Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện ngài Tăng Hộ cháu

16/02/201115:25(Xem: 4157)
Chuyện ngài Tăng Hộ cháu

BÓNG TRÚC BÊN THỀM
Tâm Chơn

Chuyện ngài Tăng Hộ cháu

Hôm qua nói chuyện chiêm bao “nhắm mắt”, “mở mắt” làm tôi nhớ tới chuyện ngài Tăng Hộ cháu.

Chuyện kể rằng, hồi Phật ở thành Xá-vệ, có một thanh niên con nhà khá giả, sau khi nghe Phật thuyết pháp, đã xin gia nhập Tăng đoàn, xuất gia theo Phật. Chỉ trong một thời gian ngắn tinh cần tu tập, vị ấy đã đắc quả A-la-hán. Huynh đệ trong chúng gọi vị ấy là Trưởng lão Tăng Hộ.

Trưởng lão có một cháu trai, con người em gái, cũng tên Tăng Hộ, nên gọi là Tăng Hộ cháu. Tới tuổi trưởng thành, Tăng Hộ cháu cũng xuất gia và tu học cận kề bên trưởng lão.

Vào mùa an cư nọ, Tăng Hộ cháu được thí chủ cúng dường cho hai bộ y tốt. Ngài dành riêng một bộ để cúng dường cho trưởng lão.

Mãn hạ, Tăng Hộ cháu trở về tịnh xá đảnh lễ Phật và thăm trưởng lão. Sau khi làm nhiệm vụ của vị thị giả xong xuôi thì trưởng lão về tới. Tăng Hộ cháu liền ra đảnh lễ và dâng bộ y lên cúng dường cho trưởng lão. Trưởng lão từ chối, bảo rằng “con hãy giữ để mặc đi, thầy có đủ y rồi”.

Đoạn, sau khi trưởng lão rửa chân xong, ngồi nghỉ, Tăng Hộ cháu đứng kế bên liền thưa: “ Bạch thầy, từ lúc nhận y con đã định bụng là để dâng cúng cho thầy. Xin thầy hoan hỉ nhận lấy để cho con có phước.” Trưởng lão ôn tồn đáp: “Con đừng bận tâm, thầy có đủ y rồi.”

Nhiều lần tha thiết thỉnh cầu như vậy mà trưởng lão vẫn không nhận bộ y dâng cúng khiến cho Tăng Hộ cháu cảm thấy buồn buồn. Đứng hầu quạt sau lưng trưởng lão mà lòng dạ của Tăng Hộ cháu héo hắt, nghĩ ngợi lung tung…

“Than ôi! Ở ngoài đời, ta là cháu ruột của thầy. Vào trong đạo, ta được làm thị giả hầu cận bên ngài. Ta đối với ngài vừa là tình ruột thịt vừa là tình thầy trò. Ta một lòng nghĩ tưởng tới ngài mà ngài chẳng đoái hoài tới ta, không thèm nhận đồ cúng dường của ta. Ngài đã không thương ta thì ta còn ở đây làm gì nữa cho thêm phiền não. Chi bằng ta hoàn tục cho xong.

“Nhưng ta đi tu từ nhỏ, bây giờ trở về đời sống thế tục thì biết phải làm nghề gì để sinh sống đây? À! Hay là ta đem bộ y này bán đi rồi lấy tiền mua một con dê cái. Giống dê này mau sinh sản lắm. Khi dê đẻ ta sẽ bán những chú dê con để kiếm tiền làm vốn. Khi có nhiều tiền thì ta sẽ cưới một cô vợ xinh đẹp. Rồi vợ ta sẽ sinh cho ta một thằng con trai kháu khỉnh. Và ta sẽ lấy tên của cậu ta để đặt tên cho nó.

“Rồi ta cùng vợ đẩy xe đưa con ta về tịnh xá thăm cậu. Đi dọc đường, ta muốn bồng đứa con bụ bẩm nên bảo vợ đẩy xe. Nhưng vợ ta cứng đầu không chịu nghe mà còn cãi lại “anh mà ẳm con cái gì, đẩy xe đi, để nó cho tôi”. Miệng nói tay bế, luýnh quýnh thế nào mà vợ ta làm rớt thằng bé xuống ngay đường xe lăn. Ta nổi giận quát lớn “đồ đàn bà hư, có đứa con mà ẳm cũng không xong”. Sẵn có nhánh cây bên đường, ta chụp lấy quất lên đầu vợ ta một cái thật mạnh...”

Và một tiếng “trốc” vang ra từ nơi đầu của trưởng lão. Trưởng lão điềm đạm: “Tăng Hộ! Ngươi quất không trúng mụ đàn bà mà trúng ngay cái đầu của ta đây.”

Liền khi ấy, Tăng Hộ cháu giật mình, hoảng hốt: “Ấy chết! Thầy ta đã chứng tha tâm thông nên biết hết mọi ý nghĩ của ta. Ta làm sao ở đây tu được nữa?”

Nghĩ tới đó, Tăng Hộ cháu liền vất cây quạt, ba giò bốn cẳng vụt chạy nhanh ra khỏi tinh xá. Thấy lạ, các thầy đồng trang lứa rượt đuổi theo, bắt lại, dẫn lên gặp Phật. Đến trước Phật, Tăng Hộ cháu kể rõ ngọn nguồn câu chuyện. Phật an ủi: “Con đừng quá bối rối. Tâm phàm phu thường hay lén lút phiêu lưu như thế. Có khi nó rong ruổi rất xa, ngược xuôi khắp chốn. Cho nên con phải cố gắng khéo canh giữ và rèn luyện cho nó thuần thục, định tĩnh để khỏi bị dẫn dắt, trói buộc.”

Nhân đây mà có câu Pháp Cú 37:

“Chạy xa, sống một mình
Không thân, ẩn hang sâu
Ai điều phục được tâm
Thoát khỏi ma trói buộc.”

Như vậy, so với chuyện “nhắm mắt chiêm bao”, khóc cười trong giấc ngủ, ai cũng hay, ai cũng biết cả rồi thì chuyện “mở mắt chiêm bao” này mới thiệt là đáng ngại.

Mà lạ! Cảnh tượng ấy cứ diễn ra thường xuyên, có khi lồ lộ, có khi âm thầm nơi chính ta, ngay trong từng suy nghĩ, nói năng, hành động hằng ngày mà ta lại không hay biết. Thành ra, ta thường bị nó dẫn đi khắp chốn, mịt mù gió bụi đến quên mất đường về. Những lúc tâm ý phiêu linh như thế, ta chỉ thấy thiên hạ phiền phức đủ điều mà không thấy ra được cội rễ của nỗi khổ niềm đau xuất phát ngay nơi chính bản thân mình. Ta đổ lỗi cho người này người nọ mà chẳng nhìn ra mớ bòng bong đang rối bời trong tâm tưởng ta. Chừng sựt tỉnh thì một tiếng “trốc” làm tan tành tình nghĩa!

Ngoại trừ lúc ngủ, dường như suốt cả thời gian mở mắt ta đều bị chiêm bao. Bưng chén cơm trên tay mà tâm trí ta lặn lội khắp vùng kỷ niệm, chắt lưỡi hít hà với quá khứ buồn vui. Nguy hiểm nhất là khi đang chạy xe mà ta để dòng suy tưởng lan man khắp chốn Đông - Tây, hỉ hả cười tươi trước một tương lai vừa dệt lấy. Nào hay đâu, một trong những nguyên nhân gây ra chứng bịnh đau bao tử là vừa ăn cơm vừa suy tính chuyện đời, cũng như vấn đề tai nạn giao thông một phần là do vừa lái xe vừa thả hồn bay bổng...

Nói chung, chỉ riêng cái chuyện ngồi đây nhớ kia, làm việc này nghĩ việc nọ, thân một nơi tâm một ngả cũng đủ làm phát mệt cho ta và người rồi, huống hồ còn thiếu tập trung đến nỗi động đậy miệng mồm, múa máy tay chân thì thiệt là “tội nghiệp”!

Cho nên, để tránh vấp phải trường hợp “mở mắt chiêm bao” thì chúng ta phải gắng canh chừng cái tâm lăng xăng của mình. Trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy cách điều phục tâm của mình “giống như chăn giữ con trâu, cầm gậy canh chừng, không để nó buông lung xâm phạm vào lúa mạ của người”. Chúng ta cũng thường nghe ông bà mình nhắc nhở con cháu khi làm việc gì phải giữ ý giữ tứ, nghĩa là ý thức được việc mình đang làm mà trong Phật giáo gọi là phải chánh niệm tỉnh giác.

Và khi có chánh niệm tỉnh giác thì cái cảnh “mở mắt chiêm bao”, vọng tưởng đảo điên cũng tức thời tan biến. Trong mỗi phút giây ta làm chủ được ý nghĩ, lời nói và hành động của mình rồi thì quả thật “Tịnh độ là đây”!

Tuy nhiên, để được như vậy thì không có cách nào khác hơn là phải siêng năng tinh tấn tu tập!

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 8257)
Chúng tôi đi với hai mục đích chính: Thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam chiêm bái các Phật tích và viết một quyển ký sự để giới thiệu các Phật tích cho Phật Tử Việt Nam được biết.
09/04/2013(Xem: 4809)
Đường lên Tây Tạng. - Trình bày: Jordan Thiện, An Lạc & Nhất Tâm
09/04/2013(Xem: 15221)
Một sự tình cờ mà cũng là một cơ duyên khiến chúng tôi được gặp Thầy Huyền Diệu hai lần tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2002. Thầy là người kín đáo trong giao tiếp và xem ra không muốn được người khác chú ý hay nhắc nhở tới mình.
09/04/2013(Xem: 8265)
Kính lễ Đức Thế Tôn. - Ví tính: Chúc Khâm Giác Anh Trình bày: Trúc Giang - Trúc San - Quảng Thanh
09/04/2013(Xem: 4627)
Nhìn qua cửa sổ, cái hồ còn dày đặc sương mù, thỉnh thoảng cơn gió thổi qua, rượt bắt, xua đuổi sương dạt về một hướng, hiện rõ trên mặt hồ những cơn sóng nhỏ, mỏng cánh như từng thìa nước. Sóng nhấp nhô, chơi vơi, nối lìền, từng đợt nầy kết nối với đợt sóng khác.
09/04/2013(Xem: 5400)
May mắn làm sao, hôm đó chúng tôi có dịp đi chùa Thầy vào đúng ngày mồng một. Mùa thu xứ Bắc, trời không một chút nắng, thỉnh thoảng có mưa lâm thâm. Người miền Nam ra Bắc chỗ nào cũng muốn đi, muốn đến.
09/04/2013(Xem: 5277)
Chùa Thầy tên chữ là “Thiên Phúc Tự” nằm ở chân núi Sài thuộc địa phận xã Sài Sơn – huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Nam. Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) lưu dấu tu hành của một vị cao tăng thời Lý, Thiền sư Từ Ðạo Hạnh.
09/04/2013(Xem: 4986)
Aurangabad, Ấn Độ – Nếu bạn nghĩ rằng thời trang chỉ dành cho quần áo thì bạn nhằm rồi. Các hang động tráng lệ Ajanta và Ellora cách thành phố Aurangabad không xa lạ một trong số những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất vào thời gian Ấn Độ giành được độc lập.
09/04/2013(Xem: 5375)
Về Lumbini, khách hành hương thường đi từ Ấn Độ sang sau khi đã thăm viếng các thánh địa Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Sarnath (vườn Lộc Uyển), Kausinara (Câu Thi La), vì Nepal có chính sách visa miễn phí cho các du khách chỉ ở trong vòng 3 ngày. Các công ty du lịch tận dụng điểm này để tiết kiệm chi phí.
27/01/2013(Xem: 6281)
100 địa danh du lịch nổi tiếng ở Pháp Quốc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]