- Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm, Viện Chủ Khai Sơn Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
- Sư Bà Diệu Tâm, Bất Thối Bổn Thệ, Hội Nhập Ta Bà, Mãn Bồ Đề Nguyện
- Điện Thư Phân Ưu kính gởi Ban Tang Lễ Cố Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Tán Thán Công Hạnh Sư Bà Diệu Tâm
- Chân dung Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Ban Tổ Chức Lễ Tang Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Chương Trình Tang Lễ Cố Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm, Khai Sơn-Viện Chủ Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
- Tán Thán Công Hạnh Sư Bà Diệu Tâm (thơ)
- TT. Huế: Lễ Tưởng niệm cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Tâm tại Tổ đình Tường Vân
- Hiền Thục Lời Di Ngôn…!
- Sách Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Kính mời vào dự Lễ Di Quan Sư Bà Diệu Tâm (qua livestream). ngày 17.06.2021 (thứ năm) bắt đầu từ 7:00 giờ âu châu (tức 12:00 giờ trưa giờ Việt Nam, 3pm Úc Châu)
- Đà Nẵng: Chùa Bảo Quang Thọ Tang Và Tưởng Niệm Cố Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm
- Thành Kính Tưởng Niệm Sư Bà Diệu Tâm (Bài viết của Phật tử Thanh Phi)
- Nhớ Về Kỷ Niệm (Kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Tiễn Người đi (Kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Lễ Tưởng Niệm Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Văn Tế Tưởng Niệm Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm Viện Chủ Bảo Quang Ni Tự tại Hamburg – Đức Quốc
- Photo day 1: Lễ Tang Sư Bà Diệu Tâm tại Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
- Photo day 2: Lễ Tang Sư Bà Diệu Tâm tại Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
- Photo day 3: Lễ Tang Sư Bà Diệu Tâm tại Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
- Photo day 4-a: Lễ Tang Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo day 4-b: Lễ Tang Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo day 4-c: Hội Đoàn Địa Phương viếng tang Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo day 5: Lễ Di Quan Trà Tỳ (Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo day 6: Cung nghinh Tro Cốt Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Thư Niệm Ân sau Lễ Tang Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo: Cúng Thất thứ 2 (25/6/2021) Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Sư đi tựa vầng trăng khuyết … (Tưởng niệm Giác Linh Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm)
- Photo: Cung Nghinh Tro Cốt Sư Bà Diệu Tâm về thăm và đảnh lễ Tổ Đình Viên Giác, Hannover, theo Di Nguyện của Sư Bà
- Sư Bà Diệu Tâm: "Người gieo hạt Bồ Đề trên nền xi măng“
- Thư Mời Viết bài Tưởng niệm Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm Viện Chủ Chùa Bảo Quang Hamburg – Đức Quốc
- Photo: Cúng Thất thứ 4 và 5 Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Chương Trình Lễ Chung Thất Sư Bà Diệu Tâm (ngày 29 và 30/07/2021)
- Photo: Cúng Thất thứ 6 Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo: Chung Thất và Trai Đàn Chẩn Tế ngày 29.07.2021 tại Chùa Bảo Quang
- Photo: Lễ Nhập Tháp tại Nghĩa Trang Öjendorf Hamburg ngày 30.07.2021
- Photo: Lễ Cúng Tạ Thổ Thần nghĩa trang Öjendorf ngày 01.08.2021
- Nachruf auf die Hochehrwürdige Nonne Thich Nu Dieu Tam
- Giọt Lệ Tiếc Thương Sư Bà Bảo Quang
- Thành kính tưởng niệm Sư Bà Diệu Tâm (1939-2021)
- Phái đoàn hoằng Pháp Âu Châu thuyết giảng tại Chùa Bảo Quang 2013
- Cõi tạm (Kính tưởng niệm Sư Bà Diệu Tâm)
- Hai Phước Duyên tròn đầy (kính tưởng niệm Sư Bà Diệu Tâm)
- Hoài Niệm Về Sư Bà Diệu Tâm & Chùa Sư Nữ Bảo Quang - Đà Nẳng
- Hình Ảnh Xa Xưa
- Câu chuyện trái quýt
- Hộ Niệm và Để Tang
- Tuyên Dương Đạo Nghiệp
- Tường Thuật Lễ Tang Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm
- Văn Tưởng Niệm Pháp Tỷ Khả Kính
- Lời Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm Của Môn Phái Tổ Đình Tường Vân
- Ni Trưởng Diệu Tâm Trở Về (Bài viết của HT Thích Bảo Lạc)
- Bậc Thầy Tôn Kính Của Con Tưởng Nhớ Sư Bà
- Một Đời Người, Một Chuyến Đi…
- Thư Mời viết bài hay đóng góp Tư liệu, Hình ảnh cho Tuyển Tập Tưởng Nhớ Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm
- Bên Thầy (Bài viết của TKN Thích Nữ Tuệ Đàm Châu)
- Thầy ơi! Con cố gắng dẫu biết là khó
- Văn Tác Bạch Lễ Trai Tăng Chung Thất
- Tưởng Nhớ Sư Bà
- Kính Tiễn Giác Linh Sư Bà
- Lời Dạy Đầu Tiên
- Sư Chị ...... Một Nhân Duyên Đẹp
- Thành Kính Tưởng Niệm Sư Bà Diệu Tâm
- Lời Sư Dặn
- Dưới ánh từ dung, kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939 - 2021)
- Nhớ Sư Bà
- Tôi Về Nhà Ngoại Ngôi Chùa Bên Dòng Sông
- Tưởng Niệm Sư Bà Chùa Bảo Quang
- Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm
- Thành Kính Tưởng Nhớ Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm
- Sách Tưởng Niệm: "Người đi… để nhớ con đò - Tưởng nhớ Sư Bà Diệu Tâm“
(Kính tưởng niệm Sư Bà Diệu Tâm)
Bài viết: HT. Thích Như Điển
Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Trí Tường Dinh
Trước khi cha mẹ sinh ta ra, ta chẳng biết mình là ai và từ đâu đến; nhưng ta biết chắc chắn một điều rằng: Khi ta đã được đầu thai làm người chính là một phước báu không nhỏ đối với các cõi trong Dục giới. Bởi lẽ khi làm người chúng ta dễ tu hơn là chư Thiên ở các cõi Sắc. Vì những cõi nầy có tuổi thọ dài lâu và nhận nhiều phước báu hơn ở cõi người nên dễ mấy ai bỏ được niềm hỷ lạc ở những cõi tiên ấy. Nếu chẳng may sa vào ba cõi ở dưới là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì lại càng khó tu hơn nữa. Vì những nơi đó không có ánh sáng trí tuệ được soi rọi đến nên chúng ta vẫn mãi phải chịu vô minh sanh tử trong nhiều đời làm thú, chẳng biết bao giờ mới được làm người. Do vậy làm người được trong kiếp nầy là một phước báu không nhỏ.
Cũng có người đến rồi đi ngay khi còn trong bào thai của Mẹ. Cũng có nhiều người sinh ra tứ chi không đầy đủ, hay đui mù, câm, điếc v.v… Tất cả đều do những nhân mà đời trước họ đã tạo ra và hiện đời chỉ là những gì chúng ta gặt hái được mà thôi. Cha mẹ không thể gánh thế nghiệp của con cái được, mà giữa cha mẹ, con cái chỉ là nhân duyên hội tụ trong một thời gian dài ngắn khác nhau để trả nợ hay đền ơn đáp nghĩa cho nhau mà thôi. Cho nên gọi đây là cõi tạm. Sở dĩ gọi như thế bởi vì nó không chắc chắn. Do vậy Đức Phật dạy rằng: “Ba cõi không yên, như trong nhà lửa”. Chúng ta đang sống trong nhà lửa của ba cõi Dục Giới, Sắc Giới và Vô sắc Giới, mà những cõi nầy nào có an vui! Thế mà có khi chúng ta lại cho rằng những cõi ấy có thật. Tuy nó có đó nhưng chỉ trong thoáng chốc, trong từng sát na nó đã bị thay đổi bởi vô thường và do sự giả hợp của đất, nước, gió, lửa tạo thành. Rồi khi bốn yếu tố ấy không còn gắn liền được với nhau nữa thì chúng ta, con người cũng như vạn vật đều bị lôi cuốn theo. Bởi thế, tuy rằng thấy như thật đấy; nhưng đó chỉ là giả tướng, nếu chúng ta dùng tuệ giác để nhìn thấu qua, để khám nghiệm cuộc đời nầy.
Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng cái nầy thuộc về ta, người nầy là của ta, của cải nầy là của ta v.v… nhưng trên thực tế khi hai tay buông xuôi rồi thì chẳng có cái gì là của mình cả và cũng chẳng có cái gì thuộc về mình. Ngoại trừ cái NGHIỆP nó đeo đuổi theo ta hoài không dừng nghỉ. Đây là một sự thật mà có rất ít người nhận chân ra được. Nếu ai rõ được điều nầy, người ấy sẽ rõ biết giáo lý của Đạo Phật là một giáo lý chân thật, dạy cho con người nhận chân ra sự thật của vô thường. Cũng chính vì nhận thấy rõ được sự không thật có nầy mà Thái Tử Tất Đạt Đa đã rời cung cấm để xuất gia tầm đạo khi Ngài 29 tuổi. Ở lứa tuổi thanh xuân, đầy hoa và mộng đẹp ấy Ngài đã bỏ lại hết sau lưng, đi vào rừng sâu núi thẳm, cốt tìm cho ra con đường diệt khổ. Đó chính là Tứ Diệu Đế, là 37 phẩm trợ đạo để cứu độ chúng sinh.
Rồi chư Tổ Sư truyền thừa cũng đã tiếp tục con đường thoát ly cõi tạm ấy để đến với Đạo Phật suốt hơn 25 thế kỷ qua. Dầu có nguồn gốc là người Ấn Độ, người Trung Hoa, người Đại Hàn, người Nhật Bản, người Việt Nam, người Thái Lan, người Anh, người Pháp, người Đức, người Mỹ, người Úc v.v…tất cả những vị xuất gia nầy tuy có khác nhau về nguồ gốc; nhưng khi đã vào Tăng Đoàn rồi thì đều lấy giới luật giống nhau làm căn bản; sống trọn vẹn một đời sống phạm hạnh của người xuất gia, không phân biệt giai cấp giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp v.v… Tất cả đều bình đẳng trên tinh thần giới luật của Phật chế; nhưng kết quả sự thực hành thì mỗi người khác nhau, không ai giống với ai cả. Có người thành tựu quả vị nhanh hơn và cũng có nhiều người lâu hơn hay dậm chân tại chỗ. Đây là do nhân duyên và nghiệp lực của mỗi người; chứ không phải do cha mẹ hay Thầy Tổ.
Ở một làng xã Xuyên Mỹ xa xôi; nơi quận Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam Việt Nam ngày ấy có một người con gái tên Mai, sinh năm 1939, xuất thân trong một gia đình thâm tín Phật Pháp. Ông Nội là một võ quan đã về hưu (ở quê tôi gọi ông là Ông Quản Thiều). Người cha là Ông Diên Trình đang làm việc ở Sở Công Chánh, sau khi vợ bị bạo bệnh và mất tại quê nhà đã nghỉ việc quay về quê mở trường dạy học, dành thời gian để thường lui tới các chùa, viện. Cô thiếu nữ nầy đã ý thức được sự vô thường sanh diệt; nên năm 15 tuổi xin phép gia đình xuất gia tầm đạo. Cô đã đến phố cổ Hội An tìm đến ngôi Chùa Sư Nữ Bảo Thắng. Thuở ấy đất nước Việt Nam tuy mới bị chia cắt Bắc Nam; nhưng đời sống hiền hòa từ chốn thôn quê dân dã đến phố cổ Hội An vẫn còn là nếp sống thanh bình an lạc. Khung cảnh an lạc chốn thiền môn đã giúp cho người Sư Nữ trẻ nầy lắng lòng làm bạn với tiếng kinh lời kệ, vui với sớm hôm chuông mõ muối dưa. Đời sống người xuất gia tuy đạm bạc nhưng nhờ ơn giáo dưỡng của sư phụ là Sư Bà Đàm Minh, người thiếu nữ ấy sau này đã trở thành một pháp khí của Thiền môn khi bắt tay thực hiện các chương trình từ thiện xã hội của Giáo Hội. Đó là lúc điều hành Cô Nhi Viện Diệu Định ở Đà Nẵng, đặc trách trường mẫu giáo của chùa Sư Nữ Bảo Thắng Hội An hay Ký Nhi Viện Bảo Quang và một vài nơi khác.
Rồi một ngày quê hương bị binh biến, bao nhiêu cảnh cũ người xưa bắt đầu từ tháng 4 năm 1975 đã hoàn toàn bị thay đổi. Từ ngày đó hàng triệu người Việt Nam đã lưu lạc khắp nơi trên toàn cầu để tìm cầu không khí tự do. Đến đầu những năm 1980 tình hình chính trị trong nước càng căng thẳng hơn, người em của Sư là Bác Sĩ Thị Minh Văn Công Trâm đã làm giấy bảo lãnh Sư sang Đức theo diện đoàn tụ gia đình nhưng Sư vẫn nấn ná chưa chịu đi vì muốn ở lại quê hương phụng hầu Thầy Tổ, nhất là thời gian này sư phụ đã già yếu. Trong khi đó làn sóng người tỵ nạn đến Đức ngày càng dồn dập, nhu cầu hướng dẫn và chăm sóc đời sống tinh thần của Phật tử trên xứ người ngày càng bức thiết hơn. Giữa năm 1981 tôi đã viết hai lá thư gởi về Việt Nam; một gởi cho Sư Diệu Tâm để hối thúc Sư đi làm giấy tờ xuất cảnh, một lá thư khác gởi trực tiếp đến Sư phụ của Sư là Sư Bà Đàm Minh ở Đà Nẵng đề nghị Sư Bà khuyên Sư Diệu Tâm nên sang Đức nhanh để cùng hợp lực với chúng tôi trong những Phật sự gian nan này. Do vậy, mùa hè năm 1984 Sư Diệu Tâm đã đặt chân đến Hamburg. Bước đầu nào mà không đầy ắp khó khăn: từ ngôn ngữ, khí hậu, phong tục, tập quán v.v… mọi thứ đều lạ lẫm. Có lần Sư bảo rằng: “Làm việc Đạo tại xứ Đức nầy khó khăn giống như người đi gieo hạt Bồ Đề trên nền xi măng”. Quả thật vậy! làm việc Đạo ở xứ Âu Mỹ nầy nó chẳng đơn thuần là mấy; chính cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm cũng đã có lần thổ lộ nỗi khó nhọc này là: “trồng sen trên xứ tuyết”. Và đây là một đề tài mà Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng ở Úc đã viết một bài khảo luận rất hay và trọn vẹn với ý nghĩa của những nhận định ấy (xem bài này).
Tôi được quen biết vị Sư Nữ ấy từ khi quê hương còn chinh chiến. Có lúc tôi gọi Sư bằng Chị cho thân mật, lúc gọi bằng Cô, lúc gọi bằng Sư, rồi Ni Sư, Sư Bà v.v… nghĩa là tất cả các cách gọi khác nhau; nhưng tựu chung vẫn là người cùng quê hương Xuyên Mỹ thuở nào. Mỗi khi tôi đến thăm Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm, kể từ khi Niệm Phật Đường Bảo Quang mới được thành lập tại Hamburg vào năm 1984 tính đến nay cũng đã 37 năm rồi, mỗi lần như thế chúng tôi đều kể cho nhau nghe về quê hương xứ Quảng, ai còn ai mất cũng như bàn về các công việc Phật sự đó đây. Có lần Sư nói với tôi rằng: “Sao có kẻ thấy người khác phát tâm đi làm Phật sự mà lại cứ lời ra tiếng vào. Bởi vậy Sư đã khuyên những kẻ ấy là: Chớ nên cản duyên thiện sự. Người ta làm chùa, đúc tượng, tô chuông để cúng dường Tam Bảo, phục vụ nhân sinh chứ họ đâu có tội tình gì mà mình cản trở việc làm thiện lương nầy. Nếu ta không đóng góp được gì thì cứ chọn thái độ lặng thinh. Còn bàn ra tán vào, khiến cho kẻ khác nản chí cũng là một cái tội đấy”. Khi nghe những lời phân tích tình lý như vậy, có nhiều người trước kia thường phê phán này nọ thì nay không còn phê bình nữa. Đồng thời những vị trước kia đã nản lòng, nay phấn chấn tiếp tục lên đường để lạc quyên và tạo cơ hội cho nhiều người khác gieo duyên với Tam Bảo.
Nhiều khi Sư tâm tình với quý Thầy trẻ rằng:” Tôi thấy quý Thầy cái gì cũng được, cũng giỏi; nhưng nhiều Thầy rất yếu lòng với nữ sắc”. Điều nầy hẳn thật có! Bởi lẽ suốt cuộc đời tu hành của Sư với 57 năm hạ lạp và bao nhiêu năm học đạo với Tiểu Ni, Sa Di Ni, rồi Thức Xoa Ma Na Ni đến Tỳ Kheo Ni; trải qua không biết bao nhiêu là thử thách để được nhận giới thể Tỳ Kheo Ni, Sư đã phải chiến đấu với tự thân, với chính mình và với tha nhân; nên Sư mới còn trọn vẹn cho đến ngày hôm nay sau 83 năm có mặt nơi trần thế và 68 năm trong đạo như vậy. Chúng ta có thể tuyên dương Sư với câu: “Đồng Nữ Thanh Tịnh Đại Trượng Phu” hay “Một bậc Ni Lưu Khả Kính của Giới Xuất Gia” cũng không ngoa chút nào. Người xưa nói rằng: “Chiếc áo không làm nên Thầy Tu”; nhưng trên thực tế nếu người Tu Sĩ mà không mặc chiếc áo người Tu thì cũng không thể gọi là một nhà Tu hành được. Nhờ chiếc áo mà phạm hạnh của một người Tu có thể giữ tròn được. Ở ngoài đời kia có biết bao nhiêu người cạo tóc; nhưng không cạo tâm và không mặc chiếc áo nhà tu thì cũng chẳng thể gọi họ là Tu Sĩ được.
Hôm lễ tang của Sư tôi đã nhắc lại hai điều quan trọng nầy rồi; chỉ có thiếu một việc là ngâm bài thơ: “Bao giờ nhĩ tôi về thăm xứ Quảng” của nhà thơ Trần Trung Đạo cho Sư nghe vì tôi biết sinh thời Sư cũng rất thích bài thơ này. Chương trình Đêm Tâm Tình trước khi di quan Sư hôm đó thời gian quá khít khao nên tôi đã không ngâm tặng Sư được và hẹn đến tuần 49 ngày. Nhưng rồi lại cũng một lần nữa không ngâm được vì thời gian Lễ Tuần 49 ngày cũng không cho phép. Cuối cùng tôi đã ngâm trong căn phòng của Sư từng ở, có sự hiện diện của Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt và Hòa Thượng Thích Trí Minh nghe và chắc chắn hôm đó Sư cũng đã nghe rồi. Như vậy món nợ nầy tôi đã trả và mong rằng Sư hãy ở yên nơi cõi Tịnh, dõi mắt về nơi Ta Ba nầy để mừng cho Tử, Đệ của mình - cả tại gia lẫn xuất gia - ai ai cũng quý mến Sư nên đã đến, đi, chia xẻ, ngậm ngùi tiễn biệt Sư lần cuối khi xác thân cát bụi của Sư được chôn vào lòng đất vào ngày 30 tháng 7 năm 2021 vừa qua, kết cuộc một cuộc đăng trình dài 83 năm nơi trần thế, với 57 hạ lạp và 68 năm xuất gia hành đạo.
Bây giờ thì đến lúc mà người xưa thường nói là: ”蓋棺論定- cái quan luận định”. Bốn chữ này có nghĩa là khi nắp quan tài được đậy lại thì người đời mới có thể luận định đúng sai. Lúc nầy chính là lúc: “cái gì là sự thật, xin trả về cho sự thật”. Mà sự thật trên thế gian nầy là gì? Là chẳng có cái gì cả! Tất cả đều trống không. Tất cả đều vắng lặng như tinh thần của Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa mà Ngài Huyền Trang đã cho phiên dịch từ tiếng Sanscrit sang chữ Hán từ ngày mùng một tháng giêng năm 661 đến ngày 23 tháng 10 năm 663, ròng rã suốt hơn 34 tháng trường. Kinh văn có 600 quyển, gồm 24 tập (xem kinh này, bản Việt dịch của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm); mỗi tập dày độ 500 đến 700 trang và ý nghĩa cuối cùng chỉ là một chữ KHÔNG. Không đây là: không đến, không đi, không còn, không mất, không tăng, không giảm, không một mà cũng chẳng phải khác một.
Đó là một chấm câu và cũng để kết thúc một chuyến đi về của Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm trên cõi tạm nầy.
Viết xong vào lúc 13:00 ngày 3 tháng 8 năm 2021 nhằm ngày 25 tháng 6 năm Tân Sửu tại thư phòng của Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc.