Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Điếu Văn Thành Kính Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Tuệ Sỹ - Thích Nguyên Chứng

28/11/202311:44(Xem: 2353)
Điếu Văn Thành Kính Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Tuệ Sỹ - Thích Nguyên Chứng


on tue sy 01

KÍNH DÂNG TUỆ SỸ THƯỢNG NHÂN

Cuộc lữ hề đi thôi
Vượt thác ghềnh hề chèo với trăng
Mang mang hề đất trời
Mơ Trường Sơn hề Thiên lý độc hành.
Thưa bậc Thiện tuệ!
Hỏi trang Thượng sỹ!
Người từ đâu đến
Người đi về đâu?
Hỏi gió Trường sơn, mặc khách về đâu, chỉ thấy rừng cây, đứng ngắm trăng ngàn mơ huyễn thoại
Gọi triều Đông hải, cô thuyền ẩn tích, mới hay con sóng, xóa nhòa vết nhạn giữa tầng không.
Gõ thất Duy-ma, thất chủ đã lên Hương Tích mượn bồ đoàn, tám vạn bốn ngàn tòa đãi khách
Vào hang Ca-diếp, Đầu đà đang ẩn Kê Túc đợi Từ thị, thiên bá ức linh tải chờ người.
Hỏi Trúc Đạo Sinh đá gật đầu cười
Đến Đường Lâm Tế sư rền giọng hét
Bụi chẳng thèm bay, bóng trúc quét
Nước không gợn sóng, ánh trăng soi
Tào Khê chảy mãi không lời
Linh sơn mây trắng ngàn đời du du.
Kính lạy Giác linh Tôn sư!
Con về lạy dưới chân Thầy
Nghe bao pháp nhũ đủ đầy trong tâm
Chùa xưa vọng tiếng chuông trầm
Cỏ cây mây nước cũng thầm dâng hương.
Nhớ Giác linh xưa!
Hương quán Quảng Bình
Xuất sanh Pakxé
Ấu niên vào chùa ngâm kinh xướng kệ
Bảy tuổi hồi hương học đạo hành Thiền.
Hải Đức Nha Trang quy tụ trí thức ba miền
Quảng Hương Già Lam thu hút anh tài khắp chốn.
Học đường Vạn Hạnh gửi tâm tư giữa trời Nam hỗn độn
Tạp chí Tư Tưởng dâng ý nguyện về Phật Việt thiêng liêng.
Viết sách, làm thơ, chơi nhạc tùy duyên
Khảo cứu, biên thư, dịch thuật mẫn cán.
Khóc vận mệnh bao phen khi quê hương lửa đạn
Buồn trí thức nửa mùa lúc tổ quốc lâm nguy
Giun dế cắn đứt cà non Người vì đời đổ lệ tàm ty
Bọ rùa nhắm tàn dãy bí Thầy phong kín nổi hờn ngoan thạch. (1)
Dấn thân ư? Oan ức không cần biện bạch
Tù đày ư? Khóa miệng cũng vẫn hành Thiền
Trở về sau bản án chung niên
Dựng lại cả một miền Tuệ giác.
Đem cái học Khổ, Không hỏi ngài Duy-ma-cật
Vận hùng tâm Thọ, Nguyện vấn hoàng hậu Thắng Man
A-tỳ-đạt-ma Câu-xá ngàn trang
Trường, Trung, Tạp, Tăng A-hàm bốn bộ.
Truyền thống tổ tiên đang dần vào tuyệt lộ
Đại lao cổ đức làm Bỉnh pháp Tỳ-kheo
Cô thân giữ vững tay chèo
Tử sinh bóng hạc bọt bèo trường không.
Kính lạy Giác linh Tôn sư!
Tổ quốc bốn mươi kỷ tâm linh, rót xuống trăm năm đấng Tuệ tài kiệt xuất
Quê hương hai ngàn năm Phật giáo, vọng về thời đại bậc Sỹ khí vô song.
Tuệ ngọc ngời soi, ngoan thạch châu tuần, trí đức bàng hoàng trời kinh viện
Giới châu ánh hiện, mây ngàn hội tụ, biện tài chất ngất đất già-lam
Tuyết lãnh hạc gầy, nhả hạt linh đơn, chữ nghĩa tam thiên dậy ba đào bốn biển
Hằng giang nguyệt ấn, khơi nguồn huyền thoại, kinh thư bát vạn nhòa cổ lục năm châu.
Giấc Mơ Trường Sơn gọi gió biển về đâu
Ngục Trung Mỵ Ngữ (2) gieo u sầu nhân thế
Độc đối thanh tùng kể lể
Đạp trước hồng lô ngủ vùi (3)
Thỏng tay vào chợ rong chơi
Dời trang Kinh Phật vào đời mông lung.
Thầy ơi!
Với các bậc kỳ tài, Thầy trọng thị, khiêm cung
Cùng những kẻ hậu lai, Thầy từ ái, nâng đỡ
Chưa thấy Thầy chê bai ai dù chuyện hay chuyện dở
Chẳng thấy Thầy khuất phục ai dù bạo thế cường quyền
Pañca- sīla Người rất mực trinh tuyền
Pātimokkha Thầy tinh chuyên trì niệm.
Than ôi! Lô hỏa thuần thanh chừ tắt lịm
Hỡi ôi! Chiên đàn hải ngạn chừ thanh lương
Huyết thống tâm linh tìm đâu chỗ tựa nương
Sự nghiệp thánh điển còn ai người chèo lái
Thất chúng về vọng bái
Người thanh thản ra đi
Trên linh đài Người mỉm mật huyền vi
Dưới kim quan chúng thầm thì huyết lệ
Xao xác tiếng gà bên trời Tây kể lể
Bơ vơ điệu thở giữa hồn Việt ngậm ngùi
Kính dâng vài chữ bồi hồi
Trường Sơn viễn mộng xa rồi Thầy ơi!
Thùy Ngữ Thất, Mạnh Đông năm Qúy Mão.


Đệ tử Thích Nguyên Hiền kính lễ.

Chú thích:
(1) Hai câu này lấy ý từ bài thơ TA BIẾT trong Giấc Mơ Trường Sơn.
(2) Giấc Mơ Trường Sơn và Ngục Trung Mỵ Ngữ là tên hai tập thơ chữ Việt và chữ Hán của Tuệ Sỹ.
(3) Độc đối thanh tùng và Hồng lô thụy bãi là những ý trong các bài thơ của Ngục Trung Mỵ Ngữ.



HT Tue Sy-1945-2023-01

Hư không Cõi Mộng.


Trăng Lăng già, ngã bóng Tây.
Hư không cõi mộng, tầng mây lối về.
Thong dong sở nguyện đường quê,
Sương mai ánh chớp, chẳng hề vấn vương.

Khép mắt lại, ngộ tỏ tường,
Hư hư điện chớp, mười phương Tây hành.
Trường Sơn, cánh nhạn bay nhanh,
Chẳng in dấu tích, vết hình hài chi…!

Mây chiều, muôn thửa đường đi,
Tâm hành định trú, khắc ghi lời Thầy.
Tuệ Sỹ, Dũng khí Trời mây.
Nhiêu đào uế mạch, chẳng lay Tâm trì.

Thân hành Nguyên Chứng Luật nghi,
Ứng pháp, dụng pháp, những gì đi qua.
Thân hành tu mật phong ba,
Ứng sử, dụng sử, ngôi nhà Chân Nguyên.

Kiếp trượt chẳng hận chẳng nguyền,
Lấy kinh thiền luận, vượt thuyền kim cang.
Kiếp trượt chẳng hận chẳng thang,
Lấy lời Phật Giáo, dịch ngàn trang kinh.

Nhiễu nhương song kiếp tù hình,
Lấy chân tu thực, luận trình áng văn.
Mộng Trường sơn, sáng tinh anh,
Lấy trì giới thể, đượm thanh vang hùng.

Năm châu bốn cõi tao Phùng,
Khiến si kẻ uế, bước cùng lời thâu.
Năm châu bốn cõi cuối đầu,
Thượng Nhân- Tuệ Sỹ, chứng lầu Tạng kinh.

Bao hạnh nguyện đã uy linh,
Hư không cùng tận, lời kinh vô ngần.
Sắc cầm thi nhã một vần,
Hư không về cõi, lặng thầm không gian…!

Kính bậc Thiền Tăng Tuệ Sỹ Đại Lão sư…!
Chúng con hàng học tăng chốn tổ Từ Hiếu thửa xưa, khoá 4, nhận giáo chỉ Tâm thư cho hàng Tăng sĩ trẻ, chúng con may mắn thay được diện kiến Đại Lão Sư vào những năm cuối hạ 2003, lúc bấy giờ con mới là khu Ô Sa di, thọ giới pháp mười đều Tăng tướng luật nghi hành giả, được duyên may lời chỉ dạy quý Tôn Sư, Luật Sư, Giáo thọ Sư, Bổn Sư, chỉ hành vào niềm Nam, đến tận Ngôi Quảng Hương Già Lam, cầu cần đảnh lễ Đại Lão Sư, vị luận giải thông Tam tạng, luận chứng, ngôn ngữ thi hành đều Uyên bác.
Nhân duyên vừa đủ, con được Thượng Toạ Thích Nguyên Vương vị thị giả cho Đại Lão Sư, đưa con vào diện kiến và trình bạch tham vấn, lúc bấy giờ, trong căn phòng toàn sách và vở, lối đi nhỏ, chỗ ngồi khiêm tốn, nhưng với chúng con là “Hư Không Cùng Tận”, vì đó là Hoài sở tác chứng ấn bản cho muôn hậu.
Đại Lão Sư, nhìn con với ánh mắt tròn, chăm chú hỏi:
“ Thầy Từ đâu…?”
Con bạch:
“Con là Tâm Hỷ, Tự Minh Thế, là một vị Sa di nhỏ tuổi, học tăng tại trường trung cấp Thuyền lâm, thường trú học tăng nhỏ tại Chốn tổ Phước Thành, thuộc môn phong chốn Tổ Đình Từ Hiếu- Huế, sang năm con được lên Từ Hiếu lưu trú để học lớp Cao đẳng, nhân mùa kết hạ vừa xong, con được Tôn sư cho phép vào tham vấn đảnh lễ quý Tôn Đức niềm Nam, nhân duyên chúng con về chốn Tổ, đảnh lễ và tham vấn Đại Lão Sư, xin phép chỉ dạy cho chúng con..! Để lối tu được rộng mở cao hơn.”
Đại Lão Sư nở nụ cười, rồi dạy:
“ Quý hoá, y phụng như hành, hành trì như phụng, được rồi lắng nghe Tuệ Sỹ Ta nói và dạy…”
Bấy giờ, chúng con chấp đôi tay khép thành hoa sen, và an trú lắng nghe, hôm ấy Đại Lão Sư chỉ dạy về pháp Tam Quy, khai triển trong đại tạng, và nói thuyết về năm giới, soi chiếu khai thị sâu và rộng trong luận và luật, chủ chốt con được dạy xong, rồi Đại Lão Sư thau về những cốt tuỷ sau:
1: Chéo áo:
“Viên minh châu trong chéo áo, sáng như gương lăng già, chính là trì giới, tác trì chỉ trì cũng phải thọ và học thuộc mới lấy được kim cang, Tâm hỷ nhớ vận dụng.”
2: Kiên định trung thành:
“ Học Tăng tu sĩ trẻ nên trung kiên với Hoài bão tu học, học chính là nguồn mạch vận Tâm hành hoá, thắng ma mà chiến Dũng sĩ oai ma. Vì cường ma luôn ở bên ta, đó là Tham Sân Si, dục vọng danh lợi chính nó sẽ cường ma, nếu Tâm Hỷ con mà không trì giới, tức khắc tâm kiên định lung lay, nên nhớ Hư không cùng tận, nguyện sẽ ứng hành khi con biết nương tựa Tăng bảo tu hành…”
3: Năm Lối về tự do:
“ Tuệ Sỹ ta đã giảng, năm giới là bước ngoặt tiến tu, lấy năm đều kiện này làm lối về tự do, chính nó là nguồn kinh luật luận mà chư Phật ba đời trao gởi trong các bộ kinh, chư Tổ không rời xa năm giới, vì đó là Trăng lăng già sở thuyết….”
4: Thắng Man chớ phò Ma:
“ Tâm Hỷ dụng tâm đọc luận sớ, và hành trì pháp hoa kinh, đọc kinh Thắng Man, để chiến thắng cường ma ác mộng, vì Lơi tâm sẻ có Ma ba tuần lôi ra về chốn bùm nhơ, nên lấy kim cang mật trú mà hành hoá vận tâm hoan hỷ mà có ánh sáng thế gian, vì trong Minh có Thế, Trong Thế có Minh. Nên giữ giới chớ có phò Ma, vì mất giới là Ma chiếm hữu…”
5: Bất Hoại Niềm Tin:
“ Muốn vững chí, thì học mà không khoe khoang, ấy là niềm tin sâu sắc trong Chánh giới, dùng đó như cuộn chỉ sâu qua võ ốc cần có cái đầu học trong kinh tạng Thanh văn như lời dạy của Đức Cồ Đàm và dụng báo tứ ân, để bốn lĩnh vực, tín Phật, tín Pháp, tín Tăng, tín giới. Nhớ không con Tâm hỷ Sa di…!”
Lúc ấy, chúng con chăm chú nghe, quên cả giờ ăn, Đại Lão Sư cứ vậy mà chỉ giáo, còn chỉ dẫn con ra phía sau mà gặp Thượng Nhân Đại Sư, ôi hạnh phúc vô ngần, khi gặp xong, Đại Lão Sư biểu con mặt pháp y Sa di vào và đảnh lễ, rồi xoa đầu thọ ký, và trao cho chúng con một bài thi kệ:
“Chứng Hư Không Cùng Tận
Tâm Hỷ Thọ Tăng Quy
Minh Thế Đồng Tuệ Nguyện
Ứng Chánh Pháp Luật Nghi.”
Chúng con đảnh lễ Đại Lão Sư ba lạy, và dâng cúng chút phẩm vật cúng dường, rồi Đại Lão Sư ban cho chúng con một quả Táo, và tách trà thơm biểu con dùng cùng với Đại Lão Sư.
Đó là bấy nhiêu kỷ niệm, những năm tháng về sau chúng con vào Sài Gòn là đến thăm Đại Lão Sư, Ngài Đức Thắng, Ngài Đức Chơn, Ngài Thượng Nhân, Ngài Minh Tuệ, Ngài Thanh Huyền, Thượng Toạ Nguyên Vương…, một lần như thế Đại Lão Sư thường hay chỉ dạy cho chúng con pháp học, pháp hành trong đại tạng, đồng thời trao cho chúng con những ấn phẩm mà Đại Lão Sư Tuệ Sỹ phiên dịch khảo chú…!
Hôm nay, chúng con trích một lời dạy, cho học Tăng tại chốn Tổ Đình Từ Hiếu lời dạy như sau:
“Chớ khoa trương bảo vệ Chánh pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức.
Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng.
Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình….”
Chiều nay, chúng con được nghe thông tin từ phương trượng Phật Ân- Đại Lão Sư Thượng Tuệ Hạ Sỹ thu thần quy Tây đúng 16 giờ chiều ngày 24-11-2023 (12-10-Quý Mão).
Thượng trụ thế 79 năm, Thượng hạ Lạp y tăng 46 năm, hạ thủ công phu mùi thiền xuất gia 69 năm giữa chốn không môn.
Vậy là: Hư Không Hữu Tận, Ngã Nguyện Vô Cùng…! Trùng trùng duyên sinh sống chết đốn lữa hư không, ấy là diệu lý trong kim cang bát nhã, diệu tịnh niết bàn trong cảnh giới Lăng già pháp hoa tối thượng.
Chúng con đồng vọng bái khể thủ truy tán bài thơ: Hư Không Cõi Mộng.
Mùa Thu Đông Hà Nội- Phổ Tịnh Thiền Vi, Trăng khua vừa tròn 4 năm ngày Cố Thượng Nhân Quy Tây, Đại Lão Sư Cũng Chích lý Hư không về với Hư không.
“Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều.”
Đại Lão Sư TUỆ SỸ

Cung Tán : Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, đời thứ 44 Dòng Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 10 Thiền Phái Liễu Quán, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Đại Lão Sư Mật Thuỳ Thiền Tăng Toạ Hạ.

Ngày 24-11-2023 (12-10-Quý Mão).
Tk: Thích Minh Thế
Bút danh: Hỷ Tâm Hải Triều.
Bút hiệu: Tịnh Nhật Vân Quang.
Phụng hành cung tiễn.

 
on tue sy-2023-15

TIỄN ĐƯA ÔN !

Phật Ân tự sáng nay

Trời người đang quy hướng

Dặn lòng thôi đừng khóc

Mà mắt cứ cay cay.

Gió đời khi lặng lúc lay

Thân hao gầy ấy ôm đầy nhân gian

Gửi thân trong cõi ba ngàn

Kiên tâm đại nguyện chẳng màng chướng ngăn.

Thơm đời thơm đạo ngàn năm

Uyên thâm trác tuyệt trí tâm sáng ngời

Hùng tâm hạo khí ngút trời

Lời thầy còn đó muôn đời thơm hương.

Thầy trở về lại cố hương

Mà luôn dẫn lối soi đường con đi.

Thầy là biển lớn Đại Bi

Là trăng, là gió, là mây

Là thiên di giữa muôn trùng sắc không

Thầy đi vang dậy Tây Đông

Và Xá-Lợi-Tuệ rạng hồng muôn nơi.

10h ngày 29/11/2023

Con: Tỷ kheo Thích Vân Pháp cung tiễn.

 
***

on tue sy-1945-2023-1


AI ĐIẾU HÒA THƯỢNG TUỆ SỸ

Một giọt sương rơi
Cho hiên chùa thêm quạnh
Một vầng trăng về tây
Cho biển tối thêm sâu
Một Tăng Triệu thời nay
Giũ áo qua cầu
Tiếng thạch sùng khuya
Gió lùa tàng kinh các
Cầm đèn tuệ chênh vênh
sống một đời cao sĩ
Vóc hạc gầy mong manh
hồn chứa hết tam thiên
Chí cao vợi cô đơn
dặm trần không tri kỷ
Phiên chợ đời phũ phàng
Sao đắt đỏ chữ duyên
Trời nam lặng một bóng người
vai gầy cõng đạo, một trời sở tri
việc xong, quẳng gậy mà đi
hổ khê áo cỏ dặm về trăng soi...

- Toại Khanh

 
on tue sy-1945-2023-1

 ĐIẾU VĂN KÍNH TIẾC ÔN TUỆ SỸ

Sấm động trời Nam,
chớp chìm biển Bắc.
Thái dương bỗng lẫn khuất quan san
Tinh Tú chợt bàng hoàng soi cõi Tịnh.

Nhớ Giác Linh xưa..
Bóng hạc hao gầy chở chuyên tàng kinh vô tự
Nhẹ tựa lông hồng mà nặng trĩu nghĩa nhân sinh
Đôi mắt sáng hơn trăng sao, vỗ về trời đêm Lào hạ
Rực rỡ trời Việt Nam, sưởi ấm tám mươi năm đông giá

Để cho giờ đây..
Triệu triệu con tim nức nở tiễn đưa Người
Trăm vạn hồn đơn nghẹn ngào chưa được ngài khai ngộ
Hối tiếc một đời làm cùng tử lang thang
Chưa kịp quay đầu đã vĩnh ly bóng hạc

Than ôi!
Nuối tiếc ngàn thu, nhìn bóng sao băng vội
Chờ mong vạn thuở, bao giờ đón Đàm hoa
Thái dương rực sáng soi ngày mới
TUỆ giác truyền trao đấng SỸ hiền

Cúi đầu sám hối đàn con dại
Đảnh lễ thành tâm kính tiễn Ngài..

Úc châu ,ngày hỏa táng nhục thân HT Tuệ Sỹ tại Việt nam 17/10 Quý Mão
Chúng đệ tử thành kính hướng vọng về quê hương đảnh lễ kính tiễn bậc Đại sĩ
Hậu học TK Minh Hiếu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 5719)
Nói đến thơ và nền Triết Học lưu xuất từ Tư Tưởng Phật học Tánh Không hay một Triết lý phiêu bồng từ Đông sang Tây của thế tục đế, hầu như đã được tồn đọng trong con người gầy guộc, nhỏ nhắn, dáng dấp phiêu diêu, lãng đãng như sương sớm, mây chiều.
29/03/2013(Xem: 5525)
Những năm tháng dùi mài kinh điển trong các tự viện để thể nhập Phật học huyền vi, u hiển, một thời nào đó đã lầu thông giáo lý cao siêu giải thoát, hướng thân lập mệnh trên con đường giác ngộ, để rồi hôm nay là thành quả hiển nhiên có được tận cùng tâm hồn sâu thẳm mà Thầy đang phô diễn như ý nghĩa cao siêu của Đại Bi Tâm.
29/03/2013(Xem: 5784)
Đây là chủ đề bài thuyết trình của diễn giả Nguyên Siêu, tác giả 650 trang sách trong tác phẩm “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 1 và tập 2 vừa hoàn thành và được chính thức ra mắt tại hội trường của Hiệp Hội Người Việt tại San Diego, miền Nam California.
29/03/2013(Xem: 11937)
Tôi người Quảng Bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền Trân công chúa mới đáng là thành hoàng. Tổ tiên gốc người Hải dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng Bình, rồi định cư ở 3 làng. Thuận Lý là con trưởng, kế đó, Phương Xuân là con thứ 2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư.Làng tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay.
27/03/2013(Xem: 11882)
Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư, Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 01 (2007, Canada) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 02 (2008, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 03 (2019, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 04 (2010, Đức) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 05 (2011, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 06 (2012, Úc) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 07 (2013, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 08 (2014, Úc) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 09 (2015, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 10 (2016, Canada) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 11 (2018, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 12 (2020, Úc)
18/03/2013(Xem: 6286)
Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam, trước năm 1975 là một trung tâm văn hóa Phật giáo nổi tiếng lừng lẫy. Nơi đây đã quy tụ biết bao hào kiệt trượng phu, biết bao tao nhân mặc khách, biết bao giáo sư, triết gia cự phách thượng đẳng. Đặc biệt là các thiên tài xuất chúng siêu việt như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, nổi bật nhất là Bùi Giáng, một thi sĩ kỳ dị, xưa nay chưa từng thấy xuất hiện trên bầu trời văn nghệ Việt Nam và thế giới.
11/03/2013(Xem: 6987)
Lê Quý Đôn (1726-1784) là một danh sĩ, nhà văn hóa, sử gia, sống vào đời Hậu Lê. Ông không những ba lần thi đều đỗ đầu, kinh qua nhiều chức quan, đã từng đi sứ sang Trung Quốc, mà còn là một nhà bác học, đã để lại một gia tài đồ sộ bao gồm khoảng 16 tác phẩm và nhiều thơ, phú bằng chữ Nôm khác. [1] Trong số những tác phẩm ấy, có Kiến văn tiểu lục, [2] là một tác phẩm dành riêng quyển 9 – thiên Thiền dật, để viết về Phật giáo và Thiền tông Phật giáo Việt Nam, chủ yếu là những vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc lâm. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử chỉ tìm hiểu quan điểm của Lê Quý Đôn về Phật giáo, mà không bàn sâu đến phần Thiền tông Việt Nam mà ông đã chép.
21/02/2013(Xem: 7577)
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái. Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong. Thân phụ Ngài tinh thông Hán học. Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp. Do đó, Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo.
19/02/2013(Xem: 8978)
Mới đây các nhà khảo cổ Mỹ và Canada đưa ra chứng cứ cho rằng Phật giáo đã được truyền vào Mỹ trước khi ông Columbus tìm ra châu Mỹ. Tuy nhiên, theo các tài liệu có được hiện nay thì Phật giáo chỉ thật sự có mặt tại Mỹ sau kỳ Đại hội Tôn giáo Thế giới tổ chức tại bang Chicago vào năm 1893. Nhưng ai là người có công truyền bá và làm lớn mạnh "hạt giống Bồ đề" trên đất Mỹ? Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhà sư cư sĩ người châu Á, những người tiên phong có công đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chánh pháp trên đất Mỹ.
10/02/2013(Xem: 10294)
Từ những con người bình thường, không được sinh ra ở cung vàng điện ngọc, nhưng rồi trở thành những vị vua anh minh tài kiêm văn võ, tư tưởng và nhân cách cao siêu, mãi còn đọng lại với thời gian. Dù sống ở hoàng cung nhưng tâm lúc nào cũng vượt thoát, làm bậc đế vương nhưng hạnh vẫn là một sơn Tăng, ưa vui với gió nội mây ngàn, thở nhịp cùng đất trời nhân gian cây cỏ. Để rồi trở thành những người con Phật vĩ đại, trí tuệ và công hạnh thắm đượm cả không gian, thức tỉnh chúng ta trên bến bờ sinh tử của mê ngộ, đậm nét trong lòng người đến tận hôm nay. Bồ Tát Lương Võ Đế ( 463-549 ) của Trung Hoa và Trần Thái Tông ( 1218-1277) của Việt Nam, dù ở hai phương trời xa cách, sinh ra ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng, mang an lạc thịnh vượng đến cho nhân dân, và một hạnh nguyện chuyển hoá cứu độ quần sanh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]