Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khứ Lai Như Thủy Nguyệt

28/11/201820:20(Xem: 6213)
Khứ Lai Như Thủy Nguyệt

 


Ni Su tri Hai (1)(Ni Trưởng Thích nữ Trí Hải1938 – 2003)


KHỨ LAI NHƯ THỦY NGUYỆT

 

(Thành kính tưởng niệm15 năm ngày Ni Trưởng TN. Trí Hải viên tịch)

 
Sakya Như Bảo

 

 

Thế là đã tròn 15 năm kể từ ngày Thầy giã từ cuộc mộng. Chuyến hóa duyên này của Thầy khá là dài....

Con bây giờ đi gần hết đời người, quá nửa việc ngày xưa lẫn ngày nay gần như quên bẵng, nửa còn lại nhập nhằng giữa đôi bờ mộng thực chông chênh. Thếmà, từng chi tiết về lớp học năm xưa vẫn sáng ngời, vẹn nguyên trên đỉnh đồi tâm thức.

Thầy trò mình gặp nhau như một lẽ tất nhiên cỏ cây nảy mầm từ đất, như thuyền về với biển. Chúng con, tuổi đôi mươi hồn nhiên trong trẻo, mắt xanh lòng sáng nhưng khí ngạo tâm cao. Gặp Thầy rồi bao hiếu thắng bồng bột trong con rụng rơi quá nửa. Thầy dáng mai, hồn tuyết; Cầm - Thi trác tuyệt; bác học đa văn; ngoại ngữ tinh tường, văn phong lấp lánh, đạo hạnh sáng ngời, khí hạo nhiên cao vút. Con ngỡ ngàng thấy cái tôi cứng đầu của mình ngả nghiêng phủ phục.

Trái tim con từng kiêu hãnh đến thế nào

Cũng quỳ gối ngay trang Kinh đầu Thầy giảng.

(1998)

Ngày tháng ấy con khẽ khàng đi qua từng bài học, nâng nhẹ mỗi lời Kinh. Câu thơ, ý đạo – “Bóng nguyệt lòng sông”[i], gói trọn nỗi niềm “nai về chốn cũ” gởi vào từng trang Kinh con dịch. Thầy chưa từng tặng con một lời khen trước mặt, nhưng rõ ràng con nhận được nhiều hơn. Lời nói chỉ dùng khi tâm cảm chưa thông, nhưng đâu còn công dụng trong sát na tâm linh tương hội...

Năm đó, Thầy khước từ đảm trách lớp chính khóa với hàng trăm sinh viên trẻ, mà lặng lẽ lui về Tịnh Thất. Cánh cổng Tuệ Uyển im lìm, uy nghiêm, vời vợi chỉ khẽ khàng hé mở cho vài kẻ hữu duyên. Thật tình ban đầu con không dám tưởng tượng một ngày mình được diện kiến Thầy, nói gì đến được Thầy nhận vào lớp học! Thỉnh thoảng, nơi thềm sân Viện Nghiên Cứu, từ xa chúng con thấy thấp thoáng tà áo lam lướtnhẹ, cốt cách băng thanh tuyết lãnh, phong thái uy nghiêm, sáng ngời và cao quý, nhẹ như một làn gió của Thầy thật không từ ngữ nào có thể tả được.

Ngày ấy, nhiều người thắc mắc, chẳng biết chúng con học cái lớp gì mà sao hôm nào công phu khuya xong đã vội vàng hớn hở ôm sách ra đi. Đều đặn như một quả lắc, khuyachúng con rời chùa lênTuệ Uyển, đến 7 giờ sáng lại di chuyển sang Vạn Hạnh miệt mài bốn tiết chính khóa, hôm nào về lại chùa cũng làquá ngọ. Thông thường, một bộ môn tuần học một lần thì phải đến bảy năm mới được 364 buổi. Còn chúng con, tuy chỉ học với Thầy vỏn vẹn hơn một năm nhưng là học mỗi ngày kín kẽ, dù thường nhật hay mùa hạ, dù mưa hay nắng thì cứ hơn 5 giờ sáng là chúng con đã có mặt ở Tuệ Uyển. Đường xa, giờ học sớm, bài vỡ nhiều khiến một số huynh đệ bỏ cuộc.Càng ít người, hương phápbảo thuần khiết ban mai lại càng đậm đà thơm thảo.

Lớp học đôi khi trở thành những buổi mạn đàm Phật pháp, thỉnh thoảng lại hóa ra buổi bình thơhào hứng, đôi lúc lại bị gián đoạn bởi tiếng  “đọc thơ gọi cửa” sang sảng của Thi tiên Bùi Giáng. Bên cạnh Thầy, chúng con được ‘thưởng thức ké’ âm ba độc tấu đàn tranh, đàn nguyệt của Giáo sư Trần Văn Khê, được mở rộng tầm nhìn ra vạn vật để thấy sự tương quan mật thiết giữa Phật giáo và khoa học từ những buổi diễn thuyết của Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Tường Bách...Lắmlúc còn được “hưởng ké” sô-cô-lado thân hữu của Thầy mang về từ nửa vòng trái đất.

Có hôm, Thầy đột ngột thông báo: “ngày mai chủ nhật mình chuyển sang học ở Bệnh viện Ung Bướu.”Rồi thì đến Chùa Kỳ Quang thăm các em khiếm thị, khiếm thính.... Chúng con ban đầungơ ngác đi theo Thầy để rồi sau đóvỡ òa cảm xúc từ những bài học vô thanh sống động của cuộc đời mà Thầy gợi mở. Chính những chuyến đi ấy đã dạy cho con biết cách lắng nghe bằng trái tim và nhìn mọi sự bằng lý trí, việc mà đôi mắt và đôi tai không thể nào gánh nổi. Mỗi ngày được học với Thầy là mỗi ngày niềm tịnh tín bất động đối với Phật và giáo pháp của Ngài trong con càng thêm vững vàng, kiên cố. Tràn ngập trong con là lòng biết ơn vô hạn đối với Tam bảo, với cuộc đời và đặc biệt là đối với Thầy....

Thầy vẫn thích câu nói của Emily Dickinson:“Thi nhân chỉ thắp lên những ngọn đèn, còn chính họ thì bước ra ngoài.” Quả thật, Thầy không bao giờ áp đặt cái biết của mình lên chúng con. Thầy chỉ “thắp nến” và để chúng con tự nhìn, tự cảm nhận từ chính thực tại đang hiển bày. Thế nên, tiếng là lớp học dịch, nhưng Thầy nào có bảo chúng con phải dịch ra làm sao đâu. Thầy gọi từng người một lên đọc mà chẳng thấy Thầy khen chê ai bao giờ. Chúng con cứ dịch theo ý mình, mỗi đứa một kiểu, Thầy cười hết, gật gù hết... Sau mỗi giờ học, Thầy lại cho đề tài về nhà làm báo cáo, đương nhiên là bằng tiếng Anh. Các bài viết non nớt của con ngày đó in đầy chữ đỏ của Thầy tới giờ con vẫn xem là báu vật. Đặc biệt, Thầy chỉ sửa lỗi chính tả chứ không bao giờ thêm bớt hay nhào nặn ý tưởng của chúng con. Thầy sẵn lòng cho chúng con tự do sai sót, tự do phóng thích mớ tư duy hỗn độn, vụn vặt và rời rạc. Lòng bi mẫn bao la và thăm thẳm dường ấy, tuổi trẻ vô tâm làm sao có thể hiểu hết....“Con quỳ xuống với lòng thành chánh niệm, tạ ơn Thầy một thuở đã khai tâm.”

Người ta bảo, Thầy giỏi tất sẽ dạy nên trò giỏi. Nhưng vị Thầy lỗi lạc, bậc chân sư thật thụ thì sẽ không tạo ra những người học trò xuất sắc mà tạo nên những bậc Thầy. Thầy chính là người Thầy đầu tiên trong kiếp sống này cho con khái niệm trở về với nguyên bản của chính mình mà không cần phải làm bản sao xoàng xĩnh của bất kỳ ai. Khát khao được học Thầy trong con nhiềuđến nỗi, dù ngày nào cũng được gặp và học với Thầy, nhưng mỗi buổi vừa rời khỏi lớp là con lại mong ngóng đến giờ học ngày mai. Bài vở chính khóa thì hờ hững qua loa, mà bộ Majjhima Nikaya của Ngài Bodhi thì lật tới lật lui đến mòn vẹt!

Ngày ấy, chỉ cần nghe ai nhắc đến tên Thầy là tất cả các giác quan nơi con đều mở toang sáng lóa. Con học Thầy qua những bài Kinh và cả ngoài những trang Kinh. Con lắng nghe và thẩm thấu những lời Thầy dạy và cả những điều Thầy không hề nói. Con đọc những dòng chữ trong sách Thầy và đọc cả bên ngoài câu chữ. Con nghe rõ những dấu chấm chơi vơi mà Thầy bỏ lửng trong tận cùng của tuyệt lộ tưởng tri khi “từ ngữ rụng xuống hai lần”. Và chao ôi, con đã nhìn thấy rồi dáng núi sừng sững mà cô liêu trong hoàng hôn pháp mạt!

Biển xanh rì rào 
Độc thoại bất tuyệt 
Tôi còn phải nói gì chăng ? 
Biển xanh nói rồi 
Trời cao đã biết 
Này chú hải âu 
Chú muốn nghe chăng thiên hạ sự? 
Nhưng chú hải âu bỗng giật mình 
Vỗ cánh bay!

(Biển Vắng - NT. Trí Hải)

Thưở ấy, con hơn 20 thừa vụng dại mà thiếu khôn ngoan, đâu hiểu “Tâm Lão bà” thênh thang như đại hải, vun đắp tợ phù sa, nên mãi dùng dằng giam mình trong hồn sỏi ngẩn ngơ, tự làm mình nghèo nàn khốn khó! Khờ khạo làm sao, dại dột biết bao! Nên nỗi sau gần mười năm dài viễn xứ, ngày vềtrắng mộng tàn canh, người xưa vườn cũ tuyệt mù, con chỉ còn biết gởi đến hư không nỗi hoang hoải cô liêu trong chiều tàn héo hắt -“Đường đi không gió lòng sao lạnh”[ii], Thầy ơi!

Im lặng suốt nhiều năm, tuyệt chẳng một dòng hoài niệm, tiếc thương, cả đến tên Thầy con cũng chưa từng nhắc đến, cũng chẳng dám nghe khi ai đó nói về.... Nghĩ đến Tổ sư chín năm diện bích vô ngôn, sấm sét dội nguồn tâm mà hổ thẹn quá chừng quá đỗi, thẹn mình dù có thinh lặng suốt cả đời thì rốt cuộc từ đầu đến cuối cũng thấy lớp lớp bạt ngàn đó đây một “khung trời hội cũ”...

Trên đám cây sa thảo

dưới bóng hàng thông

tuyết nằm diễm ảo

có cách nào giữ lại

cho tuyết đừng tan không?

(Sakanoemo Iratsume)

          Đã có lúc cố tình đánh rơi cương chánh niệm, con ước một lần quay ngược thời gian, để có thể đem tâm thơm thảo hôm nay về ngồi nơi lớp học thân ái ngày xưa. Nếu giấc mơ con thành hiện thực, thì hẳn rằng có người sẽ phải phục sinh để viết tiếp “Câu chuyện dòng sông[iii] còn đang dang dở... Nói thế đương nhiên là con biết, Thầy lại đang gởi đến chúng con nụ cười ‘Mona Lisa’ thứ thiệt, chắc chắn vậy rồi, phải không thưa Thầy khả kính?

Tiếp thu nền học thuật toàn diện từ Đông sang Tây, nên tác phẩm và dịch phẩm của Thầy vô cùng đặc biệt, sâu thăm thẳm mà rộng bao la, câu chữ nào cũng lấp lánh trí tuệ, ý tứ nào cũng tinh tế thâm trầm. Nét bút tài hoa, văn phong dí dỏm chẳng lẫn vào đâu được của Thầy đã mở toang cho người đọc cả phương trời viễn mộng uyên nguyên, rực rỡ kỳ hoa dị thảo.....

Thầy mang làn gió thanh mát của phương Đông hòa quyện vào hơi thở của Hermann Hesse, Thầy đem cả cái lạnh của Tuyết Sơn từ Sogyal Rinpoche với “Tạng Thư Sống Chết”[iv] về chốn này. Thầy cẩn thận xâu từng hạt ngọc “Tâm bất sinh”[v] của Thiền sư Bankei, đem bằng hết cái thâm u trác tuyệt nơi xứ sở Mặt Trời quanh năm Anh đào rực rỡ về với quê nhà. Thầy bình thơ Haiku của Thiền sư Basho rồi đến cuối cùng hài hước hạ một dấu chấm chơi vơi nỗi niềm Bùi Giáng!

Những năm cuối cùng, Thầy như bước ra từ con chữ của Shantideva qua dịch phẩm “Nhập Bồ tát hạnh”(Bodhisattvacharyavatara)[vi]. Con vẫn nhớ, Thầy mong một lần được tận tay cầm nguyên bản “Lamrin Chenmo” của Tsong Khapa. Bản Tiếng Anh của Lamrin Chenmo con đem về bảy năm sau đó chẳng biết phải đưa ai nên đến giờ vẫn còn nằm im một chỗ.

Chuyện là thế đó, chỉ có thế thôi mà mãi 20 năm sau kể từ lần sơ ngộ, con chẳng thốt được nửa lời tán thán, niệm ân! Ròng rả 15 năm cũng chẳng viết nổi một dòng để tỏ lòng tiếc thương bái biệt - “Đàm Hoa Lạc Khứ” [vii], Thầy ơi!

Con chờ đợi một ngày nỗi đau vạn tiễn xuyên tâm đủ nguội lạnh, những hoài niệm xưa thôi choáng chật tầm nhìn “Hiện lượng”, những ý nghĩ về Thầy thôi đóng cọc sừng sững trong tâm, câu “Phàm sở hữu tướng.....” thốt ra nơi đầu môi thôi nhì nhùng, ngắt ngứ;Và nhất là,bằng tất cả lòng tri ânđối với Thầy, phải thắp sáng và lưu truyền ngọn đèn chánh pháp mà Thầy để lại cho nhiều thế hệ sau, thì con mới có thể đĩnh đạc, đường đường chính chính mà viết về Thầy. Bởi con biết, Thầy sẽ không vui khi học trò cứ liêu xiêu, chệch choạng bước không qua nổi ngọn đồi“Đới chất cảnh” lung linhhương sắc.

“Bởi vì mắt ngó trời xanh

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời

Bởi vì mắt thấy biển khơi

Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.”

(Thơ Trụ Vũ)

tang thu song chet

Xem Trang Tác giả Ni Trưởng TN. Trí Hải


Ngày xưa, Thầy đã từng khước từ bục giảng Đại học mà dành thời gian cho lớp chúng con thì việc hôm nay con bước qua cánh cổng Trường xênh xang nơi phố thị để về lại núi rừng cùng baothế hệ học trò bé nhỏ cũng là một lẽ tất nhiên. Chính Thầy đã cho con biết rằng, giá trị của tri thức Phật giáo không phải ở chỗ đứng nơi giảng đường của cấp học cao hay thấp, chính quy hay gia giáo, mà quan trọng là khả năng đánh thức những nụ mầm giác ngộ nơi người học đạo của vị Thầy.

Bao năm nay con nào dám đem tâm tình rong rêu, ảm đạm của sỏi đá bên đường mà phụ bạc thâm ân bất khả tư nghì của hư không vô tận. Mỗi người trong chúng con, bằng nhiều cách khác nhau, đều đã và đang viết tiếp bài thơ phụng hiến mànăm nào Thầybỏ ngỏ. Và Thầy ơi, tuy là chậm, là chật vật, hắthiu, nhưng rốt cuộc con cũng hoàn thànhđược bài tập cuối cùng Thầy để lại:

“Suối biếc chuyển lời Kinh vọng khắp

Bụi hồng theo ngọn gió tung hê

Bỗng dưng tìm thấy con người thật

Của chính mình xưa trót lạc đề...”

(Thơ Vũ Hoàng Chương)

Tạ ơn Phật! cuối cùng, sau bao năm xuống ghềnh lên thác, sáng nay, giữa trời xanh bát ngát, soi mình xuống dòng sông trong vắt, bất giác ngỡ ngàng, mừng vui khôn xiếtkhi chợt nhìn rõ mặt mình.

Nào ai đến? nào ai đi? Trời mây sông nước một vùng. Thầy nào có rời xa cuộc đời bao giờ, Thầy chỉ là trở về an trú trong “Tâm Phật Bất Sinh”. Thầy cũng chưa từng ngừng nghỉ việc hoằng dương Chánh Pháp, chỉ là Thầy đang thực hiện gián tiếp thông qua những môn đồ xuất cách và những ai may mắn lĩnh hội được chỗ tinh túy từ suối nguồn pháp bảo nguyên sơ của Thầy. Thầy vẫn hiện hữu từng ngày qua mỗi bài Kinh, mỗi câu thơ ý đạo mà chúng con thay Thầy thể hiện. Thầy không còn tồn tại riêng lẽ mà đã hòa cùng hữu tình vạn loài và trong mỗi chúng con....  Chúng con vẫn hằng gặp Thầy trong “Tánh cảnh” bao la, điều rõ ràng đến thế sao lâu nay con lại cố tình quên mất?

Ta hòa cùng với gió

Thành vũ trụ bao la

Ta như làn sóng nhỏ

Giữa đại dương cuộc đời

Sóng có khi còn mất

Biển cả không đầy vơi.

(Sống Chết –NT. Trí Hải)

Chưa nói đến hàng pháp tử và biết bao thế hệ học trò khác của Thầy, chỉ riêng lớp chúng con thôi, hơn mười học trò nhỏ của Thầy năm nào, Tăng có Ni có, giờ đều là những người đứng đầu trong ngành Giáo dục Phật giáo tại mỗi địa phương và cả hoằng pháp ở hải ngoại. Thế nên,  không cần ai chúc nguyện “tái hiện đàm hoa”, Thầy vẫn có mặt khắp cùng sơn hà đại địa, theo thời gian càng nhân lên và lan xa rộng khắp. Những hạt ngọc trí tuệ Thầy để lại chưa bao giờ thôi phát sáng, những đóa hoa giác ngộ Thầy vun bồi ngày càng rực rỡ, ngát hương. Tuệ Uyển năm nào đã tuyệt tích vô tung nhưng biết bao phiên bản khác đã ra đời, góp phần trang nghiêm cho vườn hoa đạo pháp.

Văng vẳng nơi nao khúc nhạc thiền

Tiễn người về chốn cũ sơ nguyên

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Nhưng vẫn dư hương suốt cõi miền.

(Hoa Quỳnh –NT. Trí Hải)

Cuộc đời cũng như dòng sông luôn tuần hoàn và dịch chuyểnNước đi ra biển lại mưa về nguồn” (Tản Đà).“Bánh xe hiện tượng quay nhanh lắm Thiện Hữu! Đâu là Tất Đạt con người bà la môn? Đâu là Tất Đạt sa môn? Đâu là Tất Đạt con người giàu có? Cái gì giả tạm sẽ đổi thay”.(Trích “Câu Chuyện Dòng Sông”)

Thì vậy, bằng tâm thái an nhiên và bình thản,Thầy đã sống trọn vẹn từng phút giây những tháng năm dài mộng huyễn. Trong mộng mà giảng Kinh, viết sách; trong mộng mà dịch thuật, làm thơ; trong mộng mà khởi đại bi tâm“biến nhập trần lao”. Và tất nhiên sinh tử khứlai, dẫu có thế nào, với Thầy cũng chỉ là “thiên thu giả mộng”...

Bất sinh bất diệt

Là cái bản tâm

Địa thủy hỏa phong

Chỗ đêm trú tạm.

(“Tâm Bất Sinh”– Trí Hải dịch)

Thầy đã đến và đã đinhư thế.Nhẹ hẫngmàthênh thang như thị. Lặng lẽ mà tròn đầy biến mãn thái hư.

“Chư pháp tùng bản lai

Thường tự tịch diệt tướng”[viii]

“Xuân đáo bách hoa khai

Hoàng oanh đề liễu thượng.”

 

Kính thành khể thủ!

Đại Tòng Lâm, 28.11. 2018

Học trò

Sakya Như Bảo

 

 

 

Ghi chú:

[i] - [vii]: Tác phẩm – dịch phẩm của Ni Trưởng

[viii]: Kinh Pháp Hoa




Ý kiến bạn đọc
15/01/201908:00
Khách
Không nên gọi các Ni sư là Thầy vì dễ gây ngộ nhận. ví dụ Một nữ Phật tử nói với mọi người rằng " Tối nay con lên chùa ngủ với Thầy". Mọi người sẽ nghĩ xấu về ngừoi đó, vì go ị Ni sư là Thầy chưa được phổ biến. Vì vậy, không nên gọi các Ni sư là Thầy. gọi Ni sư có gì là xấu đâu ? gọi là Thầy có gì cao sang hơn đâu.?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/01/2019(Xem: 9554)
Tiểu La Nguyễn Thành, nhân vật kiệt xuất của đất Quảng Nam, người khai sáng Duy Tân Hội, nhà lãnh đạo xuất sắc đồng thời cũng là người tri âm, tri kỉ của chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu.
27/01/2019(Xem: 9799)
Thông Điệp Xuân Kỷ Hợi 2019 của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ
19/01/2019(Xem: 6604)
Thời gian là cái gì thật mầu nhiệm, không hình không tướng, tưởng như nó dửng dưng, lạnh lùng trước muôn sự, nhưng lại thầm lặng ân cần cất giữ những gì đã đi qua, rồi tùy đối tượng mà hoài niệm. Không ai nắm bắt lại được những tờ lịch đã rơi, nhưng bước chân của bao bậc hiền nhân quân tửđều như còn in hằn trong không gian khi thời điểm luân lưu trở lại theo vận hành của trời đất.
12/01/2019(Xem: 14749)
Thông Bạch Tết Kỷ Hợi 2019 Của Hội Đồng Giáo Phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ Sa Môn Thích Thắng Hoan
11/01/2019(Xem: 10357)
Co lẽ mùa trăng Thành Đạo 2562 – 2018 sẽ khó quên đối với nhạc sĩ Hằng Vang và gia đình, khi giữa bao cơn lốc thực dụng xâm chiếm nhiều ngõ ngách cuộc sống và lấn sang cả khu vực luôn được bảo trọng của tâm hồn trong từng con người: Trái tim ! Nếu nói về một sự tưởng thưởng hay tri ân thì nhạc sĩ Hằng Vang có thể còn đi bên trên những khuôn sáo, danh vọng đó. Hơn thế nữa sẽ không ai có thể nhân danh để ghi nhận sự tận tâm , cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc Phật giáo mà không hề đòi hỏi một đồng lương, một phần thưởng nào trong suốt 86 năm dài tận tụy của người nhạc sĩ lão thành hiện đang còn sống duy nhất bên chúng ta.
01/01/2019(Xem: 8286)
Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không, thế danh Võ Viết Tín, sinh năm Kỷ Tỵ, 1929 tại Cố đô Huế, trong một gia đình mà Nội Ngoại đều tin Phật và nhiều nguời trong thân quyến đã có duyên xuất gia và nổi tiếng thân danh trên đường tác thành Phật sự. Cố đô Huế chỉ là sinh quán, còn nguyên quán thuộc làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
16/12/2018(Xem: 8335)
1.Bảo An Hòa Thượng Nhất Đại Tôn Sư Đại Hỷ Đại Từ Trung Nam Bắc Phái Tề Tâm Kính Ngưởng. 2. Phổ Bảo Danh Lam Thiên Ban Diệu Dụng Ban Tuệ Ban Ân Thượng Hạ Biên Phương Chí niệm Quy Y.
07/12/2018(Xem: 6626)
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định: “Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời phấn đấu vì hạnh phúc an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời, hộ quốc, an dân.
25/11/2018(Xem: 11906)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một giáo viên, nhà thơ và nhà hoạt động vì hoà bình được kính nể khắp thế giới, với những lời dạy mạnh mẽ và các cuốn sách bán chạy nhất của Ông về chánh niệm và hòa bình. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một tăng sỹ Phật giáo Việt Nam nổi tiếng trên thế giới. Có tài liệu cho biết, tầm ảnh hưởng của ông trong cộng đồng Phật giáo Phương Tây chỉ đứng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Lời dạy chủ yếu của ông là thông qua chánh niệm, chúng ta có thể học sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, cách duy nhất để phát triển hòa bình, cả trong bản thân và toàn xã hội.
21/11/2018(Xem: 9727)
Hòa Thượng thế danh NGUYỄN HƯỚNG, pháp danh TÂM HOÀN tự GIẢI QUY, hiệu HUỆ LONG, thuộc dòng thiền phái Lâm Tế đời thứ 43. Hòa Thượng sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tý (1924) trong một gia đình môn phong Nho giáo tại làng Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giòng họ Nguyễn Phúc định cư dưới chân đồi Phốc Lốc tính đến đời Ngài đã trải qua 7 đời.Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phúc Trì tự Tung pháp danh Không Đảnh, đích mẫu là cụ bà Trần Thị Kiện mất sớm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Chiếu pháp danh Không Chiêu, ông bà đều là đệ tử quy y với Quốc Sư Phước Huệ trú trì Tổ Đình Thập Tháp Di Đà
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]