Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III

28/06/201318:45(Xem: 2256)
Chương III

Viễn chinh Nam Kỳ

Nguyên tác: Histoire deL’EXPÉDITION DE COCHINCHINE en 1861

Người dịch: Hoang Phong

---o0o---

CHƯƠNG III

Ðề cương:

Kế hoạch chiến dịch đánh chiếm Saĩgon _Hạm đội chế ngự sông Don-naĩ_Giới tuyến các chùa cầm chân quân địch; quân viễn chinh dàn quân hình cung, phong tỏa thành Kì hòa, đặt quân An nam trong thế phải lựa chọn, hoặc phải chống trả, hoặc phải chịu nghiền nát và phân tán trong một trân đánh úp duy nhất.

Ngay hôm thủy sư đề đốc tổng tư lịnh viễn chinh đến Saĩgon, quân ta vẫn không lơi tay chuẩn bị trận chiến Nam kỳ. Tại Woo-sung, quân viễn chinh qui trước đây được phân phát khí giới, hành trang và đưa lên tàu. Tại Saĩgon, quân sĩ đã đến từ trước cũng ở thế sẵn sàng tiến quân và chiến đấu. Cách bố trí và địa điểm chiến lược đã được quyết định xong, tình báo các nơi cũng đã thu thập và bổ xung. Trọng trách được phân phối, các vấn đề cá nhân trong quân ngũ cũng được giải quyết xong. Thành phần quân đoàn thủy binh đổ bộ được lệnh tập họp; tiểu đoàn này gồm 900 người, chia thành 9 đại đội, trong số có một đại đội mệnh danh là thủy binh đột kích giữ vai trò của công binh, đánh mở đường; đại đội đặt dưới sự chỉ huy của đại úy hải quân de Lapelin.

Thủy sư đề đốc nghe Ðại tá Tây ban nha, cựu chỉ huy trưởng Saĩgon, phúc trình về các công tác của mình; vị đại tá này vừa chấm dứt nhiệm vụ phòng thủ Saĩgon suốt trong một năm qua. Thủy sư đề đốc cùng với các vị chỉ huy công binh và pháo binh đi xem xét cánh đồng Kì hòa và sau đó ông cũng đi quan sát đường giới tuyến phòng thủ do chuẩn đề đốc Page vạch ra từ kinh Avalanche cho đến đồn Caĩ-maĩ; ông muốn biết chắc đường giới tuyến này đất phải khô, khả dĩ có thể dùng cho pháo binh, mặc dù trên cánh đồng mênh mông của đường giới tuyến có nhiều ụ đất và hố nhân tạo. Sau khi quan sát, và thấy rằng với phương tiện hết sức dồi dào của đạo quân viễn chinh hiện nay, ông có thể đánh bọc hậu bất ngờ quân An nam trong khi họ đang bận lo phòng thủ ở mặt trước và hai bên cánh. Do đó, ông quyết định kế hoạch hành quân như sau mà các vị chỉ huy công binh và pháo binh phải nghe theo. Một mặt, hạm đội ngược sông Don-naĩ, phá xập các chướng ngại do địch dựng lên, phá các đập chắn, san bằng đồn lũy và kiểm soát toàn bộ thượng lưu sông. Tiếp đó là đường tuyến các chùa của ta phải đối đầu và kềm giữ cánh mặt của địch quân; đường tuyến này sẽ xử dụng pháo binh mạnh mẽ, dựa vào các công sự mới và vòng đai chiến thuyền neo trên sông Saĩgon, mục đích để cầm chân và dồn địch vào thế bất lực. Sau đó, từ đồn Caĩ-maĩ dùng làm căn cứ hành quân, toàn thể đạo quân viễn chinh sẽ tiến lên đánh gãy tuyến phòng thủ An nam tại một điểm thứ nhất, tiếp tục dùng điểm tựa này tiến lên, tránh tầm đạn của địch bọc ra phía sau để vây hậu tuyến thành Kì hòa. Từ vị trí này rất gần sông Don-naĩ, quân viễn chinh sẽ phối hợp với hoạt động của hạm đội trên sông khép kín gọng kềm mà nghiền nát địch quân. Trong khi ấy quân An nam khi bị cắt rời với kho Tong-kéou, bị vây hãm trong vòng đai sắt, không còn giải pháp nào khác, họ buộc phải đánh hoặc bị tấn công và nghiền nát. Tuy nhiên địch vẫn còn một đường tháo thân, nếu trong khi kịch chiến ta không đặt một đội quân canh chừng tại đây. Ðó là đường giám mục Adran; nhưng muốn đến được đường này thì địch phải vượt qua vùng đầm lầy thuộc kinh Avalanche.

Ðây chỉ là đường tháo chạy chớ không phải là đường rút lui trong trật tự[1].

Ðể bảo đảm tốt đẹp chương trình hành quân nên việc bố trí phải được thực hiện ngay không chậm trể. Chuẩn đề đốc Page nhận lịnh chỉ huy hạm đội ngược sông Don-naĩ lên thượng lưu và các phụ lưu, hóa giải quân địch không cho đổ quân vào vùng đồng bằng Bien-hoa. Các tàu chiến của hạm đội chuyển xuống các chùa Barbet, chùa Clochetons, chùa Caĩ-maĩ một số các đại pháo 30 ly nòng có khía [2]và súng cối 80 ly tạo ra một giàn hỏa lực thật khủng khiếp. Các nhóm quân đóng rải rác phía sau đường tuyến các chùa cho đến thành phố Tàu, dùng làm hậu quân, phải di chuyển về gần đồn Caĩ-maĩ, vì đồn Caĩ-maĩ sẽ là nơi xuất phát của các nhóm quân này để kết hợp với đại quân cùng tiến lên Quân lính chiếm đóng các căn nhà lớn bỏ hoang của dân chúng, nhà cất theo kiểu địa phương, mái thật nghiêng và hiên thấp chỉ cách mặt đất khoảng bốn chân [3]Rắn rít đầy dẫy. Ðêm, lính canh phải thận trọng; mỗi đầu người đều được quân An nam ra giá; chuyện đại úy Barbet bị ám sát là một cảnh cáo thảm khốc mà mọi người đều nhớ. Quân An nam tấn công thẳng lại không sợ, nhưng phải cảnh giác khi bị phục kích bất ngờ: địa thế đầy bụi rậm, kẻ thù thì bò và trườn như một con thú dữ [4]. Tình trạng đặc biệt như vừa kể cho thấy cái hãi hùng không tả nổi trong tiếng kêu cứu của những người lính canh.

Quân sĩ nôn nóng hăng say chờ đối đầu với kẻ thù. Cho đến giờ phút này các giới tuyến vẫn im lìm; từ chùa Clochetons ta thấy thoang thoáng các chướng ngại vật của người An nam, chẳng hạn như các cành lá úa vàng, rậm rạp và chằng chịt trên đầu tường thành. Những chòi canh có mặt bằng phẳng để đứng, một bóng người thấp thoáng, thế thôi. Chiến tuyến địch trải rộng mười sáu cây số; tổng số địch quân theo tin đồn lên đến 30000 người, ta và họ chỉ cách nhau có vài trăm thước nhưng ta thì không trông thấy họ; ta còn nghe nói họ có những chỗ cố thủ hiểm hóc trong thành; cũng nên kể thêm tính cương ngạnh của giống dân này, sức chống cự của họ và ta thì đã đánh suốt một năm chẳng được gì hết, tất cả cho thấy tầm quan trọng của địch và trận chiến sắp xảy ra. Nhưng ngày nay không còn ai nhớ tới sức mạnh đó của địch. Về sau này, khi tường thành Kì hòa bị san bằng, các bàn chông và chà gai bao phủ trở thành một lớp tro đen, khi kẻ thù bại trận, lang thang và khốn khổ, thì những người từ Pháp đến, cứ lấy hôm nay để đoán ngày xưa, rồi chế nhạo khi dễ giá trị quân sự của người An nam, không chịu phân biệt gì hết mà coi quân An nam chỉ là bọn giặc cướp.

Trong khi chờ đợi những cuộc dấn thân sắp đến, quân sĩ tìm thấy trong đời sống trước mặt một nguồn sinh lực mới, một sự vui nhộn tràn trề, mà sau này không ai tìm thấy trong các cuộc hành quân viễn chinh khác. Những người đã trải qua giai đoạn này đều coi đó là một giai đoạn lý thú và độc đáo trong cuộc đời mình. Cái mới lạ và vẻ đẹp của quang cảnh Saĩgon thật dịu dàng và duyên dáng, tạo ra một bối cảnh hết sức quyến luyến khi chợt nghĩ rồi đây sẽ phải rời xa nơi này[5]Kinh Tàu và đường cái nối tiếp với kinh này trên đất thật đông người và nhộn nhịp, đầy thực phẩm, súng ống và đạn dược chiến tranh. Trên mặt kinh các tàu sa-lúp màu xám, trước kia chuyên chở quân lính đưa lên tàu tại Peh-tang, nay thì chuyên chở các khẩu đại pháo nòng có khía và các ổ súng cối, bàn đặt súng và những quả đạn dài đầu nhọn [6].

Kinh Tàu, mà ta vẫn thường nghe nhắc tới khi nói đến Saĩgon, rất có thể là một con kinh do người đào, hoặc ít ra cũng do tay người sửa và vét giúp cho tàu bè thông thương. Kinh tách ra theo một hướng thẳng góc với sông Saĩgon, ăn sâu vào vùng đồng bằng, mặt nước phẳng và đều, rộng độ 100 thước. Kinh Tàu nối liền với kinh Thương mại[7], kết hợp với các kinh khác rồi đổ vào sông Cambodge [8]tạo ra đường lưu thông huyết mạch cho việc buôn bán trong toàn vùng Nam kỳ miền dưới. Khi rời khỏi Saĩgon, dọc hai bên bờ kinh vương lên nhiều chòm cây mảng cầu [9], cây mít, cây bông lài rất thơm, dứa gai và lau sậy. Cây cối trên bờ bên trái [10]che khuất những ruộng lúa mênh mông xa tít tới chân trời. Dẫy cây bờ bên phải, thỉnh thoảng có chổ trống để lộ ra một cái miếu [11]nhỏ, miếu dựng lên để thờ một vị thần quen thuộc của địa phương; trên bờ có nhiều căn nhà xinh xắn của người An nam, lợp ngói, nhà có trồng xương rồng bao kín chung quanh không cách gì chui qua lọt.

Một con đường cái tình trạng bảo trì khá tốt, rộng như một tỉnh lộ của ta ở Pháp, có cây xinh xắn che mát, đường chạy dài song song với kinh Tàu chỉ cách khoảng 200 thước. Ðó là một đoạn trên con đường từ Saĩgon đi My-thô. Từ Saĩgon xuống, bên phía mặt là các chùa đã biến thành đồn của ta như đồn Barbet, đồn Ao, đồn Clochetons, đồn Caĩ-maĩ. Cũng về bên phía tay mặt, xa xa sau mặt đường, đất đai có vẻ cao hơn một chút trải rộng tới chân trời. Các chòm cau và cây cối xanh tươi không còn nữa, chỉ thấy cây cỏ cằn cọc, vàng úa, thấp lè tèTất cả đều cằn cỗi và buồn thảm dưới bầu trời nung đốt; vài mô đất, vài nấm mồ sơn sáng chói trang trí tranh vẽ trên vách mộ là tất cả những gì đập vào mắt ngưòi nhìn. Cánh đồng mênh mông đó chính là cánh đồng Kì hòa. Xa hơn nữa là tuyến phòng thủ An nam, vách thành thấp, tiệp với màu đất, nếu không có bóng vài kỵ mã và chòi canh thì khó mà nhận ra thành Kì hòa.

Thành phố Tàu, dân địa phương gọi là Cho-luen, tên có gốc tiếng tàu[12], trải dài hai cây số dọc hai bên bờ kinh. Quang cảnh nhộn nhịp, cu-li Tàu và An nam tấp nập khuân vác gạo, tiền bằng đồng, dê nhỏ và cá khô. Các mái ngói màu đỏ nổi bật giữa các chòm cau giống như nơi thôn dã; thân cau thẳng băng và có khía tưởng chừng như đã từng làm mẫu cho các cột của thành quách Hy lạp. Viễn cảnh trông thấy ở khúc quanh đầu tiên của kinh tràn đầy vẻ dịu dàng, mềm mại và thanh lịch. Thật nhiều cầu nối liền hai bờ sông. Càng ra xa Saĩgon hơn, vườn tược rộng hơn, nhà cửa dần dần thưa thớt và riêng biệt hơn. Cho-luen không giống thành phố Âu châu chút nào, mà cũng chẳng giống với một thành phố Tàu hay An nam nào cả. Người ta có thể nói đây chỉ là một nơi gom tụ của một số nông trại giàu có. Sân nhà không có tường che khuất như bên Tàu, nên người ta có thể trông thấy vào giờ cơm, trong sân có kê ba cái bàn theo hình tam giác. Bàn trong cùng, kê cao hơn hết, dành cho chủ nhân, con cái, bạn hữu và người quản gia ngồi; cu-li thì ăn ở hai bàn còn lại kê thấp hơn. Lối sống giữa trời như thế cho thấy cái vẻ oai vệ của chủ nhân. Trên mặt kinh luôn luôn tấp nập, thuyền bè kẹp sát nhau, chỉ còn một lối nhỏ ở giữa. Khi nước ròng, mực nước rút xuống thật thấp, chỉ còn một dòng nước nhỏ như một con suối, đủ cho thuyền thật mỏng lưu thông; ghe thuyền khác thản nhiên cạn sình hai bên bờ mà không hư hại gì cả.Các ghe tàu này chỉ xử dụng ở nước ngọt, sơn bóng loáng bằng một thứ dầu nội hóa, trông có vẻ nhàn hạ phong lưu.

Thành phố Tàu là chìa khóa của tất cả thương nghiệp tại Nam kỳ miền dưới. Ai kiểm soát được thành phố này là nắm hết khả năng sinh hoạt của dân chúng trong phần đất An nam này. Các đồn Clochetons và Caĩ-maĩ sẽ giữ nhiệm vụ đánh chiếm thành phố Tàu; một tàu chiến loại lorcha[13]kiểm soát con kinh mà hai bên bờ là Cho-luen, tàu mang tên Jajaréothả neo ngay cửa vào thành phố Cho-luen; do một đại úy hải quân chỉ huy, phụ tá lại là một trung úy thủy quân đánh bộ, đây là một trong những việc trớ trêu ngược đời trong trận chiến kỳ lạ này. Thành phố Tàu xây cất theo lối xưa, người Tàu sống ở đây chia ra thành từng bang hay hội đoàn, có thiết lập hẳn hoi quy uớc và xác định những ngoại lệ khỏi đóng góp. Nhiều người thật giàu có; một số người thuê trực tiếp các tàu Âu châu để gởi đi Ấn độ, đảo Réunions hoặc đi Tàu. Cũng phải xác nhận rằng ngày nay tình thế khó khăn vì sự chiếm đóng của Pháp, thương gia tại Saĩgon dựa vào giá cả của thị trường Hong-kong và Shang-haĩ, nhưng có khi biết có khi không, vì thế người Tàu lập hẳn một hệ thống chuyển thư riêng của họ giữa Saĩgon và Canton.

Trong suốt vùng Cho-leun thuộc tỉnh Gia-dinh, chùa và miếu (bàn thờ nhỏ để chuộc tội) thật là nhiều. Các miếu thờ xây cất rất trang nhã và giống hệt nhau, tương tự như các đền miếu bên Tàu. Ðền miếu xây cất có lẽ do tiền quyên góp của dân buôn bán người Tàu. Dân Tàu cũng dững dưng với tôn giáo như dân An nam, nhưng họ giàu hơn và muốn khoe khoang của cải[14]

Bốn cảnh chùa mà chuẩn đề đốc Page, một năm trước đây, đã biến thành đồn để phong tỏa Saĩgon thì nhìn từ xa cũng thấy rõ nhờ trên mái có các con rồng thật đặc biệt, những con cá đứng dựng trên đuôi và tượng chó có mắt người ta[15]theo mẫu gốc đặt ở lâu đài Yuen-minh-yuen; chắc chắn các hình tượng này không phải là các sáng tạo tùy hứng do trí tưởng tượng của người Tàu mà ra. Cảnh sân trước chùa đều có trồng loại cây dương Ấn độ có lá lớn gọi là cây Mahâ-phot, dưới một trong các cây này ông Phật đã được vua các thiên thần là Indra phong làm thầy tu.

Cảnh chùa Barbet mang tên một đại úy thủy binh bộ chiến trước kia đã từng cai quản chùa này, ông bị ám sát và bị cắt đầu nơi khúc quanh thứ nhất trên con đường dẫn đến chùa Ao. Buổi chiều hôm đó, ông cởi ngựa đi tuần tra như thường lệ. Bọn sát nhân rình rập trong một bụi cây, sau này người đi ngang đây còn chỉ chỏ cho nhau biết. Ông ta bị đột kích bằng giáo té ngay xuống ngựa. Bọn An nam liền cắt đầu, bò qua các bụi rậm và cỏ cao trở về giới tuyến cũ của thành Kì hòa. Sáng hôm sau, người ta thấy phần thân thể còn lại bị kéo bỏ bên vệ đường; con ngựa bị thương nằm bất động kế bên. Người ta kể lại rằng khi cái đầu ông đại úy đem đến đặt kế bên khay trầu của vị tướng An nam thì ông này liền đếm tiền thưởng mà không nói gì, rồi sau đó mới thốt ra một lời tiếc thương. Ðại úy Barbet có thân hình và một sức mạnh lực sĩ, tất cả người An nam đều biết mặt ông.

Chùa Ao trước kia rất nổi tiếng vì là nơi hành hương cho những người đi buôn bán từ My-thô trở về. Chùa có hai ao nên gọi là chùa Ao, một lớn một nhỏ, nước dơ bẩn, thường thấy thỉnh thoảng có xuất hiện loại cá sấu caĩman.

Chùa Clochetons hơi xa hơn các chùa kể trên nhưng cũng trên đường từ Saĩgon đi My-thô. Chùa xây cất giữa một cánh đồng mồ mả. Các tượng thần [16]sơn vàng, chất đầy chung quanh các gian phòng trong chùa, vẻ mặt tượng trưng một trạng thái gần hoàn toàn thoát tục. Một đàn gà bươi móc khắp nơi, lính thủy và bộ binh nhìn thấy mà thèm. Trên bàn của các sĩ quan có để vài chai rượu vermouth và absinthe; trước mặt đồn súng 30 ly nòng dài có khía xếp thành hàngtrên các bệ bắn, lớp sơn đen trầy trụa vì súng phải khiêng lên khiêng xuống. Các chùa hay đồn binh của ta vừa kể giữ nhiều vai trò: vừa là nông trại, đồn canh gác và pháo đội.

Các vị thần phật giáo hình như đang lạc vào một thế giới khác; nụ cười mỉm của tượng, tuy nhân bản hơn là chế nhạo, nhưng hình như cũng đồng lõa với những nỗ lực của ta đang xảy ra trước mặt. Cảnh các tượng thần trước sự nhộn nhịp của đám người phục dịch bận rộn tíu tít và sức mạnh xâm chiếm của một giống dân tuy lo âu nhưng mạnh mẽ đã tạo ra một sự tương phản lạ lùng[17]

Chùa Caĩ-maĩ là điểm chốt xa nhất trên tuyến phòng thủ của quân viễn chinh, cánh mặt của đường tuyến bắt đầu từ kinh Avalanche. Chùa là vị trí tiền tuyến nhất mà trước đây ta đã chiếm được của người An nam. Chùa xây trên một gò đất cao do người đắp. Bên trong chùa các chi tiết trang trí cũng giống như các chùa khác. Phía trước mặt đồn Caĩ-maĩ là đồn An nam ta gọi là Redoute, đồn này là tiền đồn của cả hệ thống phòng thủ của địch quân, cạnh bên là một vùng đầm lầy làm chướng ngại thiên nhiên. Chùa Caĩ-maĩ của ta mấy ngày sau bất ngờ được xử dụng làm kho tồn trữ đạn dược cho pháo binh và lính bộ.

Công việc nâng các giàn trọng pháo 30 và các ổ súng cối 80 lên bàn bắn rất là nặng nhọc, các người cai thủy thủ đảm trách việc này. Trung tá pháo binh đánh bộ là Crouzat chỉ huy một đội pháo binh phá thành và một đội pháo binh chiến thuật phải huy động hết mọi người trong tay ông. Chỉ trong bẩy ngày các bệ bắn được xây đắp xong, súng từ tàu chuyển đến được nâng lên bệ bắn cùng với một trăm quả đạn cho mỗi súng. Chùa Barbet nhận được 3 ổ súng cối 80 và hai dàn phóng hỏa tiển tấn công 125 ly; chùa Clochetons nhận 4 khẩu đại bác của hải quân nòng 30 có khía; chùa Caĩ-maĩ một khẩu 30 nòng có khía và một ổ súng cối 80. Các thủy thủ trước đây trách nhiệm về các khẩu súng này trên tàu được phân phối gởi theo để tiếp tục đảm trách việc xử dụng.

Ngày 16 tháng hai, vị tổng tư lịnh rời tàu Impératrice-Eugénie, tàu bèn hạ cờ hiệu của tổng tư lịnh xuống rồi chở toàn bộ tổng hành dinh đến trụ sở mới tại một công sự gần phía sau đồn Barbet. Vị tổng tư lịnh giao cho đại úy hải quân de Surville[18]điều khiển các chiến hạm neo dọc trên sông Saĩgon. Vị sĩ quan cao cấp liền gom tất cả thủy thủ đoàn của các chiến hạm trong tay ông để thành lập các đại đội chuyên chở tiếp liệu, đồng thời cũng cung cấp pháo thủ cho các đại bác nòng có khía đã chuyển đến các chùa; suốt hai mươi ngày, họ phải cong lưng chèo chống, từ sáng đến tối dưới bầu trời thiêu đốt, vận chuyển một số lớn các thiết bị lưu động cho cả đạo quân, dù chỉ là một đạo quân nhỏ. Rồi đây họ lại được nghe các dàn đại pháo lẫn tiếng súng nhỏ từ các trận đánh vọng lại. Họ chỉ biết chiến đấu qua việc tải thương, cứu cấp và an ủi quân sĩ bị thương. Vai trò đòi hỏi một tinh thần hy sinh cao độ. Vị chỉ huy hải quân de Surville khuyến khích để giúp họ đủ sức kiên nhẫn chịu đựng những khắc nghiệt trong công tác khó khăn của họ.

Trung tá Crouzat bố trí và hướng dẫn toán dọ thám cho biết chắc chắn chỉ có phía trước và bên trái đồn Caĩ-maĩ mới có đường di chuyển cho pháo binh để tiến đến một vị trí đất cứng cách tuyến địch độ một ngàn thước. Ðường dùng cho pháo binh cần phải san bằng, công tác giao cho một đội công binh biệt phái và một đại đội trên chiến hạm Impératrice-Eugénieđảm trách; quân sĩ làm đường phải chịu hỏa lực của địch rất khó chịu nhưng không ai bị trúng đạn._Ngày 19 tháng hai, 20 hỏa tiển phóng hỏa 125 ly của hải quân và 32 hỏa tiển của bộ binh đầu 90 ly sơn đỏ được phóng đi từ chùa Barbet đến một địa điểm cách xa chừng 5 cây số nằm trong phần doanh trại của địch, mục đích làm cho địch bối rối và lo âu. Ngày 21 và 22 tháng 2, ta tiếp tế thêm cho chùa Caĩ-maĩ, nơi làm điểm tựa để chuyển quân đánh bọc hậu, gấp đôi số đạn dược cho pháo binh và thêm 50 000 viên đạn cho lính đánh bộ.

Trên bộ các đội quân viễn chinh tiếp tục bố trí, trên sông Don-naĩ các hoạt động cầm chân địch cũng được phối hợp và phân bố. Vị phó thủy sư đề đốc chỉ huy trưởng vạch ra chương trình hành quân cho chuẩn đề đốc Page như sau:

‘’Tôi thật vinh dự cho ông biết các chiến hạm Avalanche, Sham-Rockvà pháo hạm số 31 phối hợp với chiến hạm Renomméeđể lập ra một sư đoàn dành cho ông hành quân phía thượng lưu sông, chiến hạmRenomméesẽ mang cờ lệnh của ông.

‘’Khi tới ngang địa phận Go-viap, và sau khi đã vượt được hết các chướng ngại có thể cản trở hạm đội của ông xong, thì ông biệt phái pháo hạm số 31 ở lại kinh này. Pháo hạm phải hoạt động thật cẩn thận đừng để bị thiệt hại. Tại vị trí đó, pháo hạm tận dụng tất cả những phương tiện sẵn có để canh chừng và chận đứng mọi di chuyển của địch quân, cấm bất cứ ai có vẻ nghi ngờ vượt từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia.

‘’Phần ông thì đem các chiến hạm Renommée, AvalancheSham-Rocktiếp tục tiến lên đến ngang địa phận Thu-yen-mot, cương quyết gây khó khăn cho địch trong việc di chuyển giữa hai bờ sông, nếu có thể thì cắt đưt hẳn sự di chuyển của họ.

‘’Ông có thể vượt xa hơn Thu-yen-mot trong nhất thời nếu ông thấy có lợi thế cho ông, cứ tùy cơ xử trí để đạt mục đích tôi vừa chỉ định.

‘’Tôi giao cho ông trọng trách đối xử với dân chúng khi họ không gây hấn gì. Tạo cho họ tin tưởng là điều quan trọng, đồng thời cũng nên phô trương cho họ thấy các phương tiện mạnh mẻ của ta.’’

‘’Nếu trong vòng ngày mai bố trí xong thì ông lên đường ngay khi thấy thủy triều lên.’’

Trong mục đích kềm giữ hoàn toàn quân địch trong vòng thành của họ (xem bảng hình 1 và 2), pháo hạm số 18, sau khi chuẩn đề đốc Page xuất quân, sẽ lên đường đến một vị trí trên kinh Avalanche, giữ cách xa tàu lorcha Espérancemột quảng ngắn. Pháo hạm 18 giữ trọng trách cắt đứt liên lạc của địch qua lại giữa hai bờ sông và phá xập cây cầu thứ hai bắc qua kinh. Tàu được cấp thêm đạn đại pháo và súng trường._ Về phía mặt trận tuyến, pháo hạm số 31 vì nằm ở một vị trí lẽ loi tại Go-viap nên nhận được lịnh phải hành động thật thận trọng, luôn luôn giữ chổ nước sâu, sông rộng để xoay trở dễ dàng._Sau hết là pháo hạm số 16, tàu lorcha Jajaréo, pháo hạm số 27 và tàu lorcha Saint-Josephgiữ vị trí bên cánh trái của quân ta; hai chiếc trước tiến vào kinh Tàu, hai chiếc sau tiến vào kinh Rach-cat tại cửa sông Rach-baoum, tức chỉ cách thành phố Tàu khoảng năm dặm. Pháo hạm số 27 nhận quân biệt phái từ tiểu đoàn 2 bộ binh, nhóm quân này trước đây đã từng tăng cường cho thủy thủ đoàn Saint-Joseph. Ngày 17 tháng 2, pháo hạm số 27 kéo tàu lorcha về hướng ngã ba sông Don-naĩ và Soi-rap, đổ theo sông Soi-rap đến một phụ lưu là sông Rach-cat; pháo hạm tiếp tục kéo theo tàu Saint-Josephngược sông Rach-cat rồi dừng lại giữ vị trí ở cửa sông Rach-baoum. Tất cả bốn tàu hợp sức kềm giữ địch quân bên cánh trái của ta và tạo ra hai đường tuyến phòng thủ riêng biệt nằm phía sau giới tuyến các chùa, mục đích là vừa làm hậu thuẩn cho giới tuyến này vừa làm cho bọn An nam không còn trông cậy gì được vào các trục giao thông trên sông ngòi. Liên lạc giữa pháo hạm số 27 và tổng hành dinh sẽ do pháo hạm số 16 và đồn Caĩ-maĩ đảm trách.

Vị chỉ huy trưởng liền cho quân sĩ hay là thời cơ sắp đến. Ông nói với quân sĩ rằng người Pháp gây chiến với hoàng đế của dân An nam, chớ không phải với dân An nam; quân đội viễn chinh Nam kỳ phải bảo vệ người dân vô tội, của cải và việc buôn bán của họ.

Với các dân tộc An nam, ông thông báo sự hiện diện của ông tại đây và mục tiêu của cuộc chiến; ông vạch cho họ cách xử trí bằng những lời lẽ như sau:

‘’Charner, đề đốc thủy sư Pháp, chỉ huy trưởng toàn thể lực lượng viễn đông, đại diện toàn quyền trong việc bình định đế quốc An nam,

Nhắc cho dân chúng tỉnh Saĩgon và tất cả các quận lỵ tùy thuộc tỉnh này biết rằng đế quốc Pháp và vương quốc Tây ban nha đồng tình trong cùng một ý chí, kết hợp sức mạnh chung đến đây để hạch hỏi chính quyền An nam phải giải thích lý do về tất cả các hành động bội ước và vô ơn mà họ phải nhận tội. Vì lẽ đó, chúng tôi tuân lịnh tôn nghiêm của đại hoàng đế chúng tôi để đến đây cùng quân sĩ tra hỏi ngọn nguồn về tất cả những gì đã xảy ra từ trước.

‘’Chắc chắn không phải chúng tôi đến đây để gây khổ sở cho dân chúng. Trái lại, điều thiết tha lớn nhất của chúng tôi là che chở và mở đường thương mại cho họ để càng ngày càng làm cho họ giàu có thêm. Chúng tôi hứa sẽ đem tới hòa bình và bảo vệ hoàn toàn của cải của họ, tính mạng và nhà cửa của họ, không làm gì thiệt hại đến tất cả quan chức dân sự nào, quân sĩ nào, người dân nào chấp nhận mọi sự việc với một tấm lòng lượng thiện. Sự che chở này cũng sẽ mở rộng cho tất cả, không phân biệt những người đã quy phục chúng tôi cũng như những người chưa có cơ hội để làm._Nơi nào quân sĩ chúng tôi không đi ngang thì cứ thản nhiên buôn bán như thường lệ, không rối loạn và không lo sợ gì cả. Còn những ai, trước kia vì nhất thời khiếp sợ uy quyền của chúng tôi mà trốn chạy, và những ai, cho đến bây giờ vẫn chưa kết hợp với dân tộc chúng tôi, nếu có ý chí thật sự muốn quy phục thì chúng tôi vì lòng nhân từ sẽ đón rước và che chở không nệ gì về quá khứ.

‘’Những lời hứa hẹn hòa bình vừa ban ra, xuất phát từ lòng thực tâm của ngưòi tổng tư lịnh, không phải là những hứa hẹn chốc lát có hiệu quả ngắn hạn, mà là những lời hứa khẳng định và vĩnh viễn’’

Tất cả các cánh quân đã bố trí xong, quân sĩ sẵn sàng tiến lên và chiến đấu. Vị tổng tư lịnh chỉ thị các hàng tiền tuyến sẽ tấn công ngày 24 tháng hai.



[1]Phúc trình do vị chỉ huy của một trong các lực lượng đặc biệt cho biết như sau:

‘’Ðể đánh bật địch quân ra khỏi trại của họ, thì phải đánh trước mặt hoặc bên cánh trái, hoặc bên cánh phải. Tấn công trước mặt thẳng về hướng Saĩgon, sẽ gay go và thương vong nhiều, địch dồn về mặt này đông nhất, phương tiện phòng thủ cũng tốt nhất. Vững tâm trong vòng đai cố thủ, địch sẽ chống cự đến cùng. Còn như tấn công bên trái của địch quả là khó khăn, vì lý do phải vượt qua đầm lầy để xáp đến gần địch. Vậy chỉ còn cách là tấn công bên cánh phải của địch mà thôi.’’

Vì những lý do vừa kể, ta chỉ cho lịnh tấn công bên trái khi nào tấn công trước mặt gây tổn thất thương vong quá nhiều và khi tấn công bên phải sẽ gần nhưkhông thực hiện nổi vì các chướng ngại thiên nhiên. Nhưng thật ra cũng không đúng như vậy vì ta chưa kể đến sức mạnh của cả hạm đội trên thượng lưu sông Don-naĩ, và địch thì không thể diđộng được ở bất cứ điểm nào dọc theo tuyến các chùa của ta. Nhưng nếu kể như quân viễn chinh tiến lên từ cánh trái của mìnhđánh bật được quân địch ở tiền tuyến của họ mà ta gọi là Redoute đểgây thêm càng lúc càng khó khăn cho địch, thì chương trình hành quân sẽ không thiết lập dựa vào phương pháp loại dần các giải pháp; mà nó là hậu quả hợp lý vàđúng theo sự bố trí của ta trên các mặt sông và dọc theo đường giới tuyến các chùa.Tấn công thẳng vào mặt trước của địch chẳng những tự gây tổn thương hết sức nặng, mà điều sai lầm là ta không chú ý tới hai tác dụng cực mạnh khác là hạmđội và vòng đai đại pháo kéo dài từ kinh Avalanche đến đồn Caĩ-maĩ mà ta sẵncó. Vả lại, chắc chắn quân địch, khi yên trí trong vòng thành phòng thủ, sẽ chống trảđến cùng; và còn có thể dựa vào cách tổ chức từng khu công sự riêng trong doanh trại của họ mà tăng sức kháng cự lên thành bốn. Còn tấn công phía bên phải thì điều này không thể đặt ra được.

Hậu tuyến của Kì hòa cũng mạnh nhưtiền tuyến vậy. Cũng phải nghỉ đến chuyện bố trí chiến thuật mà tata đặt ra không lọt qua khỏi sự tiên đoán của vị nguyên soái An nam.

[2]Nòng súng có khía bên trong gọi là đường khương tuyến giúp viên đạn khi bắn ra sẽ xoáy trong không khí, đi xa hơn và sức xuyên phá mạnh hơn, (ghi chú của người dịch).

[3]Mỗi chân dài khoảng hơn ba tấc (0,3248m) (ghi chú của người dịch).

[4]Trong nguyên bản là : comme une bête fauve : (ghi chú của người dịch).

[5]Tác giả vừa tả Saigon buồn thảm chẳng có gì xem ở chương II. Hóa ra:’’Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ’’ ( Kiều-Nguyễn Du), (ghi chú của người dịch).

[6]Trong khi đó các cỗ đại pháo An nam vẫn còn dùng đạn tròn đúc bằng sắt, (ghi chú của người dịch).

[7]Arroyo Commercial: tạm dịch là kinh Thương mại, người dịch không biết kinh này ngày nay gọi là gì, (ghi chú của người dịch).

[8]Sông Cữu long ngày nay, (ghi chú của người dịch).

[9]Rất có thể đây là các cây bình bát, cùng một giống với mảng cầu, mọc hoangở mép kinh, (ghi chú của người dịch).

[10]Các kinh đều nối liền với hai con sôngkhác nhau, vì thế đổ ra biển cũng bằng hai cửa khác nhau, mặt và trái dùng ở đây luôn luôn chỉ bên mặt và bên trái thuận theo danh xưng dùng trong chiến lược và hành quân, (ghi chú của tác giả).

[11]Tác giả viết là miaotrong nguyên bản, (ghi chú của người dịch).

[12]Chợ lớn là tiếng An nam, (ghi chú của người dịch).

[13]Lorcha là chiến thuyền gốc Bồ đào nha, nhưng vì nhu cầu phải kiểm soát một số quá lớn sông ngòi, nênđược đem xáp nhập vào lực lượng hải quân của ta. Các tàu lorcha có trang bị một khẩu đại bác lớn trên mỗi tàu và phải mang cờ quốc gia của ta.

[14]Tôi trộm nghĩ xây cất chùa miếu có lẽ không phải là một cách khoe khoang của cải. Còn việc dững dưng với tôn giáo thì có lẽ chùa chiền khang trang rộng rãi đã bị chiếm để làm đồn cho quân viễn chinh hết rồi. Viễn chinh không phải chỉ có những viên đạn đồng phập vào thân xác họ mà còn có những viênđạn bọc nhungđâm vào tâm hồn họ nữa. Biết bao nhiêu người đã ngã xuống không phải chỉ để bảo vệ mảnh đất quê hương của mình mà cònđể gìn giữ truyền thống, tín ngưỡng và văn hóa của họ nữa đấy, (ghi chú của người dịch).

[15]Có thể đây là hình tượng cá hóa long và các con lân,(ghi chú của người dịch).

[16]Trong nguyên bản, tác giả viết là dieux hoặc là dieux boudhiques, (ghi chú của người dịch).

[17]Hay lắm ! Nhận xét và mô tả rất khéo,( ghi chú của người dịch).

[18]Ðại úy hải quân d’Aries được chỉ định làm chỉ huy trưởng các lực lượng đóng tại Saĩgon.

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2023(Xem: 2164)
Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học trong đó có Ngài Khánh Hòa có liên đoàn Học Xã ra đời tức là hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập năm 1934 ở tại Bến Tre. Hội này quý Thầy giảng dạy cho chư Tăng, chư Ni cũng có những học đường, bắt đầu thỉnh Đại Tạng Kinh ở bên Trung Quốc về bây giờ chúng ta căn cứ theo Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Tại sao gọi là Đại Chánh? Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh có tất cả 100 tập. Từ tập 1 tới 65 có Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và những bộ kinh thuộc về Mật Tạng, Hòa Thượng Tịnh Hạnh cũng đã cho dịch ra thành 187 tập. Từ tập 188 cho đến tập thứ 202 nay mai sẽ được xuất bản. Riêng Thanh Văn Tạng nó có tính cách Hàn Lâm. Trong thời gian qua HT Tuệ Sỹ đã cho dịch thành Thanh Văn Tạng rồi trong tương lai sẽ có Bồ Tát Tạng, tiếp theo nữa sẽ là Mật Tạng.
04/07/2023(Xem: 3390)
Hôm nay ngày 22.6.2023. Trước đây thầy Hạnh Tấn làm Thư ký ở trong ban Hoằng Pháp của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Chỗ này tôi xin xác định một chút cho Quý Vị rõ về hai cơ cấu, hai vai trò không phải là một. Ôn Tâm Huệ là trưởng ban truyền bá giáo lý Âu Châu; Thầy Hạnh Tấn làm thư ký cho ban truyền bá giáo lý Âu châu thuộc về Hội Đồng Hoằng Pháp của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Khi mà ôn Tuệ Sỹ thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp vào năm 2021
03/05/2023(Xem: 125902)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
03/04/2023(Xem: 6355)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan được thành lập năm 1999 tại Sydney với nhiệm kỳ 4 năm sinh hoạt Phật Sự. Đến nay đã trải qua hơn 20 năm thăng trầm hành hoạt với 6 kỳ Đại Hội trước đây, lần lượt được tổ chức tại: Chùa Pháp Bảo (1999), Chùa Pháp Quang (2003), Chùa Phổ Quang (2007), Chùa Pháp Hoa (2011), Tu Viện Quảng Đức (2015 và 2019). Và mới đây, Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 7 được tổ chức tại Chùa Thiên Ấn, vùng Canley Vale, tiểu bang New South Wales, từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 6 năm 2022.
18/02/2023(Xem: 4048)
Tôi nghĩ là người Phật tử, ai cũng muốn một lần được đến Ấn Độ để chiêm bái Phật tích, những Phật tích quan trong là nơi đức Phật Đản sinh, đức Phật Thành đạo, đức Phật chuyển Pháp luân và đức Phật nhập Niết Bàn. Bốn nơi đó thường được gọi là Tứ động tâm, nghĩa là 4 nơi thường làm cho người Phật tử xúc động, khi chiêm bái khi tưởng nhớ đến đức Thế Tôn. Chừng 10 năm trước, Đại đức Thích Minh Hiển từng du học ở Ấn Độ, tổ chức đi chiêm bái Phật tích, chúng tôi ghi danh đóng tiền tham gia, nhưng giờ chót, chúng tôi quyết định không đi, lần khác Đại đức Thích Hạnh Lý, trụ trì chùa Từ Ân, thành phố Louisville, Kentucky tổ chức đi chiêm bái Phật tích có thông báo cho chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không tham gia được.
07/11/2022(Xem: 4664)
Tình tự quê hương như là chất liệu để nuôi sống đời mình, nên Hòa Thượng Tuệ Sỹ chỉ ở đó mà không đi đâu hết. Sinh ra giữa lòng đất Mẹ, chắc một ngày mai kia có chết, thì chết trong giữa lòng đất mẹ ấy, mà đã không ra đi như bao người đã ra đi. Có lẽ sinh ra nơi nào thì chết ở nơi đó. Đây là cái khí khái của bậc Đại Sỹ. Dù quê hương có đọa đầy mưa nắng, thì cũng nguyện là người làm mưa nắng để vun xới cho quê hương được tươi mát.
13/03/2022(Xem: 18286)
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
09/02/2022(Xem: 17816)
Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam Sử Lược (trọn bộ hai tập, do Hòa Thượng Giới Đức biên soạn)
08/01/2022(Xem: 5017)
Bengal cổ đại là một trung tâm chính của Phật học, nghệ thuật và chủ nghĩa đế quốc; quả thực, đạo Phật là nền tảng của di sản văn hóa và ngôn ngữ của Bengal - bài thơ đầu tiên ở Bengali là Charyapada, được sáng tác bởi Chư tôn thiền đức Tăng già Phật giáo thời bấy giờ. Các Charyapada là tập hợp các bài thơ Thần kỳ, những bài tán thán sự chứng ngộ trong Kim Cương thừa truyền thống của Phật giáo mật tông ở các nơi Assam, Bengal, Bihar và Orissa. Theo các học giả đương đại, thuật ngữ Dharma trong tiếng Bengal có nghĩa là "Bauddha Dharma" (Buddhadharma) hoặc Phật pháp (佛法) và thuật ngữ Dharmapuja có nghĩa là "Buddhapuja". Khi Phật giáo bắt đầu suy tàn ở nhiều nơi khác nhau của Ấn Độ, nơi trú ẩn cuối cùng của Phật giáo là ở Bengal.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567