Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương II

28/06/201318:34(Xem: 2704)
Chương II

Viễn chinh Nam Kỳ

Nguyên tác: Histoire deL’EXPÉDITION DE COCHINCHINE en 1861

Người dịch: Hoang Phong

---o0o---

CHƯƠNG II

Ðề cương:

Chiến địa và tình trạng hai phe đối thủ_ Cơ bản địa lý của đế quốc An nam_Tầm quan trọng quân sự và chính trị của thành Kì-hòa.

Ðế quốc An-nam gồm ba xứ mà trước kia hoàn toàn riêng biệt:

-Xứ Bắc kỳ, mà người Tàu gọi là Giao-chou, có nghĩa là Xứ sông ngòi[1], người dân sinh sống tại đây gọi là người Nam kỳ Dong ngoai [2], xứ Bắc kỳ còn gọi là Xứ bên ngoài, và theo một tài liệu Hoà lan thì phải gọi là An nam phía Bắc [3];

-Xứ An nam hay là An nam miền trung, còn gọi là tỉnh Huế, hay gọi đúng hơn là Dong trong[4], có nghĩa là Xứ miền trong, hay đúng hơn nữa là An nam phía Nam;

-An nam Miền Dưới [5], mà nhiều tài liệu ghi sai là tỉnh Saĩgon, miền này các bản đồ xưa đều ghi là Cao miên [6]Thật vậy, trước cuộc chinh phục của các Chúa nhà Nguyễn [7], thì vùng đất này thuộc lãnh thổ của vương quốc Cao miên.

Ngoài ra đế quốc An nam còn gồm một số nước bảo hộ phải triều cống. Ðây là tình trạng đế quốc An nam bắt đầu từ năm 1802 cho đến nay.

Một dãy núi kéo dài 800 dặm, tiếp nối từ vùng núi non Tây tạng, không xa cao nguyên Khou-khou-noor, đổ dài xuống phía nam song song với vùng biển Tàu, phân định vị trí hai vùng vương quốc xưa nhất của đế quốc An nam. Một bên là núi và một bên là biển làm ranh giới thiên nhiên cho hai vương quốc An nam phía Bắc và An nam phía Nam; nếu dùng danh xưng không được đúng lắm nhưng thông dụng hơn thì gọi là Bắc kỳ và Nam kỳ. Bắc kỳ là một vùng đồng bằng rộng lớn, phù sa, phì nhiêu và phong phú nhờ sông Sang-koi hay Song-ca[8]và các phụ lưu bồi đắp. Nam kỳ là một dãi đất chỉ rộng từ 30 đến 50 dặm, kéo dài từ bắc xuống nam; dọc theo một dãy núi bao bọc nằm bên phía tây. Nước đổ ra biển bằng các sông ngòi ít ngòng ngoèo, nước chảy cuồn cuộn, từ hướng tây ra hướng đông. Ðây là dãy núi xa nhất về phía đông trong số năm dãy núi lớn tạo ra các vùng thung lũng rộng là xứ Miến điện, xứ Xiêm la, xứ Cao miên và xứ An nam. Núi trải dài từ vĩ độ 11 thành từng vùng thấp dần theo một đường uốn cong bắt đầu từ núi Vi và đổ ra sát tới biển, tạo ra một bức trường thành rộng lớn và một ngọn đèo, chỉ chừa lại một dãi đất hẹp là Phan-thiet, làm ranh giới thiên nhiên giữa Nam kỳ miền dưới và Nam kỳ miền trung.

Trở xuống phía tây nam vẫn còn các núi đồi nhỏ thưa thớt, nơi đây có thể coi là vùng chuyển tiếp của ranh giới Nam kỳ miền trung: sông ngòi ít ngòng ngoèo, vài kinh rạch, thiên nhiên hoặc do người đào, chảy giữa các vùng núi và đồi nhỏ. Càng xuống dần phía nam thì chỉ thấy trước mặt một vùng đất mềm gồm cát, bùn và năm con sông lớn cùng các kinh rạch thiên nhiên chia cắt thành hàng ngàn đảo. Cát thì được mang từ biển vào[9], bùn đất thì do sông Cambodge [10]bào mòn những vùng núi non chảy ngang đem bồi đắp trong mùa nước lũ. Trong quá khứ chắc rằng biển đã bao phủ cả miền Nam kỳ ngày nay. Một vịnh hình vòng cung nằm lọt giữa hai vùng núi là Ha-tien và cap Saint-Jacques [11]; sông Don-naĩ chỉ là một dòng thác; hai nhánh sông Vaĩ-co tạo ra hai con sông riêng biệt. Tỉnh Long-hô (Vinh-luong) lúc đó chưa thành lập; các tỉnh Gia-dinh, My-thô, An-gian và Ha-tien gồm một vùng đất dựa vào núi một phần, một phần giáp ranh với vuơng quốc Cao miên. Bùn đất phù sa và các bãi san hô giữa Saĩgon và Tay-ninh chứng minh cho thấy vùng đất này trước kia do sông ngòi và biển tạo ra. Cát dồn lại thành cồn dọc bờ sông hòa với phù sa tạo ra ruộng đồng phong phú. Sự hình thành đất đai do sông ngòi vẫn còn đang tiếp diễn tại vùng này của xứ An-nam, người Tàu gọi nơi đây là xứ sông ngòi [12]; bùn và cát hòa lẫn nhau không phải là nước cũng không phải là đất. Những người Bắc kỳ mạo hiểm đến đây dùng ván để trườn và lướt đi trên bùn.

Hai dãy núi kéo dài ra tới biển tại hai địa điểm là Phan-thiet và Ha-tien, giữa hai dãy núi là sông Cambodge. Biển là ranh giới thiên nhiên rõ rệt của xứ Nam kỳ miền dưới. Tiếp giáp với xứ của người Mọi và xứ của người Chàm[13], nơi đây biên giới kém rõ ràng hơn. Khi nhìn vào bản đồ sáu tỉnh Nam kỳ miền dưới, từ bờ biển hiện nay cho đến vĩ độ Tram-ban [14], người ta có thể nhận thấy biển vẫn còn giữ lại vết tích trong vùng đất phù sa; toàn vùng chỉ là đảo và chung quanh thủy triều dâng lên hay rút xuống đều nhận thấy rõ rệt. Tàu bè lưu thông như trên biển rộng; nước sâu, không nguy hiểm, các đường di chuyển được kẽ vạch rõ ràng.

Năm con song lớn chảy ngang Nam kỳ miền dưới đổ ra biển bằng một trong những cửa sông rộng lớn nhất thế giới: Năm con sông này gồm có sông Don-naĩ, sông Don-trang, sông Soi-rap, sông Vaĩ-co, sông Cambodge. Sông Cambodge bị ngáng bởi nhiều cồn chỉ có tàu bè đáy sâu dưới 14 chân[15]mới di chuyển được. Hướng và độ sâu của kinh rạch thay đổi theo mùa gió. Bờ biển thấp, cây cối xanh tươi và bằng phẳng; không một ngọn cây nào vượt cao hơn các cây đước, cây mắm để có thể dùng làm điểm chuẩn cho tàu bè định hướng. Khó khăn thiên nhiên cản trở lưu thông của tàu bè lớn nhưng không gây khó khăn gì cho các thủy thủ An nam, Xiêm, Tàu và Nhật. Họ lái các tàu ven bờ thật hay, tàu của họ có đáy rất cạn. Các nhà viết sử người Hoà lan chép rằng sông Cambodge đỗ ra biển bằng ba cửa: cửa Umbequamme, danh xưng này theo tiếng Pháp có nghĩa là bất tiện Incommode, cửa Nhật bản và cửa Saĩgon. Chiến tranh Nam kỳ giúp thêm cho việc nghiên cứu địa lý thủy học của sông Cambodge; hiện nay người ta biết rằng sông Cambodge có bẩy nhánh chính. Umbéquammelà cửa đổ ra biển của một nhánh sông tách ra từ sông chánh gần Chau-doc, sông Nhật bản gồm hai nhánh bắc và nam My-thô. Còn về phần cửa Saĩgon thì chỉ được coi như cửa đổ ra biển của sông Don-naĩ mà thôi, sông này trước đây được xem như một trong nhiều nhánh của sông Cambodge. Trên thực tế sông Saĩgon nối liền với sông Cambodge bằng các kinh trong đất liền, sông Don-naĩ là một con sông riêng biệt tiến sâu về phía bắc, hướng vào lãnh thổ Stieng.

Các dòng sông lớn thông thương với nhau nhờ các kinh thẳng góc với hướng chính của sông. Bàn tay người ta tượng trưng rất chính xác hình ảnh hệ thống sông ngòi của Nam kỳ miền dưới. Cách so sánh như thế cũng dễ hiểu, hình như con người hay tìm kiếm ở bối cảnh chung quanh hình ảnh của chính mình. Những nét dọc lớn của chữ M là các con sông, trừ vài chỗ tuy sông có đổi hướng cũng không làm sai lệch hình ảnh này; các đường gạch ngang của chữ M thì tượng trưng cho kinh rạch. Một số kinh do chính tay người đào, hoặc là kinh thiên nhiên do tay người sửa cho đều và vét đáy. Những kinh rạch khác là do thiên nhiên đào xới. Kinh nối hai con sông với nhau vì thế kinh có thể thông ra biển bằng hai cửa khác nhau; đáy kinh rạch có chỗ sâu chỗ cạn; chỗ cạn là nơi hai dòng nước gặp nhau bùn đất bị dồn lại. Hai bờ kinh cây cối bao phủ tạo ra vẻ dịu dàng, mềm mại, duyên dáng và ưa nhìn, nhưng không có cái vẻ lộng lẫy của rừng rậm nhiệt đới. Cây cối gồm có soài, đước, dừa nước, cây có bông trắng như bông lài, nhiều cây có lá giống như lá cây ở Âu châu và có đủ loại màu xanh, từ màu xanh mét bịnh hoạn của cây liễu rũ cho đến màu xanh xậm có vẻ kim loại của cây hoa trà [16]Gần bờ nước thì có loại dừa duyên dáng nhất trên trái đất, thân giống như là những cây cột của lâu đài Hy lạp nhưng lại có sự sống, đó là cây cau. Cỏ cao, dây leo, cây dứa [17], xương rồng đầy gai tạo thành các bụi rậm mà người Âu châu không thể chui qua lọt, nhưng đối với người An nam thì họ trườn, bò và rình rập dễ dàng trong đó. Nhiều chỗ nước ăn sâu vào bờ kinh tạo ra những chỗ phục kích bất ngờ: đây là những nhánh kinh lấn sâu vào đất, nằm song song với kinh chánh, cửa vào thì có dây leo rũ xuống che kín; các hóc kẹt thiên nhiên đó có thể làm chỗ núp cho một người, một chiếc ghe hay một nhóm quân nhỏ: không có chỗ nào có thể làm chỗ phục kích chắc chắn hơn những chỗ như vậy. Kinh rạch tạo cho chiến tranh Nam kỳ một bộ mặt thật riêng biệt. Lần đầu thấy những bờ kinh như thế, người ta tưởng dễ, thử phá gai lội bùn để vượt ngang, nhưng rồi sẽ bị ngập trong lầy, mặt mày rách nát, trở nên bất lực vì cỏ vừa mềm vừa cao quấn chặt; người ta tự hỏi không biết phải làm thế nào để chống lại quân phục kích, họ thì coi các chướng ngại này như không có. Các pháo hạm nhỏ bằng sắt là linh hồn của trận chiến Nam kỳ, nếu không hữu dụng ngay trong khi hành quân, thì cũng rất ích lợi về sau là như vậy.

Quang cảnh của Nam kỳ thật là bằng phẳng, buồn thảm, giống như tất cả các xứ đồng ruộng khác. Khi có một lỗ hở do cọp, nai đi ngang còn lưu lại thì tầm mắt mới vượt ra khỏi hai bên bờ kinh, nhưng cũng chẳng thấy gì lạ ngoài những cánh đồng xanh tươi đôi khi gợn sóng như mặt biển. Ðồng ruộng là đất Phật, chẳng có gì buộc chặt tâm hồn với đất đai. Thiếu chiều sâu của sự sống. Ðất nhường chỗ cho bùn; chỉ có tư tưởng mới có thể lướt đi trên vùng xanh tươi vô tận này mà thôi; xác thân sẽ lún chìm tại chỗ. Những cọng cỏ muôn thuở nối tiếp nhau, từng cọng một đều giống hệt như nhau. Trước cảnh sình lầy và bằng phẳng, nghị lực mềm yếu, chỉ có linh hồn tự vượt ra mà thoát đi. Quả thật là nơi phải gọi là cảnh toàn phúc tối thượng, xin tạm mượn chữ như vậy, _cái thoát tục vẹn toàn nhất, cái chấm dứt của buồn thảm, của nhớ nhung[18]_ Tuy vậy, về phía bắc, khi đến gần một trong hai vùng núi, đất đai trở nên cao hơn, bờ sông cũng dốc hơn, rừng chen kẽ với ruộng đồng. Trong rừng có nhiều thứ dùng làm thuốc tàu, giá bán đắt hơn vàng.

Kinh rạch nối liền năm con sông lớn ở Nam kỳ tạo ra vô số đường di chuyển vô cùng hữu ích cho thương mãi, chiến tranh mà cũng tiện lợi cho đạo tặc nữa. Mỗi thị trấn đúng ra phải là một trung tâm vừa quân sự vừa thương mại, và nếu đúng như thế thì sự đánh chiếm của ta sẽ gọn gàng hơn; nhưng thật ra thì hai tánh cách này tách rời hẳn nhau: Saĩgon là trung tâm quân sự, My-thô là trung tâm thương mại. Các ghe thuyền của người Nhật, người Tàu, người An nam, người Xiêm có đáy cạn dễ di chuyển trên sông, nhờ vào địa điểm gần nơi sản xuất gạo, kinh lạch lại dồn hết vào sông Cambodge, thêm vào truyền thống của dân chúng địa phương từ bao nhiêu thế kỷ, tất cả góp lại làm My-thô trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất của Nam kỳ miền dưới trước khi người Âu châu tới đây. Saĩgon, dựa vào thành lũy và vị trí nằm chắn ngang các đường ra Huế, lên Cao miên và xứ Mọi đã trở thành trung tâm quân sự và hành chính của cả sáu tỉnh. Hai trung tâm thương mại và quân sự là Saĩgon và My-thô dựa vào nhau bằng đường thủy vận; đó là con kinh Tàu[19]mà tầm quan trọng chiến lược phải kể vào bậc nhất.

Saĩgon, nơi trước đây có trại binh nhỏ của Pháp và Tây ban nha bị phong toả, không hẳn là một thành phố theo đúng nghĩa của Âu châu. Saĩgon cũng không phải vị trí có thành lũy kiên cố, có tầm ảnh hưởng trải rộng như trước đây, vì đang bị ta phong tỏa và thành lũy thì hư nát, thành mới hiện nay kém hẳn tầm quan trọng[20]. Nơi các cơ xưởng đóng tàu, vào năm 1819, trước khi có giặc phản loạn, người ta còn thấy hai thuyền chiến lớn theo kiểu Âu châu và 190 thuyền chiến dùng chèo. Thành quách rộng lớn trước kia và cơ xưởng đóng tàu không còn vết tích gì nữa. Nhiều lắm là hai bên bờ sông Don-naĩ còn thấy vài cơ sở có tính cách tạm thời, lànhững vớt vát thu góp lại sau khi Touranne[21]bị ta chiếm đóng. Dân số, ngày xưa lên đến một trăm năm mươi ngàn người, đã rút xuống một cách đáng kể. Du khách đến Saĩgon sẽ nhận thấy trên hữu ngạn sông [22]một con đường đứt đoạn và hang lỗ. Nhà cửa phần lớn bằng cây, lợp lá dừa nước. Một số ít làm bằng đá có mái lợp ngói đỏ làm vui mắt và an tâm hơn. Tiếp đó là những mái chùa thật cong; kinh Tàu và hai kinh phụ, mặt nước phẳng lỳ, dùng làm bến cho thuyền bè trong xứ; vì bối cảnh chung quanh nên nhìn thấy kinh Tàu như ngắn hẳn lại; một nhà kho siêu vẹo dùng làm chợ, mái hình như sẵn sàng đổ xuống phía bên phải. Hậu cảnh là những chòm cau có vẻ hoà hợp với bầu trời nóng bức; cây cối khác không có gì đặc biệt. Hàng ngàn ghe xuồng chen nhau ở bờ sông tạo ra một thành phố nổi nho nhỏ. Người An nam, người Tàu, người Ấn, vài người lính Pháp, lính Tagal [23]tới lui nhộn nhịp, thoạt tiên tạo ra một quang cảnh ngoạn mục. Nhưng sau đó thì chẳng có gì để xem ở Saĩgon, họa chăng là dọc theo bờ kinh Tàu, có nhiều nhà bằng đá khá sạch sẽ và vài nhà xưa tránh khỏi giặc phản loạn tàn phá. Trong các khu nhiều cây cau đôi khi có nông trại của người An nam cất theo lối ba gian hai chái, rất thanh lịch và kín đáo; xa hơn, nơi khu đất cao là nhà của vị chỉ huy Pháp, của đại tá Tây ban nha, doanh trại của nho quan An nam; đại khái chỉ có vậy. Con phố lầy lội và ổ gà, nhà cửa thưa thớt, hợp lại thành một quang cảnh khá nghèo nàn, đó là Gia-dinh-thanh mà ta gọi là Saĩgon [24]Các thành phố khác như Batavia [25], Singapour, Hong-kong cũng chỉ như vậy thôi trước khi người Âu châu đến. Có thể rồi một ngày nào đó một thành phố đẹp đẻ và đông đúc sẽ mọc lên ở vị trí của cái làng An nam bị trận chiến diệt chủng tàn phá mà ta đang thấy hôm nay [26]_Trên vùng đất cao là vòng thành cũ do người Nam kỳ xây năm 1837. Hố sâu quanh thành chỉ bị lấp ở một vài chỗ; chỉ cần vét lại là xong. Nhà cửa bên trong thành đều đổ nát. Bụi trắng tạo thành hai lằn dài trắng xóa, ở giữa là lối đi. Ðó là gạo bị đốt cháy từ năm 1859 mà đến nay vẫn còn cháy Lửa âm ỉ hai mươi bốn tháng mà vẫn chưa tắt. Các hạt gạo, ở một vài chỗ vẫn còn giữ nguyên hình dáng; nhưng thật ra đã hoá thành tro; gió hoặc chỉ chạm nhẹ sẽ làm tan ra thành bụi. Truyền thuyết cho rằng một kho tàng rất lớn còn nằm trong đống lửa lớn đó.

Thành phố Saĩgon nhờ vào vị trí địa lý và kinh tế chi phối đã vượt qua nhiều khó khăn và mâu thuẫn về hành chánh gây ra từ quyền lợi bất đồng giữa các phe nhóm. Saĩgon cũng đã khắc phục được những bất hạnh do chiến tranh gây ra. Nhờ nằm vào vị trí trung tâm nên từ Saĩgon đi Batavia, Manille, Hong-kong và Canton thật là ngắn và tiện lơi. Gió mùa giúp liên lạc dễ dàng với nước Tàu và nước Nhật; ta cũng biết rõ việc buôn bán của Nhật với đế quốc An nam trước đây hết sức tích cực, thời đó cũng chẳng xa gì trước ngày có sự hiện diện của quân viễn chinh. Những kẻ phiêu lưu người Âu châu ào ạt đổ đến Saĩgon, bất kể luật lệ gì áp dụng đối với họ, họ cứ ở lại, chẳng qua vì miếng mồi hám lợi. Người ta có thể nói rằng sáng kiến cá nhân có thể bù lấp cho những gì mà nguyên tắc không thực hiện được hoàn hảo[27].

Ðại tá Victor Olivier xây đắp thành lũy cho Saĩgon ngay từ năm 1791; vị sĩ quan này là một trong số hai mươi người Pháp do Pigneau de Béhaine, giám mục địa phận d’Adran, đưa tới đây. Nhóm người này là số vỏn vẹn thoát được từ một hạm đội hai mươi chiến thuyền và bẩy trung đoàn quân lính, tất cả đã bị toàn quyền người Anh tại Pondichery cầm giữ trên đường kéo đến Nam kỳ. Lúc bấy giờ, hoàng đế Gia-long đang tìm cách chiếm lại lãnh thổ của mình. Cũng chẳng phải là khó hiểu khi hoàng đế Gia-long quyết định tăng cường hệ thống phòng thủ Saĩgon, vì phòng thủ Saĩgon chính là kế hoạch chung chống giữ toàn thể Nam kỳ miền dưới. Vùng lãnh thổ này của vương quốc An nam, vì địa thế thiên nhiên bất lợi, rất dễ bị người Xiêm la và người Cao miên xâm chiếm, người An nam rất khó chống giữ. Năm con sông lớn chảy dài trên toàn vùng tạo ra đường lưu thông giúp quân xâm lược từ phía nam hay phía tây kéo đến để đánh. Victor Olivier, người kỹ sư Pháp, tìm cách giảm bớt yếu điểm thiên nhiên thật tài tình. Ông ta tìm một vị trí trung tâm của toàn vùng, tức là thành phố Saĩgon, nằm trên bờ sông Don-naĩ,_nói vậy thôi chớ ông ta cũng có thể chọn một nơi khác được_và từ nơi này có thể đưa quân tăng viện nhanh chóng đến các điểm bị hăm dọa mặc dù sông ngòi cản trở. Ðồng thời ông cũng xây dựng một vòng thành ngay tại Saĩgon, nơi giao điểm của các đường tiến quân chiến lược, để tập trung người, lương thực, khí giới và đạn dược. Thành Saĩgon hình vuông, mỗi mặt có hai chặn phòng thủ. Vào năm 1835, thành bị san bằng, Saĩgon cũng bị phá sạch; dân chúng tản mát hết, một phần bị bắt làm nô lệ.

Vào năm 1837, người An nam lại xây một thành mới tại góc phía bắc của vòng thành trước kia. Họ chọn cách xây thành hình vuông có pháo đài, tường thành xây thêm gạch bên ngoài. Thành phố lại được dựng lên từ những đổ nát cũ trên tả ngạn sông và dọc theo phụ lưu là kinh Tàu. Thành mới xây kiểm soát toàn vùng, đủ sức chận đứng các mưu toan của Cao miên và Xiêm la. Nhưng tiếc thay kém may mắn hơn khí chống lại sự xâm lược của Pháp. Thủy sư đề đốc Rigault de Genouilly chiếm lấy thành ngày 17 tháng 2 năm 1859 và phá sạch[28], rồi cũng cố chắc chắn trong một đồn mới do chính ông ra lịnh xây tại vị trí cũ của một đồn An nam mà ta gọi là đồn Henon-Bigne (hay thành phía Nam)._ Vài gia đình Thiên Chúa giáo dọn đến lập ra ngôi làng gọi là làng Giám mục, làng được đồn Pháp che chở.

Vào tháng 12 năm 1859, chuẩn thủy sư đề đốc Page đến Saĩgon thay cho phó thủy sư đề đóc Rigault de Genouilly; sau đó chuẩn thủy sư đề đốc Page, chưa kịp chuẩn bị quay trở lại Touranne, thì nhận được lịnh phải giải tỏa nơi này, ông bèn đứng ra chọn địa thế đất đai tại Saĩgon để người Pháp xây dựng và lưu lại vĩnh viễn. Ông vạch ra các đường phòng thủ, cho xây dựng bệnh viện, nhà ở, kho hàng và mở cửa cảng cho việc buôn bán[29]Bảy mươi tàu và một trăm ghe thuyền chuyên chở trong vòng bốn tháng sáu mươi ngàn tấn gạo cho thị trường Hong-kong và Singapour, đem đến một số lời khổng lồ cho ta. Ðồn Caĩ-maĩ giúp cho việc buôn bán dễ dàng, một số làng đổ đến vì thấy cái lợi lớn mà người Pháp đem tới cho họ; số người Pháp trong đồn ít và không làm khó dễ gì cả. Người Tàu, tiếp tục theo chánh sách của họ, tìm cách bảo vệ việc buôn bán bằng cách lấy lòng cả hai bên An nam và Pháp. Kẻ địch thì đóng quân chỉ cách Saĩgon có vài cây số, trong một vùng đồng ruộng đầy mồ mả, họ ngấm ngầm phòng ngự chắc chắn. Các tuyến phòng ngự im bặt. Nhưng rồi tình trạng này sẽ sớm thay đổi.

Kể từ tháng sáu năm 1860, quan quân An nam có ý cô lập người Pháp với thành phố Tàu, nơi tồn trữ gạo mà người Pháp đem xuất đi từ cảng Saĩgon. Dựa vào một lực lượng khá mạnh, một hệ thống đồn lũy chặt chẻ và phân bố rộng rãi, sức di chuyển nhanh, địch quân khoét ra ở góc phía bắc thành Kì hòa một cửa hầm đôi và đào một đường hố dài cắt đồn Caĩ-maĩ với thành phố Tàu, mục đích cô lập ta và buộc ta phải bỏ đồn. Mấu chốt của tình thế chính là từ điểm này; phải giữ hay chịu mất thị trường Tàu. Chúng ta bắt buộc phải giữ vững vị trí: trong suốt cuộc chiến tranh ở Tàu cũng thế;_một cuộc chiến mù mịt, gần như bị bỏ rơi, bỗng có một ít người đã đứng lên xứng đáng với cái thời buổi quyết liệt mà đốt tàu để không trở về mẫu quốc.

Hai chùa khác nằm giữa đồn Caĩ-maĩ và Saĩgon liền được ta chọn thêm để cũng cố làm đồn và ta sẽ giữ vững bất cứ giá nào. Việc sửa sang hai chùa để làm nơi phòng thủ bắt đầu ngay tức thời. Chùa thứ nhất là chùa Ao[30]sân chùa có tường gạch chung quanh, tạm có thể phòng thủ được ngay. Chùa cách xa các tuyến phòng thủ của địch. Chùa thứ hai là chùa Clochetons [31]hoàn toàn trống trải và chỉ cách miệng đường hầm của địch có bốn trăm mét. Ta liền lấy ngay đất ở mồ mả chung quanh đắp tường phòng ngự. Ta không thấy quân An nam đổ ra phòng ngự đường hố đã đào. Nhưng ngay ngày hôm sau bất ngờ nổ súng tủa vào chùa giết mất một người và làm bị thương thêm vài người khác. Mấy nấm mồ ta đã lấy hết đất, vì thế phải đi xa hơn và dùng bao để mang đất về; việc đắp tường phòng thủ tiến triển chậm chạp, cực nhọc, lộ liễu không có gì che tránh địch quân. Trong đêm mùng 3 rạng ngày mùng 4 tháng bẩy, quân An nam, ít nhất cũng đến hai ngàn người, yên lặng vượt khỏi thành, bao vây chùa, trong khi đó chùa chưa biến hẳn thành đồn.Họ xông thẳng vào chùa, hò hét vang lừng. Hỏa pháo của địch cũng bắn vào các chùa khác [32]để làm thế nghi binh và đồng thời cũng bắn vào chùa Clochetons nữa, quân thì bắn xối xả vào người Pháp, người Tây ban nha và người An nam trong đồn. Ðánh giết nhau suốt một giờ đồng hồ. Nhờ viện binh từ Saĩgon kéo lên mới chấmdứt được trận chiến. Kẻ thù bỏ lại một trăm xác chết. Quân lính của đồn Clochetons gồm có một trăm quân Tây ban nha do thiếu úy Hernandez chỉ huy, và sáu mươi người Pháp do hai trung úy hải quân cầm đầu là Narac và Gervais [33]. Quân An nam không trở lại tấn công đồn Clochetons nữa; nhưng lại đào từ cửa hầm đôi một đường hố khác bọc song song phía sau đường phòng tuyến của ta. Do đó đồn Pháp và Tây ban nha lọt vào giữa hai đường hố phòng thủ của họ, chận hẳn đường thông thương với cánh đồng phía sau thành Kì hoà.

Ngày 16 tháng 10 năm 1860, đại úy hải quân Ariesđưa quân vào kinh Avalanche (xem bản đồ 2) để thăm dò các đồn mà người An nam xây cất ngay gần tuyến phòng thủ của ta, vì khoảng cách quá gần nên ta dễ bị họ tấn công. Hai tàu nhẹ được dùng để tiến vào kinh, địch bắn rất rát nhưng vẫn tiến được tới một công sự có rào cản canh giữ điểm chốt gọi là Ềcầu số ba trên kinh Avalanche’’. Bên ta không có người nào bị trúng đạn khi tiến tới đây; nhưng cuộc mạo hiểm nhỏ này kém may mắn hơn trên đường về; trung úy hải quân Hermand bị một viên đạn xuyên ngang đùi, vài người nữa cũng bị thương. Trung úy Rieunier đo độ sâu và vẽ bản đồ của kinh dưới lằn đạn đại pháo từ các đồn bắn ra; bản đồ này hết sức là bổ ích về sau.

Toàn thể cánh đồng nằm giữa kinh Avalanche và kinh Tàu bị địch bủa vây bằng các đường hố dài và nhiều đồn canh gác bố trí cách khoảng nhau. Bất cứ chỗ nào có kinh rạch hay đường xá là người An nam lập đồn tại đó. Thượng lưu sông Don-naĩ bị chắn ngang. Trái với điều người ta thường nghĩ, hậu tuyến của hệ thống đồn lũy do người An nam thiết lập cũng được phòng thủ vững chắc như phía trước và hai bên cánh. Nói như vậy để cho thấy hệ thống phòng ngự của địch cũng có tầm quan trong tương đương với thành cũ của họ trưóc kia, chế ngự toàn vùng, kiểm soát hết các đường về My-thô, Huế và Cao miên. Liên lạc giữa quân An nam và thành phố Tàu vẫn duy trì thường xuyên. Từ thành Kì hòa rộng lớn, đường hố tủa ra từ các cửa hầm giống như những cánh tay bóp nghẹt trại quân nhỏ của đồng minh tại Saĩgon, làm cho trại này bất lực mặc dù địch vẫn tỏ vẻ như bất động.

Thành An nam xây theo hình vuông, gồm năm khu riêng biệt liên lạc với nhau bằng các đường tắt thông thương. Vòng đai của thành là tường bằng đất có ụ bắn, cao ba mét rưởi, dầy hai thước, có đục lỗ châu mai rất khít nhau; lỗ châu mai phần nở rộng lại ngược bên so với các lỗ châu mai của các thành quách Âu châu. Khí cụ phòng thủ được tích lũy ở khắp các mặt thành, nhưng chính yếu hơn hết là mặt trước và mặt sau. Nhờ các trận đụng độ ở Touranne ta biết khá đầy đủ các loại chướng ngại vật này. Thân tre và cả cành lá gai góc được xử dụng hết sức khéo léo; thân thì làm cọc nhọn cắm trong các hầm chông, hoặc cắm thành bàn chông, làm rào hoặc làm cọc; cành thì dùng bao phủ trên tường thành tạo ra một lớp rào chằng chịt đầy gai.

Vùng đất tỉnh Gia-dinh chung quanh thành An nam là đất dẽ và cứng, theo tin dọ thám do ta thu nhặt thì các giàn pháo chiến thuật có thể di chuyển được trên vùng đất này. Mùa mưa mà ta phải ngưng các hoạt động chỉ bắt đầu vào tháng tư. Còn về ảnh hưởng của thời tiết thì khó thẩm định rõ ràng; quân lính của ta vừa mới bảo vệ Saĩgon xong trải qua biết bao nhiêu cực khổ; đâu có thể quy hết cho thời tiết Nam kỳ miền dưới là nguyên do duy nhứt gây bệnh tật cho toàn thể quân viễn chinh.

Phong tục và tánh tình người An nam ta biết rất ít; người An nam ta thấy ở Saĩgon có thân hình mảnh mai, và có lẽ thuộc vào một sắc dân suy hoá [34]Họ chỉ có thói hư tật xấu mà thôi, mưu mẹo, thích cờ bạc và hám lợi. Nhưng thật ra có thể phỏng đoán tính tình người An nam đúng hơn qua sức kháng cự của họ trong vài trận đụng độ đã xảy ra. Họ tỏ ra đủ sức tự vệ, nhất là trong trận tháng tư năm 1860. Ta cũng biết rằng chính phủ của họ rất nhất quyết, kiên nhẫn, mạnh và đoàn kết; họ được huấn luyện để tuân lời một cách mù quáng, tôn thờ một vị hoàng đế thiêng liêng quả quyết không bao giờ chịu lùi. Mặc dù có vài sự xúi dục do tây phương châm vào[35], nhưng mầm nổi loạn ngấm ngầm từ lâu ở Bắc kỳ vẫn không bộc phát. Quyền lực của hoàng đế Tu-duc vẫn nguyên vẹn. Chính phủ ta từ Pháp thông báo cho vị tổng tư lịnh biết rằng vua Xiêm vừa tuyên chiến với đế quốc An nam và gởi ra trận sáu mươi ngàn quân Xiêm. Ta sẽ thấy về sau cái thực lực của đạo quân này.



[1]Pays aquatique : nguyên văn trong bản gốc, (ghi chú của người dịch).

[2]Tức là Ðàng ngoài, (ghi chú của người dịch).

[3]Annam septentrional, (ghi chú của người dịch).

[4]Tức là Ðàng trong, (ghi chú của người dịch).

[5]La basse Cochinchine : nguyên văn trong bản gốc, (ghi chú của người dịch).

[6]Cambodge: nguyên văn trong bản gốc, (ghi chú của người dịch).

[7]Vương triều đương thời, (ghi chú của tác giả).

[8]Theo cha xứ Alexandre Rhodes, (ghi chú của tác giả).

1 lieue = 1 dặm, dài 4,445km, (ghi chú của người dịch).

[9]Trên phương diện Ðịa chất học không được đúng lắm, cát vẫn do sông ngòi bồi đắp, (ghi chú của người dịch).

[10]Tên ngày nay là sông Tiền giang, có khi tác giả dùng tên sông Cambodge dể chỉ chung cho sông Cửu long, (ghi chú của người dịch).

[11]Tên ngày nay là Vũng tàu, (ghi chú của người dịch).

[12]Pays aquatique : theo nguyên văn trong bản chính, (ghi chú của người dịch).

[13]Moys và Kiams : theo bản gốc, (ghi chú của người dịch).

[14]Có khi tác giả viết là Tram-bam hoặc Tran-bam (tức là Trảng bàng ngày nay), Vỉnh long thì có khi tác giả viết là Vinh-luong hay Vinh-long, chúng tôi xin giữ theo nguyên bản trong từng trường hợp, (ghi chú của người dịch).

[15]Ðơn vị đo lường: dài khoảng 0,3248m, (ghi chú của người dịch).

[16]Liễu và cây hoa trà (camellia : trong nguyên bản) là các cây vùng ôn đới thường thấy ở Âu châu (ghi chú của người dịch).

[17]Aloès : trong nguyên bản (ghi chú của người dịch).

[18]Ðây có thể là tâm trạng của người tha hương đi chinh phạt nơi xứ lạ quê người (?). Dân địa phương sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, đều thấy thương yêu và gắn bó với mảnh đất sình lầy của mình. Biết bao nhiêu ngườiđã ngã xuống những mảnh ruộng ngập sình để bảo vệ quê hươngmình. Trên mảnh ruộng bằng phẳng họ thấy gần gủi với nhau hơn, thương yêu nhau hơn. Thân xác họ không lún xâu xuống bùn mà họ biết dùng xuồng để đi thăm hỏi nhau, giúp đở nhau, không cần phải đắp đường xá gì cả. Linh hồn họ không cần lướt đi đâu hết, vì tâm hồn họ gắn bó với từng cọng cỏ dưới chân họ, mặc dù từng cọng cỏ đều giống hệt với nhau,(ghi chú của người dịch).

[19]Arroyo Chinois : trong nguyên bản, (ghi chú của người dịch).

[20]Công trình mới xây dựng sau này, (ghi chú của tác giả).

[21]Ðà nẳng ngày nay, (ghi chú của người dịch).

[22]Bờ bên phải kể từ nguồn đổ ra biển, (ghi chú của người dịch).

[23]Người Phi luật tân gốc Mã lai trong đạo quân viễn chinh, (ghi chú của người dịch).

[24]Ðây là phác họa quang cảnh chung của Saĩgon vào tháng hai 1861. Kể từ lúc ấy về sau, nhiều công trình được thực hiện, phần lớn do công binh. Cánh đồng được tháo nước bằng mương rãnh. Ðường phố rộng, đẹp, như những đường cái quan, tạo ra phố xá Saĩgon; chắc rằng nhà cửa rồi đây sẽ mọc lên. Xưởng tàu được thành lập. Tuy thế những xây dựng này cũng không làm thành phố thay đổi bao nhiêu khi nhìn từ dưới sông lên: cũng vẫn như xưa, không có gì cho thấyđây là một thành phố; trước mặt chỉ là một phong cảnh bằng phẳng, không có cá tình gìđặc biệt, sự hiện diện của người ở cũng chỉ thấp thoáng mà thôi, (ghi chú của tác giả).

[25]Jakarta ngày nay, (ghi chú của người dịch).

[26]Viết theo báo le Cambodge annamite (Cao miên nam kỳ) năm 1835, (ghi chú của tác giả).

[27]Câu này không liên hệ gì với đoạn vừa viết, chỉ là câu chuyển để tómtắt và giới thiệu đoạn tác giả sắp viết bên dưới, tiếc rằng câu chuyển tiếp không được khéo lắm.Ðây là cách viết văn khá xưa, (ghi chú của người dịch).

[28]Thành lớn quá, quân Pháp không đủ sức giữ nên phá sạch, đốt kho gạo rồi xây một đồn mới để phòng ngự ,(ghi chú của người dịch).

[29]Cảng Saĩgon được mở cửa ngày 22 tháng hai năm 1860.

[30]La pagode des Mares: trong nguyên bản. Tên tiếng An nam không rõ, người Pháp đặt là chùa Ao vì có nhiều hồ và ao chung quanh? Quân Pháp thường chiếm các chùa để làm đồn vì là các kiến trúc có sẳn, xây gạch, cao ráo và rộng rãi, (ghi chú của nguời dịch).

[31]Tên của người Pháp đặt cho chùa và gọi là đồn của họ,(ghi chú của nguời dịch).

[32]Cũng do quân pháp chiếm làm đồn, (ghi chú của nguời dịch).

[33]Không thấy tác giả nói đến số thương vong của người Pháp và người An nam theo Pháp trong đồn, (ghi chú của nguời dịch).

[34]Race abâtardie: trong nguyên bản; abâtardie có nghĩa là thoái hóa, suy đồi. Mạn phép xin độc giả chú ý để so sánh với các đoạn tác giả viết về người An nam ở chuơng IX,(ghi chú của nguời dịch).

[35]Có lẽ tác giả biết thừa tây phương ở đây tức là nước nào, ai xúi dục và xúi dục ai nổi dậy chống lại triều đình Huế, nhưng tác giả không muốn viết ra đấy thôi, (ghi chú của nguời dịch).

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2023(Xem: 5848)
Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học trong đó có Ngài Khánh Hòa có liên đoàn Học Xã ra đời tức là hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập năm 1934 ở tại Bến Tre. Hội này quý Thầy giảng dạy cho chư Tăng, chư Ni cũng có những học đường, bắt đầu thỉnh Đại Tạng Kinh ở bên Trung Quốc về bây giờ chúng ta căn cứ theo Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Tại sao gọi là Đại Chánh? Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh có tất cả 100 tập. Từ tập 1 tới 65 có Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và những bộ kinh thuộc về Mật Tạng, Hòa Thượng Tịnh Hạnh cũng đã cho dịch ra thành 187 tập. Từ tập 188 cho đến tập thứ 202 nay mai sẽ được xuất bản. Riêng Thanh Văn Tạng nó có tính cách Hàn Lâm. Trong thời gian qua HT Tuệ Sỹ đã cho dịch thành Thanh Văn Tạng rồi trong tương lai sẽ có Bồ Tát Tạng, tiếp theo nữa sẽ là Mật Tạng.
04/07/2023(Xem: 7620)
Hôm nay ngày 22.6.2023. Trước đây thầy Hạnh Tấn làm Thư ký ở trong ban Hoằng Pháp của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Chỗ này tôi xin xác định một chút cho Quý Vị rõ về hai cơ cấu, hai vai trò không phải là một. Ôn Tâm Huệ là trưởng ban truyền bá giáo lý Âu Châu; Thầy Hạnh Tấn làm thư ký cho ban truyền bá giáo lý Âu châu thuộc về Hội Đồng Hoằng Pháp của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Khi mà ôn Tuệ Sỹ thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp vào năm 2021
03/05/2023(Xem: 141653)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
03/04/2023(Xem: 11325)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan được thành lập năm 1999 tại Sydney với nhiệm kỳ 4 năm sinh hoạt Phật Sự. Đến nay đã trải qua hơn 20 năm thăng trầm hành hoạt với 6 kỳ Đại Hội trước đây, lần lượt được tổ chức tại: Chùa Pháp Bảo (1999), Chùa Pháp Quang (2003), Chùa Phổ Quang (2007), Chùa Pháp Hoa (2011), Tu Viện Quảng Đức (2015 và 2019). Và mới đây, Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 7 được tổ chức tại Chùa Thiên Ấn, vùng Canley Vale, tiểu bang New South Wales, từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 6 năm 2022.
18/02/2023(Xem: 6173)
Tôi nghĩ là người Phật tử, ai cũng muốn một lần được đến Ấn Độ để chiêm bái Phật tích, những Phật tích quan trong là nơi đức Phật Đản sinh, đức Phật Thành đạo, đức Phật chuyển Pháp luân và đức Phật nhập Niết Bàn. Bốn nơi đó thường được gọi là Tứ động tâm, nghĩa là 4 nơi thường làm cho người Phật tử xúc động, khi chiêm bái khi tưởng nhớ đến đức Thế Tôn. Chừng 10 năm trước, Đại đức Thích Minh Hiển từng du học ở Ấn Độ, tổ chức đi chiêm bái Phật tích, chúng tôi ghi danh đóng tiền tham gia, nhưng giờ chót, chúng tôi quyết định không đi, lần khác Đại đức Thích Hạnh Lý, trụ trì chùa Từ Ân, thành phố Louisville, Kentucky tổ chức đi chiêm bái Phật tích có thông báo cho chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không tham gia được.
07/11/2022(Xem: 7422)
Tình tự quê hương như là chất liệu để nuôi sống đời mình, nên Hòa Thượng Tuệ Sỹ chỉ ở đó mà không đi đâu hết. Sinh ra giữa lòng đất Mẹ, chắc một ngày mai kia có chết, thì chết trong giữa lòng đất mẹ ấy, mà đã không ra đi như bao người đã ra đi. Có lẽ sinh ra nơi nào thì chết ở nơi đó. Đây là cái khí khái của bậc Đại Sỹ. Dù quê hương có đọa đầy mưa nắng, thì cũng nguyện là người làm mưa nắng để vun xới cho quê hương được tươi mát.
13/03/2022(Xem: 24342)
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
09/02/2022(Xem: 23676)
Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam Sử Lược (trọn bộ hai tập, do Hòa Thượng Giới Đức biên soạn)
08/01/2022(Xem: 6574)
Bengal cổ đại là một trung tâm chính của Phật học, nghệ thuật và chủ nghĩa đế quốc; quả thực, đạo Phật là nền tảng của di sản văn hóa và ngôn ngữ của Bengal - bài thơ đầu tiên ở Bengali là Charyapada, được sáng tác bởi Chư tôn thiền đức Tăng già Phật giáo thời bấy giờ. Các Charyapada là tập hợp các bài thơ Thần kỳ, những bài tán thán sự chứng ngộ trong Kim Cương thừa truyền thống của Phật giáo mật tông ở các nơi Assam, Bengal, Bihar và Orissa. Theo các học giả đương đại, thuật ngữ Dharma trong tiếng Bengal có nghĩa là "Bauddha Dharma" (Buddhadharma) hoặc Phật pháp (佛法) và thuật ngữ Dharmapuja có nghĩa là "Buddhapuja". Khi Phật giáo bắt đầu suy tàn ở nhiều nơi khác nhau của Ấn Độ, nơi trú ẩn cuối cùng của Phật giáo là ở Bengal.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]