáng Tạo một phần thúc đẩy bởi nhu cầu thờ phượng một hữu thể, kẻ biểu tượng phẩm chất cao nhất mà tâm trí chúng ta có thể hình dung tới. Phật giáo cũng khẳng định thúc giục đó, như thấy trong các nghi lễ hàng ngày trong các tự viện và chu kỳ hàng năm của đời sống Phật giáo. Tuy nhiên, Phật giáo không tìm mục tiêu thờ phượng hình ảnh một thượng đế sáng tạo, nhưng chính là tôn kính Đức Phật -- hiện thân tối thượng của thanh tịnh, trí tuệ, yêu thương và từ bi. Như thế, trong khi các bài kinh bác bỏ khái niệm thượng đế sáng tạo, các bản kinh ca ngợi Đức Phật như là “vị đạo sư của các cõi trời và người,” như một vị thầy chỉ đường cho ngay cả các vị trời tìm tới sự  giaỉ thoát tối hậu và phước trí vô cùng.



GHI CHÚ CỦA DỊCH GIẢ NGUYỄN THƯỜNG TÂM:

(1)  Pabhassara Sutta:  "Luminous, monks, is the mind. And it is defiled by incoming defilements. The uninstructed run-of-the-mill person doesn't discern that as it actually is present, which is why I tell you that — for the uninstructed run-of-the-mill person — there is no development of the mind." (link:http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an01/an01.049.than.html)

(2) "There is, monks, an unborn — unbecome — unmade — unfabricated. If there were not that unborn — unbecome — unmade — unfabricated, there would not be the case that emancipation from the born — become — made — fabricated would be discerned."

(Link: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/iti/iti.2.028-049.than.html)

(3) Bản Anh văn: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/dn/dn.01.0.bodh.html

Bản Việt ngữ, Trường Bộ Kinh - Kinh Phạm Võng: http://thuvienhoasen.org/p15a210/1-kinh-pham-vong-brahmajala-sutta

(4) Bản Anh văn: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.049.than.html

Bản Việt ngữ, Trung Bộ Kinh 49, Kinh Phạm Thiên cầu thỉnh: http://thuvienhoasen.org/p15a868/49-kinh-pham-thien-cau-thinh-brahmanimantanika-sutta

(5) Bản Anh văn: Apara Ditthi Sutta -- http://tipitaka.wikia.com/wiki/Apara_Ditthi_Sutta

Bản Việt ngữ: Kinh Tương Ưng, Chương 6 - V. Tà Kiến Khác (S.i.144) --http://thuvienhoasen.org/p15a614/06-chuong-vi-tuong-ung-pham-thien

(6) Bản Anh văn - http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/dn/dn.11.0.than.html

Bản Việt ngữ. Kinh Trường Bộ. Kinh Kevaddha (Kiên Cố) - http://thuvienhoasen.org/a220/11-kinh-kevaddha-kien-co-kevaddha-sutta

(7) Bản Anh văn. Rohitassa Sutta - http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an04/an04.045.than.html

Bản Việt ngữ: Kinh Tăng Chi Bộ, Chương 4 Pháp, (V) (45) Rohitassa (1) -http://thuvienhoasen.org/p15a1235/pham-04-06

(8) Bản Anh văn. Tittha Sutta - http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an03/an03.061.than.html

Bản Việt ngữ. Kinh Tăng Chi Bộ. Chương Ba Pháp - 61.- Sở y xứ:http://thuvienhoasen.org/p15a1067/pham-05-07

(9) Bản Anh văn. Paccha-bhumika Sutta -http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn42/sn42.006.than.html

Bản Việt ngữ. Kinh Tương Ưng. VI. Người Đất Phương Tây hay Người Đã Chết (S.iv,311) --http://thuvienhoasen.org/p15a712/42-chuong-viii-tuong-ung-thon-truong

(10) Bản Anh văn. No. 543.: Bhūridatta-Jātaka - http://www.wisdomlib.org/buddhism/book/the-jataka-volume-vi/d/doc80724.html

Bản Việt ngữ. Kinh Tiền Thân Đức Phật. 543. CHUYỆN BẬC ĐẠI TRÍ BHÙRIDATTA --http://thuvienhoasen.org/a6654/chuong-xxii-dai-pham-tt

(11) Bản Anh văn. Subha Sutta - http://tipitaka.wikia.com/wiki/Subha_Sutta_%28Majjhima_Nikaya%29

Bản Việt ngữ. Kinh Trung Bộ 99. Kinh Subha - http://thuvienhoasen.org/a919/99-kinh-subha-subha-sutta
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/09/2015(Xem: 3336)
Theo thông lệ vào mùa an cư, tôi có ít lời sách tấn chư Tăng Ni và nhắc nhở Phật tử nỗ lực tu học. Người xuất gia mang trọng trách dìu dắt Phật tử cho nên đường hướng phải nắm cho thật vững. Hiểu lờ mờ, thực hành không đến nơi đến chốn, hướng dẫn người khác lệch đường, công đức không có, lại trở thành tội. Phật tử cũng cần biết định hướng tu hành cho đúng đắn để đạt lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội.
19/08/2015(Xem: 5530)
Chúng ta cần biết rằng tu để thành Phật, là điều rất khó nếu không nói là hoang tưởng. Vì bản thân cái sự tu hành chuyên nghiệp trong chùa của chúng ta, nó cũng giống như là trường lớp giáo dục vậy. Nó có quá nhiều phương tiện và quy tắc bên ngoài ràng buộc, cho nên chúng ta khó lòng có đủ dũng khí để phá bỏ tất cả những cái đó đi, mà thành Phật được lắm.
13/08/2015(Xem: 6198)
Nói đến tu hành là nói đến tội phước, nếu không rõ tội phước tức là không rõ sự tu hành. Nếu người tu mà cứ lao mình trong tội lỗi, ấy là người tạo tội chớ không phải là người tu hành. Mọi sự an vui và đau khổ gốc từ tội phước mà sanh ra. Vì thế muốn thấu hiểu sự tu hành chúng ta phải thấu hiểu tội phước. Tội phước là những hành động thiết thực trong cuộc sống này, không phải là chuyện siêu huyền mờ ảo đâu đâu. Thế nên người tu hành phải thấu đáo phải phân rành vấn đề tội phước.
01/07/2015(Xem: 26957)
Trên bước đường tu học Phật, ít nhiều gì, Phật tử cũng thường hay gặp phải những thắc mắc, nghi vấn các vấn đề mà tự mình chưa có thể tìm ra giải đáp. Có những nghi vấn mang tính chất thuần túy kinh điển, nặng về phần nghiên cứu học thuật. Bên cạnh đó, cũng có những nghi vấn liên quan thiết thân trong đời sống sinh hoạt hằng ngày mà bất cứ người Phật tử nào cũng gặp phải trong khi tu học. Khởi đi từ yếu tố thiết thực đó và cũng muốn để trao đổi trong nhu cầu nghiên cứu, học hỏi Phật pháp, nhứt là đối với những người hằng quan tâm đến Phật giáo, suốt thời gian qua, trong các khóa tu học ngắn hay dài hạn, đều có đề ra mục Phật Pháp Vấn Đáp, để cho quý Phật tử nêu ra những nghi vấn thắc mắc. Và những nghi vấn thắc mắc nầy, đã được thầy Phước Thái gom góp lại để giải đáp thành 100 Câu Hỏi Phật Pháp. Năm 2010, 100 Câu Hỏi Phật Pháp tập 2 đã được ấn hành 1500 bản. Sách ấn hành chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn thì số lượng sách đã không còn. Từ đó đến nay (2015), trải qua thời gian 5 năm
11/06/2015(Xem: 10317)
Tám Bài Kệ Chuyển Hóa Tâm và Phát Khởi Bồ Đề Tâm. Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 giảng. Thích Hạnh Tấn dịch
04/06/2015(Xem: 6166)
Khi truyền dạy các pháp cho người học, nên lặp đi lặp lại, đến khi hành giả thật sự thông hiểu mới thôi, đó là cách tất yếu để các nội dung quan trọng được lãnh hội đầy đủ. Lời Phật là thiện ngữ, bởi Phật chỉ nói những lời thiện, như pháp; đồng thời mang nhiều ý nghĩa, có khả năng dẫn dắt nhân tâm đạt đến thực tướng.
26/05/2015(Xem: 6666)
Cuốn sách này được dịch nguyên văn từ tác phẩm Buddhism key stage one của Jing Yin Ken Hudson. Tôi dịch cuốn sách này và gửi đến Thư viện Hoa Sen với các lý do : - Đạo Phật được truyền bá rộng rãi cho mọi người. Đặc biệt là các em thiếu nhi. Những mầm non cho tương lai mai sau. Các em cần phải hiểu biết Đạo Phật. - Đây là món quà thành kính dâng lên Đức Phật, mong ngài ban phước lành cho mọi người; cho gia đình tôi; cho bạn bè; cho tất cả mọi người. Rất mong Thư viện Hoa Sen duyệt và chọn đăng để làm tài liệu cho các em thiếu nhi học tập.
26/05/2015(Xem: 8647)
Lúc thiếu thời, Đức Phật đã có những suy nghĩ giống thiếu nhi hôm nay. Các cháu tự hỏi tại sao bị sốt. Tự hỏi tại sao ông bà các cháu lại chết. Tại sao những ước mơ của các cháu không phải là sự thật. Các cháu tự hỏi về vẻ đẹp và hạnh phúc của cuộc đời. Bởi vì Đức Phật biết rõ suy nghĩ của trẻ em nói riêng và loài người nói chung, Ngài dạy chúng ta làm thế nào để sống hạnh phúc và có cuộc sống thanh bình. Đạo Phật không phải là niềm tin mù quán vào nơi xa lạ nào đó.
24/05/2015(Xem: 10159)
Về cơ bản, lý duyên khởi giải thoát mô tả tâm lý của thiền, nghĩa là, những gì xảy ra trong tiến trình hành thiền được hành giả trải nghiệm từ lúc đầu cho đến lúc cuối. LDKG có liên hệ chặt chẽ với giáo lý duyên khởi nổi tiếng trong đạo Phật. Cho những ai chưa quen thuộc nhiều với những lời Phật dạy, lý duyên khởi là một chuỗi mười hai yếu tố nhân quả kết nối với nhau. Yếu tố cuối cùng trong chuỗi nhân quả này là khổ. Bởi vì là một chuỗi nhân quả, nó cho ta thấy khổ phát sinh như thế nào. Yếu tố thứ nhất của mười hai nhân duyên là vô minh – không có khả năng thấy được thế gian như nó là, và nó thật sự hoạt động như thế nào. Như thế, bắt đầu với vô minh, yếu tố này dẫn đến yếu tố sau, tiếp luôn cho đến khổ đau. Do vậy, lý duyên khởi chỉ cho ta thấy khổ đau chính là hậu quả của vô minh.
20/03/2015(Xem: 7008)
Đạo Phật là đạo từ bi vì thế là người con Phật, chúng ta phải tu tâm từ bi, trưởng dưỡng tâm từ bi trong cuộc sống mỗi ngày vì tâm từ là cội nguồn của mọi thiện nghiệp, là Phật tánh của chúng sanh. Điều này được Đức Phật thuyết trong Kinh Đại Bát Niết Bàn: “Nếu có người hỏi gì là căn bổn của tất cả pháp lành? Nên đáp: Chính là tâm từ… Này thiện nam tử (Ca Diếp Bồ Tát)! Tâm từ chính là Phật tánh của chúng sanh, Phật tánh như vậy từ lâu bị phiền não che đậy nên làm cho chúng sanh chẳng đặng nhìn thấy. Phật tánh chính là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai [1, tr.520].
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567