Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giải thoát là cốt lõi của đạo Phật

21/05/201505:53(Xem: 9847)
Giải thoát là cốt lõi của đạo Phật
Phat Thich Ca 3

Năm nay tôi đã lớn tuổi nên không nhận giảng ở các trụ xứ an cư. Nhưng vì sư Giác Toàn có thạnh tình mời về thăm và có ít lời nhắc nhở chư tăng trong mùa hạ luôn tinh tấn tu hành, để xứng đáng là người xuất gia tu đạo giải thoát. Vì vậy mới có buổi nói chuyện này. 

Đề tài chúng tôi nói hôm nay Giải thoát là cốt lõi của đạo Phật. Vấn đề này tôi nghĩ chư tăng không ai không quan tâm. Tại sao tu Phật lấy giải thoát làm cốt lõi? Bởi vì tất cả chúng ta tu đều có sở nguyện giải thoát sanh tử luân hồi. Muốn xứng đáng với mục đích tối quan trọng đó chúng ta phải tu như thế nào? Trước hết phải biết giải thoát cái gì, mới tìm ra cách tu để được giải thoát. Đây là vấn đề hết sức quan trọng.

Phật đã dạy thân này vô thường, vô ngã cho nên giải thoát không phải là giải thoát thân này. Vì thân này tới ngày cuối cùng cũng phải bỏ, phải hoại diệt thì đâu có gì để giải thoát. Thân bại hoại không thể giải thoát được thì chỉ còn tâm. Vậy tâm giải thoát là không còn kẹt vướng trong sanh tử nữa, gọi là giải thoát. Tâm đó là tâm nào? Tâm nghĩ thiện nghĩ ác, nghĩ phải nghĩ quấy, nghĩ tốt nghĩ xấu phải không? Không phải, vì tâm đó cũng là tâm sanh diệt, có rồi mất, làm sao giải thoát được. Đây là vấn đề thứ hai.

Thân sanh diệt, tâm sanh diệt không thể giải thoát được. Vậy cái gì giải thoát sanh tử? Đó là vấn đề chính yếu nhất của người tu mà lâu nay ít ai để ý tới. Thường chúng ta cứ nghĩ giữ giới, ăn chay, làm những việc công đức là tu, là tiến trên con đường giải thoát, không ngờ các việc ấy chỉ được phước sanh diệt thôi, chưa phải giải thoát. Chúng ta tu muốn giải thoát phải tìm cho ra lẽ thực của nó. Chừng nào thấy được lẽ thực đó mới có thể tin rằng mình tu giải thoát sanh tử. Còn không tìm được thì không thể tin mình giải thoát.

Người ta hay nói tâm là cái biết phải biết quấy, biết thương biết ghét, biết buồn biết giận. Nếu thế tâm có cả trăm ngàn thứ thì ta là cả trăm thứ đó sao? Thương là ta, giận ghét cũng là ta, tâm suy tính phân biệt ấy lại sanh diệt vô thường, như vậy khi mình có khi mình không chăng?

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật hỏi ngài A-nan: Lý do gì ông đi tu?
Ngài A-nan thưa: Bởi con thấy đức Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹïp, con kính mến nên phát tâm xuất gia.
Phật hỏi: Ông lấy cái gì để thấy và lấy cái gì để kính mến? 
Ngài A-nan trả lời: Con lấy mắt thấy và lấy tâm hiểu biết.

Đó là nguyên do có thất xứ trưng tâm, tức bảy chỗ hỏi tâm của đức Phật. Theo thứ tự Phật gạn hỏi tâm, ngài A-nan trả lời tâm ở trong thân, ở ngoài thân, ở giữa thân v.v… cho tới cuối cùng Ngài nói cái hay suy nghĩ phân biệt là tâm con. Tất cả đều bị Phật quở và bác bỏ: “Đó là ông nhận định sai lầm, cái suy nghĩ không phải là tâm của ông”. Ngài A-nan hoảng hốt thưa như vậy con không tâm sao. Phật bảo không phải ông không có tâm, nhưng cái suy nghĩ là tướng sanh diệt, không phải tâm của ông. 

Chúng ta lâu nay cũng lầm nhận như ngài A-nan vậy, cho cái suy nghĩ sanh diệt vô thường đó là tâm của mình. Phật muốn chỉ ngay nơi mình có cái chân thật nhưng chúng ta bỏ quên, nên cứ nhận thân sanh diệt là mình, tâm sanh diệt là tâm mình. Thân là tướng vô thường sanh diệt, tâm là bóng dáng các trần không thật, nhận hai cái đó là mình nên phải chịu sanh tử luân hồi. Bây giờ muốn ra khỏi luân hồi sanh tử, phải tìm cho ra cội gốc sai lầm ấy. Nếu còn bám vào thân tâm sanh diệt thì không thể giải thoát được. 

Người tu là người thực hiện một chí nguyện rất cao thượng, siêu xuất trần thế. Vì vậy ai đi tu rồi cũng phải biết rõ mục đích giải thoát sanh tử, cứu độ chúng sanh, chớ không chỉ để có phước đời này, đời sau thôi. Tu như vậy không đúng mục đích siêu thoát của một tu sĩ.

Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật chia tâm ra làm hai thứ: một là vọng tâm, hai là chân tâm. Vọng tâm là tâm hư dối, chân tâm là tâm chân thật. Lâu nay người ta thường cho phần tinh thần là tâm, nhưng không hiểu nghĩa chánh của tâm là gì. Tâm là biết. Cái biết sanh diệt, luôn luôn đổi thay gọi là cái biết hư dối. Còn cái biết thường còn không sanh không diệt là cái biết chân thật, gọi là chân tâm.

Như vậy muốn nhận ra tâm phải phân biệt rõ tâm nào thật, tâm nào không thật. Tâm thật là chân tâm, tâm không thật là vọng tâm. Tất cả những suy nghĩ của chúng ta thuộc về vọng tâm. Nếu cho suy nghĩ buồn thương giận ghét là tâm mình tức chúng ta nhận vọng làm chân. Cái vọng là dối, dối thì làm sao giải thoát được. Như vậy  giải thoát phải là cái chân thật, bất sanh bất diệt, chớ không phải cái hư dối. Đó là chỗ chúng ta phải suy gẫm nhận xét cho thật chính chắn.

Muốn chỉ ra cái chân thật đó, đức Phật đã đưa tay lên hỏi ngài A-nan: “Ông thấy không?”. Ngài A-nan đáp: “Dạ thấy”. Phật để tay xuống hỏi: “Ông thấy không?”. Ngài A-nan thưa: “Dạ không thấy”. Phật quở: “Ông là người quên mình theo vật. Tay ta đưa lên là thấy có tay, khi ta để xuống là thấy không có tay. Tay là vật, còn cái thấy là mình. Tại sao lại lầm lẫn giữa mình và vật như vậy?” 

Lâu nay chúng ta cũng lầm lẫn thế ấy. Thấy tức là biết. Thấy cảnh vật xanh vàng đỏ trắng, biết rõ ràng. Thấy là có biết, cái thấy đó có suy nghĩ không? Thấy trắng là trắng, vàng là vàng, xanh là xanh, đâu cần suy nghĩ gì. Chỉ khi cộng với ý thức phân biệt mới có suy nghĩ, chớ cái thấy ban đầu không suy nghĩ.

Kế đến Phật bảo ngài La-hầu-la đánh tiếng chuông rồi hỏi ngài A-nan: “Ông có nghe không?” Ngài A-nan thưa: “Dạ nghe”. Giây lâu tiếng chuông bặt, Phật hỏi: “Ông có nghe không?”. Ngài A-nan thưa: “Dạ không nghe”, liền bị Phật quở lần nữa. Đánh tiếng chuông “boong” thì nghe có tiếng chuông, tiếng chuông bặt thì nghe không có tiếng chuông, chớ đâu phải điếc. Sao lại nói không nghe?

Nếu không nghe làm sao biết không tiếng? Không tiếng là vì âm thanh bên ngoài không có, nhưng cái nghe của mình luôn hiện tiền. Vậy mà không có tiếng lại nói không nghe. Đó là quên mất tánh hay nghe, hay thấy của mình, chạy theo sắc tướng âm thanh bên ngoài, vì vậy Phật quở quên mình theo vật. Đó là điều đáng thương của chúng ta.

Trong nhà Phật nói nơi sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều có cái biết. Cái biết đó hằng hữu, nhưng chúng ta lại bị cái biết phân biệt của ý theo đuổi, hợp tác, rốt cuộc quên cái biết hằng hữu chân thật đó. Thí dụ khi ngồi thiền có dấy niệm, lúc đó ta biết mình khởi nghĩ và đang chạy theo vọng tưởng không? Biết rõ rằng mình đang bị vọng tưởng, đang khởi nghĩ. Như vậy cái khởi nghĩ, cái vọng tưởng là cái bị biết. Nếu nó là cái bị biết thì ai là cái hay biết? Rõ ràng mình là cái hay biết. Cái biết này không có tướng trạng, không khởi nghĩ gì cả. 

Cho nên chúng ta tu ngay nơi thân này, có cả chân tâm và vọng tâm. Vọng tâm là tâm phân biệt tốt xấu, hơn thua, phải quấy. Tâm này tạo nghiệp sanh tử luân hồi khiến ta phải chịu vô lượng khổ đau. Bởi vì nghĩ thiện thì tạo nghiệp lành, nghĩ ác thì tạo nghiệp dữ, thì phải đi trong ba đường lành hoặc ba đường dữ. Nhà Phật khuyên tu là bỏ dữ làm lành, đó là giai đoạn đầu tu trong sanh tử, nhưng sanh tử theo đường tốt, chớ chưa phải giải thoát sanh tử.

Lâu nay chúng ta cứ nhận cái nghĩ thiện nghĩ ác là tâm mình, nhưng nó không phải là tâm thật. Chỉ khi nào buông hết thiện ác, các thứ nghĩ tưởng hai bên lặng xuống, mà vẫn thường biết đó mới thật là tâm mình. Bản lai diện mục là bộ mặt thật muôn đời của chúng ta, mình có từ thuở nào nhưng bị các thứ nghĩ thiện, nghĩ ác phủ che nên nó không hiện ra. Chừng nào dứt hết niệm đối đãi thì tâm chân thật hiện tiền. 

Chúng ta từ người thế gian tới người tu, đa số chỉ nhận tâm sanh diệt thôi, mà không thấy được tâm chân thật bất sanh bất diệt của chính mình. Do đó cứ lẩn quẩn, không biết mình ngồi thiền để làm gì. Có người nghĩ thiền định để được thần thông, điều này rất sai lầm. Định là dừng tâm suy nghĩ đối đãi tạo nghiệp. Dừng được tâm ấy rồi là dừng được nghiệp, dừng được nghiệp thì cái gì trói buộc, cái gì dẫn mình đi trong sanh tử nữa? Chỉ còn một tâm chân thật bất sanh bất diệt, đó là giải thoát sanh tử. Tâm giải thoát sanh tử đã sẵn ngay nơi mình, chỉ cần quày đầu lại là nhận được thôi.

Ví dụ tôi ngồi trong thất, có khách tới tôi chào và nói chuyện. Khách về tôi lặng yên, thấy vắng khách. Thấy khách đến, biết khách đi là ai thấy ai biết? Là chủ thấy chủ biết, chớ còn ai nữa. Cũng vậy, khi ngồi thiền chúng ta thấy vọng tưởng dấy lên, thấy vọng tưởng lặng xuống thì rõ ràng ông chủ thấy. Nếu không có ông chủ làm sao biết có vọng tưởng hay không vọng tưởng. Cái biết có vọng tưởng, cái biết đang lặng lẽ đó là cái biết thật của chính mình. Lâu nay chúng ta cứ ngỡ hết suy nghĩ là hết mình. Đó là chỗ lầm lẫn. 

Tâm chân thật ấy không có tướng mạo, không dấy động, không khởi một niệm suy nghĩ, nó bàng bạc khắp cả, ở đâu cũng có. Dưới chân vừa đạp cây gai liền thấy đau, trên tay con muỗi vừa cắn liền thấy ngứa. Tất cả chỗ nào trên thân cũng biết hết, mà không cần phải suy nghĩ. Chúng ta tu là để trở về với tâm chân thật đó. Biết mình có tâm chân thật rồi, ta mới mạnh dạn kiên quyết dẹp bỏ tâm nghĩ suy hư dối. Nếu không, ta cứ cho cái suy nghĩ là tâm mình nên không dám bỏ, nuôi dưỡng tâm sanh diệt ấy mãi nên không được giải thoát.

Tất cả pháp tu của Phật dạy đều đưa chúng ta đến chỗ cuối cùng, nhưng phương tiện có khác. Có người dùng trí tuệ quán chiếu nhận hiểu rồi tu. Có người đặt lòng tin tha thiết mà tu. Cho nên dùng trí tuệ quán chiếu thì Phật dạy tu Thiền. Quán chiếu lại thân này hư giả không thật, tâm sanh diệt lăng xăng cũng không thật, buông hết hai thứ giả đó thì cái thật hiện ra. Từ quán sát ấy ta dừng không chạy theo vọng tưởng nữa, đó là nhờ trí tuệ mà tâm được an định. Tâm lăng xăng dừng là định, trí tuệ quán chiếu soi sáng là tuệ. Đây gọi là định tuệ song tu.

Người nhiều lòng tin Phật dạy niệm Phật. Niệm tới chừng nào nhất tâm, tức niệm đến chỗ vô niệm, không còn một nghĩ suy gì hết, tâm hoàn toàn lặng lẽ thanh tịnh. Lúc đó nhắm mắt thấy Phật Di Đà cùng chư Thánh chúng đến tiếp dẫn. Như vậy phương tiện tuy có khác, nhưng mục đích đều dẹp những suy nghĩ lăng xăng.

Tu Thiền định để chận đứng, buông bỏ suy nghĩ, tu Tịnh độ dẹp hết suy nghĩ, cuối cùng tới chỗ không còn một niệm, đó là giải thoát sanh tử. Cho nên nói niệm được nhất tâm bất loạn từ một ngày, hai ngày tới bảy ngày, người ấy nhắm mắt được Phật rước về Cực Lạc. Cực Lạc tức Phật Di Đà hiện tiền, là thấy ông chủ của mình, thấy được tâm chân thật rồi.

Chúng ta tu Thiền cũng vậy, buông tất cả tạp niệm để tâm chân thật hiện ra. Bởi tâm thường biết đó không có tướng mạo, cho nên vừa dấy niệm chúng ta dễ chạy theo niệm. Ví dụ trên bầu trời không có mây, ta nhìn thẳng lên không có gì hết nên không thấy vui. Bây giờ vừa có đàn chim bay qua, thích quá liền đuổi theo đàn chim. Nếu có một chiếc phi cơ bay lại thì càng chú ý hơn nữa. Cứ chú ý những gì có hình có tướng, còn cái trong trẻo rỗng rang của hư không ta ít quan tâm. 

Cũng thế, tâm ta phẳng lặng hằng tri giác mà mình không biết, cứ đợi nghĩ tưởng liền theo nghĩ tưởng, chạy theo thương chạy theo ghét. Cứ thế cuồng loạn cả ngày, quên cái thật của chính mình. Cho nên Phật dạy chúng ta tu lặng hết những thứ ấy, thì tâm hằng tri hằng giác mới hiện bày, đó là giải thoát sanh tử. 

Khi Tổ Huệ Khả được Tổ Đạt-ma nhận làm đệ tử. Một hôm Ngài tu đến chỗ hoàn toàn an ổn liền bạch với Tổ Đạt-ma: “Bạch Hòa thượng, tâm con đã dứt hết các duyên”. Tổ Đạt-ma bảo: “Coi chừng rơi vào không”. Ngài thưa: “Con rõ ràng thường biết, làm sao không được”. Tổ liền ấn chứng: “Ngươi như thế, ta như thế, chư Phật cũng như thế”. Dứt hết các duyên tức là tâm không còn chạy theo sáu trần. Tới đó ta tưởng không còn gì, nhưng thật ra có cái rõ ràng thường biết. 

Chúng ta tu biết được mình có tâm chân thật mới giải thoát sanh tử luân hồi. Nếu không nhận được tâm ấy, rất dễ lạc vào tà đạo, ưa thích thần thông, hào quang sáng ngời… Phải biết tu là sống thực với tâm chân thật của mình, nó có sẵn nơi mỗi chúng ta, trong các vận động thi vi, hiển hiện nơi sáu căn, chớ không có chỗ nào khác.  

Cho nên chúng ta dụng công tọa thiền, dụng công niệm Phật ngày đêm liên tục là cốt để dừng tất cả vọng tưởng. Vọng tưởng dừng lặng được rồi thì các công phu kia cũng dừng theo, cuối cùng chỉ còn một tâm chân thật hiện tiền, không có phương tiện hay công phu gì ở đó cả.

Trong mười mục chăn trâu, từ tìm trâu thấy trâu dằn co với trâu cho tới chinh phục được trâu thì trâu cũng mất luôn. Trâu mất thì chăn cũng đâu còn, chừng đó chỉ còn một vầng trăng tròn giữa bầu trời trong. Đó là mười mục chăn trâu theo tinh thần Đại thừa, cho thấy khi còn có đối đãi thì còn sanh diệt. Đến lúc hết đối đãi thì hoàn toàn trong sáng, đó là giác ngộ giải thoát. 

Chư Phật từng nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Phật sẽ thành mà mình có chịu thành không, hay muốn làm chúng sanh cho vui? Chúng ta tu là để đạt được chỗ cứu kính chân thật của mình. Trong ba thân, chư Phật và chúng sanh bình đẳng trên phần Pháp thân, còn hai thân kia thì sai biệt. Phật có Pháp thân, chúng ta cũng có Pháp thân. Pháp thân là thân không còn đối đãi sanh diệt, không có giới hạn, trùm khắp. Phật có Báo thân trang nghiêm thanh tịnh, phước đức vô lượng, còn Báo thân của chúng ta là thân nghiệp chướng hiện giờ mình đang mang. Phật có Hóa thân diệu dụng như hằng sa, làm lợi ích vô lượng chúng sanh, còn Hóa thân của chúng ta là những suy nghĩ chuyện này chuyện nọ tạo nghiệp trong luân hồi. 

Kinh Pháp Hoa phẩm Hiện Bảo Tháp nói từ lòng đất vọt lên tháp báo. Trong tháp báo có thân của đức Phật Đa Bảo. Bấy giờ đại chúng muốn chiêm ngưỡng thân Phật Đa Bảo, nên thưa hỏi đức Phật Thích-ca làm sao để thấy? Đức Phật Thích-ca nói Phật Đa Bảo có nguyện lớn rằng, khi nào Hóa thân ở mười phương của Phật Thích-ca tụ hội về một chỗ thì Phật Đa Bảo mới có thể mở cửa tháp để chiêm ngưỡng Ngài. Đức Phật Đa Bảo dụ cho Pháp thân. Pháp thân hiện khi nào Hóa thân tụ về một chỗ. Hóa thân tụ về một chỗ tức chỉ cho tâm chạy ngược chạy xuôi lặng xuống, không còn dao động nữa. Kinh này rất hay rất thấu đáo, người thiếu chủng duyên sâu dày đọc không hiểu nổi, thấy như chuyện trên trời trên mây, không có lẽ thật. 

Phật chỉ cho chúng ta muốn thấy được Pháp thân bất sanh bất diệt thì các hóa thân của mình tức những tâm niệm ngược xuôi, phân biệt đủ thứ phải tụ hội về một chỗ. Tụ hội tức là yên lặng chừng đó Pháp thân mới hiện tiền. Hiểu như vậy mới thấy lý kinh cao siêu, phi thường. Đây là những điều thiết yếu tôi muốn chỉ quí vị nhận nơi mình có cái chân thật, để đi tới chỗ giải thoát sanh tử. 

Bây giờ bước qua giai đoạn thứ hai, chúng ta biết mình có cái chân thật giải thoát sanh tử rồi, nhưng làm sao để sống với cái đó? Muốn được giải thoát trước nhất phải biết cái gì trói buộc mình? Là nghiệp, bởi nghiệp trói buộc nên nó dẫn chúng ta đi trong trầm luân sanh tử. Cái gì tạo nghiệp? Thân, miệng, ý. Ý nghĩ tốt nghĩ xấu nghĩ lành nghĩ dữ, nghĩ hơn nghĩ thua. Theo những suy nghĩ đó, mà miệng nói tốt thân làm tốt hoặc miệng nói xấu thân làm xấu. Đây là tạo nghiệp lành nghiệp dữ. Nếu ý nghĩ dừng lặng thì hết tạo nghiệp. Hết tạo nghiệp là giải thoát sanh tử. 

Tại sao chúng ta phải tụng kinh, tọa thiền? Tụng cho chí tâm, chuyên nhất nhớ kinh nên không nghĩ bậy. Ngồi thiền để buông xả hết những niệm nghĩ tưởng, đó là dứt mầm tạo nghiệp đi trong sanh tử. Không tạo nghiệp nữa thì cái gì trói buộc được mình? Tổ Đạo Tín khi còn là Sa di mười bốn tuổi, gặp Tổ Tăng Xán chấp tay thưa: “Bạch Hòa thượng, xin Ngài dạy con phương pháp giải thoát”. Tổ Tăng Xán nhìn thẳng vào mặt hỏi: “Ai trói buộc ngươi?”. Ngài hoảng hốt tìm xem cái gì trói buộc mình, tìm hoài không thấy liền bạch: “Bạch Hòa thượng, không ai trói buộc con hết”. Tổ bảo: “Không trói buộc cầu giải thoát làm gì?”. Ngay đó Ngài ngộ đạo. 

Vậy đạo ở chỗ nào? Ở ngay chỗ không còn gì trói buộc được mình. Không có gì trói buộc tức là không tạo nghiệp, không tạo nghiệp là giải thoát rồi, cầu giải thoát làm chi nữa. Chúng ta cầu giải thoát mà cứ tạo nghiệp liên miên thì làm sao giải thoát được. Giải thoát là cái chân thật sẵn có, không từ đâu đến, không do ai cho mình, chỉ vì ta không làm chủ được các niệm lăng xăng buồn thương giận ghét v.v… nên tạo nghiệp dẫn đi luân hồi. 

Các vị tu theo Nguyên thủy được định tên là Diệt tận định hay Diệt thọ tưởng định liền chứng quả A-la-hán, tức diệt hết những thọ tưởng trong tâm thì được vô sanh, là giải thoát. Cho nên tu dứt mầm tạo nghiệp là gốc ra khỏi luân hồi. Điều này rõ ràng như vậy, không có gì phải nghi ngờ cả. 

Chúng ta là người chủ động tạo nghiệp thì cũng là người chủ động dứt nghiệp. Tạo nghiệp là mê, dứt nghiệp là tỉnh. Nói tới tu là nói tới tỉnh hoặc tỉnh nhiều tỉnh ít thôi, chớ không thể tu mà còn mê được. Tỉnh tức là không tạo nghiệp nữa. Cho nên trong kinh Viên Giác, ngài Văn Thù hỏi đức Phật: “Làm sao giải thoát sanh tử?”. Phật dạy: “Muốn giải thoát sanh tử phải dứt mầm vô minh”. Vô minh là mê mờ, phải sạch hết mê mờ mới giải thoát được sanh tử. Ngài Văn Thù hỏi tiếp: “Cái gì là vô minh?” Phật dạy: “Chấp thân này là thật, chấp tâm sanh diệt là thật. Đó là vô minh”. 

Người nào còn thấy thân này thật, thấy tâm sanh diệt hơn thua phải quấy thật là còn vô minh. Muốn ra khỏi vô minh phải buông hai thứ chấp này. Tất cả kinh Phật đều xoáy mạnh vào chỗ phá chấp về thân tâm sanh tử luân hồi, nhận cho rõ tâm chợt có chợt không là giả dối, không phải tâm mình. Phá được vô minh thì chuỗi dài sanh tử ngang đó chấm dứt. 

Như vậy con đường tu khó hay dễ? Chỉ cần chúng ta thấy thân tâm sanh diệt không thật, khỏi học lên tới Cử nhân, Tiến sĩ gì hết. Bởi vì thấy đúng như vậy là đã có đầy đủ trí tuệ rồi. Trí tuệ này mới quí vì đây là trí thật của mình, còn trí tuệ học được của thế gian là trí sanh diệt, không chân thật, không phải của mình, làm sao sánh nổi với trí tuệ chân thật. 

Chúng ta sống đây chỉ là cuộc sống tạm bợ, nên không cần tranh hơn tranh thua, tranh phải tranh quấy, như vậy là đã giải thoát nhiều rồi đó. Ngược lại, nếu chúng ta thấy thật thì mê càng ngày càng đậm, vì vậy luân hồi không biết bao giờ mới ra được? Cho nên chúng ta tu học thì phải thấy cho tường tận, hiểu cho thấu suốt để không bị lầm lẫn. Tu là giải thoát khổ đau, chớ không phải tu là không có thân bệnh. Người tu biết đúng như thật thì những gì đến với mình ta đều không khổ, đó là ta đang tiến trên con đường giác ngộ.

Buổi nói chuyện hôm nay nhằm nêu lên những điều cần thiết cho sự tu của chúng ta. Mong tất cả ghi nhớ và thể nghiệm bằng cách ứng dụng tu, sao cho đạt được hai điều. Điều thứ nhất là giác ngộ, điều thứ hai là giải thoát. Bởi vì đạo Phật là đạo giác ngộ. Tu không giác ngộ không phải là tu theo đạo Phật. Giác ngộ thấy đúng như thật rồi, chúng ta sẽ giải thoát sanh tử. Cho nên giác ngộ và giải thoát là hai điều không thể thiếu đối với người tu hành. 

Cầu chúc toàn thể quí vị trong mùa an cư năm nay tinh tấn tu hành để được giác ngộ giải thoát như đức Phật. Đó là mục đích chánh, là cốt lõi của người tu Phật vậy.
                                             HT Thích Thanh Từ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/10/2014(Xem: 11285)
Các nhà văn và nhà báo đều có tầm ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Vả lại, dù cho đời người có ngắn ngủi đi nữa thì những gì đã viết cũng sẽ còn lưu lại hàng nhiều thế kỷ. Trong lãnh vực Phật giáo thì những lời giáo huấn của Đức Phật, của ngài Tịch Thiên và của những vị đại sư khác nhờ được ghi chép lại thành văn bản nên đã được lưu truyền qua những thời gian lâu dài để nói lên tình thương yêu, lòng từ bi và những hành vi vị tha phát xuất từ tinh thần Giác ngộ mà cho đến tận ngày nay vẫn còn giúp chúng ta cơ duyên được học hỏi.
11/10/2014(Xem: 8642)
18 giờ tối ngày 9/10/2014, đông đảo Phật tử, doanh nhân, sinh viên và các bạn yêu đọc sách đã được học hỏi rất nhiều từ thiền sư Minh Niệm, tác giả cuốn sách “Hiểu về trái tim” tại nhà sách Thái Hà ( số 119, C5, phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Cá nhân tôi cũng vậy. Tôi học được rất rất nhiều. Thầy Minh Niệm đã chia sẻ nhiều trải nghiệm sâu sắc, phong phú của chính thầy đến với những ai may mắn có mặt để giao lưu, để lắng nghe. Đối với rất nhiều người, đó là những điều mới mẻ và hữu ích.
10/10/2014(Xem: 8266)
Vào năm 2004 lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban chiếm toàn bộ khu vực thung lũng Swat, nơi em đang sống bình yên với bố mẹ và hai người em, hằng ngày cắp sách đến trường. Tiếp đó, từ năm 2007, Taliban cấm phụ nữ không nghe nhạc và hạn chế họ lui tới nhiều cơ sở công cộng. Đến 15.01.2009 thì Taliban lại ban hành một sắc lệnh mới cấm các em học sinh nữ đi học, phá hủy khoảng 150 trường học. Thời gian này đài BBC phổ biến một tập nhật ký của một cô gái Pakistan 11 tuổi có tên là Gul Makai bằng tiếng Urdu trên trang Blog của đài BBC. Sau này người ta mới biết được Gul Makai là bút hiệu của Malala Yousafzai.
08/10/2014(Xem: 10168)
Ông Dan Stevenson không phải là một Phật Tử, cũng không theo một tôn giáo có tổ chức nào cả. Ông là một người dân cư ngụ trên đại lộ số 11 ở khu Eastlake của Oakland (California.) Vào năm 2009, khi ông đi vào trong cửa tiệm Ace chuyên bán vật dụng sắt thép dùng trong nhà, ông chợt hứng khởi phát tâm và đã bỏ tiền mua một pho tượng đức Phật bằng đá cao 2 feet (khoảng tương đương với hơn 60 cm). Sau đó ông mang về và gắn tượng Phật này vào một góc đường trong khu gia cư giữa đại lộ số 11 và con đường số 19.
06/10/2014(Xem: 9350)
“The History of Sampan” “Chiếc thuyền này thường xuyên được neo tại đây vốn là chiếc thuyền của người Việt Nam di tản, đã dạt vào bờ này với 167 người lớn và trẻ em vào tháng 5-1980 …May thay một thời kỳ non trẻ đã trôi qua, nhiều kinh nghiệm quý báu đã được tổng kết, người ta đã biết đắn đo hơn khi nói về một thời đã qua. Ngày nay Việt Nam là một cộng đồng hòa hợp tốt đẹp hơn xưa, thậm chí còn là chỗ “thích nghi” cho một số người nước ngoài, là “điểm đến” cho doanh nhân và du khách. Có những điều tưởng như giản đơn nhưng con người cần cả một thế hệ mới hiểu hết. Bài học của hòa hợp dân tộc và lòng cởi mở nhân ái ngày xưa của vua Trần dường như bị quên mất sau nhiều thời kỳ chiến tranh và chia cắt khốc liệt, nay cần phải được ôn lại…
29/09/2014(Xem: 7827)
Không học Phật pháp thì không biết đường nào để giải thoát, nhưng cái thấy trong lúc chứng ngộ – tuyệt nhiên không giống với những gì ta đã học. Tấm bản đồ không phải con đường, càng không phải chỗ mình muốn đến. Nhưng bỏ mất nó thì có mà chết, mà ôm cứng lấy nó cũng chết. Muốn tu học ngon lành, hãy hỏi mấy em hướng đạo sinh cách dùng bản đồ.
26/09/2014(Xem: 12452)
Tâm là nguồn sống vô tận và ánh sáng của tâm là ánh sáng vô tận. Tâm lắng yên phiền não là tâm bình đẳng và thanh tịnh vô tận. Và cũng từ đó ánh sáng vô tận khởi hiện. Ánh sáng vô tận trong tâm ta không thể khởi hiện, vì tâm ta chứa đầy phiền não và phiền não đã tạo thành những chủng tử phân biệt và kỳ thị vận hành liên tục ở trong tâm ta, khiến cho mạch sống vô tận bị tắt nghẽn.
25/09/2014(Xem: 8830)
Thật may mắn khi tôi có duyên lành tham gia khóa thiền 2 ngày cuối tuần 20 và 21 tháng 9 tại Sóc Sơn với sự hướng dẫn trực tiếp của Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng – người đã có trải nghiệm về thiền hơn 10 năm nay và đã hướng dẫn nhiều khóa thiền rất có hiệu quả. Hai ngày của khóa thiền mang tên “Tôi làm việc tôi hạnh phúc” thực sự thay đổi tôi mà tôi không thể không viết ra đây.
25/09/2014(Xem: 13306)
Thỉnh thoảng tôi đi về quê, để được nằm một mình giữa bãi cát trắng xoá với trăng mênh mông và nghe sóng vỗ, để cảm nhận những gì sâu sắc từ cuộc sống cô tịch của con người. Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã nghe từng con sóng từ biển cả thì thầm và ước mơ, rồi đua chen nhau chạy vào bờ để kiếm tìm vùng đất hứa
24/09/2014(Xem: 7579)
Mình là tu sĩ tầm thường Xin cơm bánh trái mười phương phố, làng Có gì hãnh diện, khoe khoang? Lấy gì kênh kiệu, vênh vang với đời? Xin ăn từng vá ơn người Trú an hơi thở chẳng rời bước chân Xả ly từng niệm tham sân Thong dong y bát nẻo gần, lối xa Thuở xưa, Phật cũng vậy mà Trang nghiêm thân giáo, nhà nhà hóa duyên Cho tín tâm nở chợ triền Để không hổ thẹn phước điền nhân gian
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]