Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 330: Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo 03, Phẩm Hạnh Nguyện 01

13/07/201522:01(Xem: 13275)
Quyển 330: Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo 03, Phẩm Hạnh Nguyện 01

Tập 06

 Quyển 330

 Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo 03

Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm

Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí 

 

 

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Nghĩa bất khả thuyết không tăng, không giảm, bố thí Ba-la-mật-đa cũng không tăng, không giảm, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng không tăng, không giảm; bốn bốn niệm trụ cũng không tăng, không giảm, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo cũng không tăng, không giảm; bốn tịnh lự cũng không tăng, không giảm, bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng không tăng, không giảm; tám giải thoát cũng không tăng, không giảm, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ cũng không tăng, không giảm; pháp môn giải thoát không cũng không tăng, không giảm, pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện cũng không tăng, không giảm; bậc Cực hỷ cũng không tăng, không giảm, bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân cũng không tăng, không giảm; năm loại mắt cũng không tăng, không giảm, sáu phép thần thông cũng không tăng, không giảm; pháp môn Tam-ma-địa cũng không tăng, không giảm, pháp môn Đà-la-ni cũng không tăng, không giảm; mười lực Phật cũng không tăng, không giảm, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng cũng không tăng, không giảm; pháp không quên mất cũng không tăng, không giảm, tánh luôn luôn xả cũng không tăng, không giảm; trí nhất thiết cũng không tăng, không giảm, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không tăng, không giảm.

Này Thiện Hiện! Các đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, an trụ phương tiện thiện xảo Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nghĩ thế này: Ta đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa hoặc tăng hoặc giảm; chẳng nghĩ thế này: Ta đối với tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa hoặc tăng hoặc giảm, chỉ nghĩ thế này: Chỉ có ý niệm về danh xưng là Bát-nhã Ba-la-mật-đa; chỉ nghĩ thế này: Chỉ có ý niệm về danh xưng là tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy khi tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, đem tác ý câu hành với bố thí này và tâm cùng thiện căn nương đây mà khởi, ban cho các hữu tình cùng có như nhau sự hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, như quả vị giác ngộ cao tột sâu xa vi diệu của Phật mà phát khởi hồi hướng.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy khi tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa, đem tác ý câu hành với tịnh giới này và tâm cùng thiện căn nương đây mà khởi, ban cho các hữu tình cùng có như nhau sự hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, như quả vị giác ngộ cao tột vi diệu sâu xa của Phật mà phát khởi hồi hướng.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy khi tu hành an nhẫn Ba-la-mật-đa, đem tác ý câu hành với an nhẫn này và tâm cùng thiện căn nương đây mà khởi, ban cho các hữu tình cùng có như nhau sự hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, như quả vị giác ngộ cao tột vi diệu sâu xa của Phật mà phát khởi hồi hướng.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy khi tu hành tinh tấn Ba-la-mật-đa, đem tác ý câu hành với tinh tấn này và tâm cùng thiện căn nương đây mà khởi, ban cho các hữu tình cùng có như nhau sự hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, như quả vị giác ngộ cao tột vi diệu sâu xa của Phật mà phát khởi hồi hướng.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy khi tu hành tịnh lự Ba-la-mật-đa, đem tác ý câu hành với tịnh lự này và tâm cùng thiện căn nương đây mà khởi, ban cho các hữu tình cùng có như nhau sự hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, như quả vị giác ngộ cao tột vi diệu sâu xa của Phật mà phát khởi hồi hướng.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đem tác ý câu hành với Bát-nhã Ba-la-mật-đa này và tâm cùng thiện căn nương đây mà khởi, ban cho các hữu tình cùng có như nhau sự hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, như quả vị giác ngộ cao tột vi diệu sâu xa của Phật mà phát khởi hồi hướng. Do sức phương tiện thiện xảo hồi hướng này, mà chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là quả vị giác ngộ cao tột?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Chơn như của các pháp là quả vị giác ngộ cao tột.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch: Bạch Thế Tôn! Chơn như của các pháp nào mà nói là chơn như của các pháp là quả vị giác ngộ cao tột?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Chơn như của sắc là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của thọ, tưởng, hành, thức là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của nhãn xứ là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của sắc xứ là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của nhãn giới là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của sắc giới là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của thanh, hương, vị, xúc, pháp giới là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của nhãn thức giới là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của nhãn xúc là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của địa giới là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của thủy, hỏa, phong, không, thức giới là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của tánh nhân duyên là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của tánh đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của vô minh là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của bố thí Ba-la-mật-đa là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của pháp không nội là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của chơn như là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư là không, cảnh giới bất tư nghì là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của bốn bốn niệm trụ là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của Thánh đế khổ là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của Thánh đế tập, diệt, đạo là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của bốn tịnh lự là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của bốn vô lượng, bốn định vô sắc là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của tám giải thoát là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của pháp môn giải thoát không là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của bậc Cực hỷ là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của năm loại mắt là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của sáu phép thần thông là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của pháp môn Tam-ma-địa là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của pháp môn Đà-la-ni là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của mười lực Phật là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của pháp không quên mất là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của tánh luôn luôn xả là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của quả Dự-lưu là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của quả Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của quả vị Độc-giác là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của trí nhất thiết là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của sanh tử là quả vị giác ngộ cao tột; chơn như của Niết-bàn là quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Chơn như của các pháp không tăng, không giảm, nên quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật cũng không tăng, không giảm;

Này Thiện Hiện! Các đại Bồ-tát chẳng xa lìa Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thường ưa an trụ chơn như của các pháp, hoàn toàn chẳng thấy có pháp nào có tăng có giảm. Do nhân duyên này, nghĩa bất khả thuyết không tăng, không giảm; bố thí Ba-la-mật-đa cũng không tăng, không giảm, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng không tăng, không giảm; bốn bốn niệm trụ cũng không tăng, không giảm, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo cũng không tăng, không giảm; bốn tịnh lự cũng không tăng, không giảm, bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng không tăng, không giảm; tám giải thoát cũng không tăng, không giảm, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ cũng không tăng, không giảm; pháp môn giải thoát không cũng không tăng, không giảm, pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện cũng không tăng, không giảm; bậc Cực hỷ cũng không tăng, không giảm, bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân cũng không tăng, không giảm; năm loại mắt cũng không tăng, không giảm, sáu phép thần thông cũng không tăng, không giảm; pháp môn Tam-ma-địa cũng không tăng, không giảm, pháp môn Đà-la-ni cũng không tăng, không giảm; mười lực Phật cũng không tăng, không giảm, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng cũng không tăng, không giảm; pháp không quên mất cũng không tăng, không giảm, tánh luôn luôn xả cũng không tăng, không giảm; trí nhất thiết cũng không tăng, không giảm, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không tăng, không giảm.

Này Thiện Hiện! Các đại Bồ-tát nương vào sự không tăng, không giảm này mà phương tiện tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Do pháp môn này, tập hợp các công đức mà chứng quả vị giác ngộ cao tột.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ-tát nương vào sự không tăng, không giảm, phương tiện tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa và do pháp môn này, tập hợp tất cả công đức, để chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì đại Bồ-tát ấy đã dùng sơ tâm để chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột hay dùng hậu tâm để chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột? Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát ấy nếu dùng sơ tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì khi sơ tâm khởi, hậu tâm chưa khởi, không có tính hòa hợp; còn nếu dùng hậu tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì khi hậu tâm khởi thì tiền tâm đã diệt, không có tính hòa hợp. Như vậy thì tâm, tâm sở pháp trước sau, tấn thối, trồi sụt không có tính hòa hợp, thì làm sao có thể chứa nhóm thiện căn được? Nếu chẳng thể chứa nhóm các thiện căn được, thì làm sao Bồ-tát có thể chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ta sẽ nói một thí dụ ngắn gọn, khiến người có trí theo ý nghĩa diễn đạt, có thể dễ dàng hiểu được.

Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, như khi thắp đèn, thì ngọn lửa ban đầu đốt tim hay ngọn lửa sau đốt tim?

Bạch Thế Tôn! Theo chỗ con hiểu thì chẳng phải ngọn lửa ban đầu đốt tim, cũng chẳng lìa ngọn lửa ban đầu mà có thể đốt tim; chẳng phải ngọn lửa sau đốt tim, cũng chẳng lìa ngọn lửa sau mà có thể đốt tim.

Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, cái tim bị đốt chăng?

Bạch Thế Tôn! Theo cái thấy thông thường thì cái tim bị đốt thật.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các đại Bồ-tát cũng giống như thế, chẳng dùng sơ tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, cũng chẳng lìa sơ tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột; chẳng phải dùng hậu tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, cũng chẳng lìa hậu tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột. Do vậy, các đại Bồ-tát chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các đại Bồ-tát từ sơ phát tâm tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa viên mãn mười bậc, chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phât: Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ-tát tu học mười bậc nào viên mãn, chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các đại Bồ-tát tu hành bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân làm cho viên mãn chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột; cũng học bậc Tịnh quán, bậc Chủng tánh, bậc Đệ bát, bậc Kiến, bậc Bạc, bậc Ly dục, bậc Dĩ biện, bậc Độc-giác, bậc Bồ-tát, bậc Như Lai, làm cho viên mãn, chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Các đại Bồ-tát đối với mười bậc này tinh cần tu học, khi được viên mãn, chẳng phải dùng sơ tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, cũng chẳng lìa sơ tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột; chẳng phải dùng hậu tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, cũng chẳng lìa hậu tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột. Do đó các đại Bồ-tát chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Duyên khởi như thế rất sâu xa, rất vi diệu, đó là các đại Bồ-tát chẳng phải dùng sơ tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, chẳng phải lìa sơ tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột; chẳng phải dùng hậu tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, chẳng phải lìa hậu tâm chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột. Do đó các đại Bồ-tát chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, nếu tâm đã diệt có thể sanh lại chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, nếu tâm đã sinh thì có pháp diệt chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, có tâm diệt pháp, chẳng phải nên diệt chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, tâm trụ là như, tâm là chơn như chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, tâm an trụ như chơn như, là như thật tế chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, chơn như thật tế là sâu xa chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, chính chơn như là tâm chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, lìa chơn như có tâm chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, chính tâm là chơn như chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, lìa tâm có chơn như chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, chơn như thấy chơn như chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, nếu đại Bồ-tát năng tu hành như thế, là tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa chăng?

Thiện Hiện đáp: Nếu đại Bồ-tát năng tu hành như thế là tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, nếu đại Bồ-tát năng tu hành như thế là tu hành chỗ nào?

Thiện Hiện đáp: Nếu đại Bồ-tát năng tu hành thì hoàn toàn không có chỗ tu hành. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì nếu đại Bồ-tát tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa thì không có tâm hiện hành, không có chỗ hiện hành. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì trong việc an trụ chơn như hoàn toàn không hiện hành và không có chỗ hiện hành.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, nếu đại Bồ-tát khi tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa là tu hành ở chỗ nào?

Thiện Hiện đáp: Nếu đại Bồ-tát khi tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa thì tu hành ở thắng nghĩa đế, nơi đây, hiện hành và chỗ hiện hành đều không có sở hữu, không có năng thủ, sở thủ, chẳng thể nắm bắt được.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, nếu đại Bồ-tát khi tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thì trong việc tu hành thắng nghĩa đế, tuy chẳng chấp thủ tướng mà tu hành tướng chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, đại Bồ-tát ấy khi tu hành sâu xa Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thì trong việc tu hành thắng nghĩa đế là hoại tướng chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao, đại Bồ-tát ấy khi tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thì trong việc tu hành thắng nghĩa đế, hoại ý tưởng về tướng chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy khi tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng hoại tướng, cũng chẳng cũng chẳng hoại ý tưởng về tướng chăng?

Thiện Hiện đáp: Đại Bồ-tát ấy khi tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ hoại tướng và hoại ý tưởng về tướng; cũng chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ hoại vô tướng và hoại ý tưởng vô tướng, vì đối với tất cả pháp không có phân biệt vậy.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát ấy tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa, tuy có thể xa lìa các sự phân biệt như thế, nhưng vì đối với vô lượng thù thắng công đức của mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng v.v… chưa viên mãn nên chưa chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát ấy thành tựu phương tiện thiện xảo vi diệu; do sức phương tiện thiện xảo này nên đối với tất cả pháp chẳng thủ, chẳng hoại. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì đại Bồ-tát ấy biết tự tướng của tất cả pháp là không.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát ấy an trụ trong tự tướng không của tất cả pháp vì nguyện lực đại bi độ các hữu tình nhập vào ba pháp pháp Tam-ma-địa, thôi thúc nên dùng ba thứ định này thành thục hữu tình.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát ấy vì sao nhập ba pháp Tam-ma-địa này để thành thục hữu tình?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy an trụ Tam-ma-địa không, thấy các hữu tình phần nhiều chấp ngã, nên dùng sức phương tiện giáo hóa, khiến an trụ Tam-ma-địa không.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy an trụ Tam-ma-địa vô tướng, thấy các hữu tình, phần nhiều tu hành hình thức nên dùng phương tiện  giáo hóa, khiến an trụ Tam-ma-địa vô tướng.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy an trụ Tam-ma-địa vô nguyện, thấy các hữu tình phần nhiều mong muốn an vui, nên dùng sức phương tiện giáo hóa, khiến an trụ Tam-ma-địa vô nguyện.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nhập ba pháp Tam-ma-địa này thành thục hữu tình như thế.

Bấy giờ, cụ thọ Xá Lợi Tử hỏi cụ thọ Thiện Hiện: Thưa ngài Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát ở trong mộng nhập ba pháp Tam-ma-địa này, đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa sâu xa có tăng thêm lợi ích chăng?

Thiện Hiện đáp: Thưa ngài Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát vào lúc ban ngày nhập ba pháp Tam-ma-địa này, thì đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa sâu xa có tăng thêm lợi ích, thì ở trong mộng họ có nhập cũng có tăng thêm lợi ích. Vì sao? Thưa ngài Xá Lợi Tử! Vì ban ngày cùng trong mộng không sai biệt.

Thưa ngài Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát ban ngày tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa mà đã gọi là tu tập Bát-nhã-ba-la-mật-đa sâu xa thì đại Bồ-tát ấy, trong mộng tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa cũng gọi là tu tập Bát-nhã-ba-la-mật-đa sâu xa; ba pháp Tam-ma-địa đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa sâu xa, có thể làm tăng thêm lợi ích cũng giống như vậy.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Các đại Bồ-tát trong mộng tạo nghiệp, có tăng thêm, hoặc tổn giảm lợi ích chăng?

Phật dạy: Hữu vi là hư vọng chẳng thật như việc làm trong mộng, thì tại sao hành động kia có thể tăng hoặc giảm? Vì sao? Vì chẳng phải đối với các việc đã làm trong mộng có thể tăng thêm lợi ích, hoặc có thể tổn giảm, mà ngay đến khi tỉnh, nhớ tưởng phân biệt việc làm trong mộng cũng có sự tăng giảm?

Thiện Hiện đáp: Có các người ban ngày giết hại sanh mạng kẻ khác, rồi vào ban đêm, trong mộng nhớ nghĩ phân biệt, tự mình rất vui sướng; hoặc có người mộng thấy giết người tưởng là khi tỉnh, phát sanh vui mừng; hai nghiệp như thế, theo ý Ngài thì sao?

Xá Lợi Tử đáp: Không có cái sở duyên thì hoặc suy nghĩ, hoặc hành động đều chẳng phát sanh được, cần có sở duyên thì suy nghĩ và hành động mới phát khởi. Trong mộng suy nghĩ và hành động duyên vào đâu mà sanh?

Thiện Hiện đáp: Đúng vậy! Đúng vậy! Hoặc mộng, hoặc tỉnh, không có cái sở duyên thì suy nghĩ và hành động chẳng sanh; cần có sở duyên thì suy nghĩ và hành động mới hiện khởi. Vì sao? Thưa ngài Xá Lợi Tử! Hoặc mộng, hoặc tỉnh cần phải ở trong pháp kiến văn giác tri, có sự chuyển biến của nhận thức, do đó mới khởi nhiễm, hoặc khởi tịnh. Nếu không có các pháp thấy, nghe, hiểu, biết, thì không có sự chuyển biến của nhận thức, cũng không nhiễm không tịnh. Do đó nên biết hoặc mộng, hoặc tỉnh, có cái sở duyên thì suy nghĩ và hành động mới khởi; không có cái sở duyên thì suy nghĩ và hành động chẳng phát sanh.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Phật dạy tư duy và tạo tác đều lìa tự tánh, thì tại sao có thể nói có sở duyên hiện khởi?

Thiện Hiện đáp: Tuy các tư duy, tạo tác và pháp sở duyên, tự tánh đều là không, nhưng do tự tâm thủ tướng phân biệt nên nói tư duy tạo tác có sở duyên mới sanh. Nếu không có sở duyên, thì tư duy và tạo tác không khởi.

Bấy giờ, cụ thọ Xá Lợi Tử lại hỏi cụ thọ Thiện Hiện: Nếu đại Bồ-tát trong mộng tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã, đem thiện căn này ban cho các hữu tình đều có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, thì đại Bồ-tát ấy có phải thật hồi hướng đại Bồ-đề chăng?

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện nói với Xá Lợi Tử: Đại Bồ-tát Từ Thị từ lâu đã được thọ ký Bất thối chuyển, chỉ còn cách một đời nữa, nhất định sẽ thành Phật, đủ khả năng khéo léo trả lời tất cả nạn vấn. Hiện tại trong pháp hội này, ta nên thỉnh vấn Ngài. Bổ xứ Từ Tôn nhất định sẽ trả lời.

Khi ấy, Xá Lợi Tử theo lời Thiện Hiện cung kính thỉnh vấn Bồ-tát Từ Thị.

Khi ấy, Bồ-tát Từ Thị nói với Xá Lợi Tử: Gọi tên là những pháp gì để Từ Thị ta có thể giải đáp: Là sắc chăng? Là thọ, tưởng, hành, thức chăng? Là cái không của sắc chăng? Là cái không của thọ, tưởng, hành, thức chăng? Vả lại sắc chẳng có thể giải đáp, thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng có thể giải đáp. Cái không của sắc chẳng có thể giải đáp; cái không của thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng có thể giải đáp. Vì sao? Này Xá Lợi Tử! Ta hoàn toàn chẳng thấy có pháp nào năng giải đáp, có pháp nào sở giải đáp; chỗ giải đáp, thời gian giải đáp và do đó mà giải đáp cũng đều chẳng thấy. Ta hoàn toàn chẳng thấy có pháp năng thọ ký, có pháp sở thọ ký, chỗ thọ ký, thời gian thọ ký và do đó mà được thọ ký cũng đều chẳng thấy. Vì bản tánh của tất cả pháp đều không, hoàn toàn không sở hữu, không hai, không phân biệt, rốt ráo suy vi chẳng thể nắm bắt được.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại hỏi đại Bồ-tát Từ Thị: Pháp mà Ngài đã nói có phải đúng như Ngài đã chứng chăng?

Đại Bồ-tát Từ Thị nói: Pháp mà Ta đã nói chẳng phải như pháp đã chứng. Vì sao? Này Xá Lợi Tử! Vì pháp mà Ta đã chứng là bất khả thuyết.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại nghĩ thế này: Đại Bồ-tát Từ Thị trí tuệ sâu rộng, tu tất cả pháp bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa viên mãn từ lâu, lấy vô sở đắc làm phương tiện. Đối với các câu hỏi, có thể giải đáp như thế.

Lúc bấy giờ, Phật bảo Xá Lợi Tử: Này Xá Lợi Tử! Theo ý ông thì sao, ông do pháp ấy mà chứng đắc quả A-la-hán, có thể thấy pháp này là có thể nói chăng?

Xá Lợi Tử đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy: này Xá Lợi Tử! Các pháp đã chứng của các đại Bồ-tát tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa cũng lại như vậy.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ-tát ấy chẳng nghĩ thế này: Ta do pháp này sẽ được thọ ký; ta do pháp này hiện được thọ ký; ta do pháp này đã được thọ ký. Chẳng nghĩ thế này: Ta do pháp này sẽ được chứng quả vị giác ngộ cao tột.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ-tát ấy tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa chẳng sanh do dự là ta đối với quả vị giác ngộ cao tột là đắc hay là chẳng đắc. Chỉ nghĩ thế này: Ta đối với quả vị giác ngộ cao tột nhất định sẽ chứng đắc.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ-tát ấy tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa, nghe pháp sâu xa, tâm vị ấy chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ đối với sự chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, cũng chẳng sợ sệt, quyết định tự biết là ta sẽ chứng đắc sở cầu là quả vị giác ngộ cao tột.

 

Tập 06

 Quyển 330

Phẩm Hạnh Nguyện 01

 

 

Bấy giờ, Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện: Này Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình bị đói khát bức bách, y phục rách rưới, đồ nằm thiếu thốn. Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để cứu vớt các loại hữu tình ấy, khiến họ lìa xan tham, không còn thiếu thốn. Đã nghĩ như vậy rồi phát nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc đến thân mạng, tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, mau chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, sẽ không có các loại hữu tình thiếu thốn các đồ dùng như thế. Như chúng trời Tứ-thiên-vương, trời Ba-mươi-ba, trời Dạ-ma, trời Đỗ-sử-đa, trời Lạc-biến-hóa, trời Tha-hóa-tự-tại thọ dụng các loại nhạc cụ thượng diệu, trong cõi Phật của ta, chúng sanh cũng được thọ dụng các thứ nhạc cụ thượng diệu như thế.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do bố thí Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình bị phiền não thiêu đốt, sát hại nhau, trộm cắp, dâm dục, tà hạnh, nói lời dối trá, nói lời thô ác, nói lời chia rẽ, nói lời hỗn tạp, phát khởi các thứ tham lam, sân giận, tà kiến. Do nhân duyên này, chết yểu, nhiều bệnh, nhan sắc tiều tụy, không có oai đức, của cải thiếu thốn, sanh vào nhà hạ tiện, thân thể xấu xí tật nguyền, hôi hám, nói ra điều gì không ai tin theo, nói năng thô tục, thân hữu trái ý, chia lìa; phàm trình bày điều gì thảy đều quê tục; xan tham, tật đố, ác kiến thiêu đốt, phỉ báng chánh pháp, chê bai Thánh Hiền.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy đã thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để cứu vớt các loại hữu tình như thế, khiến họ xa lìa các quả ác nghiệp, đã suy nghĩ rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hạnh tịnh giới Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, mau chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, sẽ không có các loại hữu tình có các quả ác nghiệp như thế. Tất cả hữu tình đều hành thập thiện, được sống lâu, hưởng quả báo thắng diệu.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, do tịnh giới Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu hành an nhẫn Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình giận dữ, mắng nhiếc, lăng nhục lẫn nhau, dùng dao gậy, ngói đá, côn quyền, đất cục v.v... tàn hại lẫn nhau cho đến mất mạng, nhất quyết không bỏ.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy đã thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để cứu vớt các loại hữu tình ấy, khiến họ xa lìa các việc ác như thế. Đã suy nghĩ rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành an nhẫn Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, mau chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có các loại hữu tình có ác nghiệp phiền não như thế. Tất cả hữu tình lần lần gần gũi nhau như cha mẹ, như anh em, như chị em, như nam nữ, như bạn bè thương yêu nhau, làm lợi ích cho nhau.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do an nhẫn Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu hành tinh tấn Ba-la-mật-đa, thấy các loài hữu tình, lười biếng, uể oải, chẳng siêng tinh tấn, xả bỏ ba thừa, cũng chẳng thường tu thiện nghiệp trời, người.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để cứu vớt các loại hữu tình như thế, khiến họ xa lìa biếng lười uể oải. Đã nghĩ như thế rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành tinh tấn Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, mau chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có các loại hữu tình biếng lười uể oải như thế, tất cả hữu tình đều tinh tấn dõng mãnh, siêng tu đường thiện và nhân Ba thừa, sanh vào cõi trời người, mau chứng giải thoát.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do tinh tấn Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu hành tịnh lự Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình tham dục, sân giận, hôn trầm, thùy miên, trạo cử, ác tác, nghi cái che lấp; thất niệm, phóng dật, đối với bốn tịnh lự và bốn vô lượng, bốn định vô sắc còn chẳng năng tu, huống là năng tu định để được xuất thế gian.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để cứu vớt các loại hữu tình như thế, khiến họ xa lìa các thứ che lấp, tán loạn, lay động. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành tịnh lự Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, mau chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có các loại hữu tình đủ các thứ che lấp, tán loạn, lay động như thế. Tất cả hữu tình tự tại du hý trong các loại định tịnh lự, vô lượng, vô sắcv.v...

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do tịnh lự Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình ngu si, ác tuệ; đối với chánh kiến thế và xuất thế đều mất, bát cho là không có nghiệp và nghiệp quả thiện ác, chấp đoạn, chấp thường, chấp một, chấp khác, câu, chẳng câu v.v... đủ các loại tà pháp.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát, thấy việc này rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm gì để cứu giúp các loại hữu tình như thế, khiến xa lìa ác kiến, tà chấp. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, mau chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có các loại hữu tình có ác tuệ, tà chấp như thế; tất cả hữu tình thành tựu chánh kiến, đủ các loại diệu tuệ, đầy đủ ba minh.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình có ba nhóm sai biệt: Một là nhóm tà định, hai là nhóm chánh định, ba là nhóm bất định.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta nên dùng phương tiện như thế nào để cứu giúp các loại hữu tình, khiến xa lìa nhóm tà định và bất định. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có nhóm tà định và bất định. Các loại hữu tình cũng không có đủ cả ba nhóm tên gọi như thế, tất cả hữu tình đều chỉ có nhóm chánh định thôi.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mà chóng được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu hành đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình đọa trong ba đường ác: Một là địa ngục, hai là bàng sanh, ba là quỷ giới.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để cứu giúp các loại hữu tình như thế, khiến họ vĩnh viễn xa lìa cái khổ của ba đường ác. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, cũng không có tên của ba đường ác như thế. Tất cả hữu tình đều gồm thâu trong đường thiện.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình, do nghiệp chướng ác, chỗ ở trên quả đất cao thấp chẳng bằng, gò, đồi, khe, hầm, cỏ dại, cây trụi, gai gốc nhọn độc, dẫy đầy đồ bất tịnh.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để cứu giúp các loại hữu tình như thế, khiến họ vĩnh viễn diệt các nghiệp chướng ác, chỗ ở đất bằng như bàn tay, không có các loại cỏ dại, cây trụi v.v... Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có các đại địa do nghiệp cảm uế tạp như thế. Nơi ở của hữu tình đất đai bằng phẳng, vườn rừng ao suối, các hương hoa vi diệu, xen lẫn trang nghiêm, rất dễ ưa thích.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình, vì phước đức cạn mỏng nên chỗ ở trên địa cầu, không có các trân bảo, chỉ có các loại đất, đá, ngói gạch.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào cứu giúp các loại hữu tình nhiều tội, ít phước như thế, khiến chỗ ở của họ có nhiều châu báu. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi nước của ta không có các loài hữu tình nhiều tội ít phước như thế, mà có cát vàng rải đất, khắp nơi đều có ngọc phệ lưu ly v.v… các loại ngọc kỳ lạ, vi diệu các hữu tình thọ dụng mà không nhiễm trước.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình khi thâu nhận cái gì đều sanh luyến trước, khởi các việc ác.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào để cứu giúp các loại hữu tình thâu nhận điều ác như vậy, khiến họ vĩnh viễn xa lìa ác nghiệp luyến trước. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta không có các loại hữu tình thâu nhận các điều ác như thế; tất cả hữu tình đối với các cảnh sắc v.v… hoàn toàn không thâu nhận, chẳng sanh luyến trước.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình có bốn dòng dõi quý tiện sai biệt: Một là Sát-đế-lợi, hai là Bà-la-môn, ba là Phệ-xá, bốn là Thú-đạt-la.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta phải dùng phương tiện thế nào để cứu giúp các loại hữu tình, khiến không có bốn dòng dõi quý tiện sai biệt như thế. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta không có bốn dòng dõi quý tiện sai biệt như thế; tất cả hữu tình đồng một dòng dõi, thảy đều tôn quý, thuộc về loài người.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình có gia tộc thượng, trung, hạ sai biệt.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta phải dùng phương tiện như thế nào để cứu giúp các loại hữu tình, khiến không có gia tộc bậc thượng, trung, hạ sai biệt. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có gia tộc bậc thượng, trung, hạ sai biệt, tất cả hữu tình đều đồng bậc thượng.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình đẹp đẽ, xấu xí, hình sắc sai biệt.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc ấy rồi, nghĩ thế này: Ta phải dùng phương tiện như thế nào để cứu giúp các loại hữu tình, khiến không có hình sắc sai biệt như thế. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có các loại hữu tình có hình sắc sai biệt như vậy. Tất cả các hữu tình đều là sắc vàng ròng, đẹp đẽ tuyệt vời, ai cũng ưa nhìn, thành tựu sắc thân viên mãn thanh tịnh đệ nhất.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.

 

Quyển thứ 330

Hết

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/03/2023(Xem: 2908)
HOÀ thuận an yên hướng tĩnh tâm THƯỢNG cầu Phật đạo hoá mê nhân TRÍ tuệ thâm uyên kinh luật dịch TỊNH tu thiện nghiệp thoát mê trầm.
23/02/2023(Xem: 6707)
Xuất gia thọ giới tại Kỳ Viên Tăng thống ân sư pháp nhũ truyền Vạn Hạnh nghiên tầm kinh bối diệp Huyền Không gầy dựng pháp môn thiền Thư Thầy bút lực thơm hương đạo Thực Tại tâm nguyền rạng sắc liên Tuổi hạc ung dung trao diệu nghĩa Viên Minh Hoà Thượng đức ngời thiên.
16/02/2023(Xem: 2609)
Khi vua Trung Tông Lê Duy Thuyên băng hà không có con kế vị, Trịnh Kiểm muốn lên ngôi vua nhưng sợ hai người em vợ là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng là con của tướng quân An thành hầu Nguyễn Kim tranh giành quyền lực với mình nên tìm cách giết Nguyễn Uông đi. Nguyễn Hoàng lo sợ nên cho người tham vấn với Nguyễn Bỉnh Khiêm là người thông thái Kinh Dịch và am tường Phật Học.
16/02/2023(Xem: 2542)
Hòa thượng thế danh là Hồ Đắc Chương, pháp danh Nguyên Minh, Đạo hiệu Thích Phước Đường, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1932 (Nhâm Thân) tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên – Huế
14/02/2023(Xem: 2593)
Tôi xin phép được chia sẻ với quí vị một số nhận xét và cảm nghĩ về công trình giảng dạy về Phật pháp của ThầyThiện Châu, trong khoảng thời gian 32 năm, từ 1966 tới 1998, tại Âu châu.
14/02/2023(Xem: 2260)
Con về đến Trúc Lâm thứ ba, trưa ngày 18.7. 2017 trời nắng gắt, hình bóng Thầy đâu không thấy chỉ thấy hai chiếc xe hoa đã kết sẵn để đưa Thầy đến nơi làm lễ Trà Tỳ, tim con như tan nát thành mảnh vỡ. Trời ơi! Có thể như vậy được sao? Suốt quãng đường dài từ Đức qua Pháp con chỉ mong sao đây không phải là sự thực, con không muốn tin dẫu biết rằng thế gian vô thường, tất cả rồi sẽ tan hòa vào vũ trụ.
09/01/2023(Xem: 3525)
Vào sáng thứ bảy ngày 07/01/2023, chùa Phổ Từ tọa lạc tại số 17327 Meekland Avenue, thành phố Hayward, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tiểu tường cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chánh điện. Thiền sư Thích Nhất Hạnh - nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, học giả, sử gia và nhà hoạt động hòa bình, đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế, Việt Nam ngày 22 tháng 01 năm 2022. Nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức, tình thương cao rộng của Sư Ông Làng Mai qua nhiều năm giảng dạy thiền quán; với công trình trước tác, phiên dịch kinh sách to lớn; chùa Phổ Từ đã tổ chức Lễ tưởng niệm cố Thiền sư vào ngày 29/01/2022; ngày 30/01/2022; Lễ Chung thất - tưởng niệm vào ngày 13/3/2022.
26/12/2022(Xem: 3011)
Thầy chào đời cuối Đông. Phủ Xuân Trường, Nam Định. Đất Bắc Hà - Thăng Long. Ngàn năm xưa hưng thịnh. Lập chí nguyện xuất trần, Thuở đồng chơn nhập đạo. Cội Đức Nhuận thắm nhuần. Đượm hồng ân Tam bảo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]