Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 592: Phần Tĩnh Lự Ba-La-Mật-Đa 02

21/07/201520:59(Xem: 15573)
Quyển 592: Phần Tĩnh Lự Ba-La-Mật-Đa 02

Tập 11

Quyển 592

Phần Tĩnh Lự Ba-La-Mật-Đa 02
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí



 

Lúc ấy, Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nhiếp thọ Bát-nhã ba-la-mật-đa? Đối với các tĩnh lự và chi phần tĩnh lự không sanh tham đắm, cũng không thối chuyển? Đối với các tĩnh lự và chi phần tĩnh lự không sanh ngã tưởng phân biệt chấp trước. Lại đem căn lành tương ưng ấy, hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí?

Phật bảo Mãn Từ Tử:

- Nếu chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, đối với các tĩnh lự và chi phần tĩnh lự phát khởi lên các tưởng không đắm trước vô thường v.v…, lại đem căn lành tương ưng ấy, hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí; như vậy, thì chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nhiếp thọ Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với các tĩnh lự và chi phần tĩnh lự không sanh tham đắm, cũng không thối chuyển.

Mãn Từ Tử lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nhiếp thọ tinh tấn Ba-la-mật-đa?

Phật bảo Mãn Từ Tử:

- Nếu chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, vượt qua các pháp tạp nhiễm cõi Dục, dùng phương tiện nhập vào bốn tĩnh lự, bốn định vô sắc vắng lặng an vui, rồi trở lại xả bỏ thọ thân cõi Dục, tinh tấn tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa và vô biên các pháp phần Bồ-đề; như vậy, thì chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nhiếp thọ tinh tấn Ba-la-mật-đa.

Mãn Từ Tử lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nhiếp thọ an nhẫn Ba-la-mật-đa?

Phật bảo Mãn Từ Tử:

- Nếu chúng Đại Bồ-tát tu học thành tựu đại từ, đại bi, đối với các hữu tình muốn làm lợi ích, an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, gặp các nghịch duyên tâm không tạp uế; như vậy, thì chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nhiếp thọ an nhẫn Ba-la-mật-đa.

Mãn Từ Tử lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nhiếp thọ tịnh giới Ba-la-mật-đa?

Phật bảo Mãn Từ Tử:

- Nếu chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, đối với các Thanh văn, Độc giác không sanh chấp trước; như vậy, thì chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nhiếp thọ tịnh giới Ba-la-mật-đa.

Mãn Từ Tử lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nhiếp thọ bố thí Ba-la-mật-đa?

Phật bảo Mãn Từ Tử:

- Nếu chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, đối với các hữu tình khởi niệm đại bi, nguyện không xả bỏ tất cả hữu tình, muốn cho họ giải thoát khổ sanh tử, nên cầu chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, suy nghĩ thế này: Ta quyết định phải đem pháp thí lớn giáo hóa hữu tình, thường vì hữu tình nói pháp yếu chơn tịnh, dứt hẳn tất cả phiền não. Như vậy, chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nhiếp thọ bố thí Ba-la-mật-đa.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, thì Đại Bồ-tát này phải gọi là Bồ-tát bậc nào?

Phật bảo Mãn Từ Tử:

- Nên biết Bồ-tát ấy gọi là Bồ-tát Bất thối.

Mãn Từ Tử lại bạch Phật:

- Chúng Đại Bồ-tát này rất là hiếm có, hay làm việc khó làm. Sau khi an trụ trong các thắng định vắng lặng an vui như vậy, nhưng có thể xả bỏ để trở lại cõi Dục, thọ pháp thấp kém, dùng phương tiện thiện xảo làm lợi ích hữu tình.

Phật bảo Mãn Từ Tử:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, chúng Đại Bồ-tát rất là hiếm có, làm được việc khó làm. Nên biết chúng Đại Bồ-tát này vì độ vô lượng, vô biên hữu tình, đội mũ, mặc giáp đại nguyện vững chắc, thường nghĩ thế này: Ta phải độ thoát vô lượng, vô số, vô biên hữu tình vào cảnh giới Vô dư bát Niết-bàn. Ta phải làm cho Pháp nhãn thanh tịnh của Phật thường không gián đoạn, đem lại lợi ích an vui cho tất cả hữu tình. Tuy làm việc như vậy mà không chấp trước là không có hữu tình được Niết-bàn, hoặc đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì các pháp không ngã, cũng không ngã sở.

Khi các khổ sanh, chỉ có khổ sanh, không có kẻ sanh. Khi các khổ diệt, chỉ có khổ diệt, không có kẻ diệt, nên biết cũng không có kẻ chứng, hay có thể đắc pháp thanh tịnh. Do nhân duyên này, nên biết chúng Đại Bồ-tát rất là hiếm có, làm được việc khó làm.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy. Chúng Đại Bồ-tát rất là hiếm có, làm được việc khó làm.

Vì sao? Tuy thật không có pháp có sanh, có diệt, hoặc vào Niết-bàn, hoặc chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mà các Đại Bồ-tát vì độ vô lượng, vô biên hữu tình, tinh tấn tu hành các hạnh Bồ-tát, cầu chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, muốn vì hữu tình mà tuyên thuyết, dứt hẳn các pháp tham, sân, si, siêng năng tinh tấn tu học được vào Niết-bàn; hoặc vì hữu tình giảng nói đạo của Đại Bồ-tát, làm cho siêng năng tinh tấn tu học mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Phật bảo Mãn Từ Tử:

- Nếu tâm Đại Bồ-tát không tán loạn, luôn luôn an trụ tác ý tương ưng trí nhất thiết trí, thì Đại Bồ-tát này an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa. Nếu Đại Bồ-tát trụ tác ý tương ưng bậc Thanh văn, hoặc tác ý tương ưng bậc Độc giác, thì Đại Bồ-tát này tâm thường tán loạn.

Vì sao? Mãn Từ Tử! Vì Đại Bồ-tát tu học tác ý tương ưng Nhị thừa, ngăn ngại quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, khiến cho tâm Bồ-đề thường tán loạn. Tuy các Đại Bồ-tát duyên cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, phát khởi các thứ tác ý phi lý, rối loạn tâm bố thí v.v... của Bồ-tát, nhưng không chướng ngại sự cầu trí nhất thiết trí của Bồ-tát, hoặc pháp không thể chướng ngại trí nhất thiết trí Bồ-tát. Dù hiện tiền nhưng đối với sự tu tĩnh lự Ba-la-mật-đa của chúng Đại Bồ-tát chẳng gọi là pháp quá trái nghịch, chẳng phải thối lui hẳn bậc định của Bồ-tát.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vì quán nghĩa gì chỉ khen ngợi tất cả công đức các chúng Đại Bồ-tát, mà không khen ngợi Thanh văn?

Phật bảo:

- Mãn Từ Tử! Nay Ta hỏi ông, tùy ý ông đáp. Ý ông nghĩ sao? Mặt trời xoay quanh chiếu ánh sáng khắp đến người châu Thiệm-bộ này, đom đóm làm được không?

Mãn Từ Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng làm được. Bạch Thiện Thệ! Chẳng làm được.

Phật bảo:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Tất cả việc làm của chúng Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, khả năng của các Thanh văn không thể hoàn thành được.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Làm sao biết được chỉ có chúng Đại Bồ-tát có suy nghĩ thế này: Ta phải độ thoát vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, làm cho nhập vào cõi Vô dư bát Niết-bàn. Ta phải làm cho Pháp nhãn thanh tịnh của Phật không ngừng, không đoạn tuyệt, đem lại lợi ích an vui cho tất cả hữu tình? Làm sao biết được chỉ có chúng Đại Bồ-tát có thể làm được sự nghiệp thù thắng như vậy, chẳng phải các Thanh văn làm được?

Phật bảo:

- Mãn Từ Tử! Nay ông xem trong chúng Thanh văn này có một Bí-sô, với khả năng nào có thể suy nghĩ như chúng Đại Bồ-tát và làm xong việc ấy không?

Mãn Từ Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Không. Bạch Thiện Thệ! Không. Con xem trong chúng Thanh văn này, không có một Bí-sô nào suy nghĩ như chúng Đại Bồ-tát, cũng không thể làm xong sự nghiệp như thế.

Phật bảo Mãn Từ Tử:

- Cho nên Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chỉ khen ngợi Bồ-tát, không khen Thanh văn. Các A-la-hán trong chúng này không nghĩ như vậy, cũng không thể làm nên sự nghiệp như vậy, nên biết tất cả hàng Thanh văn thừa không làm nổi sự nghiệp như chúng Bồ-tát đã làm. Nên Ta nói: Ví như mặt trời chiếu ánh sáng cho châu Thiệm-bộ, đom đóm không thể làm được. Nghĩa là mặt trời phóng ra vô lượng ánh sáng, soi khắp các loài hữu tình ở châu Thiệm-bộ, ánh sáng đom đóm chỉ soi rõ được bản thân. Cũng vậy, chúng Đại Bồ-tát điều phục phiền não ác nghiệp tự thân, cũng có thể độ thoát vô lượng hữu tình, giúp lìa tất cả phiền não ác nghiệp, nhập vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn, hoặc chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Còn hàng Thanh văn thừa chỉ có thể điều phục phiền não ác nghiệp tự thân, không thể làm lợi ích cho vô lượng hữu tình. Cho nên sự nghiệp của hàng Thanh văn chẳng như Bồ-tát, nên tất cả sự nghiệp của Bồ-tát đều thù thắng.

Này Mãn Từ Tử! Như người học pháp thuật bắn cung giỏi, đã dày công khổ luyện, thì thân, tay, cung, binh khí đều sử dụng thành thạo, và học các môn võ nghệ đến chỗ tuyệt đỉnh, được hưởng lộc của vua ban trăm ngàn năm. Khi nhà vua và oán địch muốn chiến tranh, thì sai người đó làm chỉ huy, cấp cho quân, voi, ngựa v.v… và binh sĩ khí giới, mong tiêu diệt hết kẻ thù, không để tổn thất.

Cũng vậy, chúng Đại Bồ-tát đã phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đã tu các hạnh Đại Bồ-tát, đối với các hành tham, sân, si của các loài hữu tình có thể điều phục đạt được thiện xảo. Vì vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chỉ khen chúng Đại Bồ-tát, khuyên răn, dạy bảo giúp siêng năng tu tập, có thể làm phát sanh tư lương Bồ-đề, mau được viên mãn đại nguyện, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nói pháp thanh tịnh cho các hữu tình dứt hẳn tham, sân, si.

Vì vậy, chúng Đại Bồ-tát mặc giáp, đội mũ làm sự nghiệp, hàng Thanh văn, Độc giác đều không thể làm được. Do đó, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chỉ khen ngợi các Bồ-tát, chẳng phải khen các Thanh văn.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật vừa dạy, nên biết rằng tất cả hành động của Đại Bồ-tát có định tâm. Nghĩa là chúng Đại Bồ-tát nếu trụ bố thí Ba-la-mật-đa, phải biết lúc ấy tâm cũng định. Nếu trụ tịnh giới Ba-la-mật-đa, phải biết lúc ấy tâm cũng định. Nếu trụ an nhẫn Ba-la-mật-đa, phải biết lúc ấy tâm cũng định. Nếu trụ tinh tấn Ba-la-mật-đa, phải biết lúc ấy tâm cũng định. Nếu trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, phải biết lúc ấy tâm cũng định. Nếu trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa, phải biết lúc ấy tâm cũng định. Nếu trụ các pháp phần Bồ-đề khác, phải biết lúc ấy tâm cũng định.

Như viên ngọc lưu ly, dù ở bất cứ chỗ nào cũng giữ được màu sắc quí của nó. Nghĩa là ngọc ấy nếu đựng trong đồ bằng vàng, hoặc đựng trong đồ bạc, hoặc để trong đồ thủy tinh, đồng, sắt, sứ v.v… luôn luôn không mất mầu sắc lưu ly. Cũng vậy, chúng Đại Bồ-tát nếu trụ bố thí Ba-la-mật-đa, nếu trụ tịnh giới Ba-la-mật-đa, nếu trụ an nhẫn Ba-la-mật-đa, nếu trụ tinh tấn Ba-la-mật-đa, nếu trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, nếu trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu trụ các pháp phần Bồ-đề khác, phải biết lúc ấy tâm thường ở trong định. Con hiểu nghĩa Phật đã nói như vậy.

Bấy giờ, Phật khen Mãn Từ Tử:

- Lành thay! Lành thay! Đúng vậy! Đúng vậy!

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát lìa pháp dục ác, bất thiện, có tầm có tứ, lìa sanh hỉ lạc, trụ hoàn toàn vào sơ tĩnh lự. An trụ sơ tĩnh lự như thế rồi, nếu ưa thích vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác, gọi đó là Bồ-tát loạn tâm, nên tâm vị ấy trụ vào phi định.

Này Mãn Từ Tử! Chúng Đại Bồ-tát tầm tứ vắng lặng, trong tâm đều tịnh, nhất tâm hướng đến tánh không tầm không tứ, định sanh hỉ lạc, trụ hoàn toàn vào tĩnh lự thứ hai. An trụ tĩnh lự thứ hai đầy đủ rồi, ưa thích vào bậc Thanh văn hay Độc giác, gọi đó là Bồ-tát loạn tâm, nên biết tâm vị ấy trụ vào phi định.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát lìa hỉ trụ xả, đầy đủ chánh niệm chánh tri, cảm thọ về thân, cảm thọ về lạc, chỉ có bậc Thánh nói được, xả được, đầy đủ niệm, trụ lạc, trụ hoàn toàn vào tĩnh lự thứ ba. An trụ hoàn toàn vào tĩnh lự thứ ba rồi, nếu ưa thích địa vị Thanh văn hay Độc giác, gọi đó là Bồ-tát loạn tâm, nên biết tâm vị ấy trụ vào phi định.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát đoạn tận lạc và khổ, không còn vui sầu lúc trước, chẳng khổ, chẳng lạc, y vào xả mà niệm thanh tịnh, trụ hoàn toàn vào tĩnh lự thứ tư. An trụ vào tĩnh lự thứ tư rồi, nếu ưa thích địa vị Thanh văn hay Độc giác, gọi đó là Bồ-tát loạn tâm, nên biết tâm vị ấy trụ vào phi định.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Mức độ nào gọi là Bồ-tát định tâm?

Phật bảo Mãn Từ Tử:

- Nếu chúng Đại Bồ-tát khi thấy các hữu tình kia, bèn nghĩ: Ta phải siêng năng tinh tấn tu hạnh Bồ-tát. Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chắc chắn làm cho loài hữu tình kia nhập vào cõi Vô dư y bát Niết-bàn, hoặc chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát khuyên loài hữu tình thọ giữ ba pháp quy y. Các hữu tình kia thọ giữ ba pháp quy y rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát khuyên loài hữu tình thọ giữ năm giới. Các hữu tình kia thọ giữ năm giới rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát khuyên loài hữu tình thọ giữ tám giới. Các hữu tình kia thọ giữ tám giới rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát khuyên loài hữu tình thọ giữ mười giới. Các hữu tình kia thọ giữ mười giới rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát khuyên loài hữu tình thọ giữ mười thiện nghiệp đạo. Các hữu tình kia thọ giữ mười thiện nghiệp đạo rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát khuyên loài hữu tình thọ giữ giới Cụ túc. Các hữu tình kia thọ giữ giới Cụ túc rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát khuyên loài hữu tình thọ giữ giới Bồ-tát. Các hữu tình kia thọ giữ giới Bồ-tát rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành bố thí Ba-la-mật-đa. Các thiện nam, thiện nữ v.v… kia an trụ bố thí Ba-la-mật-đa rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa. Các thiện nam, thiện nữ v.v… kia an trụ tịnh giới Ba-la-mật-đa rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành an nhẫn Ba-la-mật-đa. Các thiện nam, thiện nữ v.v… kia an trụ vào an nhẫn Ba-la-mật-đa rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành tinh tấn Ba-la-mật-đa. Các thiện nam, thiện nữ v.v… kia an trụ vào tinh tấn Ba-la-mật-đa rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành tĩnh lự Ba-la-mật-đa. Các thiện nam, thiện nữ v.v… kia an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Các thiện nam, thiện nữ v.v… kia an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Các thiện nam, thiện nữ v.v… kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ lớp, mười biến xứ. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành pháp môn giải thoát Không, vô tướng, vô nguyện. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành Tịnh quán địa, Chủng tánh địa, Đệ bát địa, Cụ kiến địa, Bạc địa, Ly dục địa, Dĩ biện địa, Độc giác địa, Bồ-tát địa, Như Lai địa. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành Cực hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm tuệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện tuệ địa, Pháp vân địa. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc quả Độc giác Bồ-đề. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... tu hành quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát phương tiện khuyến khích, hướng dẫn các thiện nam, thiện nữ v.v... trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình. Các thiện nam, thiện nữ v.v... kia an trụ rồi, liền đem căn lành đã tích tập hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Này Mãn Từ Tử! Nếu chúng Đại Bồ-tát đối với sự tu hành bố thí… kia hết lòng tùy hỷ, cầu đến trí nhất thiết trí, ngang mức độ này nên biết Bồ-tát định tâm.

Nếu chúng Đại Bồ-tát đối với tất cả tâm được định rồi, nên gọi là an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa. Vì sao? Mãn Từ Tử! Vì các chúng Đại Bồ-tát này thường không xa lìa tác ý thù thắng trí nhất thiết trí. Nếu chúng Đại Bồ-tát thường không xa lìa tác ý thù thắng trí nhất thiết trí, thì gọi là an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa.

Như vậy, chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa, phát khởi vô biên công đức thù thắng, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Nên biết Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác an trụ tĩnh lự thứ tư bất động, xả tuổi thọ sống lâu, hiện nhập cảnh giới Vô dư bát Niết-bàn. Vì vậy, tĩnh lự Ba-la-mật-đa đối với sự cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chúng Đại Bồ-tát có ơn đức lớn. Nên sự trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa của chúng Đại Bồ-tát, trừ định của Như Lai, đối với các định khác là tôn, là thắng, là tối, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng.

Vì sao? Mãn Từ Tử! Vì tĩnh lự Ba-la-mật-đa của Bồ-tát thường không xa lìa tác ý tương ưng trí nhất thiết trí. Tĩnh lự của Nhị thừa chắc chắn xa lìa tác ý tương ưng trí nhất thiết trí, nên đối với tĩnh lự của Bồ-tát là kém, tĩnh lự của Bồ-tát đối với kia là hơn.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Nếu các Thanh văn trụ tĩnh lự này, chứng đắc pháp tánh, thành quả Thanh văn, tức là các Bồ-tát trụ tĩnh lự này chứng đắc pháp tánh, lìa các chấp trước, được thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Vì sao nói tĩnh lự Thanh văn chắc chắn xa lìa tác ý tương ưng trí nhất thiết trí, tĩnh lự Bồ-tát thường không xa lìa tác ý tương ưng trí nhất thiết trí?

Phật bảo:

- Mãn Từ Tử! Ta hỏi ông, tùy ý ông đáp. Ý ông nghĩ sao? Các hàng Thanh văn trụ tĩnh lự này, chứng đắc pháp tánh, thành quả Thanh văn. Các Bồ-tát trụ tĩnh lự này chứng đắc pháp tánh, lìa các chấp trước, được thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, vị Thanh văn ấy gọi là Như Lai được không?

Mãn Từ Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Không được.

Phật bảo:

- Mãn Từ Tử! Ta sẽ nói ví dụ cho ông, những người có trí nhờ vào ví dụ này được hiểu rõ nghĩa sâu xa. Thí như người thường dân, trèo lên ngai của vua, người ấy gọi là vua được không?

Mãn Từ Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Không được. Vì sao? Vì người kia không có phước, không có tướng làm vua.

Phật bảo:

- Cũng vậy, các Thanh văn tuy có thể hiện nhập được bốn tĩnh lự, bốn định vô sắc, chứng đắc pháp tánh, thành quả Thanh văn, nhưng không có năng lực, vô úy v.v... các công đức thù thắng và các tướng tốt của Như Lai nên chẳng gọi là Như Lai. Do xa lìa tác ý tương ưng trí nhất thiết trí, do không có đức của Phật nên gọi là Thanh văn. Nếu không được như vậy sao gọi là Phật?

Này Mãn Từ Tử! Vì tĩnh lự của các hàng Thanh văn đã trụ không có công đức thù thắng nên tánh họ thấp kém, đối với sự trụ tĩnh lự của Bồ-tát trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, cho đến vô số phần không bằng một. Vì sao? Mãn Từ Tử! Vì tĩnh lự Ba-la-mật-đa của Bồ-tát thường không xa lìa trí nhất thiết trí, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình, phát khởi vô biên công đức thù thắng. Do đó nên sự trụ thắng định của Bồ-tát đối với Thanh văn, Độc giác đều không thể biết được.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Thế nào gọi là thắng định Bồ-tát? Thắng định như thế gọi tên là gì?

Phật bảo:

- Mãn Từ Tử! Thắng định Bồ-tát gọi là chẳng nghĩ bàn. Vì sao? Mãn Từ Tử! Thắng định như thế có oai lực khó nghĩ, mau có thể chứng đắc trí nhất thiết trí. Thắng định như vậy cũng gọi là làm lợi ích an vui cho tất cả các loài hữu tình thế gian. Vì sao? Mãn Từ Tử! Vì các Đại Bồ-tát muốn làm lợi ích an vui vô lượng hữu tình, mà dùng phương tiện thiện xảo nhập vào định này.

Nếu thắng định như vậy hiện tiền thì có thể dẫn đến vô biên thắng định nhiệm mầu, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi ích an vui lớn cho các hữu tình.

Nếu thắng định như vậy hiện tiền thì dẫn đến vô biên phương tiện thiện xảo, để khuyên răn, dạy bảo cho vô lượng hữu tình đều phát sanh tĩnh lự vô lậu, chứng chơn pháp tánh, dứt các phiền não, nhập vào cảnh giới Vô dư y bát Niết-bàn, hoặc chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Do nhân duyên này, thắng định của Bồ-tát cũng gọi là làm lợi ích an vui cho tất cả các loài hữu tình thế gian. Cho nên chúng Đại Bồ-tát muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề phải học tĩnh lự Ba-la-mật-đa. Nếu ai học tĩnh lự Ba-la-mật-đa, thì mau phát ra trí nhất thiết trí.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con cho rằng các định của Thanh văn chứng đắc hơn định của Bồ-tát. Vì sao? Vì Thanh văn đầy đủ chín định thứ lớp, Bồ-tát chỉ được tám định trước. Bồ-tát chẳng đạt được định Diệt thọ tưởng, nên định của Thanh văn hơn định của Bồ-tát.

Phật bảo:

- Mãn Từ Tử! Bồ-tát cũng được định Diệt thọ tưởng, nghĩa là đối với định này sẽ được tự tại, nhưng chẳng hiện nhập. Vì sao? Vì Như Lai không cho chúng Bồ-tát hiện nhập định này, vì hiện nhập sẽ rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác.

Này Mãn Từ Tử! Ta sẽ nói ví dụ cho ông, những người có trí nhờ ví dụ sẽ dễ hiểu được nghĩa sâu xa này. Như vua Chuyển luân tuy ở vùng biên địa xa xôi, nhưng thành ấp các nước nhỏ đều được an lạc, đâu cần vua Chuyển luân đi vào làng xóm của nước ấy. Lẽ nào vua Chuyển luân không đi đến nơi đó, thì nói nơi đó không được an lạc? Cũng vậy, chúng Đại Bồ-tát tuy không hiện nhập định Diệt thọ tưởng, nhưng đối với các định này đã được tự tại, do được tự tại nên gọi là đắc.

Này Mãn Từ Tử! Chẳng lẽ các Bồ-tát thường không hiện nhập định Diệt thọ tưởng, cho đến chưa ngồi tòa Bồ-đề vi diệu, thì chư Phật Thế Tôn không cho hiện nhập. Nếu khi được ngồi tòa Bồ-đề vi diệu, chư Phật Thế Tôn cho hiện nhập. Vì sao? Mãn Từ Tử! Chớ bảo rằng, các Bồ-tát do nhập định này liền rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác, hoặc bảo chư Phật ngang đồng Nhị thừa, nên Phật Thế Tôn không cho hiện nhập.

Này Mãn Từ Tử! Như Đại vương Quán đảnh Sát-đế-lợi muốn vào trong chợ uống ruợu của thường dân. Khi ấy, có vị đại thần mưu trí can vua: “Bệ hạ không nên uống rượu ở chỗ này, nếu cần uống bệ hạ phải đợi về trong cung rồi uống.” Ý ông nghĩ sao? Chẳng lẽ vua không uống rượu ở chợ được sao, mà người đại thần kia ân cần can không cho vua uống? Vì chẳng phải chỗ, chẳng phải thời, nên đúng pháp Đại vương Quán đảnh Sát-đế-lợi không được uống. Tuy không được uống nhưng vua vẫn tuỳ nghi dùng rượu v.v… và các vật trong chợ được. Vì sao? Vì vua có quyền lực khắp quốc thổ, thành ấp, sở hữu, vật dụng của mọi người. Như vậy, Bồ-tát có trí thù thắng, do trí này nên thường hiện nhập định Diệt thọ tưởng, nhưng Phật không cho nên chẳng hiện nhập.

Vì sao? Vì nếu Bồ-tát nhập định Diệt thọ tưởng là phi thời xứ. Nếu khi Bồ-tát ngồi tòa Bồ-đề, dứt hẳn tất cả tưởng tướng hư vọng, chứng cảnh giới cam lồ, khi ấy mới nhập vào định Diệt thọ tưởng, sau chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, đầy đủ ba mươi hai tướng, làm lợi ích an vui cho vô lượng hữu tình.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát rất là hiếm có, làm được việc khó làm. Nghĩa là dù có sức phát trí lậu tận, song vì hữu tình không chứng lậu tận. Vì sao? Vì các Bồ-tát luôn luôn suy gẫm làm lợi ích an lạc cho hữu tình, nên ý vui tăng thượng thường hiện tiền.

Phật bảo:

- Mãn Từ Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Các Bồ-tát luôn luôn suy gẫm làm lợi ích an lạc cho hữu tình, nên ý vui tăng thượng thường hiện tiền.

Này Mãn Từ Tử! Các Bồ-tát này quán nghĩa lợi ích này, tuy có thể nhập đủ vào chín định thứ lớp nhưng không nhập. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát này dùng phương tiện thiện xảo, đối với tất cả định tuy được tự tại nhưng không nhập vào.

Này Mãn Từ Tử! Tất cả Bồ-tát sơ phát tâm, hoặc đã Bất thối, đều an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa. Các Bồ-tát thường an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa như vậy, thường làm lợi ích cho các hữu tình, mau phát sanh được trí nhất thiết trí.

Mãn Từ Tử bạch Phật:

- Các Đại Bồ-tát đủ thế lực lớn, thường làm việc lợi ích cho hữu tình, cũng có thể phát sanh trí nhất thiết trí, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Phật bảo:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chúng Đại Bồ-tát an trụ tĩnh lự Ba-la-mật-đa như thế nào? Bằng phương tiện nào thoát ra khỏi định?

Phật bảo:

- Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát lìa pháp dục ác, bất thiện, có tầm có tứ, ly sanh hỉ lạc, vào sơ tĩnh lự, cho đến hoàn toàn an trụ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đối với tĩnh lự và đẳng chí của cõi Sắc, Vô sắc, thuận nghịch đều lần lượt vượt qua thông suốt rất thuần thục, du hý tự tại, vào lại cõi Dục chẳng phải tâm định.

Vì sao? Không lệ thuộc vào sức định để sanh vào cõi Sắc, Vô sắc, hoặc cõi trời Trường thọ. Không lệ thuộc vào tĩnh lự, đẳng chí của cõi Sắc và Vô sắc dẫn khởi tâm sanh tương tục đến địa ấy. Phải giữ tâm kia khiến cho chẳng hiện sanh, cũng vào lại cõi Dục, chẳng phải tâm định. Do phát tâm này sanh lại cõi Dục, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, phát sanh vô biên pháp phần Bồ-đề.

Sanh vào cõi Sắc, Vô sắc không làm được như vậy, vì sanh ở hai cõi trên thân tâm đần độn. Do nhờ vào phương tiện thiện xảo của Bồ-tát, trước là tu tập định trên làm cho thuần thục hoàn toàn, sau phát hạ tâm sanh lại cõi Dục, tu tập vô lượng tư lương Bồ-đề đầy đủ rồi, vượt khỏi ba cõi, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Như có người nghĩ như vầy: Làm cách nào vào được cung vua, lén cùng vương hậu, phi tần đùa giỡn, hưởng lạc để vua khỏi biết, lại bảo tồn được thân mạng!? Nghĩ rồi bèn tìm các loại diệu dược, uống vào thì nam căn lúc có, lúc không. Được thuốc ấy liền tìm cách phụng sự vua. Khi nhà vua tuyển dùng, người ấy uống thuốc ẩn nam căn, rồi thưa với nhà vua: “Tâu đại vương! Hạ thần không còn nam căn, xin được làm kẻ giữ cung cấm cho đại vương.” Vua nghe vậy cho điều tra sự thực rồi giao phó việc giữ trong cung.

Bấy giờ, người ấy vào trong cung cấm của vua, lén cùng các hậu phi tư tình mặc ý giao thông. Thời gian lần qua, một tháng, hai tháng, ba tháng, sợ vua biết được thì mất mạng, liền uống thuốc hiện nam căn ra lại, rồi thưa vua: “Tâu đại vương! Hạ thần bỗng nhiên hiện lại nam căn, xin từ nay trở đi không vào trong cung cấm nữa.”

Khi ấy, vua khen: “Đây là người hiền thiện chơn thật, tự đến và đi chẳng trái phép ta.” Liền hậu thưởng ban cho tước lộc, ủy nhiệm công việc bên ngoài. Phải biết người này với phương tiện thiện xảo, có thể thỏa mãn ý muốn mà còn giữ được thân mạng, lại được vua ban thưởng của cải tước vị.

Cũng vậy, Bồ-tát với phương tiện thiện xảo, vào bốn tĩnh lự và bốn vô sắc, lần lượt vượt khỏi. Được thiện xảo rồi, liền khởi hạ tâm sanh lại cõi Dục, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, phát sanh vô biên pháp phần Bồ-đề, cho đến chưa viên mãn thì không chứng thật tế.

Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì Đại Bồ-tát này với phương tiện thiện xảo, không bỏ trí nhất thiết của hữu tình. Như vậy, Bồ-tát phương tiện thiện xảo, tu hành tĩnh lự Ba-la-mật-đa, ở trong thật tế chẳng chứng đắc, cũng không nhập vào định Diệt thọ tưởng, cho đến chưa viên mãn tư lương Bồ-đề vẫn thọ thân cõi Dục, tu hạnh Bồ-tát.

Bấy giờ, Phật dạy A-nan-đà:

- Ông nên thọ trì tĩnh lự Ba-la-mật-đa mà các chúng Bồ-tát đã học, chớ để quên mất.

A-nan-đà thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con đã thọ trì tĩnh lự Ba-la-mật-đa mà các chúng Bồ-tát đã học, chắc chắn không quên mất.

Khi đức Bạc-già-phạm nói kinh này rồi, cụ thọ Xá-lợi Tử, cụ thọ Mãn Từ Tử, cụ thọ A-nan-đà và các Thanh văn, các chúng Bồ-tát, cùng tất cả trời, rồng, Dược-xoa, Kiện-đạt-phược, A-tu-la, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạt-hô-lạc-già, người chẳng phải người v.v… tất cả đại chúng nghe Phật dạy rất vui mừng, tin nhận phụng hành.

 

 

 

    Quyển thứ 592

Hết

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/01/2019(Xem: 9557)
Tiểu La Nguyễn Thành, nhân vật kiệt xuất của đất Quảng Nam, người khai sáng Duy Tân Hội, nhà lãnh đạo xuất sắc đồng thời cũng là người tri âm, tri kỉ của chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu.
27/01/2019(Xem: 9800)
Thông Điệp Xuân Kỷ Hợi 2019 của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ
19/01/2019(Xem: 6606)
Thời gian là cái gì thật mầu nhiệm, không hình không tướng, tưởng như nó dửng dưng, lạnh lùng trước muôn sự, nhưng lại thầm lặng ân cần cất giữ những gì đã đi qua, rồi tùy đối tượng mà hoài niệm. Không ai nắm bắt lại được những tờ lịch đã rơi, nhưng bước chân của bao bậc hiền nhân quân tửđều như còn in hằn trong không gian khi thời điểm luân lưu trở lại theo vận hành của trời đất.
12/01/2019(Xem: 14757)
Thông Bạch Tết Kỷ Hợi 2019 Của Hội Đồng Giáo Phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ Sa Môn Thích Thắng Hoan
11/01/2019(Xem: 10358)
Co lẽ mùa trăng Thành Đạo 2562 – 2018 sẽ khó quên đối với nhạc sĩ Hằng Vang và gia đình, khi giữa bao cơn lốc thực dụng xâm chiếm nhiều ngõ ngách cuộc sống và lấn sang cả khu vực luôn được bảo trọng của tâm hồn trong từng con người: Trái tim ! Nếu nói về một sự tưởng thưởng hay tri ân thì nhạc sĩ Hằng Vang có thể còn đi bên trên những khuôn sáo, danh vọng đó. Hơn thế nữa sẽ không ai có thể nhân danh để ghi nhận sự tận tâm , cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc Phật giáo mà không hề đòi hỏi một đồng lương, một phần thưởng nào trong suốt 86 năm dài tận tụy của người nhạc sĩ lão thành hiện đang còn sống duy nhất bên chúng ta.
01/01/2019(Xem: 8286)
Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không, thế danh Võ Viết Tín, sinh năm Kỷ Tỵ, 1929 tại Cố đô Huế, trong một gia đình mà Nội Ngoại đều tin Phật và nhiều nguời trong thân quyến đã có duyên xuất gia và nổi tiếng thân danh trên đường tác thành Phật sự. Cố đô Huế chỉ là sinh quán, còn nguyên quán thuộc làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
16/12/2018(Xem: 8339)
1.Bảo An Hòa Thượng Nhất Đại Tôn Sư Đại Hỷ Đại Từ Trung Nam Bắc Phái Tề Tâm Kính Ngưởng. 2. Phổ Bảo Danh Lam Thiên Ban Diệu Dụng Ban Tuệ Ban Ân Thượng Hạ Biên Phương Chí niệm Quy Y.
07/12/2018(Xem: 6634)
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định: “Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời phấn đấu vì hạnh phúc an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời, hộ quốc, an dân.
28/11/2018(Xem: 6222)
Thế là đã tròn 15 năm kể từ ngày Thầy giã từ cuộc mộng. Chuyến hóa duyên này của Thầy khá là dài.... Con bây giờ đi gần hết đời người, quá nửa việc ngày xưa lẫn ngày nay gần như quên bẵng, nửa còn lại nhập nhằng giữa đôi bờ mộng thực chông chênh. Thếmà, từng chi tiết về lớp học năm xưa vẫn sáng ngời, vẹn nguyên trên đỉnh đồi tâm thức.
25/11/2018(Xem: 11916)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một giáo viên, nhà thơ và nhà hoạt động vì hoà bình được kính nể khắp thế giới, với những lời dạy mạnh mẽ và các cuốn sách bán chạy nhất của Ông về chánh niệm và hòa bình. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một tăng sỹ Phật giáo Việt Nam nổi tiếng trên thế giới. Có tài liệu cho biết, tầm ảnh hưởng của ông trong cộng đồng Phật giáo Phương Tây chỉ đứng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Lời dạy chủ yếu của ông là thông qua chánh niệm, chúng ta có thể học sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, cách duy nhất để phát triển hòa bình, cả trong bản thân và toàn xã hội.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]