Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thầy Đi Vội Quá Như Sao Lạc

02/11/201513:39(Xem: 8887)
Thầy Đi Vội Quá Như Sao Lạc


Thich Hanh Tuan 2
Thầy Đi Vội Quá Như Sao Lạc

Kính Tưởng Niệm Thầy Hạnh Tuấn Viên Tịch Ngày 30 Tháng 10 Năm 2015

 



Thầy đi vội quá như sao lạc

Giữa lúc rừng thu ngập lá vàng

 

Chắc ở trên cõi Lạc Bang mà Thầy đọc được hai câu thơ này thì Thầy sẽ cười vì nghĩ rằng mình quen biết nhau trên ba mươi lăm năm chưa hề thấy tôi làm thơ vậy mà bây giờ Thầy đi rồi lại bày đặt thơ với thẩn!

Nhưng thú thật, sáng nay nghĩ tới Thầy thì bổng dưng mấy câu thơ đó từ đâu không biết lại hiện ra trong đầu. Dường như cảm xúc bàng hoàng, đau buồn mấy bữa nay, từ khi nghe tin Thầy ra đi, nó cứ lảng vảng mãi trong tôi như một thứ công án nung cháy tâm hồn đến mức nó phải bốc hơi ra thành lời như vậy đó. Thầy đừng cười tôi làm thơ dở nghe. Cái đặc biệt là nó hiếm lắm đó. Thầy biết quá mà, phải không!

Mấy bữa nay, có lúc tôi nghĩ, chắc Thầy đang lịch nghiệm lời Phật dạy trong Kinh Pháp Hoa về thí dụ ba cõi như là ngôi nhà lửa đang rực cháy. Có lẽ nghe tôi nói vậy thì Thầy cười tươi như hoa sen, biểu tượng của Phật quả trong Kinh Pháp Hoa, mà nghĩ rằng, thì đúng vậy, chẳng phải chúng ta đang sống trong ngôi nhà lửa Tam Giới đang rực cháy bởi tham lam, thù hận và si mê đó sao! Thứ lửa đó còn hung dữ, còn mãnh liệt, còn kéo dài gấp triệu lần cái lửa nổ bình gas mà Thầy đã chứng nghiệm hôm nọ, kia mà. Tâm không nhiệt não thì thế giới này dù ở đâu cũng là ao sen thất bảo, phải không Thầy!

Nghe tin Thầy tịch mấy hôm nay, tự nhiên bao nhiêu ký ức và kỷ niệm xa xôi từ thuở mình mới gặp nhau ở mái Chùa Già Lam, Vạn Hạnh đến nay cứ tuôn ra mãi trong đầu tôi. Tôi nhớ từ năm 1980, khi lớp học cao cấp đặc biệt ở Già Lam bắt đầu, ngày nào mình cũng đạp xe đạp đổ mồ hôi mồ kê tới Vạn Hạnh, tới Già Lam để học. Thầy lúc đó ở Chùa Bửu Đà. Ở đó còn có Thầy Thiện Quang, Thầy Tâm Kinh, v.v... còn mấy Thầy nữa mà lâu quá tôi quên mất. Tôi thì ở Chủa Từ Hiếu tận bên Quận 8. Cái thời đó, dù hoàn cảnh xã hội và đất nước cay nghiệt, dù kinh tế nghèo nàn, nhưng anh em tăng sĩ trẻ của tụi mình tràn đầy nhiệt huyết, ham học và kham nhẫn nên dù cuộc sống cực khổ thiếu thốn trăm bề mà vẫn lạc quan, tự tại, vui vẻ. Trong tang lễ của Ôn Già Lam, tháng 4 năm 1984, mấy anh em tăng sĩ trẻ tụi mình đều chia sẻ một nhận thức chung là tình hình Phật Giáo Việt Nam, đặc biệt số phận của những tăng sĩ tạm trú không có hộ khẩu như tụi mình, bắt đầu chịu đựng một tình cảnh mới, nghiệt ngã, khó khăn và bế tắc hơn trước. Vì vậy mỗi người đều tìm cách đi ra nước ngoài. Cái kỷ niệm mà tới giờ này tôi vẫn còn nhớ về Thầy, về một vị tăng trẻ tài hoa, lịch lãm. Đó là trong đêm tất niên tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, có lẽ vào cuối năm 1982, Thầy lên hát một bài hát mà Thầy đặt lời rất vui, lâu quá tôi lại quên lời bài hát. Đêm đó có Ôn Già Lam, có Thầy Tuệ Sỹ, và Thầy Lê Mạnh Thát dự.  

Thầy đi qua Mỹ trước tôi. Lúc tôi ở Pulau Bidong cũng như khi sang Bataan để chuẩn bị đi Mỹ thì Thầy và Thầy Minh Dung thường xuyên liên lạc bằng thư từ để thăm hỏi và động viên tinh thần nhiều nhất. Lúc ở đảo, lâu lâu nhận được thư của hai Thầy, mở ra thì thấy có tiền gửi cho. Cái thời ở đảo mà được tiếp tế như vậy là quý hiếm vô cùng tận. Nhưng cái quý giá nhất mà tiền bạc cũng không mua được là thân tình pháp hữu Thầy đã dành cho tôi suốt mấy chục năm qua chưa hề phai nhạt.

Khi tôi qua Mỹ ở New York vào cuối năm 1987 thì Thầy cũng là người liên lạc và thăm hỏi đầu tiên. Thầy còn gửi tặng cho tôi tấm hình Đức Phật Bổn Sư bán thân màu trắng đen bằng sơn màu rất đẹp mà cho tới nay tôi vẫn còn thờ trong nhà. Mỗi lần lễ bái Đức Phật là tôi nhớ tới Thầy. Trong thư viết tay, hồi đó những năm cuối thập niên 1980 chưa có email, thăm tôi, Thầy giới thiệu tạp chí Chân Nguyên và khuyến khích tôi viết bài cho Chân Nguyên đăng. Nhờ nhân duyên đó mà tôi đã cộng tác với Chân Nguyên.

Đầu năm 1991, tôi từ New York qua Cali ở luôn thì mình có dịp gặp nhau thường. Cuối năm 1991, đáp ứng lời hiệu triệu qua Tâm Thư của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Xử Lý Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN, Thầy cùng quý Ôn, qúy Thầy nỗ lực vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam, mà kết qủa là một Đại Hội thành lập GHPGVNTN Hải Ngoại tại Hoa Kỳ đã diễn ra trọng thể tại San Jose vào cuối tháng 9 năm 1992. Trong Đại Hội, Thầy đã xin không nắm giữ chức vụ gì để tiếp tục việc học. Đúng là công thành thân thoái. Thầy thong dong tự tại lo việc đèn sách.

Tháng 10 năm 2003, Thầy rủ hai anh em Tâm Quang Vĩnh Hảo và tôi lên Tu Viện Kim Sơn thăm và đàm đạo về việc ngồi lại của quý Thầy cựu học Tăng lớp cao cấp đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam từ năm 1980 tới 1984 và một số pháp hữu trong nhóm Thân Hữu Già Lam để nối kết thân tình pháp lữ nơi xứ lạ quê người. Đầu tháng mười năm 2003, tôi lại quên ngày nào rồi, dường như trước lễ Colombus Day, tôi và Tâm Quang lái xe từ Nam Cali lên thăm Thầy. Tôi còn nhớ cái đêm đó sương mù giăng dày đặt ngọn núi Kim Sơn. Lái xe mà chỉ có thể nhìn ra phía trước vài ba mét là cùng, còn ngoài ra là mù mịt trắng xóa không thấy gì. Lái được tới Tu Viện thì cũng hơn 8 giờ tối. Mừng hết lớn, vì được an toàn lên tới nơi. Đêm đó Thầy đãi mì gói trộn với xà lách tươi và giòn, thật là ngon miệng. Ăn xong thì uống trà và đàm đạo. Khung cảnh đêm khuya nơi núi rừng cô tịch và lạnh lẽo làm cho hương vị trà thêm ấm áp và thơm nồng hơn. Sáng sớm hôm sau khi Thầy dẫn lên đảnh lễ Ôn Viện Chủ, Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, lại được Ôn đãi trà và ăn sáng thật là ngon. Một chuyến đi nhiều kỷ niệm khó quên trong đời.

Tháng 3 năm 2004, quý Thầy cựu học Tăng và pháp hữu gặp mặt tại Tu Viện Pháp Vương, Thành Phố Escondido, Quận San Diego, Nam California, để đi đến quyết định ra đời Hội Thân Hữu Già Lam. Tôi nhớ hôm đó có đông đảo quý Thầy cựu học Tăng Già Lam và nhiều pháp hữu, như Thầy Thái Siêu, Thầy Quảng Thanh, Thầy Nguyên Siêu, Thầy Bổn Đạt, Thầy Đức Niệm, Thầy, Thầy Giác Như, Thầy Thông Niệm, Thầy Nhựt Huệ, Thầy Minh Dung, Thầy Nhật Quán, Thầy Tâm Hòa, Thầy Tâm Tường, Thầy Nhật Trí, Vĩnh Hảo, Như Hùng, và Tôi. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm ly loạn có cơ hội ngồi lại với nhau trong đạo tình pháp lữ. Ai nấy đều hoan hỷ suốt 3 ngày gặp mặt. Thầy được quý Thầy trao trách nhiệm Tổng Thư Ký. Hội Thân Hữu Già Lam chỉ là những cựu học Tăng Già Lam và các pháp hữu ngồi lại để nối kết thân tình pháp lữ và cùng nhau làm được Phật sự gì thì làm theo khả năng của mình trong lãnh vực văn hóa, giáo dục và từ thiện xã hội để góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển nền Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước.

Khi Thầy nhận lời tham gia và đảm nhận chức vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên của Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK vào tháng 9 năm 2008, tôi còn nhớ Thầy có tâm sự là việc học của Thầy đã tạm xong và Thầy muốn dành thời gian còn lại để đóng góp Phật sự cho Giáo Hội, cho cộng đồng Phật Giáo Việt Nam. Tôi rất hoan hỷ và ủng hộ hết mình trước quyết định này của Thầy. Tôi nghĩ với tài đức xuất chúng của Thầy mà Thầy chịu hy sinh để đóng góp thì Phật Giáo Việt Nam sẽ có nhiều thành tựu khả quan lắm.


Tu Vien Son Tung

Cách nay khoảng 3 năm, vào dịp cuối tuần, Thầy có Phật sự về Nam Cali, Thầy nhắn tôi lên Tu Viện Sơn Tùng, Thành Phố Phelan, Quận San Bernardino, Nam California của Thầy Minh Dung để gặp mặt thăm chơi. Buổi chiều mấy huynh đệ cùng tảng bộ trong khuôn viên rộng lớn của Sơn Tùng, Thầy nói cười rất thoải mái. Thầy mở iphone cho tôi xem khu đất mà Thầy đã mua để làm thiền thất tịnh tu. Tôi hỏi vậy còn Chùa Trúc Lâm thì sao? Thầy nói Chùa Trúc Lâm thì có vài Thầy trẻ giúp coi ngó ngày thường, còn cuối tuần thì Thầy về lo Phật sự. Thầy còn nhắc tôi khi nào có điều kiện thì lên thiền thất thăm Thầy. Tôi không dám hứa với Thầy vì không biết khi nào mình có thể đi được. Đêm đó, Thầy Minh Dung cho tôi nằm chung phòng với Thầy Hạnh Tuấn. Chúng tôi hàn huyên tới khuya lắc khuya lơ rồi mới chịu ngủ. Thầy kể cho tôi nghe về tình hình của Gia Đình Phật Tử Việt Nam và tâm nguyện của Thầy về việc tạo sự ngồi lại của các tổ chức GĐPT tại Hoa Kỳ để cùng nhau tiếp tục sứ mệnh đem đạo Phật vào giới trẻ, vào gia đình và xã hội.

Than ôi, nhiều Phật sự còn chờ những Sứ Giả Như Lai tài đức vẹn toàn như Thầy để thực hiện, để phát dương quang đại nền Phật Giáo Việt Nam trên xứ người, vậy mà Thầy đã vội vàng cất bước ra đi!

Mấy bữa nay tôi cứ nghĩ có lẽ Thầy chỉ đến Lạc Bang, như đi vacation, để nghỉ ngơi vài ngày cho thư thả rồi sẽ trở lại Ta Bà để tiếp tục sự nghiệp “Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự,”  có phải không Thầy? Thầy ơi, chúng sinh cõi này còn nhiều khổ não lắm! Xin mau mau trở lại nghen Thầy! Mong lắm thay, Thầy ạ!

Cúi đầu, nhất tâm cung tiễn Giác Linh Thầy thượng lộ bình an!

Nam Mô Lạc Bang Thế Giới Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang Như Lai.

 

Một pháp hữu của Thầy,

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

 

 

   

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2011(Xem: 5171)
Nhân dịp Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, một số website có đăng tin về việc phát hiện “nếp áo Tiểu thừa” trên tượng vua Trần Nhân Tông tại tháp tổ Huệ Quang của tác giả Trần Khánh Linh. Tôi quan tâm đến những chi tiết đã được trình bày sau đây:
10/08/2011(Xem: 5511)
Xuyên suốt lịch sử dân tộc, đã có biết bao nhiêu nhân vật với tư cách là người đứng đầu đất nước đã có những kỳ tích lẫm liệt đối với đất nước. Có nhân vật nổi bật lên trong sự nghiệp giữ nước, có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp dựng nước, lại có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp mở nước, hoặc có một số nhân vật có cả hai hoặc ba lãnh vực đó.
10/08/2011(Xem: 3904)
Cuộc đời xuất gia của Tổ Trúc Lâm là một cuộc đời hoạt động sôi nổi, tích cực. Ngoài các mùa kết hạ tại các am núi hay các chùa, thời gian còn lại Ngài thường đi vân du hoằng hoá đây đó. Năm 1304, “Điều Ngự đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ [đền miếu thờ các thần sằng bậy] và thực hành giáo lý Thập thiện”. Ngài muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý đạo Phật, góp phần củng cố triều đại thời hoàng kim của mình. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng Mười một năm Mậu Ngọ (tức 7 – XII - 1258). Năm 21 tuổi (1279), Ngài lên ngôi vua, trải qua hai niên hiệu là Thái Bảo và Trùng Hưng.
10/08/2011(Xem: 5014)
Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn diễn ra từ 25 đến 27.11.2008 tại Quảng Ninh. Trong dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh sẽ tiến tới đề nghị hàng năm tổ chức tưởng niệm ngày mất của ngài (1.11.1308) như Quốc giỗ của Phật giáo và trình lên UNESCO công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
10/08/2011(Xem: 4889)
Đã có 92 tham luận của chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước gửi đến cuộc hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông hôm qua 26-11, tại thị xã Uông Bí (Quảng Ninh).
10/08/2011(Xem: 3952)
Trần Nhân Tông phải được coi là nhân vật kiệt xuất nhất trong lịch trình phong kiến Việt Nam và cũng là nhân vật kiệt xuất nhất trong sơ đồ Phật giáo Việt Nam, một trong những niềm tự hào lớn lao nhất của dân ta.
10/08/2011(Xem: 4881)
Về cuộc đời và sự nghiệp lịch sử, giải thoát của vua Trần Nhân Tông, đã có nhiều công trình biên khảo: Trần Nhân Tông, thiền sư Việt Nam; Trần Nhân Tông, nhà văn hóa; Trần Nhân Tông, nhà thơ; Trần Nhân Tông, nhà quân sự; Trần Nhân Tông, nhà lãnh đạo lỗi lạc; Trần Nhân Tông, nhà tư tưởng... Trong bài khảo luận ngắn này, người viết chỉ đề cập đến một số nét tiêu biểu về Tiểu sử, sở đắc giải thoát và Tư tưởng Phật học của Người.
10/08/2011(Xem: 4300)
Lịch sử dân tộc VN không có nhiều vị vua có được sự ghi chép đầy đủ về sự mến mộ của người dân sau khi đã mất như Vua Trần Nhân Tông. 50 năm cuộc đời, nhà vua để lại bao lưu luyến cho những người đương thời và hậu thế... - nhận định của GS-TS Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo VN tại TPHCM.
09/08/2011(Xem: 4225)
Gần đến kỷ niệm 700 năm ngày mất của vua Trần Nhân Tông, chúng ta vẫn phải đặt những câu hỏi về tuổi tác, về trách nhiệm, về kế lâu dài, về sự tự do và tự trọng của các cá nhân trong xã hội…
09/08/2011(Xem: 3675)
Nghiệm sinh nửa thế kỷ trên cõi đời, Trần Nhân Tông (1258-1308) đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và là một trong những tác giả đi đầu trong việc sáng tác thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567