Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổ Sư Minh Đăng Quang, chiếc bóng bên trời trăng khuyết

26/02/201410:01(Xem: 13905)
Tổ Sư Minh Đăng Quang, chiếc bóng bên trời trăng khuyết

To su minh dang quang

Bài tham luận Hội Thảo “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”

TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

CHIẾC BÓNG BÊN TRỜI TRĂNG KHUYẾT



Tổ sư Minh Đăng Quang sinh ra (năm Quý Hợi 1923) và lớn lên trong giai đoạn đất nước nói chung và Nam Kỳ Lục Tỉnh nói riêng, công cuộc chiếm cứ, thực hiện kế sách bảo hộ lâu dài của thực dân Pháp đã đi vào thế ổn định, và đang tự tin cho bước phát triển tiếp theo tưởng chừng mạnh mẽ ấy. Bởi lẽ trước đó hai năm ( năm Canh Thân 1920) quan toàn quyền Maurice Long đã thành lập Hội Đồng Thuộc Địa Nam Kỳ, còn được gọi là Hội Đồng Quản Hạt (Conseil Colonial) mà cũng là nơi tranh nhau quyền lợi giữa các nhóm làm ăn người Hoa, người Pháp cũng như các ông tư sản của chính vùng đất Nam Kỳ. Thật ra, trên bình diện chung, thời điểm này được xem là giai đoạn chuẩn bị tuột dốc, để không lâu sau đó, cao trào tự chủ, độc lập dân tộc khắp nơi trên thế giới đã thổi làn gió tích cực đến nhiều giới sĩ phu, nông dân yêu nước Việt nam mạnh mẽ và rất quyết liệt, làm lung lay chế độ thực dân mà Pháp đã dày công củng cố nhiều mặt và nuôi giấc mộng chiếm ngự lâu dài.

Đọc lại những trang sử ố vàng theo thời gian trong giai đoạn này, chúng ta không khó khăn lắm bắt gặp hình ảnh Phật giáo nằm khép sâu trong mớ tro bụi ấy rất cũ kỹ, rất cổ xưa và nói chính xác hơn không có sự sống. Phải đợi gần mười năm sau đó nữa, chư Tôn Đức tài ba mới dấy động thành công phong trào chấn hưng Phật giáo khắp ba kỳ rực rỡ. Điều rất dễ nhận ra lý do tại sao là: khi đất nước nguy vong, đạo pháp cũng không an ổn, có những Tăng Ni Phật tử, phải “cởi áo cà sa khoát chiến bào” lên đường cùng đoàn quân chống ngoại xâm. Và tất nhiên chúng ta không thể quên còn có lý do to lớn nhất: thực dân Pháp đã thành công trong việc đẩy lùi Phật giáo vào chốn thâm sâu cô tịch, biến giới Tăng sĩ thành những ông Thầy chùa làng ít học và Phật tử có chăng chỉ là thành phần có việc ma chay phải tống táng, mới đến chùa cúng bái. Những dòng chữ lịch sử u buồn này được nhà viết sử Vân Thanh mô tả như sau “Phật giáo thời bấy giờ cùng chung số phận ấy, mất chủ quyền dân tộc, giáo quyền đạo Phật bị chà đạp trắng trợn hơn bao giờ hết (các Sư phải nộp thuế thân, phải đi lính cho thực dân Pháp, chẳng được tự do truyền đạo như bên Thiên Chúa v.v...)Tình trạng khốn đốn của Phật giáo trong buổi này chẳng khác nào đóng cửa để chờ chết vì chẳng còn hệ thống(đoàn thể) tổ chức như trước kia, nguyên do thực dân Pháp cố tình cắt đứt sự tổ hợp của Phật giáo buổi này, chúng sợ dân ta trá hình là Phật giáo để rồi chống đối chúng, nên mọi hình thức của Phật giáo bị làm tê liệt cả.Trong tăng giới thời này chẳng biết làm gì hơn trước sự dòm ngó theo dõi của thực dân, nên sự sống hết sức rời rạc vô tổ chức”(trích trang 189-190, LKPGS, giấy phép số 929/72/PTUVK SALP/TP 27.6.1974 ). Đó cũng được coi là hình ảnh tiêu biểu nhất thời mất nước của Phật giáo trong mọi thời kỳ.


Đời gặp thuở can qua chinh chiến
Sống những ngày nguy biến kinh tâm
Kéo dài thê thảm nhiều năm
Đầy trời sát khí cõi âm hiện hình!
Kẻ thác đi hồn linh tức tưởi
Người sống còn rũ rượi sầu thương
Kể đâu hết khúc đoạn trường
Bàn tay ác liệt vô thường gây nên?

(Trích Kinh Nguyện Hòa Bình VII)


Chiến tranh, loạn lạc, đói kém là một trong những động tố xô đẩy tinh thần con người ta ngả nghiêng lắm bận, nhưng cũng như tâm tư ông Tộc Đầu Sư (đạo Cao Đài) Nguyễn Văn Ngợi (1900-1988) ở miệt Tam Bình,Vĩnh Long, cùng quê hương chào đời của Tổ Sư Minh Đăng Quang; Tăng Ni Phật tử thời bấy giờ cũng cùng chung tâm nguyện thiết tha:

Chẳng bỏ lời thế nơi Phật cảnh
Không quên tiếng nguyện chốn non xanh.

Có thể nói, ở Lục Tỉnh Nam Kỳ thời bấy giờ, ngoại trừ các tín ngưỡng mang tính chất thuần túy tôn giáo, còn lại không ít các tổ chức chính trị của nhiều xu hướng, thành phần khác nhau, đua nhau ra đời nhưng trước tiên đều trang bị vỏ bọc hình thái một tín ngưỡng; đặc biệt càng huyền bí càng dễ thu phục quần chúng, vì rất phù hợp với đa số người bình dân và bộ phận sống trong sự u uất, bế tắc trước nạn đao binh do thực dân Pháp gây ra; từ đó, dần dà biến thành lực lượng hậu thuẩn cho quan điểm đấu tranh của mình.

Với Phật giáo, tinh thần nhập thế rất rõ ràng, nếu không thể chuyên tâm tu hành thì dũng cảm lên đường gia nhập hàng ngũ chống giặc, không hề phạm phải một giới luật chi. Vì thế trong chiều dài lịch sử hòa mình cùng dân tộc, Phật giáo vẫn đứng trụ vững ở một nơi cao nhất trong lòng dân tộc, chưa hề có một tỳ vết hoen ố trong tinh thần chống ngoại xâm.

Những Bửu Sơn Kỳ Hương ( Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807- 1856); Tứ Ân Hiếu Nghĩa ( Bổn sư Ngô Lợi (?-1880). Trong giới Cư sĩ thì có các tổ chức như Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội ( Cư sĩ Nguyễn Văn Bồng (1886-1958); Ngũ Minh Chi Đạo (Đạo Minh Sư do các Cư sĩ Minh Sư, Minh Lý, Minh Đường, Minh Thiện, Minh Tấn) v.v… Đó là những chứng minh tinh thần Phật giáo biết phân thân đi vào từng ngỏ vắng trần đời để trụ vững và tồn tại.

Còn có Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo chính đáng dựa vào nền tảng Phật Đà nhưng có một lối tư duy độc lập, rẽ hướng song hành cùng các tông phái, tổ chức Phật giáo thời bấy giờ trên con đường phát triển và hóa đạo. Và Phật giáo Hòa Hảo từ nền tảng khế lý, khế cơ của mình đã tỏ ra rất phù hợp với đa số cư dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, gặt hái được những thành tựu đáng kể.


Khi đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng nền đạo Phật giáo Hòa Hảo, (năm Kỷ Mão 1939), thì Tổ Sư Minh Đăng Quang trong độ tuổi trăng tròn và đang nuôi chí xuất trần nơi xứ Cao Miên (Campuchia).

Thiếu niên ngày nọ lìa nhà
Vượt biên giới Việt-Miên xa dặm ngàn.
“Lên non tìm động hoa vàng…”
Tầm sư học đạo chốn Nam Vang thành…
(Trích Thi Hóa-nhà thơ Trụ Vũ)


Như vậy, những Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật Giáo Hòa Hảo phần nào cũng có ý nghĩa tác động ban đầu trong ý chí tầm đạo của Tổ Sư Minh Đăng Quang, để sau này, khi hình thành nên mối đạo, trở nên một tông phái Phật giáo bản xứ, Phật giáo Khất Sĩ đã vận dụng thành công tư tưởng Phật Đà trong các nguồn Kinh Luật Luận của cả Bắc và Nam Tông, tạo nên sắc thái riêng biệt mà không xa rời ngôi nhà chung Phật học với phương châm: NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP.

Từ Bi là gốc Như Lai
Cảm thương thân phận những ai đọa đày
(Trích Thi Hóa đã dẫn)

Nếu như chúng ta trân trọng, thán phục khai sáng của đức Huỳnh Phú Sổ, đã chắt lọc khôn khéo tư tưởng Phật học, hình thành nên lối hành đạo và hóa đạo độc lập, mang một luồng gió mới đến với mọi người bao nhiêu thì càng thêm kính phục bấy nhiêu quá trình tu học và thành lập hệ phái Khất Sĩ của Tổ Sư Minh Đăng Quang. Sự hình thành và tồn tại, luôn phát triển của hệ phái Phật giáo đặc biệt này, đã nói lên được giá trị đích thực cũng như kết quả đúng theo tâm nguyện khi xưa kia Tổ Sư Minh Đăng Quang đã mở đường khai lối.

Phật giáo Khất Sĩ được khai sinh trong bối cảnh đất nước đang hồi nghiêng ngửa như thế, cho nên Tổ Sư Minh Đăng Quang luôn thao thức về sự bình đẳng trong tha nhơn, sự bình an trong cuộc sống của dân tộc mình, từ đó mới có thể nghỉ đến bước phát triển tiếp theo. Vì vậy, trong bộ Chơn Lý, phần gần cuối chúng ta sẽ bắt gặp hệ tư tưởng Hòa Bình bằng sáu phần khúc giải rất thâm sâu. Như đọạn đầu trích dẫn bài kinh Nguyện Hòa Bình VII trên. Ở đó nói lên khái niệm Hòa Bình trong phạm trù nghịch chiến tranh, tác nhân của phần lớn khổ đau mang tính chất cộng nghiệp của một dân tộc, một địa phương hay một nhóm xã hội. Những phần kế tiếp là Hòa Bình trong từng công hạnh tu tập mỗi thành tố Khất Sĩ, trong giao tiếp với tha nhân. Trong đó đặc biệt còn nêu cao vai trò gắn kết giữa gia đình và xã hội chung quanh.

Cõi bình đẳng về sắc thân không ai hơn kém, chỉ dùng đức hạnh làm cây thước, để đo trình độ thấp cao. Trong đạo cả thảy sự sống như nhau, một tiếng Khất Sĩ như nhau. Cõi không hình phạt, không quyền, không trị, chỉ có một sự dạy, mà tất cả được yên.

Giữa cõi đời chết khổ, Khất Sĩ là chất nhựa sống, gắn liền các khối chia rẽ riêng tư. Khất sĩ là con đàng chơn lý võ trụ, đúng theo trung đạo ánh sáng, không thiên về một bên lề mé, Khất sĩ tượng trưng giáo lý đại đồng.

Cái sống là đang sống chung,
Cái chết là đang học chung
Cái linh là đang tu chung.
(Trích Hòa Bình-Đoàn Du Tăng-Bình Đẳng Vô Trị)

Dựa vào tiêu chí chư Tổ Sư từ ngàn xưa, trong tinh thần:

Nhất bán thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Dục cùng sanh tử lộ
Khất hóa độ xuân thu.

Phật giáo Khất Sĩ cũng tuân thủ bốn tiêu chí chặt chẽ, rất đáng kính trọng, nhưng cũng rất cởi mở:

- Người tu khất thực chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp giới bổn thì được ăn ở chùa.
- Người tu khất thực chỉ lượm những vải bỏ mà khâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.
- Nguời tu khất thực chỉ nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.
- Người tu khất thực chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có cúng thuốc đường dầu thì được dùng.

Với tư tưởng, chủ trương đứng đắn, Phật giáo Khất Sĩ đã nhanh chóng được nhiều tầng lớp tiếp nhận, chung tay vun bồi nền đạo, Sau ba năm khai sáng, Tổ Sư Minh Đăng Quang mới tiếp nhận người đệ tử đầu tiên là sư Từ Huệ, và một năm sau đó( năm Mậu Tý-1948), Phật giáo Khất Sĩ đã có mặt và phát triển tại Sài gòn.

Sài gòn hoa lệ từ xưa
Trăng phơi cánh mộng, gió đưa điệu đàng
Một ngày kia, dưới nắng vàng
Bỗng trang nghiêm hiện một đoàn du Tăng
Dân thành thị những băn khoăn:
Họ là ai? Xin thưa rằng: Họ đây
Là môn đệ của Đức Thầy
Minh Đăng Quang- chiếu tự rày mười phương…

(Trích Thi Hóa của nhà thơ Trụ Vũ)

Từ đây Phật Giáo Khất Sĩ đã hòa mình vào vận mệnh chung của Đạo Pháp, làm sáng đẹp thêm ngôi nhà chung Phật Giáo Việt Nam.

THAY LỜI KẾT

Cho đến tận hôm nay. Tròn sáu mươi năm. Kể từ buổi chiều ngày 30 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954), tại Tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc), dưới tán cây bã đậu, Tổ Sư Minh Đăng Quang nói lời từ tạ chúng đệ tử để vào “núi lửa” tĩnh tu; ngày Vị Tôn Sư khả kính của Phật giáo Khất Sĩ nói riêng và vị danh Tăng của Phật giáo Việt nam nói chung, đã hoàn toàn vắng bóng tôn nhan, để lại con lộ hóa đạo thênh thang cùng với sự phát triển hanh thông theo ước nguyện của người mà chúng đệ tử luôn hãnh diện và luôn đau đáu dõi trông hướng trời vô định, vẫn đinh ninh một ngày nào đó vị Tổ Sư sẽ về lại với mình. Để vầng trăng thanh được tròn vạnh giữa đêm rằm dân tộc, ấm cúng bao mối đạo tình mà ngày xưa lao nhọc xả thân tìm cầu mới có được; và cũng để những dòng sử liệu sau cùng về tiểu sử đời Ngài lẫn Đạo Phật Khất Sĩ không còn phải dùng đến cụm từ: NGÀY ĐỨC TÔN SƯ VẮNG BÓNG. Ngày đó, cùng với cụm từ này, tuy được cho là “Kỷ Niệm” nhưng thật sự đó chính là ngày giỗ kỵ tạm ước mà chúng đệ tử phải đành lòng ngậm ngùi tưởng nhớ.


Năm Giáp Ngọ
Đầu tháng hai,
Vĩnh Long hoa nở đón người vân du
Khi qua thuyền tới Cần Thơ
Bỗng đâu nhận được “lệnh” từ cấp trên
Một xe vào cõi “U huyền”,
Ai hay địa ngục giữa miền dương gian
Tuồng đời hợp hợp tan tan
Ngắm tranh vân cẩu đôi hàng lệ sa
Đêm xuân tủi bóng trăng tà
Đêm thu tủi ngọn đèn hoa vơi dầu.
Bây giờ Phượng ở nơi đâu?
Bóng chim tăm cá biển sâu sông dài
Đã đành thường trụ Như Lai
Đã đành pháp tánh ở ngoài sắc không
Đã đành gương chiếu hoa lồng
Đã đành đành vậy, mà lòng…vẫn đau….

(Trích Thi Hóa của nhà thơ trụ Vũ)



DƯƠNG KINH THÀNH
Trung Tâm Nghiên cứu Phật Giáo Việt nam
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam




Hoi_Thao_to_su_Minh_Dang_Quang


Hoi_Thao_to_su_Minh_Dang_Quang_DKTCư Sĩ Dương Kinh Thành



----------------------
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/07/2022(Xem: 4339)
Do duyên lành đưa đẩy tôi mới quyết định xuống Chùa Tổ Viên Giác tại Hannover để dự lễ Khánh Tuế lần thứ 73 của Sư Ông Viên Giác vào ngày 28 tháng 6 năm 2022, mặc dù tôi chẳng được mời! Nhưng dù sao tôi cũng là đệ tử của Sư Ông, nhớ ngày sinh nhật của Sư Phụ đến chúc thọ cũng phải đạo.
02/07/2022(Xem: 3525)
Gần đây trên trang nhà Quảng Đức xuất hiện một tuyển tập thơ Bồ Đề gồm nhiều bài thơ tự cảnh tỉnh mình với bút hiệu Chiêu Đề, Thôi kệ, Tát Bà Ha từ HT Thích Đồng Bổn … khiến người viết có chút thắc mắc vì chỉ mới vài năm trước đây mỗi khi muốn tìm tiểu sử một nhân vật Phật Giáo VN nào trong thế kỷ 20 ( danh tăng) tôi thường tìm kiếm trên mạng để rồi download PDF mà tìm hiểu thêm và đã biết đến tiểu sử của Ngài qua mục tác giả của Trang nhà Quảng Đức, theo đó tôi được ghi lại như sau:
29/06/2022(Xem: 7213)
Hơi Thở, Đường Dẫn Đến Chánh Niệm (Bài viết của TT Nguyên Tạng tưởng niệm Sư Ông Làng Mai, do Ca Nhạc Sĩ Thùy Linh diễn đọc)
27/06/2022(Xem: 3686)
Thông báo về Lễ Bách Nhật và Lễ Nhập Bảo Tháp HT Thích Đỗng Tuyên tại Tu Viện Quảng Hương, Già Lam, Sài Gòn (28/6/2022)
25/06/2022(Xem: 6034)
Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, thế danh là Nguyễn văn Đồng, sanh năm Kỹ tỵ ( 1928 ) tại thành phố Cần Thơ, miền Nam Việt Nam. Thân phụ là ông Nguyễn văn Ngô, một nhà nho và cũng là một nhạc sĩ cổ nhạc . Thân mẫu là cụ bà Nguyễn thị Hương, Tỳ kheo ni Như Quả, thọ giới Cụ Túc năm 1968 tại đại giới đàn chùa Từ Nghiêm.. Gia đình có hai anh em, người em trai thế danh là Nguyễn Thanh Vân hiện cư ngụ tại Sàigòn
07/05/2022(Xem: 5586)
Đến ngày mùng 8 tháng 12 năm 1986, ngày lễ Đức Phật thành đạo thì Thầy được chính thức xuất gia tại Thiền viện Thường Chiếu. Hòa Thượng Bổn Sư là thượng Thanh hạ Từ cho pháp danh là Thích Tuệ Hải.
03/05/2022(Xem: 7010)
Ngài Thông Ân nghe Thiền sư đến xứ Bàu Trâm, liền thỉnh Sư về chùa Kim Quang xin truyền Cụ túc Tỳ khưu và Bồ tát giới cho Ngài, được ban Pháp hiệu là Hữu Đức vào năm 1847. Lúc ấy Thiền sư Bảo Tạng 30 tuổi và Ngài Hữu Đức 36 tuổi. Sau đó thầy trò chia tay. Ngài Thông Ân rời Bàu Trâm đến xứ Bàu Siêu, dân làng nghe được liền kéo đến tấp nập cầu xin trị bệnh và lập chùa Kỳ Viên cho Ngài trú trì.
02/05/2022(Xem: 6474)
Ni trưởng Thích nữ Như Ngọc, thế danh Chế Thị Gi, sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Thuở nhỏ, Ni trưởng vừa học trường làng vừa theo học Hán - Nôm với Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Phước, chùa Phước Ân. Bào tỷ của Ni trưởng tân viên tịch là cố Trưởng lão Ni Như Hoa, người đã hướng dẫn em gái mình đến tổ đình Kim Huê đảnh lễ ngài Luật sư Thích Chánh Quả cầu xin xuất gia tu học Phật pháp và được Hòa thượng bổn sư ban pháp danh Giác Ngọc.
26/04/2022(Xem: 4763)
Hòa thượng tu tập theo pháp môn trì danh niệm Phật, thường là mật niệm và thường hành trì thần chú Chuẩn đề. Khiêm cung và hỷ xả là một trong những hạnh mà Hòa thượng thực hành rất miên mật, nên trong ứng xử hàng ngày Hòa thượng thường thể hiện tâm kính trên nhường dưới, vì vậy mà rất được mọi thành phần từ Tăng sĩ đến xã hội phần nhiều đều thương quý.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]