Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

ĐH Giáo dục Hồng kông trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh

04/11/201719:53(Xem: 6167)
ĐH Giáo dục Hồng kông trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh

ĐH Giáo dục Hồng kông trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Chân Pháp Khâm tường thuật


Ngày 29 tháng 8 năm 2017, tại khách sạn MG Mansion ở Băng cốc, Thái Lan, Giáo sư Lee Chi-Kin, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông đã trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Nhân văn cho Sư Ông Làng Mai. Lẽ ra buổi lễ được tổ chức tại Trung tâm Làng Mai Thái Lan ở Pak Chong vào ngày 30 tháng 8, nhưng vì chương trình Sư Ông đi Việt Nam được thực hiện vào ngay ngày 29 tháng 8, cho nên buổi lễ được tổ chức tại nơi Sư Ông đang nghỉ dưỡng trước khi đi Việt Nam.

Đại học Giáo dục Hồng Kông trước đây có tên là Học viện Giáo dục Hồng Kông (Hong Kong Insitute of Education, HKIEd), là trường đại học có nhiều gắn bó với Sư Ông và Tăng thân Làng Mai. Tháng 5 năm 2007, trường đã mời Sư Ông và Tăng thân qua Hồng Kông hoằng pháp. Những năm trước đó, Hồng Kông tổ chức lại các cơ sở giáo dục và nhập lại thành một vài cơ sở chính. Sự tổ chức lại này tạo ra nhiều căng thẳng và có một vài nhân viên chịu không nổi áp lực phải tự tử. Họ hy vọng các khóa tu trong chuyến hoằng pháp và đặc biệt là một ngày quán niệm dành cho các giáo sư, nhân viên và các sinh viên, học sinh sẽ giúp giảm bớt áp lực đó. Trong chuyến đi năm 2010 và 2013, Sư Ông đều có hướng dẫn một ngày quán niệm tương tự tại trường. Để duy trì sinh hoạt đó, tăng thân Làng Mai Hồng Kông đã tổ chức ngày quán niệm hàng tháng tại đây từ tháng 7 năm 2007 cho đến nay. Đại học Giáo dục Hồng Kông là một đại học chuyên ngành về giáo dục, được xếp hạng thứ nhì trong các trường đại học giáo dục tại châu Á và thứ 13 trong các trường đại học giáo dục trên thế giới.

ĐHHK trao bằng Ts.3

Thiền hành trong ngày quán niệm tại HKIEd, tháng 5 năm 2007

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, giáo sư Lee Chi-Kin đã nhấn mạnh về yếu tố an trú trong giây phút hiện tại và những điều kiện hạnh phúc đang có mặt bây giờ và ở đây. Giáo sư cũng nói đến việc chuyển hóa khổ đau của từng cá nhân, cộng đồng và xã hội.

Không phân biệt giới tính, quốc tịch, chủng tộc hay tôn giáo, Làng Mai được đông đảo mọi người biết đến như một cộng đồng, một tăng thân yêu quý do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập dựa trên niềm tin vững chắc rằng ai cũng có thể đạt tới giác ngộ, tỉnh thức thông qua thiền tập trong đời sống hàng ngày và có mặt trong giây phút hiện tại. Thiền sư từng nói rằng “tất cả những điều kiện của niềm vui, hạnh phúc đều có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu chú ý, ta sẽ nhận ra ngay”. Từ khi thành lập vào năm 1982 cho đến nay, Làng Mai đã trở thành một môi trường nuôi dưỡng mà nhiều người trên khắp thế giới tìm đến để học nghệ thuật sống hài hòa với bản thân, với mọi người xung quanh và với đất Mẹ. Trong nhiều năm qua, Thiền sư đã xây dựng nên nhiều trung tâm, cộng đồng tu học trên khắp thế giới, giúp thúc đẩy sự chuyển hóa của cá nhân, cộng đồng và xã hội. 

…….

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành trọn cuộc đời mình để thúc đẩy hòa bình và những giá trị tâm linh trên khắp thế giới. Người đã nỗ lực để giúp tháo gỡ những vấn đề xã hội đương thời cũng như những xung đột trên thế giới thông qua những phương pháp chế tác bình an và từ bi. Thiền sư đích thực là một nhà lãnh đạo tâm linh đáng cho chúng ta yêu quý và kính ngưỡng.  Thay mặt trường Đại học Giáo dục Hồng Kông, tôi lấy làm vinh dự được trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Nhân văn (Doctor of Humanities, honoris causa) cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh. (Xem toàn bài phát biểu ở phần cuối của bài tường thuật.)

ĐHHK trao bằng Ts.4

Sư Ông, Sư Cô Chân Không và thầy Pháp Khâm lắng nghe phát biểu của giáo sư Lee Chi-Kin

ĐH Hồng Kông trao bằng TS danh dự về Nhân văn.1

Giáo sư Lee Chi-Kin trao tặng mũ áo

ĐHHK trao bằng Ts.5

Giáo sư Lee Chi-Kin trao tặng bằng Tiến sĩ cho Sư Ông

ĐHHK trao bằng Ts.6

Giáo sư Lee Chi-Kin  trao tặng hình ngày quán niệm năm 2007

Sau khi giáo sư phó hiệu trưởng trao bằng, mũ áo tiến sĩ danh dự và quà tặng, Sư cô Chân Không đã thay mặt Sư Ông và Tăng thân đáp lời. Sư cô nhấn mạnh công trình giáo dục quan trọng nhất là vun trồng thương yêu và hiểu biết và việc học để có kiến thức cần đi đôi với việc chuyển hóa nội tâm trong mỗi sinh viên.

“Vun trồng hiểu biết và thương yêu là phương thức giáo dục cao nhất mà chúng ta có thể thực hiện với tư cách con người. Chúng ta cần nuôi dưỡng Chánh niệm và Từ bi một cách bền bỉ trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.

…….

Chúng ta biết rằng rất nhiều người thuộc những thế hệ sau này đã được truyền cảm hứng từ cuộc đời và những lời dạy của Thầy. Chúng ta hy vọng rằng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông sẽ tiếp nối việc trao truyền sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu để có thêm hiểu biết cũng như tình thương lớn, không chỉ để phục vụ cho xã hội Hồng Kông nói riêng mà còn để phụng sự cho tất cả hành tinh và muôn loài. Hy vọng rằng chương trình đào tạo của trường hay những luận án tốt nghiệp của sinh viên sẽ thể hiện được kiến thức được trao truyền đi đôi với sự chuyển hóa trong tự thân mỗi sinh viên.” (Xem toàn bài phát biểu ở phần cuối của bài tường thuật.)
ĐHHK trao bằng Ts.7

Sư cô Chân Không phát biểu đáp lời Giáo sư Phó hiệu trưởng

 

Sau phần nghi lễ, phái đoàn trường đại học đã chụp hình chung với Sư Ông và Tăng thân. Hai tiếng đồng hồ sau đó thì Sư Ông cùng các thầy sư cô thị giả lên máy bay đi Việt Nam.

ĐHHK trao bằng Ts.7.jpg

Chụp hình chung với Sư Ông và tăng thân sau buổi lễ.

 

Bài diễn văn của giáo sư LEE CHI-KIN, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông(Ngày 29/8/2017 tại Thái Lan)

 

Kính thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh,

Kính thưa Sư cô Chân Không,

Kính thưa quý thầy, quý sư cô Làng Mai cùng quý vị thân hữu,

Thật là một niềm vinh dự lớn lao cho tôi khi được có mặt tại đây hôm nay để bày tỏ niềm kính ngưỡng đối với Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một nhà lãnh đạo tâm linh trên thế giới, người đã dành trọn cuộc đời mình để xiển dương sự thực tập chánh niệm, chế tác bình an và hạnh phúc thông qua thiền tập. Được diện kiến Thiền sư tại trung tâm Làng Mai Thái Lan thực sự là một đặc ân đối với chúng tôi, đặc biệt là trong hoàn cảnh Thiền sư đang tịnh dưỡng và trị liệu với sự chăm sóc đầy thương kính và niềm vui của các đệ tử xuất gia và tại gia xung quanh mình.

Không phân biệt giới tính, quốc tịch, chủng tộc hay tôn giáo, Làng Mai được đông đảo mọi người biết đến như một cộng đồng, một tăng thân yêu quý do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập dựa trên niềm tin vững chắc rằng ai cũng có thể đạt tới giác ngộ, tỉnh thức thông qua thiền tập trong đời sống hàng ngày và có mặt trong giây phút hiện tại. Thiền sư từng nói rằng “tất cả những điều kiện của niềm vui, hạnh phúc đều có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu chú ý, ta sẽ nhận ra ngay”. Từ khi thành lập vào năm 1982 cho đến nay, Làng Mai đã trở thành một môi trường nuôi dưỡng mà nhiều người trên khắp thế giới tìm đến để học nghệ thuật sống hài hòa với bản thân, với mọi người xung quanh và với đất Mẹ. Trong nhiều năm qua, Thiền sư đã xây dựng nên nhiều trung tâm, cộng đồng tu học trên khắp thế giới, giúp thúc đẩy sự chuyển hóa của cá nhân, cộng đồng và xã hội.

Ngày nay, pháp môn chánh niệm đã được biết đến một cách rộng rãi trên thế giới. Điều này có được phần lớn là nhờ nỗ lực xiển dương pháp môn chánh niệm của Thiền sư trong suốt cuộc đời mình. Những lời dạy cũng như những tác phẩm sâu sắc của Người về sự chuyển hóa và chế tác bình an trong tự thân đã vượt lên trên những rào cản về quốc gia, tôn giáo để đến với biết bao tâm hồn trên khắp thế giới, giúp họ vơi bớt khổ đau.

Đại học Giáo dục Hồng Kông (Education University of Hong Kong, gọi tắt là EdUHK) chúng tôi có một mối liên hệ đặc biệt với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư đã có nhiều chuyến hoằng pháp tại Hồng Kông để giảng dạy về sự thực tập chánh niệm, mang bình an và thương yêu đến với mọi người. Thiền sư đã tổ chức những khóa tu và những buổi thiền hành tại trường đại học chúng tôi vào năm 2007, 2010 và 2013. Trong những khóa tu này, rất nhiều người được thức tỉnh và có cảm hứng từ những bài giảng đầy tình thương, bình an và năng lượng chánh niệm của Người. Mối liên hệ hợp tác bền vững, lâu dài giữa chúng tôi và Làng Mai – cụ thể là Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB) do Thiền sư sáng lập tại Hồng Kông – đã thể hiện qua những ngày Quán niệm được tổ chức thường xuyên tại trường, mang lại lợi lạc cho cho tất cả các giáo chức, phụ huynh và học sinh của trường, không phân biệt truyền thống tôn giáo.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành trọn cuộc đời mình để thúc đẩy hòa bình và những giá trị tâm linh trên khắp thế giới. Người đã nỗ lực để giúp tháo gỡ những vấn đề xã hội đương thời cũng như những xung đột trên thế giới thông qua những phương pháp chế tác bình an và từ bi. Thiền sư đích thực là một nhà lãnh đạo tâm linh đáng cho chúng ta yêu quý và kính ngưỡng. Thay mặt trường Đại học Giáo dục Hồng Kông, tôi lấy làm vinh dự được trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Nhân văn (Doctor of Humanities, honoris causa) cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

 

Lời phát biểu của Sư Cô Chân Không (ngày 29.8.2017 tại Thái Lan)

 

Vị Thầy kính thương của chúng tôi thường dạy rằng Hiểu và Thương phải luôn luôn đi với nhau. Giáo dục không phải chỉ là thu nạp kiến thức mà còn là vun trồng chân hiểu biết – và hiểu biết luôn đi cùng với từ bi, với tình thương. Thầy thường nhắc nhở tất cả chúng ta rằng tình thương của chúng ta phải hướng đến tất cả hành tinh này chứ không phải chỉ dành riêng cho một dân tộc hay một giống nòi. Chúng ta phải biết cách mở rộng trái tim mình. Tình thương của chúng ta phải làm sao ôm trọn được cả hành tinh này.

Vun trồng hiểu biết và thương yêu là phương thức giáo dục cao nhất mà chúng ta có thể thực hiện với tư cách con người. Chúng ta cần nuôi dưỡng Chánh niệm và Từ bi một cách bền bỉ trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.

Nhưng làm cách nào chúng ta có thể tự rèn luyện mình theo phương hướng đó? Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dường như thấy mình khác biệt với những người xung quanh: bạn khác biệt với tôi và chúng ta lại khác biệt với những người khác. Có những người mình thấy “giỏi hơn, hay hơn”, có những người mình thấy “kém hơn”, có những người có vẻ tử tế, có những người lại có vẻ không tốt. Nhưng những khác biệt này chỉ đúng trong thế giới hiện tượng mà thôi. Nếu nhìn sâu hơn, chúng ta có thể thấy rằng trong thế giới bản thể, tất cả chúng ta đều tương tức. Có một mối liên hệ mật thiết, thâm sâu kết nối tất cả chúng ta. Cũng giống như khi nhìn ra đại dương, ta thấy có rất nhiều con sóng khác nhau trên bề mặt đại dương, nhưng ta cũng có thể thấy rằng tất cả các con sóng đều là nước. Không có sự tách biệt. Chúng ta cần phải thực tập nhìn sâu để mở rộng tình thương, để có thể mở lòng ôm được tất cả mọi người, mọi nền văn hóa và mọi dân tộc.

Có một lần Thầy đã kể về một giấc mơ của Thầy. Trong giấc mơ đó, Thầy được gợi lại lần lượt từng biến cố và khổ đau mà Thầy đã trải qua –  những khổ đau không chỉ trong cuộc đời này mà còn trong vô số kiếp trước đây: những khổ đau vì nghèo đói, bạo lực, chiến tranh, thiên tai, tù ngục, oan ức và tuyệt vọng. Trong giấc mơ có một tiếng nói rất mạnh mẽ, có lẽ là tiếng nói của thần Định mệnh, bỗng cất lên: “Các người sẽ phải sống lại tất cả những điều này một lần nữa!”. Trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi, Thầy đã phản ứng lại: “Ồ, không!”. Lúc đó Thầy cảm thấy rằng bị nhấn chìm bởi một cơn lũ khổng lồ những hành động tàn ác trong chiến tranh, những sự dã man bạo lực… trong quá khứ như vậy là đã đủ lắm rồi. Thật là quá kinh khủng nếu phải sống lại những kinh nghiệm này một lần nữa. Nhưng sau một hơi thở sâu, Thầy mỉm một nụ cười kỳ diệu và nói to: “Với chánh niệm, từ bi và hạnh nguyện thương yêu sâu – Thầy trỏ thẳng vào ông ta – tôi (Thích Nhất Hạnh) sẵn sàng trở lại cùng với tất cả những trẻ em và những con người đầy khổ đau này. Tôi sẵn sàng trở lại một lần nữa, nhiều lần nữa…!”

Chúng ta biết rằng rất nhiều người thuộc những thế hệ sau này đã được truyền cảm hứng từ cuộc đời và những lời dạy của Thầy. Chúng ta hy vọng rằng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông sẽ tiếp nối việc trao truyền sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu để có thêm hiểu biết cũng như tình thương lớn, không chỉ để phục vụ cho xã hội Hồng Kông nói riêng mà còn để phụng sự cho tất cả hành tinh và muôn loài. Hy vọng rằng chương trình đào tạo của trường hay những luận án tốt nghiệp của sinh viên sẽ thể hiện được kiến thức được trao truyền đi đôi với sự chuyển hóa trong tự thân mỗi sinh viên.


Chân Pháp Khâm tường thuật
https://langmai.org


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2023(Xem: 4007)
Cáo Phó Tang Lễ Hòa Thượng Thích Thiện Huệ vừa viên tịch tại Chùa Long Thọ, Long Khánh, Đồng Nai
29/10/2023(Xem: 11299)
Như quý vị đã biết, trước bệnh tình nguy ngập của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, chúng tôi, những pháp lữ và những người học trò trực tiếp hay gián tiếp thọ nhận sự giáo huấn của Người, đã cố gắng trong một thời gian rất ngắn để thực hiện tập Kỷ Yếu này. Do hạn chế về thời gian, Kỷ Yếu chỉ là một tuyển tập đơn sơ gồm những sáng tác văn thơ, nhạc, họa, của chư Tôn Đức và văn thi hữu nhằm biểu lộ niềm tri ân đối với bậc Thầy lãnh đạo nòng cốt còn lại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một học giả Phật học uyên thâm hiếm có của Phật giáo Việt Nam. Và cũng chính từ giới hạn đó, chúng tôi đã không kịp nhận được đầy đủ bài vở của chư Tôn Đức, văn thi hữu cùng quý Phật tử có lòng quý kính gửi dâng Hòa thượng Tuệ Sỹ.
27/10/2023(Xem: 2738)
Hòa thượng pháp danh Trí Độ, hiệu Hồng Chân, thế danh Lê Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894 tại thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lúc thiếu thời Ngài học chữ Nho và năm 18 tuổi học trường Sư phạm. Với sở học rất uyên thâm, và lòng mến mộ đạo Phật, Ngài đi sâu vào nghiên cứu giáo lý và trở thành một vị học Phật lỗi lạc. Năm 1920, Ngài bắt đầu giảng dạy Phật pháp tại Bình Định và là một trong những bậc đống lương cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại tỉnh nhà.
12/10/2023(Xem: 2830)
Sinh thời, Thầy có chí nguyện chuyên tu thiền định. Khởi đầu là phát tâm nhập thất tịnh tu tại núi rừng Vạn Giã, Khánh Hòa vào năm 1972. Những năm về sau, dù bộn bề Phật sự nhưng Thầy vẫn an nhiên với pháp hành thiền và các pháp tu tương hỗ khác. Trong phương châm giáo dục mà Thầy đã đề xuất, gồm Học lý – Quán chiếu – Tổ chức cũng phần nào biểu lộ chủ trương cân đối giữa pháp học và pháp hành. Thân mang bệnh duyên, sở tật thường đeo đẳng, nhưng nhờ tu tập tinh cần, Thầy đã vượt lên nỗi đau thân thể để chu toàn Phật sự.
18/09/2023(Xem: 3334)
Niềm vui sống đời dâng hiến (vần thơ kính mừng khánh tuế lần thứ 69 Hòa Thượng Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thích Thông Mẫn, 18/9/2023), Có thể… chính lối sống mình, làm thức tỉnh ? Bao người thoát ra giấc ngủ mê lầm Tự tin độc lập hơn với bản thân Vì cuộc đời không hề có những định luật, Cũng như giá trị một người không đo lường bằng tiêu chuẩn thiết lập !
04/08/2023(Xem: 3727)
Giáo lý Thượng Thừa (bài giảng của HT Thích Thanh Từ)
04/08/2023(Xem: 5941)
36- Tiểu Sử Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (1911-1999)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]