Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Già Lam Thanh Tịnh

12/07/201813:21(Xem: 9195)
Già Lam Thanh Tịnh

an-cu-kiet-ha-ky19-day1-kinh-hanh-76

GIÀ LAM THANH TỊNH

Sa Môn Thích Bảo Lạc

 

Kinh Hoa Thủ thuộc Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu quyển 16, kinh số 657 phẩm Hiện biến thứ 8, trang 136 thượng nói: Thân do ngũ ấm tạo thành, nên vô thường hoại diệt, dòn bở mong manh. Ngũ ấm hay cũng gọi là năm uẩn, năm sự tập hợp, chứa nhóm, là nguyên nhân khổ. Năm ấm cũng gọi là oán tặc mà tất cả thánh nhân quán chiếu như thật và lìa bỏ chúng, nên gọi khổ thánh đế. Vì thế, Đức Thế Tôn dạy rằng, gốc của khổ phát sanh từ thân ngũ ấm ở cõi trược, nơi mà chúng sanh chung sống.

Hai cõi đối đãi nhau là uế độ và Tịnh độ, cõi bẩn trược (uế độ) là nơi chúng ta đang sống trong hiện tại với bao khổ đau chồng chất, và vô vàn những bất an thường trực làm thân tâm con người luôn có sự xung đột, ray rứt, trăn trở bao nổi trầm thống của kiếp nhân sinh, như thi nhân Đoàn Như Khuê diễn tả:

 

Bể khổ mênh mông sóng ngập trời

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi

Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió

Chung cục cùng trong bể khổ thôi…

 

Muốn thoát khổ tìm về cõi Tịnh (Tịnh độ) phải phát tâm tu tập, hầu hoán chuyển nghiệp nhân bất thiện thành nghiệp lành. Vì ở cõi Tịnh độ ai cũng phát Bồ đề tâm tu thiện được thanh lương, thuần khiết nên y báo và chánh báo trang nghiêm thanh tịnh. Y báo là cõi nước đẹp đẽ, thiên nhiên thuần hòa mọi mặt cho các loài hữu tình sống trong hòa bình an lạc; Chánh báo là con người hoàn hảo thuần thiện, không có sự xung đột, oán thù với nhau nên sống một cuộc đời trong sạch, thánh thiện giải thoát.

Theo Phật Quang đại từ điển:

“Chánh báo là quả báo cảm thọ tùy theo thiện nghiệp hay ác nghiệp ở quá khứ như sanh làm người có đủ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, tay chân cùng các cảm quan, được quả báo nhân gian; sanh làm thú có đủ cánh lông, răng móng, da vẩy, vuốt vi…chịu quả báo súc sanh, y báo là quả báo tùy theo Chánh báo mà được chỗ nương ở tương ứng, như người Chánh báo nhân gian nên nhất định có Y báo tương ứng như nhà cửa, đồ vật…; còn người bị chánh báo súc sanh thì chắc chắn có y báo, hang, tổ, chuồng, lồng”.

Nói cách khác Y báo chỉ cho quốc độ, thế gian, là nơi nương ở của loài hữu tình; còn Chánh báo là thân lượng của mỗi loài khác nhau như người, trời, nam, nữ, ngoại đạo, quỷ thần, Bồ Tát, Phật. Y báo ở cõi Tịnh độ thuần thanh tịnh, đẹp đẽ, trang nghiêm, có các loài chim hiếm quý hót tiếng hòa nhã khiến cho người nghe phát tâm nghĩ thiện, làm điều thiện, có ao thất bảo, đáy ao toàn bằng cát vàng trải khắp, nước mát dịu ngọt tinh khiết, uống vào thấm nhuần khắp cả châu thân.

Trên mặt nước hoa sen lớn đủ màu trắng, hồng, đỏ chen nhau đua nở lung linh dưới nước, khi cơn gió nhẹ thoảng qua. Trên bờ ao có những loại cây báu thẳng hàng phát ra tiếng pháp âm vi diệu làm cho ai nghe cũng đều phát tâm lành hướng thượng. Chánh báo cõi Tịnh, con người thuần tịnh, phước tướng trang nghiêm, thông minh trí tuệ, thân căn nhẹ nhàng, chuyên tu tịnh hạnh phát tâm Bồ đề và tu Bồ Tát hạnh. Nói chung từ thân căn chúng sanh đến quốc độ đều thanh tịnh thuần khiết, nơi nào cũng sạch sẽ tốt đẹp ai cũng mến ưa và vui sống.

Chư Phật Bồ Tát quán sát như thật, nhận biết rõ chân thân là nguồn cội của khổ, nhờ tu tập Thiền quán trừ dứt khổ, khổ trừ sạch trở thành thanh tịnh nên chư Phật thường lập cõi Tịnh độ để hóa độ chúng sanh. Cõi Phật thanh tịnh là nhờ tinh thần hòa hợp của mọi chúng sanh như các căn thanh tịnh, giới đức thanh tịnh, nghiệp thanh tịnh, kiến giải thanh tịnh, quán xét thanh tịnh.

- Các căn thanh tịnh: Nhãn… thân, ý, nữ căn, nam căn, mệnh căn v.v… chính là cơ năng hay năng lực của con người hay gốc rễ của cây cối, nó không những có sức tăng trưởng mà còn có khả năng phát triển thân cây, cành, nhánh, hoa quả.

Năm căn trước thuộc về khí quan cảm giác hay cơ năng cảm giác do sắc tạo thành nên gọi là năm sắc căn, chia thành hai phần thắng nghĩa căn điều khiển tác dụng cảm giác như thần kinh; và phù trần căn giúp đỡ các tác dụng như nhãn cầu, cổ mạc… là những khí quan bên ngoài, do máu thịt tạo thành. Căn cũng có nghĩa là căn cơ, căn tính biểu thị tính chất, như là người lãnh nhận vậy. Về căn cơ hơn kém khác nhau, nên mới phân thành lợi và độn hay cũng xếp chúng theo cấp bậc thượng, trung, hạ.

Nói cách khác, các căn tham dục, nóng giận, si mê… luôn tạo bất an thường trực cho con người, chìm đắm trong vô minh, đọa lạc trong sanh tử luân hồi. Vì thế, người tu hành tu tập các căn bằng phương pháp đối trị, chẳng hạn, mắt ham ưa sắc phải quán bất tịnh, mũi, lưỡi, thân… giữ cho tịnh khiết; nam căn, nữ căn dùng trì giới không phạm tà dâm (dâm dục) giữ chánh hạnh mới tránh quả báo thọ sanh trong các đường ác, sáu cõi luân hồi.

- Giới đức thanh tịnh: Giới là áo giáp đủ lực che chở người tu hành tránh khỏi mọi nạn tai, oán hại, là ngọc minh châu làm tỏa sáng pháp thân huệ mạng của người tiến tới bờ giác, là ngọn hải đăng làm tiêu đích cho thuyền bè cặp bến an toàn.

Giới bao hàm bốn nghĩa trọng yếu riêng biệt mà người thực hành cần phải hiểu rõ: Giới pháp, giới thể, giới hạnh và giới tướng. Giới pháp hay giới luật Phật chế định như tại gia có 5 giới, 8 giới, 10 giới, Bồ Tát giới, Tỳ Kheo giới, răn nhắc làm khuôn phép cho người tu hành để ra khỏi sanh tử luân hồi. Giới thể hay thể tính của giới phát sinh nơi tâm hành giả sau khi nhận lãnh giới pháp. Đây là nguồn gốc sanh ra các hạnh. Giới hạnh, sau khi được giới thể, thường phải giữ gìn ba nghiệp thân-khẩu-ý, ngăn ngừa tội lỗi, rộng tu các phương tiện, tâm không tán loạn. Giới tướng hiện rõ do giữ giới mà thành tựu các hạnh uy nghi, làm cho mọi cử chỉ đều đúng như pháp, đức tướng trang nghiêm, đạo phong khả kính.

- Nghiệp thanh tịnh, tức là mọi sự tạo tác hay những hoạt động của thân tâm như hành động, hành vi, tác dụng, ý chí hay nói cách khác là những hoạt động của thân tâm do ý chí phát sanh. Theo như Phật Quang đại tự điển: Nếu kết hợp các quan hệ nhân quả thì nghiệp là các năng lực được hình thành bởi những hành vi từ quá khứ kéo dài đến hiện tại và mãi tới vị lai. Nghiệp cũng bao hàm tư tưởng nhân quả báo ứng về hành vi thiện ác như khổ vui, và tư tưởng luân hồi trong ba đời thuộc về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Nghiệp nếu đi sâu vào chi tiết còn chia thành biểu nghiệp và vô biểu nghiệp. Biểu nghiệp hiện rõ dễ trông thấy nơi thân thể; vô biểu nghiệp tiềm ẩn tinh tế mà lại rất mãnh liệt.

- Kiến giải thanh tịnh, tức là kiến hòa đồng giải đứng vị thứ năm trong sáu pháp lục hòa (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, giới hòa, kiến hòa, lợi hòa), là chỗ thấy biết rõ ràng, lý giải thông suốt không còn có chỗ hồ nghi hay bị ngăn ngại.

- Quán xét thanh tịnh, dùng lực định buộc ý niệm nơi đối tượng, đem tuệ trí soi xét để chánh quán đối tượng gọi là quán sát có hai phần: Tâm soi xét bên trong và mắt nhìn kỹ bên ngoài. Nhờ vậy mới hiểu chính xác mọi sự mọi vật một cách tường tận.

            Già lam tịnh địa hay thanh tịnh nhìn từ ngoài vào, từ trong ra có hai phần: Từ bên ngoài như nhà cửa, phòng ốc, lối đi, vườn cảnh…sạch sẽ, ngay thẳng, ngăn nắp, tươi đẹp, mát mẻ, gọn gàng. Nhìn từ trong theo thiền môn quy củ, chúng lý an hòa, oai nghi đĩnh đạc, đạo bạn tâm đồng, thầy trò nghiêm cẩn mà hai giới xuất gia, tại gia hòa hài sách tấn nhau tu tập. Lúc vừa bước chân lên đất già lam (chùa am) khách thập phương cảm thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng như rũ sạch bụi trần vất ngoài cửa KHÔNG, để hết tâm hồn nơi có chư Phật, Bồ Tát từ bi dang tay vẫy gọi khách hồng trần trở về đất tịnh, hầu được thấm nhuần mưa pháp thanh lương giải thoát. Đây là trường chọn người làm Phật theo lời khai thị của Ngài Thiền Chủ, sáng Thứ Hai ngày 10/07/2018 tại đạo tràng khóa an cư kiết hạ kỳ 19 của Giáo Hội tại chùa Pháp Hoa Nam Úc. Hòa Thượng nói rằng, tuyển Phật trường gồm những nơi giáo dục Phật học, giới đàn, trường hạ (an cư), các khóa tu chuyên biệt… là những nơi tuyển chọn hành giả đủ điều kiện xứng đáng làm Phật. Chúng sanh nghiệp chướng nặng nề, ác kiến sâu dầy, phiền não trọng thô; căn lành mỏng cạn, xa lìa chánh kiến, tâm Bồ đề chưa vững, nên Đức Phật của tự thân hãy còn xuống lên theo dòng tâm thức trong vòng tục đế như qua thơ diễn tả:

Ai đưa ta đến chốn này

Bên gành sỏi đá lưu đày ngàn năm

Lối về muôn dặm xa xăm

Bơ vơ chiếc bóng giữa dòng tử sinh

Vào ra đổi xác thay hình

Dật dờ lên xuống vọng tình trầm luân…

(Giữa Dòng Tử Sinh của Sông Thu)

Ấy vậy mà chúng sanh vẫn muốn mau thành Phật và đây cũng chính là tâm ham muốn của con người thường mắc phải. Nhân đây bút giả nói ngay và chỉ thẳng Đức Phật nơi ta mong nhiều điều chướng nên không dễ một sớm một chiều mà thành tựu đạo nghiệp. Như trong một đạo tràng có đông hành giả, không phải ai cũng dễ thành Phật như lời Phật dạy: “Chúng sanh là vị Phật tương lai”. Tương lai ấy tùy thuộc nơi mỗi người nên hoàn toàn khác biệt. Và nêu thêm, mong quý hành giả hãy triển hạn thành Phật lại đã, theo ý riêng đề nghị: Muốn thành Phật, trước tiên phải hoán chuyển nghiệp lực trở thành thanh tịnh, là một trong những điều kiện vừa nêu trên. Cũng trong tinh thần đó, nghi tiết lễ kiết giới trường hạ an cư lần 19 vào sáng ngày 09 tháng 07 năm 2018 tại chùa Pháp Hoa, Nam Úc gồm các tiết mục chính: Tác pháp an cư, đối thú an cư, lễ khai chung bảng, lễ khai kinh bạch Phật để đạo tràng mười ngày an cư của hai chúng xuất gia và tại gia thanh tịnh. Đại chúng vân tập tại Tổ đường niệm hương lễ Lịch đại Tổ Sư, cung an chức sự, sau đó ban dẫn lễ rước đại Tăng đăng Phật điện. Trong phần tác pháp Yết Ma có hai mục chính: Vấn hòa gồm bốn câu hỏi: Tăng nhóm chưa? Hòa hợp không? Người chưa thọ Tỳ Kheo giới có trong đây không? Tăng nay hòa hợp để làm gì? Vị Duy na đáp xong 4 câu hỏi trên; Thầy tác pháp tiếp theo hai phần, xướng các giới tướng của đại giới và tiểu giới hay tướng trong và tướng ngoài của trường hạ để đại chúng nắm rõ. Sau đó, thỉnh hai vị Trưởng lão Tỳ Kheo đối thú an cư trước như tự xưng pháp danh, nói địa điểm an cư, mong được vị đối diện chứng minh cho (đọc 3 lần xong), và vị Thầy đáp: Được, tốt lắm! Đáp: Xin vâng! Lễ khai chung bảng, vị Thầy được chúng cung thỉnh đến trước Tam bảo tác bạch:

 

Chuông vàng, bảng ngọc vang khắp tam thiên

Mười ngày (hay cửu tuần) yết thị tai nhà thiền

Lịch đại Tổ sư truyền

Công đức thật vô biên

Trong ngoài thảy an nhiên.

 

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát (3 lần)

 

Thầy đi đến chỗ chuông bảng xướng pháp ngữ:

 

Chuông bảng tròn vuông pháp độ rõ ràng

Chẳng phải linh vàng, không như mõ gỗ

Quyền thật song hành, vuông tròn đúng chỗ

Ngày mười hai thời noi theo pháp Tổ

Pháp do mình hành, đạo do tâm ngộ

Không dơ, không nhiễm ấy là Tây phương

Không não không phiền chơn Cực lạc

Duy tâm Tịnh độ thật tỏ tường

Bổn tánh Di Đà do tự giác.

 

Thầy bạch kệ:

Quả chuông tròn chừ, chiếc mõ vuông.

Chín châu các cõi dứt tư lương

Lồng lộng ngân vang hồng chung vọng

Muôn thuở trang nghiêm tuyển Phật trường.

 

Tiếp Thầy hô:

Một dùi vỡ nát cõi hư không

Muôn dặm mây bay tan tán lạc

Gặp kẻ đầu đồng và trán sắt

Thay da mặc kệ mày đổi xác.

(Đánh một tiếng bảng rồi lôi thất)

(Hồi 3 hồi bảng rồi dứt tứ, câu qua bảo chúng; hồi 3 hồi bảo chúng rồi dứt tứ, câu qua hồng chung, hồi 3 hồi chuông rồi dứt tứ; câu qua trống lớn hồi 3 hồi trống rồi dứt tứ. Tiếp thỉnh chuông trống Bát nhã…). Sau đó lễ khai kinh bạch Phật, đại chúng dồn hết nội lực cầu Tam bảo, chư Hộ pháp Già lam mật thùy gia hộ cho trong ngoài đạo tràng an hòa và thanh tịnh.

Học giới luật ngày đầu tiên tối thứ Hai ngày 09/07/18 do hai vị giáo thọ hướng dẫn tại Tổ đường qua chủ đề: Giới-Định-Tuệ là ba môn học thiết thực của giới xuất gia đã được triển khai và mọi người đóng góp sôi nổi; chẳng hạn, người tu sao vẫn còn phiền não, tâm không được an lạc.

            Câu trả lời tâm không an lạc là do ta chưa trong sạch, chưa sẵn sàng tu tập, áp dụng giới luật đúng theo lời Phật dạy: Tâm tịnh thì Phật độ tịnh, như:

 

Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ tâm tạo tác

Nói năng hay hành động

Hạnh phúc sẽ theo ta

Như ảnh không rời hình

(Kinh Pháp Cú)

 

Muốn thành Phật, chứng thánh đều do ta là tác nhân chính; còn các yếu tố bên ngoài cũng chỉ là phần phụ thuộc mà thôi. Người tu hành ý thức được như vậy, hẳn Đức Phật sẽ được nuôi dưỡng Thánh thai lớn dần rồi phát quang trở thành một vị Phật tương lai như lời Phật dạy. Mong lắm thay mọi hành giả! Được vậy, cõi uế độ trở thành Tịnh độ thanh tịnh giải thoát.

 

 

Viết tại liêu Phương Trượng chùa Pháp Hoa

ngày 10 tháng 07 năm 2018

Sa Môn Thích Bảo Lạc

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/06/2011(Xem: 8315)
Ngài họ Nguyễn húy là Hữu Kê, dòng họ của Đại thần Nguyễn Trãi. Nguyên quán thuộc Tông sơn Gia miêu Ngoại trang, tỉnh Thanh Hóa. Ngài thọ sanh năm Nhâm Tý (1912), tại làng Nguyệt Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Vốn thọ sanh trong gia đình vọng tộc, quý phái, thích lý luận Nguyễn Hữu Độ.
24/06/2011(Xem: 5368)
Ngài Mật Thể, pháp danh Tâm Nhất, pháp tự Mật Thể, tên thật là Nguyễn Hữu Kê, sinh năm 1912 ở làng Nguyệt Biều, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Chánh quán huyện Tống Sơn, Gia Miêu ngoại trang, tỉnh Thanh Hóa, thuộc dòng Thích Lý của Cụ Nguyễn Hữu Độ. Gia đình Ngài qui hướng đạo Phật, cụ thân sinh và người anh ruột đều xuất gia.
23/06/2011(Xem: 5833)
Đọc Thánh Đăng Ngữ Lục, do Sa môn Tánh Quảng, Thích Điều Điều đề tựa trùng khắc, tái bản năm 1750, ta thấy đời Trần có năm nhà vua ngoài việc chăn dân, họ còn học Phật, tu tập và đạt được yếu chỉ của thiền, như vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Và sự chứng ngộ của các Thiền sư đời Trần thì không thấy đề cập ở sách ấy, hoặc có đề cập ở những tư liệu khác mà hiện nay ta chưa phát hiện được, hoặc phát hiện thì cũng phải tra cứu và luận chứng dài dòng rồi mới kết đoán ra được.
23/06/2011(Xem: 6806)
Đọc sử Phật giáo Việt Nam, hẳn chúng ta đều biết nước mình có một ông vua đi tu ngộ đạo, đó là vua Trần Nhân Tông. Ngài làm vua trong thời gian nước nhà đang bị quân Mông Cổ đem đại quân sang xâm lấn nước ta lần thứ ba.
22/06/2011(Xem: 7473)
Trong sáu thập niên qua, TIME đã không ngừng ghi chép lại những vinh quang cùng khổ nhọc của Á châu. Trong số đặc biệt kỷ niệm thường niên hôm nay, chúng tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng của mình đến những nhân vật nổi bật đã góp phần vào việc hình thành nên thời đại chúng ta. Những thập niên xáo động nhất của một lục địa đông dân nhất trên trái đất này đã sản sinh ra hàng loạt những nhân vật kiệt xuất. Trong sáu mươi năm qua, kể từ khi TIME bắt đầu cho xuất bản ấn bản Á Châu, chúng tôi đã có cái đặc ân là được gặp gỡ đa số những nhân vật ngoại hạng này –theo dấu cuộc vận động hay trên chiến trường, trong phòng hội hay trong phòng thí nghiệm, tại cơ sở sản xuất hay tại phim trường.
16/06/2011(Xem: 5044)
Tôi có duyên lành gặp được ngài một lần khi ngài đến thăm Hòa thượng chùa Đông Hưng, bổn sư của tôi, cũng là y chỉ sư của Hòa thượng Quảng Thạc, một để tử xuất gia của ngài khi còn ở đất Bắc. Cung cách khiêm cung, ngài cùng Hòa thượng tôi đàm đạo về quá trình tu tập cũng như Phật học, hai ngài đã rất tâm đắc về chí nguyện giải thoát và cùng nhau kết luận một câu nói để đời : “Mục đích tu hành không phải để làm chính trị”. Cũng câu nói này, khi chia tay chư tăng miền Nam, ngài đã phát biểu với hàng pháp lữ Tăng ni đưa tiễn. Khi sưu tập tư liệu về cuộc đời của ngài, tôi may mắn gặp được các bậc tri thức cao đồ của ngài kể lại. Nay, nhân có cuộc hội thảo về phong trào chấn hưng Phật giáo miền Bắc và công hạnh của ngài, tôi xin được góp thêm đôi điều.
14/06/2011(Xem: 6482)
Thiền sư PHÁP THUẬN (Bính Tý 918): Thiền sư đời Tiền Lê, thuộc dòng thiền Tỳ-Ni-Đa-Lưu Chi, không rõ gốc gác quê quán và tên thật, chỉ biết rằng Sư họ Đỗ, xuất gia từ thuở nhỏ ở chùa Cổ Sơn (Thanh Hóa), sau theo học đạo Thiền sư Phù Trì ở chùa Long Thọ, nổi tiếng là uyên thâm đức độ. Tương truyền rằng chính Sư đã dùng nghệ thuật phù sấm, làm cố vấn giúp vua Lê Đại Hành nắm quyền bính, dẹp yên được hỗn loạn trong triều cuối đời nhà Đinh, được vua Lê vô cùng trọng vọng. Năm 990 niên hiệu Hưng Thống thứ 2, Sư không bệnh mà viên tịch, thọ 76 tuổi, để lại cho đời các tác phẩm: “Bồ Tát sám hối văn”, “Thơ tiếp Lý Giác”, và một bài kệ.
14/06/2011(Xem: 6463)
• Thiền sư Chân Không(Bính Tuất -1046): Sư họVương, thế danh Hải Thiềm, quê quán ở làng Phù Đổng (nay là Tiên Sơn-Bắc Ninh), xuất thân trong một gia đình quý tộc. Lúc thân mẫu của ông mang thai, cha ông nằm mộng thấy một vị tăng Ấn Độ trao cho cây tích trượng, sau đó thì ông ra đời. Mồ côi cha mẹ từ thuở niên thiếu, ông siêng chăm đọc sách không màng đến những chuyện vui chơi. Năm 20 tuổi ông xuất gia, rồi đi ngao du khắp nơi để tìm nơi tu học Phật Pháp. Nhân duyên đưa đẩy cho Sư đến chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu (Gia Lương-Hà Bắc), nghe Thiền sư Thảo Nhất giảng kinh Pháp Hoa mà ngộ đạo, được nhận làm đệ tử, sớm tối tham cứu thiền học, và được sư thầy truyền tâm ấn, thuộc dòng thiền Tì-ni-đa Lưu -chi, thế hệ thứ 16. Sau, Sư lên núi Phả Lại, trại Phù Lan (nay thuộc huyện Mỹ Văn-Hưng Yên) làm trụ trì chùa Chúc Thánh, ở suốt 20 năm không xuống núi để chuyên trì giới luật, tiếng thơm đồn xa đến cả tai vua.
13/06/2011(Xem: 14360)
Ôi, trong giáo pháp Phật đà của ta, việc trọng đại nhất là gì ? Con người sinh ra không từ cửa tử mà đến, chết không vào cửa tử mà đi. Thế nên người nằm non ở tổ, bỏ ngủ quên ăn, chẳng tiếc thân mạng, đều vì việc lớn sinh tử. Ở thời giáo suy pháp mạt này mà có người vì việc lớn sinh tử như Hòa thượng Liễu Quán, thật là hy hữu.
05/06/2011(Xem: 13100)
Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trong khoảng đất rộng đầy cây trái. Buổi tối, mùi nhang tỏa ra từ chánh điện hòa với mùi thơm trái chín đâu đó trong vườn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]