Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sư Phụ Huyền Tôn

04/04/201604:39(Xem: 6685)
Sư Phụ Huyền Tôn

HT Huyen Ton
Sư Phụ Huyền Tôn



Nhận được thư của TT Nguyên Tạng (Phó Tổng Thư Ký của Giáo Hội/Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức) kêu gọi viết bài (thơ, văn, cảm niệm ...) để ấn bản trong Kỷ-Yếu nhân dịp Đại Lễ Tri Ân nhị vị Hòa Thượng Trưởng Lão của Giáo Hội, là Trưởng Lão Tăng Giáo Trưởng HT Thích Huyền-Tôn và Trưởng Lão Chứng Minh Đạo Sư HT Thích Như-Huệ sẽ được tổ chức long trọng trong dịp Chư Tôn Đức về dự Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 17 tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc-Châu. Thiển nghĩ đây là việc đáng làm và cần làm để tuyên dương đức hạnh và công phu tu tập của các Trưởng Lão hòa thượng trong GH. Đây là món quà tặng tinh thần rất đáng giá và có ý nghĩa để dâng lên các Ngài khi còn trụ thế; chứ khi đã viên tịch rồi thì có muôn ngàn lời vàng thước ngọc tán dương hay cảm niệm cũng chỉ là hư vô. 

Với Trưởng Lão HT Như-Huệ, Phương Trượng Pháp Hoa ở Nam Úc thì tôi không biết gì để viết vì Ngài hành hoạt Phật sự ở phương xa, chỉ vài lần gặp gỡ trong các dịp Đại lễ quan trọng khi Ngài ghé Melbourne. Còn viết về Trưởng Lão Sư Phụ Huyền-Tôn thì lại có quá nhiều đề tài để viết vì là Hòa thượng Bổn sư, được gần gũi thân cận nhiều dịp hàn huyên tâm sự việc đạo việc đời, nhưng viết về Sư phụ mình tuy dễ mà khó. Dễ vì có nhiều đề tài để viết nhưng khó vì nếu không khéo thì sợ bị phê bình là "Mèo khen mèo dài đuôi" J. Thôi thì ai khen chê cũng mặc, đường ta ta cứ đi với cái tâm ý trung thực thường hằng của một nhà khoa học.


hT Huyen Ton
Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn (89 tuổi)

Tăng Giáo Trưởng GHPGVNTNHN Úc-Đại-Lợi - Tân-Tây-Lan

Phương Trượng Bảo Vương Tự, Melbourne.

 

Thật như một giấc mơ! Thoáng đó mà đã gần 40 năm từ ngày tôi bắt gặp hình bóng Sư Phụ (SP) đang châm cứu, bốc thuốc cho người dân nghèo trong căn phòng nhỏ nằm khuất phía sau hòn non bộ, có suối nước chảy róc rách xuống hồ nước nhỏ một góc bên trái mặt tiền của chùa Quan Thế Âm trên đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận (nay là đường Thích Quảng Đức), nơi Thầy Thông Bửu đang Trụ Trì. Nơi đó, mỗi tối thứ Bảy tôi đều đến để học Pháp, tụng Kinh Pháp Hoa và có lúc thọ Bát Quan Trai Giới. Tôi có cái duyên ngộ đạo ngay từ những ngày thảm họa phủ lên đầu dân tộc Việt-Nam khi Cộng sản Bắc Việt thôn tính miền Nam. Không lâu sau thời điểm tháng Tư đen đó, tôi tình cờ gặp lại một người anh kết nghĩa là Trần-văn-Vinh trên đường Hai Bà Trưng, trước rạp hát Kinh-Thành, Tân Định. Anh Vinh rủ tôi đi nghe Pháp ở Quan Thế Âm buổi tối thứ Bảy đó, và buổi Pháp đầu tiên nghe Thầy Thông Bửu giảng về một đề tài liên quan đến khoa học khi cha đẻ của hai quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki là nhà Bác học Julius Robert Oppenheimer đi đâu cũng mang theo quyển Kinh Hoa-Nghiêm bên người, đã động nảo thu hút một sinh viên khoa học như tôi đi vào đạo, và mê đến chùa mỗi cuối tuần để nghe Pháp tụng kinh. Và chính ở Quan Thế Âm mà tôi đã bắt gặp hình bóng của SP bốc thuốc và châm cứu cho người nghèo. Thầy Bổn Điền, Trụ Trì chùa Huyền Quang ở Sydney cũng là một Tăng chúng đã tu học ở đó và hình như cũng có lần tôi đã gặp Thầy Tâm Phương (bào huynh của Thầy Nguyên Tạng) ở chùa Pháp Vân (Gia Định/Bình Thạnh) gần đó.

Tuy nhìn thấy SP Huyền Tôn lăng xăng lo hộ đạo giúp đời nhưng vì không có nhu cầu nên tôi chưa một lần vấn an SP, cho mãi đến đầu năm 1983 khi mới đặt chân đến Melbourne tôi mới có duyên gặp lại Ngài khi ngôi nhà tôi thuê lại gần sát ngôi chùa Đại Bi Quan Âm nơi SP thành lập. Đúng là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.

Những tháng năm đầu mới đến Úc, còn bỡ ngỡ với phố xá đường đi khi chưa có xe, phải nói là tôi hết sức thán phục tài nghệ lái xe lả lướt của SP khi vài lần được Ngài chở đi đây đó. Đường xá thông thạo như trong bàn tay. Khi đến đèn đỏ, Ngài không chịu ngừng chờ mà rẽ sang ngõ khác trước đó để tiếp tục chạy. Tôi thầm nghĩ: “Wow, mình chưa biết lái xe và không biết đường mà Sư Phụ sao thông thạo giỏi thế. Không biết sau này mình có lái xe được như Sư Phụ không?”[1]

Tôi cũng thán phục Ngài về tài sử dụng computer. Mới sang Úc, chưa từng trải nghiệm và có kiến thức gì về computer mà tôi thấy Ngài sử dụng nhuần nhuyễn quá. Tôi thầm nghĩ: “Sao SP già hơn mình mà giỏi thế. Mình nhìn vào computer như lạc vào mê hồn trận mà SP rành rẽ quá. Không biết sau này mình có sử dụng được computer như Ngài không?”

Rồi sau đó tôi cộng tác với GH trong vai trò Trưởng ban Xã hội, làm việc với Bộ Di Trú lo bảo lãnh và bảo trợ đồng hương từ các trại tỵ nạn Đông Nam Á sang và giúp họ ổn định cuộc sống trong giai đoạn đầu mới đến Úc. Tính ra trong thời gian cộng tác với GHPGVNTN tại Victoria, tôi đã ký đơn, thay mặt GH, bảo lãnh và bảo trợ cho hơn một trăm đơn vị gia đình, trong đó hơn bốn mươi gia đình đã đến Úc trong thời gian SP lãnh đạo GH tại Victoria. Không kém phần quan trọng là việc Ngài đã đứng nhận bảo lãnh cho 700 em cô nhi bị Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ trả về Thái-Lan mà sau đó Cao Ủy đã thỏa thuận đồng ý với Ngài cho số trẻ em không thân nhân đi kèm này được sang định cư ở Hoa-Kỳ. Cũng cần nói thêm, thoạt đầu các em cô nhi được Cao Ủy LHQ phân loại cho ưu tiên đi định cư ở đệ tam quốc gia nhưng vì không có thân nhân đi kèm nên đa số các em này sau khi định cư thường lêu lõng “quậy phá” nhiều hơn là chăm học có tương lai của một công dân tốt nên các chính phủ ở đệ tam quốc gia đã thay đổi chính sách không nhận thành phần này nữa, hoặc nhận với các điều kiện khó khăn hơn như phải có người hay các hội đoàn đã đăng ký hoạt động đứng ra bảo trợ. Ngoài ra, tôi còn nhớ SP cũng đã từng bảo lãnh cho một số người phạm tội bắt trộm bào ngư được thoát vòng lao lý vì đã không hiểu rõ luật lệ bảo vệ môi trường tại Victoria nói riêng và nước Úc nói chung.

Cũng cần nói thêm, chính SP Huyền-Tôn là thành viên sáng lập nên GHPGVNTN Úc-Đại-Lợi và Tân- Tây-Lan và cũng là chủ bút Nguyệt San Phật Giáo Việt-Nam Úc Châu trong thời gian từ 1984-1989.

Vài năm sau giai đoạn “thay ngôi đổi chủ” ở GHPG Victoria khi HT Phước Huệ về thay thế thì tôi thôi cộng tác với GH và chán nản với GH nên từ đó tôi đã không sinh hoạt cộng tác lui tới với bất cứ chùa nào nữa, ngoại trừ thỉnh thoảng hay nhân dịp lễ Tết tôi đến Essendon viếng thăm, chúc Tết, hàn huyên và 'lì-xì' cho SP. Mãi về sau này khi SP thiên di về Delahay và thấy Ngài tuổi già sức yếu mà một mình lo xây dựng ngôi chùa và ngày đêm thui thủi một mình phải tự lo cơm nước, tôi thấy 'thương quá' nên đã ... quay về chùa sinh hoạt với SP. Có đôi lần ghé ngang chùa vào chiều tối, trong cái giá lạnh buốt da của mùa Đông Melbourne và cái vắng lặng cô tịch của bóng đêm bên ngoài với ngọn đèn duy nhất không được sáng tỏ lắm trong nhà bếp, SP đã làm ít món ăn đạm bạc ‘dã chiến’ và Thầy trò đã cùng ngồi ăn.


HT Huyen Ton_Dr Lam Tri Dung 2

Sư Phụ Huyền Tôn và đệ tử Bảo Minh Đức.


Tôi rất mừng và an tâm kể từ khi Sư cô Thể Viên (cháu gọi SP là Ông Chú) được sang định cư và cùng bắt tay phụ giúp Ngài trong mọi sinh hoạt của chùa. Vậy là SP không còn phải 'tự lực mưu sinh' trong nhà bếp nữa J.  Và tôi cũng rất vui khi biết sự tiến triển trong việc xây dựng ngôi chùa Bảo Vương ngày càng tốt đẹp và hoàn thiện hơn với kiến trúc thực sự là một ngôi chùa, dù nhỏ bé và khiêm tốn. Lại cũng là một cái duyên với Bảo Vương khi tôi biết Sư cô Thể Viên từ Việt-Nam trong một lần về cho công tác nghiên cứu, hình như là năm 2003? Lần đó SP biết tôi về Việt-Nam và Ngài thích một cây đàn Độc huyền cầm (đàn gáo) nên tôi đã mua tặng Ngài. Ít ngày sau, Sư cô Thể Viên đã tìm đến nhà Nhạc phụ nơi tôi trú ngụ để trao thêm cây đàn Nguyệt mang về cho Sư Ông (Sư cô gọi Ngài là Sư Ông). Rồi vài năm sau Sư cô (giờ đã là Ni Sư) lại được bảo lãnh sang Melbourne nên có duyên thường xuyên gặp gỡ mỗi chủ nhật khi tôi đến chùa trong thời gian còn ở Melbourne. Ni sư Thể Viên có giọng tụng kinh cũng rất hay và có một lần tôi nghe Ni sư giảng cũng rất hấp dẫn dù chỉ là một đoạn ngắn phụ họa thêm vào lời giảng của SP.

Thời gian khi Sư cô Thể Viên chưa sang, những dịp lễ lớn như Phật Đản hay Vu-Lan hoặc các ngày vía quan trọng, đôi lúc các chùa tổ chức trùng ngày và SP được thỉnh đi chứng minh ở chùa khác như Quảng Đức hay Phật Quang chẳng hạn, Ngài đã giao cho tôi trọng trách làm chủ lễ ngay tại Bảo Vương. Một đôi lần rồi cũng quen với chuông mõ, với vai trò của người chủ lễ.

Như đã nói, từ khi thôi cộng tác trong ban Trị Sự chùa Quang Minh thì tôi không sinh hoạt tới lui bất cứ chùa nào nữa cho đến khi về Bảo Vương với SP. Đôi khi cũng có người rủ tôi đi chùa này đến chùa nọ nhưng thường thì tôi từ chối, vì nghĩ rằng đi một chùa học một Thầy hết đời này còn không học được hết chữ nghĩa thì cớ chi phải đi nhiều chùa, học nhiều Thầy, trong khi SP lại là một Cao Tăng uyên thâm Hán học và Phật học, một vị Trưởng lão Hòa thượng cao tuổi đời nhiều tuổi đạo nhất hiện nay trong giới Tăng già của GH Úc Châu, đã là nhân chứng sống qua nhiều thời đại thăng trầm của đất nước và dân tộc nên am tường nhiều về lịch sử Việt-Nam thời cận đại. Đối với tôi, Ngài là một quyển tự điển sống về Hán học, Phật học và lịch sử Việt-Nam.

Ngoài uyên thâm Hán học và Phật học, Ngài còn tinh thông võ học và tử vi dịch lý. Nhiều năm trước, khi còn ở Melbourne, SP đã muốn truyền lại cho tôi môn Kỳ Môn Độn Giáp (?). Vốn đã có căn bản về Kinh-Dịch và Tử-Vi, tôi biết rằng nếu chịu khó theo học với SP thì sẽ tiếp thu rất nhanh nhưng bận rộn công việc, tôi rất tiếc đã không thể theo học với Ngài. Chẳng những vậy, Ngài còn là một thi sĩ với những vần thơ trác tuyệt và một nhạc sĩ đã sáng tác vài bài hát Phật giáo. Lần về thăm nhà trùng hợp dịp Vu-Lan năm rồi; đến chùa ngày Chủ Nhật để nghe Pháp, tụng kinh, và thọ trai xong; SP đã gọi tôi vào ngồi bên cạnh và lấy hai bản nhạc do chính Ngài sáng tác ra ‘khoe’ với tôi. SP định ‘lên lớp’ cho tôi về căn bản nhạc lý nhưng tôi đã nhanh nhẩu thưa rằng tôi đã học bảy năm nhạc lý với nhạc sĩ Minh-Kỳ, là Thầy dạy nhạc cho tôi hồi còn đi học ở trường Trung học Trung-Thu trên đường Thành-Thái, Sài-Gòn 5 (nay là đường An Dương Vương ở quận 5). Thế là ‘thông’ qua phần căn bản nhạc lý và hai Thầy trò đã bắt đầu nhìn những nốt nhạc trắng-đen nhảy múa trên các trường canh 3/4 để cùng xướng hát với nhau, xem ra rất là đắc ý. Tôi sẽ đính kèm hai bài nhạc ở phần cuối bài viết này.

Thoáng đó mà đã hơn 6 năm tôi rời Melbourne đi giảng dạy ở Trung-Đông. Tôi chỉ tiếc một điều là vì hoàn cảnh phải sống phương xa nên đã không trực tiếp đóng góp được gì vào việc kiến thiến ngôi Bảo Vương Tự, ngoài việc thỉnh thoảng về thăm nhà thì lại đến chùa vấn an SP và học Pháp tụng kinh được vài cái Chủ nhật ngắn ngủi, được gặp lại những khuôn mặt thân quen của các thiện hữu tri thức cũ cũng như các đạo hữu mới gặp lần đầu của đại chúng Bảo Vương.

Dr Lam Tri Dung
GSTS Lâm Trí Dũng pd Bảo Minh Đức cùng đồng nghiệp
và các học trò trong một lễ tốt nghiệp
tại Tiểu Vương Quốc Ả Rập



Tuy sống phương xa, không được gần gũi và thăm viếng SP hàng tuần để nghe Pháp, tụng kinh nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến Ngài vì cuộc đời tôi hiện nay trong gia đình đã không còn bậc Trưởng thượng nào nữa, Cha mẹ hai bên đều quá vãng, nên SP như người 'Cha già' mà tôi hiện có. Rồi nhiều lúc chợt nghĩ nếu ngày nào đó mà SP viên tịch bỏ lại đại chúng để qui hướng Tây phương Tịnh độ trong thời gian tôi không được nghỉ để về thăm viếng, nhìn 'dung nhan' Ngài lần cuối và thọ tang thì chắc lòng tôi sẽ rất buồn và ray rức vô cùng. Tôi nhớ một năm trước khi Nhạc mẫu tôi lìa đời, lúc ghé về Sài-Gòn thăm khi bà bị bệnh, tôi đã nói: "Má muốn gì thì cũng chờ con đến tháng Bảy nghe, vì con được nghỉ hè mới có thể về lo hậu sự cho Má được". Thế là đúng tháng Bảy năm sau, Bà đi. 

Ba năm trước, khi Nhạc phụ tôi lần đầu tiên sang Úc thăm con cháu, tôi cũng đã nói: "Nếu Ba có trăm tuổi đi theo Má thì cũng cố gắng đi trong thời gian con được nghỉ để con về lo hậu sự cho Ba". Thế rồi, năm sau Ông cũng đã ra đi trong thời gian tôi được nghỉ mà bay về Sài-Gòn lo tang sự cho Ông được viên mãn. Điều ước mong bây giờ còn lại của tôi với SP Huyền Tôn cũng là như vậy. Nếu không được vậy thì chắc ở nơi này tôi sẽ rất buồn và rơi lệ vì không được hiện diện bên Ngài trong giờ phút lâm chung. Cha mẹ già như đèn treo trước gió, thấy sáng sáng tỏ tỏ chập chờn đó nhưng không biết sẽ vụt tắt lúc nào. Sinh Lão Bệnh Tử, cái vòng tuần hoàn lẩn quẩn không ai tránh khỏi.

Mỗi lúc về Melbourne thăm SP, nhìn dung nhan Ngài sắc diện tươi tắn trắng hồng đẹp lão như một Tiên Ông đắc đạo, lòng tôi mừng và thầm nghĩ chắc SP tu luyện nghiêm chỉnh đúng phương pháp nên mới có được sức khỏe và diện mạo tươi tỉnh và an lạc như vậy. Thịt da Ngài còn rất chắc vì mỗi lần về gặp, tôi đều ôm chặt Ngài nhấc bổng lên và rờ vai lưng Ngài xem thịt da và xương cốt thế nào.

Nơi này, cách xa mười lăm giờ bay từ Melbourne về hướng Tây-Bắc, và thời gian đi sau bảy tiếng; mỗi buổi sáng trước khi đi làm, tôi luôn thắp hương trên bàn thờ Phật và khấn vái: "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quan Thế Âm Bồ Tát. Nguyện cầu Chư Phật Mười Phương, Chư Vị Bồ Tát, Chư Long Thần Hộ Pháp, Chư Vị Hiền Thánh Tăng từ bi gia hộ cho Sư Phụ con là Hòa Thượng Thích Huyền Tôn, 89 tuổi, được Phước Thọ tăng long, bách niên thọ thế, để Ngài sớm hoàn thành tâm nguyện xây dựng ngôi Bảo Vương Tự, được thành tựu viên mãn để tiếp tục việc hoằng Pháp độ sanh”. 

Tôi luôn cầu nguyện như vậy cho Ngài trước khi cầu nguyện cho chính tôi và toàn gia quyến được ngày đêm an lành.

Nam Mô A Di Đà Phật

Viết tại Ras Al Khaimah (Tiểu vương quốc Ả rập) ngày 27/03/2016.

Nhằm 18/02 âm lịch, Quốc lịch 4895  Phật lịch 2560

 GSTS Bảo Minh Đức Lâm Trí Dũng.




[1] Sau này có một thời gian dài tôi hành nghề dạy lái xe, và đã hướng dẫn cho quý Thầy: Minh Trí, Tâm Phương, Nguyên Tạng lấy bằng. 




Đính kèm bên dưới là 2 bản nhạc do SP Huyền-Tôn sáng tác:

1) Xin Người Niệm Phật Cho Mau, và

2) Vô Thường Người Ơi.

 
HT Huyen Ton_Xin Nguoi Niem Phat-1
HT Huyen Ton_Xin Nguoi Niem Phat-2

HT Huyen Ton_Vo Thuong-1

HT Huyen Ton_Vo Thuong-2
Ý kiến bạn đọc
22/09/201919:22
Khách
Đọc xong bài viết của TS. Lâm Trí Dũng, tôi muốn bỏ hết mọi việc để tìm nơi yên tĩnh cho riêng mình vì tuổi đời cũng quá già; nhưng nghĩ lại, thì không thể làm như thế được vì bên nhà VN còn sự đàn áp và giết chết hàng trăm người dân vô tội hàng ngày, vô cùng tội nghiệp cho họ!!!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 7894)
Mỗi lần đi Huế lòng tôi lại nao nao khôn tả. Huế là đạo, là thơ, là nghĩa tình ý vị, là tinh hoa văn hóa của ba miền đất Việt, nhưng cũng là mảnh đất khô cằn của đói nghèo khốn khổ “mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu cơm” đã hứng chịu nhiều thiên tai nhân họa. Huế được phong phú về mặt văn hóa, tâm linh là nhờ hình ảnh những vị đại lão hòa thượng nơi đây đã sống, hành đạo và xả báo thân. Dù đã viên tịch, dư hương các ngài vẫn như còn phảng phất nơi các ngôi tổ đình tĩnh lặng và những rừng thông bạt ngàn.
09/04/2013(Xem: 5875)
Giờ phút Thầy an nhiên xả báo thân, thì bên này hơn nữa đêm. Một Phật tử của Thầy ở miền Đông nước Mỹ, giọng đầm đìa nước mắt, khấp báo cho tôi tin Thầy đã từ biệt, lệ tiếc thương như tràn ngập, khắp đó khấp đây. Rồi Tuệ Sỹ, một hậu tấn, kẻ đồng tâm dễ thương của Thầy, mà tôi thường ví như một hạt kim cương hiếm hoi lẫn trong đá sỏi của Phật Giáo Việt Nam ngày nay, trong nổi cô quạnh bao la vừa sau một mất mát lớn lao đã ai tín cho tôi bằng lá thư không niêm mà tôi biết mỗi chữ cũng trĩu nặng nổi lòng.
09/04/2013(Xem: 2481)
Cho phép con thành tâm kính cẩn chia buồn với quí ngài về nỗi mất mát lớn lao không sao tìm lại được. Ðối với kẻ hậu học, làm sao con không khỏi bồi hồi, luyến tiếc khi hay tin sự ra đi của cố Hoà thượng Thích Ðức Nhuận, người đã hiến trọn đời mình cho đạo pháp và dân tộc. Trong giờ phút này, nơi phương xa, một người đệ tử đã có nhân duyên muộn hầu cận, học hỏi nơi cố Hoà thượng khi còn ở Việt Nam, xin đảnh lễ chư tôn đức trong Tổ đình và xin quí ngài cho con có đôi lời bộc bạch với giác linh của cố Hoà thượng. Ngưỡng bạch giác linh Hoà thượng chứng giám.
09/04/2013(Xem: 5396)
Hòa Thượng Thích Thiện Trì thế danh Nguyễn Văn Hiến, Pháp danh Như Phụng, Pháp tự Thiện Trì, Pháp hiệu Ấn Ðạo thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ bốn mươi hai, Ngài sanh ngày 19 tháng 02 năm 1934 tại xã Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Ngài xuất thân từ một gia đình thuần túy Phật Giáo, thân phụ của Ngài là cụ ông Nguyễn Hàn, Pháp danh Như Ðà. Thân mẫu của Ngài là cụ bà Bùi Thị Thiệp, Pháp danh Như Cảnh. Ngài có tất cả 10 anh em, 5 trai và năm gái.
09/04/2013(Xem: 16484)
Để ghi lại những công –tác Hoằng-pháp và Giáo-dục trong niên-khóa vừa qua, chúng tôi đã thuyết-pháp và giảng-giải các lớp ở Ấn-Quang cho hàng Phật-Tử tại gia, cũng như tại Viện Đại Học Vạn-Hạnh cho sinh-viên Phật-khoa năm thứ IV (73-74) về môn các tác phẩm Trung-Hoa. Và cũng thể theo lời yêu cầu của đa-số Phật-tử muốn có tài-liệu để học-tập và nghiên-cứu, nên chúng tôi gom góp các bài đã biên-soạn, đúc kết thành một tập sách với nhan đề: “GƯƠNG SÁNG NGƯỜI XƯA”.
09/04/2013(Xem: 9009)
hế danh của Sư Bà cũng chính là Ðạo Hiệu hiện tại. Song Thân khó nuôi con, nên lúc 2 tuổi hai Cụ đã đem vào chùa cúng cho Sư Bà Ðàm Soạn, Trú trì chùa Cự Ðà và được Sư Cụ đặt tên là Ðàm Lựu. Phụ thân của Sư Bà là Cụ Ông Ðặng Văn Cán và Mẫu thân là Cụ Bà Nguyễn Thị Cả. Sư Bà sanh vào ngày 13 tháng 6 năm Quý Dậu, 4.811 Quốc Lịch; nhằm ngày 04 tháng 08 năm 1933 Tây lịch; tại làng Tam Xá, xã Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Ðông, Bắc Việt Nam.
09/04/2013(Xem: 4605)
Hòa Thượng Thích Như Điển, thế danh Lê Cường, Pháp tự: Giải Minh, Pháp hiệu: Trí Tâm, sinh ngày 28 tháng 6 năm 1949 tại xã Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Học lực: Cử nhân giáo dục và Cao học Phật giáo tại Nhật Bản. Gia cảnh: Con út trong số 8 người con gồm 5 trai và 3 gái; Thân phụ: Ông Lê Quyên, pd: Thị Tế, Thân mẫu: Bà Hồ thị Khéo, pd: Thị Sắc. Người anh thứ bảy đã xuất gia đầu Phật năm 1958 tại chùa Non Nước, Đà Nẵng. Hiện là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hội Chủ Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại UĐL-TTL, Phương Trượng Tự Viện Pháp Bảo tại Sydney, Úc Đại Lợi.
09/04/2013(Xem: 8709)
Tuyển tập Nhạc Phật Giáo do Nhạc Sĩ Hằng Vang (1933-2021) sáng tác
09/04/2013(Xem: 7408)
Nhìn tổng quát công trình nghiên tầm, khảo cứu các văn kiện, tài liệu cổ để tập thành các tác phẩm qua các bộ môn: Lịch Sử, Văn Hóa, Văn Học, Âm Nhạc, Triết học, Thiền học... của Tiến sỹ Sử gia Lê Mạnh Thát là một thành quả to lớn được kết tinh bởi một trí tuệ siêu tuyệt, một khả năng hy hữu, một thời gian liên lũy, lâu dài, qua nhiều thập niên. Đó là những yếu tố mà ít người có được, để lưu lại cho hậu thế những thành quả văn học đồ sộ và chuẩn xác trên dòng sử mệnh quê hương.
09/04/2013(Xem: 13546)
Vua Trần Nhân Tông là một vị anh hùng dân tộc, có những đóng góp to lớn, nhiều mặt cho đất nước, cho lịch sử. Vua đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân nước ta, tập hợp được những nhà quân sự tài giỏi, huy động được tiềm lực của toàn dân, đánh thắng đội quân hung hãn, thiện chiến nhất thời bấy giờ, làm nên những chiến công oanh liệt Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng, Tây Kết lẫy lừng, đưa dân tộc ta lên đỉnh cao của thời đại. Không những thế, vua đã mở rộng biên cương của tổ quốc, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp nam tiến hoành tráng của dân tộc, mà con cháu hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ và biết ơn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567