Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

31. Đêm Thanh, Trăng Sáng

19/03/201408:08(Xem: 24428)
31. Đêm Thanh, Trăng Sáng
blank

Đêm Thanh, Trăng Sáng


Hôm ấy, do chữ hiếu đã tạm thời khuây khỏa, do mụn ghẻ ngứa ngáy không còn nữa nên đức vua Ajātasattu thấy thân tâm thư thái vô cùng. Tại ngự viên, ông ngồi yên, lặng lẽ thọ hưởng một niềm an lạc nhẹ nhàng ít có trong đời. Đêm nay là đêm trăng thanh, gió mát, đúng tháng Hoa Súng (Komudi) nên trời đất êm dịu lạ thường. Ông chợt nghĩ đến đức Phật và giáo pháp của ngài. Không biết pháp và luật ấy có sự nhiệm mầu nào mà “hóa sanh” được hai vị đế vương Pāsenadi và Bimbisāra quy đầu, phục thiện, cung kính hết mực mà chăm lo cho Tam Bảo cũng hết mực. Cả hai vị đại hoàng hậu Mallikā và Videhi, mẹ ta, cũng thế! Cả cái ông thần y cũng được hóa sanh từ “cái lò” ấy nữa!

Vậy thì chỉ có đức Thế Tôn và giáo pháp của ngài là đáng nói; còn trên thế gian này, các giáo phái chủ, giáo phái sư, ai kiến thức cũng hủ lậu, nông cạn, phù phiếm... đến đáng tức cười, đáng giận!

Lát sau, một số đại thần thân tín cũng đến vườn ngự để uống rượu bổ và thưởng trăng cùng đức vua, ông ướm hỏi:

- Xem nào, tại kinh đô Rājagaha này, vị giáo chủ nào đáng để cho ta đi đến để chiêm bái, cúng dường và nghe pháp, các vị có biết không?t

- Tâu đại vương! Một vị nói - Có Pūraṇa Kassapa là vị hội chủ, là vị giáo trưởng, là vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng; là khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong đại vương đến chiêm bái Pūraṇa Kassapa này. Chiêm bái vị ấy có thể khiến tâm đại vương được tịnh tín.(1)

Do đức vua đã biết về cái vị giáo chủ ấy nên ông không nói gì, vị quan khác lại giới thiệu Makkhali Gosāla, Ajita Kesakambalī... Khi đức vua cũng im lặng thì lần lượt các vị giáo chủ khác như Pakudha Kaccāyana, Nigaṇṭha Nātaputta, Sañjaya Belaṭṭhiputta lại được nêu danh nhưng ông cũng không trả lời.

Thấy thần y Jīvaka ngồi ở đằng xa, có vẻ cô độc, đức vua cất tiếng hỏi:

- Còn ông, Jīvaka, sao lại yên lặng như vậy?

- Tâu đại vương! Hiện tại, ở vườn xoài của hạ thần, có đức Thế Tôn và một ngàn hai trăm vị tỳ-khưu đang tịnh cư. Đấy mới chính thực là vị đại sư vương trên đời này. Đấy mới chính thực là bậc toàn thiện trên đời này. Đấy mới chính thực là bậc đại giác trên đời này. Đấy mới chính thực là bậc thầy của chư thiên và nhân loại. Đấy mới chính thực là người đáng để cho đại vương đi đến để chiêm bái, cúng dường và nghe pháp! Sau khi nghe pháp rồi, chắc hẳn đại vương sẽ sanh tâm tịnh tín!

Thấy Jīvaka nói đúng ý mình, đức vua hồ hởi bảo quan hầu sai lính cho thắng con vương tượng, cùng một số quan lại, thị nữ, tùy tùng cầm đuốc sáng trưng, lên voi và ngựa khởi hành.

Đến vườn xoài của thần y Jīvaka thì trăng lên đã cao, sáng vằng vặc. Đêm như đang ngủ yên mà cả con đường, rừng cây trầm mặc cũng như đang ngủ yên. Đến chỗ voi và ngựa không còn đi được, vua và phái đoàn đồng xuống đi bộ. Gần đến cổng vườn xoài thì đức vua chợt rởn tóc gáy, sợ hãi, lông tóc dựng ngược, bước thối lui rồi nói rằng:

- Này Jīvaka! Ông phản ta chăng? Ông lường gạt ta chăng? Ông muốn nạp ta cho kẻ thù chăng? Tại sao trong một đại chúng lớn, theo lời ông nói là một nghìn hai trăm năm mươi vị, mà không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho, không một tiếng ồn?

Jīvaka đáp:

- Tâu đại vương! Đức Thế Tôn và đại chúng tỳ-khưu khi nghỉ ngơi, tinh dưỡng thì hằng yên lặng như một rừng đại định. Đại vương hãy bước tới, hãy đi thẳng tới. Tại chỗ có căn nhà tròn, có những ngọn đèn sáng, đức Thế Tôn đang ở đấy, và có lẽ cũng đang cố ý chờ đợi đại vương.

Đến nơi, nhìn vào bên trong, quả là đức Phật đang ngồi quay mặt về hướng nam, đoanh vây xung quanh là một số các vị trưởng lão. Thấy đâu đâu cũng yên lặng như tờ, yên lặng như mặt nước hồ thu không gợn sóng, tức cảnh, so sánh với tâm tánh hiếu động không yên của đứa con cưng, đức vua Ajātasattu nói nho nhỏ trong tâm mình rằng:

“- Mong rằng, tiểu thái tử Udāyibhadda, con ta, cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của các vị tỳ-khưu này vậy!”

Đức Phật chợt mỉm cười, hỏi mà như đã trả lời:

- Hình như tâm trí của đại vương hiện đang vướng nặng về tình thương thì phải?

Chột dạ vì thấy đức Phật biết được cả ý nghĩ của mình, đức vua đành phải thú nhận:

- Quả vậy, bạch Thế Tôn! Con thương tiểu thái tử Udāyibhadda rất nhiều! Con ao ước nó có được một phần nào sự trầm lặng như sự trầm lặng của đại chúng tỳ-khưu tại khu vườn xoài này!

Nói xong, đức vua lễ phép xá chào, lựa tìm một chỗ ngồi phải lẽ.

Đức Phật mở lời:

- Đường sá xa xôi, đêm hôm khuya khoắt, chắc hẳn trong tâm tư của đại vương có điều gì khúc mắc mới chịu khó tìm đến vườn rừng hẻo lánh này?

- Phải vậy, bạch Thế Tôn! Có một câu hỏi mà con đã đi hỏi nhiều nơi vẫn chưa được thỏa mãn. Hôm nay đêm thanh, trăng tỏ, không khí mát lành, con đến đây chỉ mong được trí tuệ của Thế Tôn dọi sáng cho!

- Lành thay! Đại vương cứ hỏi.

- Thưa vâng! Con đi thẳng vào vấn đề đây. Cũng như các công nghệ, các nghề nghiệp, những công việc đa dạng trong thế gian này: Ví như điều tượng sư, điều mã sư, xa thuật sư, quân thuật sư, quân kỳ binh, nguyên súy, chiến sĩ, thượng sĩ quan, thám tử, dõng sĩ can đảm như voi chúa, anh hùng, trang giáp binh, giới nô lệ, hỏa đầu quân, thợ hớt tóc, người hầu tắm, thợ làm bánh, nhà làm vòng hoa, thợ giặt, thợ dệt, nhà làm thúng rổ, thợ đồ gốm, nhà toán số, nhà ấn bản và các công nghệ chức nghiệp khác, chúng hưởng được kết quả thiết thực hiện tại từ công việc của chúng. Nhờ thâu hái được kết quả của các công việc, chúng giúp cho tự thân được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho vợ con được sống an lạc hạnh phúc. Chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho bạn bè được sống an lạc hạnh phúc. Chúng dâng các vật cúng dường cho sa-môn, bà-la-môn, sự cúng dường này có ảnh hưởng đến đời sau, liên hệ đến thiên giới, thọ hưởng phước báo an lạc, thác sanh lên cõi trời. Bạch Thế Tôn! Ngài có thể chỉ cho con biết kết quả thiết thực, hiện tại của hạnh sa-môn chăng? Nói cách khác, trên đời này, việc làm của mọi người, đâu đâu, ai ai cũng nhằm đạt đến những kết quả thiết thực trong hiện tại – còn hạnh sa-môn của Thế Tôn cùng đại chúng tỳ-khưu – thì sự thâu hái thiết thực, cụ thế ấy là như thế nào?

- Câu hỏi hay lắm! Đức Phật khen ngợi rồi nói – Tuy nhiên, câu hỏi ấy, trước đây, có ai đã trả lời cho đại vương hay chưa? Nếu không trở ngại gì, thì đại vương có thể cho Như Lai biết với không?

- Không, không trở ngại. Độ ấy, câu hỏi ấy được hỏi với giáo chủ Pūraṇa Kassapa nhưng ông ta tránh né, tránh né bằng cách con hỏi một đường thì ông ta trả lời một nẻo. Con còn nhớ rõ như sau:

“- Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, gây áo não hay khiến người gây áo não, tự mình gây sợ hãi hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì. Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt, cũng không vì vậy mà có tội ác, mà gây ra tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy mà có tội ác, mà gây ra tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, cũng không vì vậy mà có phước báo”.

Bạch Thế Tôn! Thế đấy! Khi được hỏi về kết quả hiện tại thiết thực của hạnh sa-môn, thì vị giáo chủ Pūraṇa Kassapa lại trả lời với thuyết “vô nghiệp”. Thuyết vô nghiệp là tung bóng tối, u mê và phi đạo đức cho cuộc đời, con chưa hỏi tội. Ở đây, cái cách trả lời lại còn như, hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít hoặc hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài! Con tự nghĩ: “Thôi! Bỏ qua đi! Ta kế thừa chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của phụ vương ta – thì làm sao ta lại có thể làm cho một vị sa-môn hay bà-la-môn ở trong nước ta không được vui lòng?” Vì vậy, bạch Thế Tôn! Con không tán thán, cũng không cật nạn lời nói của ông ta. Không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng như không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

- Hay lắm! Đức Phật lại tán thán – Thái độ của đại vương rất chín chắn, là thái độ của bậc trí!

- Con không dám!

- Thế còn vị giáo chủ khác, họ trả lời ra sao cũng một câu hỏi ấy?

- Bạch Thế Tôn! Tiếp đến là giáo chủ Makkhali Gosāla, ông ta đã trả lời: “Này đại vương! Không có nhơn, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô; vô nhân, vô duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh; vô nhân, vô duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Không có tự tác, không có tha tác, không có nhân tác, không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có sự cố gắng của người. Tất cả loài hữu tình, tất cả sanh vật, tất cả sinh loại, tất cả sinh mạng đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Chúng bị dắt dẫn, chi phối bởi định mệnh, bởi điều kiện bộ loại của chúng, bởi cá tánh của chúng. Chúng hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu loại thác sanh của chúng. Có tất cả là một triệu bốn trăm ngàn chủng loại thác sanh, lại có thể sáu ngàn và có thêm sáu trăm nữa. Có năm trăm loại nghiệp và có năm nghiệp theo năm căn, lại có ba nghiệp (về thân, khẩu, ý), lại có toàn nghiệp (thân và khẩu) và bán nghiệp (ý), có sáu mươi hai đạo, sáu mươi hai trung kiếp, sáu giai cấp, tám nhân địa, bốn ngàn chín trăm sanh nghiệp, bốn ngàn chín trăm kẻ du hành, bốn ngàn chín trăm chỗ ở của loài Nāgā, hai nghìn căn, ba nghìn cảnh địa ngục, ba mươi sáu trần giới, bảy tưởng thai, bảy vô tưởng thai, bảy tiết thai (sanh từ đốt), bảy loài thiên, bảy loài người, bảy loài quỷ, bảy hồ nước, bảy pavutas (rừng hay hồ nhỏ) bảy trăm pavutas, bảy vực thẳm, bảy trăm papatas (vực thẳm), bảy mộng, bảy trăm mộng, có tám trăm bốn mươi vạn đại kiếp, trong thời gian ấy kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau. Không có lời nguyện: Với giới hạnh này, với kỷ luật này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này, tôi sẽ làm cho chín muồi những nghiệp chưa được thuần thục, hoặc trừ diệt những nghiệp đã thuần thục bởi những nhẫn thọ liên tục, không thể đo lường khổ và lạc với những vật đo lường, trong khi luân hồi không có giảm tăng, không có thặng dư, thiếu thốn. Ví như một cuộn chỉ được tung ra sẽ được kéo dài đến mức độ nào đó. Cũng như vậy, kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau”.

Bạch Thế Tôn! Thế đấy! Ông ta đã thao thao bất tuyệt cái gì đâu không, con nghe lùng bùng cả lỗ tai. Nhưng rốt lại, con cũng nắm bắt được cái thuyết “luân hồi tịnh hóa” của ông ta, chỉ có người không biết nhận thức, không có đầu óc hay là kẻ tâm thần mới chạy theo cái tư tưởng với cái đám rừng hỗn mang ấy! Cuối cùng, con cũng lặng lẽ bỏ về như trường hợp ông giáo chủ thứ nhất.

Rồi lần lượt, đức vua kể về câu trả lời của giáo chủ Pakudha Kaccāyana, ông này lại rơi vào thuyết “hư vô đoạn diệt kiến”. Ông ta say sưa giảng: “Có bảy thân không bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động không chuyển biến, không xâm lăng nhau. Chúng không ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau hoặc cả khổ và lạc. Bảy thân ấy là gì? Ðịa thân, thủy thân, hỏa thân, phong thân, khổ, lạc và thứ bảy là mạng. Bảy thân này khômg bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động không chuyển biến, không xâm lăng, chúng không ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau, hoặc cả khổ và lạc. Ở đây không có người giết hại, hoặc có người bị giết hại, người nghe hoặc người nói, người biết hoặc người khiến cho biết. Khi một ai dùng lưỡi kiếm sắc bén chém đầu, thời không có ai tước đoạt sanh mạng của ai cả, lưỡi kiếm chỉ rơi vào giữa bảy thân mà thôi”.

Bạch thế Tôn! Cái đoạn diệt kiến của ông ta tương đồng với bọn hư vô duy vật luận thô thiển làm cho bậc trí phải chau mày, thở dài, thế mà chúng huyên thuyên giảng nói từ nơi này sang nơi khác. Con rất giận nhưng mà cũng phải bỏ qua, nhẫn xả nó đi.

Còn nữa, bạch Thế Tôn! Giáo chủ Nigaṇṭha Nātaputta lại nói về bốn loại cấm giới: “Một người nigaṇṭha (ni-kiền-tử) sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới. Thứ nhất, là sống gìn giữ đối với tất cả loại nước. Thứ hai, là sống gìn giữ đối với mọi ác pháp. Thứ ba, là sống tẩy sạch tất cả ác pháp. Thứ tư, là sống với ý chí gìn giữ đối với tất cả ác pháp. Vì một nigaṇṭha sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới, nên vị ấy được gọi là gotatto (một vị đã đi đến đích), yatatto (một vị đã điều phục tự tâm) và thitatto (một vị đã an trú được tự tâm)”.

Bạch Thế Tôn! Bốn loại cấm giới nghe thì lọt tai, có đạo đức, có tu tập nhưng sống gìn giữ các loại nước là sao? Đâu cũng có sanh mạng của chúng sanh cả, trong nước, trong đất, trong không khí, trong cây cỏ... thì phải gìn giữ như thế nào, không nghe nói tới? Còn ba điều sau nó chỉ là một thôi! Giới bổn gì mà nghèo nàn đến như vậy?

Còn giáo chủ Sañjaya Belaṭṭhiputta thì say sưa về “ngụy biện luận” của mình. Ví dụ có người hỏi: “Có một thế giới khác hay không?” Thế là ông ta và đệ tử của ông ta sẽ trả lời loanh quanh luẩn quẩn, không xác định, không phủ nhận, trườn tới trườn lui, bò qua bò lại nơi bốn phạm trù: “Có, không, vừa có vừa không, không có không không” rất bực mình, rất khó chịu. 

Khi được hỏi: “Có loại hữu tình hóa sanh không?” thì cũng bốn phạm trù kia mà nói như con vẹt. Với câu hỏi: “Có kết quả dị thục của các nghiệp thiện ác hay không” – thì cũng y như vậy...

Kể đến ngang đây, đức vua thở dài:

- Con đã ớn đến tận cổ tất cả lý thuyết, tư tưởng của họ, bạch Thế Tôn! Nên hôm nay, con đến đây chỉ muốn nghe cái lợi ích thiết thực hiện tại của sa môn hạnh mà thôi!

- Hay lắm! Vậy Đại vương hãy khéo chú tâm, Như Lai sẽ nói đây.

- Thưa vâng!

Rồi đức Phật thuyết:

- Ðại vương nghĩ sao trong trường hợp như thế này? Nếu đại vương có một người nô bộc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt của đại vương. Người ấy nghĩ: “Thật hy hữu thay! Thật kỳ diệu thay quả vị thác sanh của các công đức, quả dị thục của các công đức. Ðức vua Ajātasattu, con bà Videhi, nước Māgadha, là người, tôi đây cũng là người. Vị vua Ajātasattu ấy sống tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tôi nghĩ không khác gì vị thiên thần; còn tôi sao lại sống trong cảnh bần cùng, khốn khổ, thân phận nô lệ há không giống như con ngạ quỷ tìm kiếm thức ăn trong đống rác hay sao? Vậy ta hãy làm các công đức để thay đổi thân phận! Ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống đời xuất gia phạm hạnh”. Và người nô lệ ấy, một thời gian sau, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, sống trong giáo đoàn của Như Lai. Sau khi xuất gia, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỉ sống an tịnh. Có người đi ra ngoài, trở lại hoàng cung, biết người ấy, việc ấy, về kể lại cho đại vương nghe. Trong trường hợp ấy, đại vương có kêu gọi người ấy trở lại mà nói rằng: “Này, tên nô bộc! Hãy trở lại đây với ta, làm mọi công việc tay chân để hầu hạ ta như trước đây ngươi đã làm?”

- Thưa không, bạch Thế Tôn! Con sẽ không nói vậy, sẽ không làm như vậy?

- Thế đại vương đối xử ra sao?

- Bạch Thế Tôn! Tôn trọng, cung kính, cúng dường sa-môn, đạo sĩ là pháp truyền thống của vương triều, cho nên con sẽ kính lễ người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các vật dụng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men trị bệnh và con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo luật pháp.

- Đúng vậy! Đức Phật gật đầu – Như Lai biết là đại vương Ajātasattu, con bà Videhi, nước Māgadha sẽ làm như thế. Và như vậy, đại vương nghĩ thế nào, đó có phải là kết quả thiết thực hiện tại của sa-môn hạnh?

- Đúng vậy! Đức vua mỉm cười – Không có gì rõ ràng hơn thế nữa. Rồi ông tiếp – Có thể có kết quả thiết thực hiện tại nào khác, cũng cụ thể như vậy nữa không, bạch Thế Tôn!

- Này đại vương, có thể được. Ðại vương nghĩ sao? Nếu đại vương có một người nông phu, gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố. Người ấy nghĩ đến thân phận hèn mọn của mình khi so sánh với ngũ dục công đức tối thượng của đại vương – nên y đã xuất gia. Và khi y đã xuất gia, sống đời không gia đình, tri túc trong tứ sự, tinh cần sa-môn hạnh – thì đại vương cũng sẽ đối xử phải phép như đối với người nô bộc ở trên?

- Đúng vậy, bạch Thế Tôn!

- Và đó có phải là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn chăng?

- Thưa vâng! Im lặng giây lát, đức vua hỏi tiếp - Có thể Thế Tôn cho biết thêm một kết quả thiết thực hiện tại khác nữa, vi diệu hơn, thù thắng hơn những kết quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn vừa kể trên?

- Này đại vương, có thể được! Hãy lắng tai nghe và khéo hướng tâm, tác ý, Như Lai sẽ giảng.

- Thưa vâng!

- Này đại vương! Nay ở đời, Như Lai xuất hiện là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí thế giới này với thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với sa-môn, bà-la-môn, thiên nhơn, lại tuyên thuyết điều Như Lai đã chứng ngộ. Như Lai thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Thế rồi, người gia trưởng hay con vị gia trưởng, hoặc một người sanh ở giai cấp hạ tiện nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ: “Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường thế gian đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình”. Một thời gian sau, người ấy từ bỏ tài sản nhỏ hay tài sản lớn, từ bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, và xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn pātimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập trong giới học, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Sanh hoạt trong sạch giới hạnh cụ túc, thủ hộ các căn, chánh niệm tỉnh giác và biết tri túc.

Ðại vương! Thế nào là tỳ-khưu giới hạnh cụ túc? Ở đây, vị tỳ-khưu từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến tất cả hạnh phúc của chúng sanh và loài hữu tình.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Tỳ-khưu từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt, không phản lại lời hứa đối với đời.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy tỳ-khưu ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Vị ấy từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác. Vị ấy nói những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về chánh pháp, nói những lời về luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm. Từ bỏ ăn phi thời. Từ bỏ đi xem múa, hát nhạc, diễn kịch. Từ bỏ trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Từ bỏ dùng giường cao và giường lớn. Từ bỏ nhận vàng và bạc. Từ bỏ nhận các hạt sống. Từ bỏ nhận thịt sống. Từ bỏ nhận đàn bà con gái. Từ bỏ nhận nô tỳ gái và trai. Từ bỏ nhận cừu và dê. Từ bỏ nhận gia cầm và heo. Từ bỏ nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái. Từ bỏ nhận ruộng nương, đất đai. Từ bỏ nhận người môi giới hoặc tự mình làm môi giới. Từ bỏ buôn bán. Từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường. Từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo. Từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn làm hại các hạt giống và cây cối như hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ nhánh cây sanh, hạt giống từ đốt cây sanh, hạt giống từ chiết cây sanh, và thứ năm là hạt giống từ hạt giống sanh.

Còn vị ấy thì không làm hại hạt giống hay cây cỏ nào.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống cất chứa và thọ hưởng các đồ vật như cất chứa các món ăn, cất chứa các đồ uống, cất chứa vải, cất chứa xe cộ, cất chứa các đồ nằm, cất chứa các hương liệu, cất chứa các mỹ vị.

Còn vị ấy thì từ bỏ cất chứa các vật trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống theo các du hí không chơn chánh như múa, hát, nhạc kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, tụng chú, đánh trống, diễn các tuồng thần tiên, mãi võ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cun cút, đấu gậy, đấu quyền, đấu vật, đánh giặc giả, dàn trận, thao dượt, diễn binh.

Còn vị ấy thì từ bỏ các du hí không chơn chánh như trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống đánh bài và theo các trò giải trí. Như cờ tám hình vuông, cờ mười hình vuông, cờ trên không, trò chơi trên đất, chỉ bước vào những ô có quyền bước, trò chơi quăng thẻ rồi chụp nhưng không cho sụp đống thẻ, chơi xúc xắc, chơi khăng, lấy tay làm viết, chơi banh, chơi thổi kèn bằng lá, cày với chiếc cày giả, nhảy lộn nhào, chơi chong chóng, chơi với đồ chơi bằng lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ, chơi đoán chữ viết trên không hay trên lưng, chơi đoán tư tưởng, chơi bắt chước bộ điệu.

Còn vị ấy thì từ bỏ đánh bài và các loại giải trí như trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống dùng các giường cao và giường lớn như ghế bành, trường kỷ, nệm trải giường bằng len, vải trải giường nhiều tấm nhiều màu, chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bông, nệm thêu hình các con thú, mền bằng lông thú cả hai phía, mền bằng lông thú một phía, mền có đính ngọc, mền bằng lụa, tấm khảm lớn có thể chứa mười sáu người múa, mền voi, mền ngựa, mền xe, mền bằng da sơn dương khâu lại với nhau, mền bằng da con sơn dương khâu lại gọi là kadali, tấm thảm với lều che phía trên, ghế dài có gối đầu, gối chân màu đỏ.

Còn vị ấy thì từ bỏ không dùng các giường cao và giường lớn như trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống dùng các đồ trang sức và mỹ phẩm như thoa dầu, đấm bóp, tắm, đập tay chân cho mềm dẻo, gương kem đánh mặt, vòng hoa và phấn son, phấn mặt và sáp mặt, tóc giả trên đầu, gậy cầm tay, ống thuốc, gươm, lọng, dép thêu, khăn đầu, ngọc, phất trần, vải trắng có viền tua dài.

Còn vị ấy thì không dùng các loại trang sức và mỹ phẩm như trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống nói những câu chuyện vô ích tầm thường như câu chuyện nói về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, câu chuyện nghe đến hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, các câu chuyện biến trạng của thế giới, câu chuyện về biến trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu.

Còn vị ấy thì từ bỏ nói những chuyện vô ích, tầm phào kể trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn bàn luận tranh chấp như nói: Ngươi không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Sao ngươi có thể biết pháp và luật này? Ngươi đã phạm vào tà kiến, tôi nói mới thật đúng chánh kiến. Lời tôi nói mới tương ưng, lời nói của người không tương ưng. Những điều đáng nói trước, ngươi lại nói sau. Những điều đáng nói sau, ngươi lại nói trước. Chủ kiến của ngươi đã bị bài bác, câu nói của ngươi đã bị thách đấu. Ngươi đã bị thuyết bại. Hãy đến mà giải vây lời nói ấy. Nếu có thể được, gắng thoát ra khỏi lối bí.

Còn vị ấy thì từ bỏ những cuộc biện luận, tranh chấp kể trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn cho đưa các tin tức, hoặc tự đứng làm môi giới cho các vua, cho các đại thần của vua, cho các vị sát-đế-lỵ, cho các vị bà-la-môn, cho các gia chủ, cho các thanh niên và nói rằng: Hãy đi đến chỗ ấy, hãy đi lại chỗ kia, mang cái này lại, đem cái này đến chỗ kia.

Còn vị ấy thì từ bỏ đưa các tin tức và đứng làm môi giới.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống lừa đảo, nói lời siểm nịnh, gợi ý, gièm pha, cầu lợi.

Còn vị ấy thì từ bỏ nói lời lừa đảo và siểm nịnh như trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà hạnh như xem tướng tay chân, chiêm tướng, triệu tướng, mộng tướng, thân tướng, dấu chuột cắn, tế lửa, tế muỗng, dùng miệng phun hạt cải... vào lửa, tế vỏ lúa, tế tấm, tế gạo, tế thục tô, tế máu, khoa xem chi tiết thân thể, khoa xem địa lý, khoa xem mộng, khoa cầu thần ban phước, khoa cầu quỷ ma, khoa dùng bùa chú khi ở trong nhà bằng đất, khoa rắn, khoa thuốc độc, khoa bò cạp, khoa chim, khoa chim quạ, khoa đoán số mạng, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng nói của chim.

Còn vị ấy thì tránh xa những tà hạnh kể trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như xem tướng các hòn ngọc, tướng que gậy, tướng áo quần, tướng gươm kiếm, tướng mũi tên, tướng cây cung, tướng võ khí, tướng đàn bà, tướng đàn ông, tướng thiếu niên, tướng thiếu nữ, tướng đầy tớ nam, tướng đầy tớ nữ, tướng voi, tướng ngựa, tướng trâu, tướng bò đực, tướng bò cái, tướng dê, tướng cừu, tướng gia cầm, tướng chim cun cút, tướng con cắc kè, tướng vật tai dài, tướng ma, tướng thú vật.

Còn vị ấy thì tránh xa những tà mạng kể trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như đoán trước: Vua sẽ tiến quân, vua sẽ lùi quân, vua bản xứ sẽ tấn công, vua ngoại bang sẽ triệt thối, vua bản xứ sẽ thắng trận, vua ngoại bang sẽ thắng trận, vua bản xứ sẽ bại trận. Như vậy sẽ có sự thắng trận cho phe bên này, sẽ có sự bại trận cho phe bên kia.

Còn vị ấy thì từ bỏ những tà mạng kể trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi có một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn nuôi sống bằng những tà mạng, như đoán trước: Sẽ có nguyệt thực, sẽ có nhật thực, sẽ có tinh thực, mặt trăng, mặt trời sẽ đi đúng chánh đạo, mặt trăng mặt trời sẽ đi ngoài chánh đạo, sẽ có sao băng, các tinh tú sẽ đi đúng chánh đạo, các tinh tú sẽ đi ngoài chánh đạo, sẽ có sao bằng, sẽ có lửa cháy các phương hướng, sẽ có động, sẽ có sấm trời, mặt trăng mặt trời các sao sẽ mọc, sẽ lặn, sẽ mờ, sẽ sáng, nguyệt thực sẽ có kết quả như thế này, nhật thực sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi ngoài chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, các tinh tú đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, các tinh tú đi ngoài chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, sao băng sẽ có kết quả như thế này, lửa cháy các phương sẽ có kết quả như thế này, động đất sẽ có kết quả như thế này, sấm trời sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời các sao mọc lặn sáng mờ sẽ có kết quả như thế này.

Còn vị ấy thì tránh xa không tự nuôi sống bằng tà mạng kể trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng tà mạng, như đoán trước: Sẽ có nhiều mưa, sẽ có đại hạn, sẽ được mùa, sẽ mất mùa, sẽ được an ổn, sẽ bị hiểm họa, sẽ có bệnh, sẽ không có bệnh, hay làm các nghề như đếm trên ngón tay, kế toán, cộng số lớn, làm thư, làm theo thế tình.

Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như sắp đặt ngày lành để rước dâu hay rể về nhà, sắp đặt ngày lành để đưa dâu hay rễ, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước, thờ mặt trời, thờ đại địa, phun ra lửa, cầu Siri thần tài.

Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Trong khi một số sa-môn, bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như dùng các ảo thuật để được yên ổn, để khỏi làm các điều đã hứa, để được che chở khi ở trong nhà bằng đất, để dương được thịnh, để làm người liệt dương, để tìm đất tốt làm nhà, để cầu phước cho nhà mới, lễ rửa miệng, lễ tắm, lễ hy sinh, làm cho mửa, làm cho xổ, bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, tẩy tịnh trong đầu, thoa dầu trong tai, nhỏ thuốc mắt, cho thuốc qua lỗ mũi, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, chữa bệnh cho mắt, làm thầy thuốc, mổ xẻ chữa bệnh cho con nít, cho thuốc uống bằng các loại rễ cây, ngăn ngừa công hiệu của thuốc.

Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên.

Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

Và như vậy, đại vương! Vị tỳ-khưu ấy, nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Như một vị sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đã hàng phục kẻ thù địch, không còn thấy sợ hãi từ chỗ nào nữa về phương diện thù địch. Cũng vậy, này đại vương! Tỳ-khưu ấy nhờ đầy đủ giới luật, nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không vẩn đục.

Như vậy, này đại vương! Ấy là tỳ-khưu đầy đủ giới luật.

Còn thế nào là tỳ-khưu hộ trì các căn? Này đại vương! Khi mắt thấy sắc, tỳ-khưu không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ-khưu tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ-khưu chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục.

Như vậy là tỳ-khưu hộ trì các căn.

Ðại vương! Thế nào là tỳ-khưu chánh niệm, tỉnh giác? Ở đây, tỳ-khưu khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.

Như vậy là vị tỳ-khưu chánh niệm, tỉnh giác.

Thế nào là tỳ-khưu biết đủ? Ở đây tỳ-khưu bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo y và bình bát. Ðại vương! cũng như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh; cũng vậy, vị tỳ-khưu bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo.

Như vậy là vị tỳ-khưu sống đời biết đủ.

Vị ấy, với giới uẩn cao quý này, với sự hộ trì các căn cao quý này, với chánh niệm tỉnh giác cao quý này, với hạnh biết đủ cao quý này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt.

Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm, thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên; với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm, thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

Này đại vương! Như một người mắc nợ, liền làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ con. Người ấy nghĩ: Ta trước kia mắc công, mắc nợ, khốn khổ, lo nghĩ trăm bề, nay nhờ nghề nghiệp được phát đạt, không những đã trả được nợ nần, cất gánh nặng trên vai xuống, mà lại còn dư dã để nuôi dưỡng vợ con.

Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ.

Này đại vương! Như một người bị bệnh, đau đớn trầm kha, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Sau một thời gian người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục. Người ấy nghĩ: Ta trước kia bị bệnh, đau đớn trầm kha, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Nay ta khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục.

Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.

Này đại vương! Như một người bị nhốt trong ngục. Người ấy sau một thời gian, được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn. Người ấy nghĩ: Ta trước kia bị nhốt trong ngục, nay ta được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn.

Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.

Này đại vương! Như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Người ấy, sau một thời gian, thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người được giải thoát, được tự do đi lại. Người ấy nghĩ: Ta trước kia bị cảnh nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Nay ta thoát cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người được giải thoát, được tự do đi lại.

Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.

Này đại vương! Như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua bãi sa mạc, thiếu lương thực, đầy những nguy hiểm. Người ấy, sau một thời gian đã đi khỏi sa mạc, đến đầu làng vô sự, yên ổn, không có nguy hiểm. Người ấy nghĩ: Ta trước kia giàu có, nhiều tài sản, đi qua bãi sa mạc thiếu lương thực, đầy những nguy hiểm. Nay ta đã đi qua khỏi bãi sa mạc ấy, đến đầu làng vô sự, yên ổn, không có nguy hiểm.

Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.

Như vậy, này đại vương! Tỳ-khưu tự mình quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường sa mạc. Này đại vương! Cũng như không mắc nợ, như không bệnh tật, như được khỏi tù tội, như được tự do, như đất lành yên ổn.

Như vậy là vị tỳ-khưu quán năm triền cái khi đã diệt trừ chúng.

Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỳ-khưu ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỳ-khưu thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Này đại vương! Như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm. Sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này đại vương! Tỳ-khưu thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân hình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Còn nữa, này đại vương! Tỳ-khưu ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm; tỳ-khưu ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Này đại vương! Ví như một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương đông không có lỗ nước chảy ra, phương tây không có lỗ nước chảy ra, phương bắc không có lỗ nước chảy ra, phương nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này đại vương! Tỳ-khưu thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân, không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Còn nữa, này đại vương! Tỳ-khưu ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú thiền thứ ba. Tỳ-khưu thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Này đại vương! Ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này đại vương! Tỳ-khưu thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Còn nữa, này đại vương! Tỳ-khưu xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỳ-khưu ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Này đại vương! Ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy bao bọc. Cũng vậy, này đại vương! Tỳ-khưu thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn, còn vi diệu, thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.

Này đại vương! Ví như một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và một sợi dây được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt. Một người có mắt cầm hòn ngọc ấy trên tay sẽ thấy: Hòn lưu ly bảo châu này, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và sợi dây này được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt. Cũng vậy, này đại vương! Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt. Trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực, hiện tại của hạnh sa-môn, còn vi diệu và thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào.

Này đại vương! Ví như mọt người rút một cây lau ra ngoài vỏ. Người ấy nghĩ: Ðây là vỏ, đây là cây lau; vỏ khác, cây lau khác và cây lau từ vỏ rút ra. Này đại vương! Ví như một người rút thanh kiếm từ bao kiếm; thanh kiếm khác, bao kiếm khác, và thanh kiếm từ nơi bao kiếm rút ra. Này đại vương! Ví như một người lột xác một con rắn. Người ấy nghĩ: Ðây là con rắn, đây là xác rắn, con rắn khác, xác rắn khác, và con rắn từ nơi xác rắn được lột ra. Cũng vậy, này đại vương! Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến sự hiện hóa một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý tạo thành, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và sờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi phạm thiên.

Này đại vương! Ví như một người thợ gốm khéo tay, hay đệ tử người thợ gốm, với đất sét khéo nhồi nhuyễn, có thể làm các loại đồ gốm tùy theo sở thích. Này đại vương! Ví như một người thợ ngà khéo tay, hay đệ tử người thợ ngà, với ngà khéo đẽo dũa có thể làm các loại đồ ngà tùy theo sở thích. Này đại vương! Ví như người thợ vàng khéo tay hay đệ tử người thợ vàng, với vàng khéo tinh nhuyễn có thể làm các loại đồ vàng tùy theo sở thích. Cũng vậy này đại vương! Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các thần thông một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên, ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như còn chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi phạm thiên.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến thiên nhĩ thông. Tỳ-khưu với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân có thể nghe hai loại tiếng, chư thiên và người, xa và gần.

Này đại vương! Ví như một người đang đi qua đường, nghe tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng loa, tiếng xập xõa và tiếng kiểng. Người ấy nghĩ: “Ðây là tiếng trống lớn, đây là tiếng trống nhỏ, đây là tiếng loa, tiếng xập xõa, tiếng kiểng”. Cũng vậy, này đại vương! Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến thiên nhĩ thông. Tỳ-khưu với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư thiên và người, xa và gần.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm thông. Tỳ-khưu sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình, vị ấy biết được như sau:

Tâm có tham, biết là tâm có tham. Tâm không có tham, biết là tâm không có tham. 

Tâm có sân, biết là tâm có sân. Tâm không có sân, biết là tâm không có sân. 

Tâm có si, biết là tâm có si. Tâm không có si, biết là tâm không có si. 

Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết là tâm tán loạn. 

Ðại hành tâm, biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm, biết không phải là đại hành tâm. 

Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng, Tâm vô thượng, biết là tâm vô thượng. 

Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây. Như vậy tỳ-khưu nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Này đại vương! Ví như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình. Người ấy nghĩ: Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta. Như vậy, này đại vương! Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp. Vị ấy nhớ: Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra chỗ nọ, tại đây, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây. Như vậy, tỳ-khưu nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn, còn vi diệu, thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến trí huệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: Này các hiền giả! Những chúng sanh này làm những điều ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các hiền giả! Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.

Này đại vương! Ví như một tòa lầu có thượng đài, giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên ấy, sẽ thấy những người đi vào nhà, đi từ nhà ra, đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng. Người ấy nghĩ: Những người này đi vào nhà, những người này đi từ nhà ra, những người này đi qua lại trên đường, những người này ngồi giữa ngã tư, trên đài thượng. Cũng vậy, này đại vương! Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh.

Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: Này các hiền giả! Những chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các hiền giả! Còn những chúng sanh nào làm các thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh, vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực, hiện tại của hạnh sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật “đây là khổ”, biết như thật “đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật “đây là khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát. Vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.

Này đại vương! Ví như tại dãy núi lớn có một hồ nước, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Một người có mắt, đứng trên bờ sẽ thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: Ðây là hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Ðây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ. Cũng vậy, này đại vương! Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ-khưu dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí ấy như kể ở trên. Nhờ hiểu biết như vậy, nhờ nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát, vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.

Này đại vương! Đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn trước.

Này đại vương! Không có một quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn nào vi diệu và thù thắng hơn quả thiết thực hiện tại của hạnh sa-môn này.

Ðược nghe nói vậy, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Māgadha bạch Thế Tôn:

- Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y tỳ-khưu Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Còn nữa, bạch Thế Tôn! Con đã phạm một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chơn chánh, hiền thiện để đạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con có cơ hội cải hối, ngăn chận về tương lai.

- Ðại vương! Đấy thật là một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, đại vương đã hại mạng phụ vương, một vị vua chơn chánh, hiền thiện để đoạt vương quyền. Vì đại vương đã thấy tội ấy là một tội, đã thú tội đúng với chánh pháp, Như Lai nhận tội ấy cho đại vương. Ðó là một sự tiến bộ, này đại vương! Trong pháp và luật của bậc thánh, những ai thấy tội là tội, thú tội đúng với chánh pháp, có cơ hội cải sửa và ngăn chận ở tương lai.

Ðược nghe nói vậy, đức vua Ajātasattu xúc động:

- Tri ân đức Thế Tôn! Nay chúng con phải cáo từ, chúng con có nhiều bổn phận, nhiều việc phải làm.

- Đại vương hãy làm những gì là phải thời.

Lúc bấy giờ, đức vua Ajātasattu hoan hỷ tán thán lời dạy của đức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ rất phải phép, thân phía hữu hướng về ngài rồi từ biệt.

Khi Ajātasattu rời chân đi rồi, đức Phật liền bảo các vị trưởng lão ở xung quanh:

- Ông ta rất ăn năn, rất hối lỗi. Nếu ông ta không hại mạng phụ vương mình - một vị vua chân chánh, hiền thiện - thì ngay tại chỗ ngồi này, ông ta đã chứng được pháp nhãn, mở được cánh cửa đi vào dòng giải thoát.

- Đáng xót thương thay cho ông ta, bạch đức Tôn Sư!

Đấy là lời bi thán như làn gió thoảng của tôn giả Ānanda!

Trưởng lão Moggallāna cất giọng lạnh lùng:

- Kiếp trước, vừa mới đây, đức vua Bimbasāra vay nợ mạng sống của Ajātasattu nên quả báo phải trả, đấy là định luật tất nhiên thôi, hiền giả!



(1)Kinh sa-môn quả - Trung bộ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/11/2013(Xem: 50423)
"Đức Đạt Lai Lạt Ma, Con Trai Của Tôi" là một tập tự truyện của Mẫu Thân Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một tập sách hấp dẫn do Cụ bà Diki Tsering, Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại những chi tiết sinh động trong cuộc đời của mình, từ một phụ nữ nông thôn bình thường, bỗng chốc đã trở thành một người đàn bà có địa vị cao nhất trong xã hội, làm Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo quốc gia Tây Tạng.
22/10/2013(Xem: 19068)
Là người Việt Nam, bất luận bình dân hay trí thức, chúng ta đều thấy có trọng trách tìm hiểu những gì liên hệ với dân tộc và đất nước thân yêu của mình. Sự tìm hiểu ấy giúp cho chúng ta có nhận thức chính xác về tư tưởng, tánh tình đồng bào ta. Nếu là người trí thức Việt Nam mà không biết gì về truyền thống của dân tộc thì không xứng đáng là trí thức. Thế nên, sự nghiên cứu những mối liên quan với dân tộc, thực là điều kiện tối thiểu của những người yêu dân tộc, quê hương xứ sở.
09/10/2013(Xem: 12325)
Tờ nhật báo uy tín Le Monde của Pháp ngày 18 tháng 9 năm 2013, trong mục Địa Lý và Chính Trị và qua một bài viết của ký giả Frédéric Robin đặc phái viên ở New Delhi, đã nêu lên các mưu đồ và tham vọng quốc tế nhằm khai thác thánh địa Phật Giáo Lâm-tì-ni (Lumbini). Dưới đây là phần chuyển ngữ.
19/09/2013(Xem: 27538)
Không biết tự khi nào, tôi đã lớn lên trong tiếng chuông chùa làng, cùng lời kinh nhịp mõ. Chùa An Dưỡng (xem tiểu sử), ngôi chùa làng, chỉ cách nhà tôi chừng 5 phút đi bộ. Nghe Sư phụ kể lại, chùa được xây dựng vào khoảng từ 1690 đến năm 1708, do công khai sơn của Hòa Thượng Thiệt Phú, người Tàu sang Việt Nam truyền giáo cùng với các thiền sư khác. Trong chuyến đi hoằng pháp vào đàng trong, Ngài đã xây dựng ngôi chùa này. Chùa nằm trên một khu đất cao nhất làng, quanh năm bao phủ một màu xanh biếc của những khóm dừa, những lũy tre làng thân thương.
05/06/2013(Xem: 4895)
Vào khoảng 4giờ chiều của ngày 10 tháng 09 năm 2003, chuẩn bị đi tụng kinh thì điện thoại lại reo. Nhấc phone để nghe và vừa niệm A Di Đà Phật, thì đầu dây vọng lại cho hay ...
01/06/2013(Xem: 21086)
Cuốn sách Cuộc Tranh Đấu Lịch Sử Của Phật Giáo Việt Nam được Viện Hóa Đạo GHPGVNTN xuất bản vào năm 1964... Nam Thanh
27/05/2013(Xem: 6451)
Bài này tìm học rõ ngày sinh của đức Phật. Trên thế giới ngày nay có năm tôn giáo lớn: đạo Cơ Đốc, đạo Hồi, đạo Ấn Độ, đạo Do Thái và đạo Phật. Hai tôn giáo có tính cách cục bộ là đạo Ấn Độ (Hinduism) và đạo Do Thái (Judaism). Đạo Ấn Độ vào đầu thiên niên kỷ Ba đếm 700 triệu tín đồ, tức là 13% dân số thế giới. Đạo Do Thái rất ít tín đồ, 18 triệu người trên dân số thế giới gần 7 tỉ, thế nhưng ảnh hưởng bao la trên lịch sử, chính trị và kinh tế thế giới.
25/05/2013(Xem: 10327)
Lược Sử Phật Giáo Trung Quốc (Từ thế kỷ thứ I sau CN đến thế kỷ thứ X) - Tác giả Viên Trí
15/05/2013(Xem: 3476)
Triết học Phật giáo Đại thừa có hai phương diện, đó là Triết học Phật giáo Đại thừa hay Tánh không luận śūnyatāvāda) và Du-già hành tông (Yogācāra) hay trường phái Duy thức (Vijñānavāda). Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến triết học Trung quán (Madhyamaka Philosophy) hay triết học Tánh không (śūnyatā). Nói chung, đương thời có ba tên gọi dành cho Tiểu thừa và Đại thừa. Ba tên gọi dành cho Tiểu thừa là Phật giáo Nam truyền (Southern Buddhism), Phật giáo Nguyên thuỷ (Original Buddhism), và Phật giáo Tiểu thừa (Hīnayāna). Ba tên gọi dành cho Đại thừa là Phật giáo Bắc truyền (Northern Buddhism), Phật giáo Phát triển (Developed Buddhism), và Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna). Hai danh xưng đầu là do các học giả Châu Âu. Bắc truyền và Nam truyền là dựa trên yếu tố địa lý. Các học giả Châu Âu cho rằng đạo Phật được truyền bá sang các quốc gia phía Bắc Ấn Độ như Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa , Nhật Bản, v.v... là Phật giáo Bắc truyền, và Phật giáo Nam truyền là đạo Phật được truyền bá đến các quốc gia
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]